Đề đọc hiểu và nghị luận về truyện Lang Rận của Nam Cao

ĐỀ 1:

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

(Lược một đoạn: Ông Cựu đưa thầy lang về chữa bệnh, bà Cựu có cái nhìn đầy dè bỉu, coi thường, bà nhất định không uống thuốc của lang. Cái tên Lang Rận là do bà Cựu và cô Đính đặt)

Anh chàng có cái mặt trông dơ dáng thật. Mặt gì mà nặng chình chĩnh như mặt người phù, da như da con tằm bủng, lại lấm tấm đầy những tàn nhang. Cái trán ngắn ngủn, ngắn ngùn, lại gồ lên. Đôi mắt thì híp lại như mắt lợn sề. Môi rất nở cong lên, bịt gần hai cái lỗ mũi con con, khiến anh ta thở khò khè. Nhưng cũng chưa tệ bằng cái lúc anh cười. Bởi vì lúc anh cười thì cái trán chau chau, đôi mắt đã híp lại híp thêm, hai mí gần như dính tịt lại với nhau, môi càng lớn thêm lên, mà tiếng cười, toàn bằng hơi thở, thoát ra khìn khịt. Trời đất ơi! Cái mặt ấy, dẫu cho mỗi ngày rửa ba lượt xà phòng, bà cựu trông thấy vẫn còn buồn mửa. Huống chi anh chàng lại bẩn gớm, bẩn ghê. Có lẽ mỗi buổi sáng ra cầu ao, anh ta chỉ nhúng mấy ngón tay, rửa độc một tí đầu mũi mà thôi. Mặt anh mốc meo lên. Còn quần áo thì gố ghỉnh, thì đầy dỉ, đứng cách ba thước còn ngửi thấy mùi chua, mà rách rưới, mà mất cúc, mà sứt chỉ, mà lôi thôi lếch thếch. Không hiểu anh ta chỉ có một bộ quần áo hay sao mà từ ngày đến nhà bà đến giờ vẫn chưa thay. Hèn chi mà rận lắm hơn giòi. Chúng bò lổm ngổm ở trên cổ, ở hai vai, ở dưới lưng. Chúng bò lổm ngổm xuống cả cái giường mà anh nằm. Anh ngồi chỗ nào, lúc đứng lên, thế nào cũng có vài chú rận kềnh nằm ngửa, múa máy những cái chân nhỏ li ti, như một người bụng to ngã chổng kềnh, không biết làm thế nào để đứng lên.

(Lược một đoạn: Lang Rận có tính hay chèo bẻo, thích ngồi nghe phụ nữ nói chuyện, thỉnh thoảng chêm vào vài câuthường thuyên bị cô Đính và bà Cựu dè bỉu, đay nghiến)

Mụ Lợi là người ở nhà bà. Không một người đàn bà nào có thể xấu hơn. Mụ béo trục, béo tròn, mặt mũi như tổ ong bầu, mắt trắng, môi thâm mà đen như thằng quỷ. Ở quanh đấy, người ta vẫn lấy tên mụ ra mà dọa trẻ. Hơi trẻ nhà nào khóc, người ta lại bảo: “Nín đi! Nín đi! Mụ Lợi kia kìa!… ”. Thế mà mụ Lợi hiền lành lắm. Phải, hiền lành mà tốt nhịn, bảo sao nghe vậy, thì thế mới ở nhà bà cựu được. Nhưng hồi mới đến, mụ cũng phải cái tật nói leo. Bà cựu mắng như băm, như bổ vào mặt cho, không còn biết mấy mươi lần. Bây giờ thì mụ chừa rồi. Ai cười, ai nói, mặc! Suốt ngày, mụ chỉ im như thóc.

Nhưng nói, trao đổi những ý nghĩ, những nỗi lòng, có lẽ là cái tật chung của loài người. Không được nói thì khổ lắm. Từ ngày có ông lang Rận, những lúc không có ai, mụ Lợi thường lân la nói chuyện với ông.

(Lược một đoạn: Khi biết Lang Rận và mụ Lợi thường xuyên nói chuyện với nhau bị bà Cựu và cô Đính đem nó làm trò cười)

Nhưng cũng lắm lúc mụ lại cứ muốn mãi mãi thế này, một mình làm, một mình ăn, chẳng chồng con gì nữa: đời bạc lắm…

Nhưng có người không bạc, thầy lang ta nghĩ thế. Và thầy nghĩ đến những người vợ thầy: rất bạc. Tại sao những người đàn ông tốt lại cứ hay gặp phải những người đàn bà bạc, còn những người đàn bà không bạc thì lại gặp phải những người đàn ông bạc? Thầy lang Rận bùi ngùi thương thân mình và thương cho người đàn bà phận hẩm. Họ than thở với nhau và phàn nàn cho nhau…

(Lược một đoạn: Bà Cựu và cô Đính thấy Lang Rận vào phòng mụ Lợi liền khoá cửa ngoài, đợi sáng mai ông Cựu về sẽ đi bắt gian và định  làm bẽ mặt hai người)

Mụ ngơ ngác nhìn quanh. Và khi trông thấy tình nhân, mụ rú lên. Mụ vật vã người, khóc rống như một con chó chưa quen xích. Tội nghiệp cho con người quá ù lì! Sau khi cãi nhau rồi, mụ lăn ra ngủ thật say. Mụ có ngờ đâu trong lúc ấy thì tình nhân ngồi nghĩ ngợi xa gần. Y thẹn. Y buồn. Y giận đời. Y giận trời. Y giận thân. Y tím ruột, tím gan. Y nghĩ đến cái nhục sáng hôm sau…

Ấy thế rồi y đã bật diêm lên, tìm một cái gì có thể làm một cái dây..

(Nam Cao, trích Lang Rận – NXB Hội nhà văn 1993)

Lựa chọn đáp án đúng nhất:

Câu 1: Nhân vật chính trong truyện là ai?

  1. Bà Cựu Cô Đính
  2. Mụ Lợi Lang Rận

Câu 2: Đề tài của tác phẩm là gì?

  1. Người nông dân nghèo Tư sản thành thị
  2. Người trí thức nghèo Nông dân và trí thức

Câu 3: Ngôi kể trong tác phẩm là ngôi thứ mấy?

  1. Ngôi thứ nhất Ngôi thứ 3
  2. Ngôi thứ hai Không có ngôi kể

Câu 4. Đoạn trích trên chủ yếu được kể từ điểm nhìn của nhân vật nào?

  1. Điểm nhìn của nhân vật Lang Rận
  2. Điểm nhìn của nhân vật bà Cửu
  3. Điểm nhìn của người kể chuyện
  4. Điểm nhìn của nhân vật mụ Lợi

Câu 5: Cảm hứng chủ đạo của tác phẩm là gì?

  1. Người nông dân bị coi thường, bị lăng nhục, bị xúc pham
  2. Người nông dân tham lam bị xa lánh
  3. Người nông dân nghèo tha hoá
  4. Người nông dân sống cuộc đời như quỷ dữ

Câu 6: Điểm nhìn chủ yếu trong đoạn trích là gì?

  1. Điểm nhìn bên trong Điểm nhìn tâm lý
  2. Điểm nhìn bên ngoài Không có điểm nhìn

Câu 7: Nam Cao miêu tả rận trên người Lang Rận như thế nào?

  1. Chúng bò lổm ngổm ở trên cổ, ở hai vai, ở dưới lưng. Chúng bò lổm ngổm xuống cả cái giường mà anh nằm. Anh ngồi chỗ nào, lúc đứng lên, thế nào cũng có vài chú rận kềnh nằm ngửa, múa máy những cái chân nhỏ li ti, như một người bụng to ngã chổng kềnh, không biết làm thế nào để đứng lên.
  2. Chúng bò lổm ngổm ở trên cổ, ở hai vai, ở dưới lưng. Chúng bò lổm ngổm xuống cả cái giường mà anh nằm
  3. Anh ngồi chỗ nào, lúc đứng lên, thế nào cũng có vài chú rận kềnh nằm ngửa, múa máy những cái chân nhỏ li ti, như một người bụng to ngã chổng kềnh, không biết làm thế nào để đứng lên.
  4. Rận nhiều vô số kể, đi đâu cũng thấy rận rơi xuống xung quanh

Trả lời câu hỏi:

Câu 8 (0.5điểm): Tác giả di chuyển điểm nhìn trần thuật như thế nào trong đoạn văn sau: Mụ có ngờ đâu trong lúc ấy thì tình nhân ngồi nghĩ ngợi xa gần. Y thẹn. Y buồn. Y giận đời. Y giận trời. Y giận thân. Y tím ruột, tím gan. Y nghĩ đến cái nhục sáng hôm sau…

Câu 9 (1.0 điểm): Nhân vật mụ Lợi có vai trò như thế nào trong tác phẩm?

Câu 10 (1.0 điểm): Anh/chị có đồng ý với suy nghĩ của nhân vật Lang Rận sau đây không?

“Nhưng có người không bạc, thầy lang ta nghĩ thế.”

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) hãy viết bài văn nghị phân tích giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật trong truyện ngắn Lang Rận của nhà văn Nam Cao.

Đề 2:

Trả lời các câu hỏi:

Câu 1: Nhân vật mụ Lợi được miêu tả như thế nào?

Câu 2: Vì sao Lang Rận phải chết?

Câu 3: Tác giả dùng những điểm nhìn trần thuật nào để khắc hoạ cuộc đời Lang Rận? Điều đó có tác dụng như thế nào?

Câu 4: Phân tích điểm nhìn trần thuật và ngôn ngữ trong đoạn văn sau:

Mụ có ngờ đâu trong lúc ấy thì tình nhân ngồi nghĩ ngợi xa gần. Y thẹn. Y buồn. Y giận đời. Y giận trời. Y giận thân. Y tím ruột, tím gan. Y nghĩ đến cái nhục sáng hôm sau…

Câu 5: Nhận xét về nghệ thuật miêu tả và tác dụng của chúng trong truyện ngắn Lang Rận của Nam Cao

Câu 6: Truyện ngắn Lang Rận đã thể hiện giá trị văn hoá nhân sinh nào? Chúng đã tác động như thế nào tới cảm xúc và suy nghĩ của em?

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) hãy viết bài văn nghị luận bàn về giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật trong truyện ngắn Lang Rận của nhà văn Nam Cao.

Anh/chị hãy viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một số nét đặc sắc về nghệ thuật tự sự của Nam Cao thể hiện qua đoạn trích

HƯỚNG DẪN CHẤM

ĐỀ 1

 

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 6,0
  1 D 0,5
2 A 0,5
3 C 0,5
4 C 0,5
5 A 0,5
6 B 0,5
7 A 0,5
8 – Di chuyển điểm nhìn từ bên ngoài vào bên trong (Cảm xúc ở khuôn mặt vào trong cái giận của cơ quan trong cơ thể nhân vật)

– Điểm nhìn thu hẹp dần (trời – đời – thân)

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời được 1 ý: 0,25 điểm

– Trả lời được 2 ý trở lên: 0,5 điểm

HS có cách diễn đạt tương đương vẫn cho điểm tối đa

0,5
9 – Mụ Lợi là “chất xúc tác” để Lang Rận hoà nhập vào cuộc sống xung quanh

– Là nhân vật mang đến cho Lang Rận hi vọng về tình yêu thương

Hướng dẫn chấm:              

– Trả lời được 1 ý: 0,5 điểm

– Trả lời được như đáp án: 1,0 điểm

1,0
10 HS trả lời đồng ý.

Lý giải phù hợp và thuyết phục.

Sau đây là gợi ý:

– Ý nghĩa:

+ Cuộc đời này không phải ai cũng bạc bẽo

+ Sẽ có những người biết  yêu thương, cảm thông và đùm bọc

Lưu ý:                   

– Trả lời nội dung câu nói cho 0,5 điểm

– Lý giải phù hợp có thể cho điểm tối đa

1,0

ĐỀ 2

 

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 6,0
  1 Không một người đàn bà nào có thể xấu hơn. Mụ béo trục, béo tròn, mặt mũi như tổ ong bầu, mắt trắng, môi thâm mà đen như thằng quỷ. Ở quanh đấy, người ta vẫn lấy tên mụ ra mà dọa trẻ. Hơi trẻ nhà nào khóc, người ta lại bảo: “Nín đi! Nín đi! Mụ Lợi kia kìa!… ”.

Hướng dẫn chấm:              

– Trả lời được gần giống đáp án: 0,5 – 0,75 điểm

– Trả lời được như đáp án: 1,0 điểm 

1,0
2 Lang Rận chết vì tủi nhục, vì để giữ gìn nhân cách của mình, chết để giải thoát khỏi sự xã hội đầy những lăng mạ và xúc phạm.

Hướng dẫn chấm:               

– Trả lời được gần giống đáp án: 0,5 – 0,75 điểm

– Trả lời được như đáp án: 1,0 điểm  

1,0
3 – Điểm nhìn bên ngoài: ngoại hình, thói quen

– Điểm nhìn bên trong: Suy nghĩ của Lang Rận về cuộc đời và sự đồng cảm với nhân vật mụ Lợi

– Tác dụng: Khắc hoạ được cuộc đời cực khổ, sống một cuộc đời bị chà đạp, nói không được, cười cũng không xong, làm gì cũng bị người đời mắng mỏ, khinh bỉ

Hướng dẫn chấm:               

– Trả lời được 1-2 ý: 0,5 – 0,75 điểm

– Trả lời được như đáp án: 1,0 điểm  

1,0
4 -Điểm nhìn: Từ bên ngoài di chuyển vào bên trong

-Ngôn ngữ: Dùng từ Y – mang sắc thái lạnh lùng, khách quan

Hướng dẫn chấm:               

– Trả lời được 1 ý: 0,5  điểm

– Trả lời được như đáp án: 1,0 điểm

1,0
5 – Miêu tả nhân vật một cách chân thực nhất, có phần lạnh lùng (miêu tả diện mạo của Lang Rận và mụ Lợi như một sự vụng về của tạo hoá:

– Tác dụng: Miêu tả cái xấu tột cùng về ngoại hình để tôn lên cái đẹp về nhân cách

Hướng dẫn chấm:               

– Trả lời được 1 ý: 0,5  điểm

– Trả lời được như đáp án: 1,0 điểm

1,0
6 HS có thể trả lời theo nhiều hướng, lý giải cụ thế và thuyết phụ

Sau đây là gợi ý:

– Giá trị văn hoá nhân sinh:

+ Tình thương và lòng nhân ái trong cuộc sống

+ Trong bất cứ hoàn cảnh nào con người cũng phải giữ gìn nhân phẩm của mình…

– Lí giải:

+Nếu xã hội có tình thương và lòng nhân ái, Lang Rận sẽ không chết

+ Lang Rận chết để giữ gìn nhân phẩm của mình

Lưu ý:                   

– Trả lời nội dung câu nói cho 0,5 điểm

– Lý giải phù hợp có thể cho điểm tối đa

1,0
  1. LÀM VĂN

 

DÀN Ý

  1. Mở bài:

Tác giả Nam Cao: Nam Cao là người đến muộn song với tài năng và sự nỗ lực của mình ông đã trở thành đại diện ưu tú nhất cho trào lưu văn học hiện thực phê phán 1930 – 1945 với quan điểm nghệ thuật phải gắn liền với hiện thực, phải “vị nhân sinh”.

– Truyện ngắn Lang Rận: Với điểm nhìn và cách kiến tạo độc đáo, Nam Cao đã vẽ lên hình tượng người nông dân hiền lành, lương thiện bị xúc phạm, bị lăng mạ nhưng dù ở hoàn cảnh nào họ vẫn giữ được bản chất lương thiện.

  1. Thân bài:

– Mô tả và đánh giá cách nhà văn kiến tạo truyện:.

– Kết cấu: Sử dụng kiểu kết cấu đi thẳng vào vấn đề trung tâm của tác phẩm: Ngay từ những dòng đầu tiên của tác phẩm đã miêu tả về ngoại hình và tính cách của nhân Vật Lang Rận

– Câu chuyện kể về cuộc đời của Lang Rận, ngoại hình xấu xí, lấy ba vợ nhưng đều bị bỏ, lang thang đi bốc thuốc dạo. Được ông Cựu đưa về nhà bốc thuốc để chữa bệnh muộn con. Từ đây, Lang Rận bắt đầu bị bà Cựu và cô Đính miệt thị, dè bỉu. Lang Rận gặp mụ Lợi tìm được sự đồng cảm nhưng cuối cùng lại chọn cái chết vì không thể chịu nổi sự ê chề, tủi nhục khi bị bà Cựu và cô Đính đem làm trò mua vui.

– Cách tổ chức mạch truyện không theo trật tự thời gian: Lang Rận từ khi đến ở gia đình ông bà Cựu – hồi ức về cuộc đời bị 3 người vợ phụ bạc – hiện thực bị chế giễu, xúc phạm – chọn cái chết

– Nam Cao đã tạo ra mạch liên kết giữa các yếu tố có sự liên kết chặt chẽ, tạo ra sự thống nhất và làm nổi bật tư tưởng chủ đề của tác phẩm.

-Đặc điểm của người kể chuyện trong truyện ngắn

+ Điểm nhìn: điểm nhìn bên ngoài

++Chủ yếu là điểm nhìn của người kể chuyện

++Điểm nhìn của bà Cựu và cô Đính: nhận xét về ngoại hình của Lang Rận

+ Điểm nhìn bên trong:

++Những suy nghĩ của Lang Rận về cuộc đời

++Suy nghĩ của Lang Rận trong đoạn cuối khi Y chọn cái chết

+ Trần thuật ngôi thứ 3

Vai trò của ngôi kể, điểm nhìn và lời trần thuật trong việc khắc họa nhân vật

+ Miêu tả nhân vật Lang Rận và mụ Lợi như một sự vụng về của tạo hoá, không có bình luận

+Tạo khoảng cách để người đọc tự hình dung

+ Nam Cao miêu tả nhân vật Lang Rận với những ngôn từ có vẻ lạnh lùng:

+ Đi sâu vào tâm lý nhân vật:

++Suy nghĩ về sự bạc bẽo của cuộc đời

++ Manh nha tình yêu với mụ Lợi

++ Sự uất ức, bế tắc khi bị bà Cựu và cô Đính khoá cửa nhốt vào bên trong phòng mụ Lợi

=> Nam Cao đi sâu vào miêu tả, phân tích sâu sắc thế giới tinh thần của nhân vật, thể hiện đời sống tinh thần bên trong của họ, qua đó làm nổi bật ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm.

-Mối liên hệ giữa người kể chuyện trong tác phẩm và nhà văn

+ Người kể chuyện thay mặt nhà văn truyền tải những thông điểm mà nhà văn cần gửi gắm đến bạn đọc

+ Miêu tả lời thoại nội tâm, tạo điều kiện đi sâu vào phân tích tâm lý nhân vật, khiến nhân vật đối diện với chính mình tự phơi bày, tạo ra những cuộc tranh luận ngầm, bộc lộ ý kiến cá nhân của nhân vật về vấn đề nhân cách con người

+ Trong truyện, ta còn bắt gặp một giọng điệu có sắc thái tưởng chừng đối lập nhau: giọng khách quan lạnh lùng, tàn nhẫn bên ngoài mà cảm thông, thương xót bên trong.

  1. Kết bài:

Nam Cao đã đạt tới tầm cao của tư tưởng nhân đạo khi nhìn nhận và đánh giá người nông dân trước Cách mạng. Nhà văn không dừng ở hiện tượng bên ngoài mà đi sâu vào thể hiện bản chất bên trong của con người. Ý nghĩa xã hội của hình tượng Lang Rận có ý nghĩa rất lớn và sức sống của nó cũng thật lâu dài.

Bài viết tham khảo:

Nam Cao là người đến muộn song với tài năng và sự nỗ lực của mình ông đã trở thành đại diện ưu tú nhất cho trào lưu văn học hiện thực phê phán 1930 – 1945 với quan điểm nghệ thuật phải gắn liền với hiện thực, quan niệm  “vị nhân sinh”.  Dưới ngòi bút chân thực của mình, đời sống, thân phận và những nỗi thống khổ của người nông dân được ông lột tả một cách vô cùng chân thực. Điển hình là các tác phẩm Chí Phèo, Lão Hạc, Lang Rận, Một bữa no… Có một điểm chung giữa các tác phẩm của ông là khi trang sách đã khép lại, người đọc vẫn mường tượng ra rõ những đau thương của số phận con người vẫn còn ẩn khuất đâu đó. Và cũng từ đây toát lên được giá trị nhân văn mà tác giả muốn truyền tải qua mỗi tác phẩm. Trong truyện ngắn Lang Rận: Với điểm nhìn và cách kiến tạo độc đáo, Nam Cao đã vẽ lên hình tượng người nông dân hiền lành, lương thiện bị lăng mạ, bị xúc phạm nhưng dù ở hoàn cảnh nào họ vẫn giữ được bản chất lương thiện

Truyện ngắn Lang Rận kể về một anh chàng làm nghề bốc thuốc dạo chữa bệnh muộn con cho ông bà Cựu, một nhà giàu có ở trong làng. Cuộc sống quanh quẩn nơi xó bếp nhà ông Cựu và cùng chịu đủ mọi “khinh bỉ, lườm nguýt, phỉ nhổ, nhạo cười, chế giễu, đủ trăm hình, trăm cấp” từ gia chủ với lang Rận. Lang Rận trong miêu tả của Nam Cao có chút gì đó bẩn thỉu đến dị hợm “Không hiểu anh ta chỉ có bộ quần áo hay sao mà từ ngày đến nhà bà đến giờ vẫn chưa thay. Hèn chi mà rận lắm hơn giòn. Chúng bò lổmngổm cả xuống cái giường của anh nằm.Anh ngồi chỗ nào, lúc đứng lên, thế nào cũng có vài chú rận kềnh nằm ngửa, múa máy những cái chân nhỏ li ti, như một người bụng to ngã chổng kềnh, không biết làm thế nào để đứng lên. Thỉnh thoảng, gặp những lúc không có việc gì làm, anh ta ra ngồi ở đầu hè, cởi áo ra, nhặt rận đưa lên miệng nhấm kêu lép tép”. Lang Rận không chỉ được miêu tả với ngoại hình “ấn tượng” với khuôn mặt khác người mà ngay cả tính cách cũng rất đặc biệt “Lang Rận là một anh chàng chèo bẻo”… “anh chàng thấy đàn bà là như mèo thấy mỡ”, “thích được ngồi với họ, nghe họ nói cười, được góp với họ một vài câu nói của anh”. Dường như, sự cô đơn đã hình thành nên tính cách ấy của Y.

Với  Lang Rận, Nam Cao đã cho người đọc thấy được tình trạng những con người hiền lành, lương thiện bị lăng nhục, bị xúc phạm về nhân phẩm. Có thể thấy, với Nam Cao, kết cấu là con đường và phương tiện làm sâu sắc tư tưởng của tác phẩm. Vì vậy, trong Lang Rận ông đã tổ chức một kết cấu hợp lý, phóng túng mà chặt chẽ biến chúng trở thành phương tiện đắc lực nhất. Truyện được kể theo ngôi kể thứ 3 nên sẽ có cái nhìn hoàn toàn khách quan.Việc miêu tả diện mạo  Lang Rận và mụ Lợi như một sự vụng về của tạo hóa qua lời kể tỉ mỉ của chủ thể trần thuật và qua cái nhìn của bà Cựu cho thấy chủ thể trân thuật đã đẩy nhân vật về phía bạn đọc mà không có bất cứ một bình giá, nhận xét nào. Ở đây, chủ thể trần thuật luôn tạo ra những khoảng cách nhất định đối với nhân vật khi thuật kể.. Vì thế, người đọc phải tự khám phá ra phần chìm của “tảng băng trôi” mà truyện kể đem lại. Chính dạng thức trần thuật này đã quy định ngôn ngữ và giọng kể lạnh lùng trong truyện ngắn Nam Cao.

Theo mạch cảm xúc câu chuyện, chủ thể trần thuật vô tư vẽ nên chân dung xấu xí của nhân vật bằng cái nhìn và giọng điệu dửng dưng, vô cảm cho đến phút cuối mới bật ra thành tiếng thở dài xót xa cho nhân vật.Từ đó,  nhấn mạnh vào cuộc sống cực khổ, khốn khó đã khiến cho nhân vật có diện mạo dị hình như vậy. Sự đối lập giữa giàu-nghèo, cái nhìn khinh bỉ, miệt thị, vô cảm của bà Cựu đối với Lang Rận và mụ Lợi cùng với giọng điệu, sắc thái của ngôn ngữ trần thuật dửng dưng, cay nghiệt của người kể giúp chúng ta có thể hình dung ra thái độ thờ ơ, vô cảm với nỗi đau đồng loại của một thời đại .Nhưng đằng sau cách trần thuật thản nhiên, lạnh lùng đến mức cay nghiệt là cả một tấm lòng thương yêu tha thiết từng thân phận, từng tính cách, tâm hồn con người…. Nam Cao không chỉ hiện thực ở tái hiện cuộc sống mà còn hiện thực ở khắc họa tâm lý, tư tưởng con người. Tâm trạng của Lang Rận khi bị nhốt và nghe những lời bàn tán, xì xào của bà Cửu là sự uất ức, bế tắc đến tột cùng. Nam Cao đi sâu vào miêu tả, phân tích sâu sắc thế giới nội tâm của Lang Rận trước khi Y chọn đến cái chết. Với điểm nhìn linh hoạt và đầy sự tinh tế, ông đã di chuyển điểm nhìn từ bên ngoài vào bên trong; Nam Cao cho người đọc hình dung ra những cảm xúc ở khuôn mặt thấm sâu vào cái giận bên trong cơ thể như thế nào. Sự đấu tranh, sự giằng xé phức tạp, quyết liệt như thế nào mà buộc Y phải lựa chọn cái chết. Nam Cao đã cho người đọc thấy được cái chết của Lang Rận xuất phát từ những kì thị, những lăng nhục, xúc phạm của xã hội với con người như thế nào. Cái chết của Lang Rận đó có lẽ là cái chết tâm hồn, cái chết để giữ lòng tự trọng, cái chết đau đớn của một con người không có tiếng nói trong xã hội đương thời ấy. Chi tiết “Cái chết”  là một điểm đặc trưng trong đa số các tác phẩm của Nam Cao, chết để mở ra một cuộc đời mới, chết để kết thúc cái khốn khổ, kết thúc sự khinh bỉ, rẻ mạt của một đời người.

Với truyện ngắn “Lang Rận”, Nam Cao đã đạt tới tầm cao của tư tưởng nhân đạo khi nhìn nhận và đánh giá người nông dân trước Cách mạng. Nhà văn không dừng ở hiện tượng bên ngoài mà đi sâu vào thể hiện bản chất bên trong của con người. Nam Cao cũng đã chứng tỏ bút lực già dặn của mình qua tài nghệ xây dựng hình tượng nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình. Ý nghĩa xã hội của hình tượng Lang Rận có ý nghĩa rất lớn và sức sống của nó cũng thật lâu dài. Có thể nói tác phẩm và nhân vật đã tôn vinh tên tuổi Nam Cao trong lịch sử văn chương của nước ta.

Dàn ý và Bài viết số 2

Dàn ý

  1. Mở bài: Giới thiệu được tên tác giả, tên tác phẩm, và phương diện nghệ thuật của tác phẩm mà bài viết sẽ tập trung làm rõ.

– Nam Cao là một đại diện tiêu biểu của văn học hiện thực Việt Nam 1930-1945.

– Truyện ngắn Lang Rận là một tác phẩm tiêu biểu về đề tài người nông dân trước Cách mạng.

– Truyện ngắn thành công và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc về nghệ thuật tự sự của nhà văn Nam Cao (ngôi kể, điểm nhìn và lời trần thuật trong việc khắc họa nhân vật).

  1. Thân bài:
  2. Tóm tắt nội dung câu chuyện:

– Lang Rận là cái tên mà bà Cựu và cô Đính đặt cho ông thầy lang được ông Cựu mời về để bốc thuốc, chữa bệnh, sẵn tiện học vài con chữ về thuốc thang phòng khi cần thiết.

– Lang Rận số khổ, do ngoại hình xấu xí nên qua 3 đời vợ mà chẳng có ai ưng, đành bỏ nhà đi lang thang. Sau đó, khi về nhà ông Cựu thì lại bị người làm ở đấy khinh bỉ, ghê tởm, bắt nạt chẳng ngày nào yên.

– Cho tới khi ông gặp mụ Lợi, một người phụ nữ đồng cảnh ngộ với mình. Mụ cũng xấu người, bị người ta lừa về nhà cuỗm bạc, sau đó theo làm cho những gia đình giàu có. Mụ và lang gặp nhau, sau vài lần nói chuyện thì thấy hợp nên thân quen, cái gì cũng đem ra chuyện trò. Việc này nhanh chóng đến tai bà Cựu và cô Đính, hai người phụ nữ ngày ngày đem cái chuyện ấy thành một trò cười để trêu đùa.

– Một đêm, khi thấy Lang Rận vào phòng mụ Lợi thì hai người bên ngoài khóa cửa, đợi đến sáng ông Cựu về bắt gian. Ai ngờ, buổi sáng hôm sau mở cửa ra lại đối mặt với cái xác treo cổ của Lang Rận. Vì buồn, vì giận, hận người cũng hận thân…

  1. Cốt truyện và sự kiến tạo về mạch truyện (Cốt truyện và kết cấu):

– Cốt truyện khá đơn giản xoay quanh câu chuyện về Lang Rận với bi kịch nghèo đói, vất vưởng nay đây mai đó, ba đời vợ vẫn cô đơn còn bị bị lăng nhục, bị xúc phạm về nhân phẩm, bị miệt thị về ngoại hình.

– Đoạn trích tập trung miêu tả cảnh lang Rận bị coi thường, bị lăng nhục đến mức treo cổ tự tử.

– Mạch truyện được kể theo lối truyền thống: theo trình tự tuyến tính thời gian liền mạch từ khởi đầu cho đến kết thúc (kể từ gốc gác đến biến cố cuộc đời Lang Rận).

– Mạch truyện được phát triển bám sát vào ngôn ngữ và hành động của các nhân vật, câu chuyện phát triển liên tục lôi cuốn người đọc vào sự hấp dẫn nhờ tính liên tục ấy.

  1. Tình huống truyện:

– Tình huống truyện được đẩy lên cao trào khi hai người đàn bà nhàn rỗi kia bắt quả tang lang Rận vào buồng mụ Lợi. Họ khóa cửa ngoài và tỏ ra vô cùng sung sướng, đắc chí với sự việc vừa làm. Họ bấm bụng cười với nhau. Và họ đã thành công trong việc đẩy một con người đến sự lựa chọn cái chết. Lang Rận chết vì tủi nhục, vì để giữ gìn nhân cách của mình, chết để giải thoát khỏi sự xã hội đầy bất công, vô nhân đạo, đầy rẫy những lăng mạ và xúc phạm.

– Tình huống giúp nhà văn khắc họa chân thực tình cảnh thê thảm của người nông dân Việt Nam trước cách mạng, nhà văn cũng cho ta thấy phẩm chất tốt đẹp của người nông dân và khát vọng sống cho ra sống của họ. Từ đó tố cáo xã hội thực dân nửa phong kiến và đòi quyền sống có ý nghĩa cho con người.

  1. Người kể chuyện (ngôi kể, điểm nhìn):

* Ngôi kể thứ 3 – toàn tri: Kể chân thực, khách quan về tình cảnh của lang Rận, đặc biệt đã khắc họa đầy ám ảnh chi tiết về cái chết của lang Rận trong xã hội vô nhân đạo.

* Điểm nhìn:

+ Điểm nhìn của câu chuyện chủ yếu là của người kể chuyện

+ Người kể chuyện ở đây giữ một khoảng cách nhất định với nhân vật. , người kể đứng ngoài thuật gốc gác, gia cảnh và cái chết của lang Rận.

+ Người kể chuyện còn nương theo điểm nhìn của nhân vật (điểm nhìn bên trong  nhân vật) cho ta thấy suy nghĩ, nội tâm, giằng xé, sự bế tắc, tuyệt vọng của nhân vật, khi anh ta tự ý thức được cảnh ngộ của mình để rồi đưa ra lựa chọn bi kịch.

* Ngôn ngữ nhân vật chân thực, mộc mạc, mang đặc trưng của người nông dân.

* Nghệ thuật miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật: lang Rận khi quyết định tự tử với những đau đớn và giằng xé nội tâm.

* Giọng điệu:

– Giọng văn vừa khách quan ,lạnh lùng tỉnh táo mà thấm đẫm yêu thương, nhưng cũng nhiều trăn trở, dằn vặt, suy tư.

– đan xen đối thoại, độc thoại nội tâm, ngôn ngữ trần thuật đa thanh đan xen lời kể của nhà văn và lời nhân vật….

  1. Đánh giá hiệu quả của nghệ thuật tự sự:
  2. Giá trị tư tưởng:

– Chủ đề tư tưởng của tác phẩm: qua cuộc đời, cái chết của lang Rận, tác giả thể hiện nỗi cảm thương sâu sắc với thân phận khốn khổ, cảnh đời hẩm hiu bị đời hắt hủi, chà đạp và bộc lộ niềm tin vào phẩm giá con người.

– Giá trị hiện thực: Phản ánh số phận bi thương của người nông dân  Việt Nam trước CMT8/1945.

– Giá trị nhân đạo:

+ Cảm thông, thương xót cho số phận người nông dân Việt Nam trước CMT8/1945.

+  Lên tiếng tố cáo những con người ích kỉ, vô nhân tính chỉ biết lấy sự đau khổ, sự xấu xí của người khác làm trò vui cho mình.

+ Bộc lộ niềm tin vào phẩm giá con người, không chấp nhận bị sỉ nhục.

  1. Tài năng nghệ thuật Nam Cao:

– Nghệ thuật tự sự hấp dẫn độc đáo đã thể hiện tài năng viết truyện bậc thầy của Nam Cao. Các phương diện của nghệ thuật tự sự có quan hệ khắng khít, giúp cho câu chuyện trở nên lôi cuốn hấp dẫn.

– Nét độc đáo trong phong cách nghệ thuật của Nam Cao

  1. Thông điệp:

+ Đặt ra vấn đề: Làm thế nào để người nông dân không còn bị coi thường, bị khinh rẻ.

III. Kết bài: Khẳng định giá trị của  nghệ thuật kể chuyện của tác phẩm truyện

                          

 

Bài viết

A.S.Pu-skin, thiên tài văn học Nga, quan niệm: “Cây cỏ sống được là nhờ ánh sáng, chim muông sống được là nhờ tiếng ca, một tác phẩm sống được là nhờ tiếng lòng của người cầm bút”. Phát biểu của Puskin đề cao ý nghĩa cảm xúc, tình cảm của người cầm bút khi sáng tác – nhân tố quan trọng hàng đầu, quyết định đến sự sống còn của tác phẩm văn chương. Nam Cao, một trong những nhà văn hiện thực lớn với nhiều đóng góp quan trọng đối với việc hoàn thiện phong cách phong truyện ngắn và tiểu thuyết Việt Nam ở nửa đầu thế kỉ XX cũng đã thổ lộ được tiếng lòng tha thiết của mình qua truyện ngắn đặc sắc Lang Rận. Truyện ngắn thành công và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc về nghệ thuật tự sự của nhà văn Nam Cao.

Tác phẩm kể về một anh chàng làm nghề bốc thuốc dạo chữa bệnh muộn con cho ông bà Cựu – một nhà giàu có ở trong làng (tên lang Rận là tên bà Cựu và cô Đính – em chồng đặt cho ông lang ở bẩn, người luôn có rận). Cùng sống quanh quẩn nơi xó bếp nhà ông Cựu và cùng chịu đủ mọi khinh bỉ, lườm nguýt, phỉ nhổ, nhạo cười, chế giễu, đủ trăm hình, trăm cấp từ gia chủ với Lang Rận là mụ Lợi. Nếu Lang Rận xuất thân trong cảnh gia đình sa cơ thất thế, kiếm ăn với nghề bốc thuốc dạo thì mụ Lợi lại không chồng không con, qua ngày với nghề đi ở thuê. Hai cuộc đời lỡ dở ấy đã tìm thấy ở nhau niềm đồng cảm. Nhưng cũng vì sự can thiệp thô bạo của gia đình ông Cựu, cuộc tình duyên ấy lại có một cái kết thật chua xót với cái chết của lang Rận.

Cốt truyện khá đơn giản và mạch truyện được kể theo lối truyền thống: theo trình tự tuyến tính thời gian liền mạch từ khởi đầu cho đến kết thúc (kể từ gốc gác đến biến cố cuộc đời Lang Rận). Mạch truyện được phát triển bám sát vào ngôn ngữ và hành động của các nhân vật, câu chuyện phát triển liên tục lôi cuốn người đọc vào sự hấp dẫn nhờ tính liên tục ấy.

Tình huống truyện éo le và được đẩy lên cao trào khi hai người đàn bà nhàn rỗi kia bắt quả tang lang Rận vào buồng mụ Lợi. Họ khóa cửa ngoài và tỏ ra vô cùng sung sướng, đắc chí với sự việc vừa làm. Họ bấm bụng cười với nhau. Và họ đã thành công trong việc đẩy một con người đến sự lựa chọn cái chết. Bởi trong buồng tối, khi biết mình bị khóa, lang Rận ngồi nghĩ ngợi xa gần. Y thẹn. Y buồn. Y giận đời. Y giận trời. Y giận thân. Y tím ruột, tím gan. Y nghĩ đến cái nhục sáng hôm sau… Hàng loạt những câu văn ngắn, hàng loạt những từ những biểu đạt cảm xúc đã nói lên sự hỗn loạn, bế tắc của nhân vật trước khi đi đến hành động cuối cùng – đi tìm một cái gì có thể làm một cái dây, cũng là đi tìm cái chết. Lang Rận chết vì tủi nhục, vì để giữ gìn nhân cách của mình, chết để giải thoát khỏi sự xã hội đầy bất công, vô nhân đạo, đầy rẫy những lăng mạ và xúc phạm.

Với điểm nhìn trần thuật linh hoạt, từ cái nhìn bên ngoài vào bên trong, từ điểm nhìn thời gian tới điểm nhìn không gian từ người kể chuyện toàn tri, Nam Cao đã khắc họa được ấn tượng, chân thật, sống động, khách quan về cuộc đời nhân vật. Người đọc như được chứng kiến một cuộc đời chứ không phải đang đọc truyện. Lang Rận xuất thân là con ông ấm, cháu ông cử mà do thất thế nên mới phải đâm đầu đi làm thang thang, chứ chữ xem ra khá lắm. Gia cảnh khốn khó, đói nghèo lại thêm ngoại hình xấu xí, dị mọ: đôi mắt thì híp lại như mắt lợn xề, môi rất nở cong lên, bịt gần hai lỗ mũi con con khiến anh ta thở khò khè…quần áo thì đứng cách ba thước còn ngửi thấy mùi chua, mà mất cúc, mà sứt chỉ, mà lôi thôi lếch thếch, trên người rận lắm hơn giòi…nên anh trở thành đối tượng bị chế giễu, châm chọc của bà Cựu và cô Đính – những con người vô công rỗi nghề, chỉ biết lấy sự xấu xí của người khác làm trò vui. Mặc dù gặp nhiều biến động trong cuộc đời: mẹ chết từ ngày mới biết lẫm chẫm chạy, anh lấy liên tiếp ba đời vợ nhưng vợ nào cũng chê anh. Bực chí quẩy đôi bồ thuốc ra đi mong tìm một nỗi an ủi nhưng chưa bao giờ gặp… nhưng Lang Rận vẫn là một con người lạc quan, luôn khao khát yêu thương dù nhem nhốc, cơ hàn: anh thích được ngồi với đàn bà, nghe họ nói họ cười, được góp với họ một vài câu nói của anh. Chỉ thế thôi, chứ anh chẳng dám ao ước gì hơn. Dường như cách xây dựng nhân vật độc đáo, mang tính nghịch dị đã “khơi những nguồn chưa ai khơi”, tạo được nơi người đọc những cảm xúc đối nghịch. Đâu ai ngờ phường dở dở ương ương như thị Nở lại chuyển hóa Chí Phèo: từ con thú dữ thành người hiền lương.  Đâu ai ngờ người lắm tật xấu, bị xem là trò cười như lang Rận, phải chịu “khinh bỉ, lườm nguýt, phỉ nhổ, nhạo cười, chế giễu” lại cũng lén lút vun vén một mối tình vừa chớm nở. Những cử chỉ tình tứ của hai kẻ ăn, người ở hèn kém trong nhà khơi lên trong lòng bà Cựu, cô Đính những tò mò lẫn cười cợt, bỡn đùa và niềm thích thú được nhục mạ con người nhưng với người đọc lại tô đậm niềm khát khao gắn bó giữa những phận đời hẩm hiu ở nông thôn VN đương thời.

Có lẽ, sự việc ám ảnh nhất trong tác phẩm là việc lang Rận thắt cổ tự tử vì không thể chịu nổi cái nhục của ngày hôm sau mà anh tưởng tượng ra: đem ra điếm cùm, cho cả làng trông thấy…Người đọc cũng không khỏi ám ảnh bởi đoạn văn ngắn diễn tả tâm trạng Lang Rận trước khi tự sát: Y thẹn. Y buồn. Y giận đời. Y giận trời. Y giận thân. Y tima ruột, tím gan. Y nghĩ đến cái nhục sáng hôm sau… Những câu văn ngắn, nhịp dài tăng dần cùng hàng loạt động từ, tính từ… đã khắc họa cảnh tượng một con người bị nhốt trong không gian hẹp, vò đầu bứt tai, nỗi đau trào lên thành từng cơn, tinh thần đang bị dằn vặt dữ dội khi tự ý thức được cảnh ngộ của bản thân. Sau cơn vật vã, đối diện với nỗi nhục, tự xỉ vả mình… lang Rận đi đến quyết định đớn đau: chết để thoát nhục, không thể sống nhục… Chủ thể trần thuật tưởng như vô cùng lạnh lùng, vô cảm với những câu ngắn: Y thẹn. Y buồn. Y giận đời, Y giận trời… Nhưng kì thực đó như là những nhịp tim dồn dập máu nóng của chính tác giả tố cáo những “con mắt ráo hoảnh của phường ích kỷ” chỉ biết lấy sự đau khổ, lấy sự xấu xí của người khác làm trò vui. Nhà văn hóa thân vào nhân vật diễn tả nỗi đau trong sâu thẳm tâm hồn con người. Cái chết đáng thương của lang Rận được trần thuật từ điểm nhìn bên ngoài di chuyển vào điểm nhìn bên trong nhân vật gợi nghĩ đến cái chết dữ đội của Chí Phèo. Cả hai cái chết đều mang ý nghĩa: con người bị chà đạp, giếu cợt những bên trong vẫn là cong người có lòng tự trọng, có nhân phẩm, không chấp nhận sống kiếp con vật, không chấp nhận bị sỉ nhục.

Một tác phẩm đích thực không chỉ là những khám phá về nội dung mà còn là sự hoàn chỉnh về hình thức. Lang Rận là truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật đặc sắc của Nam Cao. Trước hết, nhà văn đã xây dựng được một cốt truyện với những tình tiết hấp dẫn, nhiều sự kiện, biến cố bất ngờ, tạo nên kịch tính cho tác phẩm. Mặt khác, việc trần thuật từ ngôi thứ ba với điểm nhìn toàn tri khiến những sự việc, tình tiết trong truyện trở nên khách quan hơn. Điểm nhìn của người kể chuyện đôi khi dịch chuyển sang điểm nhìn của lang Rận giúp nhà văn có khả năng xâm nhập vào thế giới nội tâm, miêu tả chân thực, sâu sắc hơn tâm trạng xấu hổ, nhục nhã, uất giận của nhân vật, giúp mạch trần thuật trở nên linh hoạt, tạo giọng điệu đa thanh, tăng sức hấp dẫn cho câu chuyện. Cách kể chuyện của Nam Cao chân thật, gần gũi, dựng đối thoại tự nhiên, sinh động. Nam Cao dùng ngôn ngữ của đời sống, được quần chúng nhân dân sử dụng hằng ngày, rất phong phú, sinh động, giàu hình ảnh. Truyện được kể với giọng điệu khách quan lạnh lùng, tàn nhẫn bên ngoài mà cảm thông, thương xót bên trong. Đặc biệt, truyện thành công bởi nghệ thuật khắc họa nhân vật từ ngoại hình, lời nói, đến hành động, tâm trạng, tính cách, số phận..

Nghệ thuật trần thuật đã làm nổi bật chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Qua cuộc đời, cái chết của lang Rận, tác giả thể hiện nỗi cảm thương sâu sắc với thân phận khốn khổ, cảnh đời hẩm hiu bị đời hắt hủi, chà đạp và bộc lộ niềm tin vào phẩm giá con người. Truyện ngắn Nam Cao thường khai thác những đề tài nhỏ nhặt trong đời sống qua đó thể hiện tính chất triết lí và ý nghĩa khái quát xã hội to lớn. Bi kịch của Lang Rận đâu chỉ là nghèo đói, vất vưởng nay đây mai đó, ba đời vợ vẫn cô đơn mà đau đớn hơn, hắn còn bị bị lăng nhục, bị xúc phạm về nhân phẩm, bị miệt thị về ngoại hình. Từ đó, truyện phản ánh số phận bi thương của người nông dân  Việt Nam trước CMT8/1945. Đồng thời, bộc lộ cảm thông, thương xót cho số phận người nông dân Việt Nam trước CMT8/1945. Truyện cũng lên tiếng tố cáo những con người ích kỉ, vô nhân tính chỉ biết lấy sự đau khổ, sự xấu xí của người khác làm trò vui cho mình và bộc lộ niềm tin vào phẩm giá con người, không chấp nhận bị sỉ nhục của nhà văn.

Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp hơn câu chuyện do cuộc sống viết nên. Lang Rận là một câu chuyện cuộc sống đậm chất hiện thực và chứa chan tinh thần nhân đạo. Những trang sách gấp lại nhưng người đọc còn ám ảnh mãi về cái chết của lang Rận, về bi kịch tự giải thoát của một phận người bị coi thường, khinh rẻ, về khát vọng hạnh phúc dang dở giữa một xã hội u ám tối tăm.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *