Đề minh hoạ môn văn theo cấu trúc thi tốt nghiệp 2025, đề số 96

ĐỀ THAM KHẢO THEO CẤU TRÚC CỦA BỘ GD&ĐT

PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

“Cơm mẹ thì ngon, cơm con thì đắng”

[…]

– Ông làm tôi không ngóc đầu lên được mà về đến làng đến nước nữa.

Chiều nào cũng vậy, rượu vào, cả Anh lại cà khịa với cụ Nhiêu móm, ông thân sinh ra hắn. Vợ hắn, quyết là hắn không dám rồi; tuy say hắn cũng hiểu rằng lôi thôi với con mụ la sát ấy là không xong; hôm sau đừng hòng có rượu uống. Con hắn, vợ hắn binh chằm chặp, hắn cũng không dám nốt. Thành ra bao nhiêu nỗi bực tức khi say, cả Anh đổ dồn vào đầu ông bố già nua vô dụng. Thôi thì móm mém, thôi thì cặp kèm, đủ các thứ bẩn mắt. Cả Anh còn nghiệm ra: mỗi lần hắn khới chuyện với bố thì xem chừng con mụ vợ bằng lòng lắm. Và đồ nhắm có phần tươm tất hơn. Uống một hơi cạn chén rượu, cả Anh thở đánh khà một cái; hắn đưa cặp mắt đỏ lầm lầm nhìn bố. Cụ Nhiêu ngồi ở phản bên bón cơm cho cháu. Bộ mặt hom hem, tái bủng không hề lộ ra một nét giận.

Trông cái bộ dạng biết phận của bố, cả Anh càng thêm khó chịu; hắn dằn đĩa xuống mâm, xẵng giọng:

– Mấy cái mâm của tôi bây giờ ông tính sao?

– …

– Ô hay! Sao tôi hỏi ông lại không thèm trả lời?

– Thì rồi tôi khắc bảo vợ chồng nó thu xếp trả anh chị chứ sao.

Cả Anh dề cặp môi ướt bóng, nhại:

– Khắc thu xếp trả anh chị chứ sao!… Ông có biết bao nhiêu tiền năm chiếc mâm ấy của tôi bây giờ không?

Câu chuyện này chiều nào hắn cũng dở ra dằn vặt ông cụ. Hồi xưa, cụ Nhiêu lo vợ cho thằng thứ hai thiếu mất dăm chục bạc. Cụ đành đánh liều cầm mấy chiếc mâm của cả Anh đi. Ai ngờ quá hạn, không chuộc được. Những tưởng chỗ anh em thì làm gì cái vặt ấy. Vả lại bao nhiêu dấn vốn dành dụm được khi trước cụ đem trút cả cho thằng trưởng; thì dẫu cụ có tiêu lạm dăm chục của hắn để lo công việc của thằng em, thiết tưởng hắn cũng chẳng thiệt nào. Cụ nghĩ bụng các con cũng như bụng mình.

Cả Anh vẫn lèm bèm nói:

– Thật, tôi có được nhờ ông cái gì…

(Lược một đoạn: Cụ Nhiêu góa vợ từ lúc hai đứa con còn nhỏ. Cụ thương con nên quyết ở vậy, làm lụng vất vả để nuôi con và gây dựng cho con. Cụ còn tậu được hơn một mẫu ruộng tốt để dưỡng già. Thấy bố có ruộng, vợ chồng cả Anh nài bố về ở với mình, sau đó lại nài cụ sang tên ruộng cho mình. Sau khi đã lấy được ruộng, vợ chồng cả Anh liền thay đổi thái độ, đối xử với bố ngày càng tệ bạc. Cụ Nhiêu tính về quê ở với người con thứ hai. Người con này hiếu thuận nhưng lại nghèo khổ, nên cụ nghĩ thà ở lại nhà cả Anh, chịu khổ một mình, còn hơn là về quê làm khổ con).

– Ông ơi, thịt!

Kề tí vòi ông. Cụ Nhiêu vẫn mải nghĩ ngợi, không biết nó gào to.

– Thịt! Ông lấy thịt!

Cụ Nhiêu giật mình, vội vã xúc cơm cho cháu. Kề tí hắt ra, trỏ về phía mâm rượu của bố:

– Cháu ăn thịt kia cơ mà.

– Ấy chớ! Bố mày đánh chết.

Thế là thằng bé lăn ra giãy giụa khóc. Vợ cả Anh, hai chân giẫm đành đạch xuống đất, nghiến chồng:

– Có cho thằng bé ăn không, để nó khóc nằng nặc thế kia à?

Tức thì cả Anh quát bố:

– Khổ lắm! Nó đòi thì cho nó ăn hộ tôi một tí. Giữ làm gì… Rõ cái nợ!

Không nhịn được nữa, cụ Nhiêu sa sầm mặt lại, hỏi:

– Anh bảo ai là cái nợ hử?

– A! Ông vặn lý tôi phỏng? Ai là cái nợ!? Ai là cái nợ ông biết đấy!

Chính hắn cũng không bảo ông cụ thật; vả lại từ xưa đến nay cụ Nhiêu chỉ biết phục tùng. Lần này bị hỏi vặn, hắn cho là bố định gây sự với mình. Hắn tức lồng lộn lên, mặt tím bầm lại, miệng sủi bọt mép, lu loa như đàn bà:

– Sao mà tôi nặng quá kiếp thế này! Tôi đến chết mất thôi chứ không sao sống được!

– Chết đi! Mày thử chết đi ông xem nào.

– A! Ông rủa tôi chết phỏng? Này chết này! Này chết này!

Mồm nói, tay đập. Bát đĩa, ấm chén vỡ xoang xoảng. Mụ vợ lạch bạch từ nhà dưới chạy lên, mặt tái mét vừa thở vừa kêu:

– Ôi làng nước! Ới giời đất ơi! Ới bố ơi là bố! Khổ quá.

Cả Anh vẫn như mê man, mồm gào tay đập. Mụ vợ tiếc của, ôm chồng du ngã xuống giường. Cụ Nhiêu cuồng quá sinh quẫn, lập cập nhặt những mảnh vỡ chắp chắp, nối nối. Mụ nguýt bố chồng:

– Chắp với chả nối…

Biết rằng cãi vã với chúng nó chỉ tổ dại mặt, cụ Nhiêu đành lảng ra chỗ khác.

Chiều đã tàn, bóng tối nhờ nhờ bao trùm cảnh vật. Cụ Nhiêu ngồi âm thầm ở xó thềm. Gió nhẹ thổi lùa qua kẽ dại kêu vù vù như tiếng thở dài bất tận. Chiều tàn thê lương quá. Thê lương như chuỗi ngày tàn cục của ông già tuổi tác. Những giọt lệ vẫn âm thầm lăn trên gò má răn reo. Trong  khi ấy, ở mãi tận góc nhà, bên ngọn đèn hoa kỳ vàng kệnh, thằng Kề nhớn ra rả học bài luân lý:

– Bổn phận đối a với a cha mẹ. Bổn ư a phận đối a với a cha mẹ… Cách ngôn: Cha mẹ nuôi a con bằng a giời bằng bể, con nuôi a cha mẹ con kể từng ngày.

(Cơm con, in trong Tuyển tập Kim Lân, NXB Văn học, Hà Nội, 2018, Tr.137-142)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Xác định ngôi kể được sử dụng trong truyện?

Câu 2. Liệt kê một số từ ngữ, hình ảnh miêu tả ngoại hình của nhân vật cụ Nhiêu trong văn bản trên?

Câu 3. Chỉ ra một số đặc điểm cơ bản của ngôn ngữ nói được mô phỏng, tái tạo trong đoạn trích sau:

“Tức thì cả Anh quát bố:

– Khổ lắm! Nó đòi thì cho nó ăn hộ tôi một tí. Giữ làm gì… Rõ cái nợ!

Không nhịn được nữa, cụ Nhiêu sa sầm mặt lại, hỏi:

– Anh bảo ai là cái nợ hử?

– A! Ông vặn lý tôi phỏng? Ai là cái nợ!? Ai là cái nợ ông biết đấy!”

Câu 4. Theo anh/ chị, chi tiết đứa cháu ngồi học bài luân lý ở cuối truyện có nghĩa gì?

Câu 5. Từ ý nghĩa của văn bản trên, anh/ chị suy nghĩ gì về nội dung của câu tục ngữ: “Cơm mẹ thì ngon, cơm con thì đắng”?

  1. PHẦN VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1. (2 điểm)

Anh/ chị hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) cảm nhận về một vẻ đẹp phẩm chất nổi bật của nhân vật cụ Nhiêu trong văn bản phần đọc hiểu.

Câu 2. (4 điểm)

Trên thảo nguyên Amazon có loài chim ưng sinh sống, khi chim ưng con đến một độ tuổi nhất định chim ưng mẹ sẽ huấn luyện cho chim ưng con cách bay lượn. Nhưng trước khi luyện bay, chim mẹ lại cắn đứt lông cánh chim con trước. Chim ưng con không nhận được giúp đỡ nào từ chim mẹ vì chim mẹ chỉ dạy con cách chiến thắng chính mình. Khi chim non có thể bay lượn cũng chính là lúc chim non có thể chinh phục không gian.

Từ câu chuyện về cách dạy con của chim ưng mẹ, anh/ chị hãy viết một bài văn (khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của bản thân về cách chiến thắng chính mình trước những thử thách của cuộc sống.

 

ĐÁP ÁN

 

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 4,0
  1 Xác định ngôi kể: ngôi thứ 3 0,5
2 Liệt kê các từ ngữ, hình ảnh miêu tả ngoại hình nhân vật cụ Nhiêu:

Già nua, móm mém, bộ mặt hom hem, tái bủng, …

0,5
     
3 Một số đặc điểm cơ bản của ngôn ngữ nói được mô phỏng, tái tạo trong đoạn trích là:

– Sử dụng các từ chỉ cử chỉ, điệu bộ, nét mặt: quát, sa sầm mặt lại.

– Sử dụng các từ mang tính khẩu ngữ: hử, a, phỏng

– Sử dụng các câu tỉnh lược: Khổ lắm, Giữ làm gì, Rõ cái nợ

 

1,0
     
     
     
     
     
     
     
4 Chi tiết đứa cháu ngồi đọc bài luân lý ở cuối truyện có ý nghĩa sâu sắc: vừa có ý nghĩa nhắc nhở, răn dạy; vừa như một lời cảnh tỉnh đối với vợ chồng Cả Anh rằng:  gieo nhân nào ắt sẽ gặt quả đấy. 1,0
     
     
     
     
     
  5 Suy nghĩ gì về nội dung của câu tục ngữ: “Cơm mẹ thì ngon, cơm con thì đắng”:

– Câu tục ngữ có thể hiểu là: cha mẹ nuôi con bằng tình yêu thương, nhưng con cái khi phải nuôi cha mẹ lại hay bạc đãi.

– Câu tục ngữ là một lời cảnh tỉnh, nhắc nhở những người làm con cần phải biết hiếu thảo với cha mẹ của mình, cần phải chăm sóc cha mẹ mình bằng lòng yêu thương, để đền đáp lại công ơn to lớn của cha mẹ.

 

1,0
II   VIẾT 6,0
  1 Viết đoạn văn cảm nhận về một vẻ đẹp phẩm chất nổi bật của nhân vật cụ Nhiêu trong văn bản phần đọc hiểu. 2,0
a. Xác định được yêu cầu về  hình thức, dung lượng của đoạn văn

Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng của đoạn văn (khoảng 200 chữ). Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo kiểu diễn dịch, quy nạp, song hành, móc xích hoặc  tổng phân hợp

0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: một vẻ đẹp phẩm chất nổi bật của nhân vật cụ Nhiêu trong văn bản đọc hiểu

0,25
c. Đề xuất được hệ thống các ý phù hợp  để làm rõ vấn đề nghị luận

Xác định được hệ thống các ý phù hợp  để làm rõ vấn đề nghị luận. Dưới đây là một số gợi ý:

 

    –  Khái quát tác giả, tác phẩm:

    – Lựa chọn một trong 2 phẩm chất nổi bật của nhân vật cụ Nhiêu:

   + Cụ Nhiêu là người rất mực yêu thương con cháu, bao dung và thấu hiểu

   + Cụ Nhiêu là người biết lo xa (tậu một mẫu ruộng thượng đẳng điền để làm cái vốn dưỡng già)

+ Hình tượng  nhân vật cụ Nhiêu góp phần tô đậm tư tưởng nhân văn,  ý nghĩa nhân sinh sâu sắc của tác phẩm và nghệ thuật kể chuyện độc đáo của nhà văn Kim Lân.

 

Sắp xếp được hệ thống các ý hợp lý theo đặc điểm bố cục của kiểu đoạn văn.

 

0.5
d. Viết đoạn văn đảm bảo được các yêu cầu sau:

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để  triển khai vấn đề nghị luận: vẻ đẹp phẩm chất nổi bật của nhân vật cụ Nhiêu trong văn bản truyện ngắn “Cơm con” của nhà văn Kim Lân.

–  Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục; lí lẽ xác đáng, dẫn chứng tiêu biểu phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.

0,5
d. Diễn đạt 0,25

 

1

 

    Bảo đảm chuẩn chính tả dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.  
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ

0,25
2 Trên thảo nguyên Amazon có loài chim ưng sinh sống, khi chim ưng con đến một độ tuổi nhất định chim ưng mẹ sẽ huấn luyện cho chim ưng con cách bay lượn. Nhưng trước khi luyện bay, chim mẹ lại cắn đứt lông cánh chim con trước. Chim ưng con không nhận được giúp đỡ nào từ chim mẹ vì chim mẹ chỉ dạy con cách chiến thắng chính mình. Khi chim non có thể bay lượn cũng chính là lúc chim non có thể chinh phục không gian.

Từ câu chuyện về cách dạy con của chim ưng mẹ, anh/ chị hãy viết một bài văn trình bày suy nghĩ của bản thân về cách chiến thắng chính mình trước những thử thách của cuộc sống.

4,0
a.      Xác định được yêu cầu của kiểu bài

Xác định được yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội

0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận : cách chiến thắng chính mình trước những thử thách của cuộc sống. 0,5
c. Đề xuất được hệ thống  ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết

–   Xác định được các ý chính của bài viết

– Sắp xếp được các ý hợp lý theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận :

* Giới thiệu vấn đề cần nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề

* Triển khai vấn đề nghị luận

– Giải thích vấn đề nghị luận

– Thể hiện quan điểm của người viết, có thể theo một số gợi ý sau:

+ Khi đứng trước những thử thách của cuộc sống không phải lúc nào chúng ta cũng có thể nhận được sự giúp đỡ từ những người xung quanh mà phải tự mình vượt qua, tự mình vươn lên, chủ động và tự tin sáng suốt  đưa ra cách thức giải quyết vấn đề của mình.

+ Chiến thắng chính mình tức là ta đã vượt qua những cám dỗ, những suy nghĩ nản chí, lùi bước, hèn nhát và dũng cảm đối diện với thử thách, dám nghĩ dám làm, không phụ thuộc vào bất cứ ai, bất cứ điều gì; chinh phục được những chân trời mới; mở ra nhiều cơ hội cho bản thân.

+ Để chiến thắng được chính mình khi đứng trước những thử thách của cuộc sống, ta cần phải có kiến thức, kĩ năng sống, kinh nghiệm, bản lĩnh và khả năng dự đoán, phân tích các tình huống để đưa ra cách giải quyết phù hợp, nhanh nhẹn, phù hợp với thực tế đời sống …

– Mở rộng, trao đổi với quan điểm trái chiều hay các ý kiến khác để có cái nhìn toàn diện …

* Khẳng định lại quan điểm của cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân

1,0
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Triển khai được ít nhất hai luận điểm để  làm rõ quan điểm của cá nhân

–   Kết hợp được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp khi triển khai vấn đề nghị luận

–  Lập luận chặt chẽ, thuyết phục, lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và bằng chứng

–  Lưu ý: học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và  pháp luật

1,5
 d. Diễn đạt

Đảm bảo đúng chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ

0,5
Tổng điểm 10,0

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *