Đề đọc hiểu và nghị luận về thơ văn Nguyễn Du, Người hát rong ở Thái Bình

THƠ VĂN NGUYỄN DU

Đề bài

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm) Đọc văn bản sau :

THÁI BÌNH MẠI CA GIẢ

Thái Bình cổ sư thô bố y,
Tiểu nhi khiên vãn hành giang mi.
Vân thị thành ngoại lão khất tử,
Mại ca khất tiền cung thần xuy.
Lân chu thời hữu hiếu âm giả,
Khiên thủ dẫn thướng thuyền song hạ.
Thử thời thuyền trung ám vô đăng,
Khí phạn bát thuỷ thù lang tạ.
Mô sách dẫn thân hướng toạ ngung,
Tái tam cử thủ xưng đa tạ.
Thủ vãn huyền sách khẩu tác thanh,
Thả đàn thả ca vô tạm đình.
Thanh âm thù dị bất đắc biện,
Đãn giác liệu lượng thù khả thinh (thính).
Chu tử tả tự vị dư đạo,
Thử khúc Thế Dân dữ Kiến Thành.
Quan giả thập số tịnh vô ngữ,
Đãn kiến giang phong tiêu tiêu giang nguyệt minh.
Khẩu phún bạch mạt, thủ toan súc,
Khước toạ, liễm huyền, cáo chung khúc.
Đàn tận tâm lực cơ nhất canh,
Sở đắc đồng tiền cận ngũ lục.
Tiểu nhi dẫn đắc há thuyền lai,
Do thả hồi cố đảo đa phúc.
Ngã sạ kiến chi, bi thả tân,
Phàm nhân nguyện tử bất nguyện bần.
Chỉ đạo Trung Hoa tẫn ôn bão,
Trung Hoa diệc hữu như thử nhân.
Quân bất kiến sứ thuyền triêu lai cung đốn lệ,
Nhất thuyền, nhất thuyền doanh nhục mễ.
Hành nhân bão thực tiện khí dư,
Tàn hào lãnh phạn trầm giang để.

Dịch nghĩa

Ở phủ Thái Bình có người mù mặc áo vải thô
Có đứa trẻ dẫn đi bờ sông
Nói rằng ông già ăn xin ở ngoài thành
Hát mướn xin tiền nấu ăn
Thuyền bên có người ưa nghe hát
Cầm tay dẫn xuống thuyền dưới cửa sổ
Lúc này trong thuyền tối không đèn
Cơm thừa canh cặn đổ bừa bãi
Ông già lần mò ngồi vào một góc
Hai ba lần giơ tay xin cám ơn
Tay nắn dây đàn, miệng cất tiếng hát
Vừa đàn vừa ca không nghỉ
Tiếng nghe lạ hoắc không hiểu được
Chỉ thấy như chim hót trong trẻo tai dễ nghe
Nhà thuyền viết chữ bảo ta rằng:
Khúc hát này nói về Thế Dân và Kiến Thành
Người nghe khoảng chục người đều im lặng
Chỉ thấy gió sông vi vu dưới trăng sáng
Miệng sùi nước bọt, tay mỏi rã rời
Ngồi xuống, xếp đàn, nói rằng hát đã xong
Hết lòng hết sức đàn gần một trống canh
Văy mà chỉ đuợc năm sáu đòng
Đứa em dẫn ra khỏi thuyền
Còn quay đầu lại chúc lành
Chợt thấy ta bồi hồi thương xót
Phàm nguuời ta thà chết hơn sống nghèo
Nghe nói ở Trung Hoa mọi người đều được ấm no
Ở Trung Hoa cũng có người nghèo như thế sao
Anh không thấy lệ cung phụng thuyền đi sứ mỗi ngày
Từng thuyền từng thuyền thịt gạo đày
Người đi thuyền ăn no, thừa vứt bỏ
Cơm nguội, thức ăn đổ chìm xuống đáy sông

Dịch thơ

(1) Ở phủ Thái Bình[1] có ông lão,

Hai mắt mù mặc áo vải thô.

Nắm tay trẻ dắt ngoại ô,

Ven sông hát dạo lần mò kiếm ăn.

Thuyền bên có kẻ ham nghe hát,

Dẫn ông già xuống sát cửa thuyền.

Lúc này thuyền tối không đèn,

Cơm thừa canh cặn đổ tràn tứ tung.

Lò dò vô trong cùng, một góc,

Hai ba lần lóc ngóc cám ơn.

Miệng ca, tay nắn dây đàn,

Một hơi đàn hát chẳng lần nghỉ ngơi.

Thanh âm lạ, lẽ lời không hiểu
Lắng nghe ra thì điệu cũng hay
Nhà thuyền viết chữ: “khúc này”
“Thế Dân tranh đoạt quyền oai Kiến Thành”

(2) Chục người xem mà đành phăng phắc,

Gió ru trăng vằng vặc trên sông.

Miệng sùi, tay mỏi lão ông,

Cất đàn, ngồi lại, thưa rằng đã xong.

Gần một canh, hết lòng hết sức,

Năm sáu đồng kiếm được thế thôi.

Ðứa em dẫn khỏi thuyền rồi,

Còn quay đầu lại gửi lời chúc may.

Chợt nhìn thấy cảnh này đau xót,

Phàm người ta chết tốt hơn nghèo.

Trung Hoa no ấm, nghe nhiều,

Trung Hoa cũng có người nghèo thế ư?

Kìa không thấy sứ từ xa lại,

Gạo thịt đầy thuyền cái thuyền con.

Người ăn no ứ vẫn còn,

Ðáy sông cơm ngọt món ngon đổ chìm.

(Trích Thái Bình mại ca giả – Nguyễn Du, Đặng Thế Kiệt dịch,

in trong Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1978)

(*) Bài thơ Thái Bình mại ca giả – Người hát rong ở Thái Bình được Nguyễn Du sáng tác khi ông đang dẫn đầu phái đoàn đi sứ sang Trung Quốc từ năm 1813 đến năm 1814.

[1] Phủ Thái Bình, Trung Quốc

Trả lời các câu hỏi

Câu 1: Xác định thể thơ của văn bản Thái Bình mại ca giả ( Nguyễn Du)

Câu 2: Phong cách ngôn ngữ được sử dụng trong văn bản trên.

Câu 3:  Xác định nhân vật chính trong bài thơ.

Câu 4: Những dòng thơ nào miêu tả cuộc sống của ông lão hát xẩm?

Câu 5: Nêu hiệu quả của nghệ thuật đối lập, tương phản được sử dụng trong văn bản.

Câu 6:  Nêu chủ đề của bài thơ?

Câu 7: Nhận xét về tình cảm của Nguyễn Du dành cho nhân vật ông lão hát xẩm mù.

Câu 8: So sánh cuộc sống của con người được miêu tả trong hai đoạn trích sau:

“ Miệng ca, tay nắn dây đàn,

Một hơi đàn hát chẳng lần nghỉ ngơi.

[…]

Miệng sùi, tay mỏi lão ông,

Cất đàn, ngồi lại, thưa rằng đã xong.

Gần một canh, hết lòng hết sức,

Năm sáu đồng kiếm được thế thôi”.

(Nguyễn Du)

Vợ chồng bác xẩm góp chuyện bằng mấy tiếng đàn bầu bần bật trong yên lặng. Thằng con bò ra đất, ngoài manh chiếu, nghịch nhặt những rác bẩn vùi trong cát bên đường. Chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hằng ngày của họ”.

                                                                            (Hai đứa trẻ – Thạch Lam)

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) phân tích, đánh giá cấu tứ và hình ảnh của  bài thơ Thái Bình mại ca giả  (Nguyễn Du).

Hướng dẫn đáp án chi tiết  

ĐỌC – HIỂU

Câu 1: Thể thơ : Thất ngôn trường thiên

Câu 2: Phong cách ngôn ngữ : Văn chương

Câu 3:  Nhân vật chính trong bài thơ : Ông lão hát xẩm

Câu 4: Những dòng thơ miêu tả cuộc sống của ông lão hát xẩm:

Nắm tay trẻ dắt ngoại ô

 Ven sông hát dạo lần mò kiếm ăn.

Câu 5: Bài thơ sử dụng biện pháp đối lập, tương phản: sự xa hoa, hưởng lạc, những thức ăn cao lương mĩ vị, thừa thãi đổ xuống sông của bọn quan lại >< cảnh người hát xẩm mù đói khát, rách rưới, vất vưởng ngoài đường, lần mò kiếm ăn.

– Hiệu quả:

+ Tạo cách diễn đạt giàu hình ảnh, sinh động, gây ấn tượng, để lại nhiều suy ngẫm cho người đọc.

+ Khắc sâu thực trạng xã hội đương thời: bọn quan lại sống xa hoa, lãng phí…; người dân đói khát, phải tha phương cầu thực.

+ Thể hiện thái độ của tác giả: lên án, tố cáo bọn quan lại phong kiến; sự cảm thông sâu sắc với nỗi thống khổ của người dân nghèo.

Câu 6:  Chủ đề của bài thơ

– Bài thơ vẽ lên bức tranh hiện thực về xã hội Trung Quốc đương thời: Người dân đói khổ lầm than trong khi đó tầng lớp quan lại, sứ giả thì sống xa hoa lãng phí.

– Qua bài thơ, tác giả vừa thể hiện nỗi lòng đồng cảm đối với nhân dân đói khổ vừa lên án bọn quan lại ăn chơi xa hoa, lãng phí, đồng thời thể hiện mong ước về một xã hội tốt đẹp hơn.

Câu 7:

Nhà thơ dành cho người hát xẩm mù sự đồng cảm lớn lao, niềm xót thương sâu sắc

Câu 8: So sánh:

– Điểm giống nhau: Cả hai đoạn trích đều miêu tả chân thực cuộc sống nghèo khổ, đói khát vất vả của người dân; đều thể hiện sự cảm thông sâu sắc của tác giả với cuộc sống đó.

– Khác nhau:

+ Đoạn  trích 1: Tái hiện cuộc sống đói khát, cơ cực của người hát xẩm mù được tác giả chứng kiến khi đi sứ sang Trung Quốc.

+ Đoạn trích 2: Khắc họa hình ảnh gia đình người hát xẩm mù vất vả mưu sinh trong đêm tối nơi phố huyện – một nỗi đời trong bức tranh đời sống góp phần giúp người đọc hình dung về cuộc sống của người dân Việt Nam trước CMT8 năm 1945.

LÀM VĂN

(Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây, yêu cầu hướng dẫn chi tiết)

Mở bài:

– Giới thiệu chung về bài thơ: “Thái Bình mại ca giả” là bài thơ bằng chữ Hán viết về những điều mắt thấy tai nghe trong đợt tác giả đi sứ sang Trung Quốc. Bài thơ chứa đựng những giá trị tư tưởng sâu sắc, qua đó cho thấy được tấm lòng nhân đạo cao đẹp của Nguyễn Du.

– Xác định vấn đề sẽ được tập trung bàn luận trong bài viết: Thi phẩm sống mãi trong lòng người yêu văn chương  không chỉ bởi sự nặng tình với đời, với người của Nguyễn Du mà còn bởi cấu tứ, hình ảnh độc đáo

  1. Thân bài:

* Nhan đề: “Thái Bình mại ca giả”- người hát rong ở đất Thái Bình, nhan đề gợi cho người đọc  sự tò mò về kiếp người ở đất Thái Bình

* Khái quát cấu tứ,  phân tích và đánh giá tình cảm qua từng phần của bài thơ

– Cấu tứ bài thơ được hình thành từ những điều trông thấy mà đau đớn lòng. Từ câu chuyện về người hát rong, nhìn thấu hiện thực xã hội Trung Hoa,  cảm xúc của nhà thơ được đánh thức.

– Bài thơ  sử dụng hình thức cấu tứ gập đôi: Tác giả vẽ lên hai bức tranh tương phản đối lập nhau gay gắt, một bên là cuộc sống nghèo khổ, vất vả của ông lão hát rong mù lòa ; một bên là tầng lớp giàu có, quan lại, sứ giả no đủ, ê hề. Qua đó, Nguyễn Du đã bày tỏ thái độ thương cảm, đau xót đối với ông cháu người xẩm mù nói riêng và những kiếp người cơ cực nói chung; đồng thời tỏ thái độ phê phán, phẫn nộ trước sự vô cảm, tàn nhẫn, xa hoa lãng phí của bọn người giàu có. Không chỉ vậy ta còn thấy được tấm lòng nhân đạo rộng lớn của Nguyễn Du: ông không chỉ nói về một xã hội cụ thể với những con người cụ thể, mà đó là tấm lòng đối với con người, đối với mọi xã hội nói chung.

* Hình ảnh, chi tiết

–  Hình ảnh hai ông cháu hát xẩm:

+ Đó là một ông lão mù, nghèo khổ (mặc áo vải thô), vất vả mưu sinh (Ven sông hát dạo lần mò kiếm ăn).

+ Cách hành xử của ông lão cũng thật tội nghiệp: khi được người ta thuê hát, ông bày tỏ lòng cảm ơn một cách tha thiết. Đối với ông, được người ta thuê hát chính là được ban ơn, để có cái ăn mà sống qua ngày. Khi rời khỏi thuyền, ông còn không quên gửi lời chúc may tới người thuê hát.

+Dù tuổi cao sức tàn, đói khổ, ông vẫn phải làm việc một cách vất vả: suốt một canh hết lòng hết sức đàn hát để mua vui cho người khác.

Nhà thơ cảm nhận tiếng đàn của người hát rong không chỉ bằng tai mà còn bằng tất cả giác quan nên tác giả không khỏi xót xa khi phải chứng kiến dáng điệu của ông lão khi ông mò mẫm trong bóng tối, “sờ soạng” để tìm chỗ ngồi, khi “vừa múa vừa hát không ngừng nghỉ”. Rồi lại “hai ba lần giơ tay lên thi lễ tạ ơn”, lúc ra khỏi thuyền rồi hãy còn “quay đầu lại chúc đa phúc”. Tiếng đàn và dáng diệu đáng thương của ông lão đã mãi ở lại trong lòng ông Chánh sứ đa cảm đất Việt. Không chỉ đơn giản là mô tả cảnh ngộ đáng thương của ông lão mù đất Thái Bình, ngòi bút chân tình và nồng thắm của nhà thơ còn khơi sâu được các mặt mâu thuẫn trong đời sống, và biết làm cho những mâu thuẫn ấy hiện ra nhức nhối.

– Hình ảnh tầng lớp giàu có:

+ Trong khi ông lão xẩm mù phải sống cuộc sống vất vả mưu sinh, đàn hát hết hơi để kiếm được miếng ăn thì cuộc sống của bọn giàu có thật thừa mứa, xa hoa, lãng phí:

+ Đó là hình ảnh “cơm thừa canh cặn đổ tràn tứ tung” trên chiếc thuyền mà ông lão bước lên.

+ Đó là hình ảnh Người ăn no ứ vẫn còn/ Ðáy sông cơm ngọt món ngon đổ chìm trên chiếc thuyền của sứ từ xa lại. Quả là người ăn không hết, kẻ lần không ra, một thực trạng thật đau xót, ai oán.

Những hình ảnh được vẽ nên như tạc khắc khi nhà thơ nhẹ nhàng đem đặt vào bên cạnh  cảnh ngộ đáng thương của người hát rong mù một cảnh sống khác hẳn, cảnh sống xa hoa thừa thãi “Cơm thừa canh cặn đổ tràn tứ tung” của những người trong thuyền. Hoặc là “lệ cung đốn” của đoàn sứ bộ: Thuyền này thuyền nọ đều đầy gạo thịt/ Người trong đoàn sứ ăn no còn thừa thì vứt/ Cơm nguội, thức ăn thừa đổ xuống đáy sông… . Đúng là “ Người ăn không hết, kẻ lần không ra”. Bấy nhiêu chi tiết tương phản đã chứa đựng một dấu hỏi đau đớn, thâm trầm, một dụng ý tố cáo tinh tế mà sâu sắc. Một khung cảnh trái ngược đã tạo nên nhiều khoảng lặng in dấu đặc biệt khiến  người đọc không khỏi xót xa, thương cảm

* Nghệ thuật (Thể thơ, từ ngữ, BPTT…)

–  Nguyễn Du đã sử dụng thể thơ thất ngôn  – thể thơ đạt đến đỉnh cao trong sự nghiệp thi ca của tác giả .

–  Nhà thơ ghi lại nhiều chi tiết hiện thực cụ thể qua đó gửi gắm cảm xúc ý nghĩ của mình trước những điều trông thấy nơi đất khách quê người. Nguyễn Du đã kể lại những điều trông thấy ở xứ người mà cứ như là ở làng quê Việt Nam thời bấy giờ. Thơ đến một cách tự nhiên, không tiểu xảo, không mĩ từ, thơ xúc động dữ dội người đọc bằng chính những điều trông thấy thông qua nghệ thuật đối lập tương phản. Có lẽ vì thế mà thơ chữ Hán của Nguyễn Du đã chiếm một vị trí quan trọng trong dòng chảy văn học dân tộc.

* Đánh giá chung nội dung và nghệ thuật

Với bài “Thái Bình mại ca giả”, thơ Nguyễn Du không những mênh mông về chữ nghĩa, về bố cục tinh tế  mà còn rất lung linh đa dạng về ý tưởng trong dòng thơ tự sự sở trường của ông. Ngòi bút tả thực trong miêu tả, tự sự kết hợp với biểu lộ cảm xúc trực tiếp, đã tạo nên giá trị nhân bản của áng thơ này. Có thể nói, Nguyễn Du là nhà thơ trung đại Việt Nam viết về nỗi đau khổ của nhân dân một cách sâu sắc nhất, cảm động nhất.

Kết bài: Khẳng định lại sự độc đáo của bài thơ và ý nghĩa cúa nó đối với việc đem lại cách nhìn mới, cách đọc mới cho độc giả.

Tác phẩm“Thái  bình mại ca giả có một vị trí quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Du. Thi phẩm đã biểu hiện một cách sâu sắc tinh thần nhân đạo cao quý của đại thi hào. Tấm lòng của nhà thơ luôn hướng về những người nghèo khổ bất hạnh, bất kể đó là người Việt Nam hay người Trung Quốc vì thế tình cảm thương yêu của ông đã vươn đến tầm nhân loại. Cũng nhờ vậy,“Thái  bình mại ca giả” đã trở thành tác phẩm nghệ thuật “nằm ngoài quy luật của băng hoại, chỉ mình nó không thừa nhận cái chết”- Sê đrin.

Bài viết tham khảo:

       Bất cứ thi sĩ vĩ đại nào sở dĩ họ vĩ đại vì những đau khổ và hạnh phúc của họ bắt nguồn từ khoảng sâu thẳm của lịch sử xã hội (Bielinxki). Thơ ca nói riêng, văn chương nói chung và các loại hình nghệ thuật khác, nếu không hút nhựa sống dạt dào ngầm chảy trong lòng cuộc sống thì nó sẽ mãi mãi là cây non èo uột. Thật vậy, đến với “Thái Bình mại ca giả” của Nguyễn Du, ta bắt gặp một nghệ sĩ lớn có con mắt nhìn thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ tới muôn đời. Thi phẩm sống mãi trong lòng người yêu văn chương  không chỉ bởi sự nặng tình với đời, với người của Nguyễn Du khi tác giả nhìn thấu bản chất xã hội hối nát, đầy những bất công, ngang trái rồi nhỏ lệ xót thương cho những mảnh đời cơ cực mà còn bởi cấu tứ, hình ảnh độc đáo.

Nhan đề của tác phẩm chính là cửa sổ nhìn ra thế giới do nghệ sĩ mở ra, là “ Chìa khóa nghệ thuật” giúp người đọc mở ra cánh cửa chìm của tác phẩm. Đến với Thái Bình mại ca giả, ta không khỏi tò mò khi đứng trước một nhan đề hết sức ngắn gọn của một bài thơ chữ Hán, nhan đề bài thơ có nghĩa là “ Người hát rong ở thái Bình ” – như một sự tổng kết lại ý đồ sáng tác của tác giả, đồng thời nhan đề như một mật mã, thông điệp thẩm mỹ, có tác dụng thúc đẩy sự tò mò và sự quan tâm của người đọc : Người hát rong ở thái Bình – Trung Hoa có gì nổi bật, đáng chú ý, gây ấn tượng như thế nào mà khiến tác giả lấy làm nhan đề của tác phẩm?  Có thể nói, trong xã hội xưa,  những người làm nghề hát rong, nghề kép hát là đối tượng bị khinh miệt, bị coi là “ xướng ca vô loài”, họ phải chịu sự khinh rẻ của người đời không kém gì mõ làng, cuộc sống của họ vì vậy mà phải gánh lấy vô vàn tủi nhục, cơ cực. Hiểu được như thế, ta càng thấy rõ tình thương mến của Nguyễn Du rộng mở với tất cả hạng người bị chà đạp, thi nhân luôn dành lòng ưu ái đặc biệt đối với quần chúng lao động, đối với những kiếp người nhỏ bé, lầm than. Thái Bình mại ca giả rút trong tập thơ “Bắc hành tạp lục”. Năm 1813, Nguyễn Du được thăng chức Học sĩ điện Cần Chánh và đươc cử làm Chánh sứ sang Trung Quốc. Với cảm hứng nhân đạo, Nguyễn Du đã phản ánh hai cảnh đời trái ngược trong xã hội phong kiến thối nát bất công. Cảnh đời nào cũng gây cho người đọc nhiều ám ảnh. Bài thơ được viết theo thể thất ngôn trường thiên. Nhà thơ ghi lại nhiều chi tiết hiện thực cụ thể và nói lên cảm xúc ý nghĩ của mình trước những điều trông thấy nơi đất khách quê người xa lạ.

Cấu tứ bài thơ được hình thành từ những điều trông thấy mà đau đớn lòng. Từ câu chuyện về người hát rong,  nhìn thấu hiện thực xã hội Trung Hoa,  cảm xúc của nhà thơ được đánh thức. Bài thơ sử dụng hình thức cấu tứ gập đôi: Tác giả vẽ lên hai bức tranh tương phản đối lập nhau gay gắt, một bên là cuộc sống nghèo khổ, vất vả của ông lão hát rong mù lòa ; một bên là tầng lớp giàu có, quan lại, sứ giả no đủ, ê hề. Qua đó, Nguyễn Du đã bày tỏ thái độ thương cảm, đau xót đối với ông cháu người xẩm mù nói riêng và những kiếp người cơ cực nói chung; đồng thời tỏ thái độ phê phán, phẫn nộ trước sự vô cảm, tàn nhẫn, xa hoa lãng phí của bọn người giàu có. Không chỉ vậy ta còn thấy được tấm lòng nhân đạo rộng lớn của Nguyễn Du: ông không chỉ nói về một xã hội cụ thể với những con người cụ thể, mà đó là tấm lòng đối với mọi kiếp người, đối với xã hội nói chung.

Bốn câu thơ đầu, tác giả đã khắc họa hình ảnh ông lão mù lòa tài hoa bậc thầy nhưng trong hoàn cảnh và bộ dạng đáng thương, lần mò kiếm ăn bằng cách bán tiếng hát của mình. Cuộc sống mưu sinh vất vả bấp bênh nhưng ông lão ấy vẫn giàu lòng tự trọng, không ngửa tay ăn xin của ai thứ gì. May mắn thay:

                   Thuyền bên có kẻ ham nghe hát,

                  Dẫn ông già xuống sát cửa thuyền.

Thời điểm nhá nhem chạng vạng và tối đen như mực cùng khung cảnh cơm canh bầy hầy đã gợi ra thái độ và cung cách ăn uống, hưởng thụ của thực khách nơi “nước lạ”. Trái ngược với sự hoang phí, bừa bộn ấy phải chăng là sự tủi hờn của một mảnh đời đói khát triền miên? Chính vì vậy khi được thuê hát, ông lão đã “Hai ba lần lóc ngóc cảm ơn” đó là sự biết ơn sâu sắc đối với những người đã ban ơn cho mình có cơ hội để kiếm miếng ăn cầm cự qua ngày. Dù đã tuổi đã cao, sức đã yếu, bụng lại đói, chỉ còn lại chút hơi tàn ông lão vẫn vắt sức ra đàn hát suốt một canh giờ.

Nhà thơ cảm nhận tiếng đàn của người hát rong không chỉ bằng tai mà còn bằng tất cả giác quan nên tác giả không khỏi xót xa khi phải chứng kiến dáng điệu của ông lão khi ông mò mẫm trong bóng tối, “sờ soạng” để tìm chỗ ngồi, khi “vừa múa vừa hát không ngừng nghỉ”. Rồi lại “hai ba lần giơ tay lên thi lễ tạ ơn”, lúc ra khỏi thuyền rồi hãy còn “quay đầu lại chúc đa phúc”. Tiếng đàn và dáng diệu đáng thương của ông lão đã mãi ở lại trong lòng ông Chánh sứ đa cảm đất Việt. Không chỉ đơn giản là mô tả cảnh ngộ đáng thương của ông lão mù đất Thái Bình, ngòi bút chân tình và nồng thắm của nhà thơ còn khơi sâu được các mặt mâu thuẫn trong đời sống, và biết làm cho những mâu thuẫn ấy hiện ra nhức nhối.  Song dẫu cho nỗ lực là thế, biết ơn là thế nhưng tiền công ông lão nhận được thật quá bèo bọt, ít ỏi. Sở đắc đồng tiền cận ngũ lục.”- Vậy mà chỉ đuợc năm sáu đồng thế thôi. Câu thơ gợi lên sự xót xa, cảm thương sâu sắc cho thân phận người nghèo đồng thời tác giả bày tỏ thái độ mỉa mai lũ nhà giàu keo kiệt, trả quá ít tiền cho một tài năng nhưng lại quá lãng phí trong cung cách sinh hoạt.

Những hình ảnh được vẽ nên như tạc khắc khi nhà thơ nhẹ nhàng đem đặt vào bên cạnh  cảnh ngộ đáng thương của người hát rong mù một cảnh sống khác hẳn, cảnh sống xa hoa thừa thãi “Cơm thừa canh cặn đổ tràn tứ tung” của những người trong thuyền. Hoặc là “lệ cung đốn” của đoàn sứ bộ: Thuyền này thuyền nọ đều đầy gạo thịt/ Người trong đoàn sứ ăn no còn thừa thì vứt/ Cơm nguội, thức ăn thừa đổ xuống đáy sông… . Đúng là “ Người ăn không hết, kẻ lần không ra”. Bấy nhiêu chi tiết tương phản đã chứa đựng một dấu hỏi đau đớn, thâm trầm, một dụng ý tố cáo tinh tế mà sâu sắc. Một khung cảnh trái ngược đã tạo nên nhiều khoảng lặng in dấu ấn đặc biệt khiến người đọc không khỏi xót xa, thương cảm.

Nguyễn Du không phải chỉ là người chỉ biết thu mình trong những đau khổ cố nhân. Trên con đường gập ghềnh “ bụi bay mờ mịt” của đời mình, tấm lòng nhà thơ vẫn rộng mở để đón lấy niềm vui, nỗi buồn của con người và tạo vật xung quanh mình. Ngay khi chứng kiến về con người và đất nước Trung Hoa, con tim trong sáng, tràn đầy yêu thương của ông chợt xót xa rỉ máu. Thi nhân đã viết “Phàm nhân nguyện tử bất nguyện bần” – Phàm người ta chết tốt hơn nghèo, như hàm ý gửi gắm về một thái độ sống của một kẻ sĩ, quyết không chịu nhục dưới gót giày của những lũ người giàu kia. Hóa ra đất nước Trung Hoa mà thiên hạ vẫn ca ngợi khác hẳn với những gì nhà thơ “ Sở kiến hành ”. Thực ra những gì tác giả thấy đó là một xã hội với lũ người giàu bất nhân, bất nghĩa, người dân đói khổ cơ cực, lầm than. Phủ thành mang tên là Thái Bình mà đâu có được thái bình như tên gọi. Nguyễn Du, con người “ có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời”( Mộng Liên Đường Chủ nhân) với cảm hứng nhân đạo, ông luôn luôn hướng về những con người đau khổ trong cuộc đời, nhất là những phụ nữ tài sắc mà bạc mệnh như Đạm Tiên, Thúy Kiểu, người kĩ nữ gảy đàn ở Long Thành, v.v… Đây không phải là lần đầu ông viết về người ăn mày đau khổ. Trong “Văn chiêu hồn” ông từng viết:

“Cũng có kẻ nằm cầu gối đất,

Dõi tháng ngày hành khất ngược xuôi.

Thương thay cũng một kiếp người

Sống nhờ hàng xứ, chết vùi đường quan.”

Nguyễn Du đã sử dụng thể thơ thất ngôn  – thể thơ đạt đến đỉnh cao trong sự nghiệp thi ca của tác giả. Nhà thơ ghi lại nhiều chi tiết hiện thực cụ thể qua đó gửi gắm cảm xúc ý nghĩ của mình trước những điều trông thấy nơi đất khách quê người. Nguyễn Du đã kể lại những điều trông thấy ở xứ người mà cứ như là ở làng quê Việt Nam thời bấy giờ. Thơ đến một cách tự nhiên, không tiểu xảo, không mĩ từ, thơ xúc động dữ dội người đọc bằng chính những điều trông thấy. Có lẽ vì thế mà thơ chữ Hán của Nguyễn Du đã chiếm một vị trí quan trọng trong dòng chảy văn hóa Hán học, như một số nhà nghiên cứu đã chỉ ra “ Thơ chữ Hán của Nguyễn Du là đỉnh cao trong thơ chữ Hán của Việt Nam. Thơ chữ Hán của Nguyễn Du là một kho tàng nghệ thuật thơ ca phong phú cho những nghiên cứu về thơ chữ Hán ở Việt Nam”( Lời nói đầu Nguyễn Du toàn tập )

Với bài “Thái Bình mại ca giả”, thơ Nguyễn Du không những mênh mông về chữ nghĩa, về bố cục tinh tế mà còn rất lung linh đa dạng về ý tưởng trong dòng thơ tự sự sở trường của ông. Ngòi bút tả thực trong miêu tả, tự sự kết hợp với biểu lộ cảm xúc trực tiếp, sử dụng các hình ảnh tương phản đối lập… tác giả đã tạo nên giá trị nhân bản của áng thơ này. Có thể nói, Nguyễn Du là nhà thơ trung đại Việt Nam viết về nỗi đau khổ của nhân dân một cách sâu sắc nhất, cảm động nhất.

Tác phẩm“Thái  bình mại ca giả” có một vị trí quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Du. Thi phẩm đã biểu hiện một cách sâu sắc tinh thần nhân đạo cao quý của đại thi hào. Tấm lòng của nhà thơ luôn hướng về những người nghèo khổ bất hạnh, bất kể đó là người Việt Nam hay người Trung Quốc vì thế tình cảm thương yêu của ông đã vươn đến tầm nhân loại.  Cũng nhờ vậy,“Thái  bình mại ca giả” đã trở thành tác phẩm nghệ thuật “nằm ngoài quy luật của băng hoại, chỉ mình nó không thừa nhận cái chết”- Sê đrin.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *