Đề đọc hiểu và nghị luận về thơ văn Nguyễn Du, Ngồi một mình trên thủy các sông La Phù

THƠ VĂN NGUYỄN DU

Đề bài

 ĐỌC – HIỂU (5,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

LA PHÙ GIANG THỦY CÁC ĐỘC TỌA([1])

(Ngồi một mình trên thủy các sông La Phù) – Nguyễn Du

 

Phiên âm:

Thuỷ các các hạ, giang thuỷ thâm,      

Thuỷ các các thượng, nhân trầm ngâm. 

Du du vân ảnh biến thần tịch,                

Cổn cổn lãng hoa phù cổ câm (kim).      

Trần thế bách niên khai nhãn mộng,      

Hồng sơn thiên lý ỷ lan tâm.                 

Bồi hồi đối ảnh độc vô ngữ,                

Bạch phát sổ hành thuỳ ngã khâm.

 

Dịch nghĩa:

Dưới thuỷ các([2]), nước sông sâu,

Trên thuỷ các, người ngồi trầm ngâm.

Bóng mây lững thững sớm chiều biến đổi,

Lớp sóng cuồn cuộn kéo cả cổ kim([3]) đi.

Cuộc trần thế trăm năm chỉ là giấc mộng khi mắt mở,

Tựa lan can, lòng nhớ núi Hồng([4]) nơi ngàn dặm.

Một mình bồi hồi ngắm bóng, chẳng nói năng gì,

Mấy sợi tóc bạc phất phơ rủ xuống tà áo.

 

Dịch thơ:

Ở dưới thuỷ các, nước sông sâu,

Ngồi trên thuỷ các, người âu sầu.

Bóng mây sớm chiều thay đổi chóng,

Lớp sóng cổ kim chìm nổi mau.

Mở mắt trăm năm trong giấc mộng,

Tựa lan muôn dặm chạnh lòng đau.

Bâng khuâng ngắm bóng ngồi yên lặng,

Tóc bạc lơ phơ rủ mái đầu.

(Dẫn theo https://www.thivien.net)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản.

Câu 2. Tìm các câu thơ miêu tả khung cảnh thiên nhiên sông La Phù (phần dịch thơ).

Câu 3. Tìm các từ láy trong bài thơ (phần phiên âm).

Câu 4. Nêu ý nghĩa của việc phá vỡ luật Bằng – Trắc ở hai câu đề (phần phiên âm) của bài thơ.

Câu 5. Anh/chị hiểu như thế nào về hai câu thực của bài thơ?

Câu 6. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đối trong hai câu luận của bài thơ.

Câu 7. Nhận xét về những suy ngẫm, tâm trạng, cảm xúc của tác giả thể hiện trong bài thơ.

Câu 8. Hãy kể tên 01 bài thơ (của Nguyễn Du hoặc tác giả khác) có nét tương đồng về những suy ngẫm, tâm trạng,cảm xúc của tác giả thể hiện trong bài thơ và nêu rõ điểm tương đồng đó.LÀM VĂN (5,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) phân tích nội dung và nghệ thuật của bài thơ trên.

Đáp án:

 ĐỌC – HIỂU

Câu 1. Thể thơ: thất ngôn bát cú Đường luật.

Câu 2. Các câu thơ miêu tả khung cảnh thiên nhiên sông La Phù (phần dịch thơ):

  • Ở dưới thuỷ các, nước sông sâu,
  • Bóng mây sớm chiều thay đổi chóng,

Lớp sóng cổ kim chìm nổi mau.

Câu 3. Các từ láy trong bài thơ (phần phiên âm): trầm ngâm, du du, cổn cổn, bồi hồi.

Câu 4. Ý nghĩa của việc phá vỡ luật Bằng – Trắc ở hai câu đề (phần phiên âm) của bài thơ:

  • Tạo điểm nhấn về thanh điệu;
  • Làm nổi bật sự cô đơn và thế giới nội tâm nhiều suy tư của nhân vật trữ tình.

Câu 5. Cách hiểu về hai câu thực của bài thơ:

Du du vân ảnh biến thần tịch,                

Cổn cổn lãng hoa phù cổ câm (kim).      

(Bóng mây lững thững sớm chiều biến đổi,

Lớp sóng cuồn cuộn kéo cả cổ kim đi.)

  • Hai câu thơ khắc họa khung cảnh thiên nhiên sông La Phù: bóng mây lững thững, lớp sóng cuồn cuộn gợi không gian mênh mông, rộng lớn, khơi sâu tâm trạng cô đơn của nhà thơ.
  • Hai câu thơ cũng gợi cảm thức về sự trôi chảy của thời gian, từ đó làm nổi bật nỗi xót xa của nhà thơ trước lẽ biến thiên dâu bể của cuộc đời và niềm đau của kẻ đầu bạc mà vẫn tha hương.

Câu 6.

  • Biện pháp tu từ đối trong hai câu luận của bài thơ:
  • Trần thế bách niên – Hồng sơn thiên lý
  • khai nhãn mộng – ỷ lan tâm.     
  • Tác dụng :
  • Tạo sự hài hòa, nhịp nhàng, cân xứng cho câu thơ.
  • Mở ra chiều dài của thời gian và chiều rộng của không gian, khắc sâu nỗi u hoài trước thời thế và niềm thương nhớ quê hương của nhà thơ.

Câu 7. Nhận xét về những suy ngẫm, tâm trạng, cảm xúc của tác giả thể hiện trong bài thơ.

  • Bài thơ thể hiện tâm trạng cô đơn, nỗi niềm suy tư trước những biến thiên dâu bể của cuộc đời và nỗi nhớ quê hương tha thiết của Nguyễn Du khi ngồi một mình trên thủ các sông La Phù.
  • Đó là những nỗi niềm khắc khoải trong thẳm sâu tâm hồn của một con người đã trải qua biết bao biến động dữ dội của thời đại, để rồi chạnh lòng thương mình, xót mình.

Câu 8.

Ngoài những tác phẩm thơ văn của Nguyễn Du, đặc biệt là 3 tập thơ chữ Hán có rất nhiều bài thơ có nét tương đồng về những suy ngẫm, tâm trạng, cảm xúc với bài thơ trên, có thể kể ra những bài thơ của các tác giả khác. VD: Tĩnh dạ tứ, Độc tọa Kính Đình sơn (Lí Bạch), Đăng cao (Đỗ Phủ), Hoàng Hạc lâu (Thôi Hiệu), Tràng giang (Huy Cận),… có chung nỗi niềm thương nhớ quê hương/cô đơn với bài thơ La Phù giang thủy các độc tọa của Nguyễn Du; …..

 

LÀM VĂN

  1. Mở bài

– Giới thiệu chung về bài thơ: Bài thơ La Phù giang thủy các độc tọa nằm trong Thanh Hiên thi tập của Nguyễn Du, được sáng tác trong giai đoạn nhà thơ làm quan ở Bắc Hà (1802 – 1804).

– Xác định vấn đề sẽ được tập trung bàn luận trong bài viết: Bài thơ thể hiện rõ nét cảm hứng “tha hương”, tự thương mình và tiêu biểu cho nghệ thuật thơ chữ Hán Nguyễn Du.

  1. Thân bài

* Nhan đề

– “Sông La Phù”: một địa danh chưa xác định rõ, nơi Nguyễn Du từng đến trong thời gian làm quan ở Bắc Hà.

– Nhan đề bài thơ đã hé mở tâm thế cô đơn của “người lữ khách” Nguyễn Du.

* Khái quát cấu tứ

– Tứ thơ được gợi lên từ khung cảnh thiên nhiên sông La Phù.

– Từ không gian sông nước rộng lớn, mênh mông, nhà thơ liên tưởng đến sự chảy trôi không ngừng của thời gian và những biến động dữ dội của thời cuộc.

– Kết thúc bài thơ là bức tranh tự họa nhân vật trữ tình với những nỗi niềm trĩu nặng.

* Phân tích nội dung và nghệ thuật của bài thơ

– Hai câu đề:

+ Hình ảnh: “giang thủy thâm” gợi tả chiều sâu của lòng sông, “nhân trầm ngâm” khắc họa hỉnh ảnh con người suy tư → thiên nhiên và con người đều được khắc họa ở chiều sâu trong cái nhìn hướng nội.

+ Phá luật và sử dụng phép đối.

– Hai câu thực:

+ Hình ảnh “vân ảnh” và “lãng hoa” vừa mở ra không gian mênh mông, rộng lớn của sông La Phù vừa gợi tả dòng chảy hối hả của thời gian với những biến động dữ dội của cuộc đời.

+ Đảo ngữ và phép đối nhấn mạnh sắc thái của cảnh vật cùng tâm trạng cô đơn, nỗi xót xa của nhà thơ trước sự mong manh, bé nhỏ, hữu hạn của kiếp người.

– Hai câu luận:

+ Chiêm nghiệm của nhà thơ trước cái hư ảo của cuộc đời và nỗi nhớ quê hương tha thiết.

+ Phép đối làm nổi bật chiều dài của thời gian và chiều rộng của không gian trong thực tại, khắc sâu nỗi niềm u hoài của thi nhân.

– Hai câu kết:

+ Hoàn thiện bức chân dung tự họa của nhân vật trữ tình: con người cô đơn, thiếu vắng tri âm.

+ Các từ ngữ: “bồi hồi”, “đối ảnh”, “độc”, “vô ngữ”, “bạch phát”, “ngã”.

* Đánh giá chung nội dung và nghệ thuật

– Bài thơ thể hiện sâu sắc nỗi niềm thương thân trong cảnh “tha hương” của Nguyễn Du. Đây là một biểu hiện mới mẻ, độc dáo của cảm hứng nhân đạo trong sáng tác của cụ Nguyễn Tiên Điền.

– Bài thơ thể hiện sự điêu luyện, tài tình của nghệ thuật thơ chữ Hán Nguyễn Du: vận dụng nhuẫn nhuyễn và sáng tạo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật; hình ảnh thiên nhiên và con người vừa chân thực vừa mang tính biểu tượng, giàu cảm xúc; sử dụng tài tình các biện pháp tu từ (đảo ngữ, đối), bút pháp ước lệ tượng trưng, tả cảnh ngụ tình; ngôn ngữ thơ hàm súc, trau chuốt;…

  1. Kết bài: Khẳng định lại sự độc đáo của bài thơ và ý nghĩa cúa nó đối với việc đem lại cách nhìn mới, cách đọc mới cho độc giả.

Bài thơ khơi gợi ở người đọc bao xót xa, trăn trở trước bi kịch tâm hồn của một bậc tài hoa chịu nhiều truân chuyên, chìm nổi. 

Bài viết tham khảo:

Trong hồi ức của ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam, tên Nguyễn Du tỏa sáng như một tượng đài thi ca và nhân đạo. Ông không chỉ là một đại thi hào dân tộc mà còn được công nhận và tôn vinh như một danh nhân văn hóa trên toàn thế giới. Bên cạnh các sáng tác chữ Nôm như Truyện Kiều, Văn tế thập loại chúng sinh thì thơ chữ Hán của ông cũng là những tuyệt phẩm thi ca đã in sâu vào lòng người qua hàng thế kỉ. Phải khẳng định một điều, nét đặc sắc của thơ chữ Hán Nguyễn Du chính là ở khả năng tự họa chân dung của một tâm hồn luôn day dứt, khắc khoải trước những biến thiên của thời cuộc, không chỉ đau đáu nỗi thương người mà còn xót xa nỗi thương thân; cùng với đó là sự điêu luyện, tài hoa của một bậc thầy ngôn ngữ. La Phù giang thủy các độc tọa là một bài thơ tiêu biểu cho những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của thơ chữ Hán Nguyễn Du.

Nguyễn Lộc cho rằng, thơ chữ Hán Nguyễn Du “có tính chất nhật kí, bút kí”. Quả thực, có thể xem ba tập thơ Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục là những tập nhật kí được Nguyễn Du ghi chép một cách đầy đủ, chân thực tâm trạng, cảm xúc của nhà thơ trước “những điều trông thấy” ở những nơi mà thi nhân từng đi qua. Trong thời gian Nguyễn Du làm quan ở Bắc Hà (1802 – 1804), dòng sông La Phù vời vợi sóng nước đã trở thành nguồn cảm hứng trực tiếp để Tố Như nảy sinh những vần thơ tâm tình: Ngẫu hứng kỳ 2, Sơ nguyệt, La Phù giang thủy các độc tọa. Khoảng cách về thời gian khiến người đời nay khó khảo cứu chính xác “sông La Phù” nơi Nguyễn Du từng đặt chân đến thuộc về địa phương nào. Nhưng có lẽ điều ta cần khắc sâu hơn cả, đó là “sông La Phù” hay bất kì một địa danh nào khác trên hành trình vạn dặm của Tố Như, những địa danh không thuộc về quê hương Hà Tĩnh, đều chỉ là biểu tượng của nơi trú ngụ tạm thời của thể xác, là cái cớ để thi nhân tìm lại chính mình nơi núi Hồng sông Lam – nơi an yên trọn kiếp của tâm hồn thi nhân. Mọi miền đất với con người ấy đều xa lạ, “đều hoá thành không gian đất kháchvà chỉ khơi lên niềm đau của một dị hương nhân”[5]. Bới vậy, nhan đề La Phù giang thủy các độc tọa (Ngồi một mình trên thủy các sông La Phù) đã gần như bao trọn cái tứ của bài thơ. Từ không gian sông nước rộng lớn, mênh mông, nhà thơ liên tưởng đến sự chảy trôi không ngừng của thời gian và những biến động dữ dội của thời cuộc, để rồi, kết thúc bài thơ là bức tranh tự họa nhân vật trữ tình với những nỗi niềm trĩu nặng của một tâm hồn cô đơn, luôn hướng về quê hương trong day dứt, khắc khoải.

Bài thơ mở ra với điểm nhấn đặc biệt về thanh điệu:

Thuỷ các các hạ, giang thuỷ thâm,      

Thuỷ các các thượng, nhân trầm ngâm. 

(Dưới thuỷ các, nước sông sâu,

Trên thuỷ các, người ngồi trầm ngâm.)

Sự phá luật kết hợp với phép đối ở hai câu đề gợi ấn tượng đậm nét về chiều sâu thăm thẳm của dòng sông và lòng người. Bên dưới thủy các, dòng sông sâu thẳm như là biểu tượng cho đáy sâu hun hút của vũ trụ không cùng. Bên trên thủy các, người ngồi trầm ngâm đắm vào những suy tư không dứt. “Nhân” ở đây là ai? Là đối tượng trữ tình để nhà thơ thổ lộ tâm tư trên bước đường hải hồ phiêu bạt của mình hay chính là chủ thể trữ tình – nhà thơ? Chưa thể khẳng định được. Chỉ biết rằng, dòng sông – vũ trụ và con người đều được khắc họa ở chiều sâu trong cái nhìn hướng nội. Chiều sâu của dòng La Phù dưới thủy các và chiều sâu của hồn người trên thủy các vừa như cố so kè xem bề nào sâu hơn lại vừa như hợp sức với nhau để đẩy chiều kích của không gian và lòng người thêm thăm thẳm.

Hai câu thực miêu tả rõ hơn cái thực của cảnh và cả cái thực của tâm hồn:

Du du vân ảnh biến thần tịch,                

Cổn cổn lãng hoa phù cổ câm (kim).      

(Bóng mây lững thững sớm chiều biến đổi,

Lớp sóng cuồn cuộn kéo cả cổ kim đi.)

Không gian sông nước La Phù đến đây không chỉ có chiều sâu mà còn được mở ra theo chiều cao và chiều rộng, mang tính đặc thù của không gian vô tận trong thơ Nguyễn Du, cũng như thơ cổ nói chung. “Vân ảnh” là bóng mây, vậy đó là sự phản chiếu của áng mây đang lững thững, lang thang trôi trên bầu trời xuống mặt nước của dòng La Phù sâu thẳm. Bởi thế, không gian như nhân đôi chiều kích, vừa có chiều sâu vừa có chiều cao. Ở bài Ngẫu hứng kỳ 2, khi miêu tả cảnh sắc sông La Phù trong cơn gió thu, Nguyễn Du cũng có các cảm nhận tương tự về sự mở rộng của không gian: Hoàng vân bạch thuỷ lưỡng tương chiếu (Mây vàng và nước trắng soi chiếu lẫn nhau).

Nếu như từ láy “du du” với hai thanh bằng gợi tả nhịp điệu chậm chạp của đám mây in bóng trên sông thì từ láy “cổn cổn” với hai thanh Trắc lại gợi ấn tượng đậm nét về sự dữ dội của những lớp sóng đang cuồn cuồn trên mặt sông. Những lớp sóng đang băng đi mạnh mẽ trên dòng La Phù khiến cho không gian mở rộng theo chiều ngang. Đến đây, không gian đã mở ra hết biên độ với mọi chiều kích của nó, trở thành một vũ trụ mênh mông vô tận. Nỗi cô đơn của con người đã được khắc họa gián tiếp qua bút pháp tả cảnh ngụ tình, bởi, không gian càng rộng lớn, con người càng cô đơn. Đó là cái tâm tình vẫn thường thấy trong thơ cổ.

“Du du vân ảnh” và “cổn cổn lãng hoa” ở hai câu thơ này không chỉ là biểu tượng cho không gian vũ trụ vô tận mà còn gợi cảm thức về sự trôi chảy không ngừng của thời gian trong cái nhìn thấm đẫm tính triết lí của người xưa. Nguyễn Du gợi nhắc ta nhớ tới những vần thơ nổi tiếng của hai nhà thơ thời Đường: Bạch vân thiên tải không du du (Mây trắng ngàn năm vẫn phiêu diêu trên không) – Hoàng Hạc lâu, Thôi Hiệu; Bất tận trường giang cổn cổn lai (Dòng sông dài cuồn cuộn chảy dài vô tận) – Đăng cao, Đỗ Phủ. Nhà thơ của nước Việt đã có sự vay mượn người xưa, từ các hình ảnh mây trắng phiêu diêu, dòng sông cuồn cuộn chảy cho đến ý thơ: mượn không gian mà gợi tả thời gian. Đó không phải là điều lạ mà dường như là đặc tính tất yếu của văn học trung đại Việt Nam trong quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa với các quốc gia trong khu vực.

Tuy nhiên, Nguyễn Du vẫn có những sáng tạo nhất định, vừa thể hiện bản lĩnh văn chương vừa biểu lộ cảm nhận riêng của nhà thơ trước những gì đã tưởng chừng quen thuộc, lối mòn. Trong những vần thơ của Tố Như, con sóng dưới lòng sông và những áng mây của bầu trời có một sự gắn kết chặt chẽ và thú vị. Lớp sóng cuồn cuộn như thúc giục đám mây lững thững kia thêm hối hả, vội vàng, để rồi cái biến đổi chậm chạp sớm chiều của bóng mây lững thững (câu 3) đã nhanh chóng biến thành tốc độ băng băng của thời gian cổ kim chạy đua cùng những con sóng dữ (câu 4). Dòng sông của không gian bỗng chốc hóa thành dòng sông của không gian, cái chậm chạp, ngắn ngủi của thời gian một ngày (sớm chiều) đã thoắt biến thành cái vun vút, vô tận của dòng chảy vô thủy vô chung (cổ kim). Người ta như thấy cái đổi thay dữ dội của cổ kim tiềm tàng ở ngay bên trong cái biến đổi chậm chạp của áng mây mỗi sớm mỗi chiều. Đó là những suy tư đẫm tính triết lí của một con người đã từng trải nghiệm biết bao biến động dữ dội của kiếp người dâu bể. Và ắt hẳn, cái lững thững của đám mây, cái cuồn cuộn của con sóng và sự chảy trôi hối hả, không ngừng của dòng thời gian kia cũng chính là biểu trưng cho quy luật biến thiên dâu bể của cuộc đời mà Nguyễn Du cũng đã từng khái quát trong Độc Tiểu Thanh kí. Chỉ có một điều khác, trong bài thơ đó, cái quy luật khắc nghiệt của cuộc đời lại được gợi ra từ sự hoang tàn, đổ nát của Tây Hồ và sự vắng bóng của người con gái tài hoa bạc mệnh Tiểu Thanh. Cả hai bài thơ đều khắc khoải tâm trạng cô đơn, nỗi xót xa của nhà thơ trước sự mong manh, bé nhỏ, hữu hạn của kiếp người.

Ở hai câu luận, phép đối lại tiếp tục được Nguyễn Du khai thác triệt để nhằm khắc sâu thêm cảm thức về thời gian và không gian khi thi nhân đối diện với thực tại :

Trần thế bách niên khai nhãn mộng,      

Hồng sơn thiên lý ỷ lan tâm.  

(Cuộc trần thế trăm năm chỉ là giấc mộng khi mắt mở,

Tựa lan can, lòng nhớ núi Hồng nơi ngàn dặm.)  

Cũng như nhiều nhà thơ trung đại khác, Nguyễn Du thường hay dùng chữ “bách niên” như một ước lệ để chỉ đời người. Xét riêng Thanh Hiên thi tập đã có tới 5 lần Nguyễn Du dùng tới chữ này, cho thấy thời gian đã trở thành một nỗi ám ảnh khôn nguôi đối với nhà thơ. Điểm chung của chữ “bách niên” ở những lần xuất hiện đó là nó đều thể hiện “cảm nhận rất u ám”[6]  của nhà thơ về trăm năm kiếp người. Nhìn thời gian trôi đi vun vút, Nguyễn Du thấy kiếp sống con người quả thật ngắn ngủi: Cõi trần trăm năm chỉ là giấc mộng khi mở mắt, trăm năm đời người chỉ như một khoảnh khắc, chẳng khác nào “bóng câu qua cửa sổ”, đổi thay chóng vánh, hư ảo khôn lường. Luôn ám ảnh trước dòng chảy khắc nghiệt của thời gian, thơ Nguyễn Du khắc khoải ý thức thường trực, một cảm hứng bi thiết về sự mong manh, hữu hạn của đời người. Sự nhạy cảm của một hồn thơ từng trải hết mọi cảnh ngộ trớ trêu ở đời, từng chứng kiến mấy phen thay đổi sơn hà đã chắp bút để nhà thơ viết nên những vần thơ đau xé ruột về “phận người” và cả “phận mình”.

Nguyễn Du “lúc nào cũng buồn, cũng day dứt”, ngay cả khi ra làm quan với nhà Nguyễn cũng “chẳng vui vẻ gì hơn”[7]. Bài thơ La Phù giang thủy các độc tọa  được sáng tác trong thời gian Nguyễn Du đã ra làm quan cho nhà Nguyễn. So với những năm gió bụi phiêu bạt, giai đoạn này có thể nói là tươi sáng hơn rất nhiều. Vậy điều gì vẫn khiến cho thơ Nguyễn Du vẫn mang những u hoài, khắc khoải đến thế về kiếp nhân sinh? “Nếu trong phần Mười năm gió bụi (1786 – 1795) của Thanh Hiên thi tập, ta bắt gặp một con người buồn bã, thất chí vì công chưa thành danh chưa toại thì ở đây ta bắt gặp tâm trạng ngược lại: danh thành nhưng … tâm không toại”[8]. Có lẽ, dù làm quan cho nhà Nguyễn và con đường công danh vô cùng thuận lợi, nhưng chính lúc này, Nguyễn Du đã nhận thức rõ ràng hơn về sự thối nát của chế độ phong kiến đang trên bờ khủng hoảng. Chán ghét chốn quan trường nhưng với nhiều lí do mà Nguyễn Du không thể từ quan về ẩn dật. Điều đó đã làm nảy sinh ở nhà thơ nỗi chán chường, bi phẫn trước cái hư ảo, chóng vánh của kiếp người, để rồi, dù đứng trước bao cảnh đẹp, thi nhân ngắm cảnh mà lòng chẳng hề được thảnh thơi. Đọc thơ Nguyễn Du, ta không tìm thấy cái an nhiên tự tại vượt lên trên mọi đau buồn tầm thường như các thiền sư, cũng không bắt gặp cái chí khí oai hùng quyết làm rạng danh cuộc đời ngắn ngủi như những bậc anh hùng. Nỗi ám ảnh day dứt của Nguyễn Du về cái hư vô của đời người khiến cho người đọc không khỏi tự soi, tự chiêm nghiệm về sự hữu hạn của kiếp đời nhân sinh ngắn ngủi tạm bợ này.

Không tìm được nơi bấu víu giữa kiếp phù sinh, cõi lòng nhà thơ hướng về một miền thương nhớ: Hồng sơn thiên lý ỷ lan tâm. Nếu “trần thế bách niên” ở câu thơ trên biểu trưng thời gian hư ảo, biến đổi chóng vánh của kiếp người, thì “Hồng sơn thiên lý” ở câu thơ này lại biểu trưng cho miền không gian xa cách mà nhà thơ luôn dõi mắt trông về mỗi khi đang lận đận ở những phương trời xa xôi. Và nếu “sông La Phù” là không gian thực tại thấm đẫm nỗi đau đời, thì “Hồng sơn” lại chính là không gian an yên của tâm hồn nhà thơ luôn hiện về trong mộng tưởng. “Hồng sơn” hay “Hồng Lĩnh”, “Lam giang”, “Quỳnh Hải”, “Quế giang”, những địa danh đã nhiều lần xuất hiện trong thơ chữ Hán Nguyễn Du là hình ảnh biểu trưng gắn với quê nhà của tác giả. Phải khẳng định một điều rằng, những câu thơ có nhắc đến các địa danh này bao giờ cũng là những vần thơ cảm động nhất mà Nguyễn Du viết về quê hương, gia đình, bạn cũ. Và cũng chính những dòng thơ này lại là “tiếng lòng thống thiết cho cảm hứng lạc loài luôn hiện diện trong thơ ông”[9].

Trong thơ chữ Hán, Nguyễn Du hiện lên là con người suốt đời phải làm kiếp tha hương, tấm thân nổi trôi, phiêu dạt, bao giờ cũng ngậm ngùi, đau đáu một tấc lòng quê. Cảm xúc thức lưu lạc, tha hương đã xuyên suốt cả ba tập thơ chữ Hán. Dù là khi lưu lạc hay lúc làm quan, lúc đi sứ, thì quê hương luôn là điểm tựa vững chãi của tâm hồn để nhà thơ khao khát tìm về. “Hồng sơn” trong tâm tưởng Nguyễn Du là một vùng quê thắng cảnh, thiên nhiên hùng vĩ, sông núi hữu tình, là nơi có những tháng ngày ông tự nhận mình là “Hồng sơn hiệp lộ”, “Nam hải điếu đồ”.  Với ý nghĩa đó, “Hồng sơn”  chính là nơi du ngoạn thưởng lãm, vui thú của những bậc Bá Di, Thúc Tề muốn xa lánh cuộc đời gió bụi, muốn rũ bỏ áo mũ công danh, là nơi Nguyễn Du tha thiết nhớ thương và mong muốn trở về, vứt bỏ mọi danh lợi phù hoa, chấm dứt cái hành trình lưu lạc, mong mỏi thoát khỏi trạng thái đau đáu khắc khoải của kẻ li hương lạc loài. Bởi vậy, có thể nói, nếu như trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du có một giấc mộng, thì đó là giấc mộng lớn “Hồng sơn”.

Cảm xúc tha hương, nỗi niềm lưu lạc ấy như được nhân lên nhiều lần khi nhà thơ sử dụng các khái niệm “thiên lý”, “thiên niên”, “bách niên”… để nói về tâm trạng nhớ quê. Đặt trong cái vời vợi nghìn trùng của khoảng cách không gian và cái hư ảo, mong manh của thời gian kiếp người, nỗi niềm thương nhớ quê hương của người lữ khách trong một cuộc lữ hành vô định, không có điểm dừng lại càng trở nên khắc khoải, da diết và ám ảnh khôn cùng. Ta cũng hiểu vì sao Nguyễn Du lại có thể cảm thông sâu sắc với “Giấc hương quan luống lần mơ canh dài” của nàng Kiều trong mười lăm năm lưu lạc ấy.

Bài thơ kết lại với những nét vẽ cuối cùng hoàn thiện bức chân dung tự họa của chủ thể trữ tình:

Bồi hồi đối ảnh độc vô ngữ,                

Bạch phát sổ hành thuỳ ngã khâm.

(Một mình bồi hồi ngắm bóng, chẳng nói năng gì,

Mấy sợi tóc bạc phất phơ rủ xuống tà áo.)

Xét về kết cấu, bài thơ này đã tạo ra một sự đăng đối hoàn hảo. Bài thơ có 8 câu thì 4 câu tả cảnh, bốn câu tả người. Nếu như ở câu thứ hai, ta chưa thể trả lời “nhân trầm ngâm” là ai, thì đến đây, với sự xuất hiện của từ “ngã”, ta có thể khẳng định chắc chắn con người đang ngồi trầm ngâm đắm vào những suy nghĩ kia chính là chủ thể trữ tình – tác giả Nguyễn Du. Thơ ca trung đại vốn dĩ hạn chế biểu hiện con người cá nhân nên từ tự xưng cũng không nhiều. Những cách tự xưng quen thuộc của quy phạm trung đại như nam nhi, chinh khách, khách, tráng sĩ, anh hùng, hàn sĩ xuất hiện rất ít trong thơ Nguyễn Du. Tuy nhiên, “ngã” – từ mà văn chương trung đại “kị” vào bậc nhất lại xuất hiện nhiều lần trong thơ ông. Nó không gắn với chí lớn, hùng tâm tráng khí của kẻ làm trai mà đa phần gắn với cuộc sống đời thường, với tâm sự cá nhân, với nỗi lòng không biết tỏ cùng ai của nhà thơ[10].

Nếu ở sáu câu thơ đầu, chủ thể trữ tình tự khắc họa mình một cách trực tiếp qua dáng vẻ trầm ngâm suy tư, qua tư thế tựa lan can và tâm thế hướng về quê hương với nỗi niềm li hương khắc khoải, thì đến hai câu thơ kết, con người ấy hiện lên với nỗi cô đơn trĩu nặng tâm hồn cùng nỗi niềm thương thân thầm kín mà sâu sắc.

Trong khi thơ ca trung đại thường thể hiện mối tương giao, gắn kết giữa con người và thiên nhiên thì chủ thể trữ tình trong thơ Nguyễn Du lại thường tách biệt với thế giới bên ngoài. Đó không chỉ là con người không muốn (hay không thể) hòa nhập với tự nhiên, không thể tìm thấy sự thanh thản, an ủi hay lãng quên từ thiên nhiên mà còn là con người tách biệt, khó hòa nhập với mọi người xung quanh, khó hòa nhập với thế sự. Con người ấy hiện lên với sự cô đơn gần như tuyệt đối với hai trạng thái chủ yếu là “bế môn” (đóng cửa, khép cửa) và “vô ngôn”, “vô ngữ” (không nói). La Phù giang thủy các độc tọa là một trong số rất nhiều bài thơ xuất hiện con người “vô ngữ” ấy.

Nguyễn Du tiếp bước người xưa mà cũng khác biệt người xưa. Ta không thể tìm thấy cái chất phiêu diêu thoát tục của thi tiên Lí Bạch trong những vần thơ của Tố Như. Cũng là “độc tọa” đấy (Độc tọa Kính Đình sơn), cũng là “đối ảnh” đấy (Nguyệt hạ độc chước kỳ 1)[11] thế nhưng bậc thi tiên lại chẳng thấy cô đơn bởi tâm hồn con người đã chủ động kết giao, hòa vào thiên nhiên, vạn vật. Còn cụ Nguyễn Tiên Điền thì “đối ảnh độc vô ngữ”, một mình ngắm bóng mình dưới nước, chẳng nói năng gì. “Bóng” là hình ảnh do phản chiếu mà có. Bóng là ảo. Nhưng nó tồn tại thực. Bóng chính là người bạn chung thuỷ nhất với con người, nhất là khi con người cô đơn. Nhưng cái bóng ấy có bao giờ lên tiếng. Bóng lẻ. Bóng lặng im. Bóng là sự phân thân của con người, cũng là một phần linh hồn con người. Trong trường hợp này, bóng trở thành một đối tượng khác độc lập ở trong tư thế đối diện với Nguyễn Du. Qua sự phản chiếu của dòng nước sâu thẳm, bóng và người hội ngộ nhưng không có một phát ngôn nào. Sự đối ảnh của bóng và người càng nổi bật nỗi cô đơn của con người, càng khiến tấc lòng như sâu hơn, trĩu nặng hơn. Thế nên “đối ảnh”, nhà thơ mới “bồi hồi”, tự đối diện với chính mình, tìm vào phần sâu thẳm trong tâm hồn để càng thấm thía nỗi đau. Nỗi niềm ở đây không gửi được vào thiên nhiên sông nước, không có ai để giãi bày, “đối ảnh” mà bóng chẳng nói, vậy nên mối u sầu một đời chưa từng mở ra với ai mới càng thêm thấm thía. Nếu chữ “độc” khẳng định sự cô độc, lẻ loi thì chữ “vô” lại là sự phủ định dứt khoát, tuyệt đối. Sự giao tiếp với thế giới xung quanh bị gián đoạn, con người rơi vào tình trạng không thể tỏ bày cùng ai, con người tách mình ra khỏi thế giới. Cô đơn đến tuyệt đối.

Kết lại bài thơ cũng là một mình ảnh quen thuộc khác của thơ xưa nói chung, của thơ Nguyễn Du nói riêng: Bạch phát sổ hành thuỳ ngã khâm. (Mấy sợi tóc bạc phất phơ rủ xuống tà áo.) Trong ba tập thơ chữ Hán, Nguyễn Du nhiều lần  “tự hoạ” mình với chi tiết ngoại hình giàu ý nghĩa ẩn dụ này: bạch phát, bạch đầu, phát đoản, tản phát, đầu bạch, đầu dĩ bạch như ngân… Hình ảnh đầu bạc xuất hiện nhiều nhất ở Thanh Hiên thi tập – khi nhà thơ chưa đầy ba mươi tuổi và không tương ứng với thời gian sống khi nó hiện diện giữa những tháng năm lẽ ra là sung sức nhất của đời người. Bởi vậy, hình ảnh mái đầu tóc bạc không chỉ là biểu hiện của dòng thời gian khắc nghiệt cuốn trôi cổ kim đi, mà còn là dấu tích hữu hình của những đau thương, bất hạnh dội xuống cuộc đời Nguyễn Du. Chúng gợi sự mất mát của tuổi thanh xuân, sự mòn mỏi của tài năng, chí khí Bạch phát tiêu ma bần sĩ khí” (Tóc bạc làm tiêu ma chí khí kẻ sĩ nghèo – Tặng Thực Đình), “Bạch phát hùng tâm không đốt ta” (Tóc bạc rồi, dù có hùng tâm nhưng chỉ biết than thở – Khai song)…

Hình ảnh tóc bạc, đầu bạc còn được Nguyễn Du sử dụng để nhấn mạnh sự nhỏ nhoi, hữu hạn của đời người giữa dòng thời gian, không gian vô hạn và đầy biến động của cõi đời. Như thể con người chưa kịp sống, chưa kịp hiểu những đổi thay thế sự… thì đã bị cướp đi tuổi trẻ, ước mơ và hi vọng. Để rồi đến lúc tưởng chừng có cơ hội thi thố tài năng thì sức lực, tâm huyết đều mòn mỏi, niềm tin cũng lụi tàn…

Tóc bạc cũng thường đi đôi với giấc mộng “hương quan”: “Hồng Lĩnh cách niên hư túc mộng, Bạch đầu thiên lý tẩu thu phong” (Nhiếp Khẩu đạo trung); Hồng Lĩnh mộng trung hoang xạ liệp / Bạch đầu túc tích biến sơn xuyên (Hàm Đan tức sự), “Tha hương bạch phát lão bất tử” (Tạp ngâm). Chính vì vậy, nó cũng biểu trưng cho nỗi lòng đau đáu khắc khoải của kẻ li hương lạc loài.

Rõ ràng bạch phát, bạch đầu là hình ảnh thực nhưng cũng là hình ảnh mang đầy tâm sự, nỗi niềm. Ẩn đằng sau mái đầu sớm bạc “đi giữa gió thu” là những mối u sầu, những biến động lớn lao trong thế giới nội tâm của một nhà nho sớm bước vào đời, với cuộc đời và cõi lòng chứa biết bao chuyện thương tâm. Luân lạc, buồn đau trong cuộc đời riêng, biến cố thời cuộc dồn dập diễn ra trước mắt làm cho tóc nhà thơ sớm bạc. Và như thế, với Nguyễn Du, mái đầu bạc đã trở thành “tín hiệu” riêng của nỗi thương thân. Từ Truyện Kiều cho tới thơ chữ Hán, thương thân, xót thân đã trở thành một nguồn cảm hứng lớn và được thể hiện nhất quán trong sáng tác của Nguyễn Du. Câu thơ cuối bài để lại dư vị đắng chát ngậm ngùi, làm gia tăng cảm giác xót xa cho một người nghệ sĩ tài hoa nhưng sinh nhằm thời binh lửa triền miên để rồi phải sống kiếp lênh đênh giác hải thiên nhai.

Bài thơ La Phù giang thủy các độc tọa là bức chân dung tự họa tâm hồn của chính Nguyễn Du: một tâm hồn cô đơn, thiếu vắng tri âm, một tâm hồn luôn day dứt và thường trực trước những biến động dữ dội của cuộc đời. Bài thơ đã thể hiện sâu sắc nỗi niềm thương thân trong cảnh “tha hương”, cô độc của thi nhân. Con người thương thân và những nghiệm sinh đau đớn đã là một yếu tố quan trọng góp phần tạo nên chiều sâu và tầm vóc cái tôi trữ tình trong thơ chữ Hán nói riêng và chủ nghĩa nhân đạo của Nguyễn Du nói chung. Đây cũng là một bằng chứng đầy sức thuyết phục về sự xuất hiện của con người cá nhân trong văn học trung đại[12]. Bài thơ cũng thể hiện sự điêu luyện, tài tình của nghệ thuật thơ chữ Hán Nguyễn Du: vận dụng nhuần nhuyễn và sáng tạo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật; hình ảnh thiên nhiên và con người vừa chân thực vừa mang tính biểu tượng, giàu cảm xúc; sử dụng tài tình các biện pháp tu từ (đảo ngữ, đối), bút pháp ước lệ tượng trưng, tả cảnh ngụ tình; ngôn ngữ thơ hàm súc, trau chuốt;…

Nguyễn Hữu Sơn cho rằng Thanh Hiên thi tập là “tập thơ bộc lộ nỗi niềm Nguyễn Du trong những tháng năm sống long đong, mất phương hướng, mất lòng tin, thậm chí cả tâm trạng hoang mang, vô vọng với rất nhiều những xót xa về thân phận chân trời góc bể”[13]. Bài thơ La Phù giang thủy các độc tọa đã thể hiện một cách rõ nét những những đặc sắc nội dung của tập thơ. Bài thơ không chỉ khơi gợi ở người đọc bao xót xa, trăn trở trước bi kịch tâm hồn của một bậc tài hoa chịu nhiều truân chuyên, chìm nổi mà còn khiến ta thêm khâm phục hơn tài năng văn chương của đại thi hào dân tộc. Cùng với Truyện Kiều, những vần thơ chữ Hán của Nguyễn Du sẽ sống mãi trong lòng người đọc, gần gũi như tiếng hát ru của mẹ trong kí ức tuổi thơ mỗi người:

“ Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du

Tiếng thuơng như tiếng mẹ ru mỗi ngày …”

(Tố Hữu, Kính gửi cụ Nguyễn Du)

([1]) Bài thơ nằm trong Thanh Hiên thi tập, được Nguyễn Du sáng tác trong thời gian làm quan ở Bắc Hà.

([2]) Thủy các: lầu, gác làm trên mặt nước sông hồ để ngồi thưởng ngoạn.

([3]) Cổ kim: thời gian từ xưa đến nay.

([4]) Núi Hồng: núi Hồng Lĩnh ở quê hương Hà Tĩnh của Nguyễn Du.

[5] Con người thương thân – một biểu hiện độc đáo của ý thức cá nhân trong thơ chữ Hán Nguyễn Du (Nguyễn Thị Nương /Khoa Ngữ văn – ĐHSP Hà Nội, dẫn theo nguyendu.com.vn)

[6] Quy phạm và bất quy phạm trong Thanh Hiên thi tập của Nguyễn Du (Bùi Thanh Thảo, Kỷ yếu hội thảo khoa học Kỷ niệm 250 năm năm sinh Nguyễn Du, NXH Đại học Quốc gia TPHCM, 2015, tr. 221)

[7] Văn học Việt Nam (nửa cuối thế kỷ XVIII – hết thế kỷ XIX), Nguyễn Lộc, NXBGD, 2001, tr. 308

[8] Quy phạm và bất quy phạm trong Thanh Hiên thi tập của Nguyễn Du (Bùi Thanh Thảo, Kỷ yếu hội thảo khoa học Kỷ niệm 250 năm năm sinh Nguyễn Du, NXH Đại học Quốc gia TPHCM, 2015, tr. 219)

[9] Cảm hứng lưu lạc trong thơ xuân của Nguyễn Du (dẫn theo https://giaoducthoidai.vn)

[10] Quy phạm và bất quy phạm trong Thanh Hiên thi tập của Nguyễn Du (Bùi Thanh Thảo, Kỷ yếu hội thảo khoa học Kỷ niệm 250 năm năm sinh Nguyễn Du, NXH Đại học Quốc gia TPHCM, 2015, tr. 222)

[11] Trong bài có hai câu thơ: Cử bôi yêu minh nguyệt/ Đối ảnh thành tam nhân (Nâng ly mời trăng sáng/ Cùng với bóng nữa là thành ba người)

[12] Con người thương thân – một biểu hiện độc đáo của ý thức cá nhân trong thơ chữ Hán Nguyễn Du (Nguyễn Thị Nương /Khoa Ngữ văn – ĐHSP Hà Nội, dẫn theo nguyendu.com.vn)

[13] Nỗi buồn tha hương và mặc cảm lưu lạc trong thơ chữ Hán Nguyễn Du (dẫn theo https://nguyendu.com.vn/)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *