Đề đọc hiểu và nghị luận về thơ văn Nguyễn Du, Thanh minh ngẫu hứng

Đề bài

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

THANH MINH NGẪU HỨNG

Đông phong trú dạ động giang thành,

Nhân tự bi thê, thảo tự thanh.

Xuân nhật hữu thân phi thiếu tráng,

Thiên nhai vô tửu đối thanh minh.

Thôn ca sơ học tang ma ngữ,

Dã khốc thời văn chiến phạt thanh.

Khách xá hàm sầu dĩ vô hạn,

Mạc giao mao thảo cận giai sinh

Dịch nghĩa:
TIẾT THANH MINH NGẪU HỨNG

Gió đông thổi qua tòa thành bên sông suốt ngày đêm.

Người buồn thì cứ buồn, cỏ xanh thì cứ xanh.

Ngày xuân, mình có thân nhưng không còn trẻ nữa.

Ở góc trời, không có rượu uống tiết thanh minh.

Câu hát thôn dã giúp ta hiểu tiếng nói của kẻ trồng gai trồng dâu.

Ngoài đồng nội thỉnh thoảng nghe tiếng người khóc như buổi chiến tranh.

Ở nơi lữ xá đã buồn quá rồi,

Chớ để cỏ săng mọc gần thềm!

Dịch thơ:

Gió đông lay động giang thành,
Người buồn buồn rũ, cỏ xanh xanh rì.
Ngày xuân mình đã qua thì,
Thanh minh không rượu lấy gì làm vui.
Ca về vườn ruộng học đòi,
Ngoài đồng nghe khóc tưởng hồi chiến tranh.
Nội buồn lữ khách mông mênh,
Đừng cho săng cỏ mọc quanh thềm nhà.

Bản dịch của Bùi Kỉ, Phan Võ, Nguyễn Khắc Hanh. Nguồn: Kiều Văn, Thanh Hiên thi tập, NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2001, tr. 121

(Thanh minh ngẫu hứng – Nguyễn Du – https://www.thivien.net/Nguy%E1%BB%85n-Du/Thanh-minh-ng%E1%BA%ABu-h%E1%BB%A9ng/poem-57J_3jUE4dURA9Ne4FM4aA)

Trả lời các câu hỏi sau: 

Câu 1: Bài thơ được viết theo thể thơ nào?

Câu 2: Xác định cách gieo vần trong bài thơ.

Câu 3: Chỉ ra cách ngắt nhịp ở hai câu đề.

Câu 4: Biện pháp điệp từ trong câu thơ “Nhân tự bi thê, thảo tự thanh” (Người buồn thì cứ buồn, cỏ xanh thì cứ xanh.) có tác dụng gì?

Câu 5: Nêu nội dung khái quát của hai câu thực.

Câu 6: Anh/Chị hiểu như thế nào về câu thơ “Thôn ca sơ học tang ma ngữ” (Câu hát thôn dã giúp ta hiểu tiếng nói của kẻ trồng gia trồng dâu.)?

Câu 7: Nhận xét về tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ.

Câu 8: Hình ảnh “cỏ săng” khép lại bài thơ có ý nghĩa gì?

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) phân tích nội dung và nghệ thuật của tác phẩm trên

Hướng dẫn đáp án chi tiết  

ĐỌC – HIỂU

Câu 1: Thể thơ: thất ngôn bát cú Đường luật.

Câu 2: Gieo vần chân: thành – thanh – thanh; minh – sinh

Câu 3: Ngắt nhịp 2/2/3.

Câu 4:

Tác dụng:

-Tạo âm điệu nhịp nhàng, lắng đọng cho câu thơ.

-Khẳng định nhấn mạnh nỗi cô đơn, buồn sầu trong lòng nhà thơ. Nỗi buồn tự trong lòng và nỗi buồn khi không có sự gắn kết giữa con người với thiên nhiên xung quanh.

Câu 5:

Nội dung khái quát: Khung cảnh của ngày thanh minh, không có rượu uống làm vui. Qua đó thể hiện nỗi ngậm ngùi xót xa khi lưu lạc nơi đất khách quê người, chua xót vì cảnh nghèo khổ, hốt hoảng âu lo khi tuổi xuân đã trôi qua.

Câu 6:

Cách hiểu về câu thơ là:

– Câu hát thôn dã là hình ảnh của cuộc sống giản dị, mộc mạc; ngôn ngữ rất bình dị mà thấm đượm nghĩa tình của những con người lao động nghèo khổ.

– Câu thơ đã thể hiện sự gắn bó với cuộc sống của người lao động của nhà thơ; thái độ trân trọng, học hỏi của nhà thơ với ngôn ngữ lao động mộc mạc bình dị:  nhà thơ đề cao sự thô mộc, dân dã trong lời nói người lao động; học tiếng nói của người trồng dâu, trồng gai tức là tiếp thu những cái hay, cái đẹp trong lời nói, cách nói của người bình dân lao động.

Câu 7:

Tâm trạng của nhân vật trữ tình: nỗi sầu buồn khi nhìn mùa xuân, nỗi cô đơn, lạc loài nơi đất khách, quê người; sự xót xa khi nhìn cuộc sống xơ xác, tiêu điều.

Đây là tâm trạng của một con người có tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, nỗi lòng gắn bó, tha thiết với cuộc sống, ẩn chứa khao khát, ước mong sum họp. Tâm trạng này cũng thể hiện nỗi đau đớn, day dứt của một trái tim nhân đạo lớn lao trước cuộc sống li loạn của con người sau chiến tranh.

Câu 8:

– Hình ảnh “cỏ săng” khép lại bài thơ đã kết đọng nỗi buồn sầu trong lòng nhà thơ.

– Đó là hình ảnh của thiên nhiên hoang dại như muốn làm xác xơ hơn, tiêu điều hơn cuộc sống của con người. Hình ảnh này có ý nghĩa biểu tượng cho nỗi buồn chồng chất, lớn lao, gắn với cảm xúc lạc loài. Nỗi buồn lớn đến mức chỉ ngọn cỏ mọc thêm cũng khơi gợi nỗi ngậm ngùi, cay đắng; đến mức muốn chặn cả sự phát triển của thiên nhiên để không phải đối diện với nỗi buồn của mình.

LÀM VĂN

(Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây, yêu cầu hướng dẫn chi tiết)

Mở bài:

Mùa xuân là một chủ đề được thi hào Nguyễn Du nhắc đến khá nhiều trong thơ chữ Hán của cụ. Lạ thay, đó là những mùa xuân tha hương buồn bã đến chết người. Trong 249 bài thơ chữ Hán qua ba tập thơ Thanh Hiên tiền hậu tập, Nam Trung tạp ngâm và Bắc Hành tạp lục, cụ đã dùng tới 40 từ “xuân” kết hợp với các từ hàn, bệnh, vũ,… gợi nên một trường cảm xúc khá bi đát.

Bài thơ Thanh minh ngẫu hứng rất tiêu biểu cho thơ xuân của thi hào. Bài thơ có giá trị nội dung và nghệ thuật đặc sắc.

Thân bài:

* Nhan đề

Nhan đề bài thơ ít yếu tố tượng trưng, ước lệ như thường thấy. Đó là một nhan đề rất gần gũi với yếu tố thời gian: thanh minh, cảm xúc: ngẫu hứng. Nhan đề đã khái quát mạch cảm xúc chủ đạo của bài thơ: nỗi niềm của nhà thơ trong tiết thanh minh, nỗi sầu buồn giữa cảnh xuân của đất trời

* Khái quát cấu tứ,  phân tích và đánh giá tình cảm qua từng phần của bài thơ

-Cấu tứ của bài thơ đến từ cảm xúc đặc biệt về mùa xuân. Cảm xúc về mùa xuân thường sẽ là niềm vui trước sắc xuân, sức xuân tràn trề. Còn trong bài thơ này, cảm xúc về mùa xuân lại là nỗi buồn, sự cô đơn, lẻ loi. Mỗi tín hiệu của mùa xuân lại gợi ra một nỗi niềm riêng.

– Gió xuân và sắc cỏ tòa thành bên sông và khung cảnh khiến nhà thơ nảy sinh cảm xúc:

Đông phong trú dạ động giang thành,

Nhân tự bi thê, thảo tự thanh.

Trong Truyện Kiều có câu thơ khẳng định tâm trạng của chủ thể đồng hóa phong cảnh xung quanh: Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.  Bên cạnh cái lý của tình cảm đó, còn có cái lý của sự vật. Hai thứ này không loại trừ nhau:Nhân tự bi thê, thảo tự thanh.

-Ngắm cảnh xuân, nhà thơ tự thấy mình có hai điều không tương hợp:

Xuân nhật hữu thân phi thiếu tráng,

Thiên nhai vô tửu đối thanh minh.

Xưa kia người ta thấy đời người tương tự cây cỏ, cũng “xuân sinh, hạ trưởng, thu thu, đông tàng” (mùa xuân sinh ra, mùa hạ trưởng thành, mùa thu thu mình lại, mùa đông giấu mình đi). Trong ngày xuân của đất trời, nhà thơ càng ngộ ra rằng tuổi xuân của mình đã qua lâu rồi. Đương thời vào dịp thanh minh tao nhân mặc khách thường uống rượu thưởng thức tiết trời tươi đẹp, người người vui lễ hội cổ truyền. Vậy mà nhà thơ phải làm khách nơi chân trời, đến chén rượu cũng không có để nhâm nhi ngắm cảnh đẹp, thật đáng ái ngại.

– Trong tiết thanh minh, nhà thơ nghe cả hai loại âm thanh đối nghịch: tiếng hát và tiếng khóc. Rất có thể những âm thanh đó do lễ và hội truyền thống trong dịp này sinh ra. Tiếng hát gợi mở đến cuộc sống làng quê sum họp, còn tiếng khóc lại là ám ảnh về chiến tranh, loạn li.

Thôn ca sơ học tang ma ngữ,

Dã khốc thời văn chiến phạt thanh

– Hai câu thơ của phần kết bộc lộ trực tiếp tâm trạng của chủ thể trữ tình:

Khách xá hàm sầu dĩ vô hạn,

Mạc giao mao thảo cận giai sinh

Trong ngày xuân tiết trời ấm áp, muôn loài cỏ cây thu hút được sinh khí của trời đất, đua nhau khoe sức sống. Trời đất không ưu ái loài cây cỏ nào, riêng con người thì thụ cảm có chọn lựa. Cỏ săng, một loài cỏ gợi lên sự hoang dại thật không nên xuất hiện ngay cạnh nơi ở của nhà thơ lúc này, vì chỉ với từng ấy cơ sự, nhà thơ đã thấy quá buồn bã.

* Hình ảnh, chi tiết

Giang thành là một địa danh không xác định nào đó mà Nguyễn Du thường nhắc đến trong thơ mình như một biểu tượng của nơi trú ngụ của tâm hồn. Đang ở trong tiết xuân nhưng thi nhân cảm thấy buồn, nỗi buồn đối lập với vẻ đẹp của thiên nhiên “Người buồn thì cứ buồn / Cỏ xanh thì cứ xanh”.

– Âm ba cuộc sống li loạn của con người sau chiến tranh “Chiến phạt thanh” luôn làm cho nhà thơ day dứt, đây chính sự day dứt của một trái tim nhân đạo lớn lao. “Chiến phạt thanh” như một hình ảnh đầy ám ảnh về cuộc sống khổ đau của người lao động

* Nghệ thuật (Thể thơ, từ ngữ, BPTT…)

– Nhà thơ đã sử dụng một cách linh hoạt và điêu luyện các yếu tố đặc trưng của thể loại: sự hòa phối thanh điệu, nhịp thơ, kết cấu chặt chẽ, tính cô đọng, hàm súc… Đồng thời, bài thơ cũng có những nét độc đáo ở nhiều bình diện: thi liệu, ý tứ, ngôn ngữ thơ….

– Nghệ thuật đối được vận dụng nhuần nhuyễn ở hai câu thực và luận. Một số hình ảnh rất hàm súc, giàu sức gợi như cỏ săng, giang thành, đông phong… Các biện pháp tu từ như điệp, đối, các từ bày tỏ cảm xúc đã làm nổi bật hình ảnh một con người cô đơn, lẻ loi giữa mùa xuân. Vần “anh”, “inh” được gieo một cách khéo léo, thể hiện được nỗi lòng mênh mang, chồng chất

* Đánh giá chung nội dung và nghệ thuật

Bài thơ xuân này của Nguyễn Du vừa quen vừa lạ. Quen ở chỗ sử dụng các chất liệu phổ biến của thơ ca cổ điển dùng để tả mùa xuân. Lạ ở giọng điệu buồn thương thấm nhuần trong toàn bài thơ. Đằng sau đó là chân dung của một con người mang cảm thức lạc loài, tha hương nơi đất khách, là hình ảnh của một trái tim, một tấm lòng “trông suốt sáu cõi, nghĩ tới nghìn đời”.

Kết bài:

Với những vần thơ xuân mang tính tự thuật không chỉ phản ánh cách Nguyễn Du hình dung về bản thân mình mà còn cho thấy quá trình vận động trong tư tưởng nghệ thuật của một người nghệ sĩ lớn luôn trăn trở những vấn đề về thời cuộc về nhân sinh.

Bài viết tham khảo:

Mùa xuân là một chủ đề được thi hào Nguyễn Du nhắc đến khá nhiều trong thơ chữ Hán của cụ. Lạ thay, đó là những mùa xuân tha hương buồn bã đến chết người. Trong 249 bài thơ chữ Hán qua ba tập thơ Thanh Hiên tiền hậu tập, Nam Trung tạp ngâm và Bắc Hành tạp lục, cụ đã dùng tới 40 từ “xuân” kết hợp với các từ hàn, bệnh, vũ,… gợi nên một trường cảm xúc khá bi đát.  Bài thơ Thanh minh ngẫu hứng rất tiêu biểu cho thơ xuân của thi hào. Bài thơ có giá trị nội dung và nghệ thuật đặc sắc.

Nhan đề chính là cánh cửa mở vào thế giới thơ. Nhan đề bài thơ ít yếu tố tượng trưng, ước lệ như thường thấy. Đó là một nhan đề rất gần gũi với yếu tố thời gian: thanh minh, cảm xúc: ngẫu hứng. Nhan đề đã khái quát mạch cảm xúc chủ đạo của bài thơ: nỗi niềm của nhà thơ trong tiết thanh minh, nỗi sầu buồn giữa cảnh xuân của đất trời

Cấu tứ vốn là chất keo để kết dính toàn bộ các phần trong bài thơ cho một ý tưởng thống nhất. Cấu tứ của bài thơ đến từ cảm xúc đặc biệt về mùa xuân. Cảm xúc về mùa xuân thường sẽ là niềm vui trước sắc xuân, sức xuân tràn trề. Còn trong bài thơ này, cảm xúc về mùa xuân lại là nỗi buồn, sự cô đơn, lẻ loi. Mỗi tín hiệu của mùa xuân lại gợi ra một nỗi niềm riêng.

Trong thơ Việt Nam và Trung Quốc xưa kia, cùng với đào hoađông phong trở thành tín hiệu điển hình của mùa xuân. Đông phong là gió từ biển phía Đông thổi vào lục địa Trung Hoa. Hiện tượng này diễn ra phổ biến nhất vào mùa xuân. Người xưa dù mới đến với đèn sách đã được giảng “đông phong tức thị xuân phong” (đông phong là gió xuân). Hiện tượng tự nhiên đó đã trở thành chất liệu văn chương cổ điển quen thuộc cả trong  những nền văn học xung quanh. Gió xuân và sắc cỏ tòa thành bên sông và khung cảnh khiến nhà thơ nảy sinh cảm xúc:

Đông phong trú dạ động giang thành,

Nhân tự bi thê, thảo tự thanh.

Trong Truyện Kiều có câu thơ khẳng định tâm trạng của chủ thể đồng hóa phong cảnh xung quanh: Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ Bên cạnh cái lý của tình cảm đó, còn có cái lý của sự vật. Hai thứ này không loại trừ nhau: Nhân tự bi thê, thảo tự thanh. Đời người ai cũng từng có lúc xót xa khi thấy không chỉ cỏ cây mà mọi thứ xung quanh không biết đến cảnh ngộ bất như ý của mình. Người và vật dửng dưng, lạnh lùng, không giao hòa, gắn kết khiến mùa xuân trong lòng thi nhân càng trở nên cô đơn, lạnh lẽo.

Ngắm cảnh xuân, nhà thơ tự thấy mình có hai điều không tương hợp:

Xuân nhật hữu thân phi thiếu tráng,

Thiên nhai vô tửu đối thanh minh.

Xưa kia người ta thấy đời người tương tự cây cỏ, cũng “xuân sinh, hạ trưởng, thu thu, đông tàng” (mùa xuân sinh ra, mùa hạ trưởng thành, mùa thu thu mình lại, mùa đông giấu mình đi). Trong ngày xuân của đất trời, nhà thơ càng ngộ ra rằng tuổi xuân của mình đã qua lâu rồi. Đương thời vào dịp thanh minh tao nhân mặc khách thường uống rượu thưởng thức tiết trời tươi đẹp, người người vui lễ hội cổ truyền. Vậy mà nhà thơ phải làm khách nơi chân trời, đến chén rượu cũng không có để nhâm nhi ngắm cảnh đẹp, thật đáng buồn. Những mùa xuân không có giọt rượu nào để đón cảnh “Thanh minh trong tiết tháng ba”, thi nhân tự buồn thương cho chính mình.

Trong tiết thanh minh, nhà thơ nghe cả hai loại âm thanh đối nghịch: tiếng hát và tiếng khóc. Rất có thể những âm thanh đó do lễ và hội truyền thống trong dịp này sinh ra. Tiếng hát gợi mở đến cuộc sống làng quê sum họp Thôn ca sơ học tang ma ngữ. Câu thơ đã thể hiện sự gắn bó với cuộc sống của người lao động của nhà thơ; thái độ trân trọng, học hỏi của nhà thơ với ngôn ngữ lao động mộc mạc bình dị:  nhà thơ đề cao sự thô mộc, dân dã trong lời nói người lao động; học tiếng nói của người trồng dâu, trồng gai tức là tiếp thu những cái hay, cái đẹp trong lời nói, cách nói của người bình dân lao động.  Còn tiếng khóc lại là ám ảnh về chiến tranh, loạn li Dã khốc thời văn chiến phạt thanh. Dù chiến tranh đã kết thúc nhưng hình ảnh của chiến tranh thì không dễ gì xóa đi được. Có bao nhiêu đồng cảm và thương xót trong câu thơ.

Hai câu thơ của phần kết bộc lộ trực tiếp tâm trạng của chủ thể trữ tình:

Khách xá hàm sầu dĩ vô hạn,

Mạc giao mao thảo cận giai sinh

Trong ngày xuân tiết trời ấm áp, muôn loài cỏ cây thu hút được sinh khí của trời đất, đua nhau khoe sức sống. Trời đất không ưu ái loài cây cỏ nào, riêng con người thì thụ cảm có chọn lựa. Cỏ săng, một loài cỏ gợi lên sự hoang dại thật không nên xuất hiện ngay cạnh nơi ở của nhà thơ lúc này, vì chỉ với từng ấy cơ sự, nhà thơ đã thấy quá buồn bã. Nỗi buồn lớn đến mức chỉ ngọn cỏ mọc thêm cũng khơi gợi nỗi ngậm ngùi, cay đắng; đến mức muốn chặn cả sự phát triển của thiên nhiên để không phải đối diện với nỗi buồn của mình.

Xuyên suốt bài thơ là rất nhiều hình ảnh, chi tiết có ý nghĩa biểu tượng. Những hình ảnh, chi tiết bàng bạc nỗi niềm lưu lạc. Giang thành là một địa danh không xác định nào đó mà Nguyễn Du thường nhắc đến trong thơ mình như một biểu tượng của nơi trú ngụ của tâm hồn. Đang ở trong tiết xuân nhưng thi nhân cảm thấy buồn, nỗi buồn đối lập với vẻ đẹp của thiên nhiên “Người buồn thì cứ buồn / Cỏ xanh thì cứ xanh”. Hình như thiên nhiên cũng vô tâm trước nỗi buồn con người? Âm ba cuộc sống li loạn của con người sau chiến tranh “Chiến phạt thanh” luôn làm cho nhà thơ day dứt, đây chính sự day dứt của một trái tim nhân đạo lớn lao. “Chiến phạt thanh” như một hình ảnh đầy ám ảnh về cuộc sống khổ đau của người lao động. Từ nỗi đau riêng của thân phận “lữ khách” đang phải trú ngụ bất đắc dĩ trong “lữ xá” kết hợp với nỗi đau thế sự, thi nhân bất giác buông lời ai oán “Khách xá hàm sầu dĩ vô hạn” (Ở nơi lữ xá đã buồn quá rồi). Đây là tiếng lòng thống thiết cho cảm hứng lạc loài luôn hiện diện trong thơ ông.

Nhà văn Nga Lêônít Lêônốp khẳng định: “Mỗi tác phẩm phải là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung”. Bài thơ đã khắc họa bức tranh xuân qua một hình thức nghê thuật độc đáo. Nhà thơ đã sử dụng một cách linh hoạt và điêu luyện các yếu tố đặc trưng của thể loại: sự hòa phối thanh điệu, nhịp thơ, kết cấu chặt chẽ, tính cô đọng, hàm súc… Đồng thời, bài thơ cũng có những nét độc đáo ở nhiều bình diện: thi liệu, ý tứ, ngôn ngữ thơ….Nghệ thuật đối được vận dụng nhuần nhuyễn ở hai câu thực và luận. Một số hình ảnh rất hàm súc, giàu sức gợi như cỏ săng, giang thành, đông phong… Các biện pháp tu từ như điệp, đối, các từ bày tỏ cảm xúc đã làm nổi bật hình ảnh một con người cô đơn, lẻ loi giữa mùa xuân. Vần “anh”, “inh” được gieo một cách khéo léo, thể hiện được nỗi lòng mênh mang, chồng chất. Giá trị mà Nguyễn Du mang lại không chỉ là một nỗi niềm được bộc lộ, sẻ chia mà còn ở sức khơi gợi sự đồng cảm, ở giá trị nhân bản mà bài thơ gợi ra được.

Bài thơ xuân này của Nguyễn Du vừa quen vừa lạ. Quen ở chỗ sử dụng các chất liệu phổ biến của thơ ca cổ điển dùng để tả mùa xuân. Lạ ở giọng điệu buồn thương thấm nhuần trong toàn bài thơ. Đằng sau đó là chân dung của một con người mang cảm thức lạc loài, tha hương nơi đất khách, là hình ảnh của một trái tim, một tấm lòng “trông suốt sáu cõi, nghĩ tới nghìn đời”.

Ngày xuân đọc lại thơ xuân Nguyễn Du âu cũng là một cách để hiểu thêm về đời sống tâm hồn của Nguyễn Du. Đặc biệt là cảm thức lưu lạc. Tính tự thuật trong “Thanh minh ngẫu hứng” không chỉ phản ánh cách Nguyễn Du hình dung về bản thân mình mà còn cho thấy quá trình vận động trong tư tưởng nghệ thuật của một người nghệ sĩ lớn luôn trăn trở những vấn đề về thời cuộc về nhân sinh. Quá trình này tương ứng với những biến động trên đường đời của tác giả. Chính những vần thơ ấy đã neo lại cuộc đời một chân dung tâm hồn Nguyễn Du hết sức chân thực và sinh động.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *