Đề minh họa chuẩn môn Ngữ Văn 2020 theo hướng tinh giản – Đề số 4

ĐỀ MINH HỌA CHUẨN 2020 THEO HƯỚNG TINH GIẢN  BỘ GIÁO DỤC ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA NĂM 2020

ĐỀ SỐ 4

Môn thi: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề

 

  1. ĐỊNH HƯỚNG RA ĐỀ:
  2. Cấu trúc đề vẫn gồm hai phần, đó là phần Đọc hiểu (3 điểm) và Làm văn (7 điểm).

– Trong đó, câu hỏi Đọc hiểu gồm ngữ liệu nằm ngoài sách giáo khoa cùng 4 câu hỏi đọc hiểu theo các mức độ: Nhận biết/ thông hiểu/ vận dụng và vận dụng cao. Đó là những dạng câu hỏi quen thuộc với học trò từ nhiều năm nay. Theo đúng cấu trúc đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT năm 2020.

– Trong phần Làm văn, câu Nghị luận xã hội (2 điểm) với yêu cầu viết một đoạn văn khoảng 200 chữ, nội dung nghị luận là vấn đề có quan hệ hữu cơ với nội dung trong ngữ liệu đọc hiểu.

  1. Nội dung:

– Đề đảm bảo kiến thức cơ bản, và không có kiến thức trong nội dung tinh giản mà Bộ mới công bố ngày 31.3.2020. Đề không khó, vừa sức với học sinh, học sinh trung bình không khó để đạt mức điểm 5 – 6; học sinh khá đạt 7 – 8. Tuy nhiên để đạt mức điểm 9-10 đòi hỏi học sinh phải phát huy được tư duy phản biện, các trình bày vấn đề nghị luận sắc bén, thể hiện quan điểm cá nhân mang tính sáng tạo.

– Phần Đọc hiểu trong đề thi sử dụng ngữ liệu nằm ngoài sách giáo khoa, gồm một đoạn trích dẫn cho trước và 4 câu hỏi. Để trả lời được 4 câu hỏi này, đòi hỏi học sinh phải nắm chắc kiến thức về Tiếng Việt, đọc hiểu nội dung và suy ngẫm, đánh giá. Đặc biệt ở câu 3, câu 4 đòi hỏi người làm bài phải hiểu sâu sắc đoạn trích, câu trích dẫn thì bài làm mới hay, hiểu đúng vấn đề.

– Trong phần Làm văn:

+ Đề thi yêu cầu học sinh viết đoạn văn nghị luận xã hội: Câu này vẫn giữ nguyên tắc ra đề truyền thống, yêu cầu học sinh viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về một vấn đề được rút ra từ ngữ liệu ở phần Đọc hiểu.

+ Ở câu nghị luận văn học, nội dung câu hỏi nằm ở phần kiến thức chương trình học kì I lớp 12, không ra ngoài nội dung tinh giản của Bộ GDĐT, mức độ phù hợp giống với câu nghị luận học trong đề thi chính thức năm 2019, và đề minh họa 2020. Và đây là đơn vị kiến thức nhỏ (không phải toàn bộ tác phẩm), phù hợp với dung lượng bài văn 5 điểm trong thời lượng đề thi 120 phút.

  1. RA ĐỀ THEO ĐỊNH HƯỚNG VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ:
  2. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

  Đọc đoạn trích sau :

Đã có lần con khóc giữa chiêm bao

Khi hình mẹ hiện về năm khốn khó

Đồng sau lụt, bờ đê sụt lở

Mẹ gánh gồng xộc xệch hoàng hôn.

 

Anh em con chịu đói suốt ngày tròn

Trong chạng vạng ngồi co ro bậu cửa

Có gì nấu đâu mà nhóm lửa

Ngô hay khoai còn ở phía mẹ về…

 

Chiêm bao tan nước mắt dầm dề

Con gọi mẹ một mình trong đêm vắng

Dù tiếng lòng con chẳng thể nào vang vọng

Tới vuông đất mẹ nằm lưng núi quê hương.

( Trích “Khóc giữa chiêm bao”, Vương Trọng)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Những từ ngữ, hình ảnh nào thể hiện năm khốn khó trong đoạn trích?

Câu 2. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ ẩn dụ trong 2 dòng thơ sau:

Dù tiếng lòng con chẳng thể nào vang vọng

Tới vuông đất mẹ nằm lưng núi quê hương.

Câu 3. Anh/chị hiểu dòng thơ sau như thế nào ?

Mẹ gánh gồng xộc xệch hoàng hôn

Câu 4. Thông điệp mà anh( chị) tâm đắc nhất qua đoạn trích là gì? Nêu lí do chọn thông điệp đó.

  1. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích phần Đọc – hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về ý nghĩa của việc cần trân quý những gì đang có trong cuộc sống con người.

Câu 2 (5,0 điểm)

Cảm nhận của anh (chị) về đoạn thơ sau trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng ?

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

                              (Theo Ngữ văn 12, tập một, Nhà xuất bản giáo dục, 2019)

 

HƯỚNG DẪN GIẢI

Nội dung Điểm
ĐỌC HIỂU 3,00
Câu 1: Những từ ngữ, hình ảnh thể hiện năm khốn khó trong đoạn trích là : đồng sau lụt, bờ đê lụt lở, gánh gồng xộc xệch, chịu đói suốt ngày tròn , ngồi co ro; ngô hay khoai…

– Thí sinh chỉ nêu được dưới 04 từ ngữ, hình ảnh

– Thí sinh nêu được từ 04 từ ngữ, hình ảnh trở lên

0,50

 

 

0,25

0,50

Câu 2:

– Biện pháp tu từ: Ẩn dụ (vuông đất- chỉ ngôi mộ của mẹ).

– Tác dụng: gợi hình ảnh cụ thể, làm giảm sự đau xót khi nhớ về người mẹ đã qua đời.

0,75

0,25

0,50

 

Câu 3:

Cách hiểu dòng thơ: “Mẹ gánh gồng xộc xệch hoàng hôn”

– Hình ảnh người mẹ nghèo khổ suốt đời, tần tảo, chịu thương chịu khó trong cuộc mưu sinh để nuôi con nên người;

– Biểu hiện sự thấu hiểu và cũng là tình cảm vừa thương xót vừa tri ân, kính trọng dành cho mẹ của nhà thơ.

0,75

 

0,25

 

0,5

Câu 4:

Thí sinh tự chọn một thông điệp tâm đắc nhất qua đoạn thơ và trình bày lí do chọn thông điệp đó, sao cho hợp lí, không vi phạm chuẩn mực đạo đức và pháp luật. Sau đây là vài gợi ‎ý về thông điệp :

– Hạnh phúc nhất của đời con là có mẹ trên đời;

– Tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng, xúc động nhất trong tình cảm của con người…

1,00

 

 

 

 

LÀM VĂN 7,00
Câu 1: 2,00
a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận 200 chữ; học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng -phân- hợp, song hành hoặc móc xích.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận về một vấn đề xã hội:ý nghĩa của việc cần trân quý những gì đang có trong cuộc sống con người.

0,25

 

0,25

 

c. Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ suy nghĩ về ý nghĩa của việc cần trân quý những gì đang có trong cuộc sống con người. Có thể triển khai theo hướng sau: 1,00
* Giải thích: Trân qu‎ý những gì đang có là biết trân trọng, nâng niu, gìn giữ những điều tốt đẹp mà cuộc sống đem đến cho mỗi con người. 0,25
* Phân tích, bàn luận:

Ý nghĩa của việc cần trân quý những gì đang có:

+Trân quý những gì đang có sẽ đem lại hạnh phúc cho con người. Từ đó, đời sống vật chất và tinh thần sẽ được nâng cao; sẽ giúp ta thêm yêu đời, gắn bó với gia đình, quê hương, đất nước, có động lực để phấn đấu, góp phần làm nên thành công, vượt qua bao thử thách, khó khăn trên đường đời….

+Trân quý những gì đang có sẽ giúp ta không rơi vào lối sống ảo tưởng, viển vông, xa rời thực tế; (HS lấy dẫn chứng để chứng minh xác thực, tiêu biểu)

– Phê phán những người không biết trân quý cuộc sống, sống ảo, sống xa rời thực tế…

0,50

 

 

 

 

 

 

 

 

* Bài học nhận thức và hành động: Nhận thức được giá trị của cuộc sống hiện tại để biết quý trọng những gì mình có được trong tay. Tuổi trẻ cần học tập và rèn luyện, sống hết mình cho đời để không ân hận, hối tiếc vì mình đã đánh mất nhiều điều qu‎ý giá. 0,25
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. 0,25
e. Sáng tạo

Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

0,25
Câu 2: 5,00
a. Đảm bảo cấu trúc của bài văn nghị luận: Mở bài giới thiệu được vấn đề cần nghị luận, Thân bài triển khai được vấn đề nghị luận, Kết bài khái quát được vấn đề. 0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Cảm nhận về vẻ đẹp của tám cầu thơ đầu trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng. 0,25
c. Triển khai vấn đề nghị luận: Vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Cơ bản đảm bảo các nội dung sau: 3,75
1. Giới thiệu vài nét về tác giả Quang Dũng, bài thơ Tây Tiến và đoạn thơ 0,50
– Tác giả: Quang Dũng là một nhà thơ trẻ đầy tài hoa với một hồn thơ hồn hậu, phóng khoáng, lãng mạn, giàu tình yêu quê hương đất nước, rất nhạy cảm với vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước cũng như con người. Xuất hiện và khẳng định mình từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, Quang Dũng đã đóng góp cho nền thơ ca kháng chiến một thi phẩm xuất sắc về đề tài người lính: bài thơ Tây Tiến.

– Bài thơ viết về người lính bằng những kỉ niệm, những trải nghiệm của chính mình trong thời gian gắn bó với đơn vị Tây Tiến. Cho nên Quang Dũng đã tái hiện được một cách sinh động hình ảnh người lính trên nền thiên nhiên của một miền đất có nhiều nét độc đáo của Tổ quốc Việt Nam – miền Tây Bắc. Và thành công của Quang Dũng ở bài thơ này không chỉ ở chỗ ông tái hiện được vẻ đẹp độc đáo của người lính Tây Tiến mà còn ở những đoạn thơ xuất sắc về thiên nhiên Tây Bắc – một vùng đất vừa hiểm trở lại cũng vô cùng mĩ lệ, trữ tình. Mở đầu bài thơ ta bắt gặp ngay điều đó qua những câu thơ tài hoa, giàu chất nhạc chất họa của thi nhân. (trích dẫn đoạn thơ…)

0,25

 

 

 

 

0,25

2. Cảm nhận đoạn thơ 2,5
* Giới thiệu khái quát chung trước khi đi vào cảm nhận cụ thể đoạn thơ:

Tác phẩm: sáng tác cuối 1948 tại Phù Lưu Chanh khi tác giả đã rời xa đơn vị Tây Tiến chưa được bao lâu. Bài thơ được in trong tập Mây đầu ô (1986).

– Đoạn thơ: Đoạn thơ là 8 dòng thơ mở đầu tác phẩm. Đây là bức họa ngôn từ về cảnh miền Tây vừa hùng vĩ, dữ dội vừa thơ mộng, trữ tình và những cung đường hành quân của người lính Tây Tiến gian khổ, hào hùng, lãng mạn. Tám dòng thơ cũng đã thể hiện tài hoa và tâm hồn lãng mạn phóng khoáng của nhà thơ Quang Dũng. Đoạn thơ có ngôn ngữ giàu chất tạo hình, giàu nhạc điệu, gây ấn tượng táo bạo, dựng lên bức tranh sinh động, đặc sắc.

0,25
* Cảm nhận cụ thể đoạn thơ 2,50
– Hai câu đầu:

+ Nỗi “nhớ chơi vơi” bào trùm đoạn thơ cũng là cảm xúc xuyên suốt bài thơ. Toàn bộ khung cảnh thiên nhiên núi rừng miền tây hùng vĩ, dữ dội nhưng vô cùng mĩ lệ, trữ tình và hình ảnh người lính trên những chặng đường hành quân gian khổ, hy sinh mà vẫn ngang tàng, trẻ trung, lãng mạn được hiện lên trong cảm xúc “nhớ chơi vơi” trào dâng ấy

Sông Mã xa rồi, Tây Tiến ơi!

                                 Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi

+ Tiếng gọi “Tây Tiến ơi” bật lên bởi một nỗi nhớ sâu sắc, cồn cào không kìm nén nổi. Đối tượng của nỗi nhớ ấy rất cụ thể, rõ ràng là: “sông Mã”, là “Tây Tiến”, là “rừng núi”, là những kỉ niệm gắn bó của nhà thơ trong những năm tháng ở đơn vị Tây Tiến. Nỗi nhớ ấy có lẽ cháy bỏng, không thể nguôi ngoai nên bật lên thành lời, thành tiếng gọi tha thiết.

+ Câu thơ thứ hai có điệp từ “nhớ” như để tô đậm, khắc sâu, gia tăng sắc thái, ý nghĩa cho nhau. Từ “nhớ” thứ nhất hướng về một đối tượng cụ thể. Từ “nhớ” thứ hai chỉ tính chất nhớ của nỗi lòng.  Âm vang của hai từ “ nhớ” lặp lại trong câu thơ nhấn mạnh nỗi nhớ đầy ăm ắp, mênh mang hướng tới đối tượng cụ thể (Tây Tiến, Sông Mã, núi rừng).

+ Trước Quang Dũng đã có nhiều người viết hay, viết nhiều về nỗi nhớ: như “nhớ bồi hồi”,  bồn chồn nhớ đôi mắt, “nhớ hình nhớ tiếng”… Nhưng có lẽ trạng thái “nhớ chơi vơi”, thì hình như là sáng tạo táo bạo, độc đáo của Quang Dũng. Với từ “chơi vơi”, một từ láy vừa gợi cảm, vừa gợi hình, nỗi nhớ như bỗng có hình dáng chông chênh, bồng bềnh bồng bềnh trong không gian bao la, trong thời gian xa thẳm, bâng khuâng, lửng lơ mà lưu luyến đầy ắp nhớ thương gợi cho người đọc một ấn tượng rất thú vị.

+ Hai câu thơ đều được kết bằng âm “ơi”, là âm mở khiến cho lời thơ như lan tỏa mênh mang, như tiếng gọi thiết tha, như chiều sâu nỗi nhớ da diết pha lẫn tiếc nuối.

0,75
– Sáu câu sau: 1,75
+ Sáu câu tiếp theo, sử dụng tài tình nhiều thủ pháp nghệ thuật, Quang Dũng đã khắc họa thành công bức tranh thiên nhiên núi rừng Tây Bắc hiểm trở, hoang sơ, hùng vĩ  mà cũng rất nên thơ và những con đường hành quân đầy gian khổ, hy sinh của người lính. Đáng chú ý là ngòi bút tài hoa Quang Dũng khắc họa thiên nhiên là để tô đậm vẻ đẹp của người lính và người lại viết về người lính cũng là để nhấn mạnh đặc điểm của thiên nhiên miền Tây Bắc. 0,25
+ Hai câu 3, 4  vừa tả thực, vừa sử dụng bút pháp lãng mạn:

                             “ Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

                                Mường Lát hoa về trong đêm hơi”

-> Những địa danh Sài Khao, Mường Lát…đi vào trong lời thơ gợi cái hoang vu xứ lạ. Người lính Tây Tiến đi trong màn sương dữ dội, dày đặc. Sương như lấp cả Sài Khao hay lấp đoàn quân mỏi đang đi. Một hình ảnh “sương lấp đoàn quân mỏi ” thôi nhưng vừa diễn tả được nét đặc trưng khắc nghiệt của vùng núi rừng miền tây vừa cho thấy sự gian khổ của người lính.

-> Câu thơ trên đọng lại ở chữ “mỏi” như hơi thở nặng nhọc của con người, thì câu thơ dưới, cảm giác mệt mỏi được xóa đi bởi những hình ảnh đẹp lung linh như trong cõi mộng “hoa về trong đêm hơi”.

-> Hình ảnh “hoa về trong đêm hơi” là một sáng tạo tài hoa của thi nhân, rất ám ảnh, gợi nhiều liên tưởng cho người đọc.

->> Hình ảnh được tạo nên bởi năm thanh bằng liên tiếp “hoa về trong đêm hơi” vừa đậm chất nhạc êm dịu vừa mềm mại chất họa- một đặc điểm của thơ Quang Dũng.

->> Nhưng dù có mỏi mệt vì thiên nhiên núi rừng khắc nghiệt của, vẫn thưởng thức hương thơm của các loài hoa: “Mường Lát hoa về trong đêm hơi”.

->> Một hình ảnh thơ mang đậm tâm hồn một thi nhân. Nó xuất phát từ hiện thực cuộc sống là đoàn người đi phải đốt đuốc trong đêm Tây Bắc mịt mù sương núi. Nhưng với con mắt lãng mạn tinh tế, Quang Dũng đã nâng thực tế đó lên thành hình ảnh diễn tả trạng thái lâng lâng như sương, như hương, như hoa như hồn người. Thật là một câu thơ rất tài hoa, lãng mạn.

0,50
+ Câu 5: Hình ảnh dốc đèo miền tây hiểm trở, dữ dội.

                          Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

-> Điệp hai lần từ “dốc” tạo ấn tượng về một nét đặc trưng của địa hình Tây Bắc với núi đồi, đèo dốc trập trùng.

-> Từ láy: Từ láy “khúc khuỷu” vừa gợi cái quanh co của con đường vòng qua núi đồi, đèo dốc vừa gợi cái khấp khểnh gập ghềnh của đường đi. Hai tiếng “thăm thẳm” vừa gợi chiều cao, vừa gợi độ sâu, vừa mở ra một không gian xa mờ.

-> Thanh điệu: Câu thơ có tới 5 thanh trắc. Quang Dũng không chỉ tạo hình bằng ngữ nghĩa, ngay vẻ trúc trắc của âm hưởng của câu thơ có mật độ thanh trắc lớn cũng có ý nghĩa tạo hình để gợi ra những đứt gãy của không gian.

0,25
+ Câu 6: Con người xứng tầm với thiên nhiên giữa bồng bềnh biển mây

“Heo hút cồn mây súng ngửi trời”

-> Hai vế câu đối xứng – một vế tả không gian, một vế tả con người trên nền không gian đứt gãy, trập trùng.

-> Từ “heo hút” vừa gợi cái lạnh, vừa gợi cái vắng của không gian ở trên cao – nơi gió dạt xô lớp lớp khiến mây bị dồn lại thành “con”. Hình ảnh “cồn mây” là một sáng tạo độc đáo của Quang Dũng. Nó diễn tả một không gian cao chất ngất, hoang sơ, dữ dội của thiên nhiên.

->  Cụm từ “súng ngửi trời” Quang Dũng không trực tiếp miêu tả hình ảnh người lính mà tả qua, một vật dụng thuộc sở hữu của anh: cây súng. Nét độc đáo là ở chỗ: nơi cao nhất, nơi tưởng như không có dấu chân người lại bất ngờ xuất hiện một mũi súng hướng lên cái xa xanh vô tận của bầu trời gợi liên tưởng tới sức mạnh của tuổi trẻ chinh phục không gian. Hơn nữa, cây súng trong tay người lính không còn là một vật thể vô tri, một phương tiện để tàn sát, hủy diệt mà trở thành một sinh thể có hồn, cũng khát khao khám phá và rất tò mò về thế giới xung quanh. Chữ “ngửi” (nhân cách hóa) gợi nét hồn nhiên, tinh nghịch của cây súng trong tay người lính trẻ – nó phản ánh tâm hồn trẻ trung và tính cách có phần ngang tàng của các chàng lính trẻ.

-> Có thể nói, câu thơ “Heo hút cồn mây súng ngửi trời” vừa tiếp tục gợi tả vẻ hùng vĩ, dữ dội, khắc nghiệt của núi đèo miền tây vừa tô đậm sự gian khổ, hào hùng của người lính trên chặng đường hành quân. Con người rất xứng tầm với thiên nhiên, làm chủ thiên nhiên, vượt lên trên mọi khó khăn, thử thách.

0,25
+ Hai câu 7, 8: Tiếp tục là câu thơ tài hoa của Quang Dũng trong việc cực tả thiên nhiên miền tây dữ dội, hiểm trở mà cũng rất nên thơ. Nét vẽ bằng ngôn từ vô cùng  đặc sắc.

“Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”

-> Câu thơ “Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống” ngắt làm hai vế trong tương quan đối lập – một vế gợi chiều cao, một vế gợi độ sâu, một vế gợi chiều không gian đi lên, một vế gợi chiều không gian đi xuống. Cả hai chiều không gian này đều được gợi tả bằng những nét vẽ đầy phóng khoáng.

-> Từ “ngàn thước” ( số từ chỉ số nhiều) cực tả độ dốc đầy ấn tượng. Câu thơ làm nổi bật ấn tượng về độ gấp khúc dữ dội của không gian Tây Bắc với núi cao vực sâu.

-> Không chỉ núi cao vực sâu, mà mưa ngàn thác lũ ở chốn núi rừng cũng rất đáng sợ. Nhưng vào thơ Quang Dũng thành “mưa xa khơi” tạo thế cân bằng cho bức tranh đầy màu sắc tạo hình này. Hình ảnh thân quen, bình dị “nhà ai” trong không gian mịt mờ của mưa núi tạo cảm giác cân bằng về tâm lý và cảm xúc sau những căng thẳng khi đối diện với một không gian hiểm trở và dữ dội. Thanh điệu trong câu thơ cũng rất đặc biệt: một thanh huyền trầm lắng và sáu thanh ngang êm dịu tạo hơi thở man mác, bâng khuâng. Thanh điệu và ý nghĩa của hình ảnh là sự bổ sung cần thiết để làm bật nét đẹp rất riêng của miền Tây Bắc.

-> Hơn nữa với câu thơ “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”, ta như cảm nhận được vẻ đẹp lãng mạn của người lính Tây Tiến. Đó là khi họ có những phút giây nghỉ ngơi thư giãn. Họ đứng trên lưng chừng núi, lưng chừng đèo, thưởng thức chút bình yên, vẻ đẹp hùng vĩ, mĩ lệ nên thơ của núi rừng, phóng tầm mắt, thấy mưa rừng giăng mờ nơi bản làng Pha Luông xa xôi.

0,50
3. Đánh giá khái quát đoạn thơ:

– Nội dung: Có thể nói tám câu thơ đã tái hiện lại nét đẹp độc đáo của thiên nhiên và con người trong cảm xúc “nhớ chơi vơi” về một thời Tây Tiến. Núi rừng Tây Bắc vừa hùng vĩ, vừa hiểm trở lại vừa mĩ lệ, nên thơ. Những tương phản trong đặc điểm của không gian khiến miền Tây Bắc trở nên đầy hấp dẫn, lôi cuốn và kích thích trí tưởng tượng của người đọc. Đồng thời  đoạn thơ cũng để lại ấn tượng không phai vẻ đẹp của hình ảnh người lính Tây Tiến trên chặng đường hành quân: gian khổ, hy sinh mà vẫn ngang tàng, tâm hồn trẻ trung, lãng mạn.

– Nghệ thuật: Để thể hiện nét đẹp độc đáo của bức tranh thơ này, ngòi bút Quang Dũng như cũng là huy động tất cả sự tài hoa, tinh tế và phóng khoáng, lãng mạn. Nhờ vậy, không gian Tây Bắc mới hiển hiện sinh động để tạo nên những cảm xúc, cảm giác mạnh mẽ như thể người đọc được tiếp xúc trực tiếp với nó.

+ Nét đặc sác đầu tiên về nghệ thuật của đoạn thơ là nghệ thuật tạo hình: từ cách cấu trúc câu thơ đến cách dùng từ đều có tác dụng làm nổi bật lên những chạm khắc tạo ấn tượng không gian (kiểu câu trùng điệp “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm”, kiểu câu có kết cấu thành hai vế đối lập “Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống” có giá trị tạo hình rất rõ, nó chạm khắc ấn tượng về không gian núi đồi, đèo dốc với núi cao, vực sâu. Các từ “khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, “heo hút” giàu ý nghĩa tạo hình biểu cảm).

+ Cách kết hợp từ ngữ độc đáo, nhất là các từ láy tạo hình, biểu cảm, các điệp từ, đối từ, nhân hóa liên tưởng tài tình và sự biến hóa của thanh điệu cũng góp phần không nhỏ trong việc tạo ấn tượng mạnh về không gian, và vẻ đẹp của người lính. Những yếu tố này bổ sung với ý nghĩa của ngôn từ làm gia tăng khả năng biểu đạt của từng câu thơ.

0,50

0,25

 

 

 

 

 

 

0,25

4. Kết luận: 0.25
 Đoạn thơ hiện lên một “cái tôi” hào hoa, thanh lịch giàu chất lãng mạn, với khả năng cảm nhận một cách tinh tế vẻ đẹp của thiên nhiên và tình người, đồng thời lại rất mực hồn nhiên, bình dị, chân thật. Đoạn thơ có ngôn ngữ giàu chất tạo hình, giàu nhạc điệu, gây ấn tượng táo bạo, dựng lên bức tranh sinh động, có chiều sâu về cảnh hành quân của đoàn quân Tây Tiến trên cái nền thiên nhiên rừng núi hùng vĩ thơ mộng miền Tây. Qua đó, ta cảm nhận được sự gắn bó sâu sắc, nỗi nhớ tha thiết của nhà thơ Quang Dũng về những ngày tháng chiến đấu trong đoàn quân Tây Tiến – một thời mãi mãi để nhớ và tự hào.  
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp 0.25
e. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, sâu sắc về vấn đề nghị luận 0.50

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *