Đề minh hoạ môn văn theo cấu trúc thi tốt nghiệp 2025, đề số 58

ĐỀ THAM KHẢO THEO CẤU TRÚC CỦA BỘ GD&ĐT

PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

(Lược phần đầu: Chinh được sinh ra và lớn lên trên một chiếc thuyền cùng cha, anh cả và chị dâu cả, anh hai. Mẹ Trinh mất rất lâu do dịch bệnh lây lan từ đất liền. Khi bà mất, người dân trên đất liền không cho bà chôn cất vì sợ lây bệnh. Cha của Trinh đành phải chôn vợ dưới đáy sông. Từ đó, người cha thề rằng sẽ không bao giờ cho người trong gia đình lên mặt đất.)

Nhưng ngay sau đó chính lòng ông đầy đau khổ, giày vò. Ông nhìn con xót xa. Chinh, đứa con gái duy nhất của ông, đã sinh ra trong chiếc thuyền trên dòng sông này. Ngày Chinh ra đời, ông cắt rốn con thả xuống dòng sông và cầu nguyện cho con. Chinh lớn lên khỏe mạnh, dịu dàng và âm vang như dòng sông. Cô thừa hưởng sắc đẹp dịu dàng của mẹ, lòng dũng cảm của cha và sự bí ẩn của dòng sông. Là đứa con gái duy nhất, nhưng cô xông xáo táo bạo hơn các anh cô. Những đêm trăng mùa hạ, cô thích thả mình xuống dòng sông. Cô bơi mềm mại như một nàng tiên cá trong chuyện cổ. Ðâu đây có những đàn cá lạ lấp lánh ánh trăng xuyên qua mặt nước bơi theo cô. Thỉnh thoảng cô co người lại, hai tay ôm bó gối để cho cơ thể tuổi dậy thì lóng lánh như một giọt thủy ngân lắng dần xuống đáy sông. Rồi bất chợt, cô ngoi lên khỏi mặt nước gọi bố và cười vang. Ông Lư ngồi trên mũi thuyền nhìn về phía cô gọi, đôi mắt chợt non tơ đến ngỡ ngàng. Ông không lo lắng gì khi thả cô xuống dòng sông ngay cả mùa nước lớn, nhưng ông lại lo sợ nếu

như con gái ông để gót chân chạm vào đất đôi bờ.

Nhưng cô thèm khát đôi bờ. Thuở mẹ cô còn sống, cô vẫn được mẹ cô đưa lên bờ đi chợ hoặc kiếm củi khô trên những bãi vải, bãi ổi ven sông. Sau ngày mẹ cô mất, các anh cô và cô không ai dám bước chân lên bờ. Và thế là hơn mười năm rồi, cuộc đời cô chỉ với con thuyền và dòng sông. Cô thèm khát được đặt chân lên dải đất mịn màng phù sa. Cô muốn được nằm trên thảm cỏ xanh ven đê làng. Có nhiều đêm cô bơi sát vào bờ và khi nghe thấy tiếng lá ngô khua xào xạc, khi ngửi thấy mùi râu ngô non dịu ngọt và mùi cỏ đêm hăng hăng, người cô lại cảm thấy nôn nao, nhịp tim cô dồn dập. Nhưng sau đó cô phải trườn mình quay lại con thuyền ngay khi đã nghe tiếng mõ gọi của bố. […]

Thế rồi một mùa xuân lại đến. Chinh đã sang tuổi mười bảy. Một buổi sáng thức dậy ra mạn thuyền vo gạo, cô bỗng thấy trên bãi sông Bến Chùa, một thảm màu vàng tươi, một màu vàng xôn xao, ấm áp ùa vào mắt cô. Hoa cải gặp gió ấm đêm qua đã bung nở. Mỗi khi có ngọn gió chạy qua, cả bãi hoa vàng rợn lên như sóng. “Ðẹp quá”- Chinh khe khẽ thốt lên. Cái rá gạo từ từ tuột khỏi tay cô trôi theo dòng nước. Suốt cả ngày hôm đó cô không thể nào rời tâm trí khỏi thảm hoa vàng kia. Một cái gì náo nức vẫy gọi cô. Cô đã sang tuổi mười bảy. Thỉnh thoảng có đêm thức giấc, cô cảm thấy một cái gì chập chờn, quấn quít ở đâu đây. Không phải tiếng nước sông chảy trong đêm, không phải tiếng reo của ngọn lửa, không phải hương ổi chín từ bãi sông đưa lại, cũng không phải tiếng gọi nhau của bầy chim ri từ những lùm dứa dại ven đê. Một cái gì đấy làm cô đang chải tóc chợt dừng tay. Nó làm cho ngực áo cô bỗng đầy lên đến nghẹn thở. Cái đó chợt đến, chợt đi, chợt rời ra, quấn quýt…

 (Trích “Mùa hoa cải bên sông – Nguyễn Quang Thiều)

Câu 1. Xác định ngôi kể của đoạn trích trên.

Câu 2. Tìm các chi tiết thể hiện niềm khao khát được vào bờ của nhân vật Chinh.

Câu 3. Theo anh/chị, điều gì khiến nhân vật Chinh thèm khát được lên bờ?

Câu 4. Nêu hiệu quả của biện pháp tu từ so sánh trong câu văn: Thi thoảng cô co người lại, hai tay ôm bó gối để cho cơ thể tuổi dậy thì lóng lánh như một giọt thuỷ ngân lắng dần xuống đáy sông.?

Câu 5. Anh/chị có đồng tình với việc ông Lư cấm cản con lên bờ không? Vì sao?

PHẦN VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Viết đoạn văn nghị luận ( Khoảng 200 chữ) làm rõ đặc điểm về cảm xúc của nhân vật trữ tình trong đoạn văn bản sau:

Mẹ xé ngày xanh nặn vóc dáng chúng con

Vắt ngày xanh thành đôi dòng sữa ngọt

Hoà ngày xanh vào êm đềm câu hát

Thành gió quạt nan thao thức những đêm hè

 

Chúng con lớn lên từ ngày xanh của mẹ

Đứa dại đứa khôn, sướng khổ, vui buồn

Mẹ cạn ngày xanh lưng cong dấu hỏi:

Xanh gieo vào đời có toả bóng tươi xanh?

(Trích “Ngày xanh của mẹ”, tuyển tập Mẹ và sen, Nguyên Văn Song)

                                                                                                   

Câu 2. (4,0 điểm)

Cuộc sống tốt đẹp hay tồi tệ chính là do cách bạn nhìn nhận về nó.

Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về cách nhìn cuộc sống đối với mỗi người.

HƯỚNG DẪN CHẤM – ĐỀ MINH HỌA

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 4,0
  1 Xác định ngôi kể: ngôi thứ ba

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời như đáp án: 0,5 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

0,5
2 Các chi tiết thể hiện niềm khao khát vào bờ của nhân vật Chinh:

– Cô thèm khát đôi bờ

– Cô thèm khát được đặt chân lên dải đất mịn màng phù sa

– Cô muốn được nằm trên thảm cỏ xanh ven đê làng.

– Nhiều đêm cô bơi sát vào bờ

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời được 3 ý trở lên như đáp án: 0,5 điểm

– Trả lời được 1- 2 ý như đáp án: 0,25 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm

0,5
3 Trinh có khát vọng lên bờ vì:

– Trinh phải ở quá lâu ở sông

– Thế giới đôi bờ thật tươi đẹp, tràn dầy sức sống

– Trinh là một cô gái trẻ táo báo, đầy bản lĩnh, không chấp nhận cuộc sống đơn điệu tẻ nhạt

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm

– Trả lời được 2 ý tương đương như đáp án: 0,5 điểm

– Trả lời được 1 ý tương đương như đáp án: 0,25 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm

1,0
4 Hiệu quả của biện pháp tu từ so sánh trong câu văn: Thi thoảng cô co người lại, hai tay ôm bó gối để cho cơ thể tuổi dậy thì lóng lánh như một giọt thuỷ ngân lắng dần xuống đáy sông.?

– So sánh: cơ thể  với một giọt thuỷ ngân lắng dẫn xuống đáy sông

– Tác dụng: Tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt. Đồng thời làm nổi bật vẻ đẹp của Trinh trong trắng, tinh khôi, tròn trịa, tràn đầy sức sống của Trinh. Từ đó thể hiện thái độ yêu mến, trân trọng, ngợi ca của tác giả với vẻ đẹp của Trinh.

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án được 1/2 số ý: 0,5 – 0,75 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án được 1/3 số ý: 0,25 – 0,5 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

1,0
5 HS đưa ra quan điểm đồng tình hoặc không đồng tình.

Nếu theo quan điểm không đồng tình có thể lí giải:

– Việc ông Lư cấm cản con lên bờ là một cách giam cầm cuộc đời, tuổi thanh xuân của con, không cho con giao lưu tiếp xúc với mọi người trên đất liền. Đó cũng chính là cách ông huỷ hoại tương lai của con.

– Cha mẹ phải luôn tạo điều kiện để con cái được giao lưu, tiếp xúc với thế giới bên ngoài mới khiến con phát triển toàn diện

– Không nên để lòng hận thù khiến bản thân trở thành người ích kỉ, áp đặt người khác phải làm theo mình…

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án 2  ý:  0,75 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án 1 ý:  0,5 điểm

– Trả lời không đúng hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

(Lưu ý: HS có thể có cách diễn đạt khác, miễn là lí giải hợp lí, thuyết phục thì vẫn cho điểm)

1,0
II   VIẾT 6,0
  1 Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) 2,0
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn

Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Đặc điểm về cảm xúc của nhân vật trữ tình

0,25
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận

Xác định được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý: Nhân vật trữ tình trong bài thơ là người con. Người con bộc lộ sự  thấu hiểu, đồng cảm với nỗi vất vả, sự hi sinh thầm lặng của người mẹ để sinh con, nuôi dạy các con khôn lớn, trưởng thành. Đó còn niềm trân trọng, tự hào, biết ơn sâu sắc công lao trời bể của mẹ.

0,5
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận: ……

– Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

Trình bày rõ quan điểm hệ thống các ý

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý lẽ và dẫn chứng.

0,25
e. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn

0,25
g. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,25
  2 Cuộc sống tốt đẹp hay tồi tệ chính là do cách bạn nhìn nhận về nó.

Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về cách nhìn cuộc sống đối với mỗi người.

 

4,0
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài

Xác định được yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội

0,25
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: cách nhìn cuộc sống của mỗi người 0,5
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết

– Xác định được các ý chính của bài viết

– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận:

* Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.

* Triển khai vấn đề nghị luận:

– Giải thích khái niệm

+ Cách nhìn cuộc sống có thể hiểu là quan điểm, cách suy xét của mỗi chúng ta trước những vấn đề cuộc sống mà ta gặp phải.

+ Cách nhìn cuộc sống chi phối đến thái độ sống của chúng ta.

– Ảnh hưởng của cách nhìn đối với cuộc sống

+ Khi nhìn cuộc sống một cách tích cực: mang tới cho ta nguồn năng lượng tích cực, thấy mọi thứ đều có cách giải quyết nhẹ nhàng, mọi điều xảy đến với ta đều là những bài học quý giá giúp ta có thêm động lực để vượt lên chính mình mà bước tiếp, sẽ luôn kết nối được với mọi người xung quanh để cùng hướng tới những điều tốt đẹp chung.

+ Ngược lại, khi nhìn cuộc sống một cách tiêu cực: cảm giác chán nản, mệt mỏi, mất niềm tin vào mọi thứ rất dễ nảy sinh, khiến ta mắc kẹt trong những khó khăn, bế tắc dẫn tới những hành động thiếu sáng suốt rồi thất bại nối tiếp là điều không tránh khỏi.

– Dẫn chứng

+ Nick Vujicic sinh ra đã bị khuyết tật 2 tay chân nhưng nhờ có thái độ sống tích cực nên anh đã vượt lên chính mình mà trở thành người truyền cảm hứng nổi tiếng khắp thế giới.

+ Thầy giáo Nguyễn Ngọc Kí, cô giáo Lê Thị Thắm là những người không may mắn như các bạn cùng trang lứa nhưng đã giữ thái độ tích cực nghị lực vươn lên và trở thành những thầy giáo, cô giáo viết bằng chân mang đến kiến thức cho biết bao lứa học sinh.

– Mở rộng

Cách nhìn tích cực về cuộc sống không đồng nghĩa với “lạc quan tếu”, hời hợt, xem nhẹ mọi vấn đề.

– Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân

Mỗi chúng ta cần giữ thái độ lạc quan, cách nhìn tích cực với mọi thứ diễn ra xung quanh mình để cùng xây dựng các mối quan hệ và cuộc sống tốt đẹp hơn.

1,0
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Triển khai được ít nhất hai luận điểm để làm rõ quan điểm cá nhân

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.

– Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý lẽ và dẫn chứng.

Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

 
đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

 
Tổng điểm 10,0

 

===HẾT===

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *