Đề đọc hiểu và nghị luận về thơ văn Nguyễn Du, Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ kỳ 2

THƠ VĂN NGUYỄN DU

Đề bài

Đọc văn bản sau:

Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ kỳ 2

Mỗi độc nho quan đa ngộ thân,

Thiên niên nhất khốc Ðỗ Lăng nhân.

Văn chương quang diệm thành hà dụng,

Nam nữ thân ngâm bất khả văn.

Cộng tiển thi danh sư bách thế,

Ðộc bi dị vực ký cô phần.

Biên chu giang thượng đa thu tứ,

Trướng vọng Lỗi Dương nhật mộ vân.

Dịch nghĩa:

Mộ Đỗ Thiếu Lăng ở Lỗi Dương Kỳ 2

 

Mỗi lần đọc câu thơ “nho quan ngộ thân”(một câu thơ của Đỗ Phủ)

Lại khóc Đỗ Thiếu Lăng, người nghìn năm trước.

Văn chương ngời sáng đem dùng ở đâu?

Mà để bầy con rên rỉ không thể nghe được.

Ai cũng hâm mộ thơ của thầy là muôn thuở,

Riêng ta buồn cho phần mộ đìu hiu cô quạnh.

Thuyền mỏng trên sông thu nhiều nỗi nhớ,

Buồn ngắm mây chiều vùng Lỗi Dương.

Bản dịch của Đặng Thế Kiệt:

Mỗi lần đọc “Mũ nho thân lụy”,

Lại khóc thương người cũ Ðỗ Lăng.

Ích gì ngời sáng thơ văn,

Bầy con kêu đói sao đành lòng đây?

Ai cũng khen thơ thầy muôn thuở,

Riêng ta thương phần mộ đìu hiu.

Thuyền sông thu nhớ thêm nhiều,

Buồn trông theo đám mây chiều Lỗi Dương.

(Nguồn: https://www.thivien.net)

 

* Đỗ Thiếu Lăng: tức Đỗ Phủ (712 77 – 770), nhà thơ vĩ đại đời Đường.

Lỗi Dương 耒陽: ở tỉnh Hồ Nam

Nho quan đa ngộ thân 儒冠多誤身: đây là một câu thơ trong bài Phụng tặng Vi Tả thừa trượng nhị thập nhị vận 奉贈韋左丞丈二十二韻 của Ðỗ Phủ.

Kí cô phần 寄孤墳: gửi nấm mồ cô quạnh nơi đất khách

Thực hiện yêu cầu:

Câu 1. Xác định thể thơ của bản phiên âm và bản dịch thơ.

Câu 2. Nhân vật trữ tình trong bài thơ là ai?

Câu 3. Tiếng khóc trong câu thơ “Thiên niên nhất khốc Ðỗ Lăng nhân” bộc lộ tình cảm gì của nhân vật trữ tình?

Câu 4. Phân tích tác dụng của phép đối trong cặp câu:

“Văn chương quang diệm thành hà dụng,

Nam nữ thân ngâm bất khả văn”.

(Văn chương ngời sáng đem dùng ở đâu?

Mà để bầy con rên rỉ không thể nghe được).

 

Câu 5. Sự khác biệt giữa tâm tư Nguyễn Du và người đời trong cặp câu:

“Cộng tiển thi danh sư bách thế,

Ðộc bi dị vực ký cô phần”.

(Ai cũng hâm mộ thơ của thầy là muôn thuở,

Riêng ta buồn cho phần mộ đìu hiu cô quạnh).

Câu 6. Mạch xúc cảm nhân vật trữ tình chuyển biến từ 6 câu đầu sang 2 câu cuối như thế nào?

Câu 7. Anh/Chị suy nghĩ như thế nào về mối quan hệ văn chương và cuộc đời được đề cập đến trong bài thơ?

Câu 8. Trong “Độc Tiểu Thanh kí”, Nguyễn Du viết:

Cổ kim hận sự thiên nan vấn,

Phong vận kì oan ngã tự cư.

(Nỗi oán hận xưa nay khó mà hỏi trời cho rõ được,

Nỗi oan khiên lạ lùng của kẻ phong nhã ta tự cũng đặt mình vào)

Anh/Chị suy nghĩ về quan niệm đó gửi trong bài thơ “Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ kỳ 2”.

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) phân tích nội dung và nghệ thuật của tác phẩm trên

 

Hướng dẫn đáp án chi tiết  

ĐỌC – HIỂU

Câu 1.

Thể thơ của bản phiên âm và bản dịch thơ:

– Bản phiên âm: Thất ngôn bát cú Đường luật

– Bản dịch thơ: Song thất lục bát

Câu 2. Nhân vật trữ tình trong bài thơ là: Ta – Nguyễn Du

Câu 3.

Tiếng khóc trong câu thơ Thiên niên nhất khốc Ðỗ Lăng nhân bộc lộ: Nỗi xót xa, thương cảm cho Đỗ Phủ – người sống cách Nguyễn Du cả nghìn năm.

Câu 4. Tác dụng của phép đối trong cặp câu:

“Văn chương quang diệm thành hà dụng,

Nam nữ thân ngâm bất khả văn”.

(Văn chương ngời sáng đem dùng ở đâu?

Mà để bầy con rên rỉ không thể nghe được).

– Tạo nhịp cân xứng hài hòa.

– Nhấn mạnh sự đối lập giữa một bên là tài năng và một bên là sự đói nghèo, túng quẫn, một bên là văn chương và bên kia là hiện thực cuộc đời chua chát,…

Câu 5.

Sự khác biệt giữa tâm tư Nguyễn Du và người đời trong cặp câu: Cộng tiển thi danh sư bách thế,/Ðộc bi dị vực ký cô phần.

– Người đời chỉ để ý đến tài năng văn chương của ông, không để ý đến số phận, cuộc đời đầy đắng cay, cơ cực của ông.

– Riêng nhà thơ đã thấu tỏ nỗi cô đơn quạnh vắng khi chứng kiến phần mộ hiu hắt của bậc thánh thi, không một ai ghé thăm, không một ai nhớ đến.

– Nguyễn Du thể hiện tấm lòng đồng cảm, yêu thương sâu sắc đối với bậc tiền nhân.

Câu 6.

Mạch xúc cảm nhân vật trữ tình chuyển biến từ 6 câu đầu sang 2 câu cuối:

– 6 câu đầu, nhân vật trữ tình cảm thương Đỗ Thiếu Lăng.

– 2 câu cuối là những suy tư của riêng ông, có lẽ là những suy ngẫm về cuộc đời chính mình trong câu 7 và từ cuộc đời mình thấy được mối đồng điệu với cuộc đời của chính Đỗ Lăng trong câu 8, có lẽ tất cả rồi cũng sẽ trở về với hư vô như đám mây chiều Lỗi Dương mà thôi.

Câu 7.

Suy nghĩ về mối quan hệ văn chương và cuộc đời được đề cập đến trong bài thơ:

– Văn chương phải xuất phát từ cuộc đời.

– Nếu chỉ ôm mộng văn chương mà quên đi những lo toan về cơm áo gạo tiền thì cũng chỉ có bất hạnh và khổ đau, khi đó văn chương cũng chỉ là vô nghĩa.

Câu 8.

Trong Độc Tiểu Thanh kí, Nguyễn Du viết:

Cổ kim hận sự thiên nan vấn,

Phong vận kì oan ngã tự cư.

(Nỗi oán hận xưa nay khó mà hỏi trời cho rõ được,

Nỗi oan kiên lạ lùng của kẻ phong nhã ta tự cũng đặt mình vào)

Suy nghĩ về quan niệm đó gửi trong bài thơ “Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ kỳ 2”:

– Nguyễn Du thể hiện mối đồng bệnh tương liên (Thương xót cho người cùng cảnh ngộ). Ông nhận ra Đỗ Phủ là người vừa có tài năng nhưng cũng vừa bất hạnh đau khổ cũng giống như kẻ phong vận mắc phải nỗi oan lạ lùng.

– Và đương nhiên, cả Nguyễn Du, Đỗ Phủ và Tiểu Thanh trong con mắt ông đều là những người cùng hội cùng thuyền.

LÀM VĂN

(Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây, yêu cầu hướng dẫn chi tiết)

Mở bài:

– Giới thiệu chung về bài thơ: Bài thơ được trích trong tập thơ Bắc hành tạp lục làm trong chuyến đi sứ sang Trung Quốc. Khi đi qua Lỗi Dương – nơi có ngôi mộ của Đỗ Phủ, Nguyễn Du nhớ người xưa nên đã làm bài thơ để tưởng nhớ bậc tiền bối.

– Xác định vấn đề sẽ được tập trung bàn luận trong bài viết: cấu tứ và hình ảnh cuả bài thơ

Thân bài:

* Nhan đề

– Bài thơ có nhan đề Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ kỳ 2 có nghĩa là Thăm mộ Đỗ Thiếu Lăng ở Lỗi Dương kỳ 2. Nhan đề cho ta thấy được chủ thể trữ tình có hành động thăm, đối tượng thăm chính là mộ Đỗ Phủ ở Lỗi Dương. Nhan đề đã hướng đến Đỗ Phủ – một nhà thơ tài hoa, từng được mệnh danh là thi thánh thời Đường. Người nghệ sĩ nay đã thăm người nghệ sĩ xưa qua nấm mộ. Đó cũng là cách bày tỏ lòng tri ân, ngưỡng mộ, kính trọng với bậc tiền bối của Nguyễn Du.

 

* Khái quát cấu tứ,  phân tích và đánh giá tình cảm qua từng phần của bài thơ

– Cấu tứ là một khâu then chốt, mang tính chất khởi đầu của hoạt động sáng tạo nghệ thuật nói chung và sáng tạo thơ nói riêng. Trong thơ, cấu tứ là cách triển khai bài thơ để thể hiện tốt nhất tứ thơ. Nó là linh hồn là mô hình nghệ thuật của tác phẩm, cung cấp cho độc giả một thế đứng, thế nhìn, cách cảm nhận để thâm nhập vào thế giới nghệ thuật của tác giả. Tìm hiểu cấu tứ giúp cho việc đọc hiểu thơ, nhìn ra những phát hiện độc đáo của nhà thơ về con người, cuộc sống và đánh giá đúng phẩm chất nghệ thuật của bài thơ.

– Biểu hiện cấu tứ: bài thơ thông qua hành động thăm mộ Đỗ Phủ của Nguyễn Du bộc lộ tâm tư, tình cảm của người nghệ sĩ nay với người nghệ sĩ xưa. Đó cũng là cấu tứ quen thuộc trong thơ trung đại, trong thơ của Nguyễn Du. Lựa chọn việc thăm mộ một nhà thơ nổi tiếng thời Đường để Nguyễn Du có dịp được suy ngẫm về những vấn đề thế sự.

– Mạch cảm xúc của bài thơ có sự vận động tự nhiên: từ thương cảm, xót xa cho Đỗ Phủ đến suy ngẫm về cuộc đời chính mình.

– Phân tích, đánh giá từng phần:

+ Sáu câu đầu, nhân vật trữ tình cảm thương cho Đỗ Thiếu Lăng:

++ Nhớ lại câu thơ của Đỗ Phủ: “Nho quan đa ngộ thân” (Mũ nho thường khổ thân), Nguyễn Du đã khóc thương nhà thơ trên ngàn năm trước. Phục tài thơ, đồng cảm với nỗi lòng và xót thương Đỗ Phủ nghèo đói, bệnh tật, Nguyễn Du đã khóc bao lần trước thi phẩm của Đỗ Phủ khi còn ở nước mình, thì trong chuyến đi sứ này, khi được qua Lỗi Dương, Nguyễn Du lần tìm nhưng “trong những khóm tùng bách, không biết mộ ông ở nơi nào”. “Ông với tôi sống trong hai thời đại xa nhau mà vẫn thương nhau, nhớ ông mà rơi nước mắt”.

++ Cảm thương cho cuộc đời đói nghèo của Đỗ Phủ

++ Thấu tỏ nỗi cô đơn quạnh vắng khi chứng kiến phần mộ hiu hắt của bậc thánh thi, không một ai ghé thăm, không một ai nhớ đến.

+ Hai câu cuối là những suy tư của riêng ông, có lẽ là những suy ngẫm về cuộc đời chính mình trong câu 7 và từ cuộc đời mình thấy được mối đồng điệu với cuộc đời của chính Đỗ Lăng trong câu 8, có lẽ tất cả rồi cũng sẽ trở về với hư vô như đám mây chiều Lỗi Dương mà thôi.

* Hình ảnh, chi tiết

– Hình ảnh nho quan ngộ thân: mũ áo nhà nho làm liên lụy thân mình. Nguyễn Du lấy chính câu thơ của Đỗ Phủ để đưa vào bài thơ, đó cũng là câu thơ khiến Nguyễn Du bận tâm, truyền lại cảm hứng để nhớ về người nghệ sĩ xưa.

– Hình ảnh cô phần trong câu luận khắc họa phần mộ đìu hiu, cô quạnh, nằm cô đơn lẻ loi nơi đất khách không ai hương khói thăm nom. Hình ảnh đó khiến Nguyễn Du ngậm ngùi xót xa cho số phận của Đỗ Phủ.

– Hình ảnh biên chu giang thượng gợi đến hình ảnh một con thuyền nhỏ bé trên sông. Nhìn con thuyền nhỏ bé trên sông mà Nguyễn Du liên tưởng đến cuộc sống nổi nênh, phiêu bạt của Đỗ Phủ xưa kia. Đó là con thuyền đã từng gắn bó với Đỗ Phủ trong suốt những năm tháng cuối đời phải sống lang thang phiêu bạt nơi xa xứ, trên mảnh đất Quỳ Châu nghèo khó. Con thuyền đó là phương tiện duy nhất đề Đỗ Phủ gửi gắm khát vọng trở về cố hương.

– Hình ảnh Lỗi Dương nhật mộ vân: khắc họa hình ảnh đặc trưng của vùng Lỗi Dương với những đám mây chiều trôi chậm nhẹ. Thiên nhiên như làm gia tăng nỗi sầu buồn trong lòng người.

 

* Nghệ thuật (Thể thơ, từ ngữ, BPTT…)

– Thể thơ thất ngôn bát cú đường luật với cách ngắt nhịp 4/3 quen thuộc, âm điệu câu thơ chậm buồn sâu lắng như chất chứa cả tâm tình của thi nhân.

– Sử dụng từ ngữ gợi tả, biểu cảm

– Triệt đề khai thác nghệ thuật đối trong hai câu thực, câu luận kết hợp với các hình ảnh giàu sức gợi đã tạo nên những câu thơ chan chứa tình cảm của Nguyễn Du dành cho Đỗ Phủ.

* Đánh giá chung nội dung và nghệ thuật

– Bài thơ độc đáo trong cấu tứ, cách triển khai mạch cảm xúc và sự vận động của hình tượng thơ đã thể hiện những tâm tư, suy ngẫm sâu sắc của người nghệ sĩ nay với người nghệ sĩ xưa.

-Qua bài thơ, người đọc có thể nhận ra: cuộc đời Thiếu Lăng và Tố Như cũng là những nghịch lí: nghịch lí giữa tâm huyết, khát vọng, tài năng với khả năng thực hiện nó trong thực tế bị đát, đau thương. Vì thế bài thơ còn là tiếng nói tri âm, đồng điệu của người nay với người xưa.

  1. Kết bài: Khẳng định lại sự độc đáo của bài thơ và ý nghĩa cúa nó đối với việc đem lại cách nhìn mới, cách đọc mới cho độc giả.

– Bài thơ không chỉ hấp dẫn người đọc ở đề tài viết về người xưa mà còn xúc động ở cách thể hiện tư tưởng, tình cảm của Nguyễn Du với Đỗ Phủ. Người nay cảm thấy nặng lòng trăn trở vì số phận, cuộc đời, tài năng văn chương của người xưa.

– Bài thơ chạm đến trái tim của độc giả để độc giả cùng thổn thức với hai con người tài năng, nhân cách cao đẹp, luôn nặng lòng với cuộc đời.

 

Bài viết tham khảo:

            Trong hồi ức của ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam, tên Nguyễn Du tỏa sáng như một tượng đài thi ca và nhân đạo. Ông không chỉ là một đại thi hào dân tộc mà còn được công nhận và tôn vinh như một danh nhân văn hóa trên toàn thế giới. Sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Du với một khối lượng tác phẩm khổng lồ với thơ chữ Hán và chữ Nôm. Mỗi tác phẩm viết ra đều chứa tình cảm của người nghệ sĩ dành tặng cuộc đời, phận người. Đã bao lần những giọt nước mắt của người nghệ sĩ ấy đã lặng lẽ rơi trên trang giấy để xót thương, để cảm phục cho số phận, tài năng nhân cách của con người. Một trong số đó phải kể đến bài thơ đã thể hiện rõ nét điều đó chính là Lỗi Dương Thiếu Lăng mộ kỳ 2. Bài thơ được trích trong tập thơ Bắc hành tạp lục làm trong chuyến đi sứ sang Trung Quốc. Khi đi qua Lỗi Dương-nơi có ngôi mộ của Đỗ Phủ, Nguyễn Du nhớ người xưa nên đã làm bài thơ để tưởng nhớ bậc tiền bối.Bài thơ không chỉ hấp dẫn ở nội dung tư tưởng mà còn độc đáo trong cách thể hiện cấu tứ và hình ảnh cuả bài thơ.

Nhan đề tác phẩm là cửa sổ nhìn thế giới do nghệ sĩ mở ra, là “ chìa khoá  nghệ thuật “ giúp người đọc mở ra cánh cửa chìm của tác phẩm. Nhan đề trong tác phẩm văn học: rất quan trong vì nó ko chỉ thâu tóm được nội dung, cảm hứng của bài mà còn thể hiện đươc tư tưởng, tình cảm của nhà thơ. Nguyễn Du đã lựa chọn đặt tên cho đứa con tinh thần của mình một nhan đề rất rõ ràng để cập một sự việc có thật trên đường đi sứ. Đó là lúc nhà thơ dừng lại thăm ngôi mộ của Đỗ Phủ và cảm hứng tiếc thương người tài hoa đã khiến người nghệ sĩ viết bài thơ và đặt tên là Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ kỳ 2. Nhan đề có nghĩa là Thăm mộ Đỗ Thiếu Lăng ở Lỗi Dương kỳ 2. Nhan đề cho ta thấy được chủ thể trữ tình có hành động thăm, đối tượng thăm chính là mộ Đỗ Phủ ở Lỗi Dương. Nhan đề đã hướng đến Đỗ Phủ – một nhà thơ tài hoa, từng được mệnh danh là thi thánh thời Đường. Người nghệ sĩ nay đã thăm người nghệ sĩ xưa qua nấm mộ. Đó cũng là cách bày tỏ lòng tri ân, ngưỡng mộ, kính trọng với bậc tiền bối của Nguyễn Du.

             Cấu tứ là một khâu then chốt, mang tính chất khởi đầu của hoạt động sáng tạo nghệ thuật nói chung và sáng tạo thơ nói riêng. Trong thơ, cấu tứ là cách triển khai bài thơ để thể hiện tốt nhất tứ thơ. Nó là linh hồn là mô hình nghệ thuật của tác phẩm, cung cấp cho độc giả một thế đứng, thế nhìn, cách cảm nhận để thâm nhập vào thế giới nghệ thuật của tác giả. Tìm hiểu cấu tứ giúp cho việc đọc hiểu thơ, nhìn ra những phát hiện độc đáo của nhà thơ về con người, cuộc sống và đánh giá đúng phẩm chất nghệ thuật của bài thơ. Bài thơ thông qua hành động thăm mộ Đỗ Phủ ở Lỗi Dương, Nguyễn Du bộc lộ tâm tư, tình cảm của người nghệ sĩ nay với người nghệ sĩ xưa. Đó cũng là cấu tứ quen thuộc trong thơ trung đại, trong thơ của Nguyễn Du. Lựa chọn việc thăm mộ một nhà thơ nổi tiếng thời Đường để Nguyễn Du có dịp được suy ngẫm, thể hiện tình cảm của mình với người xưa. Mạch cảm xúc của bài thơ có sự vận động tự nhiên: từ thương cảm, xót xa cho Đỗ Phủ đến suy ngẫm về cuộc đời chính mình.

Từng phần của tác phẩm đã giúp người đọc hiểu rõ về cuộc đời, số phận của nhà thơ họ Đỗ và thấu hiểu được tâm tư tình cảm của Nguyễn Du. Sáu câu đầu, nhân vật trữ tình cảm thương cho Đỗ Thiếu Lăng. Nhớ lại câu thơ của Đỗ Phủ: “Nho quan đa ngộ thân” (Mũ nho thường khổ thân), Nguyễn Du đã khóc thương nhà thơ trên ngàn năm trước. Phục tài thơ, đồng cảm với nỗi lòng và xót thương Đỗ Phủ nghèo đói, bệnh tật, Nguyễn Du đã khóc bao lần trước thi phẩm của Đỗ Phủ khi còn ở nước mình, thì trong chuyến đi sứ này, khi được qua Lỗi Dương, Nguyễn Du lần tìm nhưng “trong những khóm tùng bách, không biết mộ ông ở nơi nào”. “Ông với tôi sống trong hai thời đại xa nhau mà vẫn thương nhau, nhớ ông mà rơi nước mắt”. Đúng là mũ áo nhà nho đã vận vào thân làm liên lụy đến chính Thiếu Lăng. Cứ mỗi lần đọc lại, nghe lại câu thơ quen thuộc ấy, Nguyễn Du lại trào lên mối đồng cảm lạ kì. Hơn nữa đứng trước mộ Đỗ Phủ, nhớ đến câu thơ của tiền bối mà Nguyễn Du không kìm nén được những giọt nước mắt xót thương cho một bậc kì tài có trái tim rộng lớn bao la. Đó là mối đồng cảm tuyệt vời của người nay với người xưa. Trong giọt nước mắt ấy không chỉ là thương người mà còn có cả niềm thương với chính mình. Hai câu thực, Nguyễn Du bộc lộ niềm  cảm thương cho cuộc đờ

Văn chương quang diệm thành hà dụng,

Nam nữ thân ngâm bất khả văn”.

(Văn chương ngời sáng đem dùng ở đâu?

Mà để bầy con rên rỉ không thể nghe được).

Nghệ thuật đối không chỉ tạo nhịp cân xứng hài hòa cho câu thơ mà mục đích quan trọng là nhấn mạnh sự đối lập giữa một bên là tài năng và một bên là sự đói nghèo, túng quẫn, một bên là văn chương và bên kia là hiện thực cuộc đời chua chát. Cả cuộc đời Đỗ Phủ là chuỗi ngày sống vất vả, phiêu bạt, lang thang, ốm đau, bệnh tật. Viết nên những câu thơ này, nhà thơ họ Nguyễn thể hiện một niềm cảm thương vô hạn dành cho người nghệ sĩ xưa. Văn chương của Thiếu Lăng ngời sáng, giá trị, chứa chan tình cảm nhân đạo nhân văn nhưng cuộc đời người nghệ sĩ ấy lại nghèo khổ, cơ cực.

Hai câu luận còn cho thấy sự khác biệt giữa cái nhìn của mọi người với cái nhìn của Nguyễn Du về Đỗ Phủ:

“Cộng tiển thi danh sư bách thế,

Ðộc bi dị vực ký cô phần”.

(Ai cũng hâm mộ thơ của thầy là muôn thuở,

Riêng ta buồn cho phần mộ đìu hiu cô quạnh).

Người đời chỉ để ý đến tài năng văn chương của ông, không để ý đến số phận, cuộc đời đầy đắng cay, cơ cực của ông. Riêng nhà thơ đã thấu tỏ nỗi cô đơn quạnh vắng khi chứng kiến phần mộ hiu hắt của bậc thánh thi, không một ai ghé thăm, không một ai nhớ đến. Từ đó, Nguyễn Du thể hiện tấm lòng đồng cảm, yêu thương sâu sắc đối với bậc tiền nhân.

Hai câu cuối là những suy tư của riêng ông, có lẽ là những suy ngẫm về cuộc đời chính mình trong câu 7 và từ cuộc đời mình thấy được mối đồng điệu với cuộc đời của chính Đỗ Lăng trong câu 8, có lẽ tất cả rồi cũng sẽ trở về với hư vô như đám mây chiều Lỗi Dương mà thôi.

Bài thơ ngắn gọn nhưng nổi bật một số hình ảnh đặc sắc. Hình ảnh cô phần trong câu luận khắc họa phần mộ đìu hiu, cô quạnh, nằm cô đơn lẻ loi nơi đất khách không ai hương khói thăm nom. Cô phần đã khiến câu thơ như nặng xuống gợi đến một số phận bất hạnh đáng thương. Hình ảnh đó như gieo lòng người đọc sự ngậm ngùi xót xa cho số phận của Đỗ Phủ. Hình ảnh biên chu giang thượng gợi đến hình ảnh một con thuyền nhỏ bé trên sông. Nhìn con thuyền nhỏ bé trên sông mà Nguyễn Du liên tưởng đến cuộc sống nổi nênh, phiêu bạt của Đỗ Phủ xưa kia. Đó là con thuyền đã từng gắn bó với Đỗ Phủ trong suốt những năm tháng cuối đời phải sống lang thang phiêu bạt nơi xa xứ, trên mảnh đất Quỳ Châu nghèo khó. Hình ảnh đó đã neo đậu trong kí ức của Nguyễn Du về một số phận đầy bất hạnh đáng thương. Kết thúc bài thơ là hình ảnh Lỗi Dương nhật mộ vân. Đây là hình ảnh đặc trưng của vùng Lỗi Dương với những đám mây chiều trôi chậm nhẹ. Thiên nhiên thì thảnh thơi tĩnh tại còn lòng người đang nặng một nỗi buồn thương trước nhân tình thế thái. Thiên nhiên như làm gia tăng nỗi sầu buồn trong lòng người.

Bài thơ sử dụng thể thơ thất ngôn bát cú đường luật với cách ngắt nhịp 4/3 quen thuộc, âm điệu câu thơ chậm buồn sâu lắng như chất chứa cả tâm tình của thi nhân. Những từ ngữ, hình ảnh trong bài thơ hàm súc, gợi tả, biểu cảm để chuyển tải hết tâm tư,nỗi lòng của nha thơ. Đặc biết Nguyễn Du đã triệt đề khai thác nghệ thuật đối trong hai câu thực, câu luận kết hợp với các hình ảnh giàu sức gợi đã tạo nên những câu thơ chan chứa tình cảm của Nguyễn Du dành cho Đỗ Phủ.

Bài thơ độc đáo trong cấu tứ, cách triển khai mạch cảm xúc và sự vận động của hình tượng thơ đã thể hiện những tâm tư, suy ngẫm sâu sắc của người nghệ sĩ nay với người nghệ sĩ xưa. Qua bài thơ, người đọc có thể nhận ra: cuộc đời Thiếu Lăng và Tố Như cũng là những nghịch lí: nghịch lí giữa tâm huyết, khát vọng, tài năng với khả năng thực hiện nó trong thực tế bị đát, đau thương. Vì thế bài thơ còn là tiếng nói tri âm,đồng điệu của người nay với người xưa.

Bài không chỉ hấp dẫn người đọc ở đề tài viết về người xưa mà còn xúc động ở cách thể hiện tư tưởng, tình cảm của Nguyễn Du với Đỗ Phủ. Dù người nay và người xưa đã không còn nữa nhưng những gì mà nhà thơ họ Nguyễn bộc bạch gửi gắm qua trang thơ thì vẫn còn sống mãi. Số phận, cuộc đời, tài năng văn chương của họ sẽ mãi là những viên ngọc long lanh. Bài thơ đã khép lại nhưng những giá trị tinh thần đã chạm đến trái tim của độc giả để độc giả cùng thổn thức với hai con người tài năng, nhân cách cao đẹp, luôn nặng lòng với cuộc đời.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *