Đề đọc hiểu và nghị luận về thơ văn Nguyễn Du, Đêm xuân

THƠ VĂN NGUYỄN DU

Đề bài

 ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

Phiên âm:

XUÂN DẠ

Hắc dạ thiều quang hà xứ tầm?

Tiểu song khai xứ liễu âm âm.

Giang hồ bệnh đáo kinh thì cửu,

Phong vũ xuân tuỳ nhất dạ thâm.

Kỳ lữ đa niên đăng hạ lệ,

Gia hương thiên lý nguyệt trung tâm.

Nam Đài thôn ngoại Long giang thuỷ,

Nhất phiến hàn thanh tống cổ câm (kinh).

Dịch nghĩa:

ĐÊM XUÂN

Trời tối đen, tìm đâu thấy cảnh xuân tươi sáng.

Qua khuôn cửa sổ nhỏ, chỉ thấy bóng liễu âm u.

Trong bước giang hồ, lại phải nằm bệnh lâu ngày,

Cuộc đời có khác gì vẻ xuân theo mưa gió chìm trong bóng đêm.

Ở đất khách lâu năm, ngồi dưới bóng đèn mà rơi lệ.

Quê hương xa nghìn dặm, bóng trăng vẫn ở trong lòng.

Ở quê, phía ngoài thôn Nam Đài,

Tiếng sóng dòng sông Long Giang vẫn lạnh lùng tiễn đưa kim cổ.

 (Theo bản phiên âm và dịch nghĩa của Nguyễn Thạch Giang và Trương Chính)

Dịch thơ:

 ĐÊM XUÂN

        Đêm đen nào thấy ánh xuân
Trước song, bóng liễu âm âm một vùng
       Giang hồ, bệnh tật hãi hùng
Xuân mang mưa gió về cùng đêm sâu
        Dưới đèn lữ khách rơi châu
Trăng quê ngàn dặm nhói đau lòng này
       Long Giang bên xóm Nam Đài
Tiếng con sóng lạnh tiễn hoài cổ kim.

* Chú thích :
– Thiều Quang: là Ánh sáng tốt đẹp của mùa xuân, của tuổi trẻ. Như cụ Nguyễn Du cũng đã viết trong Truyện Kiều:”Thiều Quang chín chục đã ngoài sáu mươi”.
– Liễu Âm Âm: Liễu nằm im lìm rũ bóng trong đêm.
– Ký Lữ: Gởi thân nơi đất khách.
– Nam Đài: Tên xóm nhà nơi Nguyễn Du ở trọ.
– Long Giang:

Còn gọi là Thanh Long giang, tức Sông Lam.

Trả lời các câu hỏi sau

Câu 1: Xác định thể thơ của văn bản.

Câu 2: Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.

Câu 3: Cảnh đêm mùa xuân và con người trong bài thơ được thể hiện bằng những từ ngữ, hình ảnh nào?

Câu 4: Anh/chị hiểu như thế nào về 2 câu thơ :

Kỳ lữ đa niên đăng hạ lệ,

                  Gia hương thiên lý nguyệt trung tâm.

Câu 5: Nhận xét về tâm trạng nhân vật trữ tình trong đêm mùa xuân.

Câu 6: Cho biết cấu tứ của bài thơ trên.

Câu 7: Kể tên 1 số bài thơ viết về mùa xuân mà em biết.

Câu 8: Viết 1 đoạn văn khoảng 7 – 10 dòng với chủ đề “Quê hương trong lòng em”.

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) phân tích nội dung và nghệ thuật của tác phẩm trên

Hướng dẫn đáp án chi tiết

 

ĐỌC – HIỂU

Câu 1: Xác định thể thơ: thất ngôn bát cú Đường luật (0,5đ)

Câu 2: Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm(0,5đ)

Câu 3: Cảnh đêm mùa xuân và con người trong bài thơ được thể hiện bằng những từ ngữ, hình ảnh: cảnh đêm đen, liễu âm u, mưa gió; con người thì bệnh tật, khóc, xa quê, nhớ ánh trăng quê, nhớ sông quê.(0,5đ)

Câu 4: Hiểu về 2 câu luận: Trong đêm xuân nơi đất khách, thi nhân ngồi dưới bóng đèn khuya mà rơi lệ. Dù cách xa nghìn dặm nhưng bóng trăng quê vẫn luôn ở trong lòng thi nhân -> Nỗi buồn, nỗi nhớ nhà, nhớ quê khắc khoải, da diết không nguôi trong lòng thi nhân.(1,0đ)

Câu 5: Tâm trạng nhân vật trữ tình trong đêm mùa xuân ntn? Nỗi buồn,  nỗi xót xa thân mình đau yếu và cảnh sống nhờ ở tạm trong nghèo túng thiếu thốn, nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương tha thiết. (1,0đ)

Câu 6: Cấu tứ của bài thơ: cảnh và tình (cảnh đêm xuân buồn trên quê người, và tâm sự của nhân vật trữ tình). (1,0đ)

Câu 7: Kể tên 1 số bài thơ viết về mùa xuân mà em biết: Mùa xuân nho nhỏ (Thanh Hải), Mùa xuân chín (Hàn Mặc Tử), Xuân về (Nguyễn Bính)… (0,5đ)

Câu 8: Viết 1 đoạn văn khoảng 7 – 10 dòng với chủ đề: Quê hương trong lòng em (1,0đ)

HS có thể trển khai theo nhiều cách, nhưng cần đảm bảo các ý sau:

– Hình ảnh quê hương trong tâm trí của mỗi người có thể khác nhau.

– Riêng với em, quê hương là chốn bình yên, nơi em được tự do vui chơi và nô đùa, đi thả diều trên triền đê và thưởng thức những trái cây chín mọng trong vườn của ông bà…

– Quê hương mang ý nghĩa quan trọng đối với mỗi chúng ta vì đó là nơi chôn rau cắt rốn, có tổ tiên, ông bà, họ hàng để nhắc nhở ta nhớ về cội nguồn của chính mình.

– Để quê hương ngày càng đẹp hơn, em có thể đóng góp và xây dựng bằng nhiều cách khác nhau như giữ gìn vệ sinh, không đổ rác bừa bãi, trồng thêm cây xanh, tôn tạo các công trình văn hoá như đền chùa, di tích lịch sử. Bên cạnh đó, em cũng cần phấn đấu học thật giỏi và sau này quay về xây dựng, phát triển kinh tế để quê hương ngày càng giàu đẹp.

 

LÀM VĂN

  1. Mở bài: (0,25đ)

– Giới thiệu chung về bài thơ: bài thơ hay, viết khi ông sống ở quê vợ (đất Thái Bình)

– Xác định vấn đề sẽ được tập trung bàn luận trong bài viết: nội dung và nghệ thuật của bài thơ “Xuân dạ”

  1. Thân bài:

* Nhan đề (0,25đ)

– Đề tài mùa xuân: đề tài lớn, quen thuộc trong thơ ca trung đại, gắn với nhiều tác giả tác phẩm tiêu biểu (đưa dẫn chứng)

– “Xuân dạ”  (đêm xuân) lại hé lộ thêm những mảng màu tối trong cuộc đời “thập tải phong trần” của thi nhân.

* Khái quát cấu tứ,  phân tích và đánh giá tình cảm qua từng phần của bài thơ (1,5đ)

– Cấu tứ: là mối quan hệ giữa cảnh và tình. Cảnh đêm xuân buồn trên quê người và tâm sự của nhân vật trữ tình.

– Phân tích, đánh giá:

+ 4 câu đầu nói chuyện đêm xuân buồn trên quê người: Đêm xuân tối tăm từ bóng đêm đen đến bóng liễu âm u, chỉ thấy mưa gió ập tới, chỉ giao tiếp với thế giới bên ngoài qua khung cửa nhỏ. Thân sống nhờ ở quê vợ, lại đang mang bệnh lâu ngày, Nguyễn Du tự ví “Cuộc đời có khác gì vẻ Xuân theo mưa gió chìm trong bóng đêm”-> “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”

+ 4 câu tiếp theo nói về nỗi nhớ quê: Trong cái khoảnh khắc cô tịch của đêm xuân thi nhân trực diện với nỗi niềm li hương lưu lạc mà rơi lệ dưới ánh đèn. Tâm tình gửi gắm cả vào ánh trăng cố li “Quê hương xa nghìn dặm, nhìn trăng mà đau lòng”. Tiếng sóng quê vẫn luôn âm ba trong tâm tư người xa xứ như một tiếng vọng khắc khoải mong về, thế nhưng giờ đây, con người xa quê vẫn đếm từng nhịp thời gian trôi nơi xứ người “Vẫn lạnh lùng tiễn đưa kim cổ”.

Liên hệ so sánh với: Tĩnh dạ tứ (Lý Bạch), Xuân tha hương (Nguyễn Bính)

* Nghệ thuật (Thể thơ, từ ngữ, BPTT…):(1,0đ)

– Thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật

– Ngôn từ quen thuộc, giản dị, hàm súc…

– Biện pháp tu từ: đối, ẩn dụ…

– Ngắt nhịp 4/3

– Giọng thơ trầm buồn da diết

– Bút pháp tả cảnh ngụ tình

* Đánh giá chung nội dung và nghệ thuật (0,5đ)

Nguyễn Du cô đúc lại trong 8 câu, mà người đọc hiểu khá tường tận nỗi lòng tác giả. “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”

  1. Kết bài: Khẳng định lại sự độc đáo của bài thơ và ý nghĩa cúa nó đối với việc đem lại cách nhìn mới, cách đọc mới cho độc giả.

Nguyễn Du thân già trước tuổi, mái đầu bạc sớm, nỗi buồn thường trực trong lòng. Mùa xuân làm cho ông buồn hơn, nhớ nhà nhiều hơn nên thơ ông cũng buồn hơn. Đó cũng là sự độc đáo, mới mẻ trong thơ xuân của đại thi hào ngày ấy.

* Chính tả, ngữ pháp (0,25đ)

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

* Sáng tạo (0,25đ)

Có sáng tạo trong diễn đạt sâu sắc; Lập luận rõ ràng, gãy gọn, bài văn giàu sức thuyết phục.

Bài viết tham khảo:

Nhà thơ Bằng Việt từng viết:

“Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ

Như áng mây ngũ sắc ngủ trên đầu”

Có những tác phẩm ra đời để rồi lãng quên ngay sau đó, nhưng có những tác phẩm lại như dòng sông đỏ nặng phù sa in dấu, chạm khắc trong tâm hồn bạn đọc bao thế hệ. Tác phẩm “Xuân dạ” của Nguyễn Du là một tác phẩm như thế.Phải chăng chính những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật đã làm nên sức hấp dẫn cho bài thơ.

Mùa xuân vốn được mệnh danh là người tình của thi sĩ. Ta đã từng bắt gặp mùa xuân trong “Cáo tật thị chúng” của Thiền sư Mãn Giác:.
Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

(Đừng bảo Xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai).
Hay vẻ đẹp nên thơ, sức sống mãnh liệt của thiên nhiên tạo vật buổi xuân về trong bài thơ “Xuân hiểu” của Trần Nhân Tông

Thủy khởi khải song phi
Bất tri xuân dĩ quy
Nhất song bạch hồ điệp
Phách phách sấn hoa phi

(Buổi sớm mùa xuân
Ngủ dậy ngỏ song mây
Xuân về vẫn chửa hay
Song song đôi bướm trắng
Phất phới sấn hoa bay).

(Bản dịch của Ngô Tất Tố)

Nguyễn Trãi cũng đã một lần bỡ ngỡ, hân loan trước đất trời trong mùa xuân thắm thiết:

“Cỏ xuân như khói bến xuân tươi

Lại có mưa xuân nước vỗ trời”.

(Bến đò xuân đầu trại)

“Xuân dạ” (đêm xuân) lại hé lộ thêm những mảng màu tối trong cuộc đời “thập tải phong trần” của đại thi hào Nguyễn Du. Ông viết về mùa xuân không nhiều chỉ vẻn vẹn có 4 bài. Hầu hết những bài này ông đều viết khi sống ở quê vợ Thái Bình. Đêm xuân, thường là những khoảnh khắc đẹp khiến con người cảm nhận được sự thư thái trong tâm hồn thế nhưng với Nguyễn Du, Đêm xuân (Xuân dạ) lại càng khắc sâu hơn bi kịch lưu lạc của mình. Bài thơ thấm đẫm nỗi buồn. Đó là cảnh đêm xuân buồn trên quê người và tâm sự của nhân vật trữ tình. Đọc bài thơ này ta liên tưởng đến nỗi buồn trong “Xuân tha hương” của Nguyễn Bính. Nếu Nguyễn Bính trải nỗi buồn lên hàng trăm câu thơ thì Nguyễn Du lại gói gọn trong 8 câu thơ mà người đọc hiểu được tường tận nỗi lòng tác giả. 4 câu thơ đầu, Nguyễn Du viết:

Hắc dạ thiều quang hà xứ tầm?

Tiểu song khai xứ liễu âm âm.

Giang hồ bệnh đáo kinh thì cửu,

Phong vũ xuân tuỳ nhất dạ thâm.

(Đêm đen nào thấy ánh xuân
Trước song, bóng liễu âm âm một vùng
       Giang hồ, bệnh tật hãi hùng
Xuân mang mưa gió về cùng đêm sâu).

Trước mắt người đọc là cảnh đêm xuân buồn, tối tăm nơi đất khách quê người. Từ bóng đêm đen đến bóng liễu âm u, chỉ thấy mưa gió ập tới, chỉ giao tiếp với thế giới bên ngoài qua khung cửa nhỏ, thân sống nhờ ở quê vợ, lại đang mang bệnh lâu ngày, Nguyễn Du tự ví “Cuộc đời có khác gì vẻ Xuân theo mưa gió chìm trong bóng đêm”. Thật đúng là “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. 4 câu thơ tiếp là nỗi buồn, nhớ nhà, nhớ quê của nhà thơ:

Kỳ lữ đa niên đăng hạ lệ,

Gia hương thiên lý nguyệt trung tâm.

Nam Đài thôn ngoại Long giang thuỷ,

Nhất phiến hàn thanh tống cổ câm (kinh).

        (Dưới đèn lữ khách rơi châu
Trăng quê ngàn dặm nhói đau lòng này
       Long Giang bên xóm Nam Đài
Tiếng con sóng lạnh tiễn hoài cổ kim).

Trong cái khoảnh khắc cô tịch của đêm xuân thi nhân trực diện với nỗi niềm li hương lưu lạc mà rơi lệ dưới ánh đèn. Tâm tình gửi gắm cả vào ánh trăng cố li “Quê hương xa nghìn dặm, nhìn trăng mà đau lòng”. Tiếng sóng quê vẫn luôn âm ba trong tâm tư người xa xứ như một tiếng vọng khắc khoải mong về, thế nhưng giờ đây, con người xa quê vẫn đếm từng nhịp thời gian trôi nơi xứ người “Vẫn lạnh lùng tiễn đưa kim cổ”. Đêm xuân ngồi ở Thái Bình mà mắt như thấy được vầng trăng quê nhà, tai như nghe được tiếng sóng lạnh của sông Long Giang tiễn đưa kim cổ. Mà quê nhà ông những năm đó, anh em ly tán mỗi người một phương như ông đã viết: “Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán”, ông có muốn trở về cũng chẳng biết nương tựa vào đâu? Có lẽ vì thế mà mùa xuân làm cho ông buồn hơn, nhớ nhà nhiều hơn nên thơ ông cũng buồn hơn. Nỗi niềm xa quê, nhớ quê của Nguyễn Du khiến ta nhớ đến lời thơ của Lý Bạch thời nhà Đường (Trung Quốc):

Sàng tiền minh nguyệt quang
Nghi thị địa thượng sương”

Cử đầu vọng minh nguyệt,
Đê đầu tư cố hương.

(Đầu giường ánh trăng rọi,
Ngỡ mặt,đất phủ sương
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,
Cúi đầu nhớ cố hương)

Không chỉ độc đáo về nội dung bài thơ “Xuân dạ” còn đặc sắc về nghệ thuật. “Xuân dạ” là bài thơ chữ Hán được viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật, ngắt theo nhịp 4/3 với giọng thơ trầm buồn da diết cùng biện pháp tu từ: đối, ẩn dụ, ngôn từ quen thuộc, giản dị, hàm súc, bút pháp tả cảnh ngụ tình quen thuộc của thơ trung đại. Với “Xuân dạ”, ta lại thấy Nguyễn Du đã thấm thía nỗi đau đời dành cho một con người tài hoa: bệnh tật, xa nhà, không danh phận. Đêm mùa xuân nhưng lại nhuộm một màu u ám và đau thương.

Thật vậy, chính vẻ đẹp về nội dung và nghệ thuật, cái tài và cái tâm của người cầm bút đã khiến bài thơ “Xuân dạ” của Nguyễn Du neo đậu trong trái tim người đọc. Đúng như Sê đrin từng nói: “Nghệ thuật nằm ngoài quy luật của sự băng hoại. Chỉ mình nó không thừa nhận cái chết”. Với “Xuân dạ”, Nguyễn Du đã góp một bông hoa đẹp,

ngát hương vào vườn hoa của thơ ca trung đại Việt Nam.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *