Đề đọc hiểu và nghị luận về truyện Từ ngày mẹ chết của Nam Cao

VIẾT VĂN BẢN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT TÁC PHẨM TRUYỆN

(Giới hạn:Truyện ngắn hiện đại Việt Nam)

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm): Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

[………..]

Bu chết đã ngót ba năm. Thầy bảo thế. Thì ra ba năm cũng dài lắm nhỉ. Ninh cứ tưởng bu Ninh chết đã lâu lắm. Nhưng trách gì!… Xưa kia, những ngày bu đi chợ tỉnh, độ gần tối chưa về Ninh đã thấy mong. Ấy là mới vắng bu có một ngày. Mà nào đã hết cả ngày. Bây giờ vắng bu bằn bặt những ba năm. Bao nhiêu ngày tháng! Ninh thấy lâu là phải. Biết bao giờ mẹ lại về với con? Ninh bâng khuâng cả người. Y như là nằm mơ ấy là Ninh đã nguôi nguôi đấy. Hồi mẹ Ninh mới chết, cứ nghĩ đến mẹ là Ninh khóc. Ninh khóc ằng ặc như người nuốt phải ngụm gì đắng quá, nó quánh vào cổ họng. Khóc đến lặng hẳn người đi, không còn ra tiếng nữa. Chẳng ngày nào không thế. Mỗi ngày hai, ba lần.

Bây giờ thì Ninh không khóc nữa. Nhưng Ninh vẫn còn buồn lắm. Buồn rũ rĩ. Ninh ngơ ngẩn như mất vía. Có lúc Ninh làm gì mà cũng không biết nữa. Ninh vừa cất con dao hay cái chổi, giá thầy Ninh có hỏi, Ninh đã lại chẳng biết đâu mà lấy. Thầy Ninh cũng hiểu Ninh nhớ mẹ, nên không nỡ mắng. Thầy rân rấn nước mắt. Bố nhìn con, con nhìn bố. Hai bố con cùng cúi đầu lẳng lặng. Bố thở dài và con thở dài…

Mẹ Ninh chết sau ngày giỗ ông nội Ninh có hai ngày. Ninh nhớ rõ thế, bởi vì ngày giỗ ông năm ấy, hai mẹ con đã khóc lóc với nhau từ non trưa cho đến tối. Sáng dậy thầy Ninh hâm thuốc cho bu Ninh uống rồi thầy quét nhà, quét sân, giặt quần áo cho bu. Rồi lại còn phải lấy gạo thổi một niêu cơm để đấy cho Ninh nữa. Xong đâu đấy thầy cõng Đật đi ăn giỗ. Ninh phải ở nhà coi mẹ. Thầy Ninh bảo: “Con chịu khó ở nhà với bu kẻo bu buồn, thầy cho em đi một lát, lúc về thầy lấy phần cho một nắm xôi, vài miếng thịt, tính con thịt mỡ chỉ ba miếng là chán ứ. Đi, con cũng chả ăn được mấy, mà ở nhà thì thầy cũng đem về cho con. Đằng nào con cũng được ăn, nhưng bu con ốm thế, để bu ở nhà một mình thì thầy lo lắm”. “Con ở nhà với bu…”. Việc gì mà thầy phải nói nhiều đến thế? Ninh có đòi đi đâu? Thịt mỡ thì Ninh không thích thật. Nhưng dù có thích, Ninh cũng không đi cơ mà! Đi cũng khó mà nuốt được. Ninh thương bu lắm. Ninh thích ở nhà với bu. Thầy Ninh còn phải cúng ông, thì thầy Ninh phải đi. Thằng Đật còn bé, dở người, không cho nó đi thì nó khóc. Chẳng lẽ Ninh to đầu rồi mà cũng bắt chước em? Có mà đồ hư? Không, Ninh không đi đâu, thầy ạ. Ninh không muốn đi đâu, thầy ạ! Thầy cứ cõng thằng Đật đi kẻo muộn. Ninh ở nhà thích lắm. Thầy đừng thương Ninh…[………….]

( Từ ngày mẹ chết, tr.160-161, trích Tuyển tập Nam Cao, Nhà xb văn học)

Đề 1: Trắc nghiệm + Tự luận

(Mỗi câu trắc nghiệm là 0,5điểm)

Câu 1: Đoạn văn bản trên sử dụng phương thức biểu đạt nào?

  1. Tự sự B. Miêu tả
  2. Biểu cảm D. Thuyết minh

Câu 2:  Nhân vật chính trong tác phẩm “Từ ngày mẹ chết” là ai?

  1. Bu Ninh B. Thầy Ninh
  2. Đật D. Ninh

Câu 3:  Truyện ngắn “Từ ngày mẹ chết” đã được nhà văn Nam Cao xây dựng câu chuyện như thế nào?

  1. từ số phận bất hạnh của nhân vật Đật kể từ ngày mẹ qua đời.
  2. từ số phận bất hạnh và ngợi ca tình mẫu tử thiêng liêng trong gia đình Ninh kể từ ngày mẹ qua đời.
  3. từ nỗi bất hạnh và cuộc sống của gia đình thầy Ninh từ ngày vợ qua đời.

Câu 4:  Đoạn trích trên được viết theo điểm nhìn nào?

  1. Bên trong B. Bên ngoài
  2. Kết hợp cả bên trong và bên ngoài

Câu 5: Trong truyện ngắn “Từ ngày mẹ chết”, nhà văn đã sử dụng ngôi kể nào?

  1. Ngôi thứ nhất B. Ngôi thứ ba
  2. Đan xen hai ngôi kể thứ nhất và thứ ba D. Ngôi thứ hai

Câu 6: Câu văn “Bố thở dài và con thở dài…”  diễn tả tâm trạng gì của nhân vật?

  1. sự mệt mỏi của hai cha con khi phải gánh vác công việc gia đình sau khi mẹ mất
  2. nỗi niềm thương nhớ khôn nguôi khi mẹ Ninh qua đời
  3. nỗi niềm thương nhớ, sự mệt mỏi và buồn bã không nói nên lời của cả hai cha con kể từ ngày mẹ mất

Câu 7: Vì sao Ninh không qua nhà giỗ ông nội?

  1. Vì Ninh không thích ăn thịt mỡ B. Vì Ninh không phải cúng ông
  2. Vì Đật thích đi, đòi đi nên Ninh nhường D. Vì Ninh thích ở nhà với u

Trả lời câu hỏi:

Câu 8: Kể tên 2 tác phẩm cùng đề tài với truyện “Từ ngày mẹ chết” (Trừ truyện ngắn “Chí Phèo”).

Câu 9: Tìm các từ láy chỉ tâm trạng của Ninh khi mẹ qua đời ở đoạn văn bản in đậm trong đề.

Câu 10: Chỉ ra tác dụng của biện pháp tu từ so sánh trong những câu văn sau: “Ninh khóc ằng ặc như người nuốt phải ngụm gì đắng quá, nó quánh vào cổ họng. Khóc đến lặng hẳn người đi, không còn ra tiếng nữa. Chẳng ngày nào không thế. Mỗi ngày hai, ba lần”.

 

Đề 2: Tự luận

Câu 1: Xác định ngôi kể trong văn bản trên.

Câu 2: Phương thức biểu đạt chính trong đoạn văn bản trên là gì?

Câu 3: Đoạn trích trên được nhà văn xây dựng ở điểm nhìn trần thuật nào?

Câu 4: Kể tên 2 tác phẩm cùng đề tài với truyện “Từ ngày mẹ chết” (Trừ truyện ngắn “Chí Phèo”).

Câu 5: Chỉ ra tác dụng của biện pháp tu từ so sánh trong những câu văn sau: “Ninh khóc ằng ặc như người nuốt phải ngụm gì đắng quá, nó quánh vào cổ họng. Khóc đến lặng hẳn người đi, không còn ra tiếng nữa. Chẳng ngày nào không thế. Mỗi ngày hai, ba lần”.

Câu 6: Viết đoạn văn từ 5-7 dòng nêu suy nghĩ của anh/ chị về tình yêu thương trong gia đình.

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật trong tác phẩm trên.

Hướng dẫn đáp án chi tiết

ĐỌC – HIỂU

Đề 1:

Câu1C       Câu 2D       Câu 3B       Câu 4A      

Câu 5B       Câu 6C       Câu 7D

Câu 8: (Gợi ý) Lão Hạc/ Lang Rận/ Một bữa no/ Một đám cưới,…

Câu 9: Từ láy “rủ rĩ”, “ngơ ngẩn”, “lẳng lặng”

Câu 10:       – Biện pháp so sánh giữa tiếng khóc của Ninh khi mẹ mất với “người nuốt phải ngụm gì đắng quá, nó quánh vào cổ họng”, “đến lặng hẳn người đi, không còn ra tiếng nữa”.

– Tác dụng: thể hiện nỗi đau đớn tột cùng khi mẹ mất. Nỗi đau được bộc lộ qua tiếng khóc “đắng”, khàn đặc “quánh vào cổ họng”, đồng thời sự mất mát khiến tinh thần Ninh bất ổn đến “lặng người”…

Đề 2:

Câu 1: Ngôi thứ 3

Câu 2: Biểu cảm

Câu 3: Điểm nhìn bên trong/ điểm nhìn trần thuật nội tâm

Câu 4: Lão Hạc/ Lang Rận/ Một đám cưới/ Một bữa no,….

Câu 5:

Biện pháp so sánh giữa tiếng khóc của Ninh khi mẹ mất với “người nuốt phải ngụm gì đắng quá, nó quánh vào cổ họng”, “đến lặng hẳn người đi, không còn ra tiếng nữa”.

– Tác dụng: thể hiện nỗi đau đớn tột cùng khi mẹ mất. Nỗi đau được bộc lộ qua tiếng khóc “đắng”, khàn đặc “quánh vào cổ họng”, đồng thời sự mất mát khiến tinh thần Ninh bất ổn đến “lặng người”…

Câu 6:

– Hình thức: đoạn văn

– Dung lượng: 5-7 dòng

– Chủ đề: Tình yêu thương trong gia đình là tình cảm đáng trân quý nhất. (Hs có thể lựa chọn các biểu hiện: Tình mẫu tử/ tình phụ tử/ sự hiếu đạo của con cháu,…)

LÀM VĂN (Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây, yêu cầu hướng dẫn chi tiết)

  1. Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn về tác phẩm và phương diện nghệ thuật của tác phẩm mà bài viết sẽ tập trung làm rõ.

– Giới thiệu nhà văn Nam Cao và đề tài người nông dân trước CMT8

– Tác phẩm tiêu biểu thể hiện cái nhìn nhân đạo sâu sắc và diễn biến tâm lý sâu sắc của truyện ngắn “Từ ngày mẹ chết”, đặc biệt là đoạn “Bu chết đã ngót ba năm ……… Thầy đừng thương Ninh…”.

  1. Thân bài:

* Mô tả và đánh giá cách nhà văn kiến tạo truyện (câu chuyện, cách tổ chức mạch truyện)

– Nam Cao là Nam cao là nhà văn hiện thực chủ nghĩa. Ông chú trọng diễn tả và phân tích tâm lý nhân vật xây dựng cách phức tạp, thực hiện nhiều đột phá trong nghệ thuật tự sự với lối trần thuật kết hợp nhiều điểm nhìn giọng điệu với các cách kết cấu linh hoạt, sử dụng ngôn ngữ sinh động gần gũi với ngôn ngữ, giao tiếp đời thường, giàu suy tưởng.

– Câu chuyện viết về đề tài người nông dân nghèo nhưng không đi sâu vào sự thảm hại của cái đói, cái khổ, cái tha hoá mà nhà văn tập trung vào chuyện gia đình Ninh với nhiều cung bậc cảm xúc khi mẹ còn sống, ngày mẹ chết và nỗi nhớ nhung sau khi mẹ mất 3 năm.

– Mạch kể của truyện không đồng nhất giữa người kể ở ngôi thứ ba.

+ Có lúc lời kể bên ngoài như “Bu chết đã ngót ba năm. Thầy bảo thế. Thì ra ba năm cũng dài lắm nhỉ. Ninh cứ tưởng bu Ninh chết đã lâu lắm.”

+Xưa kia, những ngày bu đi chợ tỉnh, độ gần tối chưa về Ninh đã thấy mong. Ấy là mới vắng bu có một ngày. Mà nào đã hết cả ngày. Bây giờ vắng bu bằn bặt những ba năm.

 Quả thật, mất mẹ là sự mất mát không có lời nào có thể diễn tả hết được, mất sự yêu thương, mất sự chăm lo, mất cả hơi ấm và sự bảo ban.

+ cảm xúc bên trong của nhân vật Ninh như Ninh bâng khuâng cả người hoặc , cứ nghĩ đến mẹ là Ninh khóc. Ninh khóc ằng ặc như người nuốt phải ngụm gì đắng quá, nó quánh vào cổ họng. Tình thương mẹ của Ninh chuyển thành trạng thái “bâng khuâng” và tiếng “khóc ằng ặc” âm ỉ, dai dẳng, đầy ám ảnh và xót thương.

* Chỉ ra đặc điểm của người kể chuyện trong truyện ngắn (ngôi kể, điểm nhìn)

– Ngôi kể thứ 3

– Điểm nhìn bên ngoài từ lời người kể chuyện, lời nhân vật Ninh, thầy Ninh. Điểm nhìn bên trong ở tâm trạng Ninh, cuộc đối thoại giữa thầy- Ninh- bu khi bu còn sống.

* Phân tích vai trò của ngôi kể, điểm nhìn và lời trần thuật trong việc khắc họa nhân vật

– Vẫn ngôi thứ ba, nhưng sang đoạn văn thứ 2, nhà văn thay đổi điểm nhìn đi sâu vào tâm trạng của nhân vật cả Ninh và thầy Ninh:

+ Ninh dù không còn khóc nữa buồn nhiều hơn: Buồn rũ rĩ. Ninh ngơ ngẩn như mất vía.

+ thầy cũng “rơm rớm nước mắt”, cũng ngẩn ngơ như mất mát điều gì đó qua trong trong cuộc đời.

Mẹ mất đối với gia đình Ninh là mất cả linh hồn, mất luôn sự sống.

– Trong đoạn văn thứ 3, mạch kể của văn bản có sự xoay chuyển về quá khứ.

+ Đó là khoảng thời gian 3 năm trước khi bu mất

+ Thầy Ninh thì sắc thuốc, nấu cơm, giặt giũ và dọn dẹp nhà cửa.

+ Ninh thì ở nhà cùng mẹ mà không cần đi giỗ sự hiểu chuyện của cậu bé khiến người ta thương xót.

Cách dẫn dắt câu chuyện của nhà văn khiến nội dung cốt truyện cứ vì thế mà khiến người đọc rưng rưng. Giọng kể của nhà văn Nam Cao cứ chậm rãi càng khiến người ta day dứt, thương và nhớ.

* Đánh giá hiệu quả của nó (Chỉ ra mối liên hệ giữa người kể chuyện trong tác phẩm và nhà văn)

– Lời người kể chuyện giúp mạch truyện sinh động và hấp dẫn

– Lời người kể đan xen lời nhân vật đi sâu vào những xúc cảm tinh tế, làm nổi bật tình mẫu tử thiêng liêng, tình yêu thương mẹ vô bờ bến của nhân vật Ninh.

  1. Kết bài: Khẳng định giá trị nghệ thuật của tác phẩm truyện

– Nhà văn thành công trong việc xây dựng tâm lý nhân vật sắc sảo, tinh tế.

– Ngôn ngữ tự sự bình dị, mộc mạc kết hợp với lối trần thuật nhiều điểm nhìn tạo nên kết cấu, linh hoạt, độc đáo. Truyện “Từ ngày mẹ chết” tạo nên giá trị riêng biệt, góp phần làm nên dấu ấn không mờ phai của Nam Cao trong nền văn học hiện đại Việt Nam.

Bài viết tham khảo:

Nam cao là nhà văn hiện thực chủ nghĩa xuất sắc của văn học Việt Nam giai đoạn 1930-1945. Sáng tác của ông tập trung chủ yếu vào 2 đề tài: người nông dân nghèo và người trí thức nghèo. Tác phẩm nào của ông cũng để lại những dấu ấn to lớn cho nền văn học hiện đại Việt Nam, tiêu biểu phải kể tới là truyện “Từ ngày mẹ chết”, đặc biệt là nghệ thuật miêu tả tâm trạng của nhân vật Ninh được thể hiện rõ qua đoạn trích “U chết đã ba năm …. Thầy đừng thương Ninh…”.

Văn của Nam Cao chú trọng diễn tả và phân tích tâm lý nhân vật xây dựng cách phức tạp, thực hiện nhiều đột phá trong nghệ thuật tự sự với lối trần thuật kết hợp nhiều điểm nhìn giọng điệu với các cách kết cấu linh hoạt, sử dụng ngôn ngữ sinh động gần gũi với ngôn ngữ, giao tiếp đời thường, giàu suy tưởng.

Câu chuyện “Từ ngày mẹ chết” viết về đề tài người nông dân nghèo nhưng không đi sâu vào sự thảm hại của cái đói, cái khổ, cái tha hoá mà nhà văn tập trung vào chuyện gia đình Ninh với nhiều cung bậc cảm xúc khi mẹ không còn. Kết cấu chủ đạo của truyện trôi theo mạch cảm xúc, mạch nội tâm của nhân vật Ninh. Từ hiện tại hướng về quá khứ đan cài trong mạch suy tưởng của nhân vật. Điểm nối liền mạch chính là tình yêu thương, sự nhớ nhung về mẹ và sự trống vắng khi mẹ mất đã được ba năm.

Mạch kể của truyện không đồng nhất giữa người kể ở ngôi thứ ba. Có lúc lời kể bên ngoài như “Bu chết đã ngót ba năm. Thầy bảo thế. Thì ra ba năm cũng dài lắm nhỉ. Ninh cứ tưởng bu Ninh chết đã lâu lắm.”. Lời kể như là lời xác nhận về sự ra đi của bu Ninh và nỗi nhớ thương dài đằng đẵng mỗi ngày. Bởi vì lời xác nhận của Ninh Xưa kia, những ngày bu đi chợ tỉnh, độ gần tối chưa về Ninh đã thấy mong. Ấy là mới vắng bu có một ngày. Mà nào đã hết cả ngày. Bây giờ vắng bu bằn bặt những ba năm. Quả thật, mất mẹ là sự mất mát không có lời nào có thể diễn tả hết được, mất sự yêu thương, mất sự chăm lo, mất cả hơi ấm và sự bảo ban. Bằng sự diễn tả tinh tế, nhà văn đã làm rõ hơn cảm xúc bên trong của nhân vật Ninh như Ninh bâng khuâng cả người hoặc , cứ nghĩ đến mẹ là Ninh khóc. Ninh khóc ằng ặc như người nuốt phải ngụm gì đắng quá, nó quánh vào cổ họng. Tình thương mẹ của Ninh chuyển thành trạng thái “bâng khuâng” và tiếng “khóc ằng ặc” âm ỉ, dai dẳng, đầy ám ảnh và xót thương. Sự kết hợp đó làm nổi bật mạch truyện của truyện ngắn. Đó là sự sáng tạo và thành công trong nhiều truyện ngắn của Nam Cao.

Vẫn ngôi thứ ba, nhưng sang đoạn văn thứ 2, nhà văn thay đổi điểm nhìn đi sâu vào tâm trạng của nhân vật cả Ninh và thầy Ninh. Sau thời gian mẹ mất, cú sốc tâm lý ấy khiến Ninh dù không còn khóc nữa buồn nhiều hơn: Buồn rũ rĩ. Ninh ngơ ngẩn như mất vía. Hai từ láy đi cùng nhau cùng kết hợp với phép liệt kê như quên “con dao hay cái chổi”, người thì như ngơ ngẩn hẳn ra càng làm nổi bật tâm trạng bất ổn của cậu bé. Mà đâu mỗi Ninh, thầy cũng “rơm rớm nước mắt”, cũng ngẩn ngơ như mất mát điều gì đó qua trong trong cuộc đời. Mẹ mất đối với gia đình Ninh là mất cả linh hồn, mất luôn sự sống.

Kết thúc đoạn trích nhưng mạch kể của văn bản có sự xoay chuyển về quá khứ. Đó là khoảng thời gian 3 năm trước khi bu mất, trước ngày Trước ngày giỗ ông 2 ngày. Sức khỏe của bu Ninh mỗi ngày mỗi kém, lúc nào cũng  cần có người chăm sóc, chuyện trò. Thầy Ninh thì sắc thuốc, nấu cơm, giặt giũ và dọn dẹp nhà cửa. Ninh thì ở nhà cùng mẹ mà không cần đi giỗ, sự hiểu chuyện của cậu bé khiến người ta thương xót. Ngày hôm đó, hai u con chuyện trò rồi ôm nhau khóc. U khóc vì đoán biết ngày sống đã tận, Ninh khóc vì thương u. Cách dẫn dắt câu chuyện của nhà văn khiến nội dung cốt truyện cứ vì thế mà khiến người đọc rưng rưng. Giọng kể của nhà văn Nam Cao cứ chậm rãi càng khiến người ta day dứt, thương và nhớ. Mở đầu đoạn trích là hình ảnh của bu Ninh đã mất với nỗi nhớ thương và những dòng nước mắt. Kết thúc đoạn trích lại nhấn mạnh lại những khoảnh khắc tốt đẹp bên người mẹ với những hình dáng tảo tần và đầy yêu thương. Cách tiếp cận khác hoàn toàn với đề tài người nông dân thường gặp trong sáng tạo của nhà văn, truyện như một dấu lặng khiến người ta bùi ngùi.

Truyện ngắn tạo dư vị riêng trong lời người kể chuyện đan xen lời nhân vật đi sâu vào những xúc cảm tinh tế giúp mạch truyện sinh động và hấp dẫn. Đồng thời, chỉ qua đoạn trích ngắn cũng làm nổi bật tình mẫu tử thiêng liêng, tình yêu thương mẹ vô bờ bến của nhân vật Ninh.

Nhà văn thành công trong việc xây dựng tâm lý nhân vật sắc sảo, tinh tế. Ngôn ngữ tự sự bình dị, mộc mạc kết hợp với lối trần thuật nhiều điểm nhìn tạo nên kết cấu, linh hoạt, độc đáo. Truyện “Từ ngày mẹ chết” tạo nên giá trị riêng biệt, góp phần làm nên dấu ấn không mờ phai của Nam Cao trong nền văn học hiện đại Việt Nam. Ông xứng đáng là nhà nhân đạo từ trong cốt tuỷ và luôn là người “khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *