BỘ KẾT NỐI
ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:
MUA NHÀ (Nam Cao)
(Tóm lược phần đầu truyện: Nhân vật tôi tâm sự với anh Kim- một người bạn, về nỗi bực tức, hối hận, ê chề của mình sau khi mời các bạn đến chơi nhà. Đó là một cái lều ẩm thấp, tối tăm, bẩn thỉu. Trong nhà, con bé lớn ốm, nằm trên cái võng nhuộm nâu, căng từ đầu nọ đến đầu kia, chắn cả lối đi, dưới chân nó là vũng bùn to tướng được tạo ra từ bãi nôn của nó quện với nền đất. Thu xếp mãi, ngôi nhà cũng chỉ đủ chỗ cho cho bốn người ngồi trên giường và hai người còn lại phải “đứng cho mát”, vợ anh ta phải bế đứa con út sang nằm nhờ nhà hàng xóm. Anh không khỏi hổ thẹn khi so sánh với những lần đến thăm nhà của các bạn, những ngôi nhà rộng rãi và tiện nghi. Nhân vật tôi biết mình còn khổ nữa vì không đủ tiền làm nhà. Một tai nạn xảy ra, đó là cơn bão tháng chín bất ngờ ập tới khiến ngôi nhà bằng tre ọp ẹp ụp xuống như một người già khuỵu gối không thể đứng lên được nữa, vườn cau và mía sắp thu hoạch cũng bị mưa bão tàn phá. Đúng lúc ấy thì một người thua bạc mời anh mua ngôi nhà gỗ của ông ta với giá ba trăm bạc. Đó là một cái giá rất hời. Người bán nhà là người nhiều công nợ, lại góa vợ, một mình nuôi hai con nhỏ và mới thua xóc đĩa đến hai trăm bạc. Bị chủ nợ đòi rát quá, anh ta đành phải bán nhà để trả nợ và lấy vốn chơi hòng gỡ gạc. Nhân vật tôi không muốn lợi dụng lúc người kia lâm cảnh khốn cùng để mưu lợi cho mình nên khuyên nhủ người kia. Nhưng người kia đã quyết tâm bán nhà, nếu anh không mua, họ cũng bán cho người khác. Đang cần nhà, nhân vật tôi đã huy động hết số tiền anh có và vay lãi để mua.)
[…]Chưa có thợ. Sau ngày bão, thợ làm nhà bận lắm. Cái nhà ba bốn hôm sau vẫn chưa dỡ được. Một người bà con với tôi, một buổi tối đến nhà ông nhạc tôi mà bảo tôi:
– Anh nên liệu dỡ phắt về. Ba trăm bạc của anh, nó nướng hết cả rồi. Vừa ở nhà ra chúng nó biết nó có một số tiền to, chúng nó đã thịt cu cậu hơn trăm bạc. Cu cậu còn nhiều nợ lắm. Vườn cũng cố mất rồi. Nếu anh không dỡ nhà ngay, nó thua quá, đi đâu mất sợ lôi thôi cho mình.
Có thể. Nếu tôi chậm dỡ, sợ người khác hớt tay trên. Đã đành rằng mình mua bán có làm văn tự. Nhưng tiền tôi đã cạn. Không lẽ lúc ấy còn kiện nhau. Vậy tôi phải cố thuê cho được thợ. Chỉ ngày mai là dỡ luôn.
Ngày hôm sau. Chúng tôi đến nhà hắn thì thấy hắn đang nằm thườn trên một cái giường tre, chiếu rách và bẩn thỉu. Đứa bé ngồi ngay dưới đất ôm lấy cái chân giường, rên. Nó đau bụng từ sáng sớm. Đứa con lớn vừa cạu nhạu vừa đấm lưng em thùm thụp. Tôi chào hắn. Hắn khẽ hé môi đáp lại chúng tôi nhìn nhau ngượng nghịu như hai kẻ thù nhìn nhau. Sao lại thế? Tôi không dám nhìn lâu hai đứa con của hắn. Hình như tôi thẹn với lòng tôi thế nào….
Tôi nhìn xuống đất mà bảo hắn:
– Bác làm ơn cho tôi dọn đồ đạc để cho người ta dỡ….
Hắn cười chua chát:
– Đồ đạc thì có gì mà dọn? Chỉ có một cái giường này. Cứ quăng bố nó ra ngoài kia cho tôi, rồi dỡ đi.
Hắn đứng dậy mà bảo con:
– Chúng mày cũng đứng lên. Sang nhà bác Vi nằm nhờ.
Con chị phải quát, gắt gỏng với em một lúc, hai đứa mới lếch thếch cõng được nhau sang nhà bác Vi. Vẫn một đứa lạu bà lạu bạu, một đứa oằn oại rên la. Thợ trèo lên mái, dỡ gianh quăng xuống. Tôi ngồi ở sân, trông họ…
Một lúc sau, chẳng biết đã gửi em cho ai được, đứa con gái lân la gần tôi, xem dỡ nhà. Tôi có dịp trông gần nó. Nó gầy ốm quá. Cổ tay, cổ chân chỉ con con. Mặt chau chau. Quần áo rách lượt thượt. Răng của nó cứ nhe ra một cách thương hại lắm. Tự nhiên tôi ngán ngẩm. Tôi thở dài một tiếng. Rồi tôi buột mồm hỏi nó:
– Từ sáng tới giờ, em đã có gì ăn chưa?
Nó không đáp, chỉ lắc đầu uể oải. Hình như nó đang bận nghĩ ngợi điều gì. Mắt nó nheo lại. Cái mặt nó cứ cau cau. Có lẽ chỉ vì nắng quáng. Nhưng tôi thấy nó có vẻ thù ghét tôi lắm. Tôi nhắc thầm trong trí: ta không mua thì người khác …
Những mè, rui đã xong rồi. Người thợ mộc bắt đầu tháo gỗ. Tiếng dùi đục kêu chan chát. Những tiếng rắn chắc vang lên, lộng óc. Tôi thấy con bé bừng mắt. Nó không nhe răng ra nữa. Đôi môi nó bụm lại. Hai má nó phình ra một chút. Cứ thế, nó chẳng nói chẳng rằng, chạy bình bịch sang nhà hàng xóm. Nó định làm gì vậy? Lòng tôi thắc mắc nỗi lo không rõ rệt. Bỗng tôi nghe một tiếng trẻ con khóc nức nở và hờ:
– Mẹ ơi!…
Tim tôi động một cái giống như bước hụt. Rồi nó đập loạng choạng. Tôi hơi lảo đảo. Bây giờ thì tôi không lẩn trốn những ý nghĩ của tôi được nữa. Tôi ác quá! Tôi ác quá! Tôi phải thú với tôi nhiều rồi…
Phải, tôi ác quá, anh Kim nhỉ. Rồi đây, hối hận sẽ toả một bóng đen vào trong cái nhà mới của tôi, rộng rãi và sạch sẽ hơn cái trước. Những chiều đông lạnh lẽo, một con thạch sùng nấp trên một cái xà ngang, sẽ tặc lưỡi nhắc cho tôi biết: Tôi ác quá! Tôi ác quá!… Nhưng mà thôi anh Kim ạ! Nghĩ ngợi làm gì nữa? Ở cảnh chúng ta lúc này, hạnh phúc cũng chỉ là một cái chăn hẹp. Người này co thì người kia bị hở. Đâu phải tôi muốn tệ? Nhưng biết làm sao được? Ai bảo đời cứ khắt khe vậy? Ai bảo đời cứ khắt khe vậy?
(Tiểu thuyết thứ Bảy, số 445, ngày 13-8-1943)
Đề 1: Trắc nghiệm + Tự luận
Lựa chọn đáp án đúng ( Mỗi câu 0.5 điểm): Điểm nhìn, ngôi kể… bám sát nội dung tri thức bài 1
Câu 1: Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên ?
- Tự sự C. Miêu tả
- Nghị luận D. Biểu cảm
Câu 2. Xác định ngôi kể trong đoạn trích ?
- Ngôi thứ ba B. Ngôi thứ hai
- Ngôi thứ nhất D. Ngôi thứ nhất và thứ ba
Câu 3. Khi đến tháo dỡ ngôi nhà đã mua, nhân vật tôi đã chứng kiến cảnh tượng nhà gia chủ như thế nào?
- Chủ nhà nằm thườn trên một cái giường tre, chiếu rách và bẩn thỉu… B. Đứa bé ngồi ngay dưới đất ôm lấy cái chân giường, rên vì đau bụng.
- Đứa lớn vừa cạu nhạu vừa đấm lưng em thùm thụp.
- Cả 3 đáp án trên.
Câu 4. Truyện ngắn “Mua nhà” của Nam Cao viết về đề tài gì?
- Đề tài về người trí thức tiểu tư sản.
- Đề tài về người trí thức tư sản.
- Đề tài về người nông dân
- Đề tài về người nông dân và nông thôn.
Câu 5: Đâu là triết lí mà nhà văn gửi gắm ở cuối truyện?
- Tôi ác quá! Tôi ác quá! Tôi phải thú với tôi nhiều rồi…
- Ai bảo đời cứ khắt khe vậy?
- Ai bảo đời cứ khắt khe vậy?
- Ở cảnh chúng ta lúc này, hạnh phúc cũng chỉ là một cái chăn hẹp. Người này co thì người kia bị hở.
Câu 6: Hình thức của truyện ngắn có gì đặc biệt?
- Anh Kim viết thư tâm sự với nhân vật tôi về ngôi nhà của mình.
- Lời tâm sự của người bán nhà với nhân vật tôi về gia cảnh của mình.
- Truyện được viết dưới dạng lời tâm sự của nhân vật tôi với người bạn của mình là anh Kim
- Truyện ngắn là lời độc thoại nội tâm của nhân vật tôi về việc làm ác của mình với người bán nhà.
Câu 7: Xác định điểm nhìn trần thuật của truyện:
- Điểm nhìn bên ngoài.
- Điểm nhìn bên trong.
- Điểm nhìn của người kể truyện.
- Sự thay đổi, di chuyển điểm nhìn trần thuật của người kể chuyện từ bên ngoài vào bên trong.
Trả lời câu hỏi:
Câu 8 (0.5điểm): Nhân vật tôi cảm thấy thế nào sau khi nghe tiếng khóc nức nở và hờ “Mẹ ơi!…” của cháu bé?
Câu 9 (1.0 điểm): Anh/chị có đồng tình với suy nghĩ của nhân vật trong văn bản: “Ở cảnh chúng ta lúc này, hạnh phúc cũng chỉ là một cái chăn hẹp. Người này co thì người kia bị hở.”
Câu 10 (1.0 điểm): Anh/chị suy nghĩ gì về những điều làm nên niềm hạnh phúc thực sự trong cuộc sống. (thể hiện bằng đoạn văn khoảng 5- 7 dòng)
Đề 2: Tự luận
Câu 1 (0,5 điểm): Xác định đề tài của văn bản.
Câu 2 (0,5 điểm): Xác định ngôi kể của người kể chuyện.
Câu 3 (0,5 điểm): Văn bản “Mua nhà” sử dụng những điểm nhìn trần thuật nào?
Câu 4 (1,0 điểm): Nêu chủ đề của văn bản.
Câu 5 (1,0 điểm): Chi tiết “Tim tôi động một cái giống như bước hụt. Rồi nó đập loạng choạng. Tôi hơi lảo đảo” sau khi nghe tiếng khóc nức nở và hờ “Mẹ ơi!…” của cháu bé gợi cho em suy nghĩ gì về nhân vật tôi ?
Câu 6 (1,0 điểm): Văn bản diễn tả cảm xúc, tâm trạng nào của nhân vật tôi?
Câu 7 (1,0 điểm): Anh/chị có đồng tình với suy nghĩ của nhân vật trong văn bản: “Ở cảnh chúng ta lúc này, hạnh phúc cũng chỉ là một cái chăn hẹp. Người này co thì người kia bị hở.”
Câu 8 (0,5 điểm): Anh/chị suy nghĩ gì về những điều làm nên niềm hạnh phúc thực sự trong cuộc sống. (thể hiện bằng đoạn văn khoảng 5- 7 dòng)
- LÀM VĂN (4,0 điểm)
Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật trong tác phẩm trên.
Hướng dẫn đáp án chi tiết
- ĐỌC – HIỂU
Đề 1: Trắc nghiệm + Tự luận
Trắc nghiệm:
Câu 1: A
Câu 2: C
Câu 3: D
Câu 4: A
Câu 5: D
Câu 6: C
Câu 7: D
Tự luận:
Câu 8 (0.5điểm): Nhân vật tôi cảm thấy “Tim tôi động một cái giống như bước hụt. Rồi nó đập loạng choạng. Tôi hơi lảo đảo” sau khi nghe tiếng khóc nức nở và hờ “Mẹ ơi!…” của cháu bé?
Câu 9 (1.0 điểm): Anh/chị có đồng tình với suy nghĩ của nhân vật trong văn bản: “Ở cảnh chúng ta lúc này, hạnh phúc cũng chỉ là một cái chăn hẹp. Người này co thì người kia bị hở.”
– Bày tỏ quan điểm: đồng tình/ không đồng tình.
– Lí giải:
+ Nếu đồng tình: Trong cuộc sống còn nhiều bộn bề, khó khăn, con người phải luôn tranh đấu, giành giật để mưu cầu cho mình một cuộc sống tốt hơn. Do đó, hạnh phúc của người này đôi khi lại là nỗi bất hạnh của người khác.
+ Nếu không đồng tình: Con người chỉ hạnh phúc thực sự khi những người xung quanh mình cũng hạnh phúc. Những người có lương tâm sẽ không thể vui trên nỗi đau khổ của người khác. Vì thế, mỗi chúng ta phải biết quan tâm, sẻ chia và không ngừng vươn lên trong cuộc sống để lan tỏa niềm hạnh phúc tới mọi người.
Câu 10 (1.0 điểm): Anh/chị suy nghĩ gì về những điều làm nên niềm hạnh phúc thực sự trong cuộc sống. (thể hiện bằng đoạn văn khoảng 5- 7 dòng)
– Giải thích: niềm hạnh phúc thực sự là niềm vui, sự thỏa mãn được cảm nhận từ chính mình và những người xung quanh.
– Những điều làm nên niềm hạnh phúc thực sự: sống chân thành; yêu thương, giúp đỡ những người xung quanh; không ích kỉ, vụ lợi; nỗ lực vươn lên và khao khát cống hiến hết mình; cùng chung tay đấu tranh với cái xấu để cuộc sống tốt đẹp hơn…
Đề 2: Tự luận
Câu 1 (0,5 điểm): Trong văn bản “Mua nhà”, Nam Cao viết về đề tài về người trí thức tiểu tư sản.
Câu 2 (0,5 điểm): Người kể chuyện ở ngôi thứ nhất, xưng “tôi”.
Câu 3 (0,5 điểm): Văn bản “Mua nhà” sử dụng những điểm nhìn trần thuật: Điểm nhìn của người kể; điểm nhìn bên ngoài, bên trong.
Câu 4 (1,0 điểm): Chủ đề của văn bản: Cuộc đấu tranh nội tâm của nhân vật tôi để hướng tới lẽ sống cao đẹp.
Câu 5 (1,0 điểm): Chi tiết “Tim tôi động một cái giống như bước hụt. Rồi nó đập loạng choạng. Tôi hơi lảo đảo” sau khi nghe tiếng khóc nức nở và hờ “Mẹ ơi!…” của cháu bé gợi cho em suy nghĩ về nhân vật tôi:
+ Là người nhạy cảm, dễ xúc động, đồng cảm, giàu tình thương với những thân phận khốn khổ.
+ Luôn đấu tranh với sự nhỏ nhen, ích kỉ của bản thân để vươn lên lẽ sống cao đẹp.
Câu 6 (1,0 điểm): Văn bản diễn tả cảm xúc, tâm trạng của nhân vật tôi: dằn vặt, day dứt, đau khổ khi mua nhà của người nợ bạc, dẫn đến cảnh bơ vơ, tội nghiệp của những đứa trẻ.
Câu 7 (1,0 điểm): Anh/chị có đồng tình với suy nghĩ của nhân vật trong văn bản: “Ở cảnh chúng ta lúc này, hạnh phúc cũng chỉ là một cái chăn hẹp. Người này co thì người kia bị hở.”
– Bày tỏ quan điểm: đồng tình/ không đồng tình.
– Lí giải:
+ Nếu đồng tình: Trong cuộc sống còn nhiều bộn bề, khó khăn, con người phải luôn tranh đấu, giành giật để mưu cầu cho mình một cuộc sống tốt hơn. Do đó, hạnh phúc của người này đôi khi lại là nỗi bất hạnh của người khác.
+ Nếu không đồng tình: Con người chỉ hạnh phúc thực sự khi những người xung quanh mình cũng hạnh phúc. Những người có lương tâm sẽ không thể vui trên nỗi đau khổ của người khác. Vì thế, mỗi chúng ta phải biết quan tâm, sẻ chia và không ngừng vươn lên trong cuộc sống để lan tỏa niềm hạnh phúc tới mọi người.
Câu 8 (0,5 điểm): Anh/chị suy nghĩ gì về những điều làm nên niềm hạnh phúc thực sự trong cuộc sống. (thể hiện bằng đoạn văn khoảng 5- 7 dòng)
– Giải thích: niềm hạnh phúc thực sự là niềm vui, sự thỏa mãn được cảm nhận từ chính mình và những người xung quanh.
– Những điều làm nên niềm hạnh phúc thực sự: sống chân thành; yêu thương, giúp đỡ những người xung quanh; không ích kỉ, vụ lợi; nỗ lực vươn lên và khao khát cống hiến hết mình; cùng chung tay đấu tranh với cái xấu để cuộc sống tốt đẹp hơn…
- LÀM VĂN (Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây, yêu cầu hướng dẫn chi tiết)
- Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn về tác phẩm và phương diện nghệ thuật của tác phẩm mà bài viết sẽ tập trung làm rõ.
– Nam Cao là nhà văn hiện thực xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Tác phẩm của ông có giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc. Truyện ngắn “Mua nhà” đăng trên Tiểu thuyết thứ Bảy, số 445, ngày 13-8-1943 là một tác phẩm xuất sắc của ông viết về đề tài người trí thức tiểu tư sản.
– Tác phẩm phản ánh về những góc khuất đầy nghiệt ngã của xã hội, lột tả một cách sâu sắc tâm trạng của con người khi bị cái đói, cái nghèo, cái khổ dồn vào đến bước đường cùng. Nhưng có lẽ chính cái cách mà tác giả lựa chọn ngôi kể và điềm nhìn trần thuật đã trở thành điểm sáng của tác phẩm, giúp người đọc nhìn nhận rõ hơn về những giá trị tư tưởng, những thông điệp mà Nam Cao muốn gửi gắm.
Thân bài:
* Mô tả và đánh giá cách nhà văn kiến tạo truyện (câu chuyện, cách tổ chức mạch truyện)
– “Mua nhà” được viết dưới dạng bức thư của nhân vật tôi gửi cho anh Kim- một người bạn để giãi bày tâm sự của mình về sự áy náy khi mời các bạn đến chơi thăm căn nhà tồi tàn của mình và chuyện anh đã mua nhà mới của một con nợ bạc với giá 300 đồng. Chuyện chả có gì đáng nói nhưng biệt tài của Nam Cao chính là ở chỗ, từ những câu chuyện nhỏ bé, vụn vặt, ông đã đặt ra những vấn đề có ý nghĩa xã hội lớn lao.
– Mạch kể của truyện được tổ chức theo trình tự thời gian.
* Chỉ ra đặc điểm của người kể chuyện trong truyện ngắn (ngôi kể, điểm nhìn)
– Truyện được kể theo ngôi thứ nhất, người kể chuyện là nhân vật tôi- một người trí thức nghèo.
– Điểm nhìn trần thuật của truyện kể có sự kết hợp giữa điểm nhìn bên ngoài và điểm nhìn bên trong của người kể chuyện, đồng thời cũng là nhân vật.
* Phân tích vai trò của ngôi kể, điểm nhìn và lời trần thuật trong việc khắc họa nhân vật
– Việc lựa chọn ngôi kể như vậy giúp người đọc cảm thấy câu chuyện thật gần gũi, chân thực.
– Điểm nhìn bên ngoài của người kể chuyện thể hiện qua những lời quan sát, miêu tả về ngôi nhà, cảnh sống của mình và thái độ của các bạn khi chứng kiến cảnh đó. Điều đó cho thấy, nhân vật tôi là người nhạy cảm, tinh tế, ý thức rõ về hoàn cảnh của mình. Còn điểm nhìn bên trong giúp ta thấy được những xung đột tâm lí của nhân vật. Đó là tâm trạng đau đớn, xót xa cho tình cảnh của bản thân và tình cảnh của người bán nhà. Điều đó giúp ta thấy được nhân vật tôi là người giàu tình yêu thương, luôn cảm thông, thấu hiểu nỗi đau khổ của những người xung quanh.
* Đánh giá hiệu quả của nó (Chỉ ra mối liên hệ giữa người kể chuyện trong tác phẩm và nhà văn)
– Người kể chuyện xưng tôi khiến người đọc có cảm giác như đó là sự hiện thân của chính tác giả. Nam Cao đã từng trải qua nhiều nghề khác nhau, nếm trải cảnh sống cơ cực của người trí thức nghèo nên ông hiểu cảnh ngộ của nhân vật tôi. Nhà văn hiểu thấu tâm lí của nhân vật và diễn tả thật cụ thể, chân thực qua ngòi bút sắc sảo của mình. Ông gửi gắm vào đó triết lí về hạnh phúc. Triết lí đó bề ngoài có vẻ lạnh lùng, chua chát nhưng chứa đựng bên trong sự thấu hiểu lẽ đời của một nhà văn giàu lòng nhân đạo. Đằng sau giọng kể buồn thương, chua chát, ta có thể cảm nhận nỗi trăn trở của nhà văn về những vấn đề của nhân sinh.
- Kết bài: Khẳng định giá trị nghệ thuật của tác phẩm truyện
– Bằng nghệ thuật tự sự độc đáo, “Mua nhà” tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Nam Cao: luôn đi sâu phản ánh tấn bi kịch tinh thần trong thế giới nội tâm của nhân vật để từ đó phát hiện và đề cao bản chất tốt đẹp của con người. Truyện có giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc.
– Truyện còn gửi gắm đến người đọc triết lí sâu sắc về hạnh phúc, gợi cho người đọc những suy nghĩ về điều làm nên hạnh phúc thực sự của con người.
Bài viết tham khảo:
Đối với những con người đam mê văn chương, yêu cái đẹp của nền văn học Việt Nam thời kì trước Cách mạng hẳn cũng không còn xa lạ với bút danh Nam Cao. Là một nhà văn với quan điểm sáng tác: “Chao ôi! Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật phải là tiếng đau khổ kia thoát ra từ kiếp lầm than”, chính vì lẽ đó nên ngòi bút của ông luôn hướng về những mảng tối của hiện thực, những mảnh đời cơ cực và khốn khổ trong xã hội cũ. Nhắc đến Nam Cao người ta sẽ nghĩ ngay đến các tác phẩm nổi bật như “Chí Phèo”, “Lão Hạc” hay “Đời thừa” … nhưng dường như lại không có mấy người nhớ đến truyện ngắn “Mua nhà” – một “đứa con tinh thần” cũng là một dấu ấn đặc biệt mang đậm cái phong cách của Nam Cao.
Truyện ngắn “Mua nhà” cũng là một trong số các tác phẩm tiêu biểu của Nam Cao viết về mảng đề tài người trí thức tiểu tư sản, được xuất bản vào ngày 13/8/1943, số 445 của “Tiểu thuyết thứ Bảy”. Giống như những áng văn khác của Nam Cao trước năm 1945, truyện ngắn “Mua nhà” cũng phản ánh về những góc khuất đầy nghiệt ngã của xã hội, lột tả một cách sâu sắc tâm trạng của con người khi bị cái đói, cái nghèo, cái khổ dồn vào đến bước đường cùng. Nhưng có lẽ chính cái cách mà tác giả lựa chọn ngôi kể và điềm nhìn trần thuật đã trở thành điểm sáng của tác phẩm, giúp người đọc nhìn nhận rõ hơn về những giá trị tư tưởng, những thông điệp mà Nam Cao muốn gửi gắm.
“Những chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn.”, cái hay của tác giả Nam Cao có lẽ là vì ông luôn biết cách biến những điều đơn giản trở nên ấn tượng. Trong truyện ngắn “Mua nhà”, bối cảnh được mở ra bằng cách giới thiệu về cuộc sống, gia cảnh của nhân vật “Tôi” nhưng theo một cách đặc biệt:
“Anh Kim.
Buổi tối hôm ấy, sau khi đưa các anh ra thuyền trở về Nam, tôi bực tức vô cùng. Tôi bực tức với tôi. Tôi đay nghiến tôi trong một phút cao hứng quá, đã mời các anh về nhà.”
Bằng việc sử dụng góc nhìn và mạch suy nghĩ của nhân vật chính, Nam Cao đã khiến cho toàn bộ của câu chuyện giống như một bức thư tay mà “tôi” viết cho “anh Kim”, rồi mới qua đó gián tiếp tiết lộ cho người đọc về hoàn cảnh nghèo khó, bần cùng của nhân vật “tôi”. Không chỉ vậy, ngay từ những đoạn đầu tiên, nhà văn đã cài cắm trong đó một chi tiết nhỏ nhưng lại mang đầy dụng ý: sự khác biệt giữa căn nhà của “tôi” và căn nhà của mấy người bạn. Chi tiết cho thấy sự đối lập sâu sắc giữa giàu và nghèo này dường như là cái cách để tác giả ngầm gợi mở cho các tình huống truyện ở phía sau.
Qua những lời bộc bạch của nhân vật chính, ta không khó để nhận ra từ lâu trong lòng anh vẫn luôn đè nén một nỗi day dứt và mặc cảm về cái nơi ở chỉ có một “túp lều” lụp xụp, chật chội và ẩm mốc, khác xa với những gian nhà thoải mái và đầy đủ của chúng bạn.
“Vậy mà tôi cứ hậm hực mãi với tôi vì cái lẽ đã để mấy người bạn trông thấy cái cảnh bần bách của tôi như thế, chẳng hoá ra tôi là người nhỏ nhen?”
Là một bậc thầy trong nghệ thuật miêu tả tâm lý, sự chuyển biến nội tâm của “tôi” đã được nhà văn Nam Cao khắc họa một cách chân thực và tinh tế, dẫn dắt người đọc hòa mình theo dòng cảm xúc của nhân vật: từ sự bực tức, tự ái vì để bạn bè chứng kiến cảnh khốn khó của bản thân; đến niềm chua xót, xấu hổ khi nhận được những hành động, lời an ủi ngượng ngùng: “Cái nhà này còn tốt đấy chứ… Nhà có bốn, năm người ở thế này rộng chán!”. Và cuối cùng là sự trằn trọc, dằn vặt về cái cuộc sống túng thiếu, bần cùng: “Suốt đêm ấy tôi đã thức để mà hành tội tôi…”. Đây dường như không chỉ là cảm xúc của một mình nhân vật trong truyện, mà nó còn biểu hiện cho cả tầng lớp người giống như “tôi” thời bấy giờ: ám ảnh, day dứt những cũng bất lực trước cái đói cái nghèo. Rốt cuộc là phải đồng cảm và thấu hiểu đến mức nào thì Nam Cao mới viết ra được một nhân vật với suy nghĩ sống động và gần gũi đến vậy… Chính sự hổ thẹn về bản thân đã nung nấu trong “tôi” mong muốn có được một căn nhà mới, dồn anh đến con đường phải liều mạng kiếm tiền: “Tôi làm việc ghê gớm lắm. Tôi giết dần tôi đi để kiếm tiền.”. Nhưng tạo hoá luôn thích trêu ngươi, sau trận bão hồi tháng chín, mọi nỗ lực của anh chỉ đổi lại được hai bàn tay trắng, cái chỗ nương náu cuối cùng cũng bị cơn bão quật ngã. Tình huống này diễn ra rất đột ngột nhưng dường như lại là một “mắt xích” kết nối vô cùng quan trọng trong mạch truyện. Nó liên kết với chi tiết đối lập ở đầu đoạn, trở thành “chất xúc tác” thúc đẩy cho những quyết định khó khăn phía sau của nhân vật “tôi”.
“Mua nhà” là một truyện ngắn ít hành động, không có quá nhiều chi tiết kịch tính, dồn dập, thay vào đó tác giả lại tập trung khắc họa vào sự biến đổi, dằng xé trong nội tâm nhân vật chính, từ đó đưa ra những bài học về giá trị hiện thực và nhân văn. Ta có thể thấy rõ được điều này thông qua việc người kể chuyện lựa chọn ngôi kể thứ nhất, gắn liền với ý thức của nhân vật và kết hợp với điểm nhìn bên trong. Hình thức trần thuật hướng nội này phù hợp với việc xây dựng nhân vật như là một con người có đời sống tư tưởng.
Nhân vật “tôi” trong truyện ngắn “Mua nhà” được nhà văn Nam Cao miêu tả trước hết là một con người giàu lòng tự trọng. Anh bực tức và cũng tự trách vì bản thân trong một phút cao hứng đã “trót” mời bạn bè đến thăm nhà, để họ nhìn thấy mặt khốn khó nhất của mình. Anh không muốn họ mến nhau, đối xử tốt với nhau chỉ vì sự cảm thông cho “người bạn khổ”: “Anh tốt lắm (…) Lòng trắc ẩn đối với một người bạn khổ đã giúp anh có những cử chỉ rất tự nhiên.”. Có lẽ chính bởi nỗi mặc cảm xuất phát từ thân phận, hoàn cảnh đã biến anh thành một con người hay lo nghĩ. Anh bận tâm đến cái nhìn của mấy người bạn về mình, trăn trở về cuộc sống cơm áo gạo tiền và day dứt về việc xây dựng một căn nhà mới rộng rãi, sạch sẽ hơn. Nếu như ở đầu tác phẩm, sự chuyển biến trong tính cách của “tôi” vẫn chưa được rõ ràng, thì sau biến cố đột ngột khiến anh trắng tay đã làm anh thay đổi thành một con người khác. Từ một người chỉ dám băn khoăn về số tiền khổng lồ cần để trang trải cho căn nhà mới, không dám đi vay nợ lãi, sau khi bị dồn vào tình thế bí bách, anh đã quyết định làm liều: “Không vay không được, thì vay cũng không ân hận. Rồi tôi cố làm việc hơn trước nữa. Tôi sẽ giết tôi nhanh hơn trước nữa. Trước sau thì cũng chết. Ai cũng chết. Mà ai cũng chỉ chết một lần mà thôi. Sống sẻn so làm gì?”. Đáng giận làm sao, chỉ vì cái thời thế bất công đã dần dần dồn ép con người ta đến bước đường cùng, khiến họ ngày một biến chất, đẩy họ vào những tình huống tiến thoái lưỡng nan chỉ có thể lựa chọn đánh đổi giữa bản thân hoặc người khác. Khi nhân vật “tôi” được một kẻ nhiều công nợ ngỏ lời muốn bán cho mình căn nhà gỗ với giá rất hời, anh đã phân vân. Anh biết mục đích tại sao hắn gấp gáp muốn nhượng lại nhà, cũng can ngăn, nhưng sau cùng nỗi cắn rứt trong lương tâm của anh vẫn không thắng được suy nghĩ ích kỉ và mong muốn cái lợi cho bản thân: “ (…) hắn đã muốn chết thì cho hắn chết. Tôi có quyền gì mà cấm hắn? Hắn không bán cho tôi thì bán cho người khác. Tôi để lỡ một dịp tốt là tôi ngu.”. Bằng việc sử dụng ngôi kể thứ nhất kết hợp với điểm nhìn trần thuật từ bên trong, tác giả Nam Cao đã thành công đẩy sự xung đột trong nội tâm nhân vật lên đến đỉnh điểm. Anh đồng cảm cho kẻ nợ nần, cũng xót xa cho số phận của hai đứa trẻ với tuổi thơ cơ cực: mẹ mất sớm, người cha ham mê bài bạc, đến cả tài sản duy nhất là gian nhà gỗ cũng bị đem bán lấy tiền “nướng” cho mấy trò đỏ đen. Nhưng trong cái hoàn cảnh như vậy, có mấy ai lựa chọn suy nghĩ cho người khác, anh thương họ lại càng thương chính gia đình mình hơn vì vậy anh phải trở thành một gã “độc ác, tồi tệ”: “Bây giờ thì tôi không lẩn trốn những ý nghĩ của tôi được nữa. Tôi ác quá! Tôi ác quá! Tôi phải thú với tôi nhiều rồi…”. Qua việc lựa chọn phong cách kể chuyện phù hợp, Nam Cao đã “đắp nặn” lên một nhân vật “tôi” vô cùng chân thực, sống động, có chiều sâu tâm lý, tiêu biểu cho những phẩm chất tốt đẹp của người nông dân nghèo trong xã hội cũ nhưng lại bị hoàn cảnh cơ cực vùi lấp.
Ngoài nhân vật “tôi”, trong truyện ngắn “Mua nhà” còn xuất hiện những nhân vật phụ nhưng lại đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc mở ra các tình huống truyện và bày tỏ những giá trị hiện thực, nhân đạo. Trước tiên, ta không thể không nhắc đến người đã bán nhà cho “tôi” – sự hiện thân của những gam màu u tối trong xã hội nước ta thời bấy giờ. Hắn là một kẻ góa vợ, một mình nuôi hai đứa con thơ nhưng thay vì tu chí làm ăn nuôi gia đình, hắn lại dốc hết vốn liếng vào cơn bạc và đổi lại cái kết cục nợ nần chồng chất, vườn tược, nhà cửa đều mất sạch. Không chỉ đóng vai trò như một nhân vật thúc đẩy cốt truyện, hắn còn là đại diện của những con người bị cuộc sống dồn vào con đường tha hóa, bí quá làm liều, dùng chính cuộc đời của bản thân để làm một ván cược: được hết hoặc là mất tất cả. Bên cạnh đó, hình ảnh về hai đứa trẻ ở cuối tác phẩm cũng lấy đi rất nhiều nước mắt và sự chua xót của độc giả. Chúng ngây ngô oán hận “tôi” – người mà chúng cho rằng đã cướp đi mái ấm của gia đình mình nhưng tất cả những gì chúng làm chỉ có thể là bật khóc nức nở và uất ức. Giống như những mảnh đời nhỏ bé đương thời, chúng không có quyền lên tiếng, chỉ có thể chịu đựng sự đàn áp và bất công của số phận.
Ngoài ra, truyện ngắn “Mua nhà” còn là một câu chuyện đẹp về tình bạn, tình người. Trái ngược hoàn toàn với “tôi”, nhân vật “anh Kim” là đại diện cho tầng lớp khá giả thời bấy giờ. Nếu như những định kiến xưa cũ là rào cản ngăn cách, phân biệt giữa giàu – nghèo thì tình bạn giữa anh Kim và “tôi” lại là một thứ tình cảm thiêng liêng vượt qua rào cản đó. Họ đến với nhau không phải vì “một bộ quần áo may khéo, một đôi giày đúng kiểu, một cái xe hơi tốt máy”, họ mến nhau vì sự đồng điệu trong tâm hồn, sự thấu hiểu và cảm thông cho hoàn cảnh, số phận của đối phương.
“Mua nhà” là một áng văn giàu giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo. Nó đã tái hiện lại bức tranh u ám của đất nước ta vào những năm trước Cách mạng tháng Tám, tiền bạc không chỉ hành hạ con người về vật chất mà còn dằn vặt đến tinh thần. Kết thúc tác phẩm, Nam Cao đã để lại cho người đọc một thông điệp đáng để suy ngẫm, để trân trọng: “Ở cảnh chúng ta lúc này, hạnh phúc cũng chỉ là một cái chăn hẹp. Người này co thì người kia bị hở. Đâu phải tôi muốn tệ? Nhưng biết làm sao được? Ai bảo đời cứ khắt khe vậy? Giá người ta vẫn có thể nghĩ đến mình mà chẳng thiệt gì đến ai!…”, liệu trong cuộc sống, có mấy ai dám vì người khác mà đánh đổi, hy sinh chính hạnh phúc của bản thân …