Đề minh hoạ môn văn theo cấu trúc thi tốt nghiệp 2025, đề số 75

ĐỀ THAM KHẢO THEO CẤU TRÚC CỦA BỘ GD&ĐT

 PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Đọc văn bản sau:

mỗi đứa trẻ là một miền đất khác

(1) mỗi đứa trẻ là một miền đất khác

có đồng xanh xào xạc gió hồn nhiên

có loài hoa bên triền đá nở hiền

và cây trái vươn mình chờ đậu quả

 

(2) mỗi đứa trẻ là một hành tinh lạ

lấp lánh sao và rộn rã niềm vui

có hành tinh lại e ấp ngủ vùi

hay khe khẽ hát một bài ca mới

 

[…]

(3) mỗi đứa trẻ sao khác nhau nhiều quá

dù vẫn là chung cả mẹ lẫn cha

hay thiệt như các cụ vẫn nói là

“cha mẹ sinh con, còn trời sinh tính”

 

(4) mỗi đứa trẻ có riêng một sở thích

một sở trường, một sở ghét khác nhau

nhưng có chung một điều chẳng khác đâu

là tin-yêu- trọn-đời của cha mẹ

 

(5) mỗi gia đình là ngọn hải đăng bé

để con-thuyền căng gió lộng ra khơi

để hải âu vươn sải cảnh muôn nơi

mà chẳng sợ bất an và lạc lõng

(Theo Cơm nhà nói chung là êm, Nhược Lạc,

NXB Thế giới, tr.158, 159, 2023)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1: Xác định thể thơ của văn bản trên?

Câu 2: Liệt kê các từ ngữ miêu tả đặc điểm của “hành tinh lạ” trong khổ thơ thứ 2?

Câu 3: Anh (chị) hiểu như thế nào về nội dung của các câu thơ sau:

mỗi đứa trẻ có riêng một sở thích

một sở trường, một sở ghét khác nhau

nhưng có chung một điều chẳng khác đâu

là tin-yêu- trọn-đời của cha mẹ

Câu 4: Phân tích tác dụng của biện pháp so sánh trong câu thơ: “mỗi gia đình là ngọn hải đăng bé”:

Câu 5: Anh (chị) rút ra được bài học gì từ văn bản trên? Viết đoạn văn ngắn (từ 5 – 7 dòng) trình bày suy nghĩ của bản thân.

PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm)

Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) làm rõ đặc điểm của ngôi kể và điểm nhìn trong văn bản sau:

(Tóm lược: Lộ là một người nông dân nghèo hiền lành, lương thiện, được giao làm chân sãi trong làng. Tuy nhiên khi nhìn thấy Lộ được hưởng lợi từ công việc, người làng ghen ăn tức ở nên hùa nhau xa lánh, khinh thường Lộ)

Bấy giờ những anh khác trông thấy thế mới sinh ra tiếc. Họ thấy Lộ làm sãi ngon ăn quá. Họ ngấm ngầm ghen với hắn. Và chẳng người nào bảo người nào, họ vô tình về hùa với nhau để báo thù.

Những lời tiếng mỉa mai truyền từ người nọ đến người kia. Lộ thấy những bạn bè cứ lảng dần. Những người ít tuổi hơn, nói đến hắn, cũng gọi bằng thằng. Trong những cuộc hội họp, nếu hắn có vui miệng nói chõ vào một vài câu, nhiều người đã ra vẻ khinh khỉnh, không thèm bắt chuyện.. Chủ nhà hiểu ba anh kia có ý gai ngạnh không chịu ngồi chung với mõ. Ông tìm một người khác, xếp vào cho đủ cỗ, và an ủi Lộ:

– Chú ăn sau cũng được.

.. A! Thế ra họ nói kháy anh cu Lộ vậy, cáu lắm. Hắn tặc lưỡi một cái và nghĩ bụng: “Muốn nói, ông cho chúng mày nói chán! Ông cần gì!..” Hắn lập tức bê cỗ về sân, đặt lên phản, ung dung ngồi. Nói thật ra, thì hắn cũng không được ung dung lắm. Tai hắn vẫn đỏ như cái hoa mào gà, và mặt hắn thì bẽn lén muốn chữa thẹn, hắn nhai nhồm nhoàm và vênh vênh nhìn người ta, ra vẻ bất cần ai. Sau cái bữa đầu, hắn thấy thế cũng chẳng sao, và bữa thứ hai đã quen quen, không ngượng nghịu gì mấy nữa. Bữa thứ ba thì quen hẳn. Muốn báo thù lại những anh đã cười hắn trước, tự hắn đi bưng lấy cỗ, và chọn lấu một cỗ thật to để các anh trông mà thèm. Bây giờ thì đến lượt người chủ không được bằng lòng. Có một mình nó ăn mà đòi một cỗ to hơn bốn người ăn!..

– Mẹ kiếp! Không trách được người ta bảo: “Tham như mõ”.

A! Họ bảo hắn là mõ vậy… Tham như mõ vậy!… Đã vậy thì hắn tham cho mà biết!… Từ đấy, không những hắn đòi cỗ to, lúc ăn hắn lại còn đòi xin thêm xôi, thêm thịt, thêm cơm nữa. Không đem lên cho hắn thì tự hắn xông vào chỗ làm cỗ mà xúc lấy. Ăn hết bao nhiêu thì hết, còn lại hắn gói đem về cho vợ con ăn, mà nếu vợ con ăn không hết, thì kho nấu lại để ăn hai ba ngày… Hà hà! Phong lưu thật!… Cho chúng nó cứ cười khoẻ đi!

Cứ vậy, hắn tiến bộ mãi trong nghề nghiệp mõ. Người ta càng khinh hắn, càng làm nhục hắn, hắn càng không biết nhục. Hỡi ôi! Thì ra lòng khinh, trọng của chúng ta có ảnh hưởng đến cái nhân cách của người khác nhiều lắm; nhiều người không biết gì là tự trọng, chỉ vì không được ai trọng cả; làm nhục người là một cách rất diệu để khiến người sinh đê tiện…

Bây giờ thì hắn mõ hơn cả những thằng mõ chính tông. Hắn nghĩ ra đủ cách xoay người ta. Vào một nhà nào, nếu không được vừa lòng, là ra đến ngõ, hắn chửi ngay, không ngượng:

Mẹ! Xử bẩn cả với thằng mõ…”

(Trích Tư cách mõ, Nam Cao, NXB Hội nhà văn 1993)

Câu 2 (4.0 điểm)

Những đổi mới lớn chỉ xuất hiện khi con người không sợ làm điều khác biệt.

Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh (chị) về sự khác biệt trong cuộc sống.

ĐÁP ÁN

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 4,0
  1 Thể thơ: tám chữ 0,5
  2 Các từ ngữ miêu tả đặc điểm của “hành tinh lạ” trong khổ thơ thứ 2: lấp lánh sao, rộn rã niềm vui, e ấp ngủ vùi, khe khẽ hát một bài ca mới. 0,5
3 Nội dung của đoạn thơ:

+ Mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập có cá tính, năng lực, sở thích, sở ghét khác nhau.

+ Tuy nhiên, chúng đều là tình yêu, niềm tin, niềm hi vọng trọn đời của cha mẹ.

-> Đoạn thơ thể hiện tình yêu thương tha thiết của cha mẹ dành cho con cái.

1,0
4 – Biện pháp so sánh: gia đình – ngọn hải đăng bé.

– Tác dụng:

+ Tăng sức gợi hình, gợi cảm cho lời thơ.

+ Cụ thể hoá vai trò của gia đình đối với mỗi đứa trẻ: dẫn dắt, soi đường, chỉ lối.

1,0
5 HS viết đoạn văn:

– Nội dung:

+ Thể hiện được bài học có ý nghĩa nhất với bản thân.

+) Cần tôn trọng sự khác biệt của mỗi cá nhân.

+) Cần yêu thương, quý trọng cha mẹ, tình cảm gia đình,…

+ Lí giải vì sao nó có ý nghĩa với bản thân.

– Hình thức: Đảm bảo hình thức đoạn văn. Dung lượng khoảng 5 – 7 dòng.

Lưu ý: Giáo viên chấm căn cứ bài làm của học sinh để linh hoạt cho điểm

1,0
II   VIẾT 6,0
1 Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) làm rõ đặc điểm của ngôi kể và điểm nhìn trong văn bản trích từ truyện ngắn “Tư cách mõ” 2,0
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn

– Đoạn văn khoảng 200 chữ.

– Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách: diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

0,25
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận

Đặc điểm của ngôi kể và điểm nhìn

0,25
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của đoạn văn

– Xác định được được hệ thống ý phù hợp. Có thể triển khai theo một số gợi ý sau:

+ Văn bản sử dụng ngôi kể thứ 3 (người kể chuyện toàn tri). Việc sử dụng ngôi kể này giúp tác giả thể hiện được cái nhìn công tâm về toàn bộ tác phẩm, cung cấp cho người đọc đầy đủ, toàn diện về nhân vật cũng như bức tranh đời sống xã hội.

+ Văn bản trần thuật theo điểm nhìn bên trong (đi sâu vào tâm trạng của nhân vật) và điểm nhìn bên ngoài (các nhân vật khác)

=> Sử dụng đa dạng điểm nhìn giúp nhà văn miêu tả toàn diện hơn về nhân vật.

– Sắp xếp được hệ thống ý hợp lí theo đặc điểm bố cục của kiểu đoạn văn.

0,5
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau

– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và bằng chứng.

Lưu ý: HS có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

0,5
đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, từ ngữ, ngữ pháp Tiếng Việt, liên kết các câu trong đoạn văn.

0,25
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. 0,25
2 Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh (chị) về sự khác biệt trong cuộc sống. 4,0
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận xã hội. 0,25
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận:

Bày tỏ ý kiến về sự khác biệt trong cuộc sống.

0,5
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết

– Xác định được các ý chính của bài viết.

– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận:

* Dẫn dắt và nêu được vấn đề nghị luận.

* Triển khai vấn đề nghị luận:

– Giải thích:

+ Sự khác biệt chính là những nét riêng, sự độc đáo được khẳng định, được đề cao gắn với đời sống của cá thể trong xã hội.

+ Nó được thể hiện ở suy nghĩ, quan điểm, lối sống, hành động và cách ứng xử của bản thân với người khác.

– Vai trò của sự khác biệt:

+ Sự khác biệt khiến chúng ta thể hiện được bản sắc riêng, dấu ấn riêng, không bị hòa tan trong đám đông, cộng đồng.

+ Sự khác biệt giúp ta có những suy nghĩ độc lập, táo bạo, tự tin thể hiện “cái tôi” độc đáo của bản thân, từ đó chúng ta có thể tạo nên những thành tựu đáng tự hào, đóng góp vào sự phát triển của xã hội.

+ Sự khác biệt làm cho xã hội và cuộc sống trở nên phong phú hơn.

– Mở rộng, bàn luận để có cái nhìn toàn diện:

+ Phê phán sự sao chép phong cách, không có dấu ấn cá nhân.

+ Khác biệt khác với dị biệt, lập dị, khác người, khác đời, không sáng tạo, không mang lại giá trị.

+ Khác biệt cần phải trên cơ sở của việc tiếp thu và sáng tạo những giá trị truyền thống.

– Bài học:

+ Nhận thức đúng đắn về sự khác biệt, ý nghĩa của sự khác biệt trong cuộc sống.

+ Luôn tạo ra sự khác biệt trong suy nghĩ, hành động,…

+ Tôn trọng sự khác biệt của người khác.

* Khái quát vấn đề nghị luận.

1,0
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau

– Triển khai được ít nhất hai luận điểm để làm rõ quan điểm cá nhân.

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và bằng chứng.

Lưu ý: HS có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

1,5
đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, từ ngữ, ngữ pháp Tiếng Việt, liên kết văn bản.

0,25
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. 0,5
Tổng điểm 10,0

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *