Đề đọc hiểu và nghị luận về thơ văn Nguyễn Du, Mộ Đỗ Thiếu Lăng ở Lỗi Dương

THƠ VĂN NGUYỄN DU

Đề bài

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

LỖI DƯƠNG ĐỖ THIẾU LĂNG [1]MỘ

                                                                   (Nguyễn Du)

Thiên cổ văn chương thiên cổ si (sư),
Bình sinh bội phục vị thường ly.
Lỗi Dương [2]tùng bách bất tri xứ,
Thu phố ngư long hữu sở ti (tư).[3]
Dị đại tương liên không sái lệ,
Nhất cùng chí thử khởi công thi?
Trạo đầu cựu chứng y thuyên vị?[4]
Địa hạ vô linh quỷ bối xi.

Dịch nghĩa

MỘ ĐỖ THIẾU LĂNG Ở LỖI DƯƠNG

Văn chương lưu muôn đời, bậc thầy muôn đời
Bình sinh bái phục không lúc nào ngớt
Cây tùng cây bách ở Lỗi Dương, không biết ở nơi nào?
Cá rồng trong bến thu, còn có chỗ để tưởng nhớ
Ở hai thời đại khác nhau, thương nhau, luống rơi lệ
Cùng khổ đến thế há phải bởi tại thơ hay?
Chứng bệnh lắc đầu ngày trước, bây giờ đã khỏi chưa?
Dưới địa phủ đừng để cho lũ quỷ cười.

Trả lời các câu hỏi sau S(Theo ma trận bên dưới)

Câu 1: Bài thơ được gieo vần ở những câu nào?

Câu 2: Các câu trong bài thơ được ngắt nhịp như thế nào?

Câu 3: Xác định chủ thể trữ tình trong bài thơ.

Câu 4: Chỉ ra biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong các câu thơ:

Lỗi Dương tùng bách bất tri xứ,
Thu phố ngư long hữu sở ti (tư).

(Cây tùng cây bách ở Lỗi Dương, không biết ở nơi nào?
Cá rồng trong bến thu, còn có chỗ để tưởng nhớ)

Câu 5: Chủ đề của bài thơ là gì?

Câu 6: Nêu nội dung chính hai câu sau:

Thiên cổ văn chương thiên cổ si (sư),
Bình sinh bội phục vị thường ly.
(Văn chương lưu muôn đời, bậc thầy muôn đời
Bình sinh bái phục không lúc nào ngớt)
Câu 7:  Hai câu thơ sau gợi cho anh / chị những tình cảm, cảm xúc gì?

Dị đại tương liên không sái lệ,
Nhất cùng chí thử khởi công thi?
(Ở hai thời đại khác nhau, thương nhau, luống lơi lệ
Cùng khổ đến thế há phải bởi tại thơ hay?)

Câu 8: Bài thơ có điểm gì giống và khác với bài thơ sau:

Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo,
Kìa đền Thái thú đứng cheo leo;
Ví đây đổi phận làm trai được
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu?

(Đề đền Sầm Nghi Đống – Hồ Xuân Hương)

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) phân tích nội dung và nghệ thuật của tác phẩm trên

 

Hướng dẫn đáp án chi tiết  

ĐỌC – HIỂU

Câu Nội dung Điểm
1 Bài thơ được gieo vần ở những câu 1,2,4,6,8 0,5
2 Các câu trong bài thơ được ngắt nhịp 4/3 0,5
3 Chủ thể trữ tình trong bài thơ ẩn chủ ngữ, có thể là tác giả Nguyễn Du. 0,5
4 Biện pháp đối.

Lỗi Dương tùng bách – Thu phố ngư long

Bất tri xứ – hữu sở ti

1,0
5 Chủ đề của bài thơ: Sự trân trọng tài năng văn chương bậc thầy và nỗi niềm đồng cảm, day dứt xót thương sâu sắc trước cuộc đời, số phận tha hương, khổ đau, khốn cùng của nhà thơ Đỗ Phủ. 1,0
6 Nội dung chính hai câu đề:

– Khẳng định giá trị bất hủ của các sáng tác văn chương mà Đỗ Phủ để lại.

– Sự trân trọng, ngưỡng mộ của tác giả dành cho tài năng nhà thơ Đỗ Phủ.

1,0
7 Tình cảm, cảm xúc:

– Cảm thông với nỗi đau đớn xót xa của Nguyễn Du dành cho cuộc đời khốn cùng của thi nhân Đỗ Phủ.

– Cảm thông với nỗi ai oán bất lực trước cái án “tài mệnh tương đố”, “thơ tuyệt bút – người cùng khổ” mà Đỗ Phủ và bao kiếp tài hoa khác phải nếm trải.

1,0
8 – Điểm giống: Cùng viết về một người Trung Quốc thời quá khứ.

– Điểm khác:

+ Bài thơ của Nguyễn Du thể hiện thái độ ngưỡng mộ, trân trọng dành cho bậc “thi thánh” Đỗ Phủ.

+ Bài thơ của Hồ Xuân Hương thể hiện thái độ chế giễu, mỉa mai với một tướng bại trận khi xâm lược Việt Nam.

0,5

 

LÀM VĂN

(Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây, yêu cầu hướng dẫn chi tiết)

Mở bài:

– Giới thiệu chung về bài thơ:   Tháng 2 năm 1813, Nguyễn Du được vua Gia Long cử làm Chánh sứ của đoàn sứ “tuế cống” nhà Thanh. Trong chuyến đi này, khi được qua Lỗi Dương, ông đã đến thăm mộ Đỗ Phủ. Bài thơ thuộc tập Bắc hành tạp lục.

– Xác định vấn đề sẽ được tập trung bàn luận trong bài viết: Bài thơ ghi lại những cảm xúc, suy ngẫm của ông khi có dịp đi qua quê hương của những nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc.

Thân bài:

* Nhan đề

Nhan đề có hai tên riêng. Tên riêng thứ nhất là Lỗi Dương. Đây là  một huyện ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, nơi từng chôn cất Đỗ Phủ trong khoảng bốn mươi năm. Tên riêng thứ hai là Đỗ Thiếu Lăng. Tức Đỗ Phủ (712-770), nhà thơ vĩ đại đời Đường. Vì có nhà ở đất Thiếu Lăng phía nam Trường An, tỉnh Thiểm Tây nên có biệt hiệu là Thiếu Lăng. Nhan đề đã nêu ra sự việc chính khơi gợi cảm xúc cho bài thơ, là viếng mộ Đỗ Phủ ở Lỗi Dương.

* Khái quát cấu tứ,  phân tích và đánh giá tình cảm qua từng phần của bài thơ

– Bài thơ có cách cấu tứ theo kiểu đối lập giữa quá khứ và hiện tại, từ những sự kiện liên quan đến Đỗ Phủ ở quá khứ mà suy ngẫm về hiện tại.

– Cách cấu tứ này giúp nhà thơ vừa tái hiện được một số nét chính của cuộc đời Đỗ Phủ ở quá khứ, vừa bộc lộ những suy tư của ông khi đến thăm mộ Đỗ Phủ.

– Phân tích và đánh giá tình cảm qua từng phần của bài thơ:

            Mạch cảm xúc đi từ thể hiện sự ngưỡng mộ trân trọng tài năng, nhân cách Đỗ Phủ, đến suy ngẫm về sự tương đồng giữa Nguyễn Du và Đỗ Phủ, từ cảm khái về người mà suy nghĩ về ta, đó cũng là cách mà Nguyễn Du từ “rót rượu người” mà “rót rượu mình”.

* Hình ảnh, chi tiết

– Hai câu đề khẳng định giá trị bất hủ của các sáng tác văn chương mà Đỗ Phủ để lại “văn chương lưu muôn đời”, “bậc thầy muôn đời”. Đây là sự đánh giá cao nhất của Nguyễn Du dành cho Đỗ Phủ, đồng thời thể hiện sự trân trọng, ngưỡng mộ của tác giả dành cho tài năng nhà thơ Đỗ Phủ. Hai câu thực nhắc đến Lỗi Dương, vùng đất mà Đỗ Phủ đã từng gửi nắm xương tàn sau một cuộc đời đầy oan khổ lưu li.

Lỗi Dương tùng bách bất tri xứ,
Thu phố ngư long hữu sở ti (tư).

(Cây tùng cây bách ở Lỗi Dương, không biết ở nơi nào?
Cá rồng trong bến thu, còn có chỗ để tưởng nhớ)

Câu này Nguyễn Du lấy ý tứ hai câu thơ của Đổ Phủ trong bài Thu hứng  kỳ 4: “Ngư long tịch mịch thu giang lãnh, Cố quốc bình cư hữu sở tư” (Cá rồng vắng vẻ sông thu lạnh, Nước cũ ngày nào cứ tưởng mơ). Ý nói Đỗ Phủ (và cả Nguyễn Du) xa quê hương, đến mùa thu lại nhớ nhà. Nguyễn Du đã đúc hai câu làm một, vừa để nói lên nỗi lòng của Đỗ Phủ ngày xưa, vừa tỏ tấm tình của mình khi đến viếng mộ: Mộ tuy không còn thấy, nhưng vẫn còn có chỗ để gởi lòng kính thương kính mộ là những áng thơ tuyệt tác như câu “Ngư long…

– Ở hai câu luận, vượt qua mọi khoảng cách không gian, thời gian, vượt lên trên sự cách trở âm dương, Nguyễn Du đã đến với Đỗ Phủ không chỉ bằng tấm lòng trắc ẩn mà còn bằng cả niềm trân trọng, sự tri âm. Nhà thơ  cảm thông với nỗi đau đớn xót xa  cho cuộc đời khốn cùng của thi nhân Đỗ Phủ, đồng thời ai oán bất lực trước cái án “tài mệnh tương đố”, “thơ tuyệt bút – người cùng khổ” mà Đỗ Phủ và bao kiếp tài hoa khác phải nếm trải.

Dị đại tương liên không sái lệ,
Nhất cùng chí thử khởi công thi?
(Ở hai thời đại khác nhau, thương nhau, luống lơi lệ
Cùng khổ đến thế há phải bởi tại thơ hay?)

 

– Hai câu kết, Nguyễn Du đối thoại với Đỗ Phủ như một người bạn:

Chứng bệnh lắc đầu ngày trước, bây giờ đã khỏi chưa?
Dưới địa phủ đừng để cho lũ quỷ cười.

Câu thơ thể hiện sự tri âm sâu sắc. Nguyễn Du hiểu thấu cả những bệnh tật của Đỗ Phủ lúc sinh thời. Cuộc đối thoại vượt qua mọi ranh giới. Không còn khoảng cách hàng nghìn năm mà thân thiết, ấm áp như những người bạn cũ hỏi thăm nhau.

 

* Nghệ thuật (Thể thơ, từ ngữ, BPTT…)

Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ thể hiện những đặc trưng cơ bản của thể thất ngôn bát cú Đường luật: theo luật trắc, đảm bảo sự cân xứng hài hoà về thanh bằng, trắc và yêu cầu về đối.  Từ ngữ thơ sâu sắc, đầy triết lí, nghệ thuật đối, câu hỏi tu từ sử dụng hiệu quả; hình ảnh thơ hàm súc, giàu giá trị biểu tượng.

* Đánh giá chung nội dung và nghệ thuật

-Trong lịch sử văn học Trung Quốc, có hai nhà thơ Nguyễn Du kính nể, đồng cảm và yêu thương nhất là Khuất Nguyên và Đỗ Phủ. Kính nể vì tài thơ bậc thầy, đồng cảm vì “có trái tim lớn, đau nỗi đau của những cuộc đời bất hạnh”; yêu thương vì các nhà thơ đó đói khổ, bệnh tật và bị chịu đựng bao nỗi bất hạnh.

– Bài thơ đã thể hiện tấm lòng nhân đạo sâu sắc của Nguyễn Du, cùng trái tim nghệ sĩ đa sầu đa cảm. Nhà thơ nhìn Đỗ Phủ như hiện thân của số phận ngang trái mà kẻ có tài phải nhận. Qua đó bộc lộ tiếng nói xót thương đồng thời là tiếng nói phẫn uất trước chung cục bi đát của những giá trị cao đẹp ở đời:

 

Kết bài: Khẳng định lại sự độc đáo của bài thơ và ý nghĩa cúa nó đối với việc đem lại cách nhìn mới, cách đọc mới cho độc giả.

– Bài thơ góp phần vào mảng đề tài viết về danh nhân của Nguyễn Du.

– Nguyễn Du đã khóc bao lần trước thi phẩm của Đỗ Phủ khi còn ở nước mình, thì trong chuyến đi sứ này, khi được qua Lỗi Dương, ông đồng cảm với nỗi lòng và xót thương Đỗ Phủ nghèo đói, bệnh tật

 

Bài viết tham khảo:

 

Tháng 2 năm 1813, Nguyễn Du được vua Gia Long cử làm Chánh sứ của đoàn sứ “tuế cống” nhà Thanh. Trong chuyến đi này, khi được qua Lỗi Dương, ông đã đến thăm mộ Đỗ Phủ. Bài thơ Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ thuộc tập Bắc hành tạp lục. Bài thơ ghi lại những cảm xúc, suy ngẫm của ông khi có dịp đi qua quê hương của những nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc.

Nhan đề có hai tên riêng. Tên riêng thứ nhất là Lỗi Dương. Đây là  một huyện ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, nơi từng chôn cất Đỗ Phủ trong khoảng bốn mươi năm. Tên riêng thứ hai là Đỗ Thiếu Lăng. Tức Đỗ Phủ (712-770), nhà thơ vĩ đại đời Đường. Vì có nhà ở đất Thiếu Lăng phía nam Trường An, tỉnh Thiểm Tây nên có biệt hiệu là Thiếu Lăng. Nhan đề đã nêu ra sự việc chính khơi gợi cảm xúc cho bài thơ, là viếng mộ Đỗ Phủ ở Lỗi Dương.

Bài thơ có cách cấu tứ theo kiểu đối lập giữa quá khứ và hiện tại, từ những sự kiện liên quan đến Đỗ Phủ ở quá khứ mà suy ngẫm về hiện tại. Cách cấu tứ này giúp nhà thơ vừa tái hiện được một số nét chính của cuộc đời Đỗ Phủ ở quá khứ, vừa bộc lộ những suy tư của ông khi đến thăm mộ Đỗ Phủ.

          Mạch cảm xúc đi từ thể hiện sự ngưỡng mộ trân trọng tài năng, nhân cách Đỗ Phủ, đến suy ngẫm về sự tương đồng giữa Nguyễn Du và Đỗ Phủ, từ cảm khái về người mà suy nghĩ về ta, đó cũng là cách mà Nguyễn Du từ “rót rượu người” mà “rót rượu mình”.

Hai câu đề khẳng định giá trị bất hủ của các sáng tác văn chương mà Đỗ Phủ để lại “văn chương lưu muôn đời”, “bậc thầy muôn đời”. Đây là sự đánh giá cao nhất của Nguyễn Du dành cho Đỗ Phủ, đồng thời thể hiện sự trân trọng, ngưỡng mộ của tác giả dành cho tài năng nhà thơ Đỗ Phủ. Hai câu thực nhắc đến Lỗi Dương, vùng đất mà Đỗ Phủ đã từng gửi nắm xương tàn sau một cuộc đời đầy oan khổ lưu li.

Lỗi Dương tùng bách bất tri xứ,
Thu phố ngư long hữu sở ti (tư).

(Cây tùng cây bách ở Lỗi Dương, không biết ở nơi nào?
Cá rồng trong bến thu, còn có chỗ để tưởng nhớ)

Câu này Nguyễn Du lấy ý tứ hai câu thơ của Đổ Phủ trong bài Thu hứng  kỳ 4: “Ngư long tịch mịch thu giang lãnh, Cố quốc bình cư hữu sở tư” (Cá rồng vắng vẻ sông thu lạnh, Nước cũ ngày nào cứ tưởng mơ). Ý nói Đỗ Phủ (và cả Nguyễn Du) xa quê hương, đến mùa thu lại nhớ nhà. Nguyễn Du đã đúc hai câu làm một, vừa để nói lên nỗi lòng của Đỗ Phủ ngày xưa, vừa tỏ tấm tình của mình khi đến viếng mộ: Mộ tuy không còn thấy, nhưng vẫn còn có chỗ để gởi lòng kính thương kính mộ là những áng thơ tuyệt tác như câu “Ngư long…

Ở hai câu luận, vượt qua mọi khoảng cách không gian, thời gian, vượt lên trên sự cách trở âm dương, Nguyễn Du đã đến với Đỗ Phủ không chỉ bằng tấm lòng trắc ẩn mà còn bằng cả niềm trân trọng, sự tri âm. Nhà thơ  cảm thông với nỗi đau đớn xót xa  cho cuộc đời khốn cùng của thi nhân Đỗ Phủ, đồng thời ai oán bất lực trước cái án “tài mệnh tương đố”, “thơ tuyệt bút – người cùng khổ” mà Đỗ Phủ và bao kiếp tài hoa khác phải nếm trải.

Dị đại tương liên không sái lệ,
Nhất cùng chí thử khởi công thi?
(Ở hai thời đại khác nhau, thương nhau, luống lơi lệ
Cùng khổ đến thế há phải bởi tại thơ hay?)

 

Hai câu kết, Nguyễn Du đối thoại với Đỗ Phủ như một người bạn:

Chứng bệnh lắc đầu ngày trước, bây giờ đã khỏi chưa?
Dưới địa phủ đừng để cho lũ quỷ cười.

Câu thơ thể hiện sự tri âm sâu sắc. Nguyễn Du hiểu thấu cả những bệnh tật của Đỗ Phủ lúc sinh thời. Cuộc đối thoại vượt qua mọi ranh giới. Không còn khoảng cách hàng nghìn năm mà thân thiết, ấm áp như những người bạn cũ hỏi thăm nhau.

Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ thể hiện những đặc trưng cơ bản của thể thất ngôn bát cú Đường luật: theo luật trắc, đảm bảo sự cân xứng hài hoà về thanh bằng, trắc và yêu cầu về đối.  Từ ngữ thơ sâu sắc, đầy triết lí, nghệ thuật đối, câu hỏi tu từ sử dụng hiệu quả; hình ảnh thơ hàm súc, giàu giá trị biểu tượng.

 Trong lịch sử văn học Trung Quốc, có hai nhà thơ Nguyễn Du kính nể, đồng cảm và yêu thương nhất là Khuất Nguyên và Đỗ Phủ. Kính nể vì tài thơ bậc thầy, đồng cảm vì “có trái tim lớn, đau nỗi đau của những cuộc đời bất hạnh”; yêu thương vì các nhà thơ đó đói khổ, bệnh tật và bị chịu đựng bao nỗi bất hạnh. Bài thơ đã thể hiện tấm lòng nhân đạo sâu sắc của Nguyễn Du, cùng trái tim nghệ sĩ đa sầu đa cảm. Nhà thơ nhìn Đỗ Phủ như hiện thân của số phận ngang trái mà kẻ có tài phải nhận. Qua đó bộc lộ tiếng nói xót thương đồng thời là tiếng nói phẫn uất trước chung cục bi đát của những giá trị cao đẹp ở đời.

 

Một đề tài hết sức quan trọng trong “Bắc hành tạp lục” là viết về những danh nhân, những nhân vật và địa danh lịch sử. Nguyễn Du đã khóc bao lần trước thi phẩm của Đỗ Phủ khi còn ở nước mình, thì trong chuyến đi sứ này, khi được qua Lỗi Dương, ông đồng cảm với nỗi lòng và xót thương Đỗ Phủ nghèo đói, bệnh tật. Bài thơ góp phần thể hiện cái nhìn và tấm lòng của Nguyễn Du với một nhà thơ mà ông cảm phục.

 

[1]  Đỗ Thiếu Lăng: Tức Đỗ Phủ (712-770), nhà thơ vĩ đại đời Đường. Vì có nhà ở đất Thiếu Lăng 少陵, phía nam Trường An 長安, tỉnh Thiểm Tây 陝西 nên có biệt hiệu là Thiếu Lăng.

[2] . Ở tỉnh Hồ Nam. Năm Đại Lịch thứ 6 (771) đời vua Đường Đại Tôn 唐文宗, Đỗ Phủ ở Hồ Nam lưu lạc đến Hồ Bắc. Một hôm đến huyện Lỗi Dương lên núi yết Nhạc miếu, bị nước lụt dâng ngót 10 hôm không trở về được. Quan huyện Lỗi Dương nghe tin bèn thân hành đưa thuyền đến đón. Về đến huyện, Đỗ uống rượu say rồi mất. Gia đình nghèo không đưa hài cốt về quê được phải táng ở Lỗi Dương. Bốn mươi năm sau (813) cháu là Đỗ Tự Nghiệp mới dời di hài về chôn gần mả tổ tại núi Thú Dương, tỉnh Hà Nam. Nguyễn Du sang sứ Trung Quốc năm 1813, tức là một nghìn năm sau khi mả của Đỗ Phủ đã dời về núi Thú Dương. Cho nên không còn ai biết nền cũ nằm ở chỗ nào.

[3] Câu này Nguyễn Du lấy ý tứ hai câu thơ của Đổ Phủ trong bài Thu hứng 秋興 kỳ 4: “Ngư long tịch mịch thu giang lãnh, Cố quốc bình cư hữu sở tư” 魚龍寂寞秋江冷,故國平居有所思 (Cá rồng vắng vẻ sông thu lạnh, Nước cũ ngày nào cứ tưởng mơ). Ý nói Đỗ Phủ (và cả Nguyễn Du) xa quê hương, đến mùa thu lại nhớ nhà. Nguyễn Du đã đúc hai câu làm một, vừa để nói lên nỗi lòng của Đỗ Phủ ngày xưa, vừa tỏ tấm tình của mình khi đến viếng mộ: Mộ tuy không còn thấy, nhưng vẫn còn có chỗ để gởi lòng kính thương kính mộ là những áng thơ tuyệt tác như câu “Ngư long…“

[4] Tiểu sử kể rằng về già Đỗ Phủ mắc nhiều bệnh lại điếc, nói chuyện với ai phải viết ra giấy, cánh tay phải tê liệt, lúc viết thư thì con viết thay. Chứng lắc đầu có thể là triệu chứng của một bệnh thần kinh nào đó của Đỗ Phủ được nhà thơ đề cập đến trong thơ văn (?).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *