UBND TỈNH HÀ NAM
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐỀ CHÍNH THỨC (Đề thi gồm 02 trang) |
KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 10 THPT CẤP TỈNH
NĂM HỌC 2023 – 2024 Môn: Ngữ văn Thời gian làm bài: 180 phút |
- ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau:
TIẾNG ĐÀN BẦU
Lữ Giang
Lắng tai nghe đàn bầu
Ngân dài trong đêm thâu
Tiếng đàn là suối ngọt
Cho thời gian lên màu.
Tiếng đàn bầu của ta
Lời đằm thắm thiết tha
Cung thanh là tiếng mẹ
Cung trầm là giọng cha.
Đàn ngày xưa mất nước
Dây đồng lẻ não nuột
Người hát xẩm mắt mù
Ôm đàn đi trong mưa
Mừng Việt Nam chiến thắng
Đàn bầu ta dạo lên
Nghe niềm vui sâu đậm
Việt Nam – Hồ Chí Minh.
(Mã Giang Lân sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu,
Thơ Việt Nam 1954 – 1964, NXB Giáo dục, 1997, tr.155)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Chỉ ra những từ ngữ, hình ảnh miêu tả tiếng đàn bầu trong văn bản.
Câu 2. Phân tích hiệu quả của biện pháp nghệ thuật so sánh được sử dụng trong đoạn thơ:
Lắng tai nghe đàn bầu
Ngân dài trong đêm thâu
Tiếng đàn là suối ngọt
Cho thời gian lên màu.
Câu 3. Anh/Chị hiểu như thế nào về hình ảnh: Người hát xẩm mắt mù – Ôm đàn đi trong mưa?
Câu 4. Thái độ, tình cảm của tác giả trong văn bản gợi cho anh/chị suy nghĩ gì?
Câu 5. Viết đoạn văn khoảng 6 – 8 câu trình bày cảm nhận của anh/chị về âm thanh tiếng đàn bầu trong văn bản.
- I LÀM VĂN (17,0 điểm)
Câu 1. (7,0 điểm)
Phải chăng, xã hội càng văn minh hiện đại thì con người càng có nhu cầu tìm kiếm lòng trắc ẩn thực sự?
Anh/Chị hãy viết bài văn nghị luận trình bày quan điểm của bản thân về vấn đề trên.
Câu 2. (10,0 điểm)
Đối với nghệ sĩ, câu chữ, màu sắc, âm thanh không chỉ là chướng ngại cần chinh phục, vượt qua mà chúng còn là những sinh thể, những sự vật có hồn.
(Trích Nhà văn và quá trình sáng tạo, Lê Ngọc Trà, NXB Trẻ, 2018, tr.49)
Anh/Chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng trải nghiệm văn học, hãy làm sáng tỏ rằng “với nghệ sĩ, câu chữ, màu sắc, âm thanh” là “những sinh thể, những sự vật có hồn”.
HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN NGỮ VĂN
(Hướng dẫn chấm gồm 04 trang)
YÊU CẦU CHUNG
– Thí sinh có kiến thức văn học và xã hội chính xác, sâu rộng; kĩ năng đọc hiểu, làm văn tốt. Bố cục bài làm rõ ràng, lập luận chặt chẽ, diễn đạt trong sáng, giàu hình ảnh và cảm xúc.
– Hướng dẫn chấm chỉ nêu những nội dung cơ bản, có tính định hướng chứ không định lượng. Giám khảo cần hết sức linh hoạt khi vận dụng. Cần đánh giá bài làm của thí sinh trong tính chỉnh thể, không đếm ý cho điểm; trân trọng, khuyến khích những bài có cảm xúc và sáng tạo, có ý kiến và giọng điệu riêng; chấp nhận các cách kiến giải khác nhưng phải hợp lí và có sức thuyết phục.
– Việc chi tiết hoá điểm số của các câu (nếu có) trong Hướng dẫn chấm phải đảm bảo không sai lệch với tổng điểm mỗi câu và được thống nhất trong Hội đồng chấm thi. – Bài thi được chấm theo thang điểm 20; làm tròn đến 0,25 điểm.
YÊU CẦU CỤ THỂ
- ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
- Kĩ năng: Thí sinh trả lời các câu hỏi theo đúng yêu cầu, ngắn gọn, rõ ràng, mạch lạc.
- Kiến thức
Câu 1. (0,25 điểm)
Những từ ngữ, hình ảnh miêu tả tiếng đàn bầu trong văn bản: ngân dài, suối ngọt, đằm thắm thiết tha, cung thanh, cung trầm, não nuột.
Câu 2. (0,5 điểm)
– Biện pháp tu từ so sánh: tiếng đàn – suối ngọt.
– Hiệu quả:
+ Diễn tả hình ảnh tiếng đàn ngọt ngào, trong trẻo như nước suối, tiếng đàn rực rỡ sắc màu làm đẹp cho thời gian; thể hiện thái độ ngợi ca của tác giả.
+ Làm cho câu thơ trở nên sinh động, hấp dẫn.
Câu 3. (0,5 điểm)
Cách hiểu: Từ hình ảnh người hát xẩm mù ôm đàn đi trong mưa, câu thơ diễn tả tình cảnh và tâm trạng của con người Việt Nam trong những năm tháng đất nước mất chủ quyền. Câu 4. (0,75 điểm)
– Thái độ, tình cảm của tác giả: xúc động và tự hào về đất nước, con người Việt Nam qua các thời kì lịch sử
– Suy nghĩ của bản thân: thấu cảm, trân trọng vẻ đẹp tâm hồn của tác giả; đánh thức tình cảm, ý thức trách nhiệm của bản thân đối với đất nước…
Câu 5. (1,0 điểm)
– Về hình thức: đoạn văn; dung lượng khoảng 6 – 8 câu; diễn đạt lưu loát, mạch lạc, logic.
– Về nội dung:
+ Tiếng đàn bầu được cảm nhận trong nhiều cung bậc phong phú, kì diệu…; thể hiện những xúc cảm khác nhau của con người Việt Nam khi suy ngẫm về lịch sử thăng trầm của dân tộc mình.
+ Tiếng đàn hiện lên qua những hình ảnh so sánh, ẩn dụ, câu thơ giàu nhạc tính,…
- LÀM VĂN (17,0 điểm)
Câu 1 (7,0 điểm)
- Kĩ năng: Đáp ứng đúng yêu cầu của bài văn nghị luận xã hội; bố cục rõ ràng, hợp lí; lập luận chặt chẽ, giàu sức thuyết phục; dẫn chứng phù hợp; khuyến khích những bài viết sáng tạo.
- Kiến thức: Trên cơ sở hiểu đúng vấn đề, biết cách làm bài nghị luận xã hội, thí sinh có thể trình bày quan điểm cá nhân nhưng cần hợp lí, thuyết phục; dưới đây là một hướng giải quyết:
- a) Mở bài: Dẫn dắt giới thiệu được vấn đề cần nghị luận (0,25 điểm)
- b) Thân bài
* Giải thích vấn đề (1,0 điểm) – Cuộc sống văn minh, hiện đại: chỉ cuộc sống hiện tại và tương lai tân tiến, phát triển về mọi mặt từ khoa học công nghệ đến kinh tế, văn hóa giáo dục,…
– Lòng trắc ẩn thực sự: được hiểu là tấm lòng yêu thương, cảm thông, thấu hiểu trước cảnh ngộ người khác, xuất phát từ thật tâm, không toan tính.
=> Câu hỏi đặt ra vấn đề: Khi xã hội càng văn minh, hiện đại thì con người càng khó khăn để tìm kiếm được lòng trắc ẩn thực sự và con người càng có mong muốn tìm kiếm, nhận được những tấm lòng thực sự.
* Bàn luận vấn đề (5,0 điểm)
– Vì sao xã hội càng văn minh, hiện đại thì con người càng có nhu cầu tìm kiếm lòng trắc ẩn thực sự?
+ Trong xã hội hiện đại, con người có nhiều mối bận tâm và không cần lệ thuộc quá nhiều vào người khác; nhiều thước đo giá trị thay đổi;…
+ Thực tế cuộc sống có nhiều biểu hiện sống thực dụng, tàn nhẫn, xa cách với nhau, …
+ Cuộc sống văn minh hiện đại tác động khiến con người phải chịu nhiều áp lực, tổn thương,… nên cần nhu cầu được sẻ chia, đồng cảm, thấu hiểu.
– Ý nghĩa của lòng trắc ẩn thực sự:
+ Mỗi người cảm thấy ấm lòng, tin tưởng hơn vào những điều tốt đẹp của cuộc sống, vào mối quan hệ giữa người với người.
+ Sống trong xã hội có tình yêu thương, con người được hưởng thụ sự văn minh không chỉ về vật chất mà cả tinh thần.
+ Nếu thiếu lòng trắc ẩn thực sự con người dần nguội lạnh tình yêu thương, lòng đồng cảm, sự thấu hiểu; cuộc sống sẽ xuất hiện nhiều hơn những cái xấu, cái ác,…
– Làm thế nào để có được và tìm thấy lòng trắc ẩn thực sự?
+ Con người sống với nhau bằng tất cả sự chân thành, nhiệt huyết.
+ Có sự quan tâm, giúp đỡ để con người vượt qua những khoảnh khắc khó khăn, tuyệt vọng.
+ Lan tỏa yêu thương, chia sẻ những thông điệp ý nghĩa, học cách lắng nghe, thấu hiểu.
(Thí sinh lấy dẫn chứng thực tế để chứng minh)
– Mở rộng:
+ Lòng trắc ẩn thực sự có thể khó phân biệt, đôi khi khó tìm thấy nhưng nó vẫn tồn tại. Vì vậy ta không nên bi quan vào cuộc sống.
+ Nhu cầu tìm kiếm lòng trắc ẩn thực sự đã thể hiện mặt trái của xã hội văn minh, hiện đại. Nhu cầu ấy cần được lan tỏa, kết nối, nhân rộng.
+ Phê phán những người sống thờ ơ, vô tâm, ích kỉ.
* Bài học nhận thức và hành động (0,5 điểm)
Cần phải biết sống yêu thương và thể hiện tình yêu thương với người xung quanh bằng những hành động cụ thể,…
- c) Kết bài: Đánh giá, khái quát lại vấn đề (0,25 điểm)
Câu 2 (10,0 điểm)
- Kĩ năng: Đáp ứng đúng yêu cầu một bài văn nghị luận văn học bàn về một ý kiến; bố cục rõ ràng, hợp lí; lập luận chặt chẽ, giàu sức thuyết phục; dẫn chứng phù hợp làm nổi bật được vấn đề; khuyến khích những bài viết sáng tạo.
- Kiến thức: Trên cơ sở hiểu đúng vấn đề, nắm vững kiến thức về các thể loại văn học, biết cách làm bài nghị luận về một vấn đề lí luận văn học. Thí sinh có thể trình bày, diễn đạt theo nhiều cách khác nhau, cơ bản đạt được những nội dung sau:
- a) Mở bài: Dẫn dắt giới thiệu và trích dẫn ý kiến. (0,25 điểm)
- b) Thân bài
* Giải thích ý kiến: (1,0 điểm)
– Câu chữ, màu sắc, âm thanh: ngôn ngữ nghệ thuật – chất liệu, phương tiện để tạo nên một tác phẩm văn chương.
– Đối với nghệ sĩ, câu chữ, màu sắc, âm thanh không chỉ là chướng ngại cần chinh phục, vượt qua: quá trình học hỏi, khám phá, chọn lọc và sáng tạo ngôn từ của nghệ sĩ.
– Đối với nghệ sĩ, câu chữ, màu sắc, âm thanh … còn là những sinh thể, những sự vật có hồn: ngôn từ, hình ảnh nghệ thuật có tính biểu cảm, có sự sống riêng; bộc lộ cảm xúc, tư tưởng của tác giả gửi gắm trong tác phẩm.
→ Ý kiến khẳng định quá trình lao động của người nghệ sĩ trong việc sáng tạo ngôn từ nghệ thuật và đặc trưng của ngôn từ nghệ thuật.
* Bàn luận ý kiến. (1,5 điểm)
– Trong quá trình sáng tạo văn chương, người nghệ sĩ phải dụng công, dụng tâm lựa chọn ngôn từ, hình ảnh,… Bởi yếu tố đầu tiên của văn học là ngôn từ (M.Gorki).
– Ngôn từ trong tác phẩm văn chương vừa giàu cảm xúc, có tính hình tượng, đa nghĩa vừa thể hiện tư tưởng, tình cảm của nhà văn và mang đến những rung cảm thẩm mĩ cho người đọc. Cảm xúc, tư tưởng của nhà văn có chạm tới người đọc hay không đều phải bắc qua cây cầu ngôn ngữ.
– Sự sáng tạo trong cách sử dụng ngôn ngữ cũng đồng thời thể hiện tài năng, phong cách của người viết.
* Làm sáng tỏ “với nghệ sĩ, câu chữ, màu sắc, âm thanh” là “những sinh thể, những sự vật có hồn” (6,0 điểm)
Yêu cầu:
– Phạm vi dẫn chứng: Trải nghiệm văn học (thơ, truyện,…)
– Vấn đề nghị luận: Đặc trưng của ngôn từ nghệ thuật
+ Ngôn từ nghệ thuật là những sinh thể – có tính biểu cảm, có sự sống riêng,…
+ Ngôn từ nghệ thuật có hồn – gửi gắm cảm xúc, tư tưởng của tác giả.
* Đánh giá, mở rộng. (1,0 điểm)
– Ý kiến hoàn toàn xác đáng, khẳng định ngôn từ nghệ thuật phải đẹp ở lời và hay ở ý.
– Bài học đối với nghệ sĩ và người tiếp nhận
+ Nghệ sĩ cần có tài năng, tâm huyết trau dồi, tinh luyện ngôn từ và sống sâu sắc, mãnh liệt trong từng cảm xúc để mang đến sự độc đáo, mới lạ cho tác phẩm, khẳng định được sức sống lâu bền của tác phẩm.
+ Người đọc trong quá trình tiếp nhận văn học cần trân trọng công sức của nghệ sĩ, đọc không chỉ thấy cái hay của câu chữ mà còn thực sự đồng điệu tri âm với tâm hồn, với tiếng nói sâu lắng mà tác giả gửi gắm vào tác phẩm.
- c) Kết bài: Đánh giá, khái quát lại, nâng cao vấn đề. (0,25 điểm)
— Hết —
Ad ơi có đáp án chx ạ
đáp án đăng sau em nhé
Khi nào có đáp án add ơi
Đăng đáp án đi add
Chưa có đáp án à anh
có đáp án rồi nhé
Đã có đáp án em nhé
ad ơi có đáp án chưa ạ
có đáp án rồi em nhé
ad ơiii