Đề minh hoạ môn văn theo cấu trúc thi tốt nghiệp 2025, đề số 113

ĐỀ MINH HỌA

PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

Hoa cỏ ngùi ngùi ngóng gió đông,

Chúa xuân đâu hỡi, có hay không?

Mây giăng ải Bắc trông tin nhạn,

Ngày xế non Nam bặt tiếng hồng.

Bờ cõi xưa đà chia đất khác,

Nắng sương nay há đội trời chung.

Chừng nào Thánh đế ân soi thấu

Một trận mưa nhuần rửa núi sông.

(Xúc cảnh, Nguyễn Đình Chiểu, Giảng văn Văn 11,

Tạ Đức Hiền, NXB Hà Nội, 1999,tr.39)

Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):

Câu 1. Bài thơ được viết theo thể thơ nào?

Câu 2. Tìm 03 từ ngữ diễn tả tâm trạng, cảm xúc của nhân vật trữ tình trong bài thơ.

Câu 3. Giải thích ý nghĩa của từ “Thánh đế” trong bài thơ.

Câu 4. Phân tích hiệu quả của nghệ thuật đối trong hai câu thơ:

Mây giăng ải Bắc trông tin nhạn

                                             Ngày xế non Nam bặt tiếng hồng.

Câu 5. Qua bài thơ, tác giả muốn thể hiện thái độ gì với người lãnh đạo đất nước?

PHẦN VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) làm rõ đặc điểm của nhân vật sử thi trong văn bản sau:

CHIẾN THẮNG MTAO GRỰ

(Trích “Đăm Săn”)

Họ đến giếng làng, rồi đến bờ rào làng Mtao Grự. Trước mặt họ là một bờ rào tre một lớp hai lớp. Một bờ rào lồ ô một hàng hai hàng. Cổng làng trồng hai hàng cột lớn. Họ áp sát bờ rào làng, ẩy cổng làng. Từ trong làng vọng ra tiếng ching khơk và hliang, nghe ì à, ì ọp như tiếng ếch kêu dưới nước. Rõ ràng đây là một tay tù trưởng giàu mạnh. Một tù trưởng giàu mạnh đầu bịt khăn nhiễu, vai nải hoa thật. 

ĐĂM SĂN: Ơ diêng! Ơ diêng! Mở cổng! Trời nắng to mặt ta đang bị chói nắng đây này.

MTAO GRỰ: Ở các con! ở các con! Ra xem có chuyện gì ngoài ấy? Tiếng gì như tiếng gà cục tác, tiếng trẻ nhà ai đang khóc, hay tiếng đe chí chát của gã thợ rèn ở ngoài kia? Ra xem, nếu thấy người nhát thì hẵng mở cổng. Nếu thấy người dữ thì chôn cổng lại cho chắc. Nện cổng lại cho thật chặt, nghe!

ĐĂM SĂN: Ơ Y Suh, ơ Y Sah, hãy lấy những chiếc búa ăn rừng bén nhất san bằng cái bờ rào này đi nào. Hãy chặt ở dưới, bổ ở trên, phá tan cái rào, cái cổng làng này đi nào.

Người của Đăm Săn đông như bầy catong, đặc như bầy thiêu thân, ùn ùn như kiến như mối. Họ đến bãi ngoài làng, tiến sát bờ rào làng.

ĐĂM SĂN: Ơ diêng, ơ diêng xuống đây! Chúng ta đấu nhau chơi.

MTAO GRỰ: Ơ diêng, ơ diêng! Mời diêng lên nhà, ta muốn làm lễ cầu phúc cho diêng một trâu.

ĐĂM SĂN: Diêng còn muốn cúng trâu cầu phúc cho ta à? Há chẳng phải vợ ta diêng đã cướp, đùi ta diêng đã chặt, ruột gan ta riêng đã moi ra rồi sao? (nói với tôi tớ) Ơ các con! Bớ các con! Lấy cái sàn sân nhà này đem bổ đôi ra cho ta. Lấy cái cầu thang nhà này đem chẻ ra kéo lửa, hun cái nhà này cho ta xem nào.

MTAO GRỰ: Ấy khoan! diêng! Khoan! Để ta xuống. Không được đâm ta khi ta đang xuống đó nghe.

ĐĂM SĂN: Sao lại đâm diêng khi diêng đang xuống? Diêng xem, cả con lợn của diêng ở trong chuồng, nào ta có thèm đâm đâu.

MTAO GRỰ: Ơ diêng, ơ diêng! Không được đâm ta khi ta đang đi đó nghe.

ĐĂM SĂN: Sao ta lại đam diêng khi diêng đang đi? Diêng xem, cả con trâu của diêng ở trong chuồng, nào ta có thèm đâm đầu.

Thế là Mtao Grự phải xuống.

ĐĂM SĂN: Ở diêng! Khiên đạo của diêng là khiên đao gì vậy?

MTAO GRỰ: Khiên thần, đạo thần. Khiên đạo dính đầy những oan hồn, khiên đao chỉ nhằm đùi bọn tù trưởng nhà giàu. Ở diêng, còn khiên đạo của diêng là gì vậy?

ĐĂM SĂN: Khiên đao kêu lạch xạch, khiên đao bị mọt ăn, không biết còn vững hay không còn vững. Ơ diêng người hãy múa trước đi.

Mtao Grự rung khiên múa. Hắn múa kêu lạch xạch như quả mướp khô. 

ĐĂM SĂN: Diêng múa một mình, diêng múa chơi đó phải không diêng?

MTAO GRỰ: Bớ diêng, đến lượt diêng múa đi.

Đăm Săn rung khiên múa. Chàng múa dưới thấp, vang lên tiếng đĩa khiên đồng. Chàng múa trên cao, vang lên tiếng đĩa khiên kênh. Chàng múa chạy nước kiệu, ba lớp núi liền rạn nứt, ba đổi tranh liền bật rễ tung bay. Chàng chạy vun vút một mình không ai theo kịp. Còn Mtao Grự bước thấp bước cao, chạy trốn mũi giáo thần, mũi giáo dính đẫy những oan hồn của Đăm Săn. Hắn nhằm đòi Đăm Săn phóng cây giáo của hắn tới, nhưng chỉ trúng một con lợn thiến.

* Tóm tắt đoạn trích: Chiến thắng Mtao Grự thuộc phần giữa của tác phẩm: Sau khi kết duyên cùng hai chị em tù trưởng là Hơ Nhị và Hơ Bhị, Đăm Săn trở thành tù trưởng giàu có, nổi tiếng. Các thủ lĩnh (Mtao Grự và Mtao Mxây) đã lừa khi Đăm Săn cùng nô lệ lên nương, xuống sông lao động sản xuất, kéo người đến cướp phá buôn làng và bắt Hơ Nhị đi làm thuê, làm vợ. Cả hai lần Đăm Săn đều đánh trả và chiến thắng, vừa cứu được vợ, vừa sát nhập được đất đai, của cải của giặc, làm cho danh tiếng của chàng ngày càng nổi tiếng, bộ tộc ngày càng giàu có, đông đúc… Sau đó Đăm Săn cùng những người nô lệ sau chiến thắng trở về và ăn mừng, ăn mừng xa hoa.

Câu 2. (4,0 điểm)

Miệt thị ngoại hình (Body Shaming) là một thực trạng nhức nhối trong xã hội hiện đại. Rất nhiều người trẻ hiện nay có thói quen kì thị, chê bai ác ý vẻ ngoài của mọi người.

Anh/chị hãy viết một bài văn nghị luận(khoảng 600 chữ) thuyết phục người khác từ bỏ thói quen này.

 

===HẾT===

  • Thí sinh không được sử dụng tài liệu;
  • Giám thị không giải thích gì thêm.

 

 

 

HƯỚNG DẪN CHẤM – ĐỀ MINH HỌA

Phần Câu Nội dung Điểm  
I   ĐỌC HIỂU 4,0  
  1 Thể thơ: Thất ngôn bát cú/ Thất ngôn bát cú Đường luật.

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời như đáp án: 0,5 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

0,5  
2 – 03 từ ngữ diễn tả tâm trạng, cảm xúc của nhân vật trữ tình trong bài thơ: ngùi ngùi, trông tin, há đội trời chung.

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời như đáp án/ 2 từ : 0,5 điểm

– Trả lời 1 từ: 0,25 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm

0,5  
3 Từ “Thánh đế” là chỉ vua (dùng với sắc thái trang trọng, tôn kính), ở bài thơ này là để chỉ vị vua lý tưởng mà tác giả mơ ước.

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm

– Trả lời được 1 ý tương đương như đáp án: 0,5 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm

1,0  
4 – Nghệ thuật đối trong 2 câu thơ: Mây giăng ải Bắc – Ngày xế non Nam; trông tin nhạn – bặt tiếng hồng.

– Tác dụng:

+ Gợi hình ảnh ảm đạm, tăm tối, u ám bao trùm cả hai miền Nam – Bắc.

+ Tâm trạng từ trông chờ hi vọng đến thất vọng vì không có tin tức gì từ triều đình trước hiện thực đen tối của đất nước.

+ Tạo nhịp điệu, giọng điệu cho câu thơ.

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án được 1/2 số ý: 0,5 – 0,75 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án được 1/3 số ý: 0,25 – 0,5 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

1,0  
5 Thái độ của tác giả với triều đình nhà Nguyễn:

– Phê phán sự thờ ơ vô trách nhiệm của người lãnh đạo đất nước.

– Mong chờ, hi vọng sẽ xuất hiện người lãnh đạo sáng suốt, anh minh để rửa mối thù sông núi.

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án 1 ý:  0,5 điểm

– Trả lời không đúng hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

(Lưu ý: HS có thể có cách diễn đạt khác, miễn là lí giải hợp lí, thuyết phục thì vẫn cho điểm)

1,0  
II   VIẾT 6,0  
  1 Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) 2,0  
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn

Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

0,25  
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Đặc điểm của nhân vật sử thi được thể hiện trong văn bản đoạn trích.

0,25  
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận

Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận. Sau đây là một số gợi ý: Nhân vật là người anh hùng Đăm Săn: dũng cảm, trọng danh dự- đại diện cho sức mạnh, phẩm chất lí tưởng và khát vọng chung của cộng đồng người Ê-đê; nhân vật chủ yếu được khắc họa qua lời nói, cử chỉ, hành động gắn liền với thủ pháp cường điệu, khoa trương phóng đại; góp phần thể hiện chủ đề văn bản.

0,5  
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận: Đặc điểm của nhân vật sử thi trong đoạn trích.

– Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

Trình bày rõ quan điểm hệ thống các ý.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý lẽ và dẫn chứng.

0,5  
đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn

0,25  
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,25  
  2 Hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh chị với chủ đề: Miệt thị ngoại hình (Body Shaming) là một thực trạng nhức nhối trong xã hội hiện đại. Rất nhiều người trẻ hiện nay có thói quen kì thị, chê bai ác ý vẻ ngoài của mọi người. Bạn hãy viết một bài văn nghị luận thuyết phục người khác từ bỏ thói quen này. 4,0  
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài

Xác định được yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội.

0,25  
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Thuyết phục người khác từ bỏ thói quen miệt thị ngoại hình. 0,5  
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết

– Xác định được các ý chính của bài viết

– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận. Có thể:

* Giải thích: Miệt thị ngoại hình là việc dùng ngôn ngữ hoặc hành vi để chê bai, đánh giá tiêu cực về ngoại hình của người khác.

* Biểu hiện của thói quen miệt thị ngoại hình người khác, nhất là ở giới trẻ hiện nay:

– Thường xuyên soi mói, nhận xét tiêu cực về ngoại hình (dáng người, khuôn mặt, trang phục, màu tóc, màu da…) của những người xung quanh.

– Tỏ thái độ chê bai, có những bình luận tiêu cực về ngoại hình của người khác trên mạng xã hội.

– Căn cứ vào dáng vẻ bề ngoài để đánh giá, phán xét về phẩm chất của người khác…

* Phân tích lí do nên từ bỏ thói quen miệt thị ngoại hình người khác:

– Người có thói quen miệt thị ngoại hình người khác là người ích kỉ, vô cảm, bị mọi người lên án; nếu có những hành động, lời nói làm tổn thương nghiêm trọng đến người khác sẽ bị xử lí theo quy định của pháp luật.

– Người bị miệt thị ngoại hình sẽ cảm thấy bị xúc phạm, trở nên mặc cảm, tự ti, thậm chí là trầm cảm dẫn đến những hành vi tự tổn thương chính mình.

– Thói quen miệt thị ngoại hình của giới trẻ dẫn đến những trào lưu xã hội tiêu cực, làm lệch lạc cái nhìn về con người, phá vỡ các mối quan hệ xã hội và làm băng hoại những giá trị đạo đức, đi ngược lại với truyền thống văn hóa của người Việt Nam…

(Lưu ý: Học sinh có thể triển khai theo hướng nói về lợi ích của việc từ bỏ thói quen miệt thị ngoại hình)

* Đề xuất giải pháp để từ bỏ thói quen miệt thị ngoại hình: Cần nhận thức được con người vốn không hoàn hảo và mọi người đều bình đẳng; đặt mình vào vị thế của người khác để cảm nhận; cẩn thận trong hành động và lời nói, tránh làm tổn thương đến người khác; học tập, trải nghiệm để nâng cao nhận thức của bản thân; tôn trọng chính mình và tôn trọng mọi người xung quanh…

* Dự đoán sự ủng hộ, đồng tình của những người xung quanh khi người khác từ bỏ được thói quen này

1,0  
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Triển khai được ít nhất bốn luận điểm để làm rõ quan điểm cá nhân.

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.

– Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý lẽ và dẫn chứng.

Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

1,5  
đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.

0,25  
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,5  
Tổng điểm 10,0

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *