Đề đọc hiểu tự luận, đề nghị luận về truyện ngắn Phiên chợ Giát, Nguyễn Minh Châu

ĐỀ KIỂM TRA ĐỊNH KÌNGỮ VĂN 11

(Tự luận 100% – Dùng chung cho cả 03 bộ sách)

ĐỌC HIỂU (6,0 điểm) Đọc đoạn trích sau:

(Lược phần đầu: Lão Khúng là người dân đầu tiên lên khai phá vùng đất mới, và con bò Khoang Đen gắn bó với gia đình lão từ những ngày đầu vất vả, khó khăn ấy. Tuy nhiên, nay con bò đã già, dù cả gia đình đều quyến luyến nó, nhưng lão đành phải bán đi. Trên đường đưa con bò xuống thị trấn Cầu Giát để bán, nhân tiện thăm đứa con gái đang trọ học ở đấy, lão đi đến một quyết định…)

Thế rồi đột nhiên lão Khúng đi đến một cái quyết định đầy điên rồ: lão quyết định giải thoát cho con vật! Tự nhiên lão thấy lão đang làm một công việc vô cùng nhân đạo. Cả một đời con vật nai lưng ra kéo cày để nuôi sống gia đình lão, và bây giờ lão đền ơn trả nghĩa cho con vật bằng việc đem bán nó cho người ta giết thịt? Lão thấy lão không còn là giống người nữa…

[…]

Lão nhảy xuống, đi đến bên cạnh con vật, đặt cả hai bàn tay lên cái cổ sần sùi đang đầy hơi sương lẫn mồ hôi, lão vỗ vỗ con vật một hồi rồi cầm cái ách đặt xuống bên cạnh hai chân trước của nó. Con vật ngẩng cao cổ, thè lưỡi liếm lên vai, lên cổ lão, mỗi lần cái lưỡi mềm và ram ráp đụng vào da thịt, lão lại sởn gai ốc, tưởng như con vật đã cảm thấy được lão đang nghĩ gì; đang toan tính những gì; lão đang cởi ách suốt đời cho nó! Lão Khúng tự nhiên trở nên vội vã, lão kéo chiếc xe sang bên vệ đường, đem giấu sau những đám bờ bụi lúp xúp lẫn những tảng đá rồi trở về bên con vật đang đứng đó, nguyên tại chỗ. – Nào, bây giờ thì tao giải thoát cho mày, lão lầm rầm nói với con vật thân yêu bằng cái giọng hơi cau có, mày hầu tao thế là đủ rồi đấy con ạ, bây giờ thì mày hãy đi đi, hãy vào rừng mà sống, cỏ đấy, cỏ trong rừng thiếu gì, mày ăn suốt đời không hết, khát thì có nước suối. Ở đây đi sâu vào bên trong sẽ có một bầy bò hoang. Chúng nó sướng như những bà hoàng, ông hoàng giữa núi non, cây cỏ, chẳng bao giờ phải kéo cày, kéo xe… Hãy đi đi, nào!

Lão cuộn vào năm ngón tay trái cái dây chão đã được tháo ra khỏi mũi con Khoang Đen, dùng đầu dây đánh một cái thật đau vào bên hông, bắt nó phải chạy té vào rừng. Con đường đi đến thế giới tự do của con Khoang Đen thật chẳng khác nào con đường đi đày. Sau lưng nó, lão Khúng lúc nào cũng hầm hầm hè hè giơ cao thanh roi sẵn sàng quất vào mông đến đau điếng nếu nó dừng lại, hoặc ngoái nhìn trở lại.

Cuộc xua đuổi cứ thế diễn ra lặng lẽ giữa đêm trường. Càng xua được con vật dẫn mình vào giữa rừng sâu và càng xa con đường “bò lăn” ở ngoài kia, lão Khúng càng thấy yên tâm, lại thấy có một cái gì khoái lạc, tự thỏa mãn, chẳng lẽ lão cảm thấy được lão đang xua đuổi cái số phận quá đỗi nhọc nhằn của lão ra khỏi ra khỏi đời lão, cái số phận nửa người nửa con vật?

[…]

Sau khi xua được con vật sang bên kia sườn núi đá (…) thì lão Khúng đột ngột quay lưng lại phía nó. Không nói thêm một lời nào, lão bỏ đi, mất hút vào đêm tối. Lão trở về bên chiếc xe bò khi màn đêm đã nhợt trắng. Lão biết rằng từ đây trở đi chỉ còn một phần ba đường đất và đường sá cũng đỡ khốn khổ hơn.

(Lược một đoạn: Lão Khúng thay con bò, tự mình kéo chiếc xe về thị trấn Cầu Giát).

Lão Khúng đi thẳng đến trước một gian phòng cuối dãy mà lão vẫn quen thuộc, ở đấy con gái lão ở chung với mấy cô bạn học lớp dưới. Gian phòng của con lão khóa kín cửa. Lão đang toan gỡ đống củi xuống trước cửa phòng con gái lão thì tự nhiên lão ngớ người ra: lão vừa nhìn thấy

 

một con bò đang nằm nhai cỏ bên vạt sân bóng chuyền của đám con gái ở bên hồi nhà. Ngay lập tức lão giật nảy mình sực nhận ra đích thị là nó, con Khoang Đen của nhà lão, cái con Khoang Đen mà trong đêm khuya khoắt lão đã đích thân dắt vào tận trong rừng thật sâu, rồi lại còn dùng roi vọt đánh đập vô cùng tàn nhẫn để xua nó đi về với cuộc sống tự do.

Con vật ngước cặp mắt đầy nhẫn nhục và sầu não lên nhìn lão Khúng. Đó là cái nhìn của một sinh vật tự nguyện chấp nhận số phận. Đứng lặng thinh bên chiếc xe chất đầy củi mà lão đã thay nó toát mồ hôi một mình kéo về được đến đây, lão Khúng cũng chả biết nói gì với con vật, lại càng không thể tránh móc, lão chỉ đưa mắt nhìn người bạn đời làm ăn thân thiết bằng cái nhìn cũng đầy sầu não và phiền muộn.

(Trích Phiên chợ Giát, Nguyễn Minh Châu, in trong Nguyễn Minh Châu – Tác phẩm chọn lọc, NXB Giáo dục Việt Nam, TP.HCM, 2009, Tr.231-237)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Đoạn trích trên sử dụng người kể chuyện ở ngôi thứ mấy? (0,5 điểm)

Câu 2. Nhân vật chính trong đoạn trích là ai? (0,5 điểm)

Câu 3. Dựa vào đoạn trích, hãy cho biết vì sao lão Khúng quyết định giải thoát cho con Khoang Đen? (0,5 điểm)

Câu 4. Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật lão Khúng được thể hiện trong đoạn trích? (0,5 điểm)

Câu 5. Theo anh/ chị, qua chi tiết con Khoang Đen không đi vào rừng mà quay trở lại với lão Khúng, nhà văn Nguyễn Minh Châu muốn gửi gắm thông điệp gì? (0,5 điểm)

Câu 6. Trong đoạn trích, tác giả đã sử dụng điểm nhìn bên trong, tức kể lại câu chuyện xuyên qua cảm nhận, ý thức của nhân vật lão Khúng. Phân tích tác dụng của việc sử dụng điểm nhìn đó? (1,0 điểm)

Câu 7. Qua đoạn trích, anh/ chị rút ra được bài học gì cho bản thân mình? (1,0 điểm)

Câu 8. Hãy viết một đoạn văn (khoảng 5 – 7 dòng) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về giá trị của sự tự do đối với cuộc sống của mỗi con người. (1,5 điểm)

VIẾT (4,0 điểm)

Anh/ chị hãy viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá nghệ thuật xây dựng tình huống của tác giả Nguyễn Minh Châu ở đoạn trích trên.

ĐÁP ÁN

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 6,0
  1 Đoạn trích trên sử dụng người kể chuyện ở ngôi thứ ba. 0.5
2 Nhân vật chính trong đoạn trích là lão Khúng. 0.5
3 Nguyên nhân Lão Khúng quyết định giải thoát cho con Khoang Đen là vì: Cả một đời con vật nai lưng ra kéo cày để nuôi sống gia đình lão, và bây giờ lão đền ơn trả nghĩa cho con vật bằng việc đem bán nó cho người ta giết thịt? Lão thấy lão không còn là giống người

nữa…

0.5
4 Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật lão Khúng:

–  Biết yêu thương và trân trọng công lao của con Khoang Đen, người bạn đã cùng lão vất vả suốt bao nhiêu năm tháng.

–   Hành xử nhân đạo với con vật: trả nó về với thế giới tự do, để nó

được sống sung sướng những ngày cuối đời.

0.5
5 Qua chi tiết con Khoang Đen không đi vào rừng mà quay trở lại với lão Khúng, nhà văn Nguyễn Minh Châu muốn gửi gắm thông điệp: Khi sự nô lệ đã ăn sâu vào trong tâm khảm, thì dù có được trao cho cơ hội tự do, con người vẫn không dám chấp nhận, mà lại tự nguyện

quay trở lại để chui vào cái ách nô lệ của mình.

0.5
6 Phân tích tác dụng của việc sử dụng điểm nhìn bên trong:

–  Trong toàn bộ đoạn trích, tác giả đã đặt điểm nhìn vào nhân vật lão Khúng, tức là kể lại câu chuyện xuyên qua ý thức, cảm nhận của nhân vật, đó chính là điểm nhìn bên trong.

–  Từ điểm nhìn này, tác giả đã cho ta thấy được những suy nghĩ thầm kín diễn ra trong nội tâm nhân vật:

+ Đó là những suy nghĩ nhân đạo khi lão quyết trả tự do cho con Khoang Đen.

+ Đó là những lời nói âu yếm với con bò khi lão xua nó về với thế giới tự do, và lão cũng cảm thấy như đang giải thoát cho chính lão.

+ Đó là tâm trạng sầu não và phiền muộn khi thấy con Khoang Đen quay trở lại, từ chối sự tự do mà lão đã ban cho.

–  Từ điểm nhìn này, tác giả đã làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật lão Khúng: một người nông dân chất phác nhưng lại có những suy nghĩ vô cùng nhân văn và sâu sắc, biết yêu thương loài vật như

yêu thương một con người.

1.0
7 Học sinh được tự do rút ra bài học, miễn là hợp lí và liên quan đến nội dung đoạn trích. Tham khảo:

–  Cần phải biết yêu thương loài vật.

–  Cần phải biết trân trọng những gì mà người khác đã làm cho mình.

1.0
8 Viết một đoạn văn (khoảng 5 – 7 dòng) trình bày suy nghĩ về giá trị

của sự tự do đối với cuộc sống của mỗi con người:

1.5

 

    –   Tự do giúp cho con người có cơ hội tự khám phá bản thân, theo đuổi những thứ mà mình có sở trường, mình yêu thích.

–  Tự do giúp con người trở nên có trách nhiệm với mỗi suy nghĩ, lời nói và hành động của mình, từ đó hình thành lối sống tự lập.

–  Tự do giúp con người được giải phóng năng lượng và tư duy, từ đó

trở nên sáng tạo và nhiệt huyết hơn.

 
II   VIẾT 4,0
  a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận văn học 0,25
  b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Phân tích, đánh giá nghệ thuật xây dựng tình huống của tác giả Nguyễn Minh Châu ở đoạn trích trên.

0,5
  c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần giới thiệu được vấn đề cần bàn luận, hệ thống luận điểm chặt chẽ, lập luận thuyết phục, sử dụng dẫn chứng hợp lí. Sau đây là một số gợi ý:

1.  Khái quát về tác giả, tác phẩm:

–   Tác giả: Nguyễn Minh Châu là “người mở đường tinh anh và tài năng” cho văn học Việt Nam sau 1975. Truyện ngắn của ông thường tập trung vào các đề tài thế sự, đời thường, với nhiều trăn trở đổi mới về bút pháp. Các truyện ngắn tiêu biểu của ông: Mảnh trăng cuối rừng, Bến quê, Chiếc thuyền ngoài xa,…

–   Tác phẩm: Truyện ngắn “Phiên chợ Giát” sáng tác năm 1989, in trong tập “Cỏ lau”, do NXB Tác phẩm mới ấn hành cùng năm.

2.  Tình huống truyện:

Tình huống của đoạn trích chính là sự kiện lão Khúng quyết định trả tự do cho con Khoang Đen và xua nó về với rừng già.

3.  Phân tích, đánh giá tình huống truyện:

a. Đây là một tình huống bất ngờ:

–  Lão Khúng vốn định đem con Khoang Đen xuống chợ Giát để bán cho người ta giết thịt, bởi con bò nay đã già, không còn sức lao động.

–   Việc quyết định thả tự do cho một con bò quả là một hành động hiếm gặp, và những suy nghĩ của lão Khúng hẳn cũng khiến người đọc ngỡ ngàng: Cả một đời con vật nai lưng ra kéo cày để nuôi sống gia đình lão, và bây giờ lão đền ơn trả nghĩa cho con vật bằng việc đem bán nó cho người ta giết thịt? Lão thấy lão không còn là giống người nữa; Nào, bây giờ thì tao giải thoát cho mày, lão lầm rầm nói với con vật thân yêu bằng cái giọng hơi cau có, mày hầu tao thế là đủ rồi đấy con ạ. Tuy chỉ là một lão nông dân, nhưng lão Khúng lại có những suy nghĩ rất nhân văn, rất sâu sắc.

–   Hành trình thả con vật về với tự do cũng thật khác thường, nó là một cuộc “xua đuổi”, kẻ được giải thoát thì có vẻ không hề tự nguyện,

không hề hào hứng chút nào: Con đường đi đến thế giới tự do của

2.5

 

    con Khoang Đen thật chẳng khác nào con đường đi đày. Sau lưng nó, lão Khúng lúc nào cũng hầm hầm hè hè giơ cao thanh roi sẵn sàng quất vào mông đến đau điếng nếu nó dừng lại, hoặc ngoái nhìn trở lại.

 

b. Đây là một tình huống chứa đựng nhiều ý nghĩa:

–   Qua tình huống này, ta thấy được vẻ đẹp tâm hồn của lão Khúng: một người nông biết quý trọng công ơn, sức lao động mà con vật đã bỏ ra; biết yêu mến con vật như một người bạn, vì nó đã đồng hành cùng lão qua bao khó khăn vất vả; biết nghĩ cách để trả ơn cho nó: lão không nghĩ đến việc bán con bò để lấy tiền, mà quyết định thả nó về với rừng già, để nó được sống những tháng ngày nhàn rỗi, sung sướng.

–  Hành trình con bò Khoang Đen về rừng cũng là một ẩn dụ về hành trình đến với tự do của con người. Con người đôi khi cũng không dám từ bỏ lối sống nô lệ cũ để đến với tự do, bởi như vậy, người ta sẽ phải bước ra ngoài cái vòng an toàn vốn có để đối diện với những điều mới mẻ, những điều còn chưa biết.

–  Và rồi cũng như con Khoang Đen, rất nhiều người, vì sợ hãi những điều chưa biết, vì không đủ bản lĩnh để sống cho ra sống cái cuộc đời mình, đã chối bỏ tự do của bản thân, tình nguyện chui trở lại vào cái

ách nô lệ ngày trước.

 
  d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

0,25
  e. Sáng tạo: Bài viết có giọng điệu riêng; cách diễn đạt sáng tạo, văn

phong trôi chảy.

0,5
Tổng điểm 10.0

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *