Đề đọc hiểu và nghị luận về truyện Bài học quét nhà – Nam Cao

Đề bài: (Theo ma trận của Bộ Giáo Dục)

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu: (Trắc nghiệm)

Hồng đang thẩn thơ chơi một mình ở trong vườn… Ít lâu nay, những lúc được đi chơi, Hồng chỉ chơi có một mình. Chị Thảo về rồi. (Thảo là con ở trước kia vẫn giữ em Hồng). Thằng em chửa biết đi. Còn thầy u thì bây giờ hay gắt quá. Hồng cũng chẳng hiểu tại sao lại thế.

{…} Không! Thầy có ghét Hồng đâu? Trái lại, thầy rất yêu Hồng. Cả u cũng thế. Thường thường thầy u chỉ ăn cơm với tương mắm mà thôi. Nhưng bao giờ u cũng mua cho Hồng một thức ăn riêng: thịt, cá, trứng hay là đậu. U cũng không để Hồng phải thèm quà bánh. Hồng ao ước thức gì hôm trước, chỉ hôm sau, lúc u đi chợ về đã có thức ấy trong thúng của u rồi. U nói với Hồng rất nhẹ nhàng. Năm thì mười họa mới có một lần u quở mắng Hồng: ấy là những khi Hồng nghịch dại, làm bẩn người và quần áo.

Bây giờ thì khác hẳn, Hồng bị mắng luôn luôn. Động một tí gì u cũng mắng. Nói một mình, mắng! Vấp ngã, mắng! Đi chậm, mắng! Bữa ăn, không có thức ăn, ngả ngốn không ăn được: mắng!… Như vậy kể cũng còn đáng tội. Nhưng lại còn những cái không phải tội Hồng: thí dụ như nhà bẩn, nhà lắm ruồi vào, con chó bới vườn trầu, hay thằng Thiên ngã, thằng Thiên khóc… đâu có phải tại Hồng. Hồng làm sao cho không thế được? Ấy thế mà u cũng cứ Hồng mà mắng. Hồng mếu mếu suốt ngày vì phải mắng. Nhưng Hồng không dám khóc, Hồng chỉ cố tránh thầy u, lẩn lút ra vườn, chơi một mình.

Chơi một mình, buồn lắm. Hồng ngơ ngẩn. Hồng tiếc những ngày xưa cũ quá. Những ngày xưa cũ chỉ cách đây hơn nửa tháng. Chị Thảo chưa về. Chị Thảo bế em Thiên. Hồng lẽo đẽo theo sau. Chúng đi chơi khắp xóm. Ngày ấy, Hồng có biết bao nhiêu là bạn! Thằng Hỉ đỏ mũi, thằng Hân cởi truồng, thằng Tảo đầu trọc như quả bưởi và mắt trố như hai con ốc nhồi, với cái Như, cái Mùi, cái Vót… Chúng chơi với nhau vui lắm, vui lắm! Bây giờ Hồng chỉ còn được chơi với cây soan, cây chuối, cây cam. Hồng gọi chúng là bác soan, bác chuối, bác cam. Hồng lấy bẹ mèo chuối xúc cát làm gạo bán cho chúng nó. Hồng hỏi rồi lại tự trả lời, cùng một lúc là mình và là tất cả. Nhưng coi chừng đấy! Nếu u nghe thấy, u sẽ mắng: Hồng điên! Bởi vì theo ý u, có điên mới lảm nhảm nói một mình. Và nếu u biết Hồng nghịch cát thì chết! Thế nào u cũng đánh. Nghịch cát, bẩn quần áo, bẩn cả đầu tóc, mặt mũi chân tay. Ai rỗi mà tắm giặt cho Hồng được? Mà tiền đâu mà mua xà phòng? Xà phòng thì đắt như nhân sâm, vàng cốm… U sẽ gào lên thế. U sẽ bảo: Hồng làm khổ u, Hồng tưởng u còn sướng lắm nên phải làm tội, làm nợ cho bớt đi một chút. U sẽ bắt Hồng ngồi ro ró ở trong nhà, không được ra đến ngoài. Bước chân ra khỏi cửa là chặt chân! Chặt chân! Hơi một tí là chặt chân!

Hồng cũng chẳng hiểu tại sao u bỗng nhiên sinh khó tính như thế vậy. Chỉ biết: đã ít lâu nay, cả thầy lẫn u đều có vẻ không vui. Thầy lúc nào cũng cau  đăm chiêu, nhất là sau khi đọc nhật trình. Có lần buông tờ báo xuống bàn, thầy lắc đầu một cách chán nản bảo u:

– Tình hình nguy lắm rồi, mình ạ. Tôi sợ khó mà được hết năm nay.

– Sao vậy?

– Giấy khan lắm! Việc in, việc xuất bản bị hạn chế rất gắt gao.- Với lại cái lúc khó khăn thế này, việc gì mà chả khó.

Thầy thở dài. U thở dài. Trán thầy tối như trời lúc sắp mưa.

U cười gượng, bảo:

– Nhưng thây kệ! Hơi đâu mà lo trước? Đến đâu hay đến đấy. Thời buổi này, khổ đến đâu mà không phải chịu? Vả lại nhà mình khổ mãi, quen đi rồi. Tìm được no, ăn no; tìm được đói, ăn đói. Chẳng tội gì mà lo mình ạ.

– Đã đành thế nhưng còn nợ?- Thì ta ì ra đấy. Thịt người có ăn được đâu mà sợ!

Thầy cười chua chát. U cũng cười. Một lúc sau, u lại bảo:

– Nói đùa vậy, chứ nợ thì thế nào cũng phải trả. Mình không phải là hạng người lì được. Bán gì thì bán, cũng phải bán đi mà trả.

– Còn gì mà bán?

– Cái nhà! Mình công nợ cũng vì làm nhà. Nay không còn làm gì trả nợ được, thì lại bán nhà đi mà trả, có khó gì đâu?

– Đến nước ấy thì đẹp mặt!

– Ai cười thì cũng đành chịu vậy, chứ biết làm sao bây giờ?

Thầy lại lầm lì không nói. Nhưng thỉnh thoảng, mắt thầy lóe ra một tia dữ tợn. Trông mặt thầy sợ lắm. U bấm Hồng, khẽ bảo: “Đi chơi đi!” Rồi thì u cũng lảng ra. U dắt Hồng sang nhà hàng xóm chơi, bởi sợ thầy gây sự…

Những mẩu chuyện na ná như trên, nhắc đi nhắc lại nhiều lần lắm. Hồng chẳng hiểu gì. Nhưng Hồng cũng lờ mờ thấy một sự sụp đổ gì sắp tới. Một nỗi lo lắng lảng vảng trong nhà Hồng. Thầy làm việc nhiều hơn. Tận lúc tối không còn trông thấy chữ, thầy mới  trong phòng làm việc đi ra. Thầy mải suy nghĩ gì, quên cả việc gọi Hồng. Hồng quen lệ, đứng đợi thầy ở sân, chạy lại bám lấy thầy. Nhưng thầy khẽ gạt ra, và hơi cau mặt bảo:

{…}

– Đi chơi! Để cho thầy nghỉ! Thầy hơi nhức đầu.

Những huấn lệnh của thầy được đem ra thi hành đúng từng chữ một. Chị Thảo về, Hồng phải giữ em và đánh vật với nó suốt ngày vẫn không xong! Nó vẫn ngã, vẫn khóc, vẫn đập phá, khiến Hồng phải mắng. Quần áo của cả nhà đều nhuộm nâu. Những khi u đi chợ về muộn, thầy làm bếp. Thầy u ăn mỗi ngày có một bữa trưa. Mỗi trưa u cất đi một bát cơm, để dành cho Hồng ăn bữa tối. Trừ hai bữa cơm. Hồng chẳng còn được ăn quà bánh gì. Mà u luôn luôn sai làm việc nọ, việc kia, mà hơi lóng ngóng là mắng ngay.

– Cái Hồng đi đâu rồi?

Hồng tái mét mặt, chạy về sân:

– Con đây ạ!

– Lại lẻn đi chơi đấy, phải không? Con này chơi quen rồi! Về ngay đây, tao bảo!

Giọng u gắt gỏng. Hồng lóp ngóp trèo lên cái đầu hè cao đến ngực, rồi lạch bạch chạy vào nhà. Nó mở to đôi mắt trong trẻo nhìn u…

– Mày nhìn gì tao? Thử nhìn cái nhà xem! Bẩn thế mà mày không quét… Hễ mẹ cất lấy em một cái là chạy mất.

Hồng mải mốt chạy lại một xó nhà, lấy chổi. Cái cuống chổi to quá, bàn tay nhỏ bé của Hồng cầm rất khó. Nó lúng túng chuyển từ tay phải sang tay trái, rồi lại từ tay trái sang tay phải. Tay nào cầm cũng ngượng. Người mẹ quát:

– Mày luống cuống gì mãi thế? Cái tay trông đẹp nhỉ? Lớn đầu bằng ấy mà không biết cầm cái chổi! Chỉ ăn là nhẹn thôi!… Được rồi. Quét đi!

Hồng quét. Nhưng nó ấn cái chổi xuống thềm nhà quá. Cái chổi không đưa đi được. Hồng cố đẩy. Cái chổi bật lên và tuột khỏi tay Hồng. Người mẹ nghiến chặt hai hàm răng lại, rít lên:

– Giời ơi là giời! Con với cái! Chơi quen rồi!

Hồng nghẹn cổ. Nó ngừng quét, ngước lên mẹ, đôi mắt ầng ậc nước. Mồm nó mím lại, toan méo xệch. Mẹ nó càng điên tiết. Thị vùng đứng dậy, chỉ vào mặt nó:

– Mày đứng đấy à? Mày có quét ngay, không thì chết với tao bây giờ. Quét đi!

Hồng sợ hãi, lại vội vàng vơ lấy chổi. Trong lúc lính quýnh, cái chổi lại buột tay lần nữa. Người mẹ giơ tay lên chực tát. Hồng đưa một tay đỡ, tay kia hấp tấp nhặt cái chổi. Người mẹ ngăn kịp giận, để rơi bàn tay xuống. Hồng nắm cái cuống chổi bằng hai tay. Nó ì ạch vần cái chổi, như người ta vần cái cối đá nhất. Trông thật là ngứa mắt! Người mẹ cố nén giận, cầm lấy tay nó mà dắt, dạy quét như mấy ông đồ dạy viết…

– Người ta phải đưa ngang cái chổi thế này, thế này… Đó! Không cần ấn mạnh, nó chạy làm sao được? Mà cứ dịch dần đi: Một nhát chỗ này, một nhát chỗ này, rồi chỗ này, chỗ này… thế, thế!

Hồng bị mẹ kéo đi xềnh xệch. Những nhát chổi, tay mẹ đưa rộng quá, tay con bị giật theo, cả người đi. Con bé gần chúi đầu xuống đất. Nước mắt nó tuôn ra mờ cả mắt. Nhưng nó vẫn mím chặt môi, không dám khóc…

Người mẹ hăm hở làm một lúc, rồi buông tay ra, đứng thẳng người lên, vừa thở vừa bảo con:

– Đấy! Cứ thế… Bây giờ mày quét đi, tao xem nào!

Hồng quét. Nhưng nó vẫn lờ rờ, lúng túng. Cái chổi ngập ngừng trên mặt đất, không biết nên đi lối nào cho phải. Người mẹ thấy khắp người ngứa ngáy. Thị không còn nhịn được, nước mắt thị ứa ra một chút. Thị tức tối đập vào mình đánh đét. Hồng giật mình, đánh rơi cả chổi. Ấy thế là đét!… thêm tiếng nữa. Lần này thì cái bàn tay dán vào một bên má cúp bê của con bé từ trước đến nay chỉ nhận được những cái tát yêu của bố. Nó chúi người đi một cái và òa lên khóc. Người mẹ sửng sốt như chợt nhận ra cái cử chỉ vô lý và tàn nhẫn quá. Thị đứng ngây người ra một chút. Rồi thị vồ lấy cái chổi, quét như điên, như dại. Mặt thị co rúm lại chực khóc. Nước mắt, nước mũi chảy ròng ròng xuống đất. Thị vừa quét vừa rên nho nhỏ.

– Giời ơi! Giời ơi!… Giời làm khổ tôi thế này!

Người bố chỉ lẳng lặng nhìn tất cả tấn bi kịch đang diễn ra trước mắt. Y thấy lòng đau quằn quặn. Có một lúc, đứa con gái ngước đôi mắt giàn giụa nước mắt, nhìn bố, như cầu cứu. Y quay mặt đi, giả tảng như không nhận thấy. Nhưng suốt buổi chiều hôm ấy, y buồn bã. Y cũng vào phòng viết, ngồi như thường lệ, nhưng y không viết được. Y nhìn qua cửa sổ. Cái nhìn của y, len lét theo dõi trong một góc vườn, đứa con gái thẩn thơ giữa những cây chuối, cây xoan, cây bưởi… Nó có vẻ buồn bã thêm. Ba bốn lượt, nước mắt y rỏ xuống…

(Trích Bài học quét nhà – Nam Cao)

Lựa chọn đáp án đúng (Mỗi câu 0.5 điểm):

Câu 1:  Xác định ngôi kể của truyện ngắn trên?

  1. Ngôi thứ nhất
  2. Ngôi thứ hai
  3. Ngôi thứ ba
  4. Ngôi nhất và ngôi thứ ba

Câu 2: Đặc điểm của điểm nhìn trong văn bản là:

  1. Điểm nhìn bên ngoài gắn với người kể chuyện.
  2. Sự kết hợp giữa điểm nhìn bên ngoài và điểm nhìn bên trong
  3. Điểm nhìn bên trong gắn với nhân vật bé Hồng
  4. Điểm nhìn bên trong gắn với nhân vật người cha.

Câu 3: Truyện được kể theo trình tự nào?

  1. Theo trình tự thời gian
  2. Theo trình tự không gian
  3. Có sự đảo ngược trình tự thời gian, không gian
  4. Theo dòng tâm trạng của nhân vật

Câu 4: Trong văn bản, nhân vật bé Hồng chủ yếu được khắc họa qua đâu?

  1. Cử chỉ, hành động, lời nói
  2. Diễn biến tâm lý
  3. Lời độc thoại nội tâm
  4. Lời đối thoại

Câu 5: Trong đoạn trích, người kể chuyện có thái độ như thế nào đối với bé Hồng?

  1. Mỉa mai, chua chát
  2. Thương cảm, xót xa.
  3. Trân trọng, ngợi ca.
  4. Khinh bỉ, coi thường

Câu 6: Theo em, câu văn “Không! Thầy có ghét Hồng đâu? Trái lại, thầy rất yêu Hồng.”  là lời của ai?

  1. Lời nửa trực tiếp bề ngoài thuộc về tác giả nhưng bên trong thuộc về nhân vật bé Hồng.
  2. Lời thoại trực tiếp của nhân vật bé Hồng
  3. Lời dẫn trực tiếp của tác giả, nhắc lại nguyên văn lời nói của nhân vật bé Hồng
  4. Lời dẫn gián tiếp của tác giả nêu lại ý nghĩ của nhân vật bé Hồng

Câu 7: Nhận xét về giọng điệu trần thuật truyện ngắn trên?

  1. Giọng khách quan lạnh lùng
  2. Giọng buồn thương tha thiết
  3. Giọng phẫn uất nghẹn ngào
  4. Giọng đay đả xót thương

Trả lời câu hỏi:

Câu 8: Theo em, chi tiết “Y cũng vào phòng viết, ngồi như thường lệ nhưng y không viết được” có vai trò gì trong mạch truyện?

Câu 9: Anh chị có đồng tình với thái độ và hành động của cha mẹ Hồng với Hồng không? Vì sao?

Câu 10: Bài học mà anh/chị nhận được sau khi đọc đoạn trích trên là gì?

Đề 2: Tự luận

Câu 1: Xác định ngôi kể của truyện ngắn trên?

Câu 2: Chỉ ra mạch tự sự của câu chuyện được kể trong văn bản trên?

Câu 3: Phân tích hiệu quả nghệ thuật của lời nửa trực tiếp Trong những câu văn sau “Không! Thầy có ghét Hồng đâu? Trái lại, thầy rất yêu Hồng. Cả u cũng thế”?

Câu 4: Theo em, chi tiết “Y cũng vào phòng viết, ngồi như thường lệ nhưng y không viết được” có ý nghĩa như thế nào?

Câu 5: Theo em, Người kể chuyện có thái độ gì khi kể về người cha?

Câu 6: Nêu suy nghĩ về một bài học mà em nhận được sau khi đọc đoạn trích trên (trả lời bằng một đoạn văn từ 5 -7 dòng)

LÀM VĂN (4.0 điểm)

Dựa vào đoạn ngữ liệu phần đọc hiểu, anh/chị hãy viết một bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một số nét đặc sắc về nghệ thuật của truyện ngắn trên.

Hướng dẫn đáp án chi tiết

ĐỌC – HIỂU

Đề 1: Trắc nghiệm + Tự luận

Lựa chọn đáp án đúng (Mỗi câu 0.5 điểm):

Câu 1:  Xác định ngôi kể của truyện ngắn trên?

  1. Ngôi thứ nhất
  2. Ngôi thứ hai
  3. Ngôi thứ ba
  4. Ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba

Câu 2: Đặc điểm của điểm nhìn trong văn bản trên là:

  1. Điểm nhìn bên ngoài gắn với người kể chuyện.
  2. Sự kết hợp giữa điểm nhìn bên ngoài và điểm nhìn bên trong
  3. Điểm nhìn bên trong gắn với nhân vật bé Hồng
  4. Điểm nhìn bên trong gắn với nhân vật người cha.

Câu 3: Truyện được kể theo trình tự nào?

  1. Theo trình tự thời gian
  2. Theo trình tự không gian
  3. Có sự đảo ngược trình tự thời gian, không gian
  4. Theo dòng tâm trạng của nhân vật

Câu 4: Trong văn bản, nhân vật bé Hồng chủ yếu được khắc họa qua đâu?

  1. Cử chỉ, hành động, lời nói
  2. Diễn biến tâm lý
  3. Lời độc thoại nội tâm
  4. Lời đối thoại

Câu 5: Trong đoạn trích, người kể chuyện có thái độ như thế nào đối với bé Hồng?

  1. Mỉa mai, chua chát
  2. Thương cảm, xót xa.
  3. Trân trọng, ngợi ca.
  4. Khinh bỉ, coi thường

Câu 6: Theo em, câu văn “Không! Thầy có ghét Hồng đâu? Trái lại, thầy rất yêu Hồng.”  là lời của ai?

  1. Lời nửa trực tiếp bề ngoài thuộc về tác giả nhưng bên trong thuộc về nhân vật bé Hồng.
  2. Lời thoại trực tiếp của nhân vật bé Hồng
  3. Lời dẫn trực tiếp của tác giả, nhắc lại nguyên văn lời nói của nhân vật bé Hồng
  4. Lời dẫn gián tiếp của tác giả nêu lại ý nghĩ của nhân vật bé Hồng

Câu 7: Nhận xét về giọng điệu trần thuật truyện ngắn trên?

  1. Giọng khách quan lạnh lùng
  2. Giọng buồn thương tha thiết
  3. Giọng phẫn uất nghẹn ngào
  4. Giọng đay đả xót thương

Câu 8 (0,5 điểm): Hs có thể diễn đạt theo nhiều cách, đảm bảo các ý sau

– Là chi tiết thể hiện những dằn vặt trong tâm hồn người cha khi để đứa con nhỏ phải chịu đựng nhưng đòn roi vô cớ của mẹ

– Là chi tiết nghệ thuật đắt giá diễn tả bi kịch tinh thần của người tri thức trong xã hội cũ

– Là chi tiết thấm đẫm cái nhìn nhân đạo của nhà văn về cuộc đời và con người.

Câu 9 (1.0 điểm):  Học sinh nêu quan điểm đồng tình hoặc không đồng tình, có những kiến giải phù hợp, có thể theo hướng sau:

– Trẻ con vốn không có tội. Cho dù cuộc sống có đầy dẫy những khổ đau bất hạnh thì người lớn cũng không có quyền gì trút giận lên trẻ nhỏ làm tâm hồn chúng bị tổn thương.

– Trẻ em là những cây đời còn xanh non. Chúng xứng đáng được hưởng hạnh phúc. Người lớn cần phải tạo ra những cảm xúc tích cực nơi trẻ nhỏ, không vì hoàn cảnh sống mà làm khổ chúng.

Câu 10 (1.0 điểm): Học sinh nêu bài học phù hợp, có thể theo hướng sau:

“Hãy cứu lấy những nhân cách đang bị hủy diệt, những linh hồn đang héo hắt chết mòn, chết mỏi vì miếng cơm manh áo”, để cho tuổi thơ thay vì đói nghèo là no ấm, đầy đủ, thay vì tiếng khóc là tiếng cười, niềm vui.

Đề 2: Tự luận

Câu 1: Xác định ngôi kể của truyện ngắn trên?

Ngôi kể: Ngôi thứ 3

Câu 2: Chỉ ra mạch tự sự của câu chuyện được kể trong văn bản trên?

– Đầu tiên tác giả kể việc bé Hồng thơ thẩn chơi một mình ngoài vườn, không hiểu sao bây giờ thầy u mình gắt quá…

– Tiếp theo, tác giả khơi dòng nhớ của bé Hồng về những ngày xưa cũ, lúc cô bé còn được cha mẹ yêu chiều…

– Sau đó nhà văn kể một chuỗi các sự việc về hoàn cảnh sống thực tại của gia đình Hồng: Cha Hồng không thể sáng tác vì giấy khan hiếm, mẹ Hồng không có tiền trang trải cuộc sống, người ta đòi nợ… Cha bàn với mẹ phải hạn chế chi tiêu, cho Hồng làm việc nhà, trông em…Và cô bé đã hứng chịu bao nhiêu lời quát mắng và đòn roi của mẹ…

– Cuối cùng, nhà văn đưa người đọc về cảnh người cha đau khổ khi khi nghĩ đến ánh mắt cầu cứu của đứa con gái nhỏ.

Câu 3: Phân tích hiệu quả nghệ thuật của lời nửa trực tiếp Trong những câu văn sau “Không! Thầy có ghét Hồng đâu? Trái lại, thầy rất yêu Hồng. Cả u cũng thế”?

– Câu văn có sự hòa trộn giữa lời tác giả và lời nhân vật, tạo nên sự hòa quyện, luân chuyển linh hoạt của ngôn ngữ cũng như của ý nghĩ.

– Chỉ bằng mấy câu văn ngắn, nhà văn đã lột tả được nỗi buồn sâu thẳm, sự tổn thương đến mức ghê gớm trong tâm hồn bé Hồng, khắc sâu được bi kịch tinh thần của tầng lớp tri thức trong xã hội cũ mà nạn nhân lại là một cô bé còn chưa kịp lớn.

=> Cách kể chuyện đa chủ thể: bằng lời nửa trực tiếp, câu văn vừa có điểm nhìn của tác giả, vừa có điểm nhìn của nhân vật tạo nên sức hấp dẫn cho câu chuyện.

Câu 4: Theo em, chi tiết “Y cũng vào phòng viết, ngồi như thường lệ nhưng y không viết được” có ý nghĩa như thế nào?

– Là chi tiết thể hiện những dằn vặt trong tâm hồn người cha khi để đứa con nhỏ phải chịu đựng nhưng đòn roi vô cớ của mẹ

– Là chi tiết nghệ thuật đắt giá diễn tả bi kịch tinh thần của người tri thức trong xã hội cũ

– Là chi tiết thấm đẫm cái nhìn nhân đạo của nhà văn về cuộc đời và con người.

Câu 5: Theo em, Người kể chuyện có thái độ gì khi kể về người cha?

– Người cha trong tác phẩm là người tri thức nghèo trong xã hội cũ. Là một người rất mực thương con nhưng hoàn cảnh xã hội đã buộc “y” phải tàn nhẫn, lạnh lùng với đứa con bé bỏng.

– Cách xưng hô, gọi nhân vật là “y” cho thấy thái độ khách quan lạnh lùng của nhà văn. Xây dựng nhân vật này, Nam Cao thể hiện sự  trăn trở về vấn đề nhân phẩm, về thái độ khinh trọng đối với con người, luôn day dứt đến mức đau đớn trước tình trạng xã hội vô  nhân đạo đã đọa đày con người trong đói khổ, vùi dập ước mơ, làm chết mòn đời sống tinh thần và lẽ sống cao đẹp của họ.

Câu 6: Nêu suy nghĩ về một thông điệp  mà em nhận được sau khi đọc đoạn trích trên (trả lời bằng một đoạn văn từ 5 -7 dòng)

HS có thể chọn  thông điệp “Hãy cứu lấy những nhân cách đang bị hủy diệt, những linh hồn đang héo hắt chết mòn, chết mỏi vì miếng cơm manh áo” để trình bày suy nghĩ của bản thân.

  1. LÀM VĂN (Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây)
  2. a. Mở đầu: Giới thiệu ngắn ngọn về tác giả Nam Cao và truyện ngắn “Bài học quét nhà ”

– Nam Cao: là nhà văn xuất sắc của nền văn học Việt Nam hiện thực phê phán, bậc thầy trong việc phân tích, miêu tả tâm lý nhân vật.

– Tác phẩm “Bài học quét nhà”: là truyện ngắn đặc sắc viết về đề tài người trí thức. Truyện cho thấy sự thành công của Nam Cao trong nghệ thuật tự sự.

  1. Triển khai:

Câu chuyện được kể: cốt truyện đơn giản viết về đề tài người trí thức nghèo trước cách mạng. Truyện kể về một gia đình rơi vào cảnh túng quẫn nên sinh ra nhiều chuyện. Cô bé Hồng mới 5 tuổi đầu đã phải chịu bao khổ cực, đòn roi, chửi mắng hắt hủi của người mẹ. Phần đầu truyện Nam Cao tả cảnh gia đình nhà Hồng sống rất yên ấm, Hồng lúc nào cũng vui vẻ, về sau này Hồng cũng không biết có chuyện gì mà thầy u Hồng hay cáu gắt, u luôn mắng Hồng. Vì hoàn cảnh xã hội phong kiến mang lại cho những cuộc đời những con người những bất hạnh, như nhà Hồng cũng vậy.

– Mạch tự sự của truyện đi theo dòng tâm trạng của nhân vật Hồng. Có khi nhà băn ngược dòng thời gian kể về những tháng ngày yên vui được cha mẹ yêu chiều của Hồng, có khi lại quay lại thực tại để tái hiện những tủi cực của cô bé khi thường xuyên phải hứng chịu những trận đòn vô cớ, những tiếng chửi vô lý của mẹ. Mạch kể này đã tạo cho người đọc có cái nhìn tham chiếu về cuộc sống của gia đình Hồng trước đây và sau này. Nhà văn không lí giải tại sao lại có sự thay đổi đó nhưng người đọc có thể hiểu bối cảnh xã hội đã tác động làm thay đổi hoàn cảnh sống của con người và cũng làm thay đổi cách ứng xử, hành vi và có nguy cơ bào mòn đi nhân cách của họ. Nhờ đó bài học về lối sống, đạo đức của con người nhà văn đưa ra cũng thấm thía hơn.

Ngôi kể, điểm nhìn

– Ngôi kể: Ngôi thứ 3

– Điểm nhìn: Có sự thay đổi linh hoạt, khi là điểm nhìn bên ngoài gắn với người kể chuyện, (người kể chuyện đứng bên ngoài để quan sát cuộc sống gia đình Hồng, thấy được sự thay đổi trong cách ứng xử của cha mẹ với cô bé mà xót xa); khi lại là điểm nhìn bên trong gắn với diễn biến tâm lý của nhân vật Hồng (người kể chuyện như đọc được và thấu hiểu những tâm tư của cô bé, hiểu được cô bé đang nghĩ gì “Không! Thầy có ghét Hồng đâu? Trái lại, thầy rất yêu Hồng. Cả u cũng thế”

– Nhận xét: Với cách kiến tạo câu chuyện, lựa chọn ngôi kể và điểm nhìn linh hoạt, tác giả đã thành công hướng ngòi bút vào việc miêu tả thế giới tinh thần bên trong con người, phân tích mọi biểu hiện, biến chuyển trong thế giới nội tâm nhân vật. Với truyện này, Nam Cao không hướng ngòi bút vào việc miêu tả nỗi khổ cơm áo, cũng không tập trung thể hiện nỗi đau đớn, dằn vặt tinh thần của nhân vật trước gánh nặng cơm áo làm mai một tài năng và xói mòn nhân cách mà hướng ngòi bút vào thế giới trẻ thơ.

– Vai trò của ngôi kể, điểm nhìn, lời trần thuật trong việc khắc họa nhân vật

Bài học quét nhà” không tập trung diễn tả bi kịch tinh thần của người tri thức như nhiều truyện ngắn cùng đề tài của Nam Cao. Nhà văn khắc sâu hậu quả của bi kịch. Người tri thức như cha Hồng đã chẳng thể nào sáng tác trong hoàn cảnh xã hội ngột ngạt dẫn đến cuộc sống gia đình túng quẫn. Cũng chỉ vì hoàn cảnh túng quẫn mà bố bé Hồng đã phải tính toán chi ly, làm tổn thương tới chính đứa con mà mình đứt ruột đẻ ra. Từng lời nói của người cha tuy có vẻ lạnh lùng nhưng chất chứa những yêu thương “Cái Hồng ngót năm tuổi rồi, chẳng còn bé bỏng gì, trao cho nó giữ em/ Ngày mai đi chợ, nhớ mua một củ nâu/ Bao nhiêu quần áo trắng của tôi, của chúng nó nhuộm tất cả đi cho bền và đỡ tốn xà phòng”. Đối với người lớn, cái sự ăn, kể cả của trẻ con chỉ là để tồn tại “miễn không chết thì thôi”. Mẹ luôn chửi mắng Hồng cả ngày, giao cho nó làm bao nhiêu việc, bắt nó quét nhà trong khi cái chổi còn to hơn tay nó, nó sợ đến mức không dám cãi mẹ, cũng không dám khóc.  Khi cha Hồng nhìn thấy bi kịch đang diễn ra trước mắt, y đau xót lắm. Mẹ Hồng thì ân hận khi đã tát con. Hai vợ chồng lại an ủi nhau chỉ vì khó khăn nên mới cáu gắt như thế, chứ thực ra bé Hồng rất ngoan và thương bố mẹ. Cái tài của nhà văn là đã nương theo dòng suy nghĩ của nhân vật Hồng để gợi lên hoàn cảnh sống của gia đình, gợi lên bi kịch của người cha, gợi lên cả bức tranh xã hội đen tối thời phong kiến. Hồng không hiểu tại sao cha mẹ lại có sự thay đổi như vậy, càng không hiểu điều gì đang xảy đến với gia đình mình. Làm sao mà hiểu được bởi Hồng còn quá nhỏ dại. Bi kịch làm sao khi những đứa con nhỏ vô tội bỗng dưng lại phải gánh chịu những lời mắng nhiếc, thậm chí là đòn roi vì bố mẹ chúng không biết giải tỏa sự căng thẳng, lo lắng cho cuộc sống hàng ngày như thế nào. Bi kịch gia đình hay cũng chính là bi kịch của tầng lớp nông dân, trí thức tiểu tư sản trước cách mạng tháng Tám 1945, xã hội thực dân nửa phong kiến đã đẩy con người vào bước đường cùng. Đứa nhỏ càng đáng thương thì sức tố cáo xã hội càng lớn.

– Mối liên hệ giữa người kể chuyện trong tác phẩm với nhà văn

+ Người kể chuyện giữ một khoảng cách nhất định với nhân vật. Khoảng cách ấy được thể hiện rõ qua lời văn và giọng điệu trần thuật. Lời văn có sự kết hợp giữa lời kể của tác giả và lời thoại của nhân vật để diễn tả chiều sâu tâm lý của nhân vật.

+ Giọng điệu trần thuật vừa đồng cảm, xót thương vừa hàm chứa sự day dứt đối với nhân vật khi tác giả đặt nhân vật bé Hồng vào hai chiều quá khứ và hiện tại: khi nhớ về quá khứ đẹp đẽ của gia đình, lúc lại quay lại thực tại nghiệt ngã bị cha mẹ ngược đãi. Hơn nữa, nhà văn còn sử dụng ngôn ngữ sắc lạnh khi gọi tên nhân vật người cha là y (một cách gọi quen thuộc của nhà văn đối với nhân vật của mình) để diễn tả bi kịch tinh thần của người tri thức trong xã hội cũ.

  1. Kết luận

– Bài học quét nhà”, tuy không trực tiếp đi sâu vào cuộc sống của ng­ời trí thức nh­ưng cũng phần nào nói lên cuộc sống khổ cực về cơm áo, gạo tiền, day dứt trăn trở về cuộc sống.

– Tác phẩm để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc không chỉ vì cái nhà văn kể mà còn là “cách kể” của nhà văn.

Bài viết tham khảo

  1. a. Mở bài

Maugham từng nói “Truyện ngắn là sự trình bày một sự kiện theo trình tự của câu chuyện diễn biến hoặc theo trình tự của tâm tình”. Nam Cao được coi là bậc thầy về truyện ngắn bởi ông đã biết kết hợp nhuần nhuyễn các trình tự  kể như thế trong mạch tự sự của câu chuyện. Phần lớn các truyện ngắn của ông đều có kết cấu mạch kể theo “trình tự tâm tình”.  Bài học quét nhà  là một trong những tác phẩm như thế. Đây là truyện ngắn đặc sắc viết về đề tài người trí thức. Truyện cho thấy sự thành công của Nam Cao trong nghệ thuật tự sự.

  1. Thân bài

Bài học quét nhà có cốt truyện đơn giản xoay quanh cuộc sống của người trí thức nghèo trước cách mạng. Truyện kể về một gia đình rơi vào cảnh túng quẫn nên sinh ra nhiều chuyện. Cô bé Hồng, đứa con nhỏ của gia đình, mới 5 tuổi đầu đã phải chịu bao khổ cực, đòn roi, chửi mắng hắt hủi của người mẹ. Phần đầu truyện Nam Cao tả cảnh gia đình nhà Hồng sống rất yên ấm, Hồng lúc nào cũng vui vẻ, về sau này Hồng cũng không biết có chuyện gì mà thầy u Hồng hay cáu gắt, u luôn mắng Hồng. Có lẽ vì hoàn cảnh xã hội phong kiến đã mang lại nỗi bất hạnh cho gia đình Hồng. Vậy nên, thông qua truyện ngắn này, nhà văn không chỉ bày tỏ sự cảm thông đối với những phận người trong xã hội cũ mà còn lên tiếng lên án xã hội bất công, thối nát đã gây nên bao cảnh khổ.

Mạch tự sự của truyện đi theo dòng tâm trạng của nhân vật Hồng. Có khi nhà băn ngược dòng thời gian kể về những tháng ngày yên vui được cha mẹ yêu chiều của Hồng, có khi lại quay lại thực tại để tái hiện những tủi cực của cô bé khi thường xuyên phải hứng chịu những trận đòn vô cớ, những tiếng chửi vô lý của mẹ. Mạch kể này đã tạo cho người đọc có cái nhìn tham chiếu về cuộc sống của gia đình Hồng trước đây và sau này. Nhà văn không lí giải tại sao lại có sự thay đổi đó nhưng người đọc có thể hiểu bối cảnh xã hội đã tác động làm thay đổi hoàn cảnh sống của con người và cũng làm thay đổi cách ứng xử, hành vi và có nguy cơ bào mòn đi nhân cách của họ. Nhờ đó bài học về lối sống, đạo đức của con người nhà văn đưa ra cũng thấm thía hơn.

Trong Bài học quét nhà, Nam Cao lựa chọn ngôi kể thứ 3 nhưng thay đổi điểm nhìn liên tục khiến cho mạch tự sự trở nên linh hoạt và tự nhiên hơn. Có khi là điểm nhìn bên ngoài gắn với người kể chuyện, (người kể chuyện đứng bên ngoài để quan sát cuộc sống gia đình Hồng, thấy được sự thay đổi trong cách ứng xử của cha mẹ với cô bé mà xót xa); khi lại là điểm nhìn bên trong gắn với diễn biến tâm lý của nhân vật Hồng (người kể chuyện như đọc được và thấu hiểu những tâm tư của cô bé, có khi nhà văn đứng về phía cha mẹ Hồng để dằn vặt đau đớn vì những hành vi tội lỗi của mình đối với trẻ nhỏ. Với cách kiến tạo câu chuyện, lựa chọn ngôi kể và điểm nhìn linh hoạt, tác giả đã thành công hướng ngòi bút vào việc miêu tả thế giới tinh thần bên trong con người, phân tích mọi biểu hiện, biến chuyển trong thế giới nội tâm nhân vật, Nam Cao không hướng ngòi bút vào việc miêu tả nỗi khổ cơm áo mà tập trung thể hiện nỗi đau đớn, dằn vặt tinh thần của nhân vật trước gánh nặng cơm áo làm mai một tài năng và xói mòn nhân cách. Chọn cách

Bài học quét nhà không tập trung diễn tả bi kịch tinh thần của người tri thức như nhiều truyện ngắn cùng đề tài của Nam Cao. Nhà văn khắc sâu hậu quả của bi kịch. Người tri thức như cha Hồng đã chẳng thể nào sáng tác trong hoàn cảnh xã hội ngột ngạt dẫn đến cuộc sống gia đình túng quẫn. Cũng chỉ vì hoàn cảnh túng quẫn mà bố bé Hồng đã phải tính toán chi ly, làm tổn thương tới chính đứa con mà mình đứt ruột đẻ ra. Từng lời nói của người cha tuy có vẻ lạnh lùng nhưng chất chứa những yêu thương: “Cái Hồng ngót năm tuổi rồi, chẳng còn bé bỏng gì, trao cho nó giữ em/ Ngày mai đi chợ, nhớ mua một củ nâu/ Bao nhiêu quần áo trắng của tôi, của chúng nó nhuộm tất cả đi cho bền và đỡ tốn xà phòng”. Hóa ra, đối với người lớn, cái sự ăn, kể cả của trẻ con chỉ là để tồn tại “miễn không chết thì thôi”. Thật chua xót làm sao! Mẹ luôn chửi mắng Hồng cả ngày, giao cho nó làm bao nhiêu việc, bắt nó quét nhà trong khi cái chổi còn to hơn tay nó, nó sợ đến mức không dám cãi mẹ, cũng không dám khóc.  Khi cha Hồng nhìn thấy bi kịch đang diễn ra trước mắt, y đau xót lắm. Mẹ Hồng thì ân hận khi đã tát con. Hai vợ chồng lại an ủi nhau chỉ vì khó khăn nên mới cáu gắt như thế, chứ thực ra bé Hồng rất ngoan và thương bố mẹ. Cái tài của nhà văn là đã nương theo dòng suy nghĩ của nhân vật Hồng để gợi lên hoàn cảnh sống của gia đình, gợi lên bi kịch của người cha, gợi lên cả bức tranh xã hội đen tối thời phong kiến. Hồng không hiểu tại sao cha mẹ lại có sự thay đổi như vậy, càng không hiểu điều gì đang xảy đến với gia đình mình. Làm sao mà hiểu được bởi Hồng còn quá nhỏ dại. Bi kịch làm sao khi những đứa con nhỏ vô tội bỗng dưng lại phải gánh chịu những lời mắng nhiếc, thậm chí là đòn roi vì bố mẹ chúng không biết giải tỏa sự căng thẳng, lo lắng cho cuộc sống hàng ngày như thế nào. Bi kịch gia đình hay cũng chính là bi kịch của tầng lớp nông dân, trí thức tiểu tư sản trước cách mạng tháng Tám 1945, xã hội thực dân nửa phong kiến đã đẩy con người vào bước đường cùng. Đứa nhỏ càng đáng thương thì sức tố cáo xã hội càng lớn. Nước mắt của những nhân vật tý hon như Hồng đã thấm trên từng trang viết của nhà văn. Đó là “tiếng khóc ti tỉ” đòi cơm của thằng cu (Nghèo), là tiếng khóc “òa lên” của thằng cu con, tiếng khóc “rưng rức” của cái gái, cu Nhớn, cu Nhỡ chờ cả buổi mà không được một miếng cơm thừa canh cặn (Trẻ con không được ăn thịt chó), là sự nghẹn ngào “nước mắt ứa ra” của bé Ninh trước cảnh người ta dỡ nhà (Từ ngày mẹ chết), và giờ đây  là những giọt nước mắt tức tưởi “chảy ra đầy má” của bé Hồng. Dễ nhận thấy trong truyện ngắn của Nam Cao vì sự lầm than, nhọc nhằn, vật vã, thậm chí vô tâm, tàn nhẫn của nhân vật chính mà những đứa trẻ – nhân vật phụ – trong sáng tác của nhà văn ít tiếng cười và niềm vui, chúng chỉ biết im lặng và rơi nước mắt. Cùng với bố mẹ, chúng sớm phải chịu đựng và nhận vào mình những đắng cay, tủi nhục, tai ương của số phận đang trùm lên cuộc sống của gia đình và bản thân chúng. Dưới ngòi bút hiện thực nhân đạo của Nam Cao, số phận bất hạnh của trẻ thơ và con người trong sáng tác của ông, suy cho cùng là những hồi chuông cảnh tỉnh, là thông điệp của nhà văn muốn gửi tới người đọc: “Hãy cứu lấy những nhân cách đang bị hủy diệt, những linh hồn đang héo hắt chết mòn, chết mỏi vì miếng cơm manh áo”, để cho tuổi thơ thay vì đói nghèo là no ấm, đầy đủ thay vì tiếng khóc là tiếng cười, niềm vui.

Trong Bài học quét nhà, người kể chuyện đồng thời đảm nhiệm hai vai trò: vai trò dẫn dắt người đọc đi vào câu chuyện kể về gia đình Hồng, thấy được bi kịch của gia đình đang đè nặng làm tổn thương một cô bé còn chưa kịp lớn và và vai trò của người đưa ra những lời nhận xét đánh giá về những nhân vật khác trong truyện. Người kể chuyện luôn giữ một khoảng cách nhất định với nhân vật. Khoảng cách ấy được thể hiện rõ qua lời văn và giọng điệu trần thuật. Lời văn có sự kết hợp giữa lời kể của tác giả và lời thoại của nhân vật để diễn tả chiều sâu tâm lý của nhân vật. Giọng điệu trần thuật vừa đồng cảm, xót thương vừa hàm chứa sự day dứt đối với nhân vật khi tác giả đặt nhân vật bé Hồng vào hai chiều quá khứ và hiện tạ: khi nhớ về quá khứ đẹp đẽ của gia đình, lúc lại quay lại thực tại nghiệt ngã bị cha mẹ ngược đãi. Hơn nữa, nhà văn còn sử dụng ngôn ngữ sắc lạnh khi gọi tên nhân vật người cha là y (một cách gọi quen thuộc của nhà văn đối với nhân vật của mình) để diễn tả bi kịch tinh thần của người tri thức trong xã hội cũ. Lựa chọn hình thức kể chuyện khác nhau, người kể đã đem đến cho bạn đọc cái nhìn đa chiều về cuộc sống của người tri thức, mở rộng tầm khái quát hiện thực về bức tranh xã hội phong kiến Việt Nam thủa trước.

  1. Kết luận

Có thể nói Nam Cao là một trong những nhà văn tiêu biểu nhất trong nền văn học hiện đại Việt Nam có tư tưởng, phong cách và thi pháp sáng tạo riêng độc đáo, có những cách tân lớn lao, góp phần quan trọng vào tiến trình hiện đại hóa nền văn học dân tộc. Bài học quét nhà”, tuy không trực tiếp đi sâu vào bi trí thức nh­ưng cũng phần nào nói lên cuộc sống khổ cực về cơm áo, gạo tiền, day dứt trăn trở về cuộc sống. Tác phẩm để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc không chỉ vì cái nhà văn kể mà còn là “cách kể” của nhà văn.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *