VIẾT VĂN BẢN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT TÁC PHẨM TRUYỆN
(Giới hạn:Truyện ngắn hiện đại Việt Nam)
BỘ KẾT NỐI
Đề bài: (Theo ma trận của Bộ Giáo Dục)
- ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu: (Trắc nghiệm)
{…}Gió lạnh đã quét sạch oi ả và nồng nực đi, để lại một khí trời mát mẻ dễ chịu. Mưa lộp bộp lia mạnh xuống mái nhà. Rồi ngừng… rồi lại mưa… Tia chớp thoáng qua vạch rõ những khe cửa. Mưa gió đã làm cho tôi bớt căng thẳng với Thạ hơn. Một luồng gió rít mạnh, thổi bật cánh cửa sổ. Khí lạnh ùa vào, tràn lên da thịt sởn gai. Một khung sáng mờ mờ hình chữ thật có giọc đen hiện ra. Bên ngoài bóng mấy tàu chuối quằn quại đập vào nhau phành phạch. Tôi vội đóng cửa sổ lại, với thêm chiếc chiếu trên sà nhà xuống đắp cho ấm. Mưa gió vẫn sầm sập. Chúng tôi vẫn chưa ai ngủ được. Tự nhiên cái gì xích Thạ nằm lại gần thêm. Hắn nói qua tiếng thở dài:
– Đời em khổ lắm, anh Ứng ạ.
Tôi biết hắn có tâm sự gì muốn nói nên im lặng.
– U em lại bước đi bước nữa!
Tiếng hắn nói ngụ một nỗi gì vừa thống khổ, vừa hờn giận. Chợt tôi cũng thở dài một tiếng khe khẽ, như nén xuống nỗi dày vò của hắn: “Lại bước đi bước nữa”. Trời! thật là mỉa mai chua chát. Thì ra mẹ hắn đã đi bước nữa nhiều lần. Im lặng một lúc khá lâu, lại nghe hắn cất tiếng kể tiếp bằng một giọng đều đều não nuột:
– Em nói thật đời em. Anh đừng khinh em nhé. Anh ạ, mẹ em là cô đầu chính tông. Ông bà ngoại em sinh được bốn người con gái làm cô đầu cả bốn. Trước khi lấy thầy em, mẹ em đã tằng tịu với một ông Lục sự; đẻ được một người con trai. Được ít lâu ông Lục ấy phải đổi đi xa. Xem chừng ông ta cũng không giàu có gì. Mẹ em bỏ thẳng cánh. Thầy em lấy mẹ em về; nhà có vợ cả. Vốn là người đanh đá lại cậy thế thầy em chiều chuộng, mẹ em lấn quyền hành hạ các anh con mẹ già em khổ lắm. Đấy là thời kỳ sung sướng nhất trong đời em. Em đi học đến lớp ba thì thầy em mất. Sẵn có ít vốn riêng, mẹ em trở lại nghề cũ; mở nhà hát cô đầu. Được vài năm cảnh nhà sa sút dần. Em phải thôi học về nhà làm thằng nhỏ. Anh ạ…
Tiếng hắn bị ngắt nghẹn lại. Im lặng một lát, hắn thở dài buồn bã kể tiếp:
– Anh ạ, em không thể nào ở nhà trông thấy mẹ em bị ôm ấp trong cánh tay những người đàn ông khác. Thế rồi em trốn nhà đi, theo một ban hát đồng ấu. Ngót một năm trời, em vẫn chưa biết hát, chỉ sắm những vai quân kiếc xì xằng thôi. Rồi em bị đuổi vì đánh nhau với thằng kép chính. Không còn bám víu vào đâu mà sống được nữa, em đành phải trở về với mẹ em, làm thằng nhỏ nhà cô đầu vậy. Từ ngày thầy em mất đi, mẹ em cải giá lần này vừa đúng ba bận. Mấy lần trước, người thì có vợ cả ác nghiệt, người không đủ tiền “bao”, mẹ em bỏ cả. Lần này chắc cha mẹ em yên thân lắm. Mẹ em lấy một ông phán đã có tuổi ở Bắc Kạn, giàu có lại hóa vợ. Ông ta nhất định không cho mẹ em đem em theo. Vì ông kiêng không muốn rước cái nợ vào người. Anh ạ, mẹ em đi đã hơn hai tháng nay rồi. Không biết sao vẫn chưa gửi tiền về cho em. Quần áo, em phải bán đi để trả tiền ăn, chứ có phải mất trộm như em nói với anh ban chiều đâu. Nếu mẹ em không gửi tiền về, em không biết làm thế nào mà sống được.
Nói đến đấy hắn gục đầu vào ngực tôi khóc nức nở. Tôi không biết an ủi thế nào trong lúc người ta vô cùng đau khổ này. Ngoài nhà đồng hồ thong thả điểm hai tiếng. Tôi đưa tay lên nhè nhẹ vuốt tóc hắn.
Bằng một giọng rất âu yếm, tôi bảo:
– Thôi, khuya rồi, ngủ đi?
° ° °
Vì công việc hàng ngày, câu chuyện thương tâm trong đêm mưa gió không còn trở lại quấy rối trong óc tôi nữa.
Mãi đến một hôm, trời nắng chang chang…
Tôi phải đi sát vào vỉa hè cho có bóng mát. Lưng tôi ướt dẫm mồ hôi. Hai mi mắt nặng nề buông xuống, sợ ánh sáng. Mùi rác rưởi, mùi cống rãnh bay tản mác khắp các ngõ, ẩm thấp, nồng nực; mùi quen thuộc của một phố nghèo. Bỗng tiếng rao kem Nhật vang lên, rướn lên. Nghe quen quen, tôi quay lại. Thì ra Thạ.
Thoáng thấy tôi, hắn đội lệch cái mũ trắng rúm ró che mặt rồi quay ngoắt vào phố khác. Độ này hắn gầy quá. Quần áo rộng lùng bùng. Sợi đã bợt nên mặc dầu vá chằng vá đụp, áo nó vẫn rách tả tơi, để hở những miếng da đen sạm vì cháy nắng. Bóng cậu học trò xinh xẻo, trắng trẻo không còn ở hắn nữa.
Tôi bùi ngùi nhìn theo. Nhớ đến mẹ hắn hiện giờ đang yên thân no ấm, bỏ mặc đứa con bé dại, trơ vơ, tôi giận và buồn vẩn vơ.
– Kem! Kem ơ!
Tiếng rao kem từ cuối xóm thoảng vọng lại…
Trích “ Đứa con người cô đầu” – Kim Lân (Tuyển tập truyện ngắn Kim Lân, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2010)
Đề 1: Trắc nghiệm + Tự luận
Lựa chọn đáp án đúng ( Mỗi câu 0.5 điểm): Điểm nhìn, ngôi kể… bám sát nội dung tri thức bài 1
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên là gì?
- Tự sự. B. Biểu cảm.
- Miêu tả. D. Thuyết minh.
Câu 2. Văn bản trên thuộc thể loại nào?
- Truyện thần thoại. B. Sử thi.
- Truyện cổ tích. D. Truyện ngắn hiện đại.
Câu 3. Xác định các nhân vật chính trong truyện?
A.Thạ . C.Tác giả
B.Người mẹ và Thạ D.Nhân vật ‘Tôi’
Câu 4: Đoạn trích trên được kể theo ngôi thứ mấy?
- Ngôi thứ nhất.
- Ngôi thứ hai.
- Ngôi thứ ba.
- Có sự thay đổi về ngôi kể, kết hợp cả ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba.
Câu 5: Truyện được kể ở điểm nhìn trần thuật nào?
- Điểm nhìn của tác giả. B. Điểm nhìn của nhân vật “tôi”
- Điểm nhìn của nhân vật Thạ D. Điểm nhìn của mẹ Thạ.
Câu 6: Ý nào dưới đây đánh giá đúng về tình cảm, thái độ của người kể chuyện trước tình cảnh của nhân vật Thạ trong đoạn trích?
- Biết ơn B. Trân trọng
- Đồng cảm, xót thương D. Lên án, tố cáo.
Câu 7: Theo em, Thạ là người có số phận như thế nào?
- Giàu có, đủ đầy
- Sung sướng, hạnh phúc, được mẹ yêu thương.
- Nghèo khổ, bất hạnh, bố mất, mẹ đi bước nữa, bị mẹ bỏ rơi
- Bất hạnh, cha mẹ mất sớm
Trả lời câu hỏi:
Câu 8 (0.5điểm): Nội dung chính trong đoạn trích trên là gì?
Câu 9 (1.0 điểm): Ứng thể hiện thái độ như thế nào khi nghĩ đến việc mẹ Thạ hiện giờ đang yên thân no ấm, bỏ mặc Thạ trơ vơ?/ Theo anh/ chị, mẹ của Thạ có phải là người mẹ tốt không? Vì sao?
Câu 10 (1.0 điểm): Cảm hứng chủ đạo của đoạn truyện trên là gì?
Đề 2: Tự luận
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích?
Câu 2: Đoạn trích trên được kể theo ngôi thứ mấy? Ai là người kể?
Câu 3: Anh (chị) hãy nêu hoàn cảnh sống của nhân vật Thạ?
Câu 4: Nhân vật Ứng đã có thái độ như thế nào sau khi nghe tâm sự của Thạ? Tìm những chi tiết trong văn bản chứng tỏ điều đó?
Câu 5: Qua lời tâm sự của Thạ với anh Ứng. Anh (chị) cảm nhận như thế nào về người mẹ của Thạ?
Câu 6: Chi tiết nào trong văn bản khiến em cảm động nhất? Vì sao?
- LÀM VĂN (4,0 điểm)
Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật trong tác phẩm trên.
Hướng dẫn đáp án chi tiết
- ĐỌC – HIỂU
Đề 1: Trắc nghiệm + Tự luận
Câu 1:A
Câu 2:D
Câu 3:A
Câu 4:A
Câu 5:D
Câu 6:A
Câu 7:C
Trả lời câu hỏi:
Câu 8 (0.5điểm): Đoạn trích là lời tâm sự của Thạ với nhân vật “tôi” về cuộc đời khổ cực, bất hạnh của mình sau khi mẹ đi thêm bước nữa.
Câu 9 (1.0 điểm):
Ứng càng bùi ngùi, xót thương cho số phận bất hạnh của Thạ thì càng giận, càng mỉa mai, chua chát trước sự vô trách nhiệm của người làm mẹ mà chỉ biết “ấm thân mình” còn thiếu trách nhiệm, bỏ rơi con cái/ Theo em, mẹ của Thạ không phải là người mẹ tốt vì đã bỏ rơi đứa con bé dại, bơ vơ để đi bước nữa nhiều lần tìm hạnh phúc cho riêng mình.
Câu 10: (1.0 điểm):
Cảm hứng chủ đạo:
– Đồng cảm xót thương trước cuộc đời, số phận hẩm hiu, bất hạnh, khổ đau của Thạ.
– Lên án, phê phán mẹ Thạ- một người phụ nữ không chung tình, thiếu trách nhiệm, bỏ rơi con cái để đi tìm hạnh phúc cho riêng mình.
Đề 2: Tự luận
Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên là: Tự sự
Câu 2:
– Đoạn trích trên được kể theo ngôi thứ nhất
-Người kể chuyện là nhân vật Tôi
Câu 3: Hoàn cảnh sống của nhân vật Thạ
-Thạ là người con của một cô đầu. Mẹ Thạ đã nhiều lần lấy chồng. Cha Thạ mất, mẹ vì không có nghề nghiệp nên lại theo hát cô đầu, sau đó bỏ Thạ đi bước nữa nhiều lần.
-Thạ sống thiếu tình yêu thương của cha mẹ. Cuộc sống tạm bợ, khổ sở, mất hết đi sự ngây thơ trong sáng. Thạ phải tự nuôi sống chính mình bằng nghề bán kem dạo.
Câu 4:
– Đồng cảm, xót thương cho hoàn cảnh của Thạ
– An ủi, động viên
Câu 5: Mẹ của Thạ không phải là người mẹ tốt mà là người mẹ sống ích kỉ chỉ biết bản thân mình. Vì đã không cho Thạ một tuổi thơ đẹp, không quan tâm chăm sóc Thạ, không quan tâm đến cảm xúc của Thạ
-Khi mẹ đi bước nữa, mẹ không cho Thạ đi theo vì người chồng mới của mẹ không đồng ý cho Thạ theo. Mẹ đã bỏ mặc Thạ ở lại, quên luôn Thạ, không gửi tiền cùng không liên lạc gì.
Câu 6:
– HS chọn được một chi tiết
– Lý giải vì sao chọn chi tiết đó (Gợi ý: xét về nội dung chi tiết đó có vai trò như thế nào trong tác phẩm; về nghệ thuật làm cho tác phẩm đặc sắc không?)
- LÀM VĂN (Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây, yêu cầu hướng dẫn chi tiết)
- 1. Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn về tác phẩm và phương diện nghệ thuật của tác phẩm mà bài viết sẽ tập trung làm rõ.
Tác giả:
-Kim Lân là một trong những cây bút chuyên viết truyện ngắn hàng đầu của nền văn học Việt Nam hiện đại. Chủ yếu viết về đề tài người nông dân và nông thông Việt Nam trước CM.
-Là một minh chứng cho quan điểm “quý hồ tinh bất quý hồ đa”.
-Nhà văn Nguyên Hồng nhận xét về Kim Lân: “Kim Lân là nhà văn một lòng đi về với đất và người, với những thuần hậu và nguyên thủy của cuộc sống nông thôn”.
Tác phẩm:
“Đứa con người cô đầu” được Kim Lân sáng tác trước cách mạng tháng 8/1945. Đây là một trong những truyện ngắn đặc sắc thể hiện được không khí tiêu điều, ảm đạm của nông thôn Việt Nam và cuộc sống lam lũ vất vả của người nông dân thời kì đó.
Qua đó cho chúng ta thấy rõ cuộc sống và con người làng quê Việt Nam nghèo khổ nhưng tâm hồn luôn trong sáng, lạc quan, thật thà.
- Thân bài:
* Mô tả và đánh giá cách nhà văn kiến tạo truyện (câu chuyện, cách tổ chức mạch truyện)
Câu chuyện về cuộc đời của Thạ được kể qua lời kể của nhân vật “tôi”. Kể về cuộc đời bất hạnh của Thạ.
-Thạ là người con của một cô đầu. Mẹ Thạ đã nhiều lần lấy chồng. Cha Thạ mất, mẹ vì không có nghề nghiệp nên lại theo hát cô đầu, sau đó bỏ Thạ đi bước nữa nhiều lần.
-Thạ sống thiếu tình yêu thương của cha mẹ. Cuộc sống tạm bợ, khổ sở, mất hết đi sự ngây thơ trong sáng. Thạ sống trong cảnh túng thiếu, đói nghèo, làm đủ việc kiếm sống, thậm chí bán cả quần áo đi.
* Chỉ ra đặc điểm của người kể chuyện trong truyện ngắn (ngôi kể, điểm nhìn)
Đoạn trích “Đứa con người cô đầu” được kể theo ngôi thứ nhất qua lời của nhân vật “ tôi”, điểm nhìn hạn tri. Người kể chuyện đồng thời là nhân vật, có thể xuất hiện trong tác phẩm. (Vai trò của anh ta trong tác phẩm vừa là nhân vật vừa là người kể chuyện.)
* Phân tích vai trò của ngôi kể, điểm nhìn và lời trần thuật trong việc khắc họa nhân vật
+ Nhân vật tôi không thể hiểu hết những góc khuất trong cuộc đời của Thạ
Cho tới khi nghe Thạ tâm sự, Ứng mới hiểu gia cảnh Thạ sa sút, cha chết mẹ liên tục tái giá, thạ lâm vào tình thế khốn cùng.
+ Từ đó, người đọc hiểu ở chi tiết cuối truyện, dù không kể trong truyện nhưng có lẽ nhân vật tôi đã thực sự đồng cảm với cái ngượng nghịu của Thạ khi bị bắt gặp đi bán kem.
* Đánh giá hiệu quả của nó (Chỉ ra mối liên hệ giữa người kể chuyện trong tác phẩm và nhà văn)
– Nhà văn không sử dụng hết quyền năng toàn tri của mình để kể chuyện mà gửi gắm tư tưởng, quan điểm, tình cảm của mình vào một nhân vật trong truyện – Nhân vật Ứng. Chính điều đó tạo nên tính khách quan, chân thực cho câu chuyện được kể.
- Kết bài: Khẳng định giá trị nghệ thuật của tác phẩm truyện
Văn bản đã bộc lộ rõ nét phong cách nghệ thuật của nhà văn: Giọng văn chứa đựng tinh thần nhân đạo đã để lại cho độc giả nhiều suy ngẫm về phận đời của những con người đáng thương ở xã hội thực dân nửa phong kiến.
Ngôn ngữ: Mộc mạc, đời thường, giản dị => tái hiện thành công bối cảnh hiện thực của Việt Nam dưới chế độ thực dân nửa phong kiến trước Cách mạng tháng Tám.
Bài viết tham khảo:
Bàn về thiên thức của nhà văn, Nguyễn Minh Châu cho rằng: “Nhà văn tồn tại ở trên đời trước hết để làm công việc giống như kẻ nâng giấc cho những người cùng đường tuyệt lộ bị cái ác và số phận đen đủi, dồn đến chân tường để bênh vực cho những con người không có ai để bênh vực”. Trong tác phẩm “Đứa con người cô đầu” tác giả Kim Lân đã làm tròn thiên chức của một nhà văn chân chính khi lấy tấm lòng trong sáng và đầy xúc cảm của người nghệ sĩ để trò chuyện với tấm lòng luôn rỉ máu và nước mắt của nhân vật. Truyện để lại nhiều ấn tượng sâu đậm trong lòng độc giả không chỉ bởi giá trị nhân văn sâu sắc mà còn bởi tài năng sáng tạo nghệ thuật của nhà văn.
Kim Lân là một cây bút chuyên viết truyện ngắn “nhà văn một lòng đi về với đất và người, với những thuần hậu nguyên thủy của cuộc sống nông thôn. Những truyện ngắn của ông thường xoay quanh số phận của những người nông dân nghèo với giọng văn hóm hỉnh, sinh động, ngôn ngữ mộc mạc, giản dị, gần gũi với lời ăn tiếng nói của người lao động. Đoạn truyện được trích trong truyện ngắn “Đứa con người cô đầu” – một truyện ngắn hiện đại của nhà văn Kim Lân, là cuộc trò chuyện giữa Thạ và Ứng, Thạ kể về cuộc đời mình và người mẹ của mình cho Ứng nghe.
Câu chuyện về cuộc đời, số phận của Thạ được kể lại bằng giọng nghẹn ngào, đầy chua xót vào một đêm mưa lộp bộp lia mạnh xuống mái nhà “Khí lạnh ùa vào, tràn lên da thịt sởn gai” . Khi ấy, Thạ nằm xích lại gần và trải lòng kể về cuộc đời mình cho Ứng nghe. Thạ là con nhà cô đầu chính tông. Thạ là đứa trẻ kém may mắn bởi sớm mồ côi cha “Thầy Thạ mất khi Thạ mới học đến lớp ba”. Thiếu tình yêu thương của cha đã là một thiệt thòi rồi. Lẽ ra mẹ Thạ phải vừa làm mẹ, vừa làm cha để sưởi ấm tâm hồn thơ dại của Thạ. Ấy thế mà “từ ngày thầy Thạ mất, mẹ Thạ đã cải giá lần này là vừa đúng ba bận”. Mẹ Thạ đúng là người mẹ vô tâm, thiếu trách nhiệm với con cái thậm chí là người mẹ ích kỉ, chỉ biết đi tìm hạnh phúc mới cho mình mà không nghĩ đến tâm hồn Thạ bị tổn thương. Vì không muốn chứng kiến cảnh “mẹ bị ôm ấp trong cánh tay những người đàn ông khác” nên Thạ đã bỏ nhà, theo một ban hát đồng ấu. Từ ngày theo ban hát đã gần một năm mà Thạ vẫn chưa biết hát, chỉ sắm những vai quân kiếc xì xằng thôi. Rồi Thạ bị đuổi vì đánh nhau với thằng kép chính. Không còn bám víu vào đâu mà sống nên Thạ đành phải trở về với mẹ làm thằng nhỏ nhà cô đầu. Theo lời kể của Thạ thì lần cải giá thứ ba, mẹ Thạ lấy một ông phán đã có tuổi ở Bắc Kạn, giàu có lại hóa vợ. Ông nhất định không cho mẹ đem Thạ theo vì không muốn “rước cái nợ vào người”. Nỗi đau chồng chéo nỗi đau Thạ quả thật đáng thương, cậu trở thành một đứa thừa thãi vô hình trong mắt người thân duy nhất của mình. Có lẽ, cuộc sống của Thạ dường như không có và cũng không thể có được sự quan tâm hay tình cảm từ phía gia đình cậu chỉ biết người mẹ để lại vài chút đồng bạc rồi đi cùng người mới. Thế là Thạ lại bơ vơ, không biết bám víu vào đâu, hai tháng rồi mẹ không gửi tiền cho Thạ khiến nó phải bán quần áo đi để trả tiền ăn. Cuộc sống của Thạ vô cùng bấp bênh, phải tự mình lặn lộn kiếm sống: theo một ban hát đồng ấu rồi lại đi bán kem dạo, cuộc sống vô cùng khó khăn, vất vả: “hình ảnh của Thạ giờ đây đã gầy, quần áo tả tơi, không còn là cậu học trò trắng trẻo nữa”. Lẽ ra còn đang ở độ tuổi được chăm no, được học hành tử tế, được cha mẹ yêu thương….thì giờ đây chỉ vì sự vô tâm của người mẹ mà Thạ đang phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh. Thạ quả là một con người đáng thương, tội nghiệp. Lời văn của Kim Lân tuy giản dị mộc mạc nhưng vẫn tạo được nét đặc sắc rất riêng mà không lẫn đi được. Trong đoạn truyện trên, nhà văn không sử dụng hết quyền năng toàn tri của mình để kể chuyện mà gửi gắm tư tưởng, quan điểm, tình cảm của mình vào một nhân vật trong truyện – Nhân vật Ứng. Chính điều đó tạo nên tính khách quan, chân thực cho câu chuyện được kể.
Nói về một tác phẩm giá trị Biê-lin- xki cho rằng “Trong tác phẩm nghệ thuật tư tưởng xây dựng nhân vật phải hòa hợp với nhau một cách hữu cơ như tâm hồn và thể xác” hay nhà văn Nga Lê-ô-nôp cũng khẳng định “Tác phẩm nghệ thuật đích thực bao giờ cũng là một phát minh về hình thức và là một khám phá về nội dung”. Bởi vậy, một lần nữa chúng ta có thể khẳng định lại rằng tác phẩm “Đứa con người cô đầu” là một truyện ngắn có giá trị, là thành công xuất sắc tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của nhà văn Kim Lân. Bằng tài năng nghệ thuật độc đáo của mình cùng với cái tâm giàu lòng nhân ái, Kim Lân đã viết lên một câu chuyện thật cảm động về cuộc đời của Thạ- đứa con người cô đầu. Truyện mang giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc. Nhà văn không chỉ đồng cảm, xót thương cho thân phận tội nghiệp của Thạ mà còn chê trách sự nhẫn tâm, vô trách nhiệm và sự ích kr của người mẹ. Qua đó, có thể thấy tác giả là người có tấm lòng nhân hậu, đồng cảm trước những cảnh đời khó khăn, biết yêu thương trân trọng những kiếp người đáng thương.
Tác phẩm “Đứa con người cô đầu” đã khép lại nhưng có lẽ trong lòng mỗi bạn đọc vẫn bồi hồi, vương vấn những cảm xúc khó tả thành lời. Truyện đã để lại cho chúng ta bao bài học nhân sinh sâu sắc không còn không chỉ hôm nay mà còn mãi mãi về sau khẳng định cái tài cái tâm của người nghệ sĩ chân chính. Chính điều đó đã tạo nên sức sống mãnh liệt cho tác phẩm, khẳng định tên tuổi của nhà văn càng làm cho người đọc yêu thêm thế giới văn học hơn. Quả thật, năm tháng không ngừng trôi đi và lịch sử cũng không ngừng biến động nhưng truyện ngắn “Đứa con người cô đầu” đã vượt qua lớp bụi của thời gian trở thành đóa hoa bất diệt, một nốt ngân đầy sáng tạo trong bản hòa tấu văn học.