Đề đọc hiểu và nghị luận về thơ văn Nguyễn Du, Trên đường đi Lạng Sơn

THƠ VĂN NGUYỄN DU

Đề bài

ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)

Đọc văn bản sau:

LẠNG SƠN ĐẠO TRUNG

(Trên đường đi Lạng Sơn)

(Trích Nam Trung tạp ngâm – Nguyễn Du)

PHIÊN ÂM

Vạn mộc sơn tiền khả bốc cư,

Bạch vân tại tụ thuỷ thông cừ.

Sơn tăng đối trúc lưỡng vô dạng,

Mục thụ kỵ ngưu nhất bất như.

Ảnh lý tu my khan lão hỷ,

Mộng trung tùng cúc ức quy dư.

Toạ gia thôn tẩu đa nhàn sự,

Chỉ vị bình sinh bất độc thư.

DỊCH NGHĨA

Hàng vạn cây um tùm trước núi, nơi đây có thể chọn làm chỗ ở,

Mây trắng giăng giăng trên núi, nước tuôn theo khe suối.

Nhà sư trước hàng trúc, cả hai đều thanh thản,

Mục đồng cưỡi lưng trâu, quả thực chẳng ai bằng.

Soi gương ngắm râu tóc thấy già rồi.

Trong mộng gặp tùng cúc, nhớ tới lời “về thôi!” (1)

Ông già nơi thôn xóm quá nhàn nhã,

Chỉ vì cả đời chẳng biết đến sách vở.

DỊCH THƠ

Trước núi um tùm dựng được nhà,

Hang đùn mây trắng nước khe ra.

Sư bên khóm trúc bình yên cả,

Mục cưỡi lưng trâu, sướng nhất mà!

Trước kính mày râu nhìn cảnh lão,

Trong mơ tùng cúc nhớ quê ta.

Ngồi nhà mấy cụ sao thư thả?

Chỉ vì không hề đọc sách qua.

Vũ Tam Tập dịch

Chú thích:

Hoàn cảnh sáng tác: Trích trong Nam trung tạp ngâm – Tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du, sáng tác vào thời kì Nguyễn Du Làm quan ở Bắc Hà (1802-1804)

(1) “Về thôi” dịch hai chữ “quy dư trong nguyên tác: Sách Luận ngữ chép: Khổng Tử ở nước Trần, thấy đạo lớn không thể thực hiện được, cảm khái than rằng: “Quy dư! Quy dư!…” (Về thôi, về đi thôi). Trong lời tựa bài “Quy khứ lai từ”, Đào Tiềm đã dùng mấy chữ “quy dư chi tình” (nỗi lòng muốn về) để bày tỏ chỉ hướng muốn từ bỏ chức quan, về vui với cảnh ruộng vườn.

Mùa đông năm Quý Hợi, tức năm 1804, Nguyễn Du được triều đình cử lên trấn Nam Quan (nay là Hữu Nghị Quan) thuộc địa phận Lạng Sơn để đón tiếp sứ đoàn nhà Thanh sang sắc phong. Bài thơ trên có lẽ được làm trong dịp này.

Trả lời các câu hỏi sau (Theo ma trận bên dưới)

Câu 1: Bài thơ trên được viết theo thể thơ nào?

Câu 2. Xác định nội dung chính của bài thơ trên.

Câu 3. Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là gì? Dựa vào đâu để có thể xác định cảm hứng chủ đạo ấy?

Câu 4: Xác định biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong hai câu thơ sau và nêu tác dụng?

Vạn mộc sơn tiền khả bốc cư,

Bạch vân tại tụ thuỷ thông cừ.

Câu 5. Bốn câu thơ đầu của bài thơ gợi ra cho em những cảm nhận gì về không gian và con người nơi Lạng Sơn mà Nguyễn Du nhắc đến

Vạn mộc sơn tiền khả bốc cư,

Bạch vân tại tụ thuỷ thông cừ.

Sơn tăng đối trúc lưỡng vô dạng,

Mục thụ kỵ ngưu nhất bất như.

Trước núi um tùm dựng được nhà,

Hang đùn mây trắng nước khe ra.

Sư bên khóm trúc bình yên cả,

Mục cưỡi lưng trâu, sướng nhất mà!

Câu 6. Hai câu thơ cuối nói về điều gì? Theo em, hai câu thơ có ẩn chứa tâm sự nào khác của tác giả hay không? Vì sao?

Toạ gia thôn tẩu đa nhàn sự,

Chỉ vị bình sinh bất độc thư.

Ngồi nhà mấy cụ sao thư thả?

Chỉ vì không hề đọc sách qua.

Câu 7: Em có nhận xét gì về tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ?

Câu 8. Viết đoạn văn nghị luận khoảng 12 câu, trình bày một chi tiết/hình ảnh thơ/câu thơ/cặp câu thơ mà em thấy ấn tượng nhất trong bài thơ trên.

LÀM VĂN (4.0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) phân tích nội dung và nghệ thuật của tác phẩm trên.

Hướng dẫn đáp án chi tiết  

ĐỌC – HIỂU

Câu 1: Thể thơ: Thất ngôn bát cú Đường luật

Câu 2:

– Cảm hứng chủ đạo: Cảm nhận về cảnh sắc và con người Lạng Sơn khi Nguyễn Du đi qua miền đất này.

Câu 3:

Cảm hứng chủ đạo: Cảm nhận về vẻ đẹp thanh bình nơi Lạng Sơn và những tâm sự của Nguyễn Du về thế sự và cuộc đời

–  Căn cứ:

+ 4 câu đầu: Nhắc tới các hình ảnh về làng quê yên bình, cảnh rừng núi nơi Lạng Sơn, hình ảnh của sư thầy đang bình yên tận hưởng cuộc sống

+ 4 câu sau: Nhắc tới hình ảnh của chính Nguyễn Du khi về già, cùng với suy tư về việc liệu có được như ông lão kia, vì “không biết chữ” nên không lo thế sự, mà bình an tận hưởng cuộc sống.

Câu 4:

– Nghệ thuật đối

Vạn mộc sơn tiền khả bốc cư,

Bạch vân tại tụ thuỷ thông cừ.

– Tác dụng: Thể hiện hình ảnh quen thuộc của làng quê và núi rừng Lạng Sơn. Đó cũng là mong ước bình yên và nỗi nhớ quê hương giản dị, sâu nặng.

Câu 5:

Trước núi um tùm dựng được nhà,

Hang đùn mây trắng nước khe ra.

Sư bên khóm trúc bình yên cả,

Mục cưỡi lưng trâu, sướng nhất mà!

– Không gian: Núi rừng, hang núi, có mây trắng, có khe nước,…không gian hòa nhập với thiên nhiên.

– Cuộc sống con người: Xây đắp nhà cửa, dẫn trâu đi cày, nhà sư ngồi bên khóm trúc đầy yên bình.

à Cuộc sống yên bình, hòa quyện giữa thiên nhiên và con người xứ Lạng

Ngồi nhà mấy cụ sao thư thả?

Chỉ vì không hề đọc sách qua.

Câu 6:

Hình ảnh trong hai câu cuối: Cụ già ngồi nhà thư thả, Nguyễn Du đoán rằng liệu có phải vì “không biết đọc sách” – không quan tâm và hiểu về thế sự nên mới có tâm thế nhàn nhã, thư thả vậy không?

Tâm sự của nhà thơ: Ước muốn bình yên, không lo toan thế sự hay cuộc đời, sống bình dị, lánh đục về trong, nhưng lại trong hoàn cảnh là người “hay chữ” nên vẫn còn vướng bận những lo toan thời thế, những điều khiến nhà thơ bận lòng, đau đáu

Câu 7:

– Tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ: Nỗi niềm “những điều trông thấy” của nhà thơ, dù rất khát khao khung cảnh bình yên, nhưng sâu trong lòng vẫn là những trăn trở suy tư về cuộc đời và thời thế, là nỗi nhớ quê hương da diết của nhà thơ.

Câu 8:

Hình thức: Đoạn văn khoảng 12 câu, theo đúng cấu trúc đoạn (diễn dịch hoặc quy nạp hoặc tổng phân hợp)

– Nội dung: HS có thể lựa chọn hình ảnh/câu thơ theo cảm nhận của mình  

+ Lựa chọn 4 câu thơ đầu:

  • Hình ảnh thiên nhiên núi rừng Lạng Sơn
  • Hình ảnh về con người: những đứa trẻ chăn trâu, hay sư đang ngồi dưới khóm trúc

Bình yên trong khung cảnh và tâm trí

+ Lựa chọn 4 câu thơ sau:

  • Hình ảnh nhà thơ tự ngắm mình khi về già, đồng thời nhớ về quê hương
  • Mong muốn được thư thái, nhàn hạ như những cụ già, tránh thế sự

Mong ước bình yên và nỗi nhớ quê hương giản dị, sâu nặng

LÀM VĂN

Mở bài:

– Giới thiệu chung về bài thơ

– Xác định vấn đề sẽ được tập trung bàn luận trong bài viết

– Trong gia tài thi ca phong phú của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, bộ phận thơ chữ Hán có vai trò khá đặc biệt. Đó là những bài mà Nguyễn Du có thể trực tiếp bộc lộ những tâm tư, tình cảm; bày tỏ những day dứt trăn trở của mình. Trong bài thơ “Lạng Sơn đạo trung” những tâm sự ấy của Nguyễn Du lại có được sự tương đồng, gần gũi với cuộc đời, khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Bởi vậy bài thơ là sự kết hợp vẻ đẹp thiên nhiên, giữa sự xót thương cho kiếp người mệnh bạc và lòng trân trọng ngợi ca những phẩm chất cao đẹp của con người. Đó cũng là một phương diện quan trọng, sâu sắc trong chủ nghĩa nhân đạo của Nguyễn Du.

Thân bài:

* Nhan đề

– “Lạng Sơn đạo trung” mở ra trước mắt người đọc một thế giới bao la, xa lạ, những tên đất tên người, những nẻo đường phương bắc xa xôi, “những nẻo đường trông  thấy’” nơi quê người mà Nguyễn Du đã đi qua, đã nhìn thấy và xúc động.

– Nguyễn Du (1765 – 1820) là nhà thơ thiên tài của dân tộc, niềm tự hào vô cùng lớn lao của nhân dân ta. Ngoài kiệt tác Truyện Kiều và Văn chiêu hồn bằng thơ Nôm, thi hào còn để lại 3 tập thơ chữ Hán có giá trị tư tưởng và nghệ thuật sâu sắc: Nam trung tạp ngâm, Thanh Hiên thi tập và Bắc hành tạp lục. Bác hành tạp lục – tập thơ đi sứ của Nguyễn Du. Nó mở ra trước mắt người đọc một thế giới bao la, xa lạ, những tên đất tên người, những nẻo đường phương bắc xa xôi, “những nẻo đường trông  thấy’” nơi quê người mà Nguyễn Du đã đi qua, đã nhìn thấy và xúc động. Có đọc Bắc hành tạp lục ta mới cảm nhận hết hồn thơ Nguyễn Du với cảm hứng nhân văn và tinh thần dân tộc cao đẹp.

– Bài thơ thất ngôn bát cú bằng chữ Hán.

– Hoàn cảnh sáng tác: Trích trong Nam trung tạp ngâm – Tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du, sáng tác vào thời kì Nguyễn Du Làm quan ở Bắc Hà (1802-1804)

* Khái quát cấu tứ,  phân tích và đánh giá tình cảm qua từng phần của bài thơ

Bốn câu thơ đầu – Cảm nhận về khung cảnh thiên nhiên và cuộc sống nơi Lạng Sơn mà Nguyễn Du đi qua 

Trước núi um tùm dựng được nhà,

Hang đùn mây trắng nước khe ra.

Sư bên khóm trúc bình yên cả,

Mục cưỡi lưng trâu, sướng nhất mà!

Không gian: Núi rừng, hang núi, có mây trắng, có khe nước,…không gian hòa nhập với thiên nhiên. Trong tác phẩm “Lạng Sơn đạo trung” đây chính là không gian bao la mênh mông rộng lớn, và cũng chính không gian rộng lớn ấy lại càng làm cho nhà thơ nhỏ bé, đơn độc giữa nơi đất khách quê người.

Cuộc sống con người: Xây đắp nhà cửa, dẫn trâu đi cày, nhà sư ngồi bên khóm trúc đầy yên bình.

Cuộc sống yên bình, hòa quyện giữa thiên nhiên và con người xứ Lạng

Bốn câu thơ sau – Nỗi nhớ quê hương 

– Tâm sự của nhà thơ

Trước kính mày râu nhìn cảnh lão,

Trong mơ tùng cúc nhớ quê ta.

Ngồi nhà mấy cụ sao thư thả?

Chỉ vì không hề đọc sách qua.

– Nỗi nhớ quê hương khi ngắm nhìn những hình ảnh bình dị, thân thương của làng quê.

* Hình ảnh, chi tiết

– Nỗi tâm sự thời thế thầm kín, nỗi lo về nước nhà thời cuộc.

+ Hình ảnh trong hai câu cuối: Cụ già ngồi nhà thư thả, Nguyễn Du đoán rằng liệu có phải vì “không biết đọc sách” – không quan tâm và hiểu về thế sự nên mới có tâm thế nhàn nhã, thư thả vậy không?

+ Tâm sự của nhà thơ: Ước muốn bình yên, không lo toan thế sự hay cuộc đời, sống bình dị, lánh đục về trong, nhưng lại trong hoàn cảnh là người “hay chữ” nên vẫn còn vướng bận những lo toan thời thế, những điều khiến nhà thơ bận lòng, đau đáu.

* Nghệ thuật (Thể thơ, từ ngữ, BPTT…)

– Nghệ thuật đối

Vạn mộc sơn tiền khả bốc cư,

Bạch vân tại tụ thuỷ thông cừ.

– Hình ảnh quen thuộc của làng quê và núi rừng Lạng Sơn

– Hình ảnh mang tính ước lệ

* Đánh giá chung nội dung và nghệ thuật

– Nỗi niềm “những điều trông thấy” của nhà thơ, dù rất khát khao khung cảnh bình yên, nhưng sâu trong lòng vẫn là những trăn trở suy tư về cuộc đời và thời thế, là nỗi nhớ quê hương da diết của nhà thơ.

– Thơ Nguyễn Du luôn luôn vang lên âm thanh, bừng lên màu sắc của sự sống, hằn lên những đường nét sắc cạnh của bức tranh đời sống đa dạng. Và giữa những âm thanh, màu sắc, đường nét vô cùng phong phú đó, con người nhà thơ sẽ hiện ra: vừa dạt dào yêu thương vừa bừng bừng căm giận. Đấy là chỗ đặc sắc và cũng là chỗ tích cực nhất trong nghệ thuật của Nguyễn Du, từ thơ chữ Hán đến Truyện Kiều, nó tạo nên cái sức sống kỳ lạ của hầu hết tác phẩm của ông mà ngày nay chúng ta vẫn đọc mải mê không biết chán.

  1. Kết bài: Khẳng định lại sự độc đáo của bài thơ và ý nghĩa cúa nó đối với việc đem lại cách nhìn mới, cách đọc mới cho độc giả.

Có lần nhà thơ Tố Hữu từng nói: “Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi  đi tới của văn học”. Nguyễn Du không nằm ngoài quy luật ấy với “Lạng Sơn đạo trung”. Chính những điều đó đã kết tinh lại  thành một nguồn sức mạnh kì diệu, một sức sống mãnh liệt cho tác phẩm trong dòng chảy khắc nghiệt của thời gian và cũng chính sức mạnh đó khiến “Văn học nằm ngoài mọi sự băng hoại, mình nó không chấp nhận quy luật của cái  chết”.

Bài viết tham khảo:

Pautopxki – một nhà văn người Nga từng nhận xét rằng “An-đéc-xen đã  lượm lặt những hạt trơ trên luống đất của những người dân cày, ấp ủ chúng nơi  trái tim ông rồi gieo vào những túp lều, từ đó lớn lên và nảy nở những đóa hoa  thơ đẹp, chúng an ủi trái tim của những người cùng khổ”. Ở Việt Nam tôi đã bắt gặp một An-đéc-xen như thế, ông cũng lượm lặt cẩn thận, tỉ mỉ từ đời sống mà “góp lên trang”. Đó không ai khác ngoài đại thi hào Nguyễn Du – một người đã dựng xây nên nền văn học trung đại vô cùng phong phú. Và trên những tác trang viết của ông là tác phẩm “Lạng Sơn đạo trung”.

Nguyễn Du (1765 – 1820) là nhà thơ thiên tài của dân tộc, niềm tự hào vô cùng lớn lao của nhân dân ta. Ngoài kiệt tác Truyện Kiều và Văn chiêu hồn bằng thơ Nôm, thi hào còn để lại 3 tập thơ chữ Hán có giá trị tư tưởng và nghệ thuật sâu sắc: Nam trung tạp ngâm, Thanh Hiên thi tập và Bắc hành tạp lục. Bác hành tạp lục – tập thơ đi sứ của Nguyễn Du. Nó mở ra trước mắt người đọc một thế giới bao la, xa lạ, những tên đất tên người, những nẻo đường phương bắc xa xôi, “những nẻo đường trông  thấy’” nơi quê người mà Nguyễn Du đã đi qua, đã nhìn thấy và xúc động. Có đọc Bắc hành tạp lục ta mới cảm nhận hết hồn thơ Nguyễn Du với cảm hứng nhân văn và tinh thần dân tộc cao đẹp. “Lạng Sơn đạo trung” mở ra trước mắt người đọc một thế giới bao la, xa lạ, những tên đất tên người, những nẻo đường phương bắc xa xôi, “những nẻo đường trông  thấy’” nơi quê người mà Nguyễn Du đã đi qua, đã nhìn thấy và xúc động. Bài thơ được viết theo thể thất ngôn bát cú bằng chữ Hán đặc trưng trong giai đoạn văn học trung đại và được trích trong Nam trung tạp ngâm – Tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du, sáng tác vào thời kì Nguyễn Du Làm quan ở Bắc Hà (1802-1804).

Đến với thơ Nguyễn Du, ông luôn thể hiện tình cảm chân thành, cảm thông sâu sắc của tác giả đối với cuộc sống và con người, đặc biệt là những con người bé nhỏ, những số phận bất hạnh, những người phụ nữ tài hoa bạc mệnh (Thuý Kiều, Đạm Tiên…). Hay triết lí về thân phận bất hạnh của phụ nữ trong xã hội cũ, đề cập đến vấn đề thân phận người phụ nữ tài hoa bạc mệnh. Đồng thời, khái quát bản chất tàn bạo của chế độ phong kiến chà đạp quyền sống của con người. Hiện thực cuộc sống luôn hiền hòa dễ dãi với số ít người giàu, người sang trọng nhưng lại rất khắc nghiệt tàn nhẫn với số đông người nghèo, người bất hạnh. Nguyễn Du rơi từ địa vị một người sang trọng xuống hạng cùng dân rồi từ vị trí của người cùng dân được trở lại địa vị cao sang. Nhưng ở bất cứ thời điểm nào, Nguyễn Du cũng rất ý thức về cái nghèo. Ý thức từ cái ấm êm của chăn nệm đến cái rét buốt của người không áo, từ miếng ăn béo bở thừa mứa no nê đến cái thắt ruột thắt gan của người sắp chết đói.

Nghèo đói thương đi chung với bệnh tật. bệnh tật cũng là mối lo khác của con người. bệnh tật làm con người héo mòn dần. Lại không phải bệnh một ngày một bữa mà là bệnh kéo dài mấy tháng, có khi mấy năm. Đôi khi cái bệnh thật của con người được dâng lên thành tâm bệnh. Thời thế đổi thay, lòng người dâu bể, bản thân không làm được gì, nghèo đói cứ triền miên…làm sao con người có thể khỏe mạnh về mặt tinh thần được? Sự thất vọng chán chường thường làm cho con người mỏi mệt suy yếu. Không phải con người không có nghị lực để vượt qua, không đủ dũng khí để chống chọi mà là thác quá cao, ghènh quá sâu, con người nhỏ bé không thể làm gì, đành ngồi chờ lắt lay bên bờ vực. Tâm sầu dẫn đến tâm bệnh. Con người tự nhân thấy như thế.

Trước núi um tùm dựng được nhà,

Hang đùn mây trắng nước khe ra.

Sư bên khóm trúc bình yên cả,

Mục cưỡi lưng trâu, sướng nhất mà!

Có lẽ bao trùm lên tất cả là sự tự ý thức: ý thức về cá nhân mình, ý thức về con người và thế giới chung quanh. Sự tự ý thức ấy nó chi phối tất cả các mặt tâm trạng thể hiện trong tác phẩm. Để giải mã được hình tượng nhiều rắc rối phức tạp kia có lẽ phải thâm nhập thật sâu vào thế giới trữ tình của tác giả. Với 4 câu đầu, chúng ta thấy một không gian núi rừng, hang núi, có mây trắng, có khe nước,…không gian hòa nhập với thiên nhiên là khung cảnh cuộc sống con người “Xây đắp nhà cửa”, “dẫn trâu đi cày”, “nhà sư ngồi bên khóm trúc” đầy yên bình. Phải chăng chính nhà thơ đã và đang ước mơ, mong muốn cuộc sống yên bình, hòa quyện giữa thiên nhiên và con người xứ Lạng? Thơ chữ Hán Nguyễn Du cũng nằm trong khuôn khổ của nền văn học trung đại, cho nên chắc chắn không gian nghệ thuật trong thơ của ông cũng là không gian vũ trụ. Toàn bộ thơ chữ Hán của Nguyễn Du chúng ta sẽ nhận thấy ngay một điều là có hai khoảng không gian tồn tại, tạm gọi là không gian rộng lớn và không gian nhỏ hẹp. Trong tác phẩm “Lạng Sơn đạo trung” đây chính là không gian bao la mênh mông rộng lớn, và cũng chính không gian rộng lớn ấy lại càng làm cho nhà thơ nhỏ bé, đơn độc giữa nơi đất khách quê người. Không gian xa cách, cả cuộc đời Nguyễn Du như con thuyền trôi ngược xuôi sớm tối, như ngon cỏ bồng lìa gốc lăn lốc bên trời, như cánh chim hồng lạc đàn lẻ bạn kêu thương. Có một không gian xa cách như thế giành cho người viễn khách, đi xa là điều bất hạnh. Làm bạn với không gian xa cách là không gian mờ mịt gió bụi. đường Nguyễn Du đi cát bụi đầy trời, không gian mờ tối hiu hắt. bụi cát có khi là bụi cát trên đường đi nhưng hầu hết là gió bụi trong mắt Nguyễn Du. Ông không nhìn thấy gì ngoài gió bụi. gió bụi là muôn thuở, nó che lấp cả thành quách che lấp cả mặt trời. Trên cái nền chung ấy, Nguyễn Du biểu hiện khát vọng khám phá hiểu biết, tự đối lập mình với vũ trụ thiên nhiên để kêu gọi đồng cảm, biểu hiện sự cam chịu nhẫn nhục khi cảm thấy mình không vượt được không gian hiện thực để đạt tới được một lí tưởng vạch sẵn cho mình. Con người không có sự tương thông với vũ trụ dù đã nhiều lần “đăng cao” mắt dõi khắp “ thiên nhai hải giác”. Vũ trụ chừng như cũng quay lưng lại với con người, chỉ đem lại cho con người những gì con người không thích ứng nỗi, chết chóc,tàn úa, xa cách, lạnh lẽo và những bí ẩn muôn đời con người không giải thích được.

Bốn câu thơ sau bộc lộ rõ nét lời tâm sự đầy chân thành, sâu sắc mà lay động lòng người của nhà thơ. Nỗi nhớ quê hương khi ngắm nhìn những hình ảnh bình dị, thân thương của làng quê. Nỗi niềm “những điều trông thấy” của nhà thơ, dù rất khát khao khung cảnh bình yên, nhưng sâu trong lòng vẫn là những trăn trở suy tư về cuộc đời và thời thế, là nỗi nhớ quê hương da diết của nhà thơ.

Trước kính mày râu nhìn cảnh lão,

Trong mơ tùng cúc nhớ quê ta.

Ngồi nhà mấy cụ sao thư thả?

Chỉ vì không hề đọc sách qua.

Ông không còn phải khóc thương cho sự cùng đường, bế tắc của một con người lỡ thời, thất thế nhưng lại phải đau xót, tủi thẹn vì nguy cơ đánh mất mình. Ông thất vọng về mình – vì đã không giữ vẹn được tấm tình thủy chung với non xanh, với tùng cúc, hươu nai. Ông thất vọng về chốn quan trường – vì những tưởng khi nhập thế sẽ làm nên sự nghiệp, sẽ giúp ích cho đời nhưng cuối cùng cũng chỉ là kẻ bị trói buộc bởi năm đấu gạo. Ông giống như một người không muốn trôi theo dòng chảy kia nhưng chẳng thể nào thoát khỏi được vòng xoáy dữ dội của nó nên đành chấp nhận. Điều đau xót nhất là, khi bước chân vào nẻo thanh vân cũng là khi hoài bão, ước mơ dần nguội tắt. Hình ảnh trong hai câu cuối: “Cụ già ngồi nhà thư thả”, Nguyễn Du đoán rằng liệu có phải vì “không biết đọc sách” – không quan tâm và hiểu về thế sự nên mới có tâm thế nhàn nhã, thư thả vậy không? Nhà thơ ước muốn bình yên, không lo toan thế sự hay cuộc đời, sống bình dị, lánh đục về trong, nhưng lại trong hoàn cảnh là người “hay chữ” nên vẫn còn vướng bận những lo toan thời thế, những điều khiến nhà thơ bận lòng, đau đáu.

Với đề tài hiện thực, Nguyễn Du từ cõi lòng đầy những thất vọng khổ đau của riêng mình đề cập đến những trăn trở trước số phận của cõi người. Xuất hiện trong tập thơ là hiện thực nhân dân cùng khổ, Nguyễn Du đã vẽ nên những bức tranh sông động về tình cảnh những người dân nghèo trên bước đường tha phương. Cái tôi trữ tình Nguyễn Du luôn xuất hiện với trái tim mang nhiều cung bậc của niềm thương cảm: liên, sầu, bi, cảm, ai, thán, trướng, bồi hồi, thương tâm, kham ai… Vì vậy, khả năng khái quát hiện thực của Bắc hành tạp lục là rất to lớn – vượt xa tất cả các tập thơ đi sứ thời trung đại. Đồng thời, bài thơ này còn thể hiện cảm hứng nhân đạo độc đáo, cao cả của tác giả. Nguyễn Du đã đi từ cõi lòng ngổn ngang những thất vọng, khổ đau của riêng mình để đến với bao nhiêu khắc khoải của nhân sinh và cõi người. Trong đó, cung bậc buồn thương, đau đớn nhất chính là nỗi tiếc hận muôn đời trước số phận của những kiếp tài hoa, trung nghĩa. Thơ Nguyễn Du luôn luôn vang lên âm thanh, bừng lên màu sắc của sự sống, hằn lên những đường nét sắc cạnh của bức tranh đời sống đa dạng. Và giữa những âm thanh, màu sắc, đường nét vô cùng phong phú đó, con người nhà thơ sẽ hiện ra: vừa dạt dào yêu thương vừa bừng bừng căm giận. Đấy là chỗ đặc sắc và cũng là chỗ tích cực nhất trong nghệ thuật của Nguyễn Du, từ thơ chữ Hán đến Truyện Kiều, nó tạo nên cái sức sống kỳ lạ của hầu hết tác phẩm của ông mà ngày nay chúng ta vẫn đọc mải mê không biết chán.

Có lần nhà thơ Tố Hữu từng nói: “Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi  đi tới của văn học”. Nguyễn Du không nằm ngoài quy luật ấy với “Lạng Sơn đạo trung”. Chính những điều đó đã kết tinh lại  thành một nguồn sức mạnh kì diệu, một sức sống mãnh liệt cho tác phẩm trong dòng chảy khắc nghiệt của thời gian và cũng chính sức mạnh đó khiến “Văn học nằm ngoài mọi sự băng hoại, mình nó không chấp nhận quy luật của cái  chết”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *