Đề thi HSG lớp 10-11 cụm trường HN 2024

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HÀ NỘI LIÊN CỤM TRƯỜNG THPT

ĐỀ CHÍNH THỨC

KỲ THI OLYMPIC DÀNH CHO HỌC SINH LỚP 10, LỚP 11

NĂM HỌC 2023 – 2024

Môn thi: NGỮ VĂN 10 Ngày thi: 09/3/2024

Thời gian làm bài: 150 phút

Câu I (8 điểm)

Trong bài viết Một lời thú nhận, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng:

“Có không ít người già đi mà không lớn lên được. Chúng ta không phải làm gì, cứ ngồi yên một chỗ thì vẫn già đi mỗi ngày. Nhưng để lớn thêm được một chút là chúng ta phải sống đến tận cùng trong mọi nghĩa”.

Suy nghĩ của anh / chị về quan điểm trên.

Câu II (12 điểm)

Thời đại ngày nay, khi nhịp sống bị cuốn vào vòng xoáy tốc độ, văn chương có giúp con người sống chậm lại?

Bằng kiến thức và trải nghiệm văn học của mình, anh / chị hãy viết bài văn nghị luận trả lời câu trên.

—————HẾT—————–Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

Họ tên thí sinh:…………………………………… Số báo danh:………………..

Họ tên và chữ kí của cán bộ coi thi số 1:                    Họ tên và chữ kí của cán bộ coi thi số 2:

 

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HÀ NỘI LIÊN CỤM TRƯỜNG THPT

KỲ THI OLYMPIC DÀNH CHO HỌC SINH LỚP 10, LỚP 11

NĂM HỌC 2023 – 2024 Môn thi: Ngữ văn 10 Ngày thi: 09/3/2024

HƯỚNG DẪN CHẤM

A. Hướng dẫn chung

  1. Thí sinh có thể trình bày theo các cách khác nhau nhưng phải đảm bảo nội dung chính, chấp nhận bài viết có những ý ngoài đáp án nhưng phải có căn cứ xác đáng, lí lẽ thuyết phục. Trân trọng, khuyến khích những bài văn sáng tạo, có cách kiến giải riêng hợp lí, thuyết phục, có thể bỏ qua những lỗi nhỏ về kỹ năng hoặc có ý chưa sâu so với đáp án.
  2. Do đặc trưng của môn Ngữ văn nên cán bộ chấm thi cần chủ động, linh hoạt trong

quá trình chấm. Thí sinh có thể trình bày, diễn đạt theo cách thức riêng, cán bộ chấm thi tôn trọng ý tưởng đúng của người viết, tránh đếm ý cho điểm. Khuyến khích những bài làm sáng tạo, diễn đạt lưu loát, giàu hình ảnh, có cảm xúc.

  1. Việc chi tiết hóa điểm số của các câu (nếu có) trong Hướng dẫn chấm phải được thống nhất trong Hội đồng chấm thi và bảo đảm không sai lệch với tổng điểm của mỗi câu.

4, Bài thi được chấm theo thang điểm 20, lẻ đến 0,5; không làm tròn số.

B. Hướng dẫn cụ thể

 

Câu     1

 Vấn đề cần nghị luận: Có không ít người già đi mà không lớn lên   được…Nhưng để lớn thêm được một chút là chúng ta phải sống đến tận cùng trong mọi nghĩa.

* Bảo đảm cấu trúc bài NLXH (có đủ 3 phần mở, thân, kết bài; các phần gắn kết   chặt chẽ)

* Triển khai giải quyết vấn đề hợp lí, hiệu quả:

Già đi: là lớn lên, già nua về tuổi tác, cũng là tình trạng sống mòn, chết mòn, vô nghĩa…; lớn lên: là trưởng thành về tâm hồn…

Già đi mà không lớn lên – là hiện tượng có không ít người để thời gian đời người trôi đi nhạt nhẽo vô nghĩa, sống mòn, lười nhác, thụ động, buông xuôi, chết mòn trước khi trưởng thành, trước khi thực sự sống.

Để lớn lên cần sống tận cùng trong mọi nghĩa: để lớn lên cần phải sống trải nghiệm, dấn thân, sống hết mình, sống tận độ trong từng giây phút và trong mọi mặt, mọi chiều kích của cuộc sống…

=>Lời tâm sự gợi cho ta suy tư về một hiện trạng: có nhiều người không chịu trưởng thành, họ để cuộc đời trôi đi vô nghĩa (già mà không lớn lên được); đồng thời phủ định lối sống nhạt nhẽo vô vị; khẳng định và cổ vũ con người vươn lên sống tích cực – dám sống và sống nhiệt thành, hết mình…

Bàn luận: Thí sinh có thể bàn luận theo nhiều hướng, nhưng cần tập trung vào vấn     đề nghị luận:

* Sống – không phải để “già đi”.

– Người ta già đi theo thời gian là điều tất yếu. Nhưng già đi mà chưa trưởng thành chưa chịu lớn lên lại là một hiện trạng đáng buồn;

– Thực chất đó là một hiện tượng sống buông xuôi, sống nhạt nhẽo, vô nghĩa, chết mòn khi đang sống. Lối sống đó để lại nhiều hậu quả nặng nề cho cá nhân và xã hội (cuộc đời nhạt nhẽo, không đóng góp gì cho xã hội, nhiều khi trở thành gánh nặng cho người khác…);

– Lối sống đó thường xuất hiện ở những con người kém cỏi, ỷ lại, chấp nhận, núp bóng an phận thủ thường nhưng thực chất là không dám sống. Vì thế, đây không chỉ là vấn đề lựa chọn lối sống mà là kiểu người cần phủ định.

*Sống – là để “lớn lên”.

– Cuộc sống rộng lớn, con người nhỏ bé, thời gian đời người trôi chảy không ngừng dễ làm cho người ta buông xuôi, sống kiếp đời nhạt nhẽo…

– Nhưng xét từ bản chất, con người không dễ chấp nhận già đi một cách thuần túy. Con người luôn khao khát lớn lên, trưởng thành, đạt được những thành tựu… trong từng giây phút, trong mọi lĩnh vực.

– Con người có đủ điều kiện để tự lớn lên, tự trưởng thành vì con người có trí tuệ, ý chí, niềm tin…

*Muốn “lớn lên” – dù chỉ “một chút” cũng phải sống hết mình, sống tận độ theo mọi nghĩa.

– Chính chúng ta tạo nên cuộc đời mình… chúng ta tự làm cho mình lớn lên…Nhưng điều đó là không dễ dàng, đòi hỏi chúng ta phải sống tận cùng trong mọi nghĩa

– Sống tận cùng trong mọi nghĩa đòi hỏi con người luôn cần vận động hết mình, sống dấn thân, tận độ trong từng giây phút, từng mặt của cuộc sống dù vui hay buồn, dù thành công hay thất bại ….

– Sống tận cùng trong mọi nghĩa giúp con người ta lớn lên, cuộc sống phong phú, giàu trải nghiệm, chống lại sự già đi thuần túy, vô nghĩa. Sống tận cùng trong mọi nghĩa giúp ta biết trân quý cuộc sống, sự sống, biết yêu con người, sống sâu sắc với người, với đời…

Lưu ý : Người viết cần có những dẫn chứng hợp lí để làm tăng sức thuyết phục của phần bàn bạc vấn đề và thể hiện bản thân có trải nghiệm đời sống.

Bàn luận mở rộng và bài học rút ra

– Nhận thức và phân biệt rõ giữa trạng thái già đi lớn lên, giữa tồn tại sống

– Phê phán những người chấp nhận lối sống buông xuôi, nhạt nhẽo, vô nghĩa đồng thời bản thân luôn luôn vận động sống chủ động tích cực để làm giàu có hơn cho sự sống của mình. Tuy nhiên, cũng cần biết lắng đọng nâng niu, quý mến cuộc sống hiện hiện hữu trong trọng từng phút giây.

* Sáng tạo trong diễn đạt, văn giàu hình ảnh và cảm xúc; lập luận và trình bày  thuyết phục.

 

2         Vấn đề cần nghị luận: văn chương có giúp con người sống chậm lại?

– Bảo đảm cấu trúc bài NLVH (có đủ 3 phần mở, thân, kết; các phần gắn kết chặt chẽ)

– Thí sinh có thể giải quyết vấn đề, trình bày theo các cách khác nhau nhưng phải có lý lẽ, căn cứ xác đáng, không xa rời vấn đề nghị luận. Biết vận dụng các kiến thức về lí luận, về tác giả, tác phẩm; các kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng cảm thụ văn chương.

– Lập luận chặt chẽ, lí lẽ thuyết phục, dẫn chứng phù hợp. Diễn đạt mạch lạc, sáng tạo; khuyến khích lối hành văn giàu hình ảnh, giàu cảm xúc, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ khi nghị luận.

Yêu cầu cụ thể: Cần tập trung giải quyết các vấn đề sau

* Bảo đảm cấu trúc bài văn NLVH (có đủ 3 phần mở, thân, kết bài; các phần    gắn kết chặt chẽ)

* Triển khai giải quyết vấn đề hợp lý hiệu quả

 nhịp sống: tốc độ sống của con người

bị cuốn vào vòng xoáy tốc độ: bị kéo vào, cuốn theo tốc độ nhanh, gấp gáp. Từ đó, sống vội vàng, lướt qua mà không kịp tận hưởng vẻ đẹp của đời sống.

sống chậm: là cách sống chú trọng quan sát, lắng nghe để cảm nhận, hiểu và trân trọng những giá trị sống.

=> Ý kiến đề cập đến vai trò, giá trị của văn chương: khi con người bị cuốn vào nhịp sống gấp gáp, liệu văn chương có thể giúp con người có những khoảng lắng để cảm nhận sâu hơn về cuộc sống, ngẫm nghĩ về những giá trị sống và về chính mình…

Bàn luận:

– Cuộc sống hiện đại với guồng quay gấp gáp khiến con người bị cuốn theo, trở nên bị động, lệ thuộc, thậm chí còn đánh mất đi những giá trị sống, những cơ hội được sống thực sự. Trong bối cảnh ấy, văn chương như một nẻo về để con người được thoát ra khỏi vòng xoáy tốc độ, sống chậm lại, sống sâu hơn.

– Văn chương giúp con người có những khoảng lắng để khám phá, cảm nhận cuộc

sống, suy tư và chiêm nghiệm những giá trị sống đích thực:

+ Với tác giả, viết là cách thức giúp nhà văn sống chậm lại. Khi viết, nhà văn phải quan sát, nghiền ngẫm, bởi vậy nhà văn sống chậm lại, sống sâu hơn, trăn trở suy tư trước cuộc đời và con người. Đó là cơ hội nhà văn đối thoại với cuộc đời và soi ngắm chính mình.

+ Với người đọc, đọc là cách để mỗi người có khoảng lắng riêng để sống chậm, là hành trình khám phá, nhận thức cuộc sống một cách sâu sắc và toàn diện, cũng là hành trình khám phá và nhận thức, bồi đắp chính mình.

– Khi văn chương giúp con người sống chậm, ta sẽ được bồi đắp những trải nghiệm phong phú, mới mẻ, sẽ sống một cuộc đời khác thâm trầm và rộng rãi hơn rất nhiều cuộc đời thực.

Chứng minh:               ‘

Học sinh chọn và phân tích được một số tác phẩm để làm sáng tỏ vấn đề

Định hướng phân tích:

– Chỉ ra và cảm nhận được những vẻ đẹp về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm; Thấy được tác động sâu sắc từ những vẻ đẹp ấy đi với chính mình (và với người

đọc khác).

– Làm rõ tác phẩm ấy đã giúp mình sống chậm lại như thế nào, giúp mình có những suy tư , trăn trở gì về cuộc sống…

(Phần chứng minh có thể đan xen trong nội dung lí luận hoặc tách riêng; có thể chọn lựa cách thức đưa dẫn chứng nhưng phải tập trung làm sáng tỏ yêu cầu của đề bài, tránh phân tích dàn trải).

Bàn luận mở rộng:

– Câu hỏi đã gợi ra sứ mệnh lớn lao của văn chương trong bối cảnh sống hiện đại.

Văn chương giúp con người hóa giải những áp lực tinh thần nặng nề, giúp con người thoát khỏi vòng xoáy tốc độ của nhịp sống hiện đại để sống sâu hơn, trân trọng những giá trị sống.

– Giúp con người sống chậm không phải là quyền năng duy nhất của văn chương. Trên thực tế, nhiều tác phẩm văn chương đã thức tỉnh con người sống gấp gáp, sống hết mình để đón nhận đến tận cùng giá trị sống.

– Câu hỏi cũng gợi mở những bài học ý nghĩa đối với người nghệ sĩ và người đọc: + Đối với người nghệ sĩ: cần phải hiểu được chức năng của văn chương và sứ mệnh của người cầm bút trong thời đại “tốc độ”, từ đó viết nên những trang văn có thể giúp con người lắng lại để sống sâu hơn.

+ Đối với người đọc: cần hiểu được những trăn trở, suy tư của nhà văn trong trang sách để hiểu mình, hiểu đời và trân trọng những giá trị sống đích thực.

* Diễn đạt giàu hình ảnh, văn có cảm xúc, sáng tạo trong lập luận, trình bày bài.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *