SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐẮK LẮK
ĐỀ SỐ 10 (Đề gồm có 02 trang) |
ĐỀ THAM KHẢO ÔN THI TỐT NGHIỆP
TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NĂM 2021 Môn: Ngữ văn Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề |
- ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích:
Bất kỳ một quan điểm nào cũng có thể thay đổi, điều quan trọng là bạn có “muốn” thay đổi hay không mà thôi. Mọi thứ không bỗng dưng mà có, thái độ cũng vậy. Để có một thái độ sống đúng đắn, trước tiên ta cần hình thành nó, rồi dần dần phát triển lên, biến nó thành tài sản quý giá cho bản thân.
Một số người từ chối việc thay đổi, họ cho rằng “Tôi đã quen sống như thế này từ nhỏ, thay đổi chỉ làm cho cuộc sống thêm rắc rối mà thôi!” hoặc “Cha mẹ sinh mình ra thế nào thì cứ để thế ấy, thay đổi làm gì cho mệt!”. Bạn cần biết rằng, không bao giờ là quá trễ cho một sự thay đổi. Nhờ thay đổi, con người mới có những bước tiến vượt bậc. Không chấp nhận thay đổi, cuộc sống của bạn sẽ trở nên nghèo nàn, thậm chí bạn sẽ gặp những rác rối lớn. Bạn gọi một cái cây không đâm chồi nẩy lộc, không ra hoa kết trái là gì? Đó chẳng phải là “cây chết” hay sao? Con người chúng ta cũng vậy! Cuộc sống sẽ luôn được vận hành tốt nếu ta không ngừng hoàn thiện bản thân.
Những ai không chịu thay đổi cho phù hợp với biến cố cuộc đời sẽ chẳng thể nào thích nghi được với hoàn cảnh. Có thể họ vẫn hiện hữu nhưng trong cuộc sống của họ sẽ bị tách biệt, không bắt nhịp được với đồng loại của mình.
(TheoThái độ quyết định thành công, Wayne Cordeiro,
NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2016, tr.34)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Chỉ ra hai thao tác lập luận được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 2. Theo tác giả, tại sao một số người từ chối việc thay đổi?
Câu 3. Anh/Chị hiểu như thế nào về những rắc rối lớn khi con người không chấp nhận thay đổi?
Câu 4.Anh/Chị hãy chỉ ra một số bước tiến vượt bậc của nhân loại mà con người buộc phải thay đổi cách sống và làm việc.
- LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Từ nội dung văn bản phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về những điềucần thay đổi ở thanh niên Việt Nam hiện nay trong việc trở thành công dân toàn cầu.
Câu 2. (5,0 điểm)
[…] Người đàn bà bỗng chép miệng, con mắt như đang nhìn suốt cả đời mình:
– Giá tôi đẻ ít đi, hoặc chúng tôi sắm được một chiếc thuyền rộng hơn, từ ngày cách mạng về đã đỡ đói khổ chứ trước kia vào các vụ bắc, ông trời làm động biển suốt hàng tháng, cả nhà vợ chồng con cái toàn ăn cây xương rồng luộc chấm muối…
– Lão ta trước hồi bảy nhăm có đi lính ngụy không? – Tôi bỗng hỏi một câu như lạc đề.
– Không chú à, cũng nghèo khổ, túng quẫn đi vì trốn lính – bỗng mụ đỏ mặt – nhưng cái lỗi chính là đám đàn bà ở thuyền đẻ nhiều quá, mà thuyền lại chật.
– Vậy sao không lên bờ mà ở – Đẩu hỏi.
– Làm nhà trên đất ở một chỗ đâu có thể làm được cái nghề thuyền lưới vó? Từ ngày cách mạng về, cách mạng đã cấp đất cho nhưng chẳng ai ở, vì không bỏ nghề được!
– Ở trên thuyền có bao giờ lão ta đánh chị không? – Tôi hỏi.
– Bất kể lúc nào thấy khổ quá là lão xách tôi ra đánh, cũng như đàn ông thuyền khác uống rượu… Giá mà lão uống rượu… thì tôi còn đỡ khổ… Sau này con cái lớn lên, tôi mới xin được với lão… đưa tôi lên bờ mà đánh…
– Không thể nào hiểu được, không thể nào hiểu được! – Đẩu và tôi cùng một lúc thốt lên.
– Là bởi vì các chú không phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông…
– Phải, phải, bây giờ tôi đã hiểu, – bất ngờ Đẩu trút một tiếng thở dài đầy chua chát, – trên thuyền phải có một người đàn ông… dù hắn man rợ, tàn bạo?
– Phải – Người đàn bà đáp – Cũng có khi biển động sóng gió chứ chú?
Lát lâu sau mụ lại mới nói tiếp:
– Mong các chú cách mạng thông cảm cho, đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con nhà nào cũng trên dưới chục đứa. Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ. Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được! Mong các chú lượng tình cho cái sự lạc hậu. Các chú đừng bắt tôi bỏ nó! – Lần đầu tiên trên khuôn mặt xấu xí của mụ chợt ửng sáng lên như một nụ cười – vả lại, ở trên chiếc thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hòa thuận, vui vẻ.
– Cả đời chị có một lúc nào thật vui không? – Đột nhiên tôi hỏi.
– Có chứ, chú! Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no…
(Trích Chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu, Ngữ văn 12, Tập hai,
NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr.75-76)
Cảm nhận của anh/chị về nhân vật người đàn bà hàng chài trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét về tình cảm nhân đạo mà nhà văn dành cho nhân vật của mình.
.…….….. HẾT….………
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐẮK LẮKĐỀ SỐ 10
|
ĐỀ THAM KHẢO ÔN THI TỐT NGHIỆP
TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NĂM 2021 Môn: Ngữ văn Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề |
ĐÁPÁN – THANG ĐIỂM
(Đáp án – Thang điểm gồm có 03 trang)
Phần | Câu | Nội dung | Điểm |
I | ĐỌC HIỂU | 3,0 | |
1 | Hai thao tác lập luận: Phân tích, Bình luận | 0,5 | |
2 | Theo tác giả, một số người từ chối việc thay đổi vì họ cho rằng: Tôi đã quen sống như thế này từ nhỏ, thay đổi chỉ làm cho cuộc sống thêm rắc rối mà thôi! hoặc Cha mẹ sinh mình ra thế nào thì cứ để thế ấy, thay đổi làm gì cho mệt! | 0,5 | |
3 | Những rắc rối lớn khi con người không chấp nhận thay đổi có thể được hiểu là những khó khăn, phiền hà mà con người gặp phải khi không chấp nhận thay đổi, chẳng hạn như sự tụt hậu so với người khác, sự thiếu hụt kiến thức và kĩ năng do không chịu học hỏi và bồi đắp… | 1,0 | |
4 | Một số bước tiến vượt bậc của nhân loại mà con người buộc phải thay đổi cách sống và làm việc: Sự phát triển của Internet, cuộc cách mạng công nghệ 4.0, “Trí thông minh nhân tạo”… | 1,0 | |
II | LÀM VĂN | 7,0 | |
1 | Viết một đoạn văn trình bày suy nghĩ về những điềucần thay đổi ở thanh niên Việt Nam hiện nay trong việc trở thành công dân toàn cầu | 2,0 | |
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn nghị luận 200 chữ
Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, song hành hoặc móc xích. |
0,25 | ||
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Những điều cần thay đổi ở thanh niên Việt Nam hiện nay trong việc trở thành công dân toàn cầu. | 0,25 | ||
c. Triển khai vấn đề nghị luận
Học sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ được những điều cần thay đổi ở thanh niên Việt Nam hiện nay trong việc trở thành công dân toàn cầu và đưa ra các lí lẽ bảo vệ quan điểm. Có thể theo hướng sau: – Để trở thành công dân toàn cầu, thanh niên Việt Nam cần trang bị khả năng sử dụng thông thạo ít nhất một ngoại ngữ quốc tế (tiếng Anh, tiếng Pháp…) để hội nhập. – Để hòa mình vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0, thế hệ trẻ Việt Nam cần tăng cường khả năng tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ, trang bị tốt kiến thức cả về chuyên môn lẫn văn hóa, cũng như rèn luyện tư duy phản biện; rèn kĩ năng giao tiếp và khả năng thích ứng với một thế giới liên tục thay đổi… |
1,0 | ||
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt |
0,25 | ||
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắcvề vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ |
0,25 | ||
2 | Cảm nhận về nhân vật người đàn bà hàng chài trong đoạn trích; nhận xét về tình cảm nhân đạo mà nhà văn dành cho nhân vật của mình | 5,0 | |
a.Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kếtbài khái quát được vấn đề. | 0,25 | ||
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Nhân vật người đàn bà hàng chài; nhận xét về tình cảm nhân đạo của của nhà văn dành cho nhân vật người đàn bà hàng chài. | 0,5 | ||
c.Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm: Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau: | |||
* Giới thiệu khái quát: tác giả Nguyễn Minh Châu, truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, đoạn trích và vấn đề cần nghị luận | 0,5 | ||
* Cảm nhận nhân vật người đàn bà hàng chài trong đoạn trích
– Số phận cuộc đời nghèo khổ, bất hạnh, nhiều bi kịch, … – Vẻ đẹp tâm hồn: tấm lòng nhân hậu, vị tha; giàu đức hi sinh và rất mực thương yêu con; người phụ nữ thấu trải sâu sắc lẽ đời; khát khao và chắt chiu hạnh phúc… – Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện độc đáo, hấp dẫn; nghệ thuật miêu tả tính cách nhân vật; ngôn ngữ tự sự linh hoạt, sáng tạo, giàu cảm xúc… * Nhận xét về tình cảm nhân đạo của nhà văn – Quan tâm, thấu hiểu, sẻ chia sâu sắc với nỗi bất hạnh cũng như đặc biệt đi tìm vẻ đẹp khuất lấp trong tâm hồn con người/ người phụ nữ. – Phê phán, lên án hành động vũ phu của người chồng/ nạn bạo hành gia đình. – Khát khao hạnh phúc bình dị đến với người dân lao động trong xã hội. |
2,5 | ||
* Đánh giá chung
– So sánh giá trị nội dung, nghệ thuật của đoạn trích được bàn luận với giá trị nội dung, nghệ thuật của các đoạn trích trong các tác phẩm: Vợ chồng A Phủ; Vợ nhặt, … – Đánh giá khái quát về vấn đề đã bàn luận. |
0,5 | ||
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt |
0,25 | ||
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ |
0,5 | ||
TỔNG ĐIỂM | 10,0 |
————HẾT———