BỘ KẾT NỐI NGỮ VĂN THPT
THƠ VĂN NGUYỄN DU
Đề bài
ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:
Sở kiến hành
(Những điều trông thấy)
(Nguyễn Du)
Một mẹ cùng ba con,
Lê la bên đường nọ
Đứa bé ôm trong lòng
Đứa lớn tay mang giỏ.
Trong giỏ đựng những gì?
Mớ rau lẫn tấm cám
Nửa ngày bụng vẫn không
Áo quần thật lam lũ.
Gặp người chẳng dám nhìn
Lệ sa vạt áo ướt
Mấy con vẫn cười đùa
Biết đâu lòng mẹ xót.
Lòng mẹ xót vì sao?
Đói kém phải xiêu bạt.
Nơi đây mùa khá hơn
Giá gạo không quá đắt.
Quản chi bước lưu li
Miễn sống qua thì đói
Nhưng một người làm thuê
Nuôi bốn miệng sao nổi!
Lần phố xin miếng ăn
Cách ấy đâu được mãi!
Chết lăn rãnh đến nơi
Thịt da béo cầy sói.
Mẹ chết có tiếc gì
Thương con càng dứt ruột.
Nỗi đau như xé lòng
Trông mặt trời vàng úa.
Gió lạnh bỗng đâu về
Khách qua đường thương xót.
Đêm qua trạm Tây Hà
Mâm cỗ sang vô kể
Nào vây cá, gân hươu
Lợn dê mâm đầy ngút
Quan lớn không chọc đũa
Tùy tùng chỉ nếm chút
Thức ăn thừa đổ đi
Chó no ngấy món ngon
Biết đâu bên đường quan
Có mẹ con cực khổ!
Ai vẽ bức tranh này
Dâng lên nhà vua rõ!
Nguyễn Hữu Bông dịch (Rút trong tâp Bắc hành tạp lục)
Trả lời các câu hỏi sau
Câu 1: Xác định thể thơ của văn bản trên.
Câu 2: Nhân vật trữ tình trong bài thơ là ai?
Câu 3: Chỉ ra biện pháp tu từ được sử dụng trong hai dòng thơ:
Trong giỏ đựng những gì?
Mớ rau lẫn tấm cám
Câu 4: Hãy cho biết ý nghĩa tượng trưng của hình ảnh “mặt trời vàng úa” trong đoạn thơ:
Nỗi đau như xé lòng
Trông mặt trời vàng úa.
Câu 5: Cảm hứng nổi bật của bài thơ.
Câu 6. Anh/chị hiểu như thế nào về những dòng thơ:
Nửa ngày bụng vẫn không
Áo quần thật lam lũ.
Gặp người chẳng dám nhìn
Lệ sa vạt áo ướt
Câu 7. Hình ảnh trong câu thơ : “ Mẹ chết có tiếc gì – Thương con càng đứt ruột”
có ý nghĩa gì với anh/chị?
Câu 8. Từ hai câu thơ sau:
“Ai vẽ bức tranh này
Dâng lên nhà vua rõ!”
Anh/chị có suy nghĩ gì về tinh thần dám đấu tranh, tố cáo trong xã hội hiện đại ngày hôm nay.
LÀM VĂN (4,0 điểm)
Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) phân tích nội dung và nghệ thuật của tác phẩm trên
Hướng dẫn đáp án chi tiết
ĐỌC – HIỂU
Phần | Câu/Ý | Nội dung | Điểm |
I | Đọc hiểu | 6.0 | |
1 | Thể thơ của văn bản trên: Ngũ ngôn/ Ngũ ngôn trường thiên
Hướng dẫn chấm: – Học sinh trả lời như đáp án: 0,5 điểm. – Học sinh không trả lời/ trả lời không đúng: 0 điểm |
0.5 | |
2 | Nhân vật trữ tình trong bài thơ: Người khách qua đường/ tác giả
Hướng dẫn chấm: – Học sinh trả lời như đáp án: 0,5 điểm. – Học sinh không trả lời/ trả lời không đúng: 0 điểm |
0,5 | |
3 | Biện pháp tu từ: Liệt kê
Hướng dẫn chấm: – Học sinh trả lời như đáp án: 0,5 điểm. – Học sinh không trả lời/ trả lời không đúng: 0 điểm |
0,5 | |
4 | Hình ảnh “mặt trời vàng úa” tượng trưng cho: Sự sống đang cạn kiệt héo úa, sự tuyệt vọng của người mẹ trước hoàn cảnh khó khăn
Hướng dẫn chấm: – Học sinh trả lời như đáp án: 1,0 điểm. – Học sinh trả lời 1/2 ý như đáp án: 0,5 điểm – Học sinh trả lời chung chung có ý hướng vào đáp án: 0,25 điểm – Học sinh không trả lời hoặc trả lời không đúng: 0 điểm |
1,0
|
|
5 | Cảm hứng nổi bật : Lòng cảm thương sâu sắc trước hoàn cảnh của bốn mẹ con ăn xin, tố cáo xã hội phong kiến bất công, mong muốn sự công bằng trong xã hội .
Hướng dẫn chấm: – Học sinh trả lời như đáp án: 1,0 điểm. – Học sinh trả lời 2 ý như đáp án: 0,75 điểm – Học sinh trả lời 1 ý như đáp án: 0,5 điểm – Học sinh trả lời chung chung có ý hướng vào đáp án: 0,25 điểm – Học sinh không trả lời hoặc trả lời không đúng: 0 điểm |
1.0 | |
6 | Hiểu về những dòng thơ:
Nửa ngày bụng vẫn không Áo quần thật lam lũ. Gặp người chẳng dám nhìn Lệ sa vạt áo ướt
– Cuộc sống đói khổ, khó khăn, thiếu thốn của bốn mẹ con – Mẹ xót thương, tủi hờn cho hoàn cảnh khốn khó mà các con phải gánh chịu Hướng dẫn chấm: – Học sinh trả lời như đáp án: 1,0 điểm – Học sinh trả lời được 01 ý: 0,5 điểm – Học sinh trả lời chung chung có ý hướng vào đáp án: 0,25 điểm – Học sinh không trả lời hoặc trả lời không đúng: 0 điểm |
1.0 | |
7 | Hình ảnh trong câu thơ: “ Mẹ chết có tiếc gì – Thương con càng đứt ruột”
– Hình ảnh khẳng định, ngợi ca sự hi sinh cao cả của người mẹ – Truyền tải thông điệp về tình mẫu tử thiêng liêng trong cuộc sống Hướng dẫn chấm: – Học sinh trả lời như đáp án: 1,0 điểm – Học sinh trả lời được 01 ý: 0,5 điểm – Học sinh trả lời chung chung nhưng có hướng vào nội dung yêu cầu : 0,25điểm |
1.0
|
|
8 | Từ hai câu thơ sau:
“Ai vẽ bức tranh này Dâng lên nhà vua rõ!” Anh/Chị có suy nghĩ gì về tinh thần dám đấu tranh, tố cáo trong xã hội hiện đại ngày hôm nay. – Xã hội luôn tồn tại những bất công, cái xấu, cái ác… – Cần phải đấu tranh để đem lại sự công bằng và loại bỏ cái xấu, cái ác Hướng dẫn chấm: – Học sinh trả lời như đáp án hoặc có ý tương đương: 0,5 điểm – Học sinh trả lời được 01 ý/Học sinh trả lời chung chung nhưng có hướng vào nội dung yêu cầu : 0,25 điểm |
0,5
|
LÀM VĂN
Mở bài:
– Giới thiệu chung về bài thơ : Sở kiến hành của Nguyễn Du
– Xác định vấn đề sẽ được tập trung bàn luận trong bài viết: Phân tích nội dung và nghệ thuật cẩu bài thơ Sở kiến hành
Thân bài:
* Nhan đề
– Ý nghĩa của nha đề: Sở kiến hành ( Những điều trông thấy )
– Tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du
* Khái quát cấu tứ, phân tích và đánh giá tình cảm qua từng phần của bài thơ
– Khái quát cấu tứ: bài thơ được gợi nên từ sự đối lập giữa hai cảnh đời của bốn mẹ con người ăn xin và bữa tiệc cau bon quan lại. Từ đó bày tỏ tiếng nói nhân đạo của nhà thơ trước những bất công trong xã hộ phong kiến
– Phân tích từng khổ thơ:
+ Cảnh đời thứ nhất: Bốn mẹ con người đàn bà ăn xin
+ Cảnh đời thứ hai: Bữa tiệc của bọn quan lại ở trạm Tây Hà
* Hình ảnh, chi tiết:
+ Hình ảnh người mẹ khổ cực thương đàn con thơ đói khổ
+ Hiện ảnh thiên nhiên giàu ý nghĩa tượng trưng
+ Hình ảnh bữa tiệc cao lương mĩ vị
=> sự đối lập của hệ thống hình ảnh
* Nghệ thuật (Thể thơ, từ ngữ, BPTT…)
Bài thơ được viết theo thể “hành”, ngũ ngôn trường thiên. Nhà thơ ghi lại nhiều chi tiết hiện thực cụ thể và nói lên cảm xúc ý nghĩ của mình trước những điều trông thấy nơi đất khách quê người xa lạ.
* Đánh giá chung nội dung và nghệ thuật
Bức tranh hiện thực sống động có ý nghĩa phê phán bọn vua quan vô trách nhiệm trước nỗi thống khổ của nhân dân. Nhà thơ đã nói lên một sự thật đau lòng về quyền sống và hạnh phúc của những con người nhỏ bé dưới đáy xã hội. Ngòi bút tả thực trong miêu tả, tự sự kết hợp với biểu lộ cảm xúc trực tiếp, sâu sắc trong vận dụng điển tích văn học đã tạo nên giá trị nhân bản của áng thơ này. Có thể nói, Nguyễn Du là nhà thơ cổ điển Việt Nam viết về nỗi đau khổ của nhân dân một cách sâu sắc nhất, cảm động nhất.
Kết bài: Khẳng định lại sự độc đáo của bài thơ và ý nghĩa cúa nó đối với việc đem lại cách nhìn mới, cách đọc mới cho độc giả.
Bài viết tham khảo:
Bằng nhãn quan của người cầm bút, Nguyễn Đình Thi đã từng khẳng định: “Thơ là tiếng nói đầu tiên, là tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi đụng chạm tới cuộc sống”. Giữa thời cuộc muôn hình vạn trạng, thơ lên tiếng nói hộ cuộc đời, nói thay kiếp đời. Thơ như những cung đàn đã căng sẵn, chỉ đợi hiện thực vén màn, ập tới mà cất lên khúc hát. Khúc hát trong thơ ai oán hay trách than, thăng trầm hay sôi nổi chính là do viễn cảnh trước mắt. Mỗi nốt đau thương mà người nghệ sĩ chạm tay vào chính là mẫu nốt hiện thực chạm vào lòng độc giả. Với Nguyễn Du, ông cũng đã một lần chạm tay vào hiện thực khổ đau nơi đất khách mà viết nên thi phẩm “Sở kiến hành”.
Ta đã từng biết đến Nguyễn du với một “con người suốt đời khắc khoải về con người, về lẽ đời”. Cuộc đời Nguyễn du gắn bó sâu sắc với những biến cố lịch sử của giai đoạn cuối thế kỷ XIX, khi mà thời cuộc đầu rẫy những biến cố. Chính yếu tố thời đại đã ảnh hưởng sâu sắc tới ngòi bút của Nguyễn Du khi viết về hiện thực đời sống. Nguyễn Du có cuộc đời từng trải, phiêu bạt nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người nên trong ông luôn lấp đầy những niềm cảm thông sâu sắc với những người khổ đau ngoài đời thực. Những tác phẩm mà ông viết ra dù chữ Hán hay chữ Nôm đều mang gí trị nhân đạo như vậy. “Sở kiến hành” là một minh chứng không ngoại lệ. Bài hành được sáng tác trên con đường đi sứ của Nguyễn Du sang triều cống cho nhà Thanh ở Bắc Kinh, Trung Quốc. “Sở kiến hành” – “Những điều trông thấy” rút trong tập thơ “Bắc hành tạp lục”. Với cảm hứng nhân đạo, Nguyễn Du đã phản ánh hai cảnh đời thực trái ngược nhau trong xã hội phong kiến bất công. Và liệu rằng cán cân của hai thói đời mà Nguyễn Du phản ánh, bên nào nặng hơn?
Tên bài thơ “Sở kiến hành” được dịch khá chính xác: “Những điều trông thấy”. Nó gợi nhắc cho ta những câu thơ đầu làm nên cảm hứng “Truyện Kiều”:
“Trăm năm trong cõi người ta
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”
Ngay từ nhan đề, Nguyễn Du đã mở ra một tiền tiếp nhận với thể loại “hành” – ngũ ngôn thường thiên. Nhan đề dịch “Những điều trông thấy” đã bao trọn nội dung tác phẩm, thể hiện cái nhìn của tác giả trước thực tại. Nhà thơ đã ghi lại nhiều chi tiết hiện thực cụ thể và nói lên cảm xúc, ý nghĩ của mình trước những điều đã trông thấy nơi đất khách quê người.
Người ta thường nói: “Một trong những khía cạnh vĩ đại của Nguyễn Du là ông đã cúi xuống nhìn con người khổ đau.” Thậm chí có thể cho rằng “Nguyễn du không chỉ cúi xuống mà đã lẫn vào, hòa vào trong những ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh của kiếp người thống khổ”. Bắt gặp cái khổ của nhân thế, Nguyễn Du như bắt gặp niềm đau trong mình. Những dòng thơ đầu của “Sở kiến hành” là thoáng gặp ngẫu nhiên, bất chợt của Nguyễn Du về một hiện tượng không hiếm trên con đường xuyên Trung Quốc quốc của quan chánh sứ. Với cái nhìn từ xa đến gần, từ một hiện tượng lạ gây chú ý đến một sự thu hút thật ám ảnh:
“ Một mẹ cùng ba con
Lê la bên đường nọ”
Những dòng thơ đầu tiên lăn dài trên trang giấy gợi ra cảnh đời của bốn mẹ con người ăn mày. Nghệ thuật đối “một mẹ” – “ba con” cùng với các từ chỉ số đếm “một, ba”, Nguyễn Du đã thành công khi khắc họa bức chân dung người mẹ chịu nhiều lam lũ, vất vả trong thời cuộc. Trong linh hồn câu thơ, ta thấy thấp thoáng như hình ảnh cánh cò trong những câu ca dao xưa dãi dầu sương gió kiếm ăn người con:
“Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao”
Với hiện thực đầy gian khổ lúc bây giờ kiếm được miếng ăn cho mình là rất khó khăn, lại còn là bốn miệng ăn thì tất yếu không phải là một điều dễ dàng. Vậy nên, người mẹ chỉ có thể mang con mình khất thực hòng kiếm sự sống. Nguyễn Du đã có một cái nhìn hết sức hiện thực khi họ “lê la bên đường”. Sức nặng câu thơ như dồn vào từ láy “lê la”. Cái đói đã vùi dập khiến con người chỉ có thể bước trờ bước trật giữa dòng đời gian khó. Ta cảm nhận được trong từng bước chân của mẹ và con là từng nước mệt nhoài, kiệt sức, thậm chí mất cả phương hướng, chẳng biết đi về đâu. Sự đói khát đã khiến bước chân họ dần trở nên nặng trĩu, cô độc, lang thang. “Khi người ta đã ở dưới đáy thì bước nào cũng là bước đi lên”. Có lẽ ý thức được điều này nên họ vẫn cứ lê bước, lê bước trong nỗi khổ nhọc vô cùng:
“Đứa bé ôm trong lòng
Đứa lớn tay mang giỏ”
Bước đi trong cái đói, người mẹ còn phải cưu mang cả đứa con thơ trong lòng. Sức nặng dường như nhân đôi, cái mệt nhọc cũng thế. Đứa lớn khi biết nhận thức về cuộc đời, vốn dĩ nên hồn nhiên, vui đùa thì lại phải “tay mang giỏ” mà đi khất thực. Hiện thực đau lòng là thế, nhưng càng đau lòng hơn khi tác giả đặt ra một giả định và trả lời cho điều đó:
“Trong giỏ đựng những gì?
Mớ rau lẫn tấm cám”
Đó là tất cả những gì hành trang trong một chiếc giỏ đựng, hay nói đúng hơn đó là tất cả những gì mà mẹ con họ đã xin được. Thử hỏi xem, tại sao thứ mà họ xin được lại là “rau lẫn tấm cám”? Và thử hỏi xem, đó có phải là thức ăn để dành cho con người? Phải chăng, cuộc sống cùng cực đã đến độ vô cùng, khiến những người muốn giúp đỡ mẹ con họ chẳng có gì để cho ngoài tấm cám. Phải chăng, những người có tấm lòng nhân hậu đó cũng đã ăn những miếng cùng cực này để đắp đỗi qua ngày. Thoáng chốc, ta liên tưởng đến nồi cháo cám trong thi phẩm “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân. Và ở đây, “tấm cám” gắm liền với sinh mệnh của bốn sinh linh bé nhỏ, yếu ớt giữa dòng đời mênh mông này. Nguyễn Du phải có một trái tim lớn mới có thể trông thấy những cái nhỏ nhặt như vậy. Quả đúng “chi tiết là bụi vàng của tác phẩm”.
Người mẹ bế con thơ, đoàn hành khất nhếch nhác, tiều tuỵ:
“Nửa ngày bụng vẫn không
Quần áo thật lam lũ
Gặp người chẳng dám nhìn
Lệ sa vạt áo ướt”
Giữa hiện thực đi đâu cũng toàn là cái đói, thế nên đã nửa ngày trời, họ vẫn lê bước với cái bụng trống rỗng. Bụng đói, quần áo rách rưới đến đáng thương. Trong bộ dạng bần cùng, mẹ chẳng dám ngẩng đầu nhìn nhân thế. Đó còn là sự né tránh ánh mắt của người đời, để rồi dòng nước mắt tủi hờn đã chảy trong cái cúi đầu. Người mẹ khóc cho số phận hẩm hiu, khóc chi tủi hờn, đau đớn, khóc vì thương con và thương chính mình. Với cách nói quá “vạt áo ướt”, Nguyễn Du đã nói thấu triệt được sự tức tưởi, đau đớn khôn cùng của người mẹ. Tưởng như mọi cơn sóng lớn đều dậy lên để diễn tả nỗi ngổn ngang khôn cùng. Có lẽ, Nguyễn Du đã thấy người vợ thiếu chồng ấy khóc thảm thê. Giọt nước mắt ấy bị dồn nén cho đến cái giới hạn của bữa cơm cuối cùng nên mới chảy nhiều như vậy? Và có thể, ý thức được nước mắt đang rơi xuống đứa con còn ẵm trong lòng mà người mẹ ấy thê thiết đến đứt gan ruột. Khóc xuống mình con mà có cứu được con đâu?
Nhà thơ nén xúc động, chỉ có nhịp điệu tự sự và hình ảnh là lạnh lùng. Nhà thơ đã có sự phát hiện và miêu tả nghịch cảnh đáng thương. Mẹ khóc lóc vì khổ sở, vì đói, vì nhìn thấy những đứa con sắp chết đói mà chúng vẫn cười đùa:
“Mấy con vẫn cười đùa
Biết đâu lòng mẹ xót
Lòng mẹ xót vì sao?
Đói kém phải phiêu bạt”
Những đứa trẻ, tuổi thơ của nó vốn phải là những thứ đẹp đẽ, hồn nhiên chứ đâu phải chịu cảnh dời bất hạnh như vậy. Nhưng nhìn những đứa con hồn nhiên cười trong cái đói, lòng mẹ đớn đau vô cùng. Mẹ “xót”, xót vì không thể lo cho con và xót vì không thể làm được gì khác. Tiếng cười của trẻ thơ mang nhiều dụng ý. Chỉ có đứa trẻ nhỏ bế bồng trên tay là được bú, dù là đang vắt cạn những sức lực cuối cùng của mẹ nhưng nó đủ hồn nhiên để vui cười. Có chăng đứa con lớn hơn một chút đang gượng mình để dỗ em, đang dùng tiếng cười vô tư ấy để làm món ăn tinh thần thay cho bữa ăn cuối cùng của cả nhà.
Thực tại thực đến nỗi không cho phép người mẹ mơ lấy một giấc mơ mà phải tiếp tục đu bám vào cái hiện thực trống rỗng. Vì “đói kém phải phiêu bạt”, mẹ đã chẳng màn đến bước lưu li:
“Quản chi bước lưu li
Miễn sống qua thì đói
Nhưng một người làm thuê
Nuôi bốn miệng sao nổi”
Mạng sống đang chập chờn vì cái đói, vậy nên dù có tha phương trên bao nhiêu nẻo đường đi nữa thì mẹ vẫn không màn. Sự hi sinh ấy không phải cho riêng người mẹ mà còn vì những đứa con thơ, không thể để cái đói khát ăn mòn những đứa trẻ. Nguyễn Du còn biết đây không phải là người đàn bà có nghề ăn mày mà còn là một người lao động lang thang đi kiếm việc làm thuê. Nhà thơ thương xót trước cảnh đời nhiều đắng cay, bất hạnh, tự hỏi “nuôi bốn miệng sao nổi!” Sự trống vắng của hình ảnh người chồng, người cha đã gợi nhiều thương cảm. Một vệt đen đầy ám ảnh phủ lên bức tranh bốn mẹ con người ăn mày.
Nguyễn Du không chỉ tả, ghi lại những điều trông thấy mà còn nói lên cảm nghĩ đầy trắc ẩn của lòng mình. Ông lo lắng, xót đau cho tính mạng người mẹ và đứa con thơ:
“Mẹ chết có tiếc gì
Thương đàn con vô tội
Nỗi đau như xé lòng”
Đứng trước bờ vực cái chết, mẹ vẫn toàn tâm nghĩ đến con, chỉ sợ đàn con bơ vơ, côi cút không nơi nương tựa và sợ chúng chết mòn khi chúng đều là trẻ thơ vô tội. Càng nghĩ càng đớn lòng. Thế mới thấy được tình mẫu tử thiêng liêng, trong cái tối tăm thì tình mẫu tử vẫn được thắp sáng.
Trước đau thương của đời người, đất trời cũng tê tái
“Trông mặt trời vàng úa
Gió lạnh bỗng đâu về
Khách qua đường thương xót”
Nhà thơ đã trông thấy nghịch cảnh đau lòng trong bức tranh thiên nhiên giàu ý nghĩa tượng trưng. Mặt trời vàng úa lại, úa đi trong đôi mắt của người mẹ đối đến vàng mắt. Mặt trời vốn soi những tia nắng chói chang, nay cũng lụi tàn đi dưới mắt chết của người mẹ. Nó không sáng nữa thì làm sao còn trông thấy những sinh linh bé nhỏ bi thảm này? Nghịch cảnh lại nối nghịch cảnh. Người đường gió rít, bốn mẹ con sắp chết đói. Những đợt rít lên đột ngột ấy có thể khiến họ chết không những vì đói mà còn vì giá lạnh. Hay cái lạnh và cái đối hòa vào cùng nhau, ập tới nhanh chóng để lấy đi sinh mạng của những số phận đen đủi. Cái số phận ấy cũng khiến cho người ngoài thương xót. Và cái thương xót của người ngoài ấy cũng là sự thương xót của nhà thơ.
Với những điều trông thấy, Nguyễn Du không chỉ thấy được cái cơ hàn của số phận người đàn bà mà con thấy được cái đối lập với số phận ấy. Nguyễn Du đã nói về cảnh đời của bọn quan lại qua bữa tiệc trạm Tây Hà – bữa tiệc đón tiếp sứ thần nước Nam. Nguyễn Du là chánh sứ, vì thế những điều mà ông tả trong bữa tiệc đều rất chân thực:
“Nào vây cá gân hươu
Lợn dê mâm đầy ngút”
Mâm cỗ sang có những món cao lương mỹ vị được liệt kê hàng loạt vô cùng quý hiếm, đắt giá. Thấy sang trọng của món ăn như vạch đôi ra hai thế giới giữa cái đầy đủ và cái thiếu thốn của mẹ con người ăn mày. Một nét vẽ tương phản có giá trị tố cáo sâu sắc những bất công trong xã hội. Trong lúc bốn mẹ con “nửa ngày bụng vẫn không” cầm hơi bằng rau cám thì bọn quan trên sống xa hoa, thừa mứa:
“Quan lớn không chọc đũa
Tuỳ tùng chỉ nếm chút
Thức ăn thừa đổ đi
Chó no ngấy món ngon”
Nhà thơ trông thấy cái nghịch cảnh thật đau lòng. Món ngon là khát khao của những người đói khát ngoài kia, họ không có đến miếng ăn nhưng trong gia thành, món ngon lại bị khước từ, thuận mồm thì “chỉ nếm chút”. Bức tranh càng tương phản, làm ta liên tưởng đến quan trên thì thản nhiên chơi sẩm, đánh bài, mặc cho nhân dân đang chống chọi với đê vỡ trong “Sống chết mặc bây”. Và ở đây, càng xé lòng khi “thức ăn thừa đổ đi”. Miếng ăn không còn lấy làm chút trọng dụng, phát đãi cho lũ chó trong thành. Số phận con người lại không được ăn ngon như lũ chó suốt ngày nằm trong xó cửa, thua cả một con vật. Hiện thực ấy đớn đau vô cùng khi:
“Biết đâu trên đường quan
Có mẹ con cực khổ!”
Có lẽ vì sống trong sự xa hoa nên con người thường khinh ghét, không màn quan tâm những thứ tầm thường, nhỏ bé. Vậy nên quan trên chưa từng nghĩ đến viễn cảnh cái đói đang hoành hành nhân dân. Trước hai cảnh đời trái ngược, hai câu thơ cuối như một câu hỏi vô tình nhưng hàm chứa một ý nghĩa phê phán sâu sắc:
“Ai vẽ bức tranh này
Dâng lên nhà vua rõ”
Hai câu thơ cuối là bản lề đóng lại bức tranh với hai mảng tối sáng. Và khép lại cả “Sở kiến hành”, ta thấy được số phận của người mẹ nói riêng và tất cả người nông dân đang sống trong chế độ cũ nói chung phải chịu cảnh đói khát. Đây cũng là một sự phê phán đối với cả tầng lớp xã hội cũ đã sống sa hoa, lãng phí đến hẹp hòi, không màng đến sinh mạng nhân dân. Cả bài thơ là bức tranh rất chân thực về hiện thực tầng lớp trong xã hội cũ – đó chính là cái nhìn siêu thực và là tấm lòng nhân đạo của người mang sứ mạng nhà thơ.
Sóng Hồng đã từng khẳng định: “ Thơ là thơ, đồng thời là hoạ, là chạm khắc theo một cách riêng”. Cái “chất riêng” được “chạm khắc” ấy với Nguyễn Du là phong cách nghệ thuật độc đáo của mình. Bằng việc sử dụng thể thơ hành – thể thơ năm chữ rất quen thuộc, Nguyễn Du đã để cho cảm xúc của mình lăn dài trên từng con chữ trong nhịp điệu đầy linh hoạt. Lối viết thơ của Nguyễn Du như một lời tự sự một cách vô cùng tự nhiên, cùng với việc lột tả hiện thực một cách khách quan, ông đã cho thấy tâm hồn đồng cảm và sự phê phán thời cuộc. Nhà thơ còn phát họa lên bức tranh với hai mảnh hiện thực đối lập, giúp ta hiểu rõ hơn về bản chất con người và gia cấp trong xã hội cũ. Tất cả cái tài dưới ngòi bút Nguyễn Du đã hoà quyện, chắp cánh nâng đỡ “Sở kiến hành” thăng ho cùng thi sĩ. Đúng như Huy Trực từng nói: “Thơ là rượu thế gian”.
Tố Hữu từng viết: “ Bài thơ hay làm cho người ta không còn thấy câu thơ, chỉ còn thấy tình người”. “Sở kiến hành” của Nguyễn Du đã hoàn thành sứ mệnh là một bài thơ hay, để rồi khi đọc nó ta chỉ thấy giá trị nhân đạo mà nhà thơ mang lại chứ không đơn thuần là những câu chữ. Tác phẩm đã biểu hiện một cách sâu sắc tinh thần nhân đạo, cao quý của đại thi hào dân tộc. Tấm lòng của nhà thơ đã hướng về những con người nghèo khổ, bất hạnh kể cả đó là người Việt Nam hay Trung Quốc. Đau xót, cảm thông cho người mẹ và những đứa con thơ trong tác phẩm, ta càng trân trọng hơn giá trị sống của tất cả con người cực. Bài thơ còn là tiếng nói về quyền sống và hạnh phúc của những con người nhỏ bé, là tiến trách than hững sự bất công trong xã hội. “Sở kiến hành” thực sự xứng đáng có vị trí sáng ngời trong văn học để phản ánh số phận và cuộc đời. Thế mới biết, trong đời sống cũng như trong nghệ thuật, tấm lòng mới tạo ra điều kì diệu. Đúng như Nguyễn Du từng nói: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.