Đề đọc hiểu và nghị luận về truyện Mưa qua những cánh rừng

I.ĐỌC HIỂU  (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

MƯA QUA NHỮNG CÁNH RỪNG

…Đây là lần đầu tiên Huyên đến đồn Biên phòng Sang Khương. Mất gần hai tiếng đồng hồ để di chuyển từ thành phố đến bến thuyền đầu tiên, ngồi ca-nô chừng ba mươi cây số ngược lòng hồ thủy lợi, thêm một quãng đường rừng đồi dốc quanh co trên chiếc xe ô-tô đời cũ xóc nảy đến nỗi ê ẩm hết cả người thì Huyên mới đặt chân tới cổng đồn. […]

Huyên cố giữ tâm trí mình bình lặng lại sau khi bị xáo động dữ dội bởi cuộc hội ngộ bất ngờ với Bằng. Biết bao nhiêu năm dằng dặc cách biệt, không ngờ có ngày Huyên gặp lại anh ở nơi tận cùng hoang vắng này, trong một đồn Biên phòng nằm lọt thỏm giữa cánh rừng mênh mông xanh thẳm, giữa những người lính mang trên mình bộ quân phục nhuốm màu sương gió và cơn mưa tháng sáu dữ dội đến vô cùng.

*

(Lược một đoạn: Huyên nhớ về những ký ức xưa ở với bà vì mẹ đi làm tận miền nam. Hai bà cháu sống trên ngôi làng nhỏ ở vách núi – nơi mỗi năm vẫn oằn mình chống chịu những cơn lũ Tiểu Mãn khốc liệt. Mười hai tuổi Huyên gặp Bằng – cậu bé mồ côi – vì cả gia đình vừa bị lũ cuốn trôi năm đó. Bà đón Bằng về nhà nuôi, Huyên và Bằng nhanh chóng trở nên thân thiết và gắn bó với nhau. Một thời gian sau, bà ốm nặng, mẹ từ miền nam trở về thăm bà, thăm Huyên. Mẹ phản đối việc bà nuôi Bằng trong nhà, nên Bằng chỉ được ở sau nhà gần chuồng bò. Không lâu sau bà mất, mẹ bán nhà, bán vườn đưa Huyên lên phố. Huyên năn nỉ nhưng mẹ không cho Bằng đi theo. Ngày chiếc xe tải lăn bánh rời đi, Bằng chân trần chạy theo gọi Huyên mãi giữa trời đông mưa phùn gió bấc. Huyên òa lên khóc…

Lần này, khi đến đồn biên phòng Sang Khương để viết bài phóng sự, Huyên được các chiến sĩ đưa đi thăm đập Ngàn Trươi và lắng nghe những câu chuyện về Bằng – người chiến sĩ chưa từng nghỉ phép. Huyên ghi chép lại những câu chuyện đầy thương mến ấy. Và tự nhiên Huyên thấy mình được đi cùng anh cả một chặng đời.)

*

Ngay khoảnh khắc đầu tiên bước vào phòng truyền thống của đồn biên phòng Sang Khương, Huyên đã nhận ra Bằng ngay lập tức. Dường như có một luồng điện vụt qua trí não của cô chiếu sáng những mảnh ký ức vụn vỡ tưởng chừng đã chìm vào quên lãng. Từ trong bức ảnh được lồng khung trang trọng treo chính giữa căn phòng, một người lính mang quân hàm xanh với đôi mắt sáng và cái nhìn điềm tĩnh đang hướng về phía cô. 

Trong đôi mắt đó những mất mát buồn thương đã lắng vào sâu thẳm, chỉ còn lại ánh sáng ấm áp yêu thương và khắc khoải đợi chờ. Bên dưới bức ảnh là dòng chữ ghi họ tên anh, thiếu úy Lê Hữu Bằng, nơi sinh, quê quán, cùng một dấu gạch nối giữa hai mốc thời gian ngắn ngủi.

– Dịp đó cũng chừng đầu tháng sáu như thế này, sau mấy tuần liên tiếp cồn cột gió Lào đỉnh điểm nắng nóng thì trời đột ngột đổ mưa, dân gian vẫn thường gọi là mưa Tiểu Mãn – Giọng đồng chí đồn trưởng trầm trầm kể lại – Cả ngày hôm đó giông gió sấm chớp dữ dội, chúng tôi vẫn thực hiện công tác tuần tra biên giới như mọi khi. 

Thế rồi vào lúc chập tối, có một nhóm ba người dân hoảng hốt chạy tới báo tin họ đi rừng lấy mật ong không may gặp nạn chỗ suối Hóp, nơi có một khúc quanh cực kỳ nguy hiểm nước thường dâng rất đột ngột. Năm đó công trình thủy lợi Ngàn Trươi chưa làm, lũ lụt ở vùng này vô cùng bất ngờ và ác liệt.

Đồn biên phòng lập tức cử người lên đường ngay, đồng thời qua bộ đàm liên lạc với tiểu đội do đồng chí Bằng đang ở gần đó nhất. Trời sập tối rất nhanh mà mưa càng lúc càng to, đường mòn sụt lở khó đi kinh khủng. Lúc cắt rừng đến nơi thì nước đã dâng cao quá chỗ ngầm tràn, dưới ánh đèn pin lấp loáng, chúng tôi nhìn thấy hai người dân mắc kẹt lại trên một tảng đá nhỏ giữa dòng chảy xiết đang kêu cứu đến kiệt sức.

Anh em hội ý rất nhanh rồi thống nhất phương án dùng dây chăng qua các gốc cây, sau đó cử hai đồng chí buộc dây vào mình trực tiếp bơi ra. Đồng chí Bằng cùng với một chiến sĩ nữa xung phong thực hiện nhiệm vụ. Sau mấy tiếng đồng hồ vật lộn giữa dòng nước hung dữ tối tăm cuồn cuộn, anh em cũng đưa được người bị nạn vào bờ an toàn. Thế nhưng vào phút cuối cùng, không ai ngờ được một sự cố đau lòng lại xảy ra.

 

[….] Ngôi mộ của thiếu úy Lê Hữu Bằng nằm khiêm tốn ở góc đồi, đó cũng là một ngôi mộ gió. Suốt đêm mưa lũ bão bùng ấy và ròng rã mấy tháng sau, anh em chiến sĩ đào xới từng khoảnh rừng để tìm kiếm Bằng nhưng không hề thấy một dấu vết nào sót lại. Dường như anh đã lặng lẽ hòa vào trong đất, giữa mầu xanh miên viễn của rừng. Đám tang anh được đơn vị cử hành sau đó có rất đông bà con từ những xóm làng xa xôi dọc vùng biên ải lặn lội đến dự. Tất cả họ đều chít khăn trắng. Trên mộ anh phủ đầy hoa trắng. Ngày Huyên ra thăm anh, giữa tháng sáu nắng đổ rực trời cô nhìn thấy những bông hoa muối li ti mầu trắng nở đầy trên mộ.

Về sau này người ta vẫn kể rằng chưa bao giờ thấy trận lũ trái mùa bất thường đến thế ở Ngàn Trươi. Đó cũng là trận lũ cuối cùng trước khi đập chính chặn dòng, công trình thủy lợi khánh thành đã làm thay đổi hoàn toàn một vùng biên giới.

Huyên đặt dấu chấm kết thúc cho bài phóng sự gửi về tòa soạn báo vào một buổi chiều tĩnh lặng. Bên cạnh cô là màn hình máy tính nhấp nháy sáng từng con chữ, cuốn sổ tay chép bằng mực xanh của Bằng với rất nhiều trang nhắc đến tên Huyên như người em gái yêu thương xa cách từ thuở thiếu thời…

Bình minh chiếu ánh nắng rực rỡ xuống mặt hồ khi những người lính biên phòng tiễn Huyên ra tận bến đò. Chiếc ca-nô tung bọt trắng xóa giữa dòng Ngàn Trươi. Phía sau cô là bóng áo xanh dưới tán rừng lặng lẽ”.

(Trần Thị Tú Ngọc, báo Nhân Dân, ngày 20/06/2022)

– Trần Thị Tú Ngọc sinh năm 1984, hiện tại là giáo viên dạy Địa lí Trường THPT Hương Khê – Hà Tĩnh.

– Phong cách sáng tác của chị thường để nhân vật tự bộc lộ chiều sâu nội tâm của mình. Qua đó, khẳng định và đề cao những vẻ đẹp tâm hồn con người, mang đến những bài học nhân sinh bình dị mà thấm thía

Đề 1: Trắc nghiệm + Tự luận

Câu 1: Văn bản trên sử dụng ngôi kể nào?

  1. Ngôi kể thứ ba
  2. Ngôi kể thứ hai
  3. Ngôi kể thứ nhất
  4. Ngôi kể thứ hai và thứ ba

Câu 2. Phát biểu nào sau đây nói đúng về đặc điểm của lời kể trong truyện?

  1. Chỉ có lời nhân vật
  2. Chỉ có lời người kể chuyện
  3. Bao gồm cả lời người kể chuyện và lời nhân vật
  4. Bao gồm cả lời người kể chuyện, lời nhân vật và lời tác giả

Câu 3: Nhân vật Huyên và Bằng gặp nhau lần đầu tiên trong hoàn cảnh nào?

A.      Huyên đi chơi và vô tình gặp Bằng bên sườn núi.

B.      Huyên đi công tác gặp Bằng trong đồn biên phòng

.
C.      Huyên gặp Bằng trên xe ôtô khi đến đồn biên phòng.

D.      Huyên gặp Bằng khi cha mẹ anh vừa mất sau trận lũ.

 

Câu 4:Cuộc hội ngộ” giữa Huyên và Bằng sau nhiều năm xa cách có gì đặc biệt?

A. Bằng đã hy sinh, Huyên chỉ thấy Bằng qua khung ảnh
B. Bằng đã trở thành chiến sĩ và không nhớ Huyên
C. Huyên vẫn nhận ra Bằng, nhưng Bằng giận Huyên

D. Huyên đi công tác gặp Bằng trong đồn biên phòng.

Câu 5: Chi tiết “Bằng chân trần chạy theo gọi Huyên mãi giữa trời đông mưa phùn gió bấc. Huyên òa lên khóc” cho thấy tình cảm gì của Huyên với người anh thời thơ ấu?

A. Huyên lo sợ Bằng lạnh và bị ốm khi chạy chân trần giữa mùa đông.

B. Huyên không muốn rời xa Bằng và thương anh phải sống lẻ loi một mình.

C. Huyên vui mừng tạm biệt Bằng vì được lên thành phố sống ấm no, hạnh phúc.

D. Huyên tức giận với Bằng vì cứ chạy theo xe oto khiến người đi đường khó chịu.

Câu 6: Qua câu chuyện của những người chiến sĩ về Bằng, Huyên có tình cảm, thái độ gì?

  1. Phấn khởi, vui vẻ vì người anh được nhiều người yêu quý.
  2. Buồn tủi, băn khoăn vì sao người anh không về thăm mình.
  3. Nhớ thương, trân trọng sự hy sinh của anh dành cho nhân dân.
  4. Mong muốn đón anh lên thành phố để có cuộc sống no đủ hơn.

Câu 7: Tại sao nhân vật Bằng được chủ yếu khắc họa thông qua điểm nhìn của những nhân vật khác?

  1. Tác giả không biết nhân vật Bằng có ngoại hình như thế nào nên không miêu tả.
  2. Để những nhân vật khác thể hiện tình cảm tự nhiên, chân thật của mình dành cho nhân vật Bằng.
  3. Nhân vật Bằng là người nổi tiếng nên cần khắc họa qua lời nói của nhiều người.
  4. Tác giả không muốn nhân vật Bằng xuất hiện thường xuyên trong tác phẩm của mình.

Trả lời câu hỏi sau:

Câu 8: Nhận xét về trình tự thời gian trong mạch truyện.

Câu 9: Chi tiết: “cuốn sổ tay chép bằng mực xanh của Bằng với rất nhiều trang nhắc đến tên Huyên như người em gái yêu thương xa cách từ thuở thiếu thời” cho em hiểu gì về nhân vật chiến sĩ Bằng?

Câu 10. Từ truyện ngắn trên, bạn suy nghĩ gì về ý nghĩa của lòng biết ơn trong cuộc sống? (Viết khoảng 5 – 7 dòng)

Đề 2: Tự luận

Câu 1: Đoạn trích trên chủ yếu được kể từ điểm nhìn của những nhân vật nào?

Câu 2: Theo đoạn trích, vì sao Huyên và Bằng chia tay nhau?

Câu 3: Chủ đề của truyện ngắn trên là gì? Em có nhận xét gì về chủ đề ấy?

Câu 4: Qua chi tiết “Đồng chí Bằng cùng với một chiến sĩ nữa xung phong thực hiện nhiệm vụ.” Cho em hiểu gì về nhân vật chiến sĩ Bằng.

Câu 5: Em có đồng tình với quan niệm của tác giả khi cho rằng: “Dường như anh đã lặng lẽ hòa vào trong đất, giữa mầu xanh miên viễn của rừng” hay không?Vì sao?

Câu 6: Từ truyện ngắn trên, bạn suy nghĩ gì về ý nghĩa của việc sống có lý tưởng.

  1. LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) phân tích những nét đặc sắc về cách kể trong truyện ngắn “Mưa qua những cánh rừng”

 

Hướng dẫn đáp án chi tiết  

  1. ĐỌC – HIỂU

Đề 1: Trắc nghiệm + Tự luận

 

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 6,0
1 A 0.5
2 C 0.5
3 D 0.5
4 D 0.5
5 B 0.5
6 C 0.5
7 B 0.5
8 Nhận xét về trình tự thời gian trong mạch truyện

Thời gian trong mạch truyện là thời gian đa chiều:

+ Mở đầu tác phẩm là thời gian của hiện tại, khi nhân vật Huyên là phóng viên viết báo tại đồn biên phòng Sang Khương.

+ Đoạn tiếp theo là thời gian trong quá khứ khi Huyên nhớ về tuổi thơ sống cùng Bằng và sự chia li với Bằng

+Thời gian trở lại hiện tại Huyên buồn đau khi thấy Bằng trước di ảnh

+ Thời gian quay về quá khứ gần khi đồng chí đồn trưởng kể lại sự hi sinh anh dũng của Bằng

+ Thời gian trở lại hiện tại Huyên hoàn thành nhiệm vụ và trở về với cuốn nhật kí của Bằng.

Hướng dẫn chấm:

Học sinh trả lời đủ các ý trong đáp án hoặc có cách diễn đạt tương đương: 0,5 điểm.

Học sinh trả lời chưa đầy đủ nhưng  ý nhưng chạm đến các ý trong đáp án: 0,25 điểm.

0.5
9 Nhận xét về chiến sĩ Bằng:

+ Là một người giàu tình cảm

+ Là một người biết yêu thương và trân trọng tình bạn và  những kỉ niệm đẹp.

Hướng dẫn chấm:

Học sinh trả lời được 2 ý trong đáp án hoặc có cách diễn đạt tương đương: 1,0 điểm.

Học sinh trả lời được 1 ý trong đáp án: 0,5 điểm.

1.0
10 Suy nghĩ về ý nghĩa của lòng biết ơn trong cuộc sống:

– Với cá nhân:

+ Lòng biết ơn mang lại cho chúng ta những cảm xúc tươi tắn, ngọt ngào

+ Lòng biết ơn giúp chúng ta hiểu rõ giá trị của những gì chúng ta có và những người xung quanh.

+ Lòng biết ơn mang lại những suy nghĩ tích cực và năng lượng và cả sức mạnh để vận hành guồng quay náo nhiệt của cuộc đời.

+ Củng cố trong ta niềm tin, ý chí và nghị lực

+ Giúp chúng ta tạo ra mối quan hệ tốt hơn với người khác

– Với xã hội: Lòng biết ơn tạo ra một xã hội văn minh và tốt đẹp hơn, là tiền đề cho tinh thần đoàn kết trong cộng đồng.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh nêu được suy nghĩ của mình về ý nghĩa của lòng biết ơn

+ Học sinh nêu quan điểm sâu sắc: 1,0 điểm

+ Học sinh nêu quan điểm chung chung: 0.5 điểm

+ Học sinh nêu quan điểm chạm đến được vấn đề: 0,25 điểm

1.0

Đề 2: Tự luận

PHẦN

I

Câu Nội dung Điểm
1 Đoạn trích trên chủ yếu được kể từ điểm nhìn của các nhân vật:Người kể chuyện, Huyên, đồng chí đội trưởng

Hướng dẫn chấm:

Học sinh trả lời được đầy đủ ý trong đáp án hoặc có cách diễn đạt tương đương: 0,5 điểm.

Học sinh trả lời được 1 ý trong đáp án: 0,25 điểm.

 

0,5
2 Huyên và Bằng chia tay vì: Mẹ Huyên bán nhà, bán vườn đưa Huyên lên phố.

Hướng dẫn chấm:

Học sinh trả lời đúng đáp án hoặc có cách diễn đạt tương đương: 0,5đ

 

0,5
3 –  Chủ đề của truyện: Từ việc tái hiện những kí ức thân thương với người anh thuở thiếu thời của nhân vật Huyên, tác giả bộc lộ tình yêu thương, cảm phục trước sự hi sinh anh dũng mà thầm lặng của các chiến sĩ biên phòng.

– Nhận xét: Chủ đề của truyện đề cập đến một con người bình dị với vẻ đẹp bình dị nhưng mở ra một tâm hồn lớn lao.

Hướng dẫn chấm:

– Chủ đề của truyện:

+Học sinh nêu đượcchủ đề của truyện hoặc cách diễn đạt tương đương: 0,5 điểm

+  Học sinh trả lời chạm được đến chủ đề: 0,25 điểm

–  Nhận xét chủ đề:

+ HS nhận xét sâu sắc: 1,0 điểm

+ HS nhận xét chung chung: 0,5 điểm

+ HS nhận xét chạm được đến vấn đề: 0,25 điểm

1,5
4 Nhận xét về nhân vật chiến sĩ Bằng:

– Là một người có trách nhiệm cao trong công việc

– Dũng cảm, không sợ gian khó, sẵn sàng hi sinh bản thân mình để cứu người khác.

Hướng dẫn chấm:

Học sinh trả lời được 2 ý trong đáp án hoặc có cách diễn đạt tương đương: 1,0 điểm.

Học sinh trả lời được 1 ý trong đáp án: 0,5 điểm

1,0
5 – HS bày tỏ quan niệm đồng tình hoặc không đồng tình

– Học sinh lí giải lựa chọn của bản thân. Có thể lí giải theo nhiều cách, miễn hợp lí, thuyết phục.

Gợi ý: HS đồng tình với quan điểm của tác giả

Lí giải: Vì sự hi sinh của Bằng là sự hi sinh cao cả để người dân được sống, dù anh đã ra đi nhưng vẻ đẹp của anh vẫn còn mãi và có giá trị với cuộc đời.

Hướng dẫn chấm:

Học sinh nêu được quan điểm của bản thân: 0,5 điểm

HS có cách lí giải hợp lí thuyết phục:1,0 điểm

– HS có cách lí giải chung chung: 1,5 điểm

-HS không lí giả: không cho điểm

1,5
6 Ý nghĩa của việc sống có lí tưởng:

– Với cá nhân:

+ Lí tưởng sống của thanh niên như chiếc kim chỉ nam trong cuộc đời mỗi con người.

+ Lý tưởng sẽ thôi thúc bạn phấn đấu, không ngừng học tập và rèn luyện để thực hiện nó, là liều thuốc tinh thần lớn thúc đẩy bạn nỗ lực hết mình trong mọi việc.

+ Lí tưởng sống là động lực để mỗi người trở nên mạnh mẽ, can đảm đối mặt mọi chông gai thử thách, đứng lên bước tiếp, chinh phục thành công.

+ Sống có li tưởng sẽ được mọi người xung quanh yêu quý và ủng hộ

– Với xã hội:

+ Giúp gắn kết tình người gần nhau hơn.

+ Tạo ra một xã hội văn minh và tốt đẹp hơn

– Học sinh nêu được suy nghĩ của mình về ý nghĩa của lòng biết ơn

+ Học sinh nêu quan điểm sâu sắc: 1,0 điểm

+ Học sinh nêu quan điểm chung chung: 0.5 điểm

+ Học sinh nêu quan điểm chạm đến được vấn đề: 0,25 điểm

1,0

 

PHẦN II: LÀM VĂN

II   LÀM VĂN 4.0
Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) phân tích những nét đặc sắc về mặt nghệ thuật trong truyện ngắn “Mưa qua những cánh rừng  
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

những nét đặc sắc về cách kể trong truyện ngắn “Mưa qua những cánh rừng

0.25
*Mở bài:

+ Giới thiệu ngắn gọn tác giả Trần Thị Tú Ngọc và đoạn trích trong truyện ngắn “Mưa qua những cánh rừng”

+ Giới thiệu phương diện nghệ thuật mà bài viết đi sâu phân tích: Những nét  đặc sắc trong cách kể của Trần Thị Tú Ngọc trong truyện ngắn mưa qua những cánh rừng.

* Thân bài:

Cách kiến tạo truyện của tác giả

Cấu trúc của truyện “Mưa qua những cánh rừng” mang cấu trúc điển hình của truyện ngắn. Câu chuyện không được thuật lại theo trình tự thời gian

+ Mạch trần thuật của tác phẩm bắt đầu từ khi Huyên – một phóng viên lên đồn biên phòng Sang Khương viết bài và cảm xúc của cô khi sắp “hội ngộ” với Bằng – một chiến sĩ đồn biên phòng.

+ Sau đó mạch truyện trở về sự kiện bà của Huyên cưu mang Bằng khi bố mẹ anh không may bị nước lũ cuốn trôi. Mẹ Huyên đón cô về thành phố để lại Bằng nơi quê nhà.

+ Mạch truyện tiếp tục với nỗi đau buồn Huyên gặp Bằng qua tấm di ảnh.

+Mạch truyện quay lại sự kiện Bằng hi sinh qua lời kể của người chiến sĩ đồn trưởng. +Truyện kết thúc khi Huyên hoàn thành bài phóng sự và trở về với cuốn nhật kí của Bằng trên tay với nhiều trang nhắc đến tên mình.

=> Câu chuyện và truyện kể không đồng nhất, mạch trần thuật thay đổi so với trình tự tự nhiên của câu chuyện. Đây chính là một đặc trưng nổi bật của nghệ thuật tự sự hiện đại so với truyền thống

Đặc điểm của người kể chuyện trong truyện

– Ngôi kể thứ ba, người kể truyện toàn tri

– Lời kể: Lời của người kể chuyện và lời của nhân vật

– Điểm nhìn được dịch chuyển linh hoạt từ điểm nhìn của người kể chuyện đến điểm nhìn của nhân vật Huyên và đồng chí đồn trưởng. Trong tác phẩm điểm nhìn chủ yếu là điểm nhìn bên ngoài.

Vai trò của ngôi kể, điểm nhìn và lời trần thuật trong việc khắc họa nhân vật.

– Nhân vât  Huyên xuất hiện trực tiếp trong tác phẩm với  ngôi kể  thứ ba, điểm nhìn từ người kể chuyện kết hợp với những lời trần thuật trực tiếp giúp người đọc hiểu về hoàn cảnh, đánh giá khách quan về nhân vật Huyên một cô gái giàu tình cảm, có lòng trắc ẩn:

+ Khi cùng mẹ lên thành phố và chia tay Bằng,

+ Khi đặt chân đến đồn biên phòng Sang Khương và khi nhìn thấy tấm di ảnh của Bằng

+ Khi nghe đồng chí biên phòng kể lại việc bằng hi sinh

=> Xuyên suốt đoạn trích dù Huyên không trực tiếp chia sẻ cảm xúc của mình nhưng người đọc vẫn có thể thấy rõ tâm tư, tình cảm của cô qua lời kể của người kể chuyện.

– Nhân vật Bằng không xuất hiện trực tiếp trong tác phẩm mà xuất hiện qua điểm nhìn của nhân vật Huyên và đồng chí đồn trưởng.

– Qua lời kể và điểm nhìn của Huyên:

+  Bằng là một cậu bé có hoàn cảnh đáng thương, cha mẹ mất sau trận lũ, tuổi thơ đầy thiếu thốn ấy đã được cưu mang bởi bà của Huyên.

+ Bằng là một người giàu tình cảm, luôn trân trọng những kỉ niệm của tuổi thơ.

– Qua lời trần thuật trực của đồng chí đội trưởng

+ Bằng là một người sống có lí tưởng sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ, hết lòng vì nhân dân.

=>Việc sử dụng ngôi kể thứ ba, người kể truyện toàn tri. Sự kết hợp với điểm nhìn đặt ở nhân vật Huyên và đồng chí đồn trưởng  khiến nhân vật Bằng hiện lên với nhiều phẩm chất tốt đẹp, thể hiện cái nhìn khách quan về nhân vật. Điều đó cũng giúp những nhân vật khác thể hiện tình cảm tự nhiên, chân thật của mình dành cho nhân vật Bằng.

Mối liên hệ giữa người kể chuyện trong tác phẩm và nhà văn

+ Người kể chuyện khi giữa một khoảng cách nhất định với nhân vật : trong phân đoạn mở đầu của truyện

+ Nhưng cũng có khi người kể chuyện  hòa chuyển vào nhân vật để kể lại câu chuyện:  Khi Huyên nhớ về khoảng thời gian sống cùng Bằng và khi đồng chí đồn trưởng kể về sự hi sinh của Bằng

* Kết bài: Khẳng định giá trị nghệ thuật của tác phẩm truyện

– Tác phẩm thành công về mặt tự sự: cách thức tổ chức mạch truyện, điểm nhìn, ngôi kể và lời trần thuật

– Tác phẩm còn tồn tại mãi với thời gian về giá trị tư tưởng của nó: cần sống có lí tưởng hoài bảo, luôn hết mình vì công việc, trân trọng những kỉ niệm thủa thiếu thời.

Hướng dẫn chấm:

– Trình bày đầy đủ, sâu sắc: 1,5 điểm – 2,0 điểm.

– Trình bày đầy đủ nhưng có ý chưa sâu: 0,5 điểm – 1,5  điểm.

– Trình bày chưa đầy đủ hoặc chung chung, sơ sài: 0,5 điểm

 
2.0

 

 

 

 

 

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

0.5
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận có cách diễn đạt mới mẻ, có sự liên hệ với nhà văn, tác hẩm cùng thời đại, khác thời đại

Hướng dẫn chấm:

– Đáp ứng được 2 yêu cầu: 0,5 điểm.

– Đáp ứng được 1 yêu cầu: 0,25 điểm.

0.5
Tổng điểm 10,0

 

Bài viết tham khảo:

Văn chương muôn đời luôn lấy chất liệu từ hiện thực cuộc sống để góp nên trang. Những tiếng lòng thổn thức, những tình cảm day dứt, những đồng cảm, thấu hiểu sâu sắc của người nghệ sĩ với nhân sinh đều được phản ánh vào trang viết của họ. Nhưng những tư tưởng của tác giả chỉ có thể đến với người đọc không bằng cách nào khác khi chỉ có hình thức nghệ thuật là đôi cánh nâng những tư tưởng ấy lên đến đỉnh cao của văn chương chân chính. Là một cây bút mới trong nền văn học hiện đại Việt Nam, Trần Thị Tú Ngọc thành công với lối kể chuyện bình dị mà sâu sắc. một trong số đó ta phải kể đến truyện ngắn “ Mưa qua những cánh rừng”,  một tác phẩm rất thành công về nghệ thuật kể chuyện.

“Mưa qua những cánh rừng” mang cấu trúc điển hình của truyện ngắn. Câu chuyện được diễn ra khi Huyên về đồn biên phòng Sang Khương viết bài phóng sự với sự kiện chính, cô “gặp lại” Bằng, một người bạn thủa thiếu thời đã hi sinh. Truyện không được thuật lại theo trình tự thời gian. Mạch trần thuật của tác phẩm bắt đầu từ khi Huyên – một phóng viên lên đồn biên phòng Sang Khương viết bài và cảm xúc của cô khi sắp “hội ngộ” với Bằng – một chiến sĩ đồn biên phòng. Qua đó khơi gợi trí tò mò từ người đọc từ cảm xúc của Huyên. Sau đó mạch truyện trở về sự kiện trong quá khứ  bà của Huyên cưu mang Bằng khi bố mẹ anh không may bị nước lũ cuốn trôi. Mẹ Huyên đón cô về thành phố để lại Bằng nơi quê nhà. Người kể chuyện đã cung cấp cho người đọc những chi tiết về nhân vật Bằng. Mạch truyện tiếp tục với nỗi đau buồn Huyên gặp Bằng qua tấm di ảnh để bộc lộ cảm xúc đau buồn của Huyên trước sự ra đi của người bạn thuở thiếu thời. Mạch truyện quay lại sự kiện Bằng hi sinh qua lời kể của người chiến sĩ đồn trưởng  và  kết thúc khi Huyên hoàn thành bài phóng sự và trở về với cuốn nhật kí của Bằng trên tay với nhiều trang nhắc đến tên mình. Câu chuyện và truyện kể không đồng nhất, mạch trần thuật thay đổi so với trình tự tự nhiên của câu chuyện. Đây chính là một đặc trưng nổi bật của nghệ thuật tự sự hiện đại so với truyền thống.

Truyện ngắn “Mưa qua những cánh rừng” là một truyện ngắn ít hành động, Câu chuyện chủ yếu xoay quanh lời kể của các nhân vật về Bằng, người chiến sĩ biên phòng. Người kể chuyện ở ngôi thứ ba , Điểm nhìn được dịch chuyển linh hoạt từ điểm nhìn của người kể chuyện đến điểm nhìn của nhân vật Huyên và đồng chí đồn trưởng. Trong tác phẩm điểm nhìn chủ yếu là điểm nhìn bên ngoài.  Hình thức trần thuật này phù hợp với việc xây dựng vẻ đẹp của nhân vật lí tưởng.

.

Nhân vât  Huyên xuất hiện trực tiếp trong tác phẩm với  ngôi kể  thứ ba, điểm nhìn từ người kể chuyện kết hợp với những lời trần thuật trực tiếp giúp người đọc hiểu về hoàn cảnh, đánh giá khách quan về nhân vật Huyên một cô gái giàu tình cảm, có lòng trắc ẩn. Khi bà mất Huyên phải cùng mẹ lên thành phố và chia tay Bằng, cô không dấu được nối buồn khi để Bằng ở lại “Ngày chiếc xe tải lăn bánh rời đi, Bằng chân trần chạy theo gọi Huyên mãi giữa trời đông mưa phùn gió bấc. Huyên òa lên khóc…” Cũng giống như Bằng, thuở thiếu thời cô sống cùng bà ngoại, xa cha mẹ, có lẽ vì thế với Huyên, bằng không chỉ là bạn mà còn là người thân. Khi đặt chân đến đồn biên phòng Sang Khương và khi nhìn thấy tấm di ảnh của Bằng và nghe đồng chí biên phòng kể lại việc bằng hi sinh “Huyên vội vã bước ra ngoài. Cô chạy đến một góc sân thật xa rồi òa lên khóc”. Xuyên suốt truyện, dù Huyên không trực tiếp chia sẻ cảm xúc của mình nhưng người đọc vẫn có thể thấy rõ tâm tư, tình cảm của cô qua lời kể của người kể chuyện. Bằng là nhân vật  không xuất hiện trực tiếp trong tác phẩm mà xuất hiện qua điểm nhìn của nhân vật Huyên và đồng chí đồn trưởng. Qua lời kể và điểm nhìn của Huyên:Bằng là một cậu bé có hoàn cảnh đáng thương, cha mẹ mất sau trận lũ, tuổi thơ đầy thiếu thốn ấy đã được cưu mang bởi bà của Huyên. Bằng luôn khao khát có được tình cảm gia đình. Bằng cũng là một người giàu tình cảm, luôn trân trọng những kỉ niệm của tuổi thơ anh đã từng viết về Huyên “như người em gái yêu thương xa cách từ thuở thiếu thời” Qua lời trần thuật trực tiếp của đồng chí đội trưởng ta còn thấy Bằng là một người sống có lí tưởng sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ, hết lòng vì nhân dân. Anh em hội ý rất nhanh rồi thống nhất phương án dùng dây chăng qua các gốc cây, sau đó cử hai đồng chí buộc dây vào mình trực tiếp bơi ra. Đồng chí Bằng cùng với một chiến sĩ nữa xung phong thực hiện nhiệm vụ”.Việc sử dụng ngôi kể thứ ba, người kể truyện toàn tri. Sự kết hợp với điểm nhìn đặt ở nhân vật Huyên và đồng chí đồn trưởng tạo cho ngừời đọc những  cảm nhận chân thực về nhân vật Bằng với nhiều phẩm chất tốt đẹp, thể hiện cái nhìn khách quan về nhân vật. Điều đó cũng giúp những nhân vật khác thể hiện tình cảm tự nhiên, chân thật của mình dành cho nhân vật Bằng.

Người kể chuyện trong tác phẩm có khi giữa một khoảng cách nhất định với nhân vật “Huyên cố giữ tâm trí mình bình lặng lại sau khi bị xáo động dữ dội bởi cuộc hội ngộ bất ngờ với Bằng. Biết bao nhiêu năm dằng dặc cách biệt, không ngờ có ngày Huyên gặp lại anh ở nơi tận cùng hoang vắng này”. Trong phân đoạn này, người kể chuyện đóng vai trò là người chứng kiến toàn bộ câu chuyện, vì vậy, người kể chuyện hiểu hết được những tâm tư, tình cảm của nhân vật. Nhưng cũng có khi người kể chuyện  hòa chuyển vào nhân vật để kể lại câu chuyện, đó là khi Khi Huyên nhớ về khoảng thời gian sống cùng Bằng và khi đồng chí đồn trưởng kể về sự hi sinh của Bằng. Có thể nói người kể chuyện đã nói được tiếng lòng của nhà văn Trần Thị Tú Ngọc “những vẻ đẹp nằm ở mọi nơi mọi chốn trong đời sống này vẫn chờ đợi chúng ta bước tới và mở ra. Thế nhưng có những người đi mãi mà không tìm thấy. Không ít người đã kêu lên rằng những điều đẹp đẽ đã rời bỏ con người. Nhưng không, tất cả vẫn ở đây, ngay bên bạn. Bạn chỉ cần bước tới với một trái tim yêu thương chân thành, bạn sẽ nhận ra và những vẻ đẹp ấy tthuộc quyền sở hữu của bạn.” – Nguyễn Quang Thiều.

Đọc “Mưa qua cảnh rừng “của Trần Thị Tú Ngọc ta không chỉ cảm phục trước tình bạn đẹp đẽ thưở thiếu thời, sự hi sinh anh dũng của người chiến sĩ biên phòng mà ta còn trân trọng những nét đặc sắc về mặt nghệ thuật: Cách thức tổ chức mạch truyện, điểm nhìn, ngôi kể và lời trần thuật. Đây có lẽ chính là nét vẽ đẹp nhất mà Trần Thị Tú Ngọc  đã tạo nên trong sự nghiệp sáng tác của mình, Bởi vậy, dù thười gian có trôi đi truyện ngắn Mưa qua những cánh rừng vẫn được bạn đọc đón nhận với một niềm say mê và trân trọng. Qua truyện ngắn này, ta cũng cần sống có lí tưởng hoài bão, luôn hết mình vì công việc, trân trọng tình bạn và những kỉ niệm trong cuộc sống.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *