Đề minh hoạ môn văn theo cấu trúc thi tốt nghiệp 2025, đề số 92

ĐỀ THAM KHẢO THEO CẤU TRÚC CỦA BỘ GD&ĐT

PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

          Trong lịch sử nhân loại đã và đang xuất hiện những tài năng mà ánh sáng trí tuệ của họ còn soi rọi mãi về sau(…) Cuộc đời của họ ít gặp những nỗi  gian lao. Họ sáng tạo nhẹ nhàng như hoa nở ban mai, như chim hót lúc bình minh.

          (…) Thế nhưng bên cạnh những con người như thế lại có những con người có cuộc đời khác hẳn. Cảnh đời của họ nhiều khi thật éo le. Họ phải kiên gan đấu tranh với số phận khắc nghiệt và phải nhẫn nhục khắc phục ngay chính cả bản thân mình. Người ta gọi họ là những tài năng “do chính bản thân mình”. Đó là Demonstein nói ngọng và hay xấu hổ, đã hàng ngày ngậm sỏi, gào thi với sóng biển, cuối cùng trở thành nhà hùng biện vĩ đại thời cổ. Đó là  người khổng lồ M. Lomonosop  phải khắc phục nỗi tủi cực “lớn xác rồi mà vẫn chưa biết đọc” và đã trở thành- như chúng ta đều biết- nhà bác học Nga vĩ đại. Đó là Vanshope  người Hà Lan mắc bệnh tâm thần, nhờ kiên trì đấu tranh với bệnh tật, cuối cùng đã trở thành nhà bác học lừng danh, có công xây dựng thuyết hóa học không gian và được giải thưởng Nobel đầu tiên về hóa học. Đó là Pontriaghin bị mù hai mắt từ năm còn học bậc tiểu học, nhưng vẫn kiên trì khắc phục khó khăn và tiếp tục học, cuối cùng trở thành nhà toán học xuất sắc và Viện sĩ chính thức Viện hàn lâm khoa học Liên Xô (…)

          Vậy bí quyết thành công của họ là ở chỗ nào? Sức mạnh nào thôi thúc họ vượt khó để đến thành công? Rõ ràng đó là nhờ ở ý chí.

(http://www.banthedao.net/tailieu/sucmanhcuaychi.html)

Câu 1: Xác định vấn đề nghị luận trong đoạn trích trên?

Câu 2: Chỉ ra những yếu tố tự sự được kết hợp sử dụng  trong văn bản ?

Câu 3. Tại sao những người như Demonstein, M. Lomonosop, Vanshope , Pontriaghin… được gọi là những tài năng “do chính bản thân mình”?

Câu 4: Tác dụng của việc tác giả đưa ra những bằng chứng là những câu chuyện về những danh nhân?

Câu 5. Anh/chị có đồng tình với quan điểm tài năng “do chính bản thân mình” tạo ra?

PHẦN VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Hãy viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) trình bày quan điểm của anh/chị về vấn đề:  Vì sao con người hiện đại cần có ý thức trở thành công dân toàn cầu?

Câu 2. (4,0 điểm)

Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh
Gần xa nô nức yến anh
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân
Dập dìu tài tử giai nhân
Ngựa xe như nước áo quần như nêm
Ngổn ngang gò đống kéo lên
Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay
Tà tà bóng ngả về tây
Chị em thơ thẩn dang tay ra về
Bước dần theo ngọn tiểu khê
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh
Nao nao dòng nước uốn quanh
Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang

( “Cảnh ngày xuân”- trích Truyện Kiều- Nguyễn Du)

Hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) thể hiệm cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp trong mối quan hệ giữa người và cảnh trong đoạn trích trên.

HƯỚNG DẪN CHẤM – ĐỀ MINH HỌA

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 4,0
  1 Vấn đề nghị luận: sức mạnh giúp con người đến với thành công, đó là ý chí.

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời như đáp án: 0,5 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

0,5
2 Các yếu tố tự sự được dùng kết hợp trong đoạn nghị luận:

Demonstein nói ngọng và hay xấu hổ, đã hàng ngày ngậm sỏi, gào thi với sóng biển, cuối cùng trở thành nhà hùng biện vĩ đại thời cổ.

M. Lomonosop  phải khắc phục nỗi tủi cực “lớn xác rồi mà vẫn chưa biết đọc” và đã trở thành- như chúng ta đều biết- nhà bác học Nga vĩ đại.

Vanshope  người Hà Lan mắc bệnh tâm thần, nhờ kiên trì đấu tranh với bệnh tật, cuối cùng đã trở thành nhà bác học lừng danh,

Pontriaghin bị mù hai mắt từ năm còn học bậc tiểu học, nhưng vẫn kiên trì khắc phục khó khăn và tiếp tục học, cuối cùng trở thành nhà toán học xuất sắc và Viện sĩ chính thức Viện hàn lâm khoa học Liên Xô

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời được 3-4 ý như đáp án: 0,5 điểm

– Trả lời được 1-2 ý:  0,25 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm

0,5
3 -Vì tài năng của họ không phải tự nhiên mà có, không phải do bẩm sinh. Tài năng của họ được hình thành trong quá trình  họ đấu tranh với sự khắc nghiệt của số phận và vượt lên khắc phục những khiếm khuyết của bản thân.

– Vì tài năng của họ được hình thành và phát triển do sức mạnh của nội tâm, đó là lòng kiên trì, nghị lực, ý chí của bản thân họ.

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm

– Trả lời được 1 ý tương đương như đáp án: 0,5 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm

1,0
4 – Tác dụng:

+ Tạo cơ sở thực tiễn cho lí lẽ, làm tăng sức thuyết phục cho lập luận

+ Thể hiện thái độ ngợi ca, tôn vinh, cảm phục của người viết đối với những con người tài năng đó.

+ Tạo một cách diễn đạt sinh động, cụ thể, ấn tượng về sự nỗ lực của những người tài năng đó.

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án được 2/3 số ý: 0,5 – 0,75 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án được 1/3 số ý: 0,25 – 0,5 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

1,0
5   Thí sinh nêu được quan điểm của bản thân, có thể đồng tình hoặc không đồng tình với vấn đề đặt ra, song câu trả lời phải chặt chẽ, có phần lí giải hợp lí, có sức thuyết phục, không vi phạm pháp luật và những chuẩn mực đạo đức.

Một số gợi  ý:

–         Đồng ý: tài năng “do chính bản thân mình” tạo ra.

+Vì ta là người ý thức rõ nhất về sở thích, sở trường, điều kiện, giá trị… của bản thân, từ đó khắc phục điểm yếu, phát huy thế mạnh…

+ Vì không ai có thể thay thế ta trong việc thực thi các công việc để bộc lộ tài năng.

+…

–         Không đồng ý:

+ Tài năng là vấn đề năng khiếu, năng lực bẩm sinh, là sở trường vượt trội một cách xuất sắc so với mọi người bình thường, không phải ai cũng có.

+ Khái niệm tài năng còn bao gồm cả vấn đề sáng tạo. Vì vậy,  kiên trì rèn luyện một việc gì không phải là sở trường thì có thể chỉ trở thành “thợ giỏi”, chưa hẳn đã trở thành một “tài năng”

+…

Hướng dẫn chấm:

(Lưu ý: HS có thể có cách diễn đạt khác, miễn là lí giải hợp lí, thuyết phục thì vẫn cho điểm)

1,0
II   VIẾT 6,0
  1 Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) trình bày quan điểm của anh/chị về vấn đề : Vì sao người trẻ/ con người hiện đại cần có ý thức trở thành công dân toàn cầu? 2,0
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn

Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

–  Vì sao con người hiện đại cần có ý thức trở thành công dân toàn cầu?

0,25
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận:

– Về triển vọng, cuộc sống của thế giới hiện đại đang mở ra nhiều cơ hội và triển vọng để đời sống mỗi cá nhân không còn bị bó buộc trong đường biên giới hạn hẹp của riêng một quốc gia nào.

– Về điều kiện, con người hiện đại có cơ hội để trang bị cho mình mọi vốn liếng về tri thức, về kỹ năng, về phương pháp, về phương tiện… để có tiềm lực mà đáp ứng những yêu cầu của một “công dân toàn cầu”.

– Về giá trị sống, con người hiện đại cần vươn tới những tầm cao mới trong quan niệm về giá trị sống của mình. Con người hiện đại có thể sinh ra ở một quốc gia, một dân tộc nhất định, nhưng sự phát triển bản thân cũng như lý tưởng cống hiến không nên chỉ tự bó hẹp cho riêng quốc gia, dân tộc mình, mà phải sống trong và sống cho mối giao lưu toàn cầu, do đó có thể nới rộng tối đa sự tận hiến.

– Về lợi ích, làm công dân toàn cầu, con người hiện đại sẽ có cuộc sống luôn mở rộng với nhiều vùng lãnh thổ, nhiều vùng văn hóa, nhiều môi trường làm việc, nhiều mối quan hệ, nên có thể nới rộng đến tối đa sự tận hưởng của mình.

– Nếu không có ý thức trở thành công dân toàn cầu, người trẻ sẽ phải đói mặt với nguy cơ bị tụt hậu, bị đào thải.

0,5
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận: ……

– Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

Trình bày rõ quan điểm hệ thống các ý

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý lẽ và dẫn chứng.

0,5
đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,25
  2 Hãy viết một bài văn nghị luận(khoảng 600 chữ) cảm nhận về vẻ đẹp của mối quan hệ giữa người và cảnh thể hiện trong đoạn trích? 4,0
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài

Xác định được yêu cầu của kiểu bài: nghị luận văn học

0,25
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: vẻ đẹp trong mối quan hệ giữa người và cảnh thể hiện trong đoạn trích. 0,5
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết

– Xác định được các ý chính của bài viết

– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận:

* Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.

* Triển khai vấn đề nghị luận:

– Giới thiệu thông tin chính về Truyện Kiều, Nguyễn Du, thể loại truyện thơ Nôm.

– Khái quát nội dung đoạn trích: tả cảnh ngày xuân trong tiết Thanh minh và cảnh du xuân của chị em Thúy Kiều.

– Khung cảnh  thiên  nhiên mùa xuân trong trẻo, tươi sáng, đầy sức sống được gợi lên qua các yếu tố miêu tả không gian, thời gian:  đường nét, hình ảnh, màu sắc, khí trời, cảnh vật:  Chim én đưa thoi, Thiều quang chín chục, đã ngoài sáu mươi,  Màu cỏ non xanh rợn đến chân trời: gợi lên không gian khoáng đạt,  Cành lê trắng: gợi sự thanh khiết, trong trẻo.

– Khung cảnh lễ hội diễn ra trong đoạn thơ rộn ràng, nhộn nhịp:  lễ tảo mộ, hội đạp thanh; hình ảnh sống động: ngựa xe như nước, áo quần như nêm, ngổn ngang gò đống…; hệ thống những danh từ, động từ kép: gần xa, yến anh, chị em, tài tử, giai nhân… gợi sự đông vui, náo nhiệt; nô nức, sắm sửa, dập dìu, ngổn ngang gợi không khí nhộn nhịp, rộn ràng.

⇒ Không khí cảnh lễ hội rộn ràng, cùng những nghi thức trang nghiêm khi viếng mộ; tâm trạng náo nức của con người.

– Khung cảnh chị em Thúy Kiều ra về: thời gian, không gian chuyển sang chiều tối; Cảnh vật và người trở nên thưa vắng;  Từ láy: thanh thanh, nao nao, thơ thẩn.. Tâm trạng bâng khuâng, xao xuyến, lặng buồn và dự cảm một điều sắp xảy ra.

– Nhận xét về mối quan hệ giữa người và cảnh trong đoạn trích.:   Mối quan hệ  tương hợp

+Cảnh xuân trong trẻo, đầy sức sống tương hợp với không khí nô nức, trẻ trung, đầy măù sắc, náo nhiệt của lễ hội đạp thanh

+Cảnh làm nền cho người, người là biểu hiện đẹp nhất của cảnh ngày xuân

+ Sự thay đổi của cảnh (không gian và thời gian) cũng khiến hoạt động và tâm trạng của con người thay đổi: từ sớm xuân đến khi chiều tà; từ náo nức đến nao nao buồn, nuối tiếc

+ Cảnh ngụ tình: cái man mác, bâng khuâng trong lời thơ, trong cảnh trí là do khởi phát từ lòng người mà lây nhiễm vào ngoại cảnh.

* Đánh giá chung

– Nội dung: miêu tả bức tranh thiên nhiên mùa xuân tươi đẹp, hài hòa giữa thiên nhiên và con người.

– Nghệ thuật: Ngôn ngữ giàu hình ảnh, nhịp điệu, diễn tả tinh tế tâm trạng của nhân vật.

 

1,0
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Triển khai được ít nhất hai luận điểm để làm rõ quan điểm cá nhân

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.

– Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý lẽ và dẫn chứng.

Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

1,5
đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,5
Tổng điểm 10,0

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *