Đề đọc hiểu và nghị luận về thơ văn Nguyễn Du, Thăng Long kỳ 1

THƠ VĂN NGUYỄN DU

Đề bài

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

(Dẫn tác phẩm)

Thăng Long kỳ 1

Tản lĩnh Lô giang tuế tuế đồng,

Bạch đầu do đắc kiến Thăng Long.

Thiên niên cự thất thành quan đạo,

Nhất phiến tân thành một cố cung.

Tương thức mỹ nhân khan bão tử,

Đồng du hiệp thiếu tẫn thành ông.

Quan tâm nhất dạ khổ vô thuỵ,

Đoản địch thanh thanh minh nguyệt trung.

 

Dịch nghĩa

Núi Tản sông Lô bao nhiêu năm vẫn thế

Đầu đã bạc rồi mà lại thấy Thăng Long

Những ngôi nhà đồ sộ ngày xưa nay đã thành đường cái quan.

Dãi thành mới làm mất cung điện xưa

Các mỹ nhân ngày trước giờ đã có con bồng

Các bạn hào hiệp thuở xưa giờ đã thành ông

Suốt đêm nghĩ ngơi, thao thức không ngủ

Văng vẳng nghe tiếng sáo trong ánh trăng

Bản dịch của Quách Tấn

Núi Tản sông Lô vẫn núi sông

Bạc đầu còn được thấy Thăng Long

Nghìn năm cự thất thành quan lộ

Một giải tân thành lấp cố cung

Người đẹp buổi xưa đều bế trẻ

Bạn chơi thưở nhỏ thảy thành ông

Thâu đêm chẳng ngủ lòng thêm bận

Địch thổi trăng trong tiếng não nùng

(Nguồn dẫn: Quách Tấn)

Trả lời các câu hỏi sau (Theo ma trận bên dưới)

Câu 1: Nhân vật trữ tình trong bài thơ trên là ai?

Câu 2: Theo em, đâu là hình ảnh có ý nghĩa biểu tượng trong bài thơ?

Câu 3: Chỉ ra yếu tố tự sự trong bài thơ

Câu 4: Xác định mối quan hệ cảnh và tình trong bài thơ?

Câu 5: Phân tích hiệu quả của nghệ thuật đối trong hai câu thơ sau

Tương thức mỹ nhân khan bão tử,

Đồng du hiệp thiếu tẫn thành ông.

Câu 6: Nhận xét về cảm xúc của nhân vật trữ tình trong bài thơ

Câu 7: Chỉ ra điểm tương đồng về mặt cảm xúc được thể hiện trong bài thơ với những câu thơ sau?

Hồi hương ngẫu thư kỳ 1

Thiếu tiểu ly gia, lão đại hồi,
Hương âm vô cải, mấn mao tồi.
Nhi đồng tương kiến, bất tương thức,
Tiếu vấn, khách tòng hà xứ lai?

(Hạ Tri Trương)

 

Dịch nghĩa

Tuổi trẻ ra đi, già mới về,
Giọng nhà quê vẫn không đổi, râu tóc đã rụng hết.
Trẻ con trong thấy, không nhận ra,
Cười hỏi, khách từ phương nào đến?

Câu 8: Trước sự biến thiên dâu bể của đời người, anh/ chị cần phải làm gì?

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) phân tích nội dung và nghệ thuật của tác phẩm trên

Hướng dẫn đáp án chi tiết  

ĐỌC – HIỂU

Câu 1: Nhân vật trữ tình trong bài thơ trên là ai?

Nhân vật trữ tình: tác giả

Câu 2: Theo em, đâu là hình ảnh có ý nghĩa biểu tượng trong bài thơ?

Hình ảnh có ý nghĩa biểu tượng là: Thăng Long – vùng đất gắn liền với thời vàng son của triều đại cũ cũng là vùng đất gắn liền với phong lưu của gia đình đại thi hào.

Câu 3: Chỉ ra yếu tố tự sự trong bài thơ

– Người kể cũng là nhân vật trữ tình trong bài thơ đã có những trải nghiệm sâu sắc về kinh thành Thăng Long?

– Câu chuyện và mạch kể: Tác giả trở lại thăng Long sau nhiều năm phiêu bạt, chứng kiến sự thay đổi của kinh đô cũ,  nên ngậm ngùi chua xót.

– Bối cảnh không gian, thời gian: Kinh thành Thăng Long sau những cuộc biến thiên dâu bể. Bản thân nhà thơ thì đã trải qua hơn 10 năm phiêu dạt nơi gió bụi.

Câu 4: Xác định mối quan hệ cảnh và tình trong bài thơ?

          Mối quan hệ cảnh – tình trong bài thơ:

Cảnh: Núi Tản sông Lô “tuế tuế đồng” tức là sau bao nhiêu năm vẫn vậy, không có gì thay đổi.

Tình: Trước sự hiện hữu của cảnh đẹp, nhà thơ ngậm ngùi về sự biến thiên dâu bể của đời người. Cảnh đẹp thiên nhiên thì vẫn còn đó nhưng dấu vết về một Thăng Long huy hoàng một thủa đã không còn.

Câu 5: Phân tích hiệu quả của nghệ thuật đối trong hai câu thơ sau

Tương thức mỹ nhân khan bão tử,

Đồng du hiệp thiếu tẫn thành ông.

– Hai câu thơ có tính chất đối nhưng có sự thống nhất về ý nghĩa: khắc sâu hiện thực nghiệt ngã của đời sống con người trước những cuộc biến thiên dâu bể. Dù có là mỹ nhân hay anh hùng hào kiệt cũng chẳng ai có thể vượt qua được sự dòng chảy nghiệt ngã của thời gian.

– Nghệ thuật đối làm cho câu thơ hài hòa và có sự đồng nhất trong việc biểu đạt nội dung ý nghĩa

Câu 6: Nhận xét về cảm xúc của nhân vật trữ tình trong bài thơ

– Cảm xúc của nhân vật trữ tình: Nhớ tiếc thăng Long thủa trước, vùng đất gắn liền với kí ức tươi đẹp của nhà thơ về một thời phong lưu, cũng là kinh đô tươi đẹp trong tâm thức nhà thơ; ngậm ngùi xót xa trước một kinh đô trong hiện tại, đã bị tàn phá trong những cuộc biến thiên dâu bể.

– Nhận xét: Cảm xúc nhà thơ chân thành, sâu sắc, thể hiện chính kiến về thời cuộc

Câu 7: Chỉ ra điểm tương đồng về mặt cảm xúc được thể hiện trong bài thơ với những câu thơ sau?

Hồi hương ngẫu thư kỳ 1

Thiếu tiểu ly gia, lão đại hồi,
Hương âm vô cải, mấn mao tồi.
Nhi đồng tương kiến, bất tương thức,
Tiếu vấn, khách tòng hà xứ lai?

(Hạ Tri Trương)

 

Dịch nghĩa

Tuổi trẻ ra đi, già mới về,
Giọng nhà quê vẫn không đổi, râu tóc đã rụng hết.
Trẻ con trong thấy, không nhận ra,
Cười hỏi, khách từ phương nào đến?

Gợi ý: Điểm tương đồng về cảm xúc của hai tác giả:

Đều là tâm trạng ngậm ngùi của người xa quê khi còn trẻ khi trở về quê thì đã có tuổi.

  • Khi trở về cả hai đều cảm thấy xa lạ trên chính mảnh đất mà mình đã từng gắn bó
  • Cả hai đều có cảm nhận về thời gian và tuổi tác
  • Hai nhà thơ tuy sống cách xa nhau hàng nghìn năm nhưng đều có chung một nỗi niềm đối với vùng đất mà mình đã gắn bó. Điều đó cho thấy tình cảm với quê hương là một hằng số chung của tất cả mọi người thuộc mọi thế hệ.

Câu 8: Trước sự biến thiên dâu bể của đời người, anh/ chị cần phải làm gì?

Gợi ý: HS có thể trả lời theo nhiều hướng, có thể đi theo hướng sau:

– Trân trọng quá khứ

– Nuôi dưỡng cảm xúc tích cực ở hiện tại.

– Tạo được tâm thế vững vàng để chống chọi lại những phong ba bão táp của cuộc đời

– Học cách thích nghi với cuộc sống mới.

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) phân tích nội dung và nghệ thuật của tác phẩm trên

LÀM VĂN

(Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây, yêu cầu hướng dẫn chi tiết)

Mở bài:

Nguyễn Du là đại thi hào dân tộc là danh nhân văn hóa thế giới, là nhà thơ tiêu biểu trong nền thơ trung đại Việt Nam. Ông để lại cho đời số lượng lớn bài thơ trong đó có những sáng tác đạt đến trình độ cổ điển và mẫu mực.

Thơ Nguyễn Du chưng cất được các loại biểu tượng khác nhau về Thăng Long – môi trường văn hóa mà ông đã tiếp nhận sâu nặng từ trong thực tế trải nghiệm của bản thân. Thăng Long kì 1 là một trong hai bài thơ thể hiện nỗi quan hoài của ông về thời cuộc.

  1. Thân bài:

* Nhan đề

Thăng Long là nơi Nguyễn Du sinh ra và lớn lên nhưng ông đã phải dời ra kinh thành trong suốt nhiều năm trời. Thăng Long đã trở thành một miền nhớ trong kí ức của nhà thơ.  Đặc biệt, Nguyễn Du còn có một mảng thơ khá phong phú viết về đề tài “Thăng Long một thuở”, tiêu biểu như: Long thành cầm giả ca, Ngô gia Đệ cựu ca cơ, Ngẫu hứng V, Mộng đắc Thái liên, Điểu La Thành ca giả. Ở những bài này, ta thấy thấp thoáng hình ảnh Thăng Long xưa, dưới thời phong kiến, như một xã hội thị dân trải nhiều biến cố.

* Khái quát cấu tứ,  phân tích và đánh giá tình cảm qua từng phần của bài thơ

– Khái quát cấu tứ của bài thơ

          Vần là cái tứ “hồi cố” quen thuộc trong thơ ca trung đại, nhưng “Thăng Long kì 1” của Nguyễn Du có nét riêng bởi nó bao hàm cả chính kiến về thời cuộc. Sự hòa quyện giữa nỗi nhớ về vùng đất mà mình từng gắn bó với cảm thức về sự biến thiên dâu bể của đời người đã tạo nên nỗi u hoài trong thơ Nguyễn Du.  Nguyễn Du thường nói đến Thăng Long như một địa điểm khởi phát, nơi bắt đầu cuộc hành trình “mười năm gió bụi” của ông: “ cho nên có thể nói Thăng Long trong nỗi nhớ của ông trở thành một mốc lớn đánh dấu sự đổi thay của cả một thân phận.  Trên thực tế Nguyễn Dũ còn nhiều dịp trở lại Thăng Long nhưng tâm thế của cậu Chiêu Bảy con quan Tể tướng không bao giờ còn có nữa, và vẻ đẹp hoa lệ quyến người của nơi ngày xưa cậu Chiêu đắm mình trong đó như cá bơi trong nước cũng không bao giờ còn nữa.

Bài thơ được làm vào khoảng năm năm 1813, khi Nguyễn Du  trở lại Thăng Long trong vai một vị Chánh sứ, trước khi đi sang Trung Quốc. Có thể thấy Nguyễn Du đã thật sự huy động được bao nhiêu kỷ niệm dồn nén để trở về đối diện với một Thăng Long hiện thực trong thơ mình.  Quả là lúc bấy giờ nhà thơ đã xa cách Thăng Long đến mười một năm có lẻ. Thăng Long trong ý niệm của ông không còn là một địa danh có thể với tới, nó đã tách ra

– Phân tích, cảm nhận qua từng phần của bài thơ

+ Hai câu đầu: Gợi hoàn cảnh nảy sinh tâm trạng. Nhà thơ nhắc về thời điểm trở lại Thăng Long khi mình đã trải qua những thăng trầm của cuộc đời.

                  Tản lĩnh, Lô giang tuế tuế đồng,

                  Bạch đầu do đắc kiến Thăng Long.

                  (Núi Tản, sông Lô vẫn núi sông,

                  Bạc đầu còn được thấy Thăng Long)

+ Hai câu luận: Hướng về sự thay đổi của cảnh vật

Nhà thơ chọn một điểm nhấn về cái cảm giác bất nhất giữa hai không gian tâm lý đang xung đột trong ông. Không gian vũ trụ và không gian lịch sử thì vẫn thế, Thăng Long vẫn là Thăng Long xưa, núi sông hùng vĩ y nguyên không có gì khác; thế nhưng cứ nhìn vào đâu cũng thấy lạ, bởi không gian chính trị – xã hội đã hoàn toàn khác trước: phố phường tồn tại hàng nghìn năm nay là con đường quốc lộ, còn cung điện vua Lê chúa Trịnh thì một tòa thành của triều đại mới đã mọc lên. Rất kín đáo, Nguyễn Du hé lộ trái tim rướm máu của mình:

Thiên niên cự thất thành quan đạo,

                  Nhất phiến tân thành một cố cung.

                  Nghìn năm dinh thự thành quan lộ,

                  Một dải tân thành lấp cố cung)

+ Hai câu luận: Nhấn mạnh sự thay đổi của con người

Cùng với sự thay đổi của không gian, thời gian cũng khía những mũi dao tàn nhẫn. Người đẹp quen biết nhau thuở nào thì đã “tay bồng tay bế”, bạn bè cùng vui chơi lúc trẻ đã già lão hết cả. Trở lại Thăng Long những tưởng sẽ hòa nhập lại vào thế giới thân thuộc cũ nhưng rốt cuộc nhà thơ vẫn chỉ “một mình”:

                  Tương thức mỹ nhân khan bão tử,

                  Đồng du hiệp thiếu tẫn thành ông.

                  (Người đẹp thuở xưa nay bế trẻ,

                  Bạn chơi thuở nhỏ thảy thành ông).

+ Hai câu kết: Tâm sự thời thế và vẻ đẹp tâm hồn nhà thơ

Về gặp lại Thăng Long, nhà thơ mừng lắm, “Bạch đầu do đắc kiến Thăng Long”, mừng như được trở về nhà mình. Nhưng cảnh xưa người cũ đổi thay, ông trở thành người xa lạ, cô đơn, buồn bã “suốt đêm không ngủ được” trằn trọc với “tiếng sáo từng hồi văng vẳng dưới ánh trăng”. Tâm trạng của ông có nét giống tâm trạng của kẻ “thất cước, thất căn” trong bài thơ Hồi hương ngẫu thư của Hạ Tri Chương.

Thăng Long trong tâm giới Nguyễn Du là như vậy. Và sau bao năm tháng phiêu bồng, với mái đầu bạc trắng, ông trở về soi vào những dáng nét còn sót lại của Thăng Long, trong thực tại và trong tâm tưởng, chợt thấy mình như người có tội!

                  Quan tâm nhất dạ khổ vô thụy,

                  Đoản địch thanh thanh minh nguyệt trung.

                  Thâu đêm chẳng ngủ lòng thêm bận,

                  Địch thổi trăng trong tiếng não nùng)

Qua tâm trạng ngậm ngùi của người trở về chốn cũ mà không còn nhận diện ra “cố nhân”, bài thơ Thăng Long cho thấy sự mất mát về phía Nguyễn Du trong ngày hội ngộ là một gánh nặng quá tải. Nhưng còn ghi ngờ gì nữa, “ánh trăng xưa soi trên tòa thành mới”, “những đường ngõ mở thông ra bốn phía”, “tiếng đàn sáo có xen những âm thanh lạ tai”… đấy đều là dấu hiệu mỉa mai của một thăng Long đã bị thời gian “lạ hóa”. Âm điệu buồn bã, nhuốm màu hoài cổ của bài thơ khiến người nghe càng thêm thấm thía những lý lẽ khắc nghiệt mà cuộc sống dạy cho tác giả, những chân lý đắng cay về một cái gì không thể làm lại, không thể đi lại con đường đã đi. Bên cạnh đó, còn có dư vị ngậm ngùi của một chiêm nghiệm từ khách thể chuyển vào chủ thể. Vì thế, trong bài Thăng Long kì 2, ông viết “Thôi đừng than thở chuyện đời chìm nổi / Mái tóc mình cũng đã bạc lốm đốm”. Rõ ràng, nỗi đau của nhà thơ da diết sâu sắc hơn khi ông nhận ra mình giữa dòng chảy cuộc đời. Thăng Long và ông, đôi bạn cố tri đã thành những người không quen biết.

* Nghệ thuật (Thể thơ, từ ngữ, BPTT…)

 

Bài thơ có kết cấu độc đáo. Tác giả vận dụng nghệ thuật đối tài tình cho thấy sự đổi thay của nhiều yếu tố song chỉ có tình yêu quê hương của tác giả là không đổi. Ngôn ngữ dồn nén, giàu sức biểu cảm.

Với lớp ngôn từ vừa tha thiết vừa ngậm ngùi, buồn bã đã cho thấy tình yêu quê hương, tình yêu nước tha thiết, sâu nặng của tác giả

* Đánh giá chung nội dung và nghệ thuật

Trước Nguyễn Du đã có nhiều tác giả viết hay về Thăng Long như: Ngô Thì Sĩ, Nguyễn Giản Thanh, Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Huy Lượng, Phạm Thái, Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án, Bà Huyện Thanh Quan…. Có điều, với ngòi bút tài hoa, Nguyễn Du đã vẽ lên được một Thăng Long vừa hiện thực, cụ thể, vừa giàu chất trữ tình, với một nỗi đau nhân tình thế thái. Qua đó, ông đã khái quát lên một Thăng Long thăng trầm, dâu bể; một Thăng Long với những phận người chìm nổi. Và hơn hết là một Thăng Long kí ức thời niên thiếu của riêng ông

  1. Kết bài: Khẳng định lại sự độc đáo của bài thơ và ý nghĩa cúa nó đối với việc đem lại cách nhìn mới, cách đọc mới cho độc giả.

 

Giống như nhiều bài thơ khác của ông, trong “Thăng Long kì 1” bơ vơ và hồi cố là hai trạng thái đi liền, được đặt ở phương vị soi thấu và tô đậm cho nhau. Giống như Chateaubriand (1768-1848), nhà văn Pháp xuất thân từ một gia đình quý tộc sa sút, giữ trọn tư tưởng bảo hoàng và xa lánh cuộc cách mạng 1789, trong gần 20 năm cô đơn cuối đời từng dành một nửa thời gian phục vụ công khai vương triều đã thất thế và một nửa còn lại thì “lặn vào trong quá khứ của chính ông”. Với Nguyễn Du, Thăng Long cho thấy nỗi nhớ nhung về những gì đã rời bỏ mình nhưng mình lại không rời bỏ được chúng làm tăng thêm tình cảnh trống vắng mình đối diện với mình của nhà thơ giữa hiện tại

Bài tham khảo

Nguyễn Du là đại thi hào dân tộc là danh nhân văn hóa thế giới, là nhà thơ tiêu biểu trong nền thơ trung đại Việt Nam. Ông để lại cho đời số lượng lớn bài thơ trong đó có những sáng tác đạt đến trình độ cổ điển và mẫu mực.

Thơ Nguyễn Du chưng cất được các loại biểu tượng khác nhau về Thăng Long – môi trường văn hóa mà ông đã tiếp nhận sâu nặng từ trong thực tế trải nghiệm của bản thân. Thăng Long kì 1 là một trong hai bài thơ thể hiện nỗi quan hoài của ông về thời cuộc.

Thăng Long là nơi Nguyễn Du sinh ra và lớn lên nhưng ông đã phải dời ra kinh thành trong suốt nhiều năm trời. Thăng Long đã trở thành một miền nhớ trong kí ức của nhà thơ.  Đặc biệt, Nguyễn Du còn có một mảng thơ khá phong phú viết về đề tài “Thăng Long một thuở”, tiêu biểu như: Long thành cầm giả ca, Ngô gia Đệ cựu ca cơ, Ngẫu hứng V, Mộng đắc Thái liên, Điểu La Thành ca giả. Ở những bài này, ta thấy thấp thoáng hình ảnh Thăng Long xưa, dưới thời phong kiến, như một xã hội thị dân trải nhiều biến cố.

          Vần là cái tứ “hồi cố” quen thuộc trong thơ ca trung đại, nhưng “Thăng Long kì 1” của Nguyễn Du có nét riêng bởi nó bao hàm cả chính kiến về thời cuộc. Sự hòa quyện giữa nỗi nhớ về vùng đất mà mình từng gắn bó với cảm thức về sự biến thiên dâu bể của đời người đã tạo nên nỗi u hoài trong thơ Nguyễn Du.  Nguyễn Du thường nói đến Thăng Long như một địa điểm khởi phát, nơi bắt đầu cuộc hành trình “mười năm gió bụi” của ông: “ cho nên có thể nói Thăng Long trong nỗi nhớ của ông trở thành một mốc lớn đánh dấu sự đổi thay của cả một thân phận.  Trên thực tế Nguyễn Dũ còn nhiều dịp trở lại Thăng Long nhưng tâm thế của cậu Chiêu Bảy con quan Tể tướng không bao giờ còn có nữa, và vẻ đẹp hoa lệ quyến người của nơi ngày xưa cậu Chiêu đắm mình trong đó như cá bơi trong nước cũng không bao giờ còn nữa.

Bài thơ được làm vào khoảng năm năm 1813, khi Nguyễn Du  trở lại Thăng Long trong vai một vị Chánh sứ, trước khi đi sang Trung Quốc. Có thể thấy Nguyễn Du đã thật sự huy động được bao nhiêu kỷ niệm dồn nén để trở về đối diện với một Thăng Long hiện thực trong thơ mình.  Quả là lúc bấy giờ nhà thơ đã xa cách Thăng Long đến mười một năm có lẻ. Thăng Long trong ý niệm của ông không còn là một địa danh có thể với tới, nó đã tách ra thành một nhân vật có thân phận cụ thể.

Hai câu đầu gợi hoàn cảnh nảy sinh tâm trạng. Nhà thơ nhắc đến thời điểm mình trở lại Thăng Long khi đầu đã bạc. Hai câu thơ như một bản lề lịch sử đưa người đọc trở lại với kinh đô Thăng Long một thủa đồng thời bước vào thế giới tâm trạng của chính nhà thơ

                  Tản lĩnh, Lô giang tuế tuế đồng,

                  Bạch đầu do đắc kiến Thăng Long.

                  (Núi Tản, sông Lô vẫn núi sông,

                  Bạc đầu còn được thấy Thăng Long)

Cảnh vật quanh thành Thăng Long lúc nhà thơ quay trở lại sau nhiểu năm phiêu dạt thì vẫn vẹn nguyên. Vẫn núi ấy, sống ấy và vẫn mang vẻ đẹp hùng vĩ, trầm mặc của kinh đô ngàn năm văn hiến. Hai chữ “tuế tuế” khắc sâu vẻ đẹp muôn muôn thủa của kinh đô khiến nhà thơ vui mừng vì không ngờ mình còn lại được nhìn thấy, mặc dù tuổi đã cao, tóc đã bạc,

Hai câu thực nhấn mạnh sự thay đổi của cảnh vật. Nhà thơ chọn một điểm nhấn về cái cảm giác bất nhất giữa hai không gian tâm lý đang xung đột trong ông. Không gian vũ trụ và không gian lịch sử thì vẫn thế, Thăng Long vẫn là Thăng Long xưa, núi sông hùng vĩ y nguyên không có gì khác; thế nhưng cứ nhìn vào đâu cũng thấy lạ, bởi không gian chính trị – xã hội đã hoàn toàn khác trước: phố phường tồn tại hàng nghìn năm nay là con đường quốc lộ, còn cung điện vua Lê chúa Trịnh thì một tòa thành của triều đại mới đã mọc lên. Rất kín đáo, Nguyễn Du hé lộ trái tim rướm máu của mình:

                  Thiên niên cự thất thành quan đạo,

                  Nhất phiến tân thành một cố cung.

                  Nghìn năm dinh thự thành quan lộ,

                  Một dải tân thành lấp cố cung)

                                      (Thăng Long kì II)

Từ sự thay đổi của cảnh vật, nhà thơ nhấn mạnh sự thay đổi của con người trong hai câu luận

Tương thức mỹ nhân khan bão tử,

Đồng du hiệp thiếu tẫn thành ông.

(Người đẹp thuở xưa nay bế trẻ,

Bạn chơi thuở nhỏ thảy thành ông).

(Thăng Long kì 1)

Cùng với sự thay đổi của không gian, thời gian cũng khía những mũi dao tàn nhẫn. Người đẹp quen biết nhau thuở nào thì đã “tay bồng tay bế”, bạn bè cùng vui chơi lúc trẻ đã già lão hết cả. Trở lại Thăng Long những tưởng sẽ hòa nhập lại vào thế giới thân thuộc cũ nhưng rốt cuộc nhà thơ vẫn chỉ “một mình”:

Hai câu kết cho thấy tâm sự thời thế và vẻ đẹp tâm hồn nhà thơ. Về gặp lại Thăng Long, nhà thơ mừng lắm, “Bạch đầu do đắc kiến Thăng Long”, mừng như được trở về nhà mình. Nhưng cảnh xưa người cũ đổi thay, ông trở thành người xa lạ, cô đơn, buồn bã “suốt đêm không ngủ được” trằn trọc với “tiếng sáo từng hồi văng vẳng dưới ánh trăng”. Tâm trạng của ông có nét giống tâm trạng của kẻ “thất cước, thất căn” trong bài thơ Hồi hương ngẫu thư của Hạ Tri Chương. Thăng Long trong tâm giới Nguyễn Du là như vậy. Và sau bao năm tháng phiêu bồng, với mái đầu bạc trắng, ông trở về soi vào những dáng nét còn sót lại của Thăng Long, trong thực tại và trong tâm tưởng, chợt thấy mình như người có tội!

Quan tâm nhất dạ khổ vô thụy,

Đoản địch thanh thanh minh nguyệt trung.

(Thâu đêm chẳng ngủ lòng thêm bận,

Địch thổi trăng trong tiếng não nùng)

Qua tâm trạng ngậm ngùi của người trở về chốn cũ mà không còn nhận diện ra “cố nhân”, bài thơ Thăng Long cho thấy sự mất mát về phía Nguyễn Du trong ngày hội ngộ là một gánh nặng quá tải. Nhưng còn ghi ngờ gì nữa, “ánh trăng xưa soi trên tòa thành mới”, “những đường ngõ mở thông ra bốn phía”, “tiếng đàn sáo có xen những âm thanh lạ tai”… đấy đều là dấu hiệu mỉa mai của một thăng Long đã bị thời gian “lạ hóa”. Âm điệu buồn bã, nhuốm màu hoài cổ của bài thơ khiến người nghe càng thêm thấm thía những lý lẽ khắc nghiệt mà cuộc sống dạy cho tác giả, những chân lý đắng cay về một cái gì không thể làm lại, không thể đi lại con đường đã đi. Bên cạnh đó, còn có dư vị ngậm ngùi của một chiêm nghiệm từ khách thể chuyển vào chủ thể. Vì thế, trong bài Thăng Long kì 2, ông viết “Thôi đừng than thở chuyện đời chìm nổi / Mái tóc mình cũng đã bạc lốm đốm”. Rõ ràng, nỗi đau của nhà thơ da diết sâu sắc hơn khi ông nhận ra mình giữa dòng chảy cuộc đời. Thăng Long và ông, đôi bạn cố tri đã thành những người không quen biết.

Bài thơ có kết cấu độc đáo. Tác giả vận dụng nghệ thuật đối tài tình cho thấy sự đổi thay của nhiều yếu tố song chỉ có tình yêu quê hương của tác giả là không đổi. Ngôn ngữ dồn nén, giàu sức biểu cảm. Với lớp ngôn từ vừa tha thiết vừa ngậm ngùi, buồn bã đã cho thấy tình yêu quê hương tha thiết, sâu nặng của tác giả.

Trước Nguyễn Du đã có nhiều tác giả viết hay về Thăng Long như: Ngô Thì Sĩ, Nguyễn Giản Thanh, Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Huy Lượng, Phạm Thái, Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án, Bà Huyện Thanh Quan…. Có điều, với ngòi bút tài hoa, Nguyễn Du đã vẽ lên được một Thăng Long vừa hiện thực, cụ thể, vừa giàu chất trữ tình, với một nỗi đau nhân tình thế thái. Qua đó, ông đã khái quát lên một Thăng Long thăng trầm, dâu bể; một Thăng Long với những phận người chìm nổi. Và hơn hết là một Thăng Long kí ức thời niên thiếu của riêng ông

Giống như nhiều bài thơ khác của ông, bơ vơ và hồi cố là hai trạng thái đi liền, được đặt ở phương vị soi thấu và tô đậm cho nhau. Giống như Chateaubriand (1768-1848), nhà văn Pháp xuất thân từ một gia đình quý tộc sa sút, giữ trọn tư tưởng bảo hoàng và xa lánh cuộc cách mạng 1789, trong gần 20 năm cô đơn cuối đời từng dành một nửa thời gian phục vụ công khai vương triều đã thất thế và một nửa còn lại thì “lặn vào trong quá khứ của chính ông” với Nguyễn Du, nỗi nhớ nhung về những gì đã rời bỏ mình nhưng mình lại không rời bỏ được chúng làm tăng thêm tình cảnh trống vắng mình đối diện với mình của nhà thơ giữa hiện tại

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *