Đề đọc hiểu Tiếng hát làm dâu, NLXH hiện tượng hút thuốc lá điện tử tràn lan hiện nay

BỘ ĐỀ ÔN THI MÔN VĂN LỚP 11, SÁCH KẾT NỐI TRI THỨC VỚI CUỘC SỐNG

DẠNG ĐỀ VIẾT VĂN BẢN THUYẾT MINH VỀ HIỆN TƯỢNG ĐỜI SỐNG 

 Đề bài

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

…Cha mẹ em nuôi em được mấy
Mới làm thân con gái biết chi
Gái tơ còn chửa đến thì
Đã người mai mối xin về làm dâu.
45. Cha mẹ dỗ em đâu có thuận
Họ hàng khuyên em vẫn chẳng ưng;
Mọi người bàn gả đến cùng,
Thịt gà đã tính, ngày mừng đã lo.
Váy áo em vẫn chưa kịp sắm,
50. Rượu thịt đà khiêng đến đầy sân
Em còn chưa sắm vạt, khăn
“Rằng năm nay tốt” thì thầm họ trao.
Thịt rượu đã treo vào cột bếp
Người hả hê vợ đẹp, dâu ngoan
55. Ba ngày họ hát họ ăn
Ba ngày em nhịn, âm thầm buồn lo.
Trời sắp sáng, khách vừa tan rượu
Mẹ giục em mau dậy “đưa dâu”
– Nước đây rửa mặt, chải đầu
60. Cơm đây ăn để về mau nhà người.
Em rằng: Con không xơi, không bước
Rượu thịt ai đã chuốc thì đi
(…)

Thôi con ơi, ăn cơm kẻo muộn
70. Mẹ sẽ cho anh lớn tiễn chân
Em đành nuốt vội lưng cơm
Lệ tuôn chào mẹ lên đường làm dâu
Đám cưới đi trước sau vui vẻ
Đến giữa đường họ nghỉ ăn trưa;
75. Không ăn, em xúc vài thìa,
Khấn thần núi đến độ trì cho em.
Hoạ mi nhặt cơm liền ca tiễn
Khướu nhặt ăn, khướu đến hót đưa
Qua sông thì phải luỵ đò
80. Sang ngang nào biết bến bờ ai thương?
Chẳng biết bố mẹ chồng thương, ghét?
Anh trai về mình biết hỏi ai?
Trở vào trong bếp, nghẹn lời
Như mưa đổ thác lệ thời chứa chan…

(Trích Tiếng hát làm dâu*Út Ỏ về Kinh – Nguyễn Khôi chuyển ngữ– NXB Kim Đồng, H, 2002)

*Tiếng hát làm dâu: truyện thơ của dân tộc H’Mông, là câu chuyện cuộc đời làm dâu của người phụ nữ H’ Mông trong xã hội cũ.

Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):

Câu 1: Xác định ngôi kể của người kể chuyện.

Câu 2: Liệt kê một số từ ngữ, hình ảnh miêu tả không khí hối hả chuẩn bị đám cưới.

Câu 3: Hãy cho biết đặc điểm của ngôn ngữ trong đoạn trích trên.

Câu 4: Chỉ ra và phân tích tác dụng của 01 phép tu từ trong hai câu thơ:

Qua sông thì phải luỵ đò

Sang ngang nào biết bến bờ ai thương?

Câu 5: Hình ảnh người con gái trong đoạn trích có ý nghĩa gì với anh/chị trong vấn đề xây dựng quan niệm về hôn nhân?

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) thuyết minh về hiện tượng hút thuốc lá điện tử tràn lan hiện nay.

Hướng dẫn đáp án chi tiết  

ĐỌC – HIỂU

Câu 1:

Ngôi kể của người kể chuyện: Ngôi thứ nhất

Câu 2:

Liệt kê một số từ ngữ, hình ảnh miêu tả không khí hối hả chuẩn bị cho đám cưới:

-Thịt gà đã tính

-Ngày mừng đã lo

-Thịt rượu đã treo vào cột bếp

– Rượu thịt khiêng đến đầy sân.

Câu 3:

Đặc điểm ngôn ngữ trong đoạn trích:

-Ngôn ngữ kể chuyện có vần, có nhịp.

-Kết hợp hài hòa yếu tố tự sự và trữ tình.

-Giản dị, mộc mạc, chất phác, mang bản sắc văn hóa của người H’Mông, thể hiện sự gắn bó với đất đai, muông thú, cỏ cây.

Câu 4:

– Phép ẩn dụ: sông, đò, sang ngang, bến bờ: để chỉ số kiếp làm dâu trong sự bị động, tủi cực

Tác dụng:

+Tạo lối diễn đạt mới mẻ, hàm súc, tăng sức gợi hình, gợi cảm.

+Thể hiện rõ tâm trạng đầy băn khoăn, đau đớn, ngậm ngùi của cô gái khi bước chân vào cuộc hôn nhân ép gả, dự cảm về một tương lai mù mịt. Qua đó, tác giả dân gian càng cho thấy số phận bi thảm của người phụ nữ.

-Câu hỏi tu từ: Sang ngang nào biết bến bờ ai thương?

Tác dụng:

+ Tạo điểm nhấn cho văn bản, tạo lối diễn đạt mới mẻ.

+Nhấn mạnh, khắc họa rõ tâm trạng đầy băn khoăn, day dứt và đau đớn của người con gái khi bị ép gả. Qua đó, tác giả dân gian càng cho thấy số phận bi thảm của người phụ nữ.

Câu 5:

-Hình ảnh người con gái trong đoạn trích hiện lên với nỗi đau khổ cùng cực khi bước chân vào cuộc hôn nhân ép gả.

– Hình ảnh đó có ý nghĩa sâu sắc: nhắc nhở về giá trị của tình yêu trong hôn nhân, định hướng một quan niệm về hôn nhân tích cực, hôn nhân tự do, hôn nhân trên cơ sở của sự thấu hiểu và chia sẻ, hôn nhân không phải là một cuộc trao đổi về lợi ích…

  1. LÀM VĂN (Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây, yêu cầu hướng dẫn chi tiết)

Dang 1. Thuyết minh về một sự vật, hiện tượng đời sống xã hội

* Mở bài: Giới thiệu hiện tượng hút thuốc lá điện tử, vấn nạn hút thuốc lá điện tử tràn lan trong xã hội, nhất là ở các bạn trẻ.

* Thân bài:

– Hút thuốc lá điện tử là việc sử dụng thuốc lá điện tử thay cho thuốc lá truyền thống. Thuốc lá điện tử (Electronic Nicotine Delivery Systems – ENDS), còn được gọi tên khác như E-cigarette hay Vape, là thiết bị điện tử cầm tay, sử dụng pin để làm nóng dung dịch điện tử có chứa nicotine và các chất hóa học khác, tạo ra các hạt khí dung (còn gọi là aerosol hay sol khí) cho người dùng hít vào.

– Nguyên nhân tình trạng hút thuốc lá điện tử tràn lan hiện nay:

Tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ đang gia tăng rất nhanh. Trong năm 2019, kết quả Điều tra sức khoẻ học sinh toàn cầu của WHO thực hiện tại 21 tỉnh, thành phố cho thấy: “Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử tử tăng lên 2,6%”, so với tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử năm 2015 là 0,2%. Thuốc lá điện tử đang xâm nhập vào các trường học, ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống, sức khỏe của học sinh, sinh viên, đồng thời gây ra các hậu quả trước mắt và lâu dài về sức khỏe, kinh tế, xã hội.

Một số lý do có thể lý giải như sau: có hương vị hấp dẫn; thiết kế sản phẩm ấn tượng tạo trào lưu và phong cách hướng đến giới trẻ; sử dụng mạng xã hội để quảng cáo và tài trợ cho người nổi tiếng và có ảnh hưởng trên mạng xã hội; tài trợ cho các chương trình lễ hội, sự kiện thể thao, âm nhạc,… tương đối nhiều để quảng cáo; đặc biệt việc trưng bày tại điểm bán TLĐT hấp dẫn, giảm giá sản phẩm, quà tặng hấp dẫn, bán hàng trên các nền tảng mua bán trực tuyến để tăng khả năng tiếp cận và tiếp thị gián tiếp các sản phẩm thuốc lá trong các tác phẩm điện ảnh, chương trình truyền hình.

-Hậu quả gây ra:

Tác hại của thuốc lá điện tử đối với sức khỏe của người hút thuốc:  Gây nghiện và ảnh hưởng tới hệ thần kinh; gây ra các bệnh lý đường hô hấp, tim  mạch, ung thư, chấn thương

Tác hại của thuốc lá điện tử với người hút thuốc thụ động:  Khói từ thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng gây hại cho sức khỏe của những người xung quanh. Bằng chứng cho thấy có sự phơi nhiễm nicotine ở những người không sử dụng thuốc lá tiếp xúc với khói từ thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Các triệu chứng thường gặp ở người tiếp xúc thụ động với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng gồm khó thở, kích ứng mắt, nhức đầu, buồn nôn và đau họng hoặc kích thích họng.

Một số tác hại khác của thuốc lá điện tử:  Nguy cơ phát sinh các tệ nạn xã hội, ảnh hưởng tới môi trường..

-Giải pháp đề xuất:

Ngăn ngừa sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong thanh thiếu niên, qua đó cũng trực tiếp hạn chế nguy cơ sử dụng các chất kích thích khác, các chất ma túy thông qua hình thức này.

Chính sách tăng thuế với các sản phẩm thuốc lá, phát triển các dịch vụ tư vấn và điều trị cai nghiện.

Tăng cường sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và phối hợp liên ngành trong thực thi Luật phòng chống tác hại thuốc lá, kiểm tra, xử phạt về phòng chống tác hại thuốc lá.

Tăng cường, đổi mới, đa dạng hoá hình thức trong truyền thông về phòng chống tác hại  thuốc lá; đẩy mạnh công tác giáo dục, truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá tại các cơ sở giáo dục;..

* Kết bài: Nêu ý nghĩa của việc nhận thức đúng về vấn đề sử dụng thuốc lá điện tử.

Bài viết tham khảo:

Việt Nam là một trong những quốc gia có số người sử dụng rượu, bia và thuốc lá cao nhất trên thế giới. Dường như nhiều người đang bỏ qua mọi lời cảnh báo, bỏ qua các tác hại của thuốc lá mà tìm đến nó như một liều thuốc tiên. Hút thuốc lá là một trong những thú vui, sở thích phổ biến của rất nhiều người nhất là đối với nam giới. Đặc biệt, với sự xuất hiện của thuốc lá điện tử, tình trạng sử dụng thuốc lá tràn lan lại càng gia tăng.

Hút thuốc lá điện tử là việc sử dụng thuốc lá điện tử thay cho thuốc lá truyền thống. Thuốc lá điện tử (Electronic Nicotine Delivery Systems – ENDS), còn được gọi tên khác như E-cigarette hay Vape, là thiết bị điện tử cầm tay, sử dụng pin để làm nóng dung dịch điện tử có chứa nicotine và các chất hóa học khác, tạo ra các hạt khí dung (còn gọi là aerosol hay sol khí) cho người dùng hít vào.

Tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ đang gia tăng rất nhanh. Trong năm 2019, kết quả Điều tra sức khoẻ học sinh toàn cầu của WHO thực hiện tại 21 tỉnh, thành phố cho thấy: “Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử tử tăng lên 2,6%”, so với tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử năm 2015 là 0,2%. Thuốc lá điện tử đang xâm nhập vào các trường học, ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống, sức khỏe của học sinh, sinh viên, đồng thời gây ra các hậu quả trước mắt và lâu dài về sức khỏe, kinh tế, xã hội.

Tình trạng này xuất phát từ một số lý do có thể lý giải như thuốc lá điện tử có hương vị hấp dẫn. Các loại thuốc lá điện tử có thiết kế sản phẩm ấn tượng tạo trào lưu và phong cách hướng đến giới trẻ. Thuốc lá điện tử sử dụng mạng xã hội để quảng cáo và tài trợ cho người nổi tiếng và có ảnh hưởng trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, thuốc lá điện tử còn  tài trợ cho các chương trình lễ hội, sự kiện thể thao, âm nhạc,… tương đối nhiều để quảng cáo. Đặc biệt việc trưng bày tại điểm bán thuốc lá điện tử hấp dẫn, giảm giá sản phẩm, quà tặng hấp dẫn, bán hàng trên các nền tảng mua bán trực tuyến để tăng khả năng tiếp cận và tiếp thị gián tiếp các sản phẩm thuốc lá trong các tác phẩm điện ảnh, chương trình truyền hình. Ngoài ra, việc tiếp cận thông tin hay sử dụng các dịch vụ trên mạng xã hội của giới trẻ rất phổ biến, thuốc lá điện tử đánh mạnh vào việc quảng cáo và mua bán trực tuyến trên những trang của mạng xã hội. Vì thế dần dần thuốc lá điện tử được mọi người biết đến, sử dụng phổ biến hơn và ngày càng trẻ hóa đối tượng sử dụng, thậm chí thuốc lá điện tử đang có xu hướng xâm nhập vào các trường học nhắm đến đối tượng học sinh, sinh viên, chỉ vì thuốc lá điện tử quá dễ thấy và mua được quá dễ dàng.  Một vấn đề đang thật sự đáng báo động hiện nay.

Thuốc lá điện tử có thể gây nên những tác động tiêu cực lớn đến mức như thế nào? Trước hết là tác hại của thuốc lá điện tử đối với sức khỏe của người hút thuốc. Thuốc lá điện tử  gây nghiện và ảnh hưởng tới hệ thần kinh.  Nicotine trong thuốc lá điện tử là chất gây nghiện mạnh và rất độc hại, do đó gây hại như các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường. Nicotine làm cho người hút thuốc lá nhanh chóng bị nghiện thuốc lá (lệ thuộc vào nicotine) dù chỉ sau vài lần hút thuốc. Sử dụng nicotine lâu dài làm kìm hãm sự phát triển của não bộ, ảnh hưởng đến khả năng nhớ, tập trung chú ý và học tập, do vậy đặc biệt tác động đối với trẻ em. Do não bộ của con người phát triển từ khi sinh ra cho đến khi 25 tuổi, thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử dễ dàng bị nghiện nicotine hơn, ảnh hưởng tới sức khỏe cũng xảy ra sớm hơn và trầm trọng hơn. Thuốc lá điện tử còn gây ra bệnh lý đường hô hấp như bệnh ‘phổi bỏng ngô’ (popcorn lung) hay còn gọi là viêm tiểu phế quản tắc nghẽn; bệnh viêm phổi lipoid; hội chứng tổn thương phổi cấp do thuốc lá điện tử (E-cigarette Acute Lung Injury Syndrome – EVALI); suy giảm chức năng phổi; bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… Bệnh lý tim mạch cũng là một loại bệnh có thể xuất hiện. Nicotine làm tăng nguy cơ rối loạn tim mạch. Sử dụng nicotine lâu dài có thể gây suy tim hoặc tử vong. Nguy hiểm hơn, đó là căn bệnh ung thư. Một số hợp chất có trong khói thuốc lá điện tử như: formaldehyd, acrolein, toluene, chất đặc biệt gây ung thư nitrosamine và hydrocarbon thơm đa vòng, các kim loại nặng (như niken và chì) có thể gây các thay đổi tế bào liên quan đến ung thư tương tự như người hút thuốc lá điếu thông thường. Thuốc lá điện tử có thể gây chấn thương. Các thiết bị trong thuốc lá điện tử có thể hỏng, lỗi và phát nổ gây ra các chấn thương, bỏng nghiêm trọng (miệng, mặt, cổ, mắt mũi, xương hàm, cổ). Với người hút thuốc thụ động, khói từ thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng gây hại cho sức khỏe của những người xung quanh. Bằng chứng cho thấy có sự phơi nhiễm nicotine ở những người không sử dụng thuốc lá tiếp xúc với khói từ thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Các triệu chứng thường gặp ở người tiếp xúc thụ động với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng gồm khó thở, kích ứng mắt, nhức đầu, buồn nôn và đau họng hoặc kích thích họng. Hít phải các chất độc hại như nitrosamines, aldehydes, carbon monoxide… trong khói của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng cũng có nguy cơ mắc ung thư và tăng nguy cơ tim mạch, đột quỵ. Một số tác hại khác của thuốc lá điện tử như nguy cơ phát sinh các tệ nạn xã hội; ảnh hưởng tới môi trường; ảnh hưởng tới an sinh xã hội, kinh tế và sự phát triển bền vững. Tiêu dùng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ảnh hưởng tới đói nghèo và phát triển bền vững. Các hãng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang có xu thế đưa ra nhiều sản phẩm với giá bán thấp hơn để tiếp cận người có thu nhập thấp (là đối tượng dễ tổn thương nhất). Như vậy, hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân làm gia tăng nghèo đói.

Để đẩy lùi vấn nạn này cần đến sự chung tay góp sức của mỗi cá nhân và của cả cộng đồng xã hội. Để hạn chế tình trạng sử  dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ, đặc biệt là ở lứa tuổi học sinh thì vai trò của gia đình rất quan trọng, các bậc phụ huynh cần quan tâm đến con nhiều hơn. Đặc biệt, phụ huynh cần dành thời gian quan tâm, lắng nghe trẻ và giám sát trong các hoạt trong cuộc sống của trẻ trên cơ sở tôn trọng tránh dẫn đến các hành vi chống đối do bị áp đặt. Ngoài ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường để tìm hiểu thêm về nếp sinh hoạt, cũng như mối quan hệ của trẻ để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường ở trẻ. Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, gia đình cần liên hệ ngay với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được thăm khám và điều trị sớm. Bên cạnh đó, vai trò giáo dục của nhà trường cũng là yếu tố quan trọng để trẻ ở lứa tuổi học sinh không bị lôi kéo vào những thói hư tật xấu, những tệ nạn xã hội. Ngoài trang bị kiến thức về cách phòng tránh và các tác hại do sử dụng chất gây nghiện cho học sinh, nhà trường cần tổ chức các hoạt động ngoại khóa để giải tỏa căng thẳng sau giờ học. Đồng thời, tạo ra những sân chơi lành mạnh, bổ ích thu hút học sinh tham gia, tránh xa thuốc lá và những thú vui không lành mạnh khác. Để ngăn ngừa các sản phẩm thuốc lá, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá cũng cần  có sự chung tay của các bộ, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; các cơ quan, đơn vị cần tăng cường kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi mua, bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha. Nhà nước cần có chính sách tăng thuế với các sản phẩm thuốc lá, phát triển các dịch vụ tư vấn và điều trị cai nghiện. Chính quyền cũng cần tăng cường, đổi mới, đa dạng hoá hình thức trong truyền thông về phòng chống tác tại thuốc lá; đẩy mạnh công tác giáo dục, truyền thông về phòng chống tác hại  thuốc lá tại các cơ sở giáo dục.

Mỗi con người một hành động nhỏ cùng chung tay thì sẽ hạn chế tối đa được vấn nạn thuốc lá. Việc hút thuốc lá điện tử không còn quá xa lạ trong cuộc sống của mỗi con người. Biết rằng chúng chỉ mang lại những tác hại, nên mỗi chúng ta hãy cùng chung tay, góp sức để hạn chế việc hút thuốc vừa để bảo vệ chính mình, vừa để bảo vệ môi trường sống. Các bạn nghĩ rằng việc đưa điếu thuốc lên hút là oai, là bản lĩnh, tự tin và thể hiện được cá tính mình chăng. Rồi cũng có một bộ phận hút thuốc là vì bạn bè dụ dỗ, rủ rê, khiến không làm chủ được mình. Với những tác hại, hệ luỵ của thuốc lá, mỗi người phải có ý thức tránh xa nó, nói không với thuốc lá. Nó không chỉ hại bạn mà còn hại cả người xung quanh bạn và những người mà bạn yêu mến.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *