Đề đọc hiểu và nghị luận về thơ văn Nguyễn Du, Khổng tước vũ

THƠ VĂN NGUYỄN DU

Đề bài

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

Khổng tước vũ

Nguyễn Du

Khổng tước phủ hoài độc,
Ngộ phục bất khả y.
Ngoại lộ văn chương thể,
Trung tàng sát phạt ky.
Nhân khoa dung chỉ thiện,
Ngã tích vũ mao kỳ.
Hạc hải diệc hội vũ,
Bất dữ thế nhân tri.

(Kiều Văn, Thanh Hiên thi tập, NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2001, tr. 139)

Dịch nghĩa

  Tạng phủ chim công có chất độc,
Lỡ ăn nhầm, không có thuốc chữa.
Bề ngoài có vẻ tốt đẹp,
Nhưng bên trong giấu chất giết người.
Người ta khen bộ nó đẹp,
Ta thì tiếc cho bộ lông kỳ lạ của nó.
Con hạc biển cũng biết múa,
Nhưng chẳng để ai thấy.

Dịch thơ:

Không thuốc nào chữa được,
Khi ngộ độc gan công.
Vẻ đẹp lộ ngoài mã,
Chất độc giấu trong lòng.
Người thường khen cái dáng,
Ta chỉ tiếc bộ lông.
Hạc bể cũng biết múa,
Không cho người đời trông.

(Bản dịch của Nguyễn Thạch Giang)

Trả lời các câu hỏi sau:

Câu 1: Xác định đề tài của bài thơ?

Câu 2: Bài thơ được viết theo thể thơ gì?

Câu 3: Xét theo vị trí hiệp vần trong bản chữ Hán, bài thơ được gieo vần gì?

Câu 4: Theo bài thơ, bộ phận nào của chim công có chất độc?

Câu 5: Chỉ ra phép đối trong câu 3 và 4 của bài thơ.

Câu 6: Anh/ chị hiểu như thế nào về câu thơ: Hạc hải diệc hội vũ/ Bất dữ thế nhân tri.(Con hạc biển cũng biết múa/ Nhưng chẳng để ai thấy)?

Câu 7: Qua hai câu thơ dịch:Vẻ đẹp lộ ngoài mã/Chất độc giấu trong lòng” anh/ chị liên tưởng đến kiểu người nào trong xã hội?

Câu 8: Theo anh/chị, thông điệp nhà thơ Nguyễn Du muốn gửi gắm qua bài thơ là gì?

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) phân tích nội dung và nghệ thuật của tác phẩm trên

Hướng dẫn đáp án chi tiết  

ĐỌC – HIỂU

Câu 1: Đề tài loài vật

Câu 2: Bài thơ được viết theo thể thơ: Ngũ ngôn Đường luật

Câu 3: Xét theo vị trí hiệp vần trong bản chữ Hán, bài thơ được gieo vần “i/y”, vần chân, vần giãn cách

Câu 4: Theo bài thơ, bộ phận của chim công có chất độc: phủ/ tạng phủ/ gan công

Câu 5: Phép đối trong câu 3 và 4 của bài thơ: Ngoại lộ – Trung tàng/ văn chương thể – sát phạt ky hoặc: Bề ngoài – bên trong; có vẻ tốt đẹp – giấu chất giết người; hoặc: ngoài mã – trong lòng, vẻ đẹp lộ – chất độc giấu)

Câu 6: Câu thơ: Hạc hải diệc hội vũ/Bất dữ thế nhân tri.(Con hạc biển cũng biết múa/ Nhưng chẳng để ai thấy) là nói về con hạc cũng biết múa như công nhưng nó không khoe khoang mà  lặng lẽ, khiêm nhu, thanh cao, thoát tục. Tác giả ngầm khen vẻ đẹp toàn diện của con hạc.

Câu 7: Qua hai câu thơ dịch: “Vẻ đẹp lộ ngoài mã/Chất độc giấu trong lòng” khiến tôi liên tưởng đến kiểu người thể hiện lời lẽ khoa trương, ồn ào, lộng lẫy nhằm giấu đi mưu mô, thủ đoạn hay những xảo trá, lừa dối, dung tục tầm thường

Câu 8:

Học sinh có thể nhận ra nhiều thông điệp khác nhau. Gợi ý:

– Cách nhìn người phải nhìn vào bản chất

– Sống không nên có tâm địa sấu xa

– Vẻ đẹp cần tương hợp giữa hình thức và nội dung…

LÀM VĂN

  1. Mở bài:

– Bài thơ: “Khổng tước vũ” là bài thơ chữ Hán trong “Thanh Hiên thi tập” của Nguyễn Du

– Bài thơ nói về đặc điểm của loài công, qua đó ngầm so sánh với hạc. Từ đó giúp người đọc nhận ra một triết lý nhân sinh.

  1. Thân bài:

* Nhan đề

– Đề tài về quen thuộc: loài vật.

– Nhan đề “Khổng tước vũ” nói về điệu múa mê người của chim công, điều này mang đến nhiều dự cảm và khơi gợi nhiều rung cảm thẩm mĩ nơi người đọc.

* Khái quát cấu tứ,  phân tích và đánh giá tình cảm qua từng phần của bài thơ

– Cấu tứ bài thơ chính là cánh cửa đưa ta đến với thế giới thơ.

– Nhà thơ mở đầu ý thơ bằng việc nói về tạng phủ con công rất độc trong khi bộ lông bên ngoài rất đẹp. Từ đó, nhà thơ khéo léo so sánh qua hình ảnh con hạc bể cũng biết múa nhưng không nhằm mục đích khoe mẽ như con công.

– Vẻ đẹp của con công gợi người đọc nghĩ đến kiểu người: “Khẩu phật tâm xà” rất đáng sợ không như vẻ đẹp của sự khiêm nhu, cống hiến lặng thầm của con hạc bể.

* Hình ảnh, chi tiết

– Trước hết, 4 câu thơ đầu nói về đặc điểm của con công:

Không thuốc nào chữa được,

Khi ngộ độc gan công.

Vẻ đẹp lộ ngoài mã,

Chất độc giấu trong lòng.

+ Đặc điểm của những loài khổng tước với vẻ ngoài rực rỡ, tốt đẹp nhưng ẩn chứa chất độc khủng khiếp bên trong.

+ Nguyễn Du ngầm ám chỉ một kiểu người, một lớp người trong xã hộ thời bấy giờ.

+ Thể thơ ngũ ngôn Đường luật, nhịp thơ 2/3, cách gieo vần chân gián cách

èTính triết lý ở đây là ở chỗ Nguyễn Du không miêu tả sự đối lập giữa người xấu và người tốt mà tác giả đang miêu tả cùng một con người với hai bộ mặt khác nhau. Một bộ mặt tốt lành đẹp đẽ nhưng đầy giả tạo được phủ ở bên ngoài để che đậy tâm địa xấu xa, độc ác, nham hiểm đầy thủ đoạn ở bên trong. Kiểu người này thật đáng sợ và đáng lên án.

– Bên cạnh miêu tả đặc điểm của con công, Nguyễn Du còn trực tiêp bộc lộ thái độ, tình cảm của mình qua 4 câu thơ tiếp theo:

Người thường khen cái dáng,
Ta chỉ tiếc bộ lông.
Hạc bể cũng biết múa,
Không cho người đời trông.

+ Phép đối lập giữa thái độ của người và ta

+ Ông so sánh chim công với một loài vật khác là con hạc. Chim hạc cũng biết múa như công nhưng việc múa của chim hạc không phải để phô diễn, không phải để khoe dáng, không phải để gây chú ý và thu hút người khác. Nó múa lặng lẽ và khiêm nhu.

è Công và hạc gợi cho người đọc hình dung ra hai kiểu người tồn tại trong xã hội trong triết lý của Nguyễn Du. Đó là những con người phản diện thể hiện lời lẽ khoa trương, ồn ào, lộng lẫy nhằm giấu đi mưu mô, thủ đoạn hay những xảo trá, lừa dối, dung tục tầm thường và kiểu người chính diện thể hiện sự phong nhã, thanh cao, thuần khiết và oai phong lẫm liệt

* Nghệ thuật

– Thể thơ lục ngôn Đường luật, với cách ngắt nhịp 2/3, gieo vần chân gián cách,

– Hình ảnh ước lệ tượng trưng, từ ngữ giàu sắc thái biểu cảm.

– Tính quy phạm qua phép đối đúng luật của thể thơ Đường giữa các câu 3-4, 5-6;

* Đánh giá chung nội dung và nghệ thuật

– Bài thơ rất thành công cả về nội dung và nghệ thuật

– Các loài con giữ vai trò quan trọng trong cảm hứng nghệ thuật của Nguyễn Du.

– Nguyễn Du thường dùng hình ảnh động vật với cảm hứng triết lý để ẩn dụ cho một minh triết nào đó.

  1. Kết bài: Khẳng định lại sự độc đáo của bài thơ và ý nghĩa cúa nó đối với việc đem lại cách nhìn mới, cách đọc mới cho độc giả.

– Bài thơ Khổng tước vũ  mang đến những thông điệp sâu sắc về con người, về cách nhìn người

– Bài thơ thể hiện đặc điểm của thiên tài văn học Nguyễn Du

 

Bài viết tham khảo:

 

Mỗi câu thơ là một lần lặn vào trang giấy

  Lặn vào cuộc đời

  Rồi lại ngoi lên”.

(Chế Lan Viên)

Nhà văn muốn phản ánh hiện thực một cách sâu sắc thì phải “lặn vào” hiện thực, phải trải nghiệm thì mới có vốn sống, mới hiểu sâu. Nhận định trên như đánh giá sự hình thành  sự sáng tạo của người nghệ sĩ trong sáng tác văn học. Điều này được thể hiện rất rõ trong bài thơ: “Khổng tước vũ” được in trong tập thơ chữ Hán “Thanh Hiên thi tập” của đại thi hào văn học Nguyễn Du. Bài thơ thể hiện một triết lý nhân sinh về tính tương hợp giữa hình thức và nội dung, giữa vỏ bọc và bản chất của con người cũng như sự vật.

Nguyễn Du là thiên tài văn học, là danh nhân văn hóa thế giới. Khi viết về một đề tài vô cùng quen thuộc của văn chương – đề tài về loài vật, nhà thơ Nguyễn Du đã đem đến một góc nhìn mới mẻ hơn, toàn diện hơn về một đề tài vốn dĩ khác quen thuộc trong văn học Trung đại. Nhan đề “Khổng tước vũ” nói về điệu múa mê người của chim công, điều này mang đến nhiều dự cảm và khơi gợi nhiều rung cảm thẩm mĩ nơi người đọc.

Thơ luôn ấn tượng với người đọc bởi cấu tứ. Cấu tứ bài thơ chính là cánh cửa đưa ta đến với thế giới thơ. Cấu tứ tác phẩm văn học đóng một vai trò rất quan trọng bởi đó là con đường dẫn đến nội dung tư tưởng, ý nghĩa và thông điệp mà tác giả gửi gắm. Cấu tứ góp phần làm cho tác phẩm gói trọn vẹn nội dung và nghệ thuật, làm cho tác phẩm hấp dẫn hơn, ý nghĩa hơn. Nhà thơ mở đầu ý thơ bằng việc nói về tạng phủ con công rất độc trong khi bộ lông bên ngoài rất đẹp. Từ đó, nhà thơ khéo léo so sánh qua hình ảnh con hạc bể cũng biết múa nhưng không nhằm mục đích khoe mẽ như con công. Vẻ đẹp của con công gợi người đọc nghĩ đến kiểu người: “Khẩu phật tâm xà” rất đáng sợ không như vẻ đẹp của sự khiêm nhu, cống hiến lặng thầm của con hạc bể.

Trước hết, 4 câu thơ đầu nói về đặc điểm của con công:

Không thuốc nào chữa được,

Khi ngộ độc gan công.

Vẻ đẹp lộ ngoài mã,

Chất độc giấu trong lòng.

Chỉ với 4 dòng thơ ngắn gọn, Nguyễn Du đã khắc họa một cách cụ thể, sinh động đặc điểm của những loài “khổng tước” với vẻ ngoài rực rỡ, tốt đẹp nhưng ẩn chứa chất độc khủng khiếp bên trong.Có lẽ trong chúng ta ai cũng từng trầm trồ trước  bộ lông đầy màu sắc của loài công nhưng không phải ai cũng biết đằng sau bộ lông ấy là sự kịch độc trong phủ tạng của nó. Sự đối lập giữa bề ngoài tuyệt đẹp và bên trong cực độc khiến người đọc cảm thấy sợ hãi. Hình như Nguyễn Du ngầm ám chỉ một kiểu người, một lớp người trong xã hội thời bấy giờ. Kiểu người đó xuất hiện cùng những rối ren, mục nát bên trong chính quyền phong kiến. Đó chính là kiều vua quan phụ mẫu áo mũ xênh xang nhưng bản chất vô nhân như chất độc trong lục phủ ngũ tạng của con công được ẩn giấu sau lớp vỏ đẹp đẽ của quyền tước, của danh vọng.

Với thể thơ ngũ ngôn Đường luật, nhịp thơ 2/3, cách gieo vần chân gián cách, tất  cả đã góp phần diễn tả cảm xúc tự nhiên của tác giả. Không những thế, tác giả còn sử dụng thành công phép đối giữa vẻ đẹp bên ngoài và chất độc bên trong để người đọc dễ hình dung ra bản chất của vấn đề. Tính triết lý ở đây là ở chỗ Nguyễn Du không miêu tả sự đối lập giữa người xấu và người tốt mà tác giả đang miêu tả cùng một con người với hai bộ mặt khác nhau. Một bộ mặt tốt lành đẹp đẽ nhưng đầy giả tạo được phủ ở bên ngoài để che đậy tâm địa xấu xa, độc ác, nham hiểm đầy thủ đoạn ở bên trong. Kiểu người này thật đáng sợ và đáng lên án.

Bên cạnh miêu tả đặc điểm của con công, Nguyễn Du còn trực tiêp bộc lộ thái độ, tình cảm của mình qua 4 câu thơ tiếp theo:

Người thường khen cái dáng,
Ta chỉ tiếc bộ lông.
Hạc bể cũng biết múa,
Không cho người đời trông.

Phép đối lập giữa thái độ của người và ta: Người đời khen bộ lông nó đẹp còn Nguyễn Du lại tiếc cho bộ lông kì lạ đó. Người đời khen bộ lông đẹp vì người đời không hiểu rõ bản chất chứa đầy chất độc ở bên trong. Người đời quan sát bên ngoài một cách nông cạn, hời hợt nên không nhận thấy những nguy cơ tiềm ẩn đằng sau bộ lông tuyệt đẹp đó. Còn ta- Nguyễn Du, không chỉ nhìn bằng con mắt của thực thể mà ông đang nhìn những điều trông thấy bằng con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời”, đó là cách nhìn có tầm bao quát rộng lớn, mang tầm tư tưởng triết học. Ông so sánh chim công với một loài vật khác là con hạc. Chim hạc cũng biết múa như công nhưng việc múa của chim hạc không phải để phô diễn, không phải để khoe dáng, không phải để gây chú ý và thu hút người khác. Nó múa lặng lẽ và khiêm nhu. Trong văn hóa phương Đông, hình tượng loài chim hạc  mang nhiều ý nghĩa biểu tượng thanh cao. Hạc là con vật tượng trưng cho sự tinh tuý, thanh tịnh, thần tiên thoát tục. Nguyễn Du đã chỉ ra sự khác biệt giữa mục đích múa của công và hạc. Cả hai đều giống nhau ở việc biết múa và múa rất đẹp nhưng nếu như công múa để khoe, để thu hút người khác, để giấu đi chất độc giết người ở bên trong thì hạc lại múa không phải để ai xem, nó đầy thanh cao và thuần khiết. Công và hạc gợi cho người đọc hình dung ra hai kiểu người tồn tại trong xã hội trong triết lý của Nguyễn Du. Đó là những con người phản diện thể hiện lời lẽ khoa trương, ồn ào, lộng lẫy nhằm giấu đi mưu mô, thủ đoạn hay những xảo trá, lừa dối, dung tục tầm thường và kiểu người chính diện thể hiện sự phong nhã, thanh cao, thuần khiết và oai phong lẫm liệt

Để xây dựng thành công vẻ đẹp của bài thơ, tác giả đã sử dụng thể thơ ngũ ngôn Đường luật, với cách ngắt nhịp 2/3, gieo vần chân gián cách, hình ảnh tượng trưng, từ ngữ giàu sắc thái biểu cảm. Mặt khác, bài thơ còn thể hiện tính quy phạm qua phép đối đúng luật của thể thơ Đường giữa các câu 3-4, 5-6; cùng  sự kết hợp giữa miêu tả hiện thực qua đó ẩn chứa một triết lý nhân sinh cũng làm nên nét độc đáo của bài thơ.

Như vậy, cũng như các loài cây, các loài vậy cũng giữ vai trò quan trọng trong cảm hứng nghệ thuật của Nguyễn Du. Đọc thơ ông, không khó để nhận ra sự phong phú của thế giới loài vật gắn liền với sự đa dạng trong cảm hứng nghệ thuật của thi nhân. Trong thơ, Nguyễn Du thường dùng hình ảnh động vật với cảm hứng triết lý để ẩn dụ cho một minh triết nào đó. Và điều này đã được thể hiện rõ ở bài “Khổng tước vũ”. Qua việc mượn hình ảnh đối lập vỏ bọc bên ngoài và bản chất bên trong giữa chim công và hạc biển, nhà thơ nêu lên triết lý về sự không tương hợp giữa hình thức bên ngoài và bản chất bên trong, về sự phô trương và giấu mình, về cách nhìn nhận của người đời và thái độ của chính tác giả

Mỗi tác phẩm văn chương đều là kết quả của cuộc hành trình khám phá đời sống của mỗi người nghệ sĩ.  Bài thơ “Khổng tước vũ”  từ việc miêu tả loài vật đã thể hiện được những những cảm nhận tinh tế của nhà thơ trong cuộc sống gắn bó, hòa hợp với tự nhiên. Bài thơ cũng mang đến những triết lý sâu sắc về sự tương quan giữa hình thức bên ngoài và bản chất bên trong. Triết lý này càng đặc biệt có ý nghĩa với con người trong xã hội ngày nay. Rõ ràng cái nhìn của Nguyễn Du không chỉ gói gọn trong một không gian, một thời gian cụ thể mà là tầm nhìn của: “con mắt trông thấu cả 6 cõi, tấm lòng nhìn suốt cả nghìn đời” (Mộng Liên Đường chủ nhân).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *