Đề đọc hiểu Không phải tơ trời, không phải sương mai, Thuyết minh về rừng Cúc Phương

BỘ ĐỀ ÔN THI MÔN VĂN LỚP 11, SÁCH KẾT NỐI TRI THỨC VỚI CUỘC SỐNG

DẠNG ĐỀ VIẾT VĂN BẢN THUYẾT MINH VỀ HIỆN TƯỢNG ĐỜI SỐNG 

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

Mong manh nhất không phải là tơ trời

Không phải nụ hồng

Không phải sương mai

Không phải cơn mơ vừa chập chờn đã thức

Anh đã biết một điều mong manh nhất

Là tình yêu

Là tình yêu đấy em!

Tình yêu

Vừa buổi sáng nắng lên

Đã u ám cơn mưa chiều dữ dội

Ta chạy tìm nhau…

Em vừa ập vào anh…

…Như cơn giông ập tới

Đã như sóng xô bờ, sóng lại ngược ra khơi

Không phải đâu em, không phải tơ trời

Không phải mây hoàng hôn

Chợt hồng…chợt tím…

Ta cầm tình yêu như đứa trẻ cầm chiếc cốc pha lê

Khẽ vụng dại…là thế thôi…tan biến

 

Anh cầu mong không phải bây giờ

Mà khi tóc đã hoa râm

Khi mái đầu đã bạc

Khi ta đi qua những giông-bão-biển-bờ

Còn thấy tựa bên vai mình

Một tình yêu không thất lạc

      (Không phải tơ trời, không phải sương mai, Đỗ Trung Quân, NXB Văn hóa, 1988)

Câu 1: Nhân vật trữ tình trong bài thơ là ai?

Câu 2: Liệt kê những hình ảnh hiện thân cho điều mong manh mà tác giả nhắc đến trong đoạn trích?

Câu 3: Hãy cho biết hiệu quả của phép điệp trong các dòng thơ sau:

Anh đã biết một điều mong manh nhất

Là tình yêu

Là tình yêu đấy em!

Câu 4: Anh/chị có nhận xét gì về quan niệm của tác giả được thể hiện trong khổ thơ cuối?

Câu 5: Chia sẻ một thông điệp mà bạn thấy có ý nghĩa nhất với giới trẻ ngày nay.

  1. LÀM VĂN (4,0 điểm) Chọn 1 trong 2 dạng thuyết minh

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) thuyết minh về vườn quốc gia Cúc Phương.

Hướng dẫn đáp án chi tiết  

  1. ĐỌC – HIỂU
Phần Câu Nội dung Điểm
I ĐỌC HIỂU 6,0
1 Nhân vật trữ tình: Anh

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án: 1,0 điểm

– Học sinh trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

1,0
2 Những hình ảnh hiện thân cho những điều mong manh: tơ trời, nụ hồng, sương mai, cơn mơ, tình yêu

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án: 1,0 điểm

– Học sinh trả lời được 3 ý: 0,75

Học sinh trả lời được 2 ý: 0,5 điểm

– Học sinh trả lời được 1 ý: 0,25 điểm

– Học sinh trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

1,0
3 Hiệu quả của phép điệp:

+ Nhấn mạnh, khẳng định hơn vẻ đẹp của tình yêu. Đó là tình cảm thiêng liêng nhưng mong manh dễ vỡ. Từ đó, tác giả hướng con người phải biết quý trọng giữ gìn tình yêu trong cuộc sống

+ Làm cho câu thơ thêm sinh động, hấp dẫn, giàu giá trị biểu cảm hơn.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án: 1.0 điểm

– Học sinh trả lời được 1 ý: 0,5 điểm

– Học sinh trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

1,0
4 – Quan niệm của tác giả: Nhân vật trữ tình mong ước có một tình yêu mạnh mẽ, mãnh liệt: Tình yêu ấy có thể vượt qua sự thử thách của thời gian, có thể đi qua những giông tố của cuộc đời. (1,0 điểm)

– Nhận xét: Đây là một quan niệm đúng đắn về một tình yêu chân chính. Điều này chứng tỏ tác giả là người có niềm tin mãnh liệt vào 1 tình yêu bền chặt, có sức sống. (0,5 điểm)

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án và bày tỏ quan điểm thuyết phục: 1,5  điểm

– Học sinh nêu được 2 ý nhưng chung chung: 1,0 điểm

– Học sinh nêu được 1 trong 2 ý : 0,75

– Học sinh trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

1,5
5  Học sinh nêu thông điệp và lí giải hợp lí.

Tham khảo một số thông điệp sau:

– Tình yêu là một thứ tình cảm thật kì diệu và thiêng liêng.

– Cuộc sống sẽ thật sự vô nghĩa nếu không có tình yêu

– Tình yêu thật đẹp nhưng cũng thật mong manh, dễ tan vỡ

– Hãy luôn có niềm tin vào một tình yêu trong sáng, vĩnh cửu

………………

 Hướng dẫn chấm:

– Học sinh nêu thông điệp  và lí giải thuyết phục: 1,5 điểm

– Học sinh nêu thông điệp  và lí giải không thuyết phục: 1,0 điểm

– Học sinh trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

1,5

 

 

 

 

  1. LÀM VĂN (Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây, yêu cầu hướng dẫn chi tiết)

Dạng 2. Thuyết minh về một sự vật, hiện tượng trong tự nhiên

  1. Mở bài:

– Vườn quốc gia Cúc Phương là một kỳ quan thiên nhiên tuyệt đẹp của đất nước Việt Nam.

– Là khu rừng nguyên sinh có giá trị bậc nhất Đông Nam Á.

  1. Thân bài:
  2. Đặc điểm địa lí

– Vị trí: thuộc địa giới tỉnh Ninh Bình (hầu hết xã Cúc Phương, một phần xã Kỳ Phú, Văn Phương, Yên Quang của huyện Nho Quan), 5.850 ha thuộc địa giới tỉnh Thanh Hóa (phần lớn núi đá vôi, núi đất, thung lũng các xã Thạch Lâm, Thạch Yên, Thành Mỹ, Thành Yên của huyện Thạch Thành) và 5.000 ha thuộc địa giới tỉnh Hòa Bình (toàn bộ rừng núi đá vôi các xã Lạc Thịnh, Yên Lạc, Phú Lai, Yên Trị, Ngọc Lương của huyện Yên Thủy, xã Yên Nghiệp, Ân Nghĩa thuộc huyện Lạc Sơn).

– Diện tích: hơn 22.000 hecta.

– Cúc Phương nằm ở phía Đông Nam của dãy núi Tam Điệp, một dãy núi đá vôi chạy từ Sơn La ở hướng Tây Bắc.

  1. Đặc điểm sinh học của rừng

– Hệ sinh thái:

+ Thực vật phong phú: gần 2.000 loài thực vật có mạch thuộc 887 chi trong 221 họ thực vật.

+ Động vật:

Rừng Cúc Phương có hệ sinh thái khá phong phú và đa dạng, gồm 97 loài thú (trong đó nổi bật nhất là các loài khỉ châu Á), 137 loài chim, 76 loài bò sát, 46 loài lưỡng cư, 11 loài  và hàng ngàn loài côn trùng. Nhiều loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam.

+ Hang động:

Động Người Xưa

Hang Con Moong

Hang Mang Chiêng

Động Trăng Khuyết

Động Sơn Cung

Động Phò Mã

Động Thủy Tiên

  1. 3. Lịch sử phát triển của rừng

– Vườn quốc gia Cúc Phương là một địa điểm khảo cổ. Các di vật của người tiền sử có niên đại khoảng 12.000 năm đã được phát hiện như mồ mả, rìu đá, mũi tên đá, dao bằng vỏ sò, dụng cụ xay nghiền… trong một số hang động ở đây chứng tỏ con người đã từng sinh sống tại khu vực này từ 7.000 đến 12.000 năm trước.

– Năm 1960, rừng Cúc Phương được công nhận là khu bảo tồn rừng và đánh dấu sự ra đời khu bảo vệ đầu tiên của Việt Nam. Ngày 9 tháng 8 năm 1986, Cúc Phương được nêu trong danh sách các khu rừng đặc dụng, là Vườn quốc gia diện tích 25.000 ha.

  1. Chức năng – giá trị của rừng

– Vườn thực vật Cúc Phương: là khu vực được xây dựng nhằm sưu tập gây trồng các loài cây quý hiếm của Cúc Phương, Việt Nam và Thế giới. Đây là một trong ba vườn thực vật tầm cỡ của thế giới theo danh sách được công bố năm 1997. Tuyến đường thăm vườn dễ dàng, với quãng đường đi bộ là 3 km.

– Trung tâm du khách Cúc Phương: được xây dựng do tổ chức AusAid và FFI tài trợ và đây cũng là Trung tâm giáo dục du khách đầu tiên được thành lập ở Đông Dương. Đây là điểm tham quan và cũng là nơi làm thủ tục cần thiết trước khi vào thăm rừng.

– Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật: Cứu hộ, bảo tồn và phát triển các loài động thực vật hoang dã quý hiếm đang bị đe dọa nguy cấp ở Việt Nam; nghiên cứu tập tính, sinh lý, sinh sản trong nuôi nhốt các loài động vật hoang dã quý hiếm phục vụ công tác bảo tồn và phát triển; sưu tập, gây trồng bảo tồn nguồn gen và tạo giống các loài thực vật quý hiếm của Việt Nam.

– Trung tâm cứu hộ thú Linh Trưởng Cúc Phương: có nhiệm vụ cứu hộ từng cá thể các loài thú Linh Trưởng quý hiếm (Voọc mông trắng, Voọc Hà Tĩnh, Voọc đen tuyền, Voọc Lào, Voọc Cát Bà, Voọc Chà vá chân xám…) từ tịch thu bắt giữ; thả động vật về với tự nhiên; nghiên cứu về thú Linh Trưởng như việc tìm kiếm thức ăn, tập tính sinh hoạt, môi trường, không gian sống.

III. Kết bài: Với cảnh quan thiên nhiên độc đáo, sự đa dạng về hệ sinh thái động thực vật cũng như các giá trị văn hoá lịch sử, Vườn Quốc Gia Cúc Phương đã trở thành một trong những địa điểm du lịch sinh thái nổi tiếng và hấp dẫn nhất cả nước hiện nay.

 

Bài viết tham khảo:

Vườn quốc gia Cúc Phương là một kỳ quan thiên nhiên tuyệt đẹp của đất nước Việt Nam. Là khu rừng nguyên sinh có giá trị bậc nhất Đông Nam Á và là một trong những địa điểm du lịch sinh thái nổi tiếng và hấp dẫn nhất cả nước hiện nay.

Vườn quốc gia Cúc Phương thuộc tỉnh Ninh Bình (hầu hết xã Cúc Phương, một phần xã Kỳ Phú, Văn Phương, Yên Quang của huyện Nho Quan), 5.850 ha thuộc địa giới tỉnh Thanh Hóa (phần lớn núi đá vôi, núi đất, thung lũng các xã Thạch Lâm, Thạch Yên, Thành Mỹ, Thành Yên của huyện Thạch Thành) và 5.000 ha thuộc địa giới tỉnh Hòa Bình (toàn bộ rừng núi đá vôi các xã Lạc Thịnh, Yên Lạc, Phú Lai, Yên Trị, Ngọc Lương của huyện Yên Thủy, xã Yên Nghiệp, Ân Nghĩa thuộc huyện Lạc Sơn). Diện tích rừng hơn 22.000 hecta, nằm ở phía Đông Nam của dãy núi Tam Điệp, một dãy núi đá vôi chạy từ Sơn La ở hướng Tây Bắc. Dải núi đá vôi này với ưu thế là kiểu karst tự nhiên, hình thành trong lòng đại dương cách đây khoảng 200 triệu năm. Dãy núi này nhô lên đến độ cao 636 m tạo thành một nét địa hình nổi bật giữa một vùng đồng bằng. Phần dãy núi đá vôi bao quanh vườn quốc gia có chiều dài khoảng 25 km và rộng đến 10 km, ở giữa có một thung lũng chạy dọc gần hết chiều dài của dãy núi. Địa hình karst ảnh hưởng rõ nét đến hệ thống thủy văn của Cúc Phương. Phần lớn nước trong vườn quốc gia bị hệ thống các mạch nước ngầm hút rất nhanh, nước sau đó thường chảy ra ở những khe nhỏ ở hai bên sườn của vườn quốc gia.

Được xác định là một trong 7 trung tâm đa dạng thực vật của Việt Nam, vườn quốc gia Cúc Phương có hệ thực vật rất phong phú với 1.944 loài thuộc 908 chi và 229 họ. Đặc biệt có cây chò xanh, cây sấu cổ thụ đều trên dưới 1.000 năm tuổi, cao từ 50-70m. Riêng hoa phong lan có tới 50 loài, có loài cho hoa và hương thơm quanh năm. Hiện nay,vườn quốc gia Cúc Phương đã trở thành một trung tâm cung cấp các loài thực vật quý hiếm, có giá trị kinh tế cao phục vụ cho các chương trình trồng rừng trong khu vực và trên cả nước. Nơi đây đã có những khu gây giống tự nhiên đạt kết quả cho các loài chò chỉ, chò xanh, kim giao…         Rừng Cúc Phương còn có hệ sinh thái khá phong phú và đa dạng, gồm 97 loài thú (trong đó nổi bật nhất là các loài khỉ châu Á), 137 loài chim, 76 loài bò sát, 46 loài lưỡng cư, 11 loài cá và hàng ngàn loài côn trùng. Nhiều loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Đây là nơi sinh sống của một số quần thể thú quan trọng về mặt bảo tồn, trong đó có loài linh trưởng đang bị đe dọa tuyệt chủng trên toàn cầu ở mức đe dọa cực kỳ nguy cấp là voọc quần đùi trắng và loài sẽ bị nguy cấp trên toàn cầu là Cầy vằn, loài báo hoa mai là loài bị đe dọa ở mức quốc gia. Cúc Phương cũng có hơn 40 loài dơi đã được ghi nhận tại đây. Đến nay, đã có 313 loài chim được xác định ở Cúc Phương.

Hệ thống hang động ở vườn quốc gia Cúc Phương rất phong phú như: Động Người Xưa: là một di tích cư trú và mộ táng của người tiền sử, là trang văn hoá độc đáo trong lịch sử phát triển của nhân loại và là một di sản quý giá nằm trong đối tượng bảo vệ của rừng Cúc Phương. Hang Con Moong: nằm gần sông suối, khu vực có hệ động vật, thực vật phong phú, đa dạng vì vậy đã được người cổ chọn làm nơi cư trú lâu dài. Hang rộng và dài, có 2 cửa thông nhau. Hang Con Moong có địa tầng văn hoá khá dày, có cấu tạo rất phức tạp, có sự đan xen kế tiếp nhau của đất sét, vỏ nhuyễn thể và các vệt tro than. Hang Mang Chiêng: là di tích mộ táng của cư dân thời đại Đá mới có tổ hợp công cụ đá gần với văn hóa Hòa Bình, chứa nhiều hiện vật, di cốt động vật, di cốt người. Động Trăng Khuyết nằm sâu trong rừng, từ trong cửa động nhìn ra ngoài là hình trăng khuyết. Động Sơn Cung: là hang động nằm trên tuyến tham quan cây chò ngàn năm. Động Phò Mã: là hang động đẹp với nhiều nhũ đá tự nhiên. Để vào động phải đi qua hồ Yên Quang 3, vượt qua thung lũng và núi đá. Động Thủy Tiên được tạo nên do hoạt động núi đá vôi, có nét đẹp được cho là giống cung vua Thủy Tề với những tiên nữ dưới nước.

Vườn quốc gia Cúc Phương còn là một địa điểm khảo cổ. Các di vật của người tiền sử có niên đại khoảng 12.000 năm đã được phát hiện như mồ mả, rìu đá, mũi tên đá, dao bằng vỏ sò, dụng cụ xay nghiền… trong một số hang động ở đây chứng tỏ con người đã từng sinh sống tại khu vực này từ 7.000 đến 12.000 năm trước. Năm 1960, rừng Cúc Phương được công nhận là khu bảo tồn rừng với diện tích 20.000 ha đánh dấu sự ra đời khu bảo vệ đầu tiên của Việt Nam. Ngày 9 tháng 8 năm 1986, Cúc Phương được đánh giá là Vườn quốc gia diện tích 25.000 ha. Vườn Cúc Phương thực hiện nhiều chương trình bảo tồn các giá trị của rừng như: Chương trình Bảo tồn Thú ăn thịt và Tê tê hoạt động nhằm góp phần bảo tồn quần thể thú ăn thịt và tê tê hoang dã bị đe dọa ở Việt Nam. Chương trình bảo tồn rùa chăm sóc hơn 600 cá thể của 19 loài trên tổng số 25 loài rùa cạn và rùa nước ngọt của Việt Nam. Đã cho sinh sản thành công 15 loài trong điều kiện nuôi nhốt, đã tiến hành thả hàng trăm cá thể rùa sau khi được cứu hộ và chăm sóc sức khỏe trở lại vùng phân bố của chúng trong tự nhiên. Đặc biệt, Bảo tàng Cúc Phương nằm trong khuôn viên của Vườn Quốc gia Cúc Phương. Đây là địa điểm nghiên cứu, tham khảo mẫu vật quan trọng cho học sinh, sinh viên, các chuyên gia về bảo tồn, thực vật, động vật tham quan và học tập. Bảo tàng Cúc Phương đang lưu giữ hơn 50 mẫu khảo cổ học trong đó có mẫu dương bản Bò sát răng phiến có niên đại 230 – 250 triệu năm trước. Bảo tàng Cúc Phương hiện đang lưu giữ 122 mẫu ngâm, 82 mẫu động vật, 2900 mẫu côn trùng các loại, hơn 12.000 mẫu tiêu bản thực vật.

Với cảnh quan thiên nhiên độc đáo, sự đa dạng về hệ sinh thái động thực vật cũng như các giá trị văn hoá lịch sử, Vườn Quốc Gia Cúc Phương đã trở thành một trong những địa điểm du lịch sinh thái nổi tiếng và hấp dẫn nhất cả nước hiện nay.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *