Đề minh hoạ môn văn theo cấu trúc thi tốt nghiệp 2025, đề số 74

ĐỀ THAM KHẢO THEO CẤU TRÚC CỦA BỘ GD&ĐT

PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đi suốt cả ngày thu
vẫn chưa về tới ngõ
dùng dằng hoa quan họ
nở tím bên sông Thương

nước vẫn nước đôi dòng
chiều vẫn chiều lưỡi hái
những gì sông muốn nói
cánh buồm đang hát lên

đám mây trên Việt Yên
rủ bóng về Bố Hạ
lúa cúi mình giấu quả
ruộng bời con gió xanh

nước màu đang chảy ngoan
giữa lòng mương máng nổi
mạ đã thò lá mới
trên lớp bùn sếnh sang

cho sắc mặt mùa màng
đất quê mình thịnh vượng
những gì ta gửi gắm
sắp vàng hoe bốn bên

hạt phù sa rất quen
sao mà như cổ tích
mấy cô coi máy nước
mắt dài như dao cau

ôi con sông màu nâu
ôi con sông màu biếc
dâng cho mùa sắp gặt
bồi cho mùa phôi thai

nắng thu đang trải đầy
đã trăng non múi bưởi
bên cầu con nghé đợi
cả chiều thu sang sông.

(Chiều sông Thương– Hữu Thỉnh)

Câu 1. Xác định thể thơ và đề tài của văn bản.

Câu 2. Hãy chỉ ra đặc điểm của bức tranh chiều thu được miêu tả trong văn bản?

Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong khổ thơ sau:

Đi suốt cả ngày thu
vẫn chưa về tới ngõ
dùng dằng hoa quan họ
nở tím bên sông Thương

Câu 4. Thái độ, tình cảm của tác giả thể hiện trong văn bản là gì?

Câu 5. Em rút ra được thông điệp gì từ bài thơ trên? Lí giải

PHẦN VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Viết đoạn văn 200 chữ, nêu suy nghĩ của anh/ chị về nét đặc sắc trong cách cảm nhận vẻ đẹp mùa thu của tác giả trong đoạn thơ sau:

Thăm thẳm trời xanh lộng đáy hồ,
Mùi hoa thiên lý thoảng chiều thu.
Con cò bay lả trong câu hát,
Giấc trẻ say dài nhịp võng ru.

Lá thấp cành cao gió đuổi nhau,
Góc vườn rụng vội chiếc mo cau.
Trái na mở mắt, nhìn ngơ ngác,
Đàn kiến trường chinh tự thuở nào.

Lúa trổ đòng tơ, ngậm cốm non,
Lá dài vươn sắc lưỡi gươm con.
Tiếng chim mách lẻo cây hồng chín,
Điểm nhạt da trời những chấm son.
..

(Trích “Chiều thu”- Nguyễn Bính)

Câu 2 (4,0 điểm)

Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ suy nghĩ của anh (chị)  về nghịch cảnh trong cuộc sống hằng ngày

ĐÁP ÁN ĐỀ KIỂM TRA NGỮ VĂN 11

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 4,0
  1 Đề tài: mùa thu

Thể thơ: năm chữ

0,5
  2 Đặc điểm của bức tranh chiều thu: Mang vẻ đẹp hài hòa, tươi tắn, trong sáng, tinh khôi thông qua 1 hệ thống hình ảnh gần gũi đẹp một cách giản dị: hoa quan họ, dòng sông êm ả, đám mấy mùa thu, nắng thu trải đầy, trăng non múi bưởi, đồng mạ xanh biếc… 0,5
  3 Biện pháp tu từ nhân hóa: “Dùng dằng hoa quan họ”

Hiệu quả:

-Làm cho câu thơ sinh động, hấp dẫn, gây ấn tượng với người đọc, người nghe

-Hình ảnh những chùm hoa lục bình tím êm ả “dùng dằng” lững lờ trôi trên sông như không muốn đi, muốn ở lại, níu kéo, hòa mình vào cảnh đẹp thơ mộng, êm đềm, trù phú của chiều thu sông Thương.

1,0
  4 Thái độ tình cảm của tác giả thể hiện trong bài thơ:

Yêu mến, tự hào, trân trọng những vẻ đẹp bình dị, mộc mạc của quê hương  qua đó nhà thơ  Hữu Thỉnh thể hiện tình yêu quê hương tha thiết.

1,0
  5 Qua văn bản thí sinh nêu thông điệp ý nghĩa nhất với bản thân và lí giải lí do lựa chọn thông điệp.

Nêu được thông điệp về tình yêu quê hương, trân trọng vẻ đẹp bình dị, niềm tự hào với quê hương, qua đó thể hiện trách nhiệm của mình với quê hương.

-Lí giải một cách hợp lí và thuyết phục.

1,0
II   VIẾT 6,0
  1 Viết đoạn văn 200 chữ, nêu suy nghĩ của anh/ chị về nét đặc sắc của tác giả trong cách cảm nhận vẻ đẹp của mùa thu trong đoạn thơ 2,0
    a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn

Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành

0,25
    b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Bức tranh mùa thu trong đoạn thơ 0,25
    c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận

– Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:

+ Nét đặc sắc của tác giả trong cách cảm nhận vẻ đẹp của mùa thu: Nhà thơ Nguyễn Bính đã dùng chính giác quan của bản thân để cảm nhận sâu sắc hơn về vẻ đẹp của mùa thu:

+ Thị giác cho cái nhìn toàn vẹn về bức tranh sinh động “trời xanh, gió lộng, cánh cò, là thấp cành cao”,  không gian được miêu tả từ cao, xa, rộng.

+ Thính giác để lắng nghe cả một mùa thu bằng cả tâm hồn nhạy cảm, sâu lắng và tràn đầy tinh tế “tiếng câu hát, nhịp võng ru, tiếng chim mách lẻo”

+ Khứu giác của mình để ngửi được hương thơm đặc trưng của mùa thu chỉ có riêng ở mùa thu “Mùi thiên lí…”

àBức tranh mùa thu được thể hiện qua các tín hiệu nghệ thuật: hình ảnh gần gũi quen thuộc là cảnh sắc của nông thôn miền Bắc ngày xưa; ngôn ngữ bình dị, gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày.

àNét đặc sắc riêng của thơ Nguyễn Bính, nhà thơ “đánh thức cái hồn nhà quê ẩn náu trong tâm hồn mỗi chúng ta” (Hoài Thanh)

0,5
    d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vẫn đề nghị luận: tác dụng của việc kết hợp hai yếu tố tự sự và trữ tình trong văn bản Mùa đông phương Nam.

– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp: kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.

0,5
    đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn

0,25
    e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,25
  2 Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ suy nghĩ của anh (chị)  về nghịch cảnh trong cuộc sống hằng ngày. 4,0
    a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài

Xác định được yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội

0,25
    b. Xác định đúng vẫn đề nghị luận: suy nghĩ của về nghịch cảnh trong cuộc sống hằng ngày. 0,5
    c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết

– Xác định được các ý chính của bải viết

– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận:

* Giới thiệu vấn đề nghị luận và suy nghĩ về nghịch cảnh trong cuộc sống hằng ngày

* Triển khai vấn đề nghị luận:

+ Giải thích khái niệm: Nghịch cảnh là hoàn cảnh không thuận lợi, không bình thường mà chứa đựng những éo le, ngang trái, khó khăn trong một lĩnh vực nào đó của cuộc sống con người.

+Thể hiện quan điểm của người viết có thể triển khai ý theo gợi ý sau: cuộc sống đói nghèo, thiên tai, chiến tranh, những tai họa bất ngờ…

– Sự chi phối của nghịch cảnh tới cuộc sống mỗi người: nghịch cảnh là điều hầu như không tránh khỏi trong cuộc sống, tùy theo thái độ của mỗi người mà nghịch cảnh có tác động tích cực  hoặc tiêu cực tới cuộc sống của họ.

++Nghịch cảnh có thể trở thành áp lực và dộng lực tôi luyện ý chí kiên cường của con người, giúp họ có sức mạnh, quyết tâm để có thể chiến thắng, đứng vững và phát triển cao hơn – và mỗi lần chiến thắng con người có thêm sức mạnh, trải nghiệm, có được sự tin tưởng và coi trọng từ những người xung quanh…

++ Với những người ngại gian khổ, ý chí bạc nhược, yếu đuối, thiếu tự tin và tự trọng thì nghịch cảnh  sẽ là bức tường ngăn họ với tới chiến thắng, họ sẽ chấp nhận thất bại và đầu hàng số phận, đổ lỗi cho hoàn cảnh thay vì đương đầu để vượt qua và chiến thắng nó.

– Mở rộng, trao đổi với quan điểm trái chiều hoặc ý kiến khác để có cái nhìn toàn diện vấn đề làm thế nào để chiến thắng nghịch cảnh:

++ Chấp nhận đương đầu và vượt qua nó.

++ Phát huy cao nhất sức mạnh nội lực của chính bản thân mình, không thụ động, ỷ lại hay cầu cứu sự giúp đỡ từ bên ngoài, sáng suốt bản lĩnh để  chấp nhận đương đầu với khó khăn.

++Phát huy cao nhất sức mạnh nội lực của chính bản thân mình, không thụ động ý lại hay cầu cứu sự giúp đỡ từ bên ngoài, sáng suốt, bản lĩnh để chấp nhận đương đầu với khó khăn.

++ Không nên cao ngạo khước từ sự giúp đỡ chân thành của người thân và bạn bè trên con đường vượt qua khó khăn của nghịch cảnh.

++Không mãn nguyện dừng lại sau mỗi lần chiến thắng, luôn nhớ: khó khăn, nghịch cảnh vẫn thường đồng hành với cuộc sống con người.

* Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân

1,0
    d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Triển khai được ít nhất hai luận điểm để làm rõ quan điểm của cá nhân.

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và bằng chứng.

Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

1,5
    đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.

0,25
    e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,5
Tổng điểm 10,0

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *