ĐỀ MINH HỌA
PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Đọc văn bản sau:
HƠI ẤM BÀN TAY
– Lưu Quang Vũ(*) – Phút đưa nhau ta chỉ nắm tay mình Điều chưa nói thì bàn tay đã nói Mình đi rồi hơi ấm còn ở lại Còn bồi hồi trong những ngón tay ta.
Như hai dòng sông gặp gỡ đổi phù sa Nhập luồng nước, hoà nhau màu sắc Trao cảm thương hai bàn tay nắm chặt Nghe máu mẹ cha chuyển giữa mỗi tay mình. […]
|
Bàn tay ta trên ngực lớn cuộc đời Ấm hơi ấm ở tay mình lưu luyến Và ở tận đầu kia trận tuyến Bàn tay mình mang ánh nắng tay ta.
Khi đàn chim bay tới rợp trời trưa Cồn mây về mang cơn mưa đầu hạ Hai vì sao đổi ngôi trong đêm gió… Đó chính tay mình đang vượt khoảng xa Tìm đến nơi này âu yếm nắm tay ta. (Lưu Quang Vũ – Tác phẩm chọn lọc, Lưu Khánh Thơ giới thiệu và tuyển chọn, NXB Giáo dục Việt Nam, 2009, tr.29 – 30) |
Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5:
- (0,5 điểm) Xác định nhân vật trữ tình của văn bản trên.
- (0,5 điểm) Chỉ ra những từ ngữ thể hiện cảm xúc của “ta” và “mình” trong bài thơ?
- (1,0 điểm) Hình ảnh “ánh nắng” trong câu thơ “Bàn tay mình mang ánh nắng tay ta”
tượng trưng cho điều gì?
- (1,0 điểm) Những hình ảnh thiên nhiên và con người trong khổ thơ cuối có mối quan hệ với nhau như thế nào?
- (1,0 điểm) Nội dung bài thơ trên gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về ý nghĩa của những hành động biểu lộ tình cảm trong cuộc sống?
- PHẦN VIẾT (6,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm) Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) trình bày cảm nhận của anh/chị về hình ảnh bàn tay trong bài thơ “Hơi ấm bàn tay” của Lưu Quang Vũ được trích ở phần Đọc hiểu.
Câu 2. (4,0 điểm)
Trau dồi kĩ năng giao tiếp là một cách thức hiệu quả để kiến tạo và nâng cao giá trị bản thân.
Viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề trên
ĐÁP ÁN & HƯỚNG DẪN CHẤM
Phần | Câu | Nội dung | Điểm |
I | ĐỌC HIỂU | 4,0 | |
1 | – Nhân vật trữ tình trong văn bản: Ta
Hướng dẫn chấm: – Trả lời như đáp án: 0,5 điểm – Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm. |
0,5 | |
2 | – Những từ ngữ thể hiện cảm xúc của “ta” và “mình” trong bài thơ: bồi hồi, cảm thương, lưu luyến, âu yếm
Hướng dẫn chấm: – Trả lời từ 3- 4 từ như đáp án: 0,5 điểm – Trả lời 1-2 từ như đáp án: 0,25 điểm – Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm |
0,5 | |
3 | – Hình ảnh “ánh nắng” trong câu thơ “Bàn tay mình mang ánh nắng tay ta” tượng trưng cho:
+ Niềm tin và sự hi vọng về tương lai tươi sáng; + Mỗi ngón tay mang theo ánh nắng tượng trưng cho sức mạnh và ý chí đánh bại khó khăn trong cuộc sống. Hướng dẫn chấm: – Trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm – Trả lời được 1 ý tương đương như đáp án: 0,5 điểm – Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm |
1,0 | |
4 | Những hình ảnh thiên nhiên và con người trong khổ thơ cuối có mối quan hệ với nhau:
– Những hình ảnh thiên nhiên có mối quan hệ tương đồng, cùng thể hiện sự giao hòa, gắn kết của vạn vật; – Những hình ảnh thiên nhiên có sức tác động, gợi cho con người cảm giác về sự gắn bó, tình cảm yêu thương vượt mọi ngăn cách. Hướng dẫn chấm: – Trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm – Trả lời tương đương như đáp án được 1/2 số ý: 0,5 điểm – Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm. |
1,0 | |
5 | Học sinh suy nghĩ về ý nghĩa của những hành động biểu lộ tình cảm trong cuộc sống. Có thể theo những gợi ý sau:
– Tạo nên sự rung động, khơi dậy cảm xúc cho cả hai phía; – Giúp con người thấu hiểu, yêu thương, gắn bó với nhau; – Tạo niềm tin, động lực cho con người trong cuộc sống… Hướng dẫn chấm: – Trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm – Trả lời tương đương như đáp án 2 ý: 0,75 điểm – Trả lời tương đương như đáp án 1 ý: 0,5 điểm – Trả lời không đúng hoặc không trả lời: 0,0 điểm. (Lưu ý: HS có thể có cách diễn đạt khác, miễn là lí giải hợp lí, thuyết phục thì vẫn cho điểm) |
1,0 | |
II | VIẾT | 6,0 | |
1 | Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) trình bày cảm nhận của anh/chị về hình ảnh bàn tay. | 2,0 | |
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành. |
0,25 | ||
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Giá trị nội dung, nghệ thuật của hình ảnh bàn tay trong bài thơ. |
0,25 | ||
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
Xác định rõ các ý để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý: + Hình ảnh bàn tay xuất hiện từ nhan đề và xuyên suốt bài thơ tạo nên mạch vận động của hình tượng thơ, đó là sự gắn kết, giao hòa, đồng điệu giữa “mình” và “ta”; + Hình ảnh “bàn tay” vận động qua các khổ thơ thể hiện mạch vận động của cảm xúc, tình cảm trong tình yêu đôi lứa, từ bồi hồi xao xuyến thuở ban đầu (khổ thứ nhất), đồng điệu, cảm thương khi hòa chung nhịp đập (khổ thứ 2), vừa lưu luyến vừa tin tưởng và hi vọng về tương lai tươi sáng dù chia xa (khổ thứ 3), cho đến khao khát vượt lên khoảng cách, vượt lên mọi khó khăn để được cận kề (khổ cuối); + Hình ảnh bàn tay được thể hiện bằng giọng thơ chân thành, tha thiết, ngôn ngữ giá trị biểu cảm, hình ảnh đẹp, trong sáng, đa nghĩa… |
0,5 | ||
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận: Giá trị nghệ thuật và nội dung của hình ảnh bàn tay trong bài thơ. – Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt. – Trình bày rõ quan điểm hệ thống các ý – Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý lẽ và dẫn chứng. |
0,5 | ||
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn |
0,25 | ||
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. |
0,25 | ||
2 | Trau dồi kĩ năng giao tiếp là một cách thức hiệu quả để kiến tạo và nâng cao giá trị bản thân.
Viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề trên. |
4,0 | |
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài
Xác định được yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội |
0,25 | ||
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Trau dồi kĩ năng giao tiếp là một cách thức hiệu quả để kiến tạo và nâng cao giá trị bản thân | 0,5 | ||
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết
– Xác định được các ý chính của bài viết – Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận: * Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề. * Triển khai vấn đề nghị luận: – Giải thích: + Kĩ năng giao tiếp là khả năng sử dụng ngôn ngữ nói hoặc ngôn ngữ cơ thể để truyền tải, diễn đạt, trao đổi thông tin,… ; kĩ năng giao tiếp gồm những quy tắc, cách ứng xử, phản hồi,… giữa người nói và người nghe nhằm đạt mục đích nhất định. + Giá trị bản thân: là những phẩm chất, kĩ năng, mục tiêu…điều mà mỗi người tin rằng quan trọng đối với bản thân, tác động tích cực với công việc và cuộc sống hàng ngày của họ. =>Trau dồi kĩ năng giao tiếp là có ý thức rèn luyện, bồi dưỡng kĩ năng nói- nghe, phản hồi, kĩ năng dùng những yếu tố phi ngôn ngữ… để xây dựng và nâng cao giá trị của mỗi người trong công việc và cuộc sống. – Thể hiện quan điểm của người viết, có thể theo một số gợi ý: + Trau dồi kĩ năng giao tiếp nhằm nâng cao khả năng tương tác, diễn đạt của bản thân để đạt mục đích giao tiếp. + Trau dồi kĩ năng giao tiếp giúp con người tích lũy kinh nghiệm, soi ngắm bản thân để tự hoàn thiện nhân cách chính mình; + Là cơ sở để tạo dựng những mối quan hệ tốt đẹp, từ đó con người nắm bắt những cơ hội, vươn đến thành công. + Khi giá trị bản thân được nâng tầm thì còn người sẽ có nhiều đóng góp tích cực, có ích, thúc đẩy xã hội phát triển đi lên; nâng cao kĩ năng giao tiếp ở mỗi người là cơ sở hình thành một cộng đồng biết trân trọng nhau, biết sống tốt đẹp, biết đóng góp giá trị bản thân vào giá trị cộng đồng. – Mở rộng, trao đổi với góc nhìn trái chiều: + Giá trị của bản thân được đánh giá qua nhiều yếu tố như kĩ năng sống, tri thức, vốn sống, trình độ… nên kĩ năng giao tiếp không phải là yếu tố duy nhất, quyết định; + Nếu không kiến tạo và nâng cao kĩ năng giao tiếp thì con người khó thiết lập được các quan hệ xã hội, khó đạt được mục đích giao tiếp, dễ đánh mất cơ hội, thường gặp thất bại… * Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân: – Cần nhận thức được vai trò quan trọng của trau dồi kĩ năng giao tiếp đối với việc tạo nên giá trị của bản thân; – Lập kế hoạch luyện tập kĩ năng diễn đạt thường xuyên, tạo môi trường giao lưu gặp gỡ để nâng tầm giá trị của bản thân… |
1,0 | ||
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:
– Triển khai được ít nhất hai luận điểm để làm rõ quan điểm cá nhân – Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận. – Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt. – Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý lẽ và dẫn chứng. Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. |
1,5 | ||
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản. |
0,25 | ||
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. |
0,5 | ||
Tổng điểm | 10,0 |