Đề đọc hiểu và nghị luận về truyện Bà già lẩn thẩn – Tạ Tư Vũ

Đề bài

BỘ CHÂN TRỜI

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu: (Trắc nghiệm)

 BÀ GIÀ LẨN THẨN

“Bà gọi cho con bà chưa?” – tiếng bà bán nước mía hỏi.

“Rồi, nhưng nó bận, hổng bắt máy”. Bà bán nước mía để cái quạt máy cầm tay qua một bên rồi khều khều bà Nẫu: “Nè bà, con bà ở trong khu nhà này, chắc làm nhiều tiền lắm ha bà”. Bà Nẫu chỉ ậm ừ. Bà nhấp ngụm nước mía xong rồi lại lấy cái điện thoại cùi bắp ra nhìn nhìn chờ đợi.

Chỉ mới mấy năm nay thôi mà một ngày của bà Nẫu ở quê đã khác hẳn lúc xưa. Như trước kia, bà Nẫu hay đi chùa làng để cầu may cho thằng Tâm. Thằng Tâm học nghề diễn viên, ra trường trầy trật tìm việc suốt một thời gian dài. 

Nhiều lần bà Nẫu ngồi trước thềm nhà, nhìn tán lá mận xào xạc trong nắng trưa mà lòng bà rầu rĩ. Bà lo cho thằng Tâm. Đời thiếu gì việc hổng làm, sao nó cứ đâm đầu vô cái nghề cứ mãi giả thiện – ác để kiếm sống. 

Mà thằng Tâm cũng có năng khiếu thật. Từ lúc tóc còn để chỏm, nó đã biết diễn. Cứ mỗi chiều, bà Nẫu phải chạy lòng vòng trong xóm để lôi thằng Tâm về, nếu không nó cứ say sưa diễn hót đủ trò cho khắp nhà trong xóm. 

Chồng mất sớm, bà Nẫu dồn hết tình thương cho thằng Tâm. Nhiều lúc bà muốn chuẩn bị cho nó một cái nghề cho rõ ràng, nhưng thằng Tâm không chịu. Bà nhớ mắt nó long lên sòng sọc, dằn chén cơm xuống bàn rồi đứng dậy nhìn bà: “Không, má không cho con làm diễn viên thì con bỏ xứ đi luôn, chứ con không muốn làm cái quái gì ở đây hết”. 

Cơm vương vãi ra bàn sau cú dằn của thằng Tâm. Nó bỏ đi. Bà Nẫu ngồi nhìn ông nhà trên bàn thờ mà thở dài.

Sau dạo đó, thằng Tâm quăng nguyên cục lơ cho bà Nẫu. Nhiều lúc bà nhìn nó đắm chìm xem những bộ phim hài mà mặt nó bí xị. Nó hầm hầm nhìn bà. Bà Nẫu khó xử lắm. Cái nghề thằng Tâm chọn thì bà có cấm đâu. 

Tiền bạc và nổi tiếng, ai mà hổng thích, huống gì đứa mới lớn như thằng Tâm. Bà chỉ muốn nó thử những nghề khác, biết đâu nó sẽ nghĩ lại. Nhiều lúc, cha Bảy Xị hàng xóm nói: “Thằng con bà là đại bàng. Mà đại bàng thì không thể ở trong ổ gà được. Cho nó bay đâu thì bay đi bà”. Bà Nẫu suy nghĩ: “Chắc mình là bà mẹ lẩn thẩn. Cứ kiếm chuyện mà lo lắng”.

Bà Nẫu sẽ đồng ý cho nó học nghề nó thích. Nhà chỉ còn hai mẹ con, gặp mặt nhau cũng như không thế này thì bà thà nuôi con chó cỏ, để nó còn biết quấn quýt. 

Đêm đó, bà Nẫu quyết định nói cho thằng Tâm biết là bà sẽ bán luôn mảnh vườn để đầu tư cho nó học nghề diễn viên. Nhưng thằng Tâm chẳng còn ở nhà.

Bà Nẫu chỉ thấy mỗi tờ giấy học trò nguệch ngoạc nét chữ: “Tui vô Sài Gòn tìm tương lai.

Bà khỏi phải lo lắng”.

Nhưng đó là chuyện của mấy năm trước. Giờ đây, một ngày của bà Nẫu là đi lòng vòng trong xóm thông báo lịch chiếu phim có con bà đóng, rồi đến 5 giờ chiều, bà cùng mấy bà hàng xóm ngồi dán mắt lên tivi xem thằng Tâm đóng phim. Ai cũng trầm trồ, xuýt xoa khi thấy thằng Tâm diễn hài “dzui” quá trời quá đất.

Hôm qua xem phim của thằng Tâm, bà Nẫu thấy nó bị bọn ác đánh cho tơi tả. Dù biết là phim, nhưng bà cũng thấy lo. Bà trách mình già rồi nên lẩn thẩn. Nhưng ba năm nay thằng Tâm về nhà đúng ba lần vào dịp giỗ cha nó, còn lại, nó chỉ gửi tiền. 

Bà Nẫu gọi cho nó thì cũng nói chuyện được đôi ba câu vì nó phải diễn. Có khi con nhỏ thư ký đoàn phim còn phải bắt máy thay nó. Nghĩ lại cảnh nó bị bọn ác đánh cho bầm dập, bà Nẫu cám cảnh: “Cái nghề gì mà nghiệt”. Bà quyết lên Sài Gòn thăm nó.

Vừa xuống bến xe, bà Nẫu điện nhưng chẳng thấy thằng Tâm bắt máy. Bà đành phải đi xe ôm đến nhà con trai, nhưng bảo vệ khu dân cư chỉ cho bà vào nếu có người nhà ra xác nhận. Bà Nẫu đành phải qua vỉa hè đối diện để đợi cuộc gọi.

Bà bán nước mía reo lên khi biết con bà Nẫu là nghệ sĩ hài Đại Tâm. Vừa lúc đó, một chiếc xe hơi màu đen chạy vào khu dân cư. Bà Nẫu nhìn theo xe, mắt bà sáng lên rồi quay sang bà nước mía: “Xe của con tui đó bà”. 

Chợt điện thoại bà Nẫu réo lên, thằng Tâm gọi. Bà Nẫu lật đật nói ngay: “Má xem phim thấy mày bị đánh ghê quá, má lên thăm mày đó Tâm”. “Trời, má lẩn thẩn hả, đóng phim mà. Con đang diễn ở miền Tây, má đừng lên. Xong việc rồi con tính” – giọng thằng Tâm qua quýt. Bà Nẫu ngẩng mặt ra: “Con, con khỏe không Tâm?”.

Bên kia cổng khu dân cư, chiếc xe hơi dừng lại trước cổng nhà, thằng Tâm bước xuống, một tay nghe điện thoại, một tay thì ôm xốc con chó nhỏ trong lòng: “Khỏe, má yên tâm. Thôi, con đang diễn, có gì con gọi lại sau”. Thằng Tâm đóng sầm cửa xe hơi lại. Điện thoại bà Nẫu cũng “tút” tiếng tắt máy.

bán nước mía ngơ ngác nhìn bà Nẫu như ngờ vực: “Con bà dìa rồi kìa. Sao bà còn ngồi đây?”. Bà Nẫu giật mình sau câu hỏi, cuống quýt: “Đâu có, nó bận lắm, nó đang diễn ở miền Tây”. 

Bà bán nước mía thở dài rồi ngả người dựa ghế: “Sao bà lẩn thẩn vậy. Bộ tui hổng biết mặt nghệ sĩ Đại Tâm hả?”. Với tay cầm cây quạt máy nhỏ xíu, bà bán nước mía nhìn bà Nẫu rồi thở dài: “Ly nước mía mười ngàn. Còn bà muốn đi đâu, tui gọi xe ôm giúp cho”.

Bà Nẫu tay run run móc tiền ra trả: “Tui ra bến xe Miền Đông”…

(Bà già lẩn thẩn – Tạ Tư Vũ, theo Tuổi trẻ Online, https://tuoitre.vn/ba-gialan-than-20190505092137383.htm)

 

Đề 1: Trắc nghiệm + Tự luận

Lựa chọn đáp án đúng ( Mỗi câu 0.5 điểm): Điểm nhìn, ngôi kể… bám sát nội dung tri thức bài 1

Câu 1 (0.5 điểm): Câu chuyện sử dụng ngôi kể nào?

  1. Ngôi thứ nhất
  2. Ngôi thứ hai
  3. Ngôi thứ ba
  4. Không có ngôi kể

Câu 2 (0.5 điểm): Xác định chi tiết tiêu biểu nhất:

  1. Tâm lúc nhỏ thường diễn hót đủ trò cho khắp nhà trong xóm xem.
  2. Tâm thường xem những bộ phim hài khi còn ở nhà với mẹ.
  3. Tâm đóng phim bị bọn ác đánh khiến bà Nẫu phải lo lắng lên thăm.
  4. Tâm nói dối đi diễn xa để không gặp bà Nẫu khi bà lên thăm nó.

Câu 3 (0.5 điểm): Lựa chọn nào sau đây phản ánh KHÔNG đúng nội dung câu chuyện:

  1. Bà Nẫu đi thăm Tâm nhưng bảo vệ khu dân cư không cho vào, bà phải chờ con ở quán nước mía.
  2. Tâm quyết theo nghề diễn xuất, bỏ nhà lên Sài Gòn và khi thành tài rất ít về thăm mẹ.
  3. Tâm xuống xe, vừa nói chuyện điện thoại với mẹ vừa ôm xốc chú chó nhỏ trong lòng.
  4. Bà Nẫu gặp được con trai và quen được người bạn bán nước mía nên về quê rất vui vẻ.

Câu 4 (0.5 điểm): Nghệ thuật xây dựng nhân vật Tâm trong tác phẩm:

  1. Khắc họa nhân vật bằng ngoại hình, tâm lí.
  2. Khắc họa nhân vật bằng ngôn ngữ, hành động.
  3. Khắc họa nhân vật bằng thái độ, tâm lí.
  4. Khắc họa nhân vật bằng ngôn ngữ, ngoại hình.

Câu 5 (0.5 điểm): Suy cho cùng, cuối truyện bà Nẫu bị con trai và bà bán nước mía gọi là “lẩn thẩn” là vì:

  1. Bà không phân biệt được sự khác nhau giữa phim ảnh và đời thật.
  2. Bà nói nghệ sĩ Đại Tâm là con mình nhưng thấy con trai thì không nhận mặt.
  3. Bà yêu thương, khoan dung và bảo vệ hình ảnh đẹp cho con mình.
  4. Bà lo lắng đi thăm con nhưng chưa gặp được thì đã ra xe về quê.

Câu 6 (0.5 điểm): Trong văn bản, nhân vật Tâm là người có tính cách như thế nào?

  1. Nóng nảy, ích kỷ
  2. Cứng đầu, vui tính
  3. Kiên định, bất hiếu

D.Trách nhiệm, lạc quan

Câu 7 (0.5 điểm): Phương án nào sau đây thể hiện đúng chủ đề của văn bản:

  1. Ca ngợi vẻ đẹp của trái tim người mẹ, phê phán đứa con vô tâm.
  2. Ca ngợi vẻ đẹp của tình người quan tâm giúp đỡ lẫn nhau.
  3. Ca ngợi ý chí của con người trên hành trình tìm kiếm, khẳng định mình.
  4. Phê phán người mẹ bảo thủ, lạc hậu ngăn cản con phát triển.

Câu 8 (0.5 điểm): Theo em, hành động của nhân vật Tâm long mắt lên sòng sọc, dằn chén cơm trước mặt bà Nẫu và nói: “Không, má không cho con làm diễn viên thì con bỏ xứ đi luôn, chứ con không muốn làm cái quái gì ở đây hết” là đúng hay sai? Vì sao?

Câu 9 (1.0 điểm): Qua văn bản, anh/ chị hãy trình bày ngắn gọn quan niệm của mình về trách nhiệm của các bậc cha, mẹ trong việc hướng nghiệp cho con?

Câu 10 (1.0 điểm): Truyện ngắn Bà già lẩn thẩn đã mang đến cho anh/ chị thông điệp hữu ích nào?

 

 

Đề 2: Tự luận

Câu 1: Câu chuyện sử dụng ngôi kể nào?

Câu 2: Theo em, hành động của nhân vật Tâm long mắt lên sòng sọc, dằn chén cơm trước mặt bà Nẫu và nói: “Không, má không cho con làm diễn viên thì con bỏ xứ đi luôn, chứ con không muốn làm cái quái gì ở đây hết” là đúng hay sai? Vì sao?

Câu 3: Suy cho cùng, vì sao cuối truyện bà Nẫu bị con trai và bà bán nước mía gọi là “lẩn thẩn”?

Câu 4: Hãy xác định nghệ thuật xây dựng nhân vật Tâm trong tác phẩm?

Câu 5: Qua văn bản, anh/ chị hãy trình bày ngắn gọn quan niệm của mình về trách nhiệm của các bậc cha, mẹ trong việc hướng nghiệp cho con?

Câu 6: Truyện ngắn Bà già lẩn thẩn đã mang đến cho anh/ chị thông điệp hữu ích nào?

  1. LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật trong tác phẩm trên.

Hướng dẫn đáp án chi tiết  

  1. ĐỌC – HIỂU

Đề 1: Trắc nghiệm + Tự luận

  1. C
  2. D
  3. D
  4. B
  5. C
  6. C
  7. A
  8. – Đây là hành động sai.

–        Vì đó là hành động hỗn hào, vô lễ.

  1. – Học sinh được tự do trình bày quan niệm của bản thân và lí giải hợp lí.

–        Có thể theo hướng sau:

+ Định hướng, hỗ trợ.

+ Động viên, tôn trọng.

  1. – Học sinh được tự do trình bày thông điệp mà bản thân thấy tâm đắc và lí giải hợp lí.

–        Có thể theo hướng sau:

+ Cố gắng theo đuổi nghề nghiệp mình mơ ước nhưng thuyết phục để được gia đình thông cảm và ủng hộ.

+ Khi thành công không được quên công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ.

Đề 2: Tự luận

  1. Ngôi kể: Ngôi thứ ba
  2. – Đây là hành động sai.

–        Vì đó là hành động hỗn hào, vô lễ.

  1. Vì bà yêu thương, khoan dung và bảo vệ hình ảnh đẹp cho con mình.
  2. Khắc họa nhân vật bằng ngôn ngữ, hành động.
  3. – Học sinh được tự do trình bày quan niệm của bản thân và lí giải hợp lí.

–        Có thể theo hướng sau:

+ Định hướng, hỗ trợ.

+ Động viên, tôn trọng.

  1. – Học sinh được tự do trình bày thông điệp mà bản thân thấy tâm đắc và lí giải hợp lí.

–        Có thể theo hướng sau:

+ Cố gắng theo đuổi nghề nghiệp mình mơ ước nhưng thuyết phục để được gia đình thông cảm và ủng hộ.

+ Khi thành công không được quên công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ.

 

  1. LÀM VĂN (Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây, hướng dẫn yêu cầu chi tiết)
  2. Mở bài:

Giới thiệu tác phẩm (tên tác phẩm, thể loại, tác giả,…); nêu nội dung khái quát cần phân tích, đánh giá.

…………………………………………………………………………………………

  1. Thân bài:

* Phân tích, đánh giá chủ đề:

– Nêu được chủ đề: Ca ngợi vẻ đẹp của trái tim người mẹ, phê phán đứa con vô tâm.

– Phân tích, đánh giá nét đặc sắc, hấp dẫn của chủ đề qua những sáng tạo riêng của tác giả.

Học sinh có thể triển khai theo nhiều hướng, sau đây chỉ là một số gợi ý:

+ Hình tượng “Bà già lẩn thẩn” chính là biểu tượng của tình mẫu tử thiêng liêng, cao đẹp. Bà luôn trăn trở về ước mơ nghề nghiệp của con, tuy không đồng tình nhưng không ngăn cấm, thậm chí còn dự định bán tài sản quý giá ủng hộ con và luôn dõi theo mỗi bước con đi trên đường đời.

+ Dù buồn và thất vọng trước sự vô tâm của con nhưng vẫn  yêu thương, khoan dung và bảo vệ hình ảnh đẹp cho con.

* Phân tích, đánh giá nghệ thuật:

Học sinh có thể làm theo nhiều hướng, sau đây chỉ là một số gợi ý:

– Phân tích, đánh giá đặc sắc nghệ thuật qua các yếu tố: Nghệ thuật trần thuật linh hoạt, ngôn ngữ giản dị, nhân vật được khắc họa qua ngôn ngữ, tâm lí, hành động,…

– Đánh giá tác dụng của các yếu tố nghệ thuật trong việc thể hiện chủ đề.

 

– Thể hiện được những suy nghĩ, cảm nhận của người viết về tác phẩm

+ Cố gắng theo đuổi nghề nghiệp mình mơ ước nhưng thuyết phục để được gia đình thông cảm và ủng hộ.

+ Khi thành công không được quên công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ.

 

  1. Kết bài:

– Khẳng định lại một cách khái quát những đặc sắc về nghệ thuật và nét độc đáo về chủ đề của tác phẩm

– Nêu tác động của tác phẩm đối với bản thân hoặc cảm nghĩ sau khi đọc, thưởng thức tác phẩm tác phẩm.

Bài viết tham khảo:

Tình mẫu tử là gì? nó đến từ đâu đến nay không ai định nghĩa được. Chỉ biết rằng khi người mẹ mang thai một đứa con thì tự trong lòng người mẹ đã sản sinh ra một thứ tình cảm dành cho đứa trẻ đang lớn dần trong cơ thể mình. Tình cảm ấy có thể giúp người mẹ làm những điều phi thường ngay cả khi bản thân bị xem là một người lẩn thẩn, miễn rằng có thể bảo vệ được con bằng bất cứ giá nào dù có thể hi sinh thân mình mẹ cũng cố gắng có một cuộc sống tốt đẹp cho con. Bà già lẩn thẩn của Tạ Tư Vỹ là một truyện ngắn tiêu biểu và đầy ý nghĩa, chúng ta sẽ hiiểu được tình yêu vô hạn của một người mẹ. Truyện để lại ấn tượng cho người đọc bởi chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật.

Đọc truyện Bà già lẩn thẩn, chắc chắn ai trong chúng cũng đều cảm thấy thương cho bà mẹ yêu thương con hết mực. Đồng thời, độc giả cũng thấy chán ghét cậu Tâm – một đứa con bất hiếu, vô lễ và sĩ diện. Tình yêu của bà Nẫu dành cho con của mình thật thiêng liêng – Một tình yêu trao đi vô bờ, vô điều kiện nhưng thứ nhận về chỉ là những lời trách móc cùng nỗi đớn đau âm thầm… Ai cũng có lý do cho cảnh ngộ của riêng mình, nhưng họ đã không biết mẹ chỉ có một mà thôi…! Quả thật, là một đứa con, có những lúc ta chọn sống cho hoài bão, cho ước mơ, cho sự tự do trong quan niệm của chính mình nhưng ít có ai nhận ra được đằng sau sự hí hửng của bản thân là những cái chau mày, những đêm trằn trọc suy tính của đấng sinh thành. Ở truyện Bà già lẩn thẩn cũng vậy, chúng ta sẽ thấy rất rõ tác giả đã thể hiện một chủ đề rất gần gũi ca ngợi vẻ đẹp của trái tim người mẹ, phê phán đứa con vô tâm, không hiểu cho nỗi lòng của mẹ mình.

Nỗi đau của bà Nẫu không hề đơn giản, nỗi đau thật nực cười khi chính bà tự nhận mình là một bà già lẩn thẩn, hay quên để bảo vệ danh tiếng cho nghệ sĩ Đại Tâm – đứa con bà rứt ruột sinh ra rồi nuôi nấng cho nó khôn lớn. Thật vậy, không có gì đau bằng việc nhìn thấy con mình, nhưng con mình lại chối bỏ, phớt lờ sự tồn tại của mình chỉ vì danh tiếng hảo huyền. Hình tượng “Bà già lẩn thẩn” chính là biểu tượng của tình mẫu tử thiêng liêng, cao đẹp. Bà luôn trăn trở về ước mơ nghề nghiệp của con, tuy không đồng tình nhưng không ngăn cấm, thậm chí còn dự định bán tài sản quý giá ủng hộ con và luôn dõi theo mỗi bước con đi trên đường đời. Dù buồn và thất vọng trước sự vô tâm của con nhưng vẫn  yêu thương, khoan dung và bảo vệ hình ảnh đẹp cho con. Có lẽ, chủ đề của truyện cũng đã phản ánh được hình ảnh của một số bạn trẻ ngày nay, cũng giống như nghệ sĩ Đại Tâm kia, cũng từng phớt lờ, cũng từng xấu hổ khi không muốn người khác biết về người mẹ quê mùa của mình. Việc làm ấy thật đáng lên án! Mẹ – người hi sinh cho ta tất cả, ta phải biết yêu thương, kình trọng và phụng dưỡng người. Cái lẽ vốn không có gì thay đổi được, thời gian cũng chẳng chờ ai, dòng chảy vô tình đó sẽ cướp mất người yêu ta nhất khỏi ta bất cứ lúc nào. Nên khi còn có thể, ta phải hiểu và phải thông cảm cho những lời la mắng hay phải thương yêu mẹ nhiều hơn nữa, đừng đợi khi ta làm mẹ rồi mới chịu hiểu điều đó.

Thành công của truyện ngắn Bà già lẩn thẩn còn được chú ý bởi đặc sắc về hình thức nghệ thuật như nghệ thuật trần thuật linh hoạt, ngôn ngữ giản dị, nhân vật được khắc họa qua ngôn ngữ, tâm lí, hành động,…

Nhân vật bộc lộ thái độ, tư tưởng, tình cảm của mình chủ yếu là qua hành vi (cử chỉ, nét mặt, lời nói) và qua lời độc thoại nội tâm chứ chúng không có những hành động dứt khoát để làm nên những thay đổi bên ngoài. Sự vận động của hành động không phải diễn ra ở bên ngoài mà chủ yếu chỉ xảy ra ở bên trong, xảy ra trong thế giới nội tâm của nhân vật.  Tác giả muốn thể hiện cuộc sống tự nhiên, chân thật, khách quan như nó vốn có với những cái hàng ngày bình thường, như hình ảnh của nhân vật Đại Tâm cũng giống như hình ảnh của biết bao nhiệu đứa con khác, cũng khao khát cuộc sống tự do, muốn thử thách bản thân mình. Với tất cả những gì gần gũi, quen thuộc nên cốt truyện của ông có lẽ rất đơn giản nhưng lại rất thực, rất tự nhiên. Một tác phẩm văn chương có giá trị thì không những phải mang tính thẩm mĩ mà còn phải phản ánh được đời thực, phản ánh cuộc sống hiện thực.

Ngôn ngữ không chỉ là công cụ, là phương tiện miêu tả mà còn là đối tượng miêu tả. Trong truyện có sự hòa quyện giữa ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật, có sự chuyển hóa, trao đổi từ ngôn ngữ người kể chuyện sang ngôn ngữ nhân vật. Ngoài ra, ngôn ngữ trong truyện còn thể hiện ở ngôn ngữ đối thoại mang đầy chất văn xuôi đời thường, giản dị. Bên cạnh đó, tác giả còn có nhiều đóng góp trong việc miêu tả lời thoại nội tâm, tạo điều kiện đi sâu vào phân tích tâm lý nhân vật, khiến nhân vật đối diện với chính mình tự phơi bày, tạo ra những cuộc tranh luận ngầm, bộc lộ ý kiến cá nhân của nhân vật. Ngoài ra, cách trần thuật của truyện cũng ngắn gọn, nhưng cuốn hút, cách dẫn dắt tình tiết khéo léo làm cho mạch truyện phát triển và vận động liên tục, biến đổi hấp dẫn mà không trùng lặp.

Nhịp kể chậm rãi, sẻ chia, giọng kể trầm lắng đong đầy cảm xúc thể hiện tình cảm yêu thương của tác giả với nhân vật. Ông không chỉ xót thương cho bà Nẫu – nhân vật tiêu biểu cho hình ảnh những người mẹ luôn suy nghĩa, lo lắng cho con mình mà còn day dứt, trăn trở cho hình ảnh của những người con giống như Đại Tâm trong truyện.

Quả thật, truyện mang đến cho ta rất nhiều giá trị nhân văn. Và tình mẫu tử sẽ là liều thuốc tinh thần giúp con vượt qua mọi khó khăn, vất vả trong cuộc sống. Là nguồn động lực to lớn giúp con vững vàng trước giông tố, vững bước tiến về phía trước và chạm đến đỉnh vinh quang. Dù cả thế giới có quay lưng với con, mẹ vẫn luôn tin tưởng và đứng về phía con. Mẹ luôn sẵn sàng dang rộng vòng tay để bảo vệ chúng ta trước thử thách của cuộc đời. Vì vậy, hãy luôn hiếu thảo, yêu quý và trân trọng mẹ của mình khi còn có thể.

Với chủ đề gần gũi, những hình thức nghệ thuật đặc sắc, truyện Bà già lẩn thẩn đã để lại trong tâm trí người đọc rất nhiều những suy tư. Truyện giúp ta một lần ngồi nghĩa lại về mẹ, một lần nghĩ xem sau này trở thành mẹ, ta có giống như nhân vật bà Nẫu. Và có thể, ta nghĩ xem, các bậc sinh thành sẽ giải quyết và có những định hướng như thế nào về ước mơ của con mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *