ĐỀ KIỂM TRA ĐỊNH KÌ NGỮ VĂN 11
(Tự luận 100% – Dùng chung cho cả 03 bộ sách)
ĐỌC HIỂU (6,0 điểm) Đọc văn bản sau:
CƠM MÙI KHÓI BẾP
(Hoàng Công Danh )
Bốn năm từ ngày lấy vợ, tết này anh mới đưa được cả vợ và con về quê. Từ Sài Gòn về miền Trung không hẳn quá xa, nhưng vì có đứa con nhỏ nên chuyện đi lại khó khăn. Mấy lần trước anh chỉ về một mình, dăm hôm lại trở vào. Lần này cả nhà mới được về quê, cho đứa con ăn tết quê nội lần đầu.
Bà mẹ ngoài sáu mươi đon đả chạy ra tận ngõ đón. Lưng bà đã bắt đầu cong hình đòn gánh. Tay phải bà cắp bồng đứa cháu nội, tay trái vẫn chèo móc thêm một túi xách. Đặt xong đồ đạc vào góc nhà, bà bảo: “Chắc bây đói bụng rồi, để mẹ đi nấu cơm cho ăn”. Cô con dâu còn mệt hơi xe đáp: “Chúng con ghé ăn trên thị xã rồi mới về đây”. Nói xong cô quay sang chồng: “Bún nuốt chả trôi nữa là cơm”.
Bà hơi chạnh lòng: “Về tới xứ mình rồi còn ăn chi dọc đường dọc sá cho tốn tiền. Thôi ra rửa ráy, để mẹ đi pha nước chanh cho bây uống. Chanh vườn nhà mình chứ không phải chanh Tàu đâu. Uống vô cái khỏe liền”.
[…]
Hôm sau bà lọ mọ dậy từ lúc trời chưa hửng sáng, nhóm lửa rơm bắc nồi cơm. Thằng cháu nội ba tuổi chạy xuống thấy khói bếp bốc ngùn ngùn, khiếp quá hét toáng lên: “Cháy nhà”. Anh chị đang ngủ giật mình vùng dậy. Anh bảo nhà đã có bếp gas, mẹ nấu gì thứ rơm đó nữa cho cực. Bà cười: “Tụi bây ăn cơm nồi cơm điện thành phố quen rồi, về quê mẹ nấu cơm lửa rơm cho thơm mùi đồng mùi rạ. Mà cơm nấu rơm mới có miếng cháy ăn giòn. Mấy hồi anh nhỏ, bữa ăn không có miếng cơm cháy là giãy nảy lên bướng bỉnh chẳng chịu ăn. Nhớ không?”.
[…]
Cô con dâu bảo: “Mẹ bày ra nấu bữa sáng làm gì cho cực. Chúng con ra quán ăn miếng là rồi việc”.
“Bây nói chi lạ. Ăn uống phải đàng hoàng chớ. Bữa sáng là quan trọng lắm. Không ai thương bằng cơm thương đâu con. Ăn cơm chắc bụng no lâu. Mấy cái thứ bún cháo nước õng ệu, chỉ nhoáng là đói lại liền à” – bà vừa san cơm ra chén vừa nói.
Ba chén cơm trắng, đĩa cá đồng kho nghệ. Anh háy mắt qua vợ ý bảo ăn đi, ăn lấy lòng mẹ một miếng. Chị lại háy mắt qua anh lắc đầu, có mà sức Thánh Gióng mới nuốt trôi. Thằng cu con nhìn chằm chằm chén cơm. Cuối cùng chỉ có anh trệu trạo làm được ba miếng, như là ăn tượng trưng cho mỗi người một miếng. Tranh thủ lúc mẹ đi ra giếng, anh lùa cả ba chén cơm trắng vào lại nồi.
Sáng hôm sau bà lại dậy sớm. Lại nhóm bếp rơm nấu cơm. Xong bữa nồi cơm không vơi được là mấy, vẫn đầy như lòng mẹ. Anh gắng ăn được nửa chén. Chén lòng san đôi cho mẹ cho vợ. Anh dối mẹ chở vợ con đi xem chợ tết, đi thăm thú làng quê, thực chất là để ghé quán cho vợ con ăn bún ăn cháo.
[…]
Chưa hết tết, mới ngày mùng bốn anh lại phải đưa vợ con vào Sài Gòn. Bà mẹ dậy sớm làm gà, nấu cơm. Vẫn một mình bà cặm cụi với cái bếp. Bà xúc đầy đơm cơm vào chiếc cà mèn. Gà luộc cho vào hộp đựng. “Bây đem lên xe mà ăn. Cơm dọc đường dọc sá không ngon đâu”.
Con cháu lên taxi rồi bà còn dặn theo: “Vào trong nhớ ăn uống đàng hoàng nghe bây. Đừng bỏ bữa sáng. Không ai thương bằng cơm thương”.
Vào tới Sài Gòn cà mèn cơm vẫn còn một nửa. Vợ định đem đi đổ. Anh can bảo để đấy, phơi khô cất giữ làm kỷ niệm.
***
Qua tháng ba nghe tin mẹ bệnh, anh tức tốc về nhà. Nằm trên giường, gặp con câu đầu tiên bà hỏi: “Con ăn chi chưa? Mẹ không bắc cơm được. Thôi ra đầu chợ ăn tạm. Bữa nào khỏe mẹ nấu cơm cho ăn. Tội nghiệp”.
Nhưng mẹ không khỏe nữa, yếu dần, được thêm hai bữa thì nhắm mắt.
Đưa mẹ ra đồng xong, về nhà nhìn chén cơm trắng đặt trên bàn thờ, anh thấy nhói lòng. Ân hận. Thế là hết cơ hội được ăn với mẹ một chén cơm sáng thật đầy, để nghe mẹ nói câu “không ai thương bằng cơm thương”.
Tiếc nuối. Thèm miếng cơm cháy mẹ nấu quá. Giòn và thơm, mùi hương đồng mùi nước quê, cả mùi khói bếp. Chỉ có mẹ mới nấu được miếng cơm cháy ngon như thế.
Hôm lên đường vào Sài Gòn, anh dậy sớm nấu chén cơm đặt lên bàn thờ mẹ. Anh tự mình vo gạo, tự mình nhóm bếp rơm. Loay hoay một hồi. Bếp nhà đầy khói. Và khói…
(Cơm mùi khói bếp, Hoàng Công Danh, in trong Chuyến tàu vé ngắn, tập truyện ngắn, NXB
Trẻ, TP. HCM, 2015, Tr. 49-54)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Truyện ngắn trên có bao nhiêu nhân vật? Đó là những nhân vật nào? Ai là nhân vật chính? (0,5 điểm)
Câu 2. Truyện ngắn trên sử dụng người kể chuyện ở ngôi thứ mấy? (0,5 điểm)
Câu 3. Dựa vào câu chuyện, hãy cho biết người con trai thèm nghe câu nói gì của người mẹ? (0,5 điểm)
Câu 4. Anh/ chị hãy tóm tắt ngắn gọn các sự kiện chính của truyện theo trật tự thời gian? (0,5 điểm)
Câu 5. Tìm những chi tiết nói lên thái độ của người con dâu trong truyện? Từ những chi tiết đó, tác giả muốn nói lên điều gì về lối sống và tâm tính của con người hiện đại? (0,5 điểm)
Câu 6. Xác định và chỉ ra tác dụng của điểm nhìn trần thuật trong truyện? (1,0 điểm)
Câu 7. Anh/ chị rút ra được bài học gì cho bản thân sau khi đọc truyện ngắn trên? (1,0 điểm)
Câu 8. Chi tiết nào trong truyện khiến anh/ chị xúc động nhất? Vì sao? (Viết khoảng 5 – 7 dòng). (1,5 điểm)
VIẾT (4,0 điểm)
Anh/ chị hãy viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá hình tượng nhân vật người mẹ trong truyện ngắn trên.
ĐÁP ÁN ĐỀ 5
Phần | Câu | Nội dung | Điểm |
I | ĐỌC HIỂU | 6,0 | |
1 | Truyện có 4 nhân vật: bà mẹ, người con trai, người con dâu, đứa cháu. Trong đó, bà mẹ là nhân vật chính. | 0.5 | |
2 | Truyện sử dụng người kể chuyện ở ngôi thứ ba. | 0.5 | |
3 | Người con trai thèm nghe câu: “không ai thương bằng cơm thương”. | 0.5 | |
4 | Từ ngày lấy vợ, đã bốn năm, nay anh con trai mới đưa gia đình về quê ăn tết với mẹ già. Bà mẹ rất vui mừng vì được sum vầy với các con. Sáng nào bà cũng dậy sớm để nấu cơm bếp rơm cho các con ăn, nhưng vì ở thành phố ăn bún, ăn phở quen rồi nên gia đình người con trai không ai nuốt nổi. Bà mẹ thì vì lo lắng cho các con, nên mỗi buổi sáng vẫn dậy nấu cơm. Người con trai đưa gia đình trở lại Sài Gòn được ít lâu thì nghe tin mẹ ốm, anh vội trở về. Được ít hôm thì mẹ mất. Khi mẹ không còn nữa, anh mới thấy tiếc nuối, ân hận, vì từ nay
sẽ không còn được ăn cơm mẹ nấu. |
0.5 | |
5 | – Những chi tiết nói lên thái độ của người con dâu trong truyện:
+ Cô con dâu bảo: “Mẹ bày ra nấu bữa sáng làm gì cho cực. Chúng con ra quán ăn miếng là rồi việc”. + Chị lại háy mắt qua anh lắc đầu, có mà sức Thánh Gióng mới nuốt trôi. + Vào tới Sài Gòn cà mèn cơm vẫn còn một nửa. Vợ định đem đi đổ. – Lối sống và tâm tính của con người hiện đại: lối sống xô bồ khiến con người ta thích ăn những cái gì nhanh gọn; lối sống ấy dẫn đến sự chai sạn trong tâm hồn: người ta không còn biết lắng lại để quý trọng những điều bình dị mà thiêng liêng. |
0.5 | |
6 | Xác định và chỉ ra tác dụng của điểm nhìn trần thuật:
– Truyện sử dụng kết hợp giữa điểm nhìn bên trong và điểm nhìn bên ngoài. – Từ điểm nhìn bên ngoài, tác giả giúp cho người đọc nắm được mạch diễn biến của truyện, bối cảnh của truyện cũng như giúp người đọc hình dung khái quát về các nhân vật. – Từ điểm nhìn bên trong, tác giả giúp người đọc theo dõi và nắm bắt được mạch diễn biến tâm lí của nhân vật, trong đó nổi bật nhất là nhân vật người con trai: sự áy náy khi không ăn chén cơm mẹ nấu, nỗi ân hận khi từ nay không còn được ăn với mẹ chén cơm sáng thật đầy, không được nghe mẹ nói câu “không ai thương bằng cơm thương”, nỗi nhớ tiếc về miếng cơm cháy thơm ngon ngày xưa, bởi Chỉ có mẹ mới nấu được miếng cơm cháy ngon như thế. |
1.0 | |
7 | Học sinh được tự do rút ra bài học, miễn là hợp lí và liên quan đến nội dung của truyện. Tham khảo:
– Cần biết trân quý những yêu thương mà bố mẹ dành cho mình. – Cần biết quan tâm tới bố mẹ trước khi quá muộn. |
1.0 | |
8 | Học sinh tự do lựa chọn chi tiết, miễn là có lí giải thuyết phục. Tham khảo:
– Chi tiết khiến bản thân xúc động nhất: Qua tháng ba nghe tin mẹ bệnh, anh tức tốc về nhà. Nằm trên giường, gặp con câu đầu tiên bà |
1.5 |
hỏi: “Con ăn chi chưa? Mẹ không bắc cơm được. Thôi ra đầu chợ ăn tạm. Bữa nào khỏe mẹ nấu cơm cho ăn. Tội nghiệp”.
– Lí giải: nó cho thấy được lòng yêu thương con đến quên mình của mẹ. Dù bị ốm, mẹ cũng không hề nghĩ đến bản thân mình, cái đầu tiên mẹ nghĩ đến vẫn là con, luôn lo lắng cho con, day dứt vì con. Quả thật, trên đời này, chỉ có mẹ là luôn yêu thương ta vô điều kiện, luôn dõi theo ta trên mọi bước đường đời, đúng như lời thơ từng nói: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con”. |
|||
II | VIẾT | 4,0 | |
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận văn học | 0,25 | ||
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá hình tượng nhân vật người mẹ trong truyện ngắn trên. |
0,5 | ||
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần giới thiệu được vấn đề cần bàn luận, hệ thống luận điểm chặt chẽ, lập luận thuyết phục, sử dụng dẫn chứng hợp lí. Sau đây là một số gợi ý: 1. Khái quát tác giả, tác phẩm: – Tác giả: Hoàng Công Danh là một cây bút trẻ tiêu biểu của văn học Việt Nam. Truyện ngắn của Hoàng Công Danh thường đi vào phản ánh những còn – mất, được – thua của con người trong xã hội hiện đại xô bồ, vội vã bằng một lối văn phong giản dị, tự nhiên, đi thẳng vào lòng người. Các tập truyện ngắn tiêu biểu: Cõng nhau trong một cõi người (2013), Chuyến tàu vé ngắn (2016), Trong cơn say níu sợi dây đứt (2019). – Tác phẩm: Truyện ngắn “Cơm mùi khói bếp” in trong tập truyện Chuyến tàu vé ngắn, do NXB Trẻ ấn hành năm 2015. 2. Phân tích hình tượng nhân vật người mẹ: a. Hoàn cảnh: – Đó là một bà mẹ quê đã ngoài sáu mươi, lưng đã bắt đầu cong hình đòn gánh. – Bà phải sống một mình, bởi gia đình người con trai sinh sống ở Sài Gòn. b. Bà là người mẹ quê đôn hậu, yêu thương con cái hết mực: – Bà vui mừng khi thấy gia đình người con trai về, đon đả chạy ra tận ngõ đón. – Bà luôn quan tâm lo lắng cho những đứa con, nhất là cái ăn: + Khi vừa xếp đồ đạc xong, câu hỏi đầu tiên của bà là: “Chắc bây đói bụng rồi, để mẹ đi nấu cơm cho ăn”. Khi biết các con đã ăn trên thị xã, bà hơi chạnh lòng. Bà chạnh lòng vì muốn được tự mình nấu cho các con ăn, muốn được cùng các con ăn một bữa cơm sum vầy, ấm cúng sau bao năm xa cách. + Mỗi sáng sớm, bà đều trở dậy nấu cơm, bởi trong suy nghĩ chân chất của bà, chỉ có cơm mới chắc bụng, no lâu, phải ăn cơm mới khỏe: “Không ai thương bằng cơm thương”. Bà dậy sớm nấu cơm bếp rơm cũng là muốn cho con trai được ăn lại miếng cơm cháy mà ngày còn nhỏ anh rất thích. Những hành động đó của bà đều xuất phát từ tấm lòng yêu thương con của một người mẹ. |
2.5 |
+ Buổi sáng khi gia đình người con chuẩn bị vào lại Sài Gòn, bà lại dậy sớm chuẩn bị mọi thứ cho các con mang theo ăn dọc đường: Bà mẹ dậy sớm làm gà, nấu cơm. Vẫn một mình bà cặm cụi với cái bếp. Bà xúc đầy đơm cơm vào chiếc cà mèn. Gà luộc cho vào hộp đựng. “Bây đem lên xe mà ăn. Cơm dọc đường dọc sá không ngon đâu”. Sự quan tâm ấy, đối với con người hiện đại bấy giờ có thể là nhiêu khê, nhưng ẩn chứa trong đó là một sự quan tâm ân cần, chu đáo, sự lo lắng khôn nguôi của người mẹ dành cho những đứa con mình. Khi con cháu lên xe, bà còn dặn với: “Vào trong nhớ ăn uống đàng hoàng nghe bây. Đừng bỏ bữa sáng. Không ai thương bằng cơm thương”. Quả thật, trong mắt mẹ, con cái bao giờ cũng nhỏ dại, cũng cần được quan tâm, lo lắng.
+ Khi bà bị ốm, nằm không dậy được, gặp con, câu đầu tiên bà hỏi: “Con ăn chi chưa? Mẹ không bắc cơm được. Thôi ra đầu chợ ăn tạm. Bữa nào khỏe mẹ nấu cơm cho ăn. Tội nghiệp”. Vẫn là nỗi lo lắng về con, vẫn là niềm thương con, không hề nghĩ gì cho bản thân mình. 3. Tư tưởng của tác giả gửi gắm qua hình tượng nhân vật người mẹ: – Ca ngợi tấm lòng của những người mẹ quê: luôn yêu thương con bằng một tình yêu chân chất, mộc mạc mà sâu sắc. – Cảnh tỉnh con người hiện đại về lối sống xô bồ, vô cảm, bỏ quên những điều tưởng chừng như bình dị nhưng lại vô cùng quý giá. – Gửi gắm thông điệp: mỗi người con hãy luôn biết trân trọng tình yêu của mẹ dành cho mình, để sau này không phải day dứt, ân hận khi mẹ không còn nữa. 4. Nghệ thuật xây dựng nhân vật: – Khắc họa tính cách nhân vật thông qua ngôn ngữ đối thoại và qua hành động. – Xây dựng tình huống truyện độc đáo: chỉ qua một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, nhưng vẻ đẹp tâm hồn, tình yêu thương chân chất của người mẹ quê đã được khắc họa rõ nét. |
|||
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt. |
0,25 | ||
e. Sáng tạo: Bài viết có giọng điệu riêng; cách diễn đạt sáng tạo, văn phong trôi chảy. | 0,5 | ||
Tổng điểm | 10.0 |