Đề minh hoạ môn văn theo cấu trúc thi tốt nghiệp 2025, đề số 86

ĐỀ THAM KHẢO THEO CẤU TRÚC CỦA BỘ GD&ĐT

 PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

 Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Năm mươi tuổi, tôi trở lại Tam Thăng. Đồi sim thơ ấu của tôi còn đó, bóng hoa sim xưa vẫn lãng mạn chờ ai trên đồi đó. Nổng cát trắng phau làm nổi bật lên màu hoa sim tím, hồn nhiên như trái tim trẻ thơ. Chỉ có tôi là chai lỳ, cằn cỗi đi bởi những đau thương, khổ hạnh của cuộc đời. Tôi bước lên đồi xưa, nâng niu những đóa hoa sim và nhận ra những điều rất thật.

Rằng hoa sim là một loài hoa đáng được trân trọng, nâng niu nhất cuộc đời. Hoa sim không rực rỡ, không mời gọi như những loài hoa khác. Hoa sim dịu dàng rót vào lòng tôi những tấu khúc ngọt ngào về quê nhà yêu dấu. Không ai đưa hoa sim ra chợ đời rao bán; người ta chỉ bán những loài hoa khác, kể cả hoa hồng vương giả chi hoa, hoa lan tú khí chi hoa. Sim là một linh hồn tự chủ, sim chỉ nở trên đồi thế thôi. Trong những ngày giá rét buốt xương hay nóng bỏng nắng hạ, sim vẫn đứng trên đồi. Gốc sim khô cằn nhưng màu hoa thì vẫn đẹp.

          Sim tinh khiết bởi sim không cần phân, không cần nước. Đứng trên đồi cát hay đồi bazan pha sỏi, sim vẫn hiên ngang như người quân tử sẵn sàng thử thách những khắc nghiệt của cuộc đời. Dông bão có mạnh đến bao nhiêu, cây sim vẫn không cong lưng ngã gục. Nắng hạn có khắc nghiệt bao nhiêu, hồn sim vẫn sống. Cứ đến mùa là sim ra hoa, cứ đến mùa là sim kết trái. Ngày, sim có mặt trời làm bạn; đêm, sim có trăng sao sáng soi. Lòng sim thật rộng lượng, bảy mươi năm qua mà sim vẫn đứng trên đồng lớn đợi tôi về:

Chờ hoài nên sỏi đá cũng long lanh giọt sương

Chờ hoài nên môi thắm phai hường

Về đây nghe xa vắng tiếng tơ nguyệt cầm rơi

Bài tình ca hát lên cho đời…

Người bạn ơi hãy nhớ bóng hoa vẫn còn đây

Vẫn đẹp như nét mi em dài.

Đối với tôi hoa sim vừa là triết lý sống đời, vừa là nguồn cảm hứng chủ đạo của những bài tình ca. Bạn thấy đấy, tôi yêu thích những gì giản dị, thơ mộng, thậm chí có vẻ như quê mùa một chút. Trong cái ngoại hình quê mùa đó, tôi tìm ra chất ngọc sang trọng mà không có cái sang trọng nào có được.

(Trích Bóng hoa sim, Vũ Đức Sao Biển, Tập truyện và ký Quê nhà yêu dấu, NXB Văn hoá – Văn nghệ, 2020, tr. 120-122)

Câu 1. Chỉ ra yếu tố tự sự trong đoạn trích trên.

Câu 2. Khi “bước lên đồi xưa, nâng niu những đóa hoa sim”, nhân vật tôi nhận ra điều gì?

Câu 3. Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ trong câu văn sau:

Đứng trên đồi cát hay đồi bazan pha sỏi, sim vẫn hiên ngang như người quân tử sẵn sàng thử thách những khắc nghiệt của cuộc đời.”

Câu 4. Theo anh/ chị, vì sao tác giả cho rằng: “Đối với tôi hoa sim vừa là triết lý sống đời, vừa là nguồn cảm hứng chủ đạo của những bài tình ca.”

Câu 5. Từ đoạn trích, anh/ chị quan niệm như thế nào về vẻ đẹp giản dị trong cuộc sống hiện nay?

PHẦN VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Hãy viết một đoạn văn (Khoảng 200 chữ) làm rõ một nét đặc sắc nghệ thuật của bài thơ sau của Trúc Thông:

BỜ SÔNG VẪN GIÓ

Chị em con kính dâng hương hồn Mẹ

 

Lá ngô lay ở bờ sông

Bờ sông vẫn gió

Người không thấy về

Xin Người hãy trở về quê

Một lần cuối… một lần về cuối thôi

Về thương lại bến sông trôi

Về buồn lại đã một thời tóc xanh

Lệ xin giọt cuối để dành

Trên phần mộ Mẹ vương hình bóng Cha

Cây cau cũ, giại hiên nhà

Còn nghe gió thổi sông xa một lần

         

Con xin ngắn lại đường gần

Một lần… rồi Mẹ hãy dần dần đi…

(Bình thơ từ 100 bài thơ hay thế kỉ XX (Tập hai), Vũ Quần Phương (Chủ biên), NXB Giáo dục, 2008, Tr.170)

* Chú thích: Trúc Thông sinh năm 1940. Quê: Hà Nam. Hiện sống và viết văn tại Hà Nội.

Câu 2. (4.0 điểm)

Hãy viết một bài văn nghị luận(khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về vấn đề thích ứng trong mọi hoàn cảnh.

 

ĐÁP ÁN

                                      

Phần Câu/Ý  Nội dung Điểm
I   PHẦN ĐỌC HIỂU 4,0
  1 Yếu tố tự sự trong đoạn trích trên: “Năm mươi tuổi, tôi trở lại Tam Thăng. Đồi sim thơ ấu của tôi còn đó, bóng hoa sim xưa vẫn lãng mạn chờ ai trên đồi đó. … Tôi bước lên đồi xưa, nâng niu những đóa hoa sim và nhận ra những điều rất thật…”

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án: 0,5 điểm.

– Học sinh không trả lời/ trả lời không đúng: 0,0 điểm

0,5
2 Khi “bước lên đồi xưa, nâng niu những đóa hoa sim”, nhân vật tôi nhận ra: “hoa sim là một loài hoa đáng được trân trọng, nâng niu nhất cuộc đời”.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án hoặc trả lời cụ thể những vẻ đẹp của hoa sim: 0,5 điểm.

– Học sinh trả lời cụ thể nhưng chưa đầy đủ, hoặc không khái quát được như đáp án: 0,25 điểm

– Học sinh không trả lời/ trả lời không đúng: 0,0 điểm

0,5
3 Tác dụng của biện pháp tu từ trong câu văn: “Đứng trên đồi cát hay đồi bazan pha sỏi, sim vẫn hiên ngang như người quân tử sẵn sàng thử thách những khắc nghiệt của cuộc đời.”

– Biện pháp tu từ: so sánh, nhân hoá

-Tác dụng:

+ Khiến cho hình ảnh hoa sim trở nên gần gũi như con người và làm nổi bật phẩm chất kiên cường, hiên ngang của hoa sim trong điều kiện sống khắc nghiệt.

+ Tăng vẻ đẹp gợi cảm, gợi hình cho hoa sim, làm cho câu văn trở nên sinh động, hấp dẫn.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án: 1,0 điểm.

– Học sinh chỉ trả lời tác dụng của biện pháp tu từ: 0,75 điểm

– Học sinh trả lời 1 ý như đáp án: 0,5 điểm

– Học sinh trả lời chung chung nhưng có  ý hướng vào đáp án: 0,25 điểm

– Học sinh không trả lời hoặc trả lời không đúng: 0,0 điểm

1,0
4 Tác giả cho rằng: “Đối với tôi hoa sim vừa là triết lý sống đời, vừa là nguồn cảm hứng chủ đạo của những bài tình ca.” vì:

– Hoa sim gợi nhớ những kí ức về quê nhà yêu dấu, giúp tác giả viết nên những ca khúc về quê hương: “sim dịu dàng rót vào lòng tôi những tấu khúc ngọt ngào về quê nhà yêu dấu”

– Vẻ đẹp tinh khiết, kiên cường, giản dị, thơ mộng…của hoa sim khiến tác giả nhận ra vẻ đẹp sang trọng trong cái hình thức quê mùa; cái đẹp của sự thuỷ chung, rộng lượng ẩn chứa trong cái bình dị, mộc mạc ở con người và sự vật.

=> Điều đó giúp tác giả nhận thức sâu sắc về con người, cuộc đời… và thăng hoa trong âm nhạc, nghệ thuật.

ớng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án: 1,0 điểm.

– Học sinh trả lời 1/2 ý như đáp án: 0,5 điểm

– Học sinh trả lời chung chung có  ý hướng vào đáp án: 0,25 điểm

– Học sinh không trả lời hoặc trả lời không đúng: 0,0 điểm

1,0

 

5 Học sinh cần nêu được quan điểm của bản thân về vẻ đẹp giản dị trong cuộc sống hiện nay. Tuy nhiên, quan điểm cần phù hợp với các chuẩn mực đạo đức và pháp luật. Sau đây là một số gợi ý:

–         Vẻ đẹp giản dị của cuộc sống có thể là vẻ đẹp của thiên nhiên: một giọt sương, một tia nắng, một tiếng chim chót,…

–         Vẻ đẹp giản dị của cuộc sống có thể là vẻ đẹp của con người, cuộc sống như sự quan tâm, yêu thương giữa người với người,

ớng dẫn chấm:

–         Giám khảo cần linh hoạt trong cách chấm điểm ở câu này.

–         Tôn trọng quan điểm của học sinh.

1.0
II   PHẦN VIẾT 6,0

 

 

  1 Hãy viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) làm rõ một nét đặc sắc nghệ thuật của bài thơ “ Bờ sông vẫn gió” của Trúc Thông. 2,0
a.     Xác định được yêu cầu  hình thức, dung lượng của đoạn văn

Xác định đúng hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp, móc xích hoặc song hành…

0,25
b.     Xác định đúng vấn đề nghị luận: một nét đặc sắc nghệ thuật của bài thơ “Bờ sông vẫn gió”. 0,25
c.      Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:

–         Xác định được một nét đặc sắc nghệ thuật của bài thơ cần nghị luận. Đó có thể là cấu tứ, hình ảnh thơ; là vẻ đẹp ngôn từ; là giọng điệu; là các biện pháp- thủ pháp nghệ thuật… được sử dụng trong bài thơ. Tùy theo nét đặc sắc nghệ thuật đã chọn, học sinh sẽ  phân tích để làm sáng lên tư tưởng chủ đề của bài thơ, làm rõ tình cảm của nhà thơ,…

–         Sắp xếp được hệ thống ý hợp lí theo đặc điểm bố cục của kiểu đoạn văn.

0,5
d.     Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

–         Lựa chọn các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận: một nét đặc sắc nghệ thuật của bài thơ “Bờ sông vẫn gió”.

–         Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý

–         Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng thuyết phục, kết hợp chặt chẽ lí lẽ và dẫn chứng

0,5
     đ. Diễn đạt

Đảm bảo chính tả, dùng từ, ngữ pháp Tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn

0,25
e.      Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ

0,25
  2 Viết một bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của anh/ chị về vấn đề thích ứng trong mọi hoàn cảnh. 4,0
a.     Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận xã hội 0,25
b.     Xác định đúng vấn đề nghị luận: vấn đề thích ứng trong mọi hoàn cảnh. 0,5
c.      Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết

– Xác định được các ý chính của bài viết

– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận:

* Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.

* Triển khai vấn đề nghị luận:

– Giải thích vấn đề nghị luận:

Thích ứng với mọi hoàn cảnh là có những thay đổi, điều chỉnh, vặn mình cho phù hợp, bắt kịp, quen dần, hòa nhập… với điều kiện, yêu cầu mới, cả những thách thức, chông gai trong cuộc sống.

– Thể hiện quan điểm của người viết, có thể theo một số ý sau:

+ Cuộc sống luôn thay áo mới, biến động và phát triển không ngừng. Hơn nữa, có nhiều tình huống, sự cố xảy ra nằm ngoài dự đoán, khả năng của con người. Sự thật là chúng ta không thể đổi được những quân bài đã chia, chỉ có thể đổi cách chơi những quân bài đó.

+ Thích nghi là sống chủ động, nhanh nhạy, thức thời, linh hoạt, khôn ngoan, không chậm chạp, lạc hậu, cổ hủ, bảo thủ…

+ Thay đổi để sống sót, sinh tồn, bảo vệ bản thân, phát triển, thành công, sáng tạo, bỏ lại đằng sau những khó khăn, thử thách, ứng phó xuất sắc, vượt lên, chiến thắng nghịch cảnh. Không theo kịp sẽ bị loại bỏ, đào thải, trở nên thụ động, bị khuất phục…

   (HS lấy những dẫn chứng thực tế làm sáng tỏ vấn đề)

– Mở rộng, trao đổi với quan điểm trái chiều hoặc ý kiến khác để có cái nhìn toàn diện:

+Thích ứng không có nghĩa là dễ dãi chấp nhận, bị cuốn theo hoàn cảnh, không biết làm chủ bản thân, gió chiều nào theo chiều ấy, không có chính kiến, thiếu kiên định, không vững như bàn thạch với những nguyên tắc sống đẹp đẽ, chuẩn mực. Khả năng thích ứng ở mỗi người là khác nhau. Muốn thích nghi được phải giàu có về kiến thức và kĩ năng…

+ Thích ứng linh hoạt và cải tạo hoàn cảnh luôn là hướng đi đúng, đích đến lí tưởng được đặt ra…

+Phê phán quan điểm bảo thủ, không chịu thay đổi để thích ứng.

– Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trỉnh bày và rút ra bài học cho bản thân:

+ Thay đổi để thích ứng với mọi hoàn cảnh là điều kiện cần thiết đối với mọi người, đặc biệt là những người trẻ tuổi vì thế giới hiện nay đang phát triển và thay đổi như vũ bão. Xu hướng toán cầu hóa trong một thế giới phẳng đòi hỏi những chủ nhân tương lai của đất nước phải biết thích ứng để tồn tại và phát triển.

+Ngày nay, mỗi người cần phải biết thích ứng hoàn cảnh…; hãy học cách cây xương rồng sống trên sa mạc, nghệ thuật đổi màu giống chú tắc kè khi cần…

1,0
d.     Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:

–         Triển khai được 4 luận điểm rõ ràng để thể hiện quan điểm cá nhân.

–         Lựa chọn các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.

–         Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng

Lưu ý: Học sinh có thể có những bày tỏ, suy nghĩ quan điểm riêng nhưng phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật

1,5
    đ. Diễn đạt : Đảm bảo chính tả, dùng từ, ngữ pháp Tiếng Việt, liên kết  trong  văn bản 0,25
e.      Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ

0,5
Tổng điểm 10,0

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *