Đề minh hoạ môn văn theo cấu trúc thi tốt nghiệp 2025, đề số 112

PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau:

…(1) Và một đêm, bị bà tôi mắng nhiếc tàn tệ, tôi uất ức thầm thì khóc tới một hai giờ. Rồi nhọc quá, tôi ngủ thiếp đi lúc nào không rõ. Thoát khỏi những sự đau tủi giày vò, tâm hồn tôi lại trở nên thư thái đi vào một cảnh mộng rất tươi sáng. Đó là một buổi tối tôi đi học thêm ở nhà một người bạn học, trên con đường vắng về nhà. Dưới ánh trăng bàng bạc bỗng hiện ra một bóng người mảnh dẻ, nhẹ bước trên bóng những cành lá xoan tây mờ mờ xao động suốt dải đường nhựa lấp loáng. Tôi vội chạy theo, nhưng không kêu gọi. Bóng người liền quay lại. Tôi thoáng thấy hai con mắt long lanh trên gương mặt trắng mát chiếu lên nhìn tôi. Trước chiều gió, những sợi tóc bay xoã ra như tơ, phấp phới dưới vành trăng ngọc.

(2) Tôi vội nắm lấy hai cánh tay ẻo lả của người con gái nhỏ tuổi ấy giơ ra đón tôi như trao cho tôi, muốn đưa đi chạy nhảy, múa hát hay nô đùa thế nào thì muốn. Bao nhiêu phút giờ không rõ, tôi và cô bé có một da thịt ấm áp và những tiếng nói âu yếm thơm tho kia đầu tựa vào vai nhau, im lặng trong con mắt nhìn thẫn thờ như xót thương, như san sẻ, chia đắp cho nhau. Không biết trong lòng cô bé đó có những cảm tưởng gì đương nảy nở. Riêng tôi, tôi thấy hồi hộp, ngực lạnh hẳn đi. Tôi chẳng còn nghĩ đến cảnh đời đày đoạ của tôi nữa. Lắm phen tôi muốn cất một tiếng nói bên tai cô, nhưng vừa trông qua vẻ mặt dịu hiền với đôi mắt lặng lẽ và những sợi tóc nhẹ nhàng phấp phới kia, tôi lại run sợ, ngồi im. Dần dần, tôi thiu thiu ngủ trong đôi mắt và hơi thở của cô bé mảnh dẻ. Trên bờ đê, ở chỗ chúng tôi ngồi, những vụn lá xoan vàng luôn luôn bay lên, tản mạn ra các nơi. Đồng thời lại có những vụn lá khác như bụi của vành trăng trong biếc loang loáng rơi xuống, rắc cả lên mái tóc chúng tôi và bay cả vào lòng chúng tôi. Thu – tên cô bé mảnh dẻ dịu dàng đã sống với tôi những giây phút êm đềm trong mơ ấy – là một cô học trò bằng trạc tôi. Hàng ngày Thu cùng với tôi đi về một đường. Trường học Thu cách trường học tôi chưa đầy một trăm thước, cách nhau có một bờ hè, một đầu đường và một hàng cây. Muốn tránh sự lôi thôi xảy ra cho bọn trò nhỏ (bao giờ gây lỗi cũng là bọn trò trai) bà đốc trường Thu bao giờ cũng để học trò mình về sau. Nhưng tôi cứ lùi lại để gặp Thu, hoặc đứng dưới mái hiên ở đầu đường chờ Thu đi qua. Mới mười ba tuổi, đối với người con gái nhỏ ấy, tôi không hề có ý nghĩ gì vẩn đục cả. Tôi chờ đợi Thu, ngóng trông Thu như thế chỉ vì nhớ tiếc một buổi sáng.

(Trích Trong đêm đông – Những ngày thơ ấu, Nguyên Hồng, NXB Văn học)

Câu 1. Xác định ngôi kể của đoạn trích trên.

Câu 2. Chỉ ra yếu tố biểu cảm được tác giả sử dụng trong đoạn (1)

Câu 3. “Cảnh mộng rất tươi sáng” được nhắc đến trong đoạn trích là gì?

Câu 4. Chỉ ra và nêu tác dụng của một biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn trích trên

Câu 5. Trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý nghĩa của những kỉ niệm đối với mỗi người.

PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1. (2.0 điểm)

Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày cảm nhận về nhân vật “tôi” trong đoạn trích đoạn trích.

Câu 2. (4.0 điểm)

Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bàn về vai trò của gia đình đối với mỗi người.

 

ĐÁP ÁN

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 4.0
  1 Xác định ngôi kể của đoạn trích: Ngôi thứ nhất (người kể xưng tôi) 0.5
2 Yếu tố biểu cảm được tác giả sử dụng trong đoạn (1): tôi uất ức thầm thì khóc tới một hai giờ; thoát khỏi những sự đau tủi giày vò, tâm hồn tôi lại trở nên thư thái đi vào một cảnh mộng rất tươi sáng.

=> Nhấn mạnh tuổi thơ không mấy tươi đẹp của nhân vật “tôi”.

0.5
3 “Cảnh mộng rất tươi sáng” được nhắc đến trong đoạn trích: Đó là một buổi tối tôi đi học thêm ở nhà một người bạn học, trên đường vắng về nhà. 1.0
4 Một biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn trích (học sinh chọn một trong các biện pháp sau):

– Liệt kê: Bao nhiêu phút giờ không rõ, tôi và cô bé có một da thịt ấm áp và những tiếng nói âu yếm thơm tho kia đầu tựa vào vai nhau, im lặng trong con mắt nhìn thẫn thờ như xót thương, như san sẻ, chia đắp cho nhau. => nhấn mạnh sự cảm thông, chia sẻ của Thu dành cho nhân vật “tôi”; tăng thêm tính biểu cảm cho đoạn trích.

– So sánh: Trước chiều gió, những sợi tóc bay xoã ra như tơ, phấp phới dưới vành trăng ngọc. =>Làm nổi bật vẻ đẹp mềm mại, óng ả, thướt tha của mái tóc người con gái; tăng tính gợi hình và biểu cảm cho câu văn

1.0
5 Ý nghĩa của những kỉ niệm đối với mỗi người:

– Giúp ta ghi nhớ những sự kiện quan trọng, những con người có ý nghĩa trong đời sống, những việc ta đã làm…, tạo ra những kí ức đẹp đẽ

– Kỉ niệm trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của mỗi người. Nó giúp gắn kết gia đình, bạn bè…

– Giúp ta học hỏi từ những trải nghiệm khó khăn trong quá khứ để trưởng thành hơn và từ đó góp phần phát triển tương lai.

– Giúp chúng ta hiểu rõ hơn về lịch sử và văn hóa của một quốc gia hoặc một cộng đồng…

1.0
II   VIẾT 6.0
  1 Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày cảm nhận về nhân vật “tôi” trong đoạn trích đoạn trích. 2.0
a. Xác định được yêu cầu về hình thức và dung lượng của đoạn văn

Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành

0.25
 b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:

Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: cảm nhận về nhân vật “tôi” trong đoạn trích đoạn trích.

0.25
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận:

– Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận.

Sau đây là một số gợi ý:

+ Nhân vật “tôi” không nhận được tình yêu thương của những người trong gia đình.

+ Bởi vậy, nhân vật luôn thiếu thốn tình cảm, luôn khao khát và hi vọng có người che chở, yêu thương và sẻ chia cùng mình.

+ Nhân vật “tôi” là người có trái tim nhạy cảm và những cảm nhận tinh tế..

-Sắp xếp được hệ thống ý hợp lí theo đặc điểm bố cục của kiểu đoạn văn.

0.5
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Lựa chọn các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận: cảm nhận về nhân vật “tôi” trong đoạn trích.

– Trình bày rõ ràng quan điểm và hệ thống các ý

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục, lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng

0.5
đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt và liên kết văn bản

0.25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận;có cách diễn đạt mới mẻ

0.25
2 Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bàn về vai trò của gia đình đối với mỗi người. 4.0
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài

Xác định được yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội

0.25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: vai trò của gia đình đối với mỗi người. 0.5
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết:

– Xác định được các ý chính của bài viết

– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận:

*Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.

*Triển khai vấn đề nghị luận:

– Giải thích vấn đề nghị luận

– Thể hiện quan điểm của người viết, có thể theo một số gợi ý sau:

+ Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng mỗi con người, mang lại các giá trị hạnh phúc, sự hài hoà trong đời sống của mỗi người.

+ Gia đình góp phần quan trọng trong việc hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách cho mỗi người.

+ Gia đình là chỗ dựa tinh thần vững chắc trong cuộc sống, là chốn bình yên sau những vất vả, gian lao, nơi luôn rộng mở, khoan dung sau những sai lầm, vấp ngã.

+ Gia đình góp phần hình thành và gìn giữ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc: thuỷ chung, nhân nghĩa, hiếu thảo…

+ Gia đình là tế bào của xã hội nên đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

– Mở rộng, trao đổi với quan điểm trái chiều hoặc ý kiến khác để có cái nhìn toàn diện,…

*Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân

1.0
  d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Triển khai được ít nhất hai luận điểm để làm rõ quan điểm của cá nhân.

– Lựa chọn các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục, lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng

Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

1.5
đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dung từ, ngữ pháp tiếng Việt và liên kết văn bản

0.25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ

0.25
Tổng điểm 10.0

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *