Đề minh họa chuẩn môn Ngữ Văn 2020 theo hướng tinh giản – Đề số 13

ĐỀ MINH HỌA CHUẨN 2020 THEO HƯỚNG TINH GIẢN  BỘ GIÁO DỤC ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA NĂM 2020

ĐỀ SỐ 13

Môn thi: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề

 

  1. ĐỊNH HƯỚNG RA ĐỀ:
  2. Cấu trúc đề vẫn gồm hai phần, đó là phần Đọc hiểu (3 điểm) và Làm văn (7 điểm).

– Trong đó, câu hỏi Đọc hiểu gồm ngữ liệu nằm ngoài sách giáo khoa cùng 4 câu hỏi đọc hiểu theo các mức độ: Nhận biết/ thông hiểu/ vận dụng và vận dụng cao. Đó là những dạng câu hỏi quen thuộc với học trò từ nhiều năm nay. Theo đúng cấu trúc đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT năm 2020.

– Trong phần Làm văn, câu Nghị luận xã hội (2 điểm) với yêu cầu viết một đoạn văn khoảng 200 chữ, nội dung nghị luận là vấn đề có quan hệ hữu cơ với nội dung trong ngữ liệu đọc hiểu.

  1. Nội dung:

– Đề đảm bảo kiến thức cơ bản, và không có kiến thức trong nội dung tinh giản mà Bộ mới công bố ngày 31.3.2020. Đề không khó, vừa sức với học sinh, học sinh trung bình không khó để đạt mức điểm 5 – 6; học sinh khá đạt 7 – 8. Tuy nhiên để đạt mức điểm 9-10 đòi hỏi học sinh phải phát huy được tư duy phản biện, các trình bày vấn đề nghị luận sắc bén, thể hiện quan điểm cá nhân mang tính sáng tạo.

– Phần Đọc hiểu trong đề thi sử dụng ngữ liệu nằm ngoài sách giáo khoa, gồm một đoạn trích dẫn cho trước và 4 câu hỏi. Để trả lời được 4 câu hỏi này, đòi hỏi học sinh phải nắm chắc kiến thức về Tiếng Việt, đọc hiểu nội dung và suy ngẫm, đánh giá. Đặc biệt ở câu 3, câu 4 đòi hỏi người làm bài phải hiểu sâu sắc đoạn trích, câu trích dẫn thì bài làm mới hay, hiểu đúng vấn đề.

– Trong phần Làm văn:

+ Đề thi yêu cầu học sinh viết đoạn văn nghị luận xã hội: Câu này vẫn giữ nguyên tắc ra đề truyền thống, yêu cầu học sinh viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về một vấn đề được rút ra từ ngữ liệu ở phần Đọc hiểu.

+ Ở câu nghị luận văn học, nội dung câu hỏi nằm ở phần kiến thức chương trình học kì II lớp 12, không ra ngoài nội dung tinh giản của Bộ GDĐT, mức độ phù hợp giống với câu nghị luận học trong đề thi chính thức năm 2019, và đề minh họa 2020. Và đây là đơn vị kiến thức nhỏ (không phải toàn bộ tác phẩm), phù hợp với dung lượng bài văn 5 điểm trong thời lượng đề thi 120 phút.

  1. RA ĐỀ THEO ĐỊNH HƯỚNG VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ:
  2. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau:

CHIẾC BĂNG GẠC CHO TRÁI TIM TAN VỠ

– Mẹ, mẹ đang làm gì thế? – Cô bé Susie chỉ mới 6 tuổi hỏi mẹ.

– Mẹ đang nấu món thịt hầm cho cô Smith hàng xóm.

– Vì sao ạ? – Susie thắc mắc.

– Vì cô Smith đang rất buồn con ạ. Con gái cô ấy vừa qua đời và trái tim cô ấy đang tan nát. Chúng ta sẽ chăm sóc cô ấy một thời gian – bà mẹ dịu dàng trả lời.

– Tại sao lại thế hả mẹ? – Susie vẫn chưa hiểu.

– Thế này nhé con yêu, khi một người rất buồn, họ sẽ không thể làm tốt ngay cả những việc rất nhỏ như nấu bữa tối hay một số việc vặt khác. Vì chúng ta cùng sống trong một khu phố và cô Smith là hàng xóm của gia đình mình, chúng ta cần phải giúp đỡ cô ấy. Cô Smith sẽ không bao giờ còn có thể nói chuyện, ôm hôn con gái cô ấy hoặc làm bất cứ điều gì thú vị mà mẹ và con có thể làm cùng nhau. Con là một cô bé thông minh, Susie. Có thể con sẽ nghĩ ra cách nào đó để giúp đỡ cô ấy.

Susie suy nghĩ rất nghiêm túc về những điều mẹ nói và cố gắng tìm cách góp phần giúp đỡ cô Smith. Vài phút sau, Susie đã ở trước cửa nhà cô Smith, rụt rè bấm chuông. Mất một lúc lâu cô Smith mới ra mở cửa:

– Chào Susie, cháu cần gì? – Susie cảm thấy giọng cô Smith rất nhỏ, khuôn mặt cô trông rất buồn rầu, như thể cô vừa khóc vì mắt cô hãy còn đỏ mọng nước.

– Mẹ cháu nói con gái của cô vừa qua đời và cô đang rất buồn vì tim cô bị thương – Susie e dè xòe tay ra. Trong lòng bàn tay của cô bé là một chiếc băng gạc cá nhân – Cái này để băng cho trái tim của cô ạ! Như để chắc chắn Susie nói thêm: “Cháu đã dùng vài lần và nó rất tốt”.

Cô Smith há miệng kinh ngạc, cố gắng không bật khóc. Cô xúc động quì xuống ôm chặt Susie, nghẹn ngào qua làn nước mắt: “Cảm ơn, cháu yêu quí, nó sẽ giúp cô rất nhiều!”.

(Theo “Quà tặng cuộc sống”- số 69)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1: Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản?

Câu 2: Tại sao cô bé Susie lại đem chiếc băng gạc sang nhà cô hàng xóm?

Câu 3: Anh/ chị đã có suy nghĩ như thế nào về hình ảnh chiếc băng gạc của cô bé Susie ?

Câu 4: Anh/ chị có đồng tình với câu nói của mẹ Susie “Khi một người rất buồn, họ sẽ không thể làm tốt ngay cả những việc rất nhỏ như nấu bữa tối hay một số việc vặt khác? Lí giải vì sao?.

  1. LÀM VĂN (7,0 ĐIỂM)

Câu 1 (2,0 điểm): Anh/ chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bày tỏ suy nghĩ về sự quan trọng của lòng nhân ái trong cuộc sống?

Câu 2 (5,0 điểm): Cảm nhận của anh (chị) về đoạn văn tả cảnh gặp gỡ đầu tiên giữa bà cụ Tứ và người con dâu trong truyện ngắn “Vợ nhặt”- Kim Lân? (1)

  • Theo Sách Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục 2019)

————————————–

HƯỚNG DẪN GIẢI

 

Nội dung Điểm
I. ĐỌC, HIỂU 3,0
Câu 1:

– Phương thức biểu đạt chính: Tự sự/ phương thức tự sự.

 

0,5

Câu 2:

– Cô bé đã suy nghĩ nghiêm túc về lời của mẹ về việc giúp cô hàng xóm “cô Smith đang rất buồn, con gái cô ấy vừa qua đời và trái tim cô ấy đang tan nát.”.

-Với sự non nớt, ngây thơ của trẻ con bé nghĩ “vì tim cô bị thương” thì dùng băng gạc để băng bó vết thương; sẽ giúp cô khỏi đau, vết thương nhanh lành.

– Xuất phát từ sự đồng cảm, lòng thương người, mong muốn chia sẻ trong sáng, ngây thơ rất con trẻ. Đây là vẻ đẹp đáng quý.

0,75

0,25

0,25

0,25

 

Mức điểm:

– Thí sinh trình bày đầy đủ, rõ ràng, mạch lạc, không mắc lỗi câu sai, dùng từ.

0,75
– Thí sinh trình bày đầy đủ, có vài chỗ còn lủng củng, không mắc lỗi câu sai, dùng từ. 0,50
– Thí sinh trình bày khá đầy đủ, có mắc sai xót nhỏ trong trình bày. 0,25
– Thí sinh trình bày quá sơ sài, qua loa. 0,15
– Thí sinh không làm được gì, làm sai. 0,00
Câu 3:

Thí sinh có thể diễn đạt theo nhiều cách khác nhau nhưng cần làm nổi bật được:

– Chiếc băng gạc bé đem sang cho cô hàng xóm cũng giống như những chiếc băng gạc khác dùng để băng bó vết thương bên ngoài. Cô bé khồng hề biết rằng “tim cô bị thương” do nỗi đau buồn con gái vừa qua đời là nỗi đau đớn bên trong tâm hồn.

– Xong chiếc băng gạc nhỏ bé mà kỳ diệu của Susie đã đem đến sự ấm áp cho trái tim tuyệt vọng của cô Smith. Khi phải chịu đựng một nỗi đau quá lớn thật không dễ để nhận ngay ra rằng vết thương ấy rồi cũng sẽ lành.

– Chiếc băng gạc nhỏ bé của Susie đã trở thành biểu tượng của sự hàn gắn nỗi đau và lòng nhân ái.

0,75

 

0,25

 

 

 

0,25

 

 

0,25

Mức điểm:

– Thí sinh trình bày đầy đủ, rõ ràng, mạch lạc, không mắc lỗi câu sai, dùng từ.

0,75
– Thí sinh trình bày đầy đủ, có vài chỗ còn lủng củng, không mắc lỗi câu sai, dùng từ. 0,50
– Thí sinh trình bày khá đầy đủ, có mắc sai xót nhỏ trong trình bày. 0,25
– Thí sinh trình bày quá sơ sài, qua loa. 0,15
– Thí sinh không làm được gì, làm sai. 0,00
Câu 4:

Học sinh tự do nêu quan điểm, có thể nêu theo 3 hướng:

– Đồng tình và giải thích được vì sao đồng tình.

– Không đồng tình và giải thích được vì sao không đồng tình.

– Vừa đồng tình, vừa không đồng tình và giải thích được lí do.

Phần nhiều thí sinh sẽ đồng tình. Dưới đây là gợi ý hướng đồng tình.

1,00

 

 

Gợi ý cụ thể:

Chẳng hạn khẳng định: Tôi (em) đồng tình với với câu nói của mẹ Susie “Khi một người rất buồn, họ sẽ không thể làm tốt ngay cả những việc rất nhỏ như nấu bữa tối hay một số việc vặt khác.

Bởi vì:

+ Khi một người đang rất buồn, họ sẽ không thể chú ý và không thể làm tốt. Đây là sự thật ở đời…

+ Khi bạn thấy người khác buồn đau, bạn đã nghĩ như vậy, nghĩa là bạn đã đồng cảm, thấu hiểu thực sự với hoàn cảnh của họ. Và dù không làm được gì nhiều, bạn cũng sẽ biết cách chia sẻ, có những hành động thiết thực để an ủi họ..

+ Biết rằng con người vượt lên nỗi đau cần thời gian, cần nghị lực ý chí và sức mạnh của chính bản thân nhưng sự đồng hành chia sẻ, quan tâm, động viên khích lệ của người khác cũng rất quan trọng.

+ Con người cần thấu hiểu hoàn cảnh của nhau, cần dựa vào nhau để vượt lên đau buồn, khó khăn. Cuộc sống nhiều biến cô bất ngờ, rủi ro, bất trắc, cho nên sống cần phải biết quan tâm giúp đỡ người khác trước những điều không may xảy ra với họ. sống vì người lúc khó khăn, hoạn nạn là sống cho mình. Đó là lối sống rất nhân văn trong cuộc sống

 

 

 

 

 

0,25

 

0,25

 

 

0,25

 

 

 

0,25

 

 

 

Mức điểm:

– Thí sinh trình bày đầy đủ, rõ ràng, mạch lạc, không mắc lỗi câu sai, dùng từ.

1,00
– Thí sinh trình bày đầy đủ, có vài chỗ còn lủng củng, không mắc lỗi câu sai, dùng từ. 0,75
– Thí sinh trình bày khá đầy đủ, có mắc sai xót nhỏ trong trình bày. 0,50
– Thí sinh trình bày còn sơ sài, qua loa. 0,25
– Thí sinh không làm được gì, làm sai. 0,00
Câu 1: 2,00
a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận 200 chữ; học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân- hợp, song hành hoặc móc xích.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận về một vấn đề đời sống con người: sự quan trọng của lòng nhân ái trong cuộc sống.

0,25

 

0,25

 

c. Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ suy nghĩ về sự quan trọng của lòng nhân ái trong cuộc sống. Có thể triển khai theo hướng sau: 1,00
* Giải thích vấn đề: Lòng nhân ái rất quan trọng trong cuộc sống. Lòng nhân ái là nhân tố cốt lõi giúp con người xích lại gần nhau, thấu cảm cho nhau, sống tốt hơn… Lòng nhân ái là thứ tình cảm thiêng liêng, là sự tôn trọng, yêu thương, quan tâm, chăm sóc lẫn nhau giữa con người và con người . Lòng nhân ái thể hiện ở từng biểu hiện và cảm xúc mà chúng ta dành cho nhau, gồm cả cử chỉ, lời nói, hành động. 0,25
* Bàn luận: ( phần thân đoạn ít nhất phải có một dẫn chứng phù hợp) 0,50
+ Cuộc đời luôn ẩn chứa những rủi ro, bất trắc. Không ai có thể biết trước những gì sẽ xảy đến với mình. Những đau buồn, mất mát, thương tích cũng là một yếu tố luôn tồn tại giữa cuộc sống. Và để sống, vượt qua đau buồn, sống có ý nghĩa, hạnh phúc thì lòng nhân ái phải luôn hiện hữu.

+ Bất kể ai sống trên đời đều cần lòng nhân ái. Lòng nhân ái không phải là những điều gì quá xa xôi. Nó tồn tại ngay trong chính cuộc sống của mỗi người.  Có thể nói, lòng nhân ái là một giá trị văn hoá lớn của dân tộc ta. Nó đã tạo nên một nét độc đáo trong chủ nghĩa nhân văn truyền thống Việt Nam.

+ Tại sao lòng nhân ái lại quan trọng đến vậy?

-> Không ai sống cô độc một mình mà không cần sự yêu thương, quan tâm, sự chia sẻ, giúp đỡ…

-> Là thước đo để đánh giá phẩm chất, đạo đức một con người. Thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm, chia sẻ với người khác cũng là nhu cầu tất yếu trong cuộc sống của mỗi người. Khi làm được điều đó, không chỉ người khác được an ủi mà chúng ta cũng thấy ấm áp,  ngọt ngào và bình yên trong tâm hồn.

-> Sự thấu hiểu để cảm thông, chia sẻ và giúp đỡ chân thành không vụ lợi cả về vật chất, tinh thần trong những trường hợp như thế cần thiết biết bao. Nó đủ sức mạnh góp phần chữa lành vết thương cho ai bất hạnh. Nỗi đau sẽ phai mờ đi.

-> Lòng nhân ái còn giúp cho những con người đang lầm đường lỡ bước quay lại với con đường chân chính.

-> Lòng nhân ái thật sự đem lại hạnh phúc cho mọi người không chỉ riêng ta mà là cả nhân loại; làm đẹp cho cuộc đời và tạo ra một xã hội nhân văn, nhân ái.

-> Thiếu lòng ái, không có sự quan tâm, chia sẻ chân thành thì cuộc sống sẽ thế nào?… Vì thế đấu tranh với lối sống ích kỷ, hẹp hòi, vô cảm cũng là bổn phận, trách nhiệm của mỗi người.

 
* Bài học nhận thức và hành động

– Lòng nhân ái là sức mạnh nhân lên yêu thương, hp, xoa dịu nỗi đau, giảm bớt hận thù, ích kỉ, hẹp hòi… làm cho người gần người hơn, xã hội văn minh tốt đẹp hơn.

– Tích cực học tập, rèn luyện, nâng cao hiểu biết, …phải biết hành động sẻ chia cảm thông với nỗi đau buồn của người khác. Đấu tranh với lối sống hẹp hòi, vô cảm, ích kỉ không biết yêu thương người khác hoặc là cố tỏ ra đau buồn, thiệt thòi để lợi dụng lòng nhân ái của người khác…

0,25
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. 0,25
e. Sáng tạo

Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

0,25
Câu 2: 5,00
a. Đảm bảo cấu trúc của bài văn nghị luận: Mở bài giới thiệu được vấn đề cần nghị luận, Thân bài triển khai được vấn đề nghị luận, Kết bài khái quát được vấn đề. 0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Cảm nhận của anh/chị về đoạn văn tả cảnh gặp gỡ đầu tiên giữa bà cụ Tứ và người con dâu trong truyện ngắn “Vợ nhặt”- Kim Lân. 0,25
c. Triển khai vấn đề nghị luận: Vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Cơ bản đảm bảo các nội dung sau: 3,75
1. Vài nét về tác giả, tác phẩm, nhân vật.

– Kim Lân thuộc hàng những cây bút truyện ngắn tài năng của văn học Việt Nam hiện đại. Ông thường viết về nông thôn và những con người dân quê lam lũ, hồn hậu, chất phác mà giàu tình thương yêu. Vì vậy, Nguyên Hồng đã cho rằng Kim Lân là một nhà văn “một lòng đi về với đất, với người, với thuần hậu và nguyên thủy của cuộc sống”.  Đây là một nhận xét xác đáng. Bởi trên từng trang viết của mình, Kim Lân cho người đọc thấy được sự thận trọng và tấm lòng giàu yêu thương, sự hiểu biết và tài năng mô tả tâm lí, tình cảm con người, đặc biệt là người nông dân nghèo vốn hồn hậu chất phác, mà rất nặng tình, nặng nghĩa. “Vợ nhặt” của ông  là một trong những sáng tác tiêu biểu nhất cho điều đó.

– Truyện ngắn “Vợ nhặt” viết về nạn đói năm 1945. Song ngòi bút Kim Lân không dừng lại ở cái đói mà khám phá những vẻ đẹp rất con người trong nạn đói. Đoạn văn miêu tả cảnh gặp gỡ đầu tiên giữa bà cụ Tứ (mẹ Tràng) và người con dâu mới tiêu biểu cho hướng khai tác đó của tác giả.

0,50
2. Đoạn văn miêu tả cảnh gặp gỡ đầu tiên giữa bà cụ Tứ (mẹ Tràng) và người con dâu. 2,75
* Giới thiệu khái quát trước khi phân tích, chứng minh,…

– Thật vậy, “Vợ nhặt” trích trong tập “Con chó xấu xí” (1962). Truyện được viết ngay sau Cách mạng với tiền thân là tiểu thuyết “Xóm ngụ cư”. Nhưng do thất lạc bản thảo nên sau khi hòa bình lập lại, tác giả đã viết lại thành “Vợ nhặt”. Với truyện ngắn này, nhà văn đã xây dựng được một tình huống truyện độc đáo. Trang nghèo, xấu trai, lại là dân ngụ cư, đang trong tình trạng “ế vợ”, giữa lúc đói khát nhất, khi cái chết cận kề lại “nhặt” được vợ, có vợ theo. Tình huống éo le này là đầu mối cho sự phát triển của truyện, tác động đến tâm lí, tâm trạng, hành động của các nhân vật và thể hiện chủ đề của truyện.

– Vị trí, ý nghĩa của đoạn trích trong toàn truyện:

+ Đoạn trích nằm ở phần giữa truyện, sau khi Kim Lân đã miêu tả cảnh Tràng đưa vợ về xóm ngụ cư, đã dẫn dắt gợi mở cảnh Tràng và người vợ nhặt gặp gỡ làm quen và quyết định sẽ cùng nhau nên vợ nên chồng.

+ Đây là cảnh then chốt của toàn bộ truyện ngắn. Cái quyết định đưa nhau về của vợ chồng Tràng có quá nông nổi hay không? Cuộc hôn nhân của họ có suôn sẻ không hay cũng chỉ là một trò đùa oái oăm của số phận? Trong cảnh túng đói quay quắt hiện tại, nhu cầu hạnh phúc và khát khao vun đắp cho cuộc sống gia đình liệu có còn tồn tại hay bị vùi dập một cách tàn nhẫn trong cơn lốc xoáy của nạn đói? Trả lời những câu hỏi đó đâu chỉ cần sự hiểu biết mà còn cần cả tấm lòng đồng cảm, nhân hậu và giàu yêu thương. Thể hiện toàn bộ những vấn đề đó đòi hỏi nhà văn phải hết sức thận trọng và tinh tế. Bởi xử lí vấn đề theo hướng nào sẽ quyết định bước phát triển tiếp theo của câu truyện, quyết định sự thành công hay thất bại của nhà văn trong tác phẩm.

0,25

0,10

 

 

 

 

 

 

 

0,15

* Nội dung đoạn trích: 2,00
– Mở đầu đoạn trích là lời Tràng phải nhắc đến hai lần “Kìa, nhà tôi nó chào u”, “Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đây”.  Người con trai cứ tưởng mẹ mình chưa nghe lời chào của Vợ; cứ tưởng bà chưa biết có sự hiện diện của đứa con dâu. Nhưng đâu phải như thế. Lúc này người mẹ đang ngạc nhiên, bất ngờ, đang đặt ra bao nhiêu câu hỏi trong đầu khi thấy thị ở trong nhà mình và lại chào mình bằng U. Không phải vì bà lão đã già cả, điếc lác như người con dâu lầm tưởng mà vì nhà nghèo, lại là dân ngụ cư,  đã quá lâu rồi bà không có khả năng lo vợ cho con và cũng không dám nghĩ đến chuyện cưới vợ cho con, nhất là lại vào lúc đói kém này. 0,25
– Diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ:

+ Cuộc gặp gỡ trong cảnh này, đến lúc này cả ba đều hiểu chuyện. Ngòi bút Kim Lân đôn hậu, tinh tế, tài tình nhất là ở đoạn này. Ông chủ yếu đi sâu khắc họa diễn biến tâm trạng, lời nói của người mẹ khi hiểu rõ câu chuyện có người theo không con trai mình về làm vợ giữa cái đói, cái chết kề bên. Người đọc ắt tò mò, trăn trở người mẹ sẽ xử lí thế nào? Nhà văn muốn thể hiện điều gì?…

1,25

0,25

+ Từ lúc nghe Tràng nhắc, bà cụ Tứ “cúi đầu im lặng”,  tâm trạng vừa mừng vừa tủi.

-> Khi đã vỡ lẽ, đã hiểu ra con mình “nhặt” được vợ, bà “cúi đầu nín lặng”. Bà liên  tưởng đến bao cơ sự “oái ăm” “ai oán” “xót thương” cho số kiếp của đứa con mình. Bà liên tưởng đến người chồng quá cố, đến đứa con gái đã qua đời, lòng bà trĩu nặng tủi buồn, xót xa.

-> Bà cụ Tứ mừng cho con từ nay yên bề gia thất, tủi thân làm mẹ không lo nổi vợ cho con. Giờ đây giữa lúc người chết đói “như ngả rạ” lại có người theo con trai bà về làm vợ. Cái tủi, cái buồn của người mẹ bị dồn vào cảnh nghèo cùng quẫn. Bà khóc vì mừng con có vợ, khóc vì thương con trai, thương nàng dâu mới không biết có vượt qua nổi khó khăn này.

-> “Trong kẽ mất kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt”. Sau đó “khẽ thở dài”, bà cụ Tứ “đăm đăm nhìn người đàn bà”.  Bà cụ Tứ lo lắng thực sự cho con trai, con dâu, lo cho cái gia đình nghèo túng của bà giữa lúc đói kém này liệu có nuôi nổi nhau? Tương lai rồi sẽ ra sao…

0,25
+ Không chỉ có tình mẫu tử, ở bà cụ Tứ còn hiện hữu tình người. Cái tình người mộc mạc rưng rưng của những người dân lao động nghèo thương yêu đùm bọc, chở che nhau khi hoạn nạn. Bà đã  chọn điểm nhìn để chấp nhận cuộc hôn nhân vợ nhặt này không phải từ vị trí của một mẹ chồng. Bà chỉ nghĩ đến vị trí ấy khi tự trách mình mà thôi. Bà đăm đăm nhìn chị “vợ nhặt”, bà không nghĩ cho mình. Bà thấu hiểu hoàn cảnh của thị đang khó khăn, đói khổ tận cùng. Bà nghĩ cho thị, bà lại nghĩ cho con trai. “Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới vó vợ được”. Bà hiểu cảnh ngộ cũng như mong muốn cháy bỏng của họ. 0,25
Vì vậy, cất giữ nỗi xót xa, buồn tủi, lo lắng trong lòng,  bà cụ Tứ nói những lời chí tình chí lí với con: “Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng” .(Cần khai thác sâu chi tiết này)

->  Ý nghĩa sâu sắc trong câu nói của cụ Tứ: Đây là câu nói chứa chan tình mẫu tử, tình người.  Câu nói của bà đem lại niềm vui, hạnh phúc cho vợ chồng Tràng. Câu nói đã “chiêu tuyết” cho thị. Rằng thị đâu phải là người phụ nữ chỏng lỏn, chao chát, không biết sĩ diện là gì. Câu nói của bà làm cho cuộc hôn nhân giữa Tràng và thị không còn là chuyện nhặt nhau giữa chợ giữa đường nữa. Nó cũng bình đẳng, đẹp đẽ như tất cả các cuộc hôn nhân mâm cao cỗ đầy xưa nay. Vì cuộc hôn nhân nào mà chẳng xuất phát từ duyên phận vợ chồng. Tràng và thị là “phải duyên phải kiếp với nhau”. Cho nên một người mẹ như bà thật cảm thấy “mừng lòng”. Câu nói giản dị mà chứa chan tình người của bà mẹ quê mùa quả thực đã làm ấm lòng những số phận tội nghiệp.

0,25
+ Sau đó, bà còn  động viên con cái, hướng con cái đến niềm tin vào cuộc sống, tương lai, nuôi dưỡng hạnh phúc gia đình. Bà bảo ban, nhắc nhở động viên con, gắng trở thành chỗ dựa tinh thần cho các con trong tình thế vốn éo le và khó xử này. Với trách nhiệm của người mẹ, bà không chỉ an ủi con trai, con dâu mà còn như khơi sáng cho con mình những ý nghĩ tốt đẹp cho tương lai. “Rồi ra may mà ông giời cho khá…”.  Bà nói rằng không ai giàu ba họ không ai khó ba đời cả vì thế chỉ cần qua cái tao đoạn này thì chính họ yên bề gia thất. Bà lấp đi trong chính mình cái thực tại đen tối để rồi cùng con cái mình nghĩ về những chuyện tương lai. Đây không phải là thái độ xã giao, khách sáo, cũng không hẳn chỉ là vấn đề trách nhiệm làm mẹ. Cái làm cho người đọc cảm động chính là nỗ lực của một tấm lòng người mẹ, một nỗ lực bằng tình thương đối với những đứa con. Đặc biệt, tình thương yêu chân thành, giản dị của bà cụ Tứ dành cho con dâu ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên thật đáng trân trọng biết bao. Và có lẽ những gì thị nhận được từ Tràng và nhất là từ bà cụ Tứ đã làm thị biến đổi, “toàn tâm toàn ý” vun vén, thu xếp nhà cửa, xây dựng tổ ấm với Tràng ngay sáng sớm hôm sau. 0,25
– Bên cạnh những diễn biến tâm lí của bà cụ Tứ, Kim Lân còn chú ý miêu tả tâm lí của anh Tràng. Là người trong cuộc, lại trực tiếp tạo nên sự kiện, Tràng tỏ ra rất chủ động trong việc tạo nên một không khí thuận lợi nhất cho cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa mẹ và vợ: Trong khi chạy ra đón mẹ, Tràng cũng gọi với trong nhà để nhắc vợ. Khi vợ đã chào đến hai lần mà mẹ chưa hiểu ra, Tràng đã giải thích để mẹ có thể hiểu và thông cảm cho người vợ của anh bằng câu chuyện về duyên phận, số kiếp. Nỗ lực ấy của anh ít nhiều đã khiến người mẹ, trong khi hiểu ra tình thế éo le của cuộc hôn nhân thì cũng hiểu ra ý nghĩa của cuộc hôn nhân ấy với con trai mình. Sự ngầm hiểu ấy của tấm lòng người mẹ đã khiến bà cụ nói ra sự đồng tình của mình, khiến cho Tràng như trút được gánh nặng trong lòng để mà “thở đánh phào một cái”, “bước từng bước dài ra sân”. 0,50
* Nghệ thuật: Đoạn trích cho thấy tài năng viết truyện của Kim Lân. Chính tài năng đã giúp ông thể tấm lòng của một nhà văn lớn (tình sâu). 0,75
+  Kim Lân đã miêu tả một cách sinh dộng, chân thực và đầy cảm động tâm lí con người trong một tình huống có thể nói là éo le, trớ trêu: mọi hành động, cử chỉ và suy nghĩ của nhân vật đều hiện lên rất tự nhiên, không hề gượng ép. Nhà văn đã kết hợp một cách khéo léo hai thao tác dựng đối thoại và đặc tả dòng ý nghĩ của nhân vật. Kiểu ngôn ngữ nửa trực tiếp mà Kim Lân sử dụng trong miêu tả nội tâm nhân vật tỏ ra rất có tác dụng. Người đọc dễ dàng có cảm giác nhà văn như đang nhập thân vào giọng nói bên trong của nhân vật để biểu hiện đến tận cùng những nỗi niềm đau xót và yêu thương của nhân vật. 0,25
+ Trong quá trình miêu tả nhân vật và dẫn dắt câu chuyện, nhà văn luôn thể hiện một thái độ trân trọng, cảm thông đối với con người. Vì thế nên trong đoạn văn, tình thế thật thê thảm, đắng cay thậm chí có thể bẽ bàng nữa nhưng cái người đọc nhận thấy trong biểu hiện của nhân vật và không khí của đoạn văn lại là cảm giác ấm áp lạ lùng do tình người mang lại. 0,20
+ Ngôn ngữ dược sử dụng góp phần không nhỏ để tạo nên không khí ấy, ý vị ấy: mộc mạc, giản dị, gần với khẩu ngữ nhưng có sự chắt lọc kĩ lưỡng nên rất giàu sức gợi. Đặc biệt có những câu văn rất gần với thơ, thấm thía cái chất thơ của đời thường dung dị… 0,15
-> Trong đoạn trích, lời đối thoại của nhân vật luôn được nhà văn chú ý: nó vừa phù hợp với địa vị, tâm lí nhân vật, vừa phải thể hiện được nội tâm, tính cách nhân vật theo đúng ý đồ của nhà văn. Đáng chú ý nhất là những câu nói của bà cụ Tứ: nó giản dị, mộc mạc mà đầm ấm tình người và luôn thấm thía cái hiểu biết, cái triết lí sâu xa của người lao dộng. Giọng nói của bà cụ khi thì nhẹ nhàng, khi thì thân mật, song quan trọng là đầy yêu thương: bà mừng cho con, bà hi vọng đời con khấm khá, bà áy náy vì quá nghèo mà chưa phải với nàng dâu khi chưa lo nổi dăm ba mâm cổ mời làng xóm, họ hàng… 0,25
* Đánh giá khái quát: 0,50
– Tuy chỉ là một đoạn trích rất ngắn so với toàn bộ thiên , truyện Vợ nhặt nhưng cũng đủ cho ta thấm thìa nỗi đắng cay tủi nhục của những kiếp người khốn khổ trước Cách mạng tháng Tám, đồng thời hiểu được tình mẫu tử và lòng nhân ái hết sức cảm động của một bà mẹ nghèo. Đoạn trích cũng cho ta thấy được tài năng của Kim Lân trong việc khắc họa tính cách và miêu tả diễn biến tâm lý nhân vật.

– Trong chưa đầy 3 trang sách, Kim Lân đã thể hiện thấu đáo và tài tình cả cảnh ngộ, nỗi lòng của nhân vật và khát vọng khẳng định, ngợi ca con người của mình. Đoạn văn vừa có cái đẹp của một nội dung nhân đạo đặc sắc, vừa có cái đẹp của nghệ thuật miêu tả con người, nó góp phần quan trọng trong việc tạo nên sự thành công xuất sắc của truyện ngắn Vợ nhặt.

 
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp 0.25
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. 0.50

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *