Đề minh họa chuẩn môn Ngữ Văn 2020 theo hướng tinh giản – Đề số 18

ĐỀ MINH HỌA CHUẨN 2020 THEO HƯỚNG TINH GIẢN  BỘ GIÁO DỤC ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA NĂM 2020

ĐỀ SỐ 18

Môn thi: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề

 

PHẦN I: ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích dưới đây:

Mấy tuần qua, gia đình chúng tôi thực hiện những thay đổi lớn, nhỏ: sắp xếp lại công việc cơ quan lẫn việc nhà, chăm con, hủy các buổi gặp mặt và nói không với việc chạy bộ chốn đông người. Sự thay đổi tưởng chừng bất đắc dĩ này lại mang đến khoảng thời gian sống “đậm đà” hơn, vì người thân, vì cộng đồng.

Ở nhà, sống khác, “sống khác” không đến nỗi tệ như tôi từng nghĩ. Nói cách khác, khi sống chung với dịch bệnh, tạm gạt bỏ những nỗi sợ hãi, vẫn tìm thấy nhiều niềm vui. Hằng ngày gần gũi bên gia đình mới thấy từ trước đến nay mình dành thời gian ít ỏi như thế nào cho tổ ấm của mình! Thực tế bây giờ chúng ta đang “trở lại nhà của chính mình” và hãy xem điều bất đắc dĩ này là cơ hội. Với riêng tôi, những ngày “cách ly” khỏi những cuộc vui hào nhoáng bên ngoài, chăm làm việc nhà hơn và nhận ra những điều thú vị. Ví dụ như cảm nhận vị ngon của cơm chiên siêu tiết kiệm, giặt đồ, lau nhà hay ngắm nhìn con cái mình ngủ cũng thú vị – những điều bấy lâu nay mình chối từ vì bận rộn (hoặc không để tâm đến).

Ở nhà, nếu không tìm kiếm được một niềm vui thực sự sẽ dễ rơi vào tình trạng thèm lướt “phây”, web, game, rồi rơi vào vòng luẩn quẩn chán nản. Bạn thử hình dung hình ảnh ở nhà mỗi người ôm một chiếc điện thoại và hậu quả của 15 ngày sau đó? Chắc không lấy gì làm vui vẻ! Chúng ta vẫn đọc báo, lướt “phây”, xem phim nhưng hạn chế thời gian lại, để tránh tình trạng bị cuốn vào vòng xoáy sợ hãi hoặc hô hào quá mức của đám đông. Lên mạng nhiều quá trong thời gian này có thể khiến chúng ta lún sâu vào một dịch bệnh tinh thần khác, có khi còn nguy hiểm hơn COVID-19.

Tôi rất tâm đắc một lời khuyên của một chuyên gia rằng thời dịch bệnh chúng ta thận trọng nhưng hãy tử tế. Thận trọng chính là hạn chế tập trung, không xem thường dịch bệnh. Còn tử tế thì rất nhiều cách, có thể đóng góp giúp đỡ người khác bằng cách này cách khác, nhưng gần nhất “hâm nóng tình thân” (với đồng nghiệp, bạn bè, người thân…) bằng những sự sẻ chia, hỏi thăm, chuyện trò qua mạng để cùng giải tỏa những căng thẳng, bức xúc vốn dễ dồn nén trong mùa dịch bệnh này.

(Trích Tìm niềm vui giữa mùa dịch bệnh – tuoitre.vn)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.

Câu 2. Theo tác giả, khi “ở nhà, sống khác” chúng ta có thể tìm thấy niềm vui gì?

Câu 3. Anh chị hiểu như thế nào là “sống khác”?

Câu 4. Thông điệp nào có ý nghĩa nhất với anh/chị? Vì sao?

PHẦN II: LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Qua đoạn trích phần Đọc hiểu, anh (chị) hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về việc làm thế nào để tìm niềm vui trong cuộc sống.

Câu 2 (5,0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ sau:

Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng, bạn cùng mũ nan.
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.
Tin vui chiến thắng trăm miền
Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về
Vui từ Đồng Tháp, An Khê
Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng…

(Trích Việt Bắc – Tố Hữu)

   ————————————-

          ĐỊNH HƯỚNG RA ĐỀ:

  • Mức độ: Trung bình
  • Nhận xét: Đề đảm bảo kiến thức cơ bản, và không có kiến thức trong nội dung tinh giản mà Bộ mới công bố ngày 31.3.2020. Đề không khó, vừa sức với học sinh, học sinh trung bình không khó để đạt mức điểm 5 – 6; học sinh khá đạt 7 – 8. Tuy nhiên để đạt mức điểm 9-10 đòi hỏi học sinh phải phát huy được tư duy phản biện, các trình bày vấn đề nghị luận sắc bén, thể hiện quan điểm cá nhân mang tính sáng tạo.

Phần Đọc hiểu trong đề thi minh hoạ THPT quốc gia năm 2020 sử dụng ngữ liệu nằm ngoài sách giáo khoa, gồm một đoạn trích dẫn cho trước và 4 câu hỏi. Đặc biệt ở câu 3, câu 4 đòi hỏi người làm bài phải hiểu sâu sắc đoạn văn, câu trích dẫn thì bài làm mới hay, hiểu đúng vấn đề mà đoạn trích truyền tải.

Ở câu nghị luận văn học, nội dung câu hỏi nằm ở phần kiến thức chương trình lớp 12, không ra vào phần nội dung tinh giản của Bộ GDĐT.

—————————

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT    

PHẦN CÂU NỘI DUNG ĐIỂM
I   ĐỌC HIỂU 3,0
1 Nghị luận 0,5
2 Theo tác giả, khi ở nhà, sống khác chúng ta có thể tìm thấy:

+ Nhiều niềm vui bên gia đình

+ Nhận ra những điều thú vị. Ví dụ như cảm nhận vị ngon của cơm chiên siêu tiết kiệm, giặt đồ, lau nhà hay ngắm nhìn con cái mình ngủ cũng thú vị

0,5

 

3 HS dựa vào văn bản đưa ra ý hiểu của bản thân:

–          Sống khác là thay đổi cách sống/ thói quen thường ngày của chúng ta

–          Sắp xếp lại công việc cơ quan và gia đình, giành thời gian nhiều hơn cho người thân

–          Sống vì cộng đồng vì người thân hơn.

1,0
4 –      HS rút ra thông điệp theo quan điểm của mình và có lí giải hợp lí.

–      Có thể tham khảo một số thông điệp sau:

+ Mỗi người hãy tự tạo niềm vui trong cuộc sống

+ Niềm vui ở chính ngôi và những người thân của chúng ta

+ Hãy giành thời gian cho những người thân yêu của mình

 
     
II   LÀM VĂN 7,0
  1 Hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về việc làm thế nào để tìm niềm vui trong cuộc sống 2,0
Yêu cầu chung  
Câu này kiểm tra năng lực viết đoạn nghị luận xã hội, đòi hỏi thí sinh phải huy động những hiểu biết về đời sống xã hội, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng bày tỏ thái độ và chính kiến của mình để làm bài.

-Thí sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng; được tự do bày tỏ chủ kiến của mình nhưng phải có thái độ chân thành, nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội.

 
Yêu cầu cụ thể  
Hình thức:

–                  Viết đúng 01 đoạn văn, khoảng 200 từ.

–                  Trình bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu,…

0,25
Nội dung vấn đề cần nghị luận là làm thế nào để tìm niềm vui trong cuộc sống  
a.       Giải thích:

–          Niềm vui là những điều mang lại cảm xúc vui vẻ, hạnh phúc, hân hoan, sung sướng cho con người trong cuộc sống.

–          Niềm vui không hẳn là những điều to tát, lớn lao mà có thể chỉ là những điều nhỏ bé, giản dị, quen thuộc.

0,5
b.      Bàn luận:

–          Niềm vui chính ở ngay bên cạnh chúng ta, không cần phải đặc biệt truy cầu.

–          Làm những việc tốt, mang lại niềm vui cho người khác cũng là cách tạo niềm vui cho bản thân

–          Làm điều mình yêu thích và đam mê

–          Sống cuộc sống đơn giản, chúng ta sẽ dễ dàng cảm nhận được niềm vui luôn ở quanh ta. Một tách chè xanh, hoặc một ly cà phê, đặt ở trên bàn, tâm tình của bạn khoan khoái dễ chịu vô cùng. Bạn có thể đọc lướt sách báo của ngày hôm nay, đọc những câu chuyện thú vị trên đường phố… Hoặc là chọn lấy một quyển tạp chí, quyển tiểu thuyết mà bạn yêu thích, có được cảm giác thư thái nhẹ nhõm và niềm vui đặc biệt từ trong mỗi hàng chữ…

1,0
c.     Bài học nhận thức và hành động:

–          Mỗi người có cách khác nhau để tạo ra niềm vui cho bản thân.

–          Liên hệ:

0,25
2 Cảm nhận về đoạn đêm hành quân trong bài thơ Việt Băc – Tố Hữu 5,0
  Yêu cầu chung:  
  – Câu này kiểm tra năng lực viết bài nghị luận văn học, đòi hỏi thí sinh phải huy động kiến thức về tác phẩm văn học, lí luận văn học, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng cảm thụ văn chương để làm bài.. .

– Thí sinh có thể cảm nhận và kiến giải theo nhiều cách khác nhau nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng, không được thoát li văn bản tác phẩm.

 
  Yêu cầu cụ thể  
  a Đầy đủ bố cục 3 phần 0.25
  b Khái quát về tác giả, tác phẩm

·       Tác giả:

–     Tố Hữu là một trong nhà lá cờ đầu của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam.

–     Đường đời, đường thơ Tố Hữu luôn song hành cùng con đường cách mạng của cả dân tộc.

–     Phong cách thơ ông chính là sự hòa quyện giữa nội dung trữ tình chính trị, khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn và nghệ thuật biểu hiện đậm đà tính dân tộc

·     Tác phẩm:

–     Bài thơ được sáng tác tháng 10 năm 1954. Đây là khúc giao thời của lịch sử: cuộc kháng chiến chống Pháp đã kết thúc thắng lợi, hòa bình được lập lại ở miền Bắc, các cơ quan trung ương của Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc để trở về Hà Nội.

0,5
  c Khái quát đoạn trích:

–      Nhà thơ đã tập trung thể hiện không khí hào hùng trong giai đoạn thứ ba của cuộc kháng chiến khi sức ta đã mạnh, người ta đã đông. Theo dòng hồi tưởng, nhà thơ dẫn dắt người đọc vào khung cảnh Việt Bắc chiến đấu với không gian là núi rừng rộng lớn, với những hoạt động tấp nập, những hình ảnh, những âm thanh sôi nổi, dồn dập làm náo nức lòng người. Ánh sáng cách mạng đã xua tan vẻ âm u, hiu hắt của núi rừng, đồng thời khơi dậy sức sống mạnh mẽ của thiên nhiên và con người Việt Bắc.

–      Đoạn thơ mang dáng vẻ một sử thi hiện đại, tràn đầy âm hưởng anh hùng ca. Giọng điệu dìu dặt, du dương ở những đoạn thơ trước đến đây đã chuyển thành giọng điệu dồn dập, rắn rỏi và phấn khích

0,5
  d Cảm nhận đoạn trích  
    ·         Câu 1, 2

– Những đường Việt Bắc: là những đường anh bộ đội hành quân ra trận.

– Cụm từ “của ta” thể hiện sự tự hào, khát khao được đứng lên, được làm chủ quê hương mình, đất nước mình.

– Tác giả liên tục sử dụng các từ láy như “đêm đêm” “rầm rập” kết hợp với phụ âm rung và thủ pháp nghệ thuật so sánh -> Tác giả tái hiện lại âm hưởng hào hùng của cả một dân tộc hành quân ra trận.

– Câu thơ trên miêu tả về âm thanh thì câu thơ dưới lại mô tả phần nhiều về hình ảnh.

0,5
     * Câu 3, 4:

– Câu 3:

+ “Điệp điệp”, “trùng trùng” vốn dĩ là những từ láy để mô tả núi hoặc sóng. -> Đó là vẻ đẹp của người dân Việt Nam hành quân ra trận, người người lớp lớp đông đảo như sóng cuộn điệp điệp trùng trùng.

+ Đã từng bước vào trang văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, làn sóng ấy lại vô cùng sôi nổi, nó lướt qua mọi khó khăn thử thách, nó nhấn chìm cả bọn bán nước và bè lũ cướp nước”.

– Câu 4: Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan”

+ Nếu như ta hiểu theo nghĩa tường minh thì “Ánh sao” ở đây là ánh sao của bầu trời Việt Bắc phản chiếu vào nòng súng thép của anh bộ đội vào trận đánh quân thù.

+ Hiểu theo nghĩa hàm ẩn, thì đây là lí tưởng cách mạng, là Đảng là Bác Hồ soi đường chỉ lối cho anh bộ đội vào trận đánh quân thù.

+ “Bạn cùng mũ nan” đó là những chiếc mũ đồng bào dân tộc miền cao gửi tặng cho người lính để vượt qua bao nắng mưa dãi dầu.

-> Ba sự vật: ánh sao, mũi súng, mũ nan hợp thành một hình tượng khỏe khoắn, vững chãi về mặt tạo hình, phản ánh tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến cũng như tinh thần lạc quan, tin tưởng vào chiến thắng tất yếu của quân dân ta.

0.75
    ·         Câu 5, 6:

– Nghệ thuật đảo ngữ “đỏ đuốc”, là vẻ đẹp lực lượng hậu phương vững chắc của anh bộ đội, là những đoàn dân công quang gánh, xe thồ, ngày đêm tải đạn ra tiền tuyến. Và cũng chỉ có trong những bảo tàng lịch sử Việt Nam ta mới nhận thấy, có chiếc xe đạp mà có thể chở được 2 3 tạ đạn lên chiến trường.

–  Thơ ca của nhà thơ Tố Hữu hướng bắt đầu luôn luôn là hiện tại đến tương lai, từ bóng tối đến ánh sáng -> đồng điệu với thơ ca của Bác Hồ.

–  Cách nói thậm xưng bước chân nát đá diễn tả rất ấn tượng sức mạnh đạp bằng mọi gian khó của những đoàn người trên đường ra hỏa tuyến. Những bước chân dồn dập ấy đã làm cho núi rừng bừng thức, khắc họa vẻ đẹp của những con người Việt Nam bước ta từ trang sử vẻ vang của dân tộc. Đó là vẻ đẹp của những con người đẹp từ gót chân đến mái tóc, đẹp từ như trong chân lí sinh ra.

0,5
    ·     Câu 7, 8:

–      Hình ảnh thơ bắt nguồn từ cảm xúc hiện thực: những đoàn xe ô tô tiếp lương tải đạn ra chiến trường. Ánh đèn pha như muốn xé tan màn đêm dày đặc cảu núi rừng.

è  Từ cảm xúc hiện thực, ca ngợi sức mạnh của quân đội ta

–      Hình ảnh thơ mang ý nghĩa ẩn dụ:

+ Nghìn đêm: những năm tháng đau thương nô lệ dưới ách thống trị của thực dân Pháp

+ Đèn pha: biểu tượng cho tương lai tươi sáng, cho độc lập tự do của dân tộc.

è  Ý thơ mang niềm lạc quan, tin tưởng mãnh liệt, mang âm hưởng cách mạng khỏe khoắn, dựng lên bức tựng đài đất nước “từ máu lửa, rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.

0,5
    ·            Bốn câu cuối:

–             Điệp từ “vui” được lặp lại 4 lần, thể hiện tiếng reo vui của hàng triệu trái tim con người Việt Nam.

–             Nghệ thuật liệt kê các địa danh “Hòa Bình” “Tây Bắc” “Điện Biên”, Đồng Tháp, An Khê…

è   Mỗi địa danh đều ghi tên những chiến công, chiến thắng sau còn giòn giã hơn chiến thắng trước. Chế Lan Viên nhận xét về nghệ thuật gọi tên địa danh trong thơ TH “đó là tiếng lòng yêu say đắm đất nước”.

è   Bởi vậy mà ta nhận thấy đó là vẻ đẹp của Việt Bắc, đó là lí do người ta nói rằng: Việt Bắc của Tố Hữu không chỉ thuyết phục người đọc ở một bản tình ca mà ở đó còn là bản hùng ca bi hùng bi tráng về cảnh ra quân, là những giai điệu tự hào trong thơ ca Việt Nam.

0,5
  e Nhận xét:

–          Đoạn thơ trên giàu chất sử thi, thể hiện rất rõ khả năng tạo dựng những bức tranh hoành tráng về lịch sử cách mạng của Tố Hữu bằng ngôn ngữ thơ ca.

–          Đọc đoạn thơ, chúng ta tưởng như đang được sống lại trong không khí sục sôi của một thời lửa đạn không thể nào quên – cái thời của những sự kiện lớn lao và những niềm vui, niềm tin tưởng, tự hào.

–          Đoạn thơ đã cho thấy: Việt bắc không chỉ là khúc hùng ca mà còn là một bản tình ca.

 

0,5
  G –      Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo qui tắc chính tả, dùng từ, đặt câu 0,25
  h Sáng tạo: có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận 0,25
       

 

 

                                    MA TRẬN

PHẦN CÂU CẤP ĐỘ NHẬN THỨC
Nhận biết Thông hiểu Vận dụng Vận dụng cao
Đọc hiểu 1 x      
2   x    
3     x  
4     x  
Làm văn 1       x
2     x

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *