Đề đọc hiểu và nghị luận về truyện Mặt trời bé con của tôi – Thùy Linh

BỘ KẾT NỐI

Đề bài:

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu: (Trắc nghiệm)

(Lược một đoạn: Tôi tình cờ gặp gỡ Nguyên – đứa trẻ đáng thương sống một mình, bố mẹ li hôn và bỏ rơi anh em Nguyên. Anh Nguyên bị bắt vì tham gia mấy vụ trộm cắp trong nhà máy. Tôi đến thăm Nguyên vào đêm giao thừa. Vì hoàn cảnh riêng của cả hai, tôi và Nguyên đã trở nên gắn bó như chị em ruột thịt. Nguyên nghỉ học, đi làm ở xưởng vẽ. Sau đó, trước hai con đường: đi học Cao đẳng Mĩ thuật hay đi bộ đội, Nguyên đã chọn màu xanh áo lính.)

(1) Một năm nữa lại trôi qua. Một năm Nguyên làm anh bộ đội.
(2) Tối nay cũng như mọi tối khác. Viết xong bài báo để ngày mai nộp cho phòng, tôi lôi len ra đan. Đứa bạn đi công tác ở Đức về cho nửa cân len mầu xám, tôi dành để đan cho Nguyên. Mầu này rất hợp với đàn ông, hơn nữa ở biên giới mùa đông rất lạnh. Nguyên thường viết thư kể cho tôi nghe về bông tuyết đầu mùa phủ long lanh trên tán lá rừng… Đan thì đan chứ biết làm thế nào gửi lên cho Nguyên được. Khoảng mười giờ đang định dọn dẹp giường đi ngủ thì có tiếng gõ cửa. Ai đến chơi khuya thế nhỉ? Hay là Nguyên về? Tôi mừng rỡ đứng dậy, thì cánh cửa hé mở. Trước mắt tôi là anh bộ đội trạc ba mươi tuổi, quần áo bám đầy bụi đất. Chắc anh ta vừa đi qua chặng đường dài khá vất vả. Thấy vẻ ngạc nhiên, bối rối của tôi, anh ta nói luôn:
– Tôi là Trung, cùng đơn vị với Nguyên.
– Thế ạ! Mời anh vào chơi. Anh vừa trên đó về?
(3) Tôi hấp tấp đi pha nước, hỏi chuyện rối rít khiến khách không nói được câu nào. Bất giác, tôi quay lại nhìn Trung. Anh ta quay mặt đi khi bắt gặp cái nhìn của tôi. Tôi linh cảm có chuyện chẳng lành. Trung vẫn ngồi mân mê cái mũ mềm trong taỵ Không chịu được không khí căng thẳng ấy, tôi run run hỏi:
– Có chuyện gì xảy ra với Nguyên phải không anh?
– Vâng… Nguyên… hy sinh.
(4) Anh ấy nói gì thế nhỉ? Tôi thấy mình đang ngồi trên con thuyền trôi bồng bềnh, các bức tường nhà chao đi, chao lại. Tiếng Trung rơi lõm bõm vào tai tôi như tiếng người thở đứt quãng… Chúng tôi đi trinh sát thì lọt vào ổ phục kích của địch… Gần hết đạn mà địch vẫn tràn lên rất đông… Anh Trung phải quay lại báo cho đơn vị biết thôi… Không!… Nghe em, anh còn bé Sơn, đừng để bé Sơn phải mất bố… Tôi, hạ sỹ Nguyễn Thành Nguyên ra lệnh cho binh nhất Nguyễn Văn Trung phải chấp hành mệnh lệnh… Khi đơn vị tôi diệt xong ổ phục kích của địch, đến nơi thì Nguyên đã tắt thở, trên người có chín vết đạn bắn vào… Bóng đèn giữa nhà tỏa ra quầng xanh, đỏ, vàng giống như ánh đèn các mầu rọi vào chỗ chị em mình đứng đón giao thừa hôm nào, đúng không Nguyên?… Có phải Nguyên đấy không?… Đừng buồn chị nhé, đi bộ đội về em sẽ học ra trò cho mà xem… Em sẽ vẽ tặng chị bức tranh to đúng bằng người chị hôm cưới… Mặc thử áo len này đi, chị đan cho em đấy… Ôi, em không giơ tay lên được; đau quá, chúng nó bắn em. Chúng tưởng thế là chia rẽ được chị em mình chắc…
(5) Ai để hòn than lên ngực tôi thế này. Trời ơi, bức bối quá! Cả chiếc khăn quàng cổ này nữa, vứt đi! Đột nhiên người tôi run bắn lên như chạm phải lửa, nước mắt cứ thế chảy ra không sao ngăn được. Hãy chỉ đứa nào bắn em, Nguyên, chị sẽ trả thù cho em. Đừng bỏ chị, em ơi..!
(6) (…) Tôi ngồi lần giở ba lô của Nguyên. Có hai bộ áo quần bộ đội bạc mầu. Còn một chiếc áo bộ đội nữ – có lẽ là chiếc áo mà Nguyên đã viết thư kể cho tôi: “Em lấy chiếc áo mới phát nhờ cô cấp dưỡng cắt và tự tay khâu lấy cho chị. Chẳng hiểu có vừa với người chị không?”. Một tập tranh vẽ cuộn tròn rất kỹ, xếp giữa mấy bộ áo quần. Và cuối cùng là chiếc hộp sắt nhỏ, dẹt, hình chữ nhật. Tôi mở ra, bên trong có ba bức ảnh đã ngả màu vàng. Một bức ảnh người đàn ông, một bức ảnh người phụ nữ, đằng sau là chữ Nguyên viết hồi còn bé “Đây là bố”, “Đây là mẹ”. Còn bức ảnh thứ ba, đứa bé đang lẫy đằng sau có ghi dòng chữ: “… Mặt trời bé con của mẹ”.
(7) (…) Tôi đã tìm đưa cho bố mẹ Nguyên ảnh chân dung họ thời trẻ. Họ đã khóc. Người đàn ông gục mặt vào song cửa, lặng lẽ lau mắt, còn người phụ nữ thì òa lên. Cả hai nơi tôi không ngồi lại lâu, chẳng phải vì tôi ghét bỏ họ, trái lại tôi còn thương họ nữa, nhưng quả thật tôi không thể nói chuyện với họ được. Còn bức ảnh đứa trẻ đang tập lẫy thì tôi giữ, tôi thấy mình có quyền làm việc ấy. Giữ bức ảnh đó, là giữ mãi hình ảnh của Nguyên khi buồn bã, khi cười đùa… là giữ mãi một cuộc đời cho cuộc đời mình. Con người đi qua, ánh sáng còn để lại mãi, phải vậy không? Và, em là mặt trời bé con của chị, phải vậy không, Nguyên?

(Trích “Mặt trời bé con của tôi”Thùy Linh)

Đề 1: Trắc nghiệm + Tự luận

Lựa chọn đáp án đúng ( Mỗi câu 0.5 điểm):

Câu 1: Xác định thể loại của văn bản trên:

  1. Tiểu thuyết
  2. Tự truyện
  3. Truyện ngắn
  4. Hồi kí

Câu 2: Tác phẩm sử dụng ngôi kể nào?

  1. Ngôi thứ nhất
  2. Ngôi thứ hai
  3. Ngôi thứ ba
  4. Ngôi kể linh hoạt

Câu 3: Dấu (…) ở đầu đoạn 6 và đoạn 7 biểu thị điều gì?

  1. Sự ngập ngừng
  2. Phần tỉnh lược
  3. Nỗi đau đớn
  4. Những điều chưa nói hết

Câu 4: Tác giả đã sử dụng điểm nhìn nào ở đoạn (5)?

  1. Điểm nhìn bên trong
  2. Điểm nhìn bên ngoài
  3. Kết hợp điểm nhìn bên trong và bên ngoài
  4. Điểm nhìn siêu cá thể

Câu 5: Người kể chuyện trong tác phẩm trên có vai trò gì?

  1. Là người chứng kiến và kể lại câu chuyện
  2. Là người tham gia vào câu chuyện và kể lại câu chuyện
  3. Là nhân vật trong câu chuyện
  4. Là người kể lại câu chuyện được nghe từ người khác

Câu 6: Vì sao anh Trung lại quay mặt đi khi bắt gặp cái nhìn của tôi?

  1. Vì xấu hổ, ngượng ngùng
  2. Vì “tôi” có cái nhìn soi mói
  3. Vì sắp phải nói điều gây đau đớn cho “tôi”
  4. Vì quá mệt mỏi, đau đớn

Câu 7: “Tôi” giữ lại bức ảnh thủa nhỏ của Nguyên vì:

  1. thấy mình có quyền làm việc ấy
  2. giữ mãi hình ảnh của Nguyên
  3. giữ mãi một cuộc đời cho cuộc đời mình
  4. giữ mãi hình ảnh của Nguyên khi buồn bã, khi cười đùa… là giữ mãi một cuộc đời cho cuộc đời mình

Trả lời câu hỏi:

Câu 8 (0.5điểm): Đoạn văn (6) sử dụng biện pháp nghệ thuật gì? Nêu tác dụng của biện pháp nghệ thuật đó.

Câu 9 (1.0 điểm): Anh/chị hiểu như thế nào về câu:Con người đi qua, ánh sáng còn để lại mãi?

Câu 10 (1.0 điểm): Điều gì đọng lại sâu sắc nhất trong anh/chị sau khi đọc văn bản trên?

Đề 2: Tự luận

Câu 1(0.5 điểm): Xác định thể loại của văn bản trên.

Câu 2 (0.5 điểm): Tác phẩm sử dụng ngôi kể nào?

Câu 3 (1.0 điểm): Người kể chuyện trong tác phẩm trên có vai trò gì?

Câu 4 (1.0 điểm): Đoạn văn (6) sử dụng biện pháp nghệ thuật gì? Nêu tác dụng của biện pháp nghệ thuật đó.

Câu 5 (1.0 điểm): Anh/chị hiểu như thế nào về câu văn: Con người đi qua, ánh sáng còn để lại mãi, phải vậy không??

Câu 6 (2.0 điểm): Điều gì đọng lại sâu sắc nhất trong anh/chị sau khi đọc văn bản trên?

  1. LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật trong tác phẩm trên.

Hướng dẫn đáp án chi tiết  

  1. ĐỌC – HIỂU

Đề 1: Trắc nghiệm + Tự luận

Câu 1: c

Câu 2: a

Câu 3: b

Câu 4: a

Câu 5: b

Câu 6: c

Câu 7: d

Câu 8: Biện pháp liệt kê.

Tác dụng:    – Liệt kê những đồ đạc, kỉ vật còn lại của Nguyên.

– Thể hiện nỗi đau đớn của “tôi” trước sự hi sinh của Nguyên và sự nâng niu, trân trọng, yêu thương những kỉ vật đó.

Câu 9: Tác giả sử dụng phép ẩn dụ để nói lên quan niệm: con người dù chết đi nhưng vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách của họ vẫn còn mãi, soi rọi tâm hồn những người còn sống.

Câu 10: Học sinh nêu suy nghĩ, cảm xúc cá nhân miễn hợp lí, thuyết phục.

Gợi ý:

– Cần biết sống yêu thương, đùm bọc, chia sẻ.

– Tình cảm chị em Nguyên vô cùng xúc động, đáng trân quý.

– Tấm gương nghị lực sống của Nguyên.

– Sống có lí tưởng và sẵn sàng xả thân vì lí tưởng.

Đề 2: Tự luận

Câu 1: Thể loại truyện ngắn.

Câu 2: Ngôi kể thứ 3.

Câu 3: Là người tham gia vào câu chuyện và kể lại câu chuyện.

Câu 4: Biện pháp liệt kê.

Tác dụng:    – Liệt kê những đồ đạc, kỉ vật còn lại của Nguyên.

– Thể hiện nỗi đau đớn của “tôi” trước sự hi sinh của Nguyên và sự nâng niu, trân trọng, yêu thương những kỉ vật đó.

Câu 5: Tác giả sử dụng phép ẩn dụ để nói lên quan niệm: con người dù chết đi nhưng vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách của họ vẫn còn mãi, soi rọi tâm hồn những người còn sống.

Câu 6: Học sinh nêu suy nghĩ, cảm xúc cá nhân miễn hợp lí, thuyết phục.

Gợi ý:

– Cần biết sống yêu thương, đùm bọc, chia sẻ.

– Tình cảm chị em Nguyên vô cùng xúc động, đáng trân quý.

– Tấm gương nghị lực sống của Nguyên.

– Sống có lí tưởng và sẵn sàng xả thân vì lí tưởng.

  1. LÀM VĂN (Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây, yêu cầu hướng dẫn chi tiết)
  2. Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn về tác phẩm và phương diện nghệ thuật của tác phẩm mà bài viết sẽ tập trung làm rõ.

– “Mặt trời bé con của tôi” là truyện ngắn của tác giả Thùy Linh.

– Tác phẩm là bài ca buồn mà đẹp về tình người, tình chị em và về những phẩm chất cao quý của con người.

– Nổi bật trong tác phẩm là nghệ thuật trần thuật hấp dẫn, đặc biệt là nghệ thuật xây dựng cốt truyện, nhân vật, … và vai trò của người kể chuyện trong tác phẩm.

  1. Thân bài:

* Mô tả và đánh giá cách nhà văn kiến tạo truyện (câu chuyện, cách tổ chức mạch truyện)

– Câu chuyện: Truyện kể về cuộc gặp gỡ tình cờ của nhân vật “tôi” và cậu bé có số phận thiệt thòi tên Nguyên. Bố mẹ cậu li dị, bỏ rơi hai anh em, anh đi từ, chỉ mình Nguyên sống đơn độc. Đồng cảm, hai người đã yêu thương, gắn bó như chị em ruột thịt. Nguyên bỏ học, đi làm ở xưởng vẽ. Đứng trước cơ hội được đi học trường Cao đẳng Mĩ thuật mà cậu luôn mơ ước, Nguyên lại lựa chọn đi bộ đội. Trong một lần đi trinh sát, rơi vào ổ phục kích của địch, Nguyên đã tình nguyện ở lại giữ chân giặc để đồng đội trở về báo cáo đơn vị. Nguyên đã hi sinh anh dũng.

– Cách tổ chức mạch truyện: Truyện được kể theo trình tự thời gian tuyến tính. Không gian hầu hết xoay quanh căn phòng nhỏ của Nguyên và ngôi nhà của “tôi”. Lời kể giản dị, tự nhiên mà cảm động, thấm thía.

* Chỉ ra đặc điểm của người kể chuyện trong truyện ngắn (ngôi kể, điểm nhìn)

– Người kể chuyện ở ngôi thứ nhất, vừa là nhân vật tham gia vào câu chuyện vừa là người kể lại chuyện.

– Điểm nhìn trong tác phẩm khá linh hoạt. Bên cạnh điểm nhìn bên ngoài quan sát, miêu tả, kể lại sự việc, nhân vật thì điểm nhìn bên trong giúp bộc lộ được nỗi niềm, tâm trạng sâu sắc của nhân vật tôi.

* Phân tích vai trò của ngôi kể, điểm nhìn và lời trần thuật trong việc khắc họa nhân vật

– Nhân vật “tôi”: tác giả sử dụng lời kể tái hiện hành động, cử chỉ, thái độ của nhân vật, lời độc thoại nội tâm, ngôi kể thứ nhất và điểm nhìn bên trong, diễn biến tâm trạng, suy nghĩ của nhân vật tôi được khắc họa chân thực, sâu sắc. Đó là người chị có tấm lòng nhân hậu, yêu thương em tha thiết. Nỗi đau tột cùng khi đón nhận tin em hi sinh đã được soi chiếu từ điểm nhìn nội tâm tạo niềm xúc động cho người đọc.

– Nhân vật Nguyên: chỉ xuất hiện thấp thoáng trong đoạn trích nhưng qua lời kể tái hiện hành động, lời nói, điểm nhìn bên ngoài khách quan, chân dung người chiến sĩ anh dũng hi sinh đã tạo dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc.

* Đánh giá hiệu quả của nó (Chỉ ra mối liên hệ giữa người kể chuyện trong tác phẩm và nhà văn)

Nhà văn hóa thân vào người kể chuyện, dồng thời là nhân vật trong truyện để bộc lộ tâm trạng chân thật, tự nhiên, giàu cảm xúc, tăng sức thuyết phục, lay động tâm can người đọc.

  1. Kết bài: Khẳng định giá trị nghệ thuật của tác phẩm truyện

Nghệ thuật tự sự đặc sắc qua miêu tả tâm lí nhân vật, sử dụng ngôi kể thứ nhất, điểm nhìn linh hoạt… tạo nên sự thành công cho tác phẩm.

Bài viết tham khảo:

“Mặt trời bé con của tôi” là truyện ngắn của tác giả Thùy Linh từng được giải nhất cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ năm 1985. Tác phẩm là bài ca buồn mà đẹp về tình người, tình chị em và về những phẩm chất cao quý của con người. Nổi bật trong tác phẩm là nghệ thuật trần thuật hấp dẫn, đặc biệt là nghệ thuật xây dựng cốt truyện, nhân vật, … và vai trò của người kể chuyện trong tác phẩm.

Truyện kể về cuộc gặp gỡ tình cờ của nhân vật “tôi” và cậu bé có số phận thiệt thòi tên Nguyên. Bố mẹ cậu li dị, bỏ rơi hai anh em, anh đi từ, chỉ mình Nguyên sống đơn độc. Đồng cảm, hai người đã yêu thương, gắn bó như chị em ruột thịt. Nguyên bỏ học, đi làm ở xưởng vẽ. Đứng trước cơ hội được đi học trường Cao đẳng Mĩ thuật mà cậu luôn mơ ước, Nguyên lại lựa chọn đi bộ đội. Trong một lần đi trinh sát, rơi vào ổ phục kích của địch, Nguyên đã tình nguyện ở lại giữ chân giặc để đồng đội trở về báo cáo đơn vị. Nguyên đã hi sinh anh dũng. Đoạn trích miêu tả hoàn cảnh, tâm trạng của nhân vật “tôi” khi đón nhận tin Nguyên đã hi sinh và cầm trên tay những di vật của Nguyên. Truyện được kể theo trình tự thời gian tuyến tính, có đan xen hồi ức của “tôi” và lời kể của anh Trung tái hiện hoàn cảnh Nguyên hi sinh. Không gian trong đoạn trích hầu hết xoay quanh ngôi nhà của “tôi”. Nơi đó, “tôi” đan áo len cho Nguyên. Nơi đó, Trung đến báo tin Nguyên đã hi sinh. Nơi đó, “tôi” lần giở từng kỉ vật. Nơi đó, tâm hồn “tôi” tràn ngập nỗi đau đớn dường như không thở nổi. Nơi đó, Nguyên sống mãi trong nỗi nhớ, trong hoài niệm, trong cuộc đời “tôi”. Tác giả sử dụng lời kể giản dị, tự nhiên mà cảm động, thấm thía. Nhờ vậy, từng vẻ đẹp của nhân vật và cả nỗi đau của con người đều dễ dàng chạm vào tâm hồn người đọc, làm rung lên những mĩ cảm khôn nguôi.

Nhà văn xây dựng người kể chuyện ở ngôi thứ nhất, vừa là nhân vật tham gia vào câu chuyện vừa là người kể lại chuyện. Bởi vậy, tình cảm, cảm xúc được tái hiện chân thực và đầy sức thuyết phục. Đó là tiếng lòng của người trong cuộc, là niềm vui nỗi đau mà nhân vật trực tiếp trải nghiệm. Văn học là câu chuyện của trái tim. Bởi vậy nó đã tạo nên mỗi dây đồng cảm xót xa giữa người đọc và nhà văn, giữa người nghe chuyện và người kể chuyện. Có những đoạn tác giả sử dụng phương thức trần thuật nửa trực tiếp, nhập thân vào ý thức của Nguyên trong những giây phút cuối cùng, làm nên cuộc nói chuyện trong tưởng tượng đầy đớn đau, gây xúc động mãnh liệt cho người đọc.

Điểm nhìn trong tác phẩm khá linh hoạt. Bên cạnh điểm nhìn bên ngoài quan sát, miêu tả, kể lại sự việc, nhân vật thì điểm nhìn bên trong giúp bộc lộ được nỗi niềm, tâm trạng sâu sắc của nhân vật tôi. Di chuyển điểm nhìn từ ngoài vào trong cho cái nhìn vừa khách quan vừa chủ quan khi soi rọi nhân vật dưới các điểm nhìn khác nhau. Điểm nhìn không gian, điểm nhìn thời gian được kết hợp nhuần nhuyễn. Ánh sáng đèn giữa nhà tỏa ra quầng xanh, đỏ, vàng như dẫn đường về quá khứ, giống như ánh đèn các mầu rọi vào chỗ chị em Nguyên đứng đón giao thừa hôm nào. Sự đồng hiện của quá khứ – hiện tại càng làm tăng thêm sự mất mát, bi thương của thực tại.

Nhân vật “tôi”: tác giả sử dụng lời kể tái hiện hành động, cử chỉ, thái độ của nhân vật, lời độc thoại nội tâm, ngôi kể thứ nhất và điểm nhìn bên trong, diễn biến tâm trạng, suy nghĩ của nhân vật tôi được khắc họa chân thực, sâu sắc. Đó là người chị có tấm lòng nhân hậu, yêu thương em tha thiết. Nỗi đau tột cùng khi đón nhận tin em hi sinh đã được soi chiếu từ điểm nhìn nội tâm tạo niềm xúc động cho người đọc. Tấm áo len màu xám được người chị gửi gắm vào đó bao yêu thương, bao quan tâm săn sóc. Chị đan áo để gửi em bởi mùa đông biên giới rất lạnh. Chẳng biết có gửi được lên cho em không nhưng chị vẫn đan. Chị đan vào đó nhớ nhung, dệt vào đó niềm trìu mến. Để rồi tấm áo lan đó mãi còn dang dở… Niềm vui sướng của chị khi đồng chí của em đến chơi nhà, để có thể hỏi thăm tin tức về em được thể hiện qua hành động hấp tấp pha nước, hỏi chuyện ríu rít khiến khách không kịp trả lời. Và rồi, với linh cảm của người chị, chị run run hỏi: “Có chuyện gì xảy ra với Nguyên phải không anh?” và câu trả lời đã khiến chị như rơi khỏi thực tại “anh ấy nói gì thế nhỉ”, không gian xung quanh chao đảo trước tin Nguyên hi sinh quá đột ngột “Tôi thấy mình đang ngồi trên con thuyền trôi bồng bềnh, các bức tường nhà chao đi, chao lại”. Trong tột cùng đau thương, chị cảm thấy “Ai để hòn than lên ngực tôi thế này. Trời ơi, bức bối quá!”, muốn được đi trả thù cho em xin em đừng bỏ chị. Lời nói, cảm xúc, suy nghĩ của cả ba nhân vật: tôi, Trung, Nguyên đan cài vào nhau. Những lời nói trong thực tại. Những lời xưa trong kí ức. Những lời tưởng tượng trong cuộc đối thoại không bao giờ có thật… tất cả làm nên những dòng văn ám ảnh, day dứt, xót xa…

Nhân vật Nguyên chỉ xuất hiện thấp thoáng trong đoạn trích nhưng qua lời kể tái hiện hành động, lời nói, điểm nhìn bên ngoài khách quan, chân dung người chiến sĩ anh dũng hi sinh đã tạo dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc. Đó là cậu bé có số phận thiệt thòi nhưng giàu lòng tự trọng, ý chí kiên cường, mạnh mẽ. Nguyên sống có lí tưởng, sẵn sàng từ bỏ việc học, việc mà cậu luôn mong muốn, khát khao để theo đuổi lí tưởng lớn, trở thành người lính xả thân bảo vệ Tổ quốc. Nguyên còn hiện lên là cậu bé sống tình cảm, yêu quý chị tha thiết. Dù không phải ruột thịt nhưng cậu yêu quý, nghe lời chị, đang đi bộ đội nơi xa, cậu vẫn tự tay cắt, khâu lấy chiếc áo bộ đội nữ để dành tặng chị. Không chỉ thế, trước tình huống đối mặt với cái chết, Nguyên dũng cảm đối mặt với nó, nhường phần sự sống cho đồng đội bởi vì “anh còn bé Sơn, đừng để bé Sơn phải mất bố”. Vẻ đẹp của nhân vật Nguyên tỏa sáng toàn bộ thiên truyện, gieo vào lòng người niềm khâm phục, ngưỡng mộ và cả những hạt giống thiên lương tốt lành.

Nhà văn hóa thân vào người kể chuyện, dồng thời là nhân vật trong truyện để bộc lộ tâm trạng chân thật, tự nhiên, giàu cảm xúc, tăng sức thuyết phục, lay động tâm can người đọc. Là một nhà văn nữ, Thùy Linh đã thể hiện trái tim phụ nữ nhạy cảm, tràn ngập yêu thương. Tác phẩm thấm đẫm nước mắt nhân văn làm mềm trái tim độc giả trong niềm đồng cảm sâu xa.

Nghệ thuật tự sự đặc sắc qua miêu tả tâm lí nhân vật, sử dụng ngôi kể thứ nhất, điểm nhìn linh hoạt… tạo nên sự thành công cho tác phẩm. “Mặt trời bé con của tôi” không chỉ tỏa sáng trong truyện ngắn của Thùy Linh mà còn tỏa sáng trong tâm hồn người đọc.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *