Đề và hướng dẫn chấm HSG môn văn lớp 11 Hà Tĩnh 2024

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

HÀ TĨNH

 

(Hướng dẫn chấm có 05 trang)

HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN NGỮ VĂN 

KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TỈNH LỚP 11 THPT        

NĂM HỌC 2023 – 2024

 

GIẤY CHỨNG NHẬN NGƯỜI

Trên đoàn tàu, cô soát vé hết sức xinh đẹp cứ nhìn chằm chằm vào người đàn ông lớn tuổi áng chừng đi làm thuê, hạch sách:

-Vé tàu!

Người đàn ông lớn tuổi lục khắp người từ trên xuống dưới một thôi một hồi, cuối cùng tìm thấy vé, nhưng cứ cầm trong tay không muốn chìa ra.

Cô soát vé liếc nhìn vào tay anh, cười trách móc:

– Đây là vé trẻ em.

Người đàn ông đứng tuổi đỏ bằng mặt, nhỏ nhẹ đáp:

-Vé trẻ em chẳng phải ngang giá vé người tàn tật hay sao?

Giá vé trẻ em và người tàn tật đều bằng một nửa vé, đương nhiên cô soát vé biết. Cô nhìn kỹ người đàn ông một lúc rồi hỏi:

-Anh là người tàn tật?

-Vâng, tôi là người tàn tật.

-Vậy anh cho tôi xem giấy chứng nhận tàn tật.

Người đàn ông tỏ ra căng thẳng. Anh đáp:

-Tôi… không có giấy tờ. Khi mua vé cô bán vé bảo tôi đưa giấy chứng nhận tàn tật, không biết làm thế nào, tôi đã mua vé trẻ em

Cô soát vé cười gằn:

-Không có giấy chứng nhận tàn tật, làm sao chứng minh được anh là người tàn tật?

Người đàn ông đứng tuổi im lặng, khe khẽ tháo giầy, rồi vén ống quần lên – Tôi chỉ còn một nửa bàn chân.

Cô soát vé liếc nhìn, bảo:

– Tôi cần xem chừng từ, tức là quyển sổ có in mấy chữ “Giấy chứng nhận tàn tật”, có đóng con dấu bằng thép của Hội người tàn tật!

Người đàn ông đứng tuổi có khuôn mặt quả dưa đắng, giải thích:

– Tôi không có hộ khẩu của địa phương, người ta không cấp sổ tàn tật cho tôi. Hơn nữa, tôi làm việc trên công trường của tư nhân. Sau khi xảy ra sự cố ông chủ bỏ chạy, tôi cũng không có tiền đến bệnh viện giám định…

Trưởng tàu nghe tin, đến hỏi tình hình.

Người đàn ông đứng tuổi một lần nữa trình bày với trưởng tàu, mình là người tàn tật, đã mua một chiếc vé có giá trị bằng vé của người tàn tật …

Trưởng tàu cũng hỏi:

– Giấy chứng nhận tàn tật của anh đâu?

Người đàn ông đứng tuổi trả lời anh không có giấy chứng nhận tàn tật, sau đó anh cho Trưởng tàu xem nửa bàn chân của mình.

Trưởng tàu ngay đến nhìn cũng không thèm nhìn, cứ nhất quyết nói:

– Chúng tôi chỉ xem giấy chứng nhận, không xem người. Có giấy chứng nhận tàn tật chính là người tàn tật, có giấy chứng nhận tàn tật mới được hưởng chế độ ưu đãi vé người tàn tật. Anh mau mau mua vé bổ sung.

Người đứng tuổi bỗng thẫn thờ. Anh lục khắp lượt các túi trên người và hành lý, chỉ có bốn đồng, hoàn toàn không đủ mua vé bổ sung. Anh nhăn nhó và nói với trưởng tàu như khóc:

– Sau khi bàn chân tôi bị máy cán đứt một nửa, không bao giờ còn đi làm được nữa. Không có tiền, ngay đến về quê cũng không về nổi. Nửa vé này cũng do bà con đồng hương góp mỗi người một ít để mua giùm, xin ông mở lượng hải hà, giơ cao đánh khẽ, nương bàn tay cao quý, tha cho tôi.

Trưởng tàu nói kiên quyết:

– Không được.

Thừa dịp, cô soát vé nói với Trưởng tàu:

– Bắt anh ta lên đầu tàu xúc than, coi như làm lao động nghĩa vụ.

Nghĩ một lát, trưởng tàu đồng ý:

– Cũng được.

Một đồng chí lão thành ngồi đối diện với người đàn ông đứng tuổi tỏ ra chướng tai gai mắt, đứng phắt lên nhìn chằm chằm vào mắt vị trưởng tàu, hỏi:

– Anh có phải đàn ông không?

Vị trưởng tàu không hiểu, hỏi lại:

– Chuyện này có liên quan gì đến tôi có là đàn ông hay không?

– Anh hãy trả lời tôi, anh có phải đàn ông hay không?

– Đương nhiên tôi là đàn ông!

– Anh dùng cái gì để chứng minh anh là đàn ông? Anh đưa giấy chứng nhận đàn ông của mình cho mọi người xem xem?

Mọi người chung quanh cười rộ lên.

Thừ người ra một lát, vị truởng tàu nói:

– Một người đàn ông to lớn như tôi đang đứng đây, lẽ nào lại là đàn ông giả?

Đồng chí lão thành lắc lắc đầu, nói:

– Tôi cũng giống anh chị, chỉ xem chứng từ, không xem người, có giấy chứng nhận đàn ông sẽ là đàn ông, không có giấy chứng nhận đàn ông không phải đàn ông.

Vị trưởng tàu tịt ngóp, ngay một lúc không biết ứng phó ra sao.

Cô soát vé đứng ra giải vây cho Trưởng tàu. Cô nói với đồng chí lão thành:

– Tôi không phải đàn ông, có chuyện gì ông cứ nói với tôi.

Đồng chí lão thành chỉ vào mặt chị ta, nói thẳng thừng:

– Cô hoàn toàn không phải người!

– Cô soát vé bỗng nổi cơn tam bành, nói the thé:

– Ông ăn nói sạch sẽ một chút. Tôi không là người thì là gì?

Đồng chí lão thành vẫn bình tĩnh, cười ranh mãnh, ông nói:

Cô là người ư? Cô đưa giấy chứng nhận “người” của cô ra xem nào…

Mọi hành khách chung quanh lại cười ầm lên một lần nữa.

Chỉ có một người không cười. Đó là người đàn ông trung niên bị cụt chân. Anh cứ nhìn chân chân vào mọi thứ trước mặt. Không biết tự bao giờ, mắt anh đẫm lệ, không rõ anh tủi thân, xúc động, hay thù hận.

Câu 1   8đ

Câu chuyện trên đây có ý nghĩa như thế nào trong việc xác lập lẽ sống cho bản thân?

Hãy viết bài văn nghị luận để trả lời cho câu hỏi đó

Câu 2   12đ

Anh chị hãy vận dụng hiểu biết về thể loại truyện ngắn để viết bài văn nghị luận với chủ đề “ sức hấp dẫn của truyện ngắn Giấy chứng nhận người”

 

 Hướng dẫn chung

         – Giám khảo cần nắm vững yêu cầu của đề và nghiên cứu kĩ Hướng dẫn chấm trước khi thực hiện việc chấm thi.

         – Giám khảo cần cho điểm bài thi của thí sinh dựa trên cơ sở đánh giá tổng quát các năng lực: năng lực đọc hiểu văn bản, năng lực sáng tạo, năng lực vận dụng kiến thức và kỹ năng, năng lực tạo lập văn bản nghị luận.  

         – Giám khảo tránh việc đếm ý cho điểm và tuyệt đối không áp đặt quan điểm của mình khi đánh giá bài làm của thí sinh; đặc biệt khuyến khích những bài viết giàu tính sáng tạo, thể hiện lối tư duy đa chiều, giàu chất văn và cảm xúc. \

Hướng dẫn cụ thể

Câu Yêu cầu kiến thức và kỹ năng cần đạt Điểm
1 Nghị luận xã hội 8,0
 

 

 

 * Yêu cầu về kỹ năng: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận. Hệ thống luận điểm, luận cứ rõ ràng, được sắp xếp logic. Lập luận chặt chẽ, lí lẽ và dẫn chứng thuyết phục. Kết cấu bài văn hoàn chỉnh. Diễn đạt thanh thoát.  

2,0

  * Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có thể có thể có những nhận thức và kiến giải riêng miễn là đủ sức thuyết phục. Dưới đây là một số gợi ý mang tính định hướng. 6,0

 

  1. Giới thuyết chung

Giấy chứng nhận người của tác giả Úc Thanh là tác phẩm chứa đựng nhiều thông điệp nhân sinh sâu sắc. Trong câu chuyện đó, hành động vô trách nhiệm của ông chủ công trường nơi người đàn ông tàn tật làm thuê, thái độ và cách ứng xử máy móc, vô cảm của cô nhân viên soát vé cùng người trưởng tàu, sự thờ ơ của đám đông hành khách, tất cả đều là biểu hiện cho sự xuống cấp về đạo đức lối sống của con người trong xã hội hiện đại.

Trong bức tranh đời sống ấy, vẫn còn đó vị hành khách lão thành với cách ứng xử đầy tính nhân văn. Khi tất cả mọi người đều thờ ơ, vô cảm thì ông lão đã dũng cảm đứng lên đấu tranh chống lại hành động hoạch sách của người trưởng tàu và cô nhân viên soát vé để bảo vệ người đàn ông tàn tật. Đó là cách ứng xử thể hiện thái độ thấu hiểu, sẻ chia và thấm đượm tình người.

   =>Khái quát:Như vậy, truyện ngắn Giấy chứng nhận người dù rất hạn hẹp về dung lượng câu chữ nhưng hàm chứa giá trị nhân sinh sâu sắc, gợi mở cho người đọc về một lẽ sống nhân văn, tích cực: Nói không với sự vô cảm, với cách ứng xử máy móc, quan liêu; lấy tình người làm trọng để quan tâm, yêu thương và chia sẻ với mọi người, đặc biệt là với những mảnh đời yếu thế.

 

 

 

 

 

 

 

1,0

  2. Bàn luận

2.1. Một mặt, câu chuyện trên đây khiến chúng ta phải suy nghĩ về sự cần thiết phải đấu tranh chống lại thói quan liêu,máy móc, vô cảm

* Hậu quả của thói quan liêu, máy móc:

– Thói quan liêu, máy móc dẫn đến việc không nắm bắt đúng bản chất của sự việc, từ đó dễ hành động sai lầm;tạo ra khoảng cách giữa người với người, khiến con người mất đi sự trân trọng, ủng hộ từ những người xung quanh.

– Thói quen, cách ứng xử dựa trên mệnh lệnh, giấy tờ biến con người thành những cỗ máy lạnh lùng, vô cảm; mở đường cho sự lạm dụng quyền lực, thói độc tài.

– Chúng ta bài trừ thói quan liêu, máy móc, nêu cao cách ứng xử linh hoạt nhưng phải tôn trọng luật pháp và chuẩn mực đạo đức xã hội, đảm bảo sự hài hòa giữa lý và tình, lý thuyết và thực tiễn.Cách ứng xử linh hoạt không đồng nghĩa với thói tráo trở, luồn lách, bất chấp công lý, lẽ phải, sự thật để đạt được mục đích cá nhân.

 

* Tác hại của sự vô cảm trong đời sống:

– Cùng với thói quan liêu, máy móc thì sự vô cảm cũng là nguyên nhân khiến tâm hồn trở nên chai lì, tàn lụi, không cảm nhận được niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc, khổ đau, ý nghĩa của cuộc sống.

– Sự vô cảm cũng là biểu hiện của thái độ thiếu trách nhiệm trước cuộc đời, trước những bất công, ngang trái, những vấn đề nhức nhối của thời đại, nhân loại; tạo cơ hội cho cái ác, cái xấu lộng hành.

– Thói vô cảm sẽ dẫn đến tự cô lập bản thân, tách mình ra khỏi xã hội, đánh mất tính cộng đồng, tinh thần đoàn kết,….

=>Có thể nói, chính thói quan liêu, máy móc, vô cảm là những nguyên cớ khiến con người mất đi nhân tính – yếu tố quan trọng nhất để “chứng nhận” con người.

2.2. Mặt khác, câu chuyện cũng có ý nghĩa đề cao tình người, sự thấu hiểu, chia sẻ và tinh thần đấu tranh bảo vệ những mảnh đời khốn khổ

– Lẽ sống biết yêu thương, thấu cảm là biểu hiện của nhân tính, là tờ “giấy chứng nhận người” quan trọng nhất để phân biệt con người với muôn loài.

– Sự yêu thương, chia sẻ, thấu cảm thắp lên niềm tin, hi vọng và nghị lực sống ở con người, nhất là những mảnh đời bất hạnh.

– Lẽ sống ấy cũng gắn kết người với người, khiến cho quan hệ giữa người với người trở nên bền chặt.

– Hơn hết, lẽ sống nhân văn ấy phù hợp đạo lí làm người, trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển của đời sống con người và xã hội.

– Cần lưu ý rằng, chúng ta nên lấy tình yêu thương con người làm lẽ sống nhưng không để người khác lợi dụng tình cảm ấy để làm việc sai trái; cần đặt tình cảm ấy đúng người, đúng chổ.

=> Lẽ sống coi trọng tình người, ứng xử thấu tình đạt lí, quan tâm, thấu hiểu và dũng cảm đấu tranh bảo vệ lẽ phải chính là cách để con người giữ lại nhân tính – bằng chứng vô hình để xác nhận danh phẩm “con người”.

 

 

 

1,0

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1,0

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1,0

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

  3. Bài học nhận thức và hướng hành động của bản thân

Khẳng định câu chuyện được kể trong Giấy chứng nhận người có ý nghĩa hết sức thiết thực đối với bản thân trong việc xác lập lẽ sống:

– Nhận thức rõ hậu quả của cách ứng xử máy móc, quan liêu, vô cảm trong quan hệ với những người xung quanh.

– Xem xét vấn đề một cách toàn diện; giải quyết vấn đề một cách linh hoạt, thấu tình đạt lý.

– Dũng cảm đấu tranh chống lại sự ích kỷ, tầm thường, hời hợt, vô cảm trong chính bản thân.

– Luôn có niềm tin vào những điều tốt đẹp trong đời sống xã hội;

– Gần gũi, quan tâm, mở rộng lòng mình, bao dung, vị tha, biết đặt mình vào vị trí của người khác…

 

 

 

 

2,0

2 Nghị luận văn học 12,0
 

 

* Yêu cầu về kỹ năng: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận. Vận dụng sáng tạo và linh hoạt các kỹ năng làm văn để viết bài văn nghị luận văn học hoàn chỉnh. Hệ thống luận điểm rõ ràng, được sắp xếp một cách logic. Lập luận chặt chẽ, lí lẽ  thuyết phục; diễn đạt trong sáng, rõ ràng.  

2,0

 

 

* Yêu cầu về kiến thức: Bài làm phải vận dụng hiểu biết về thể loại truyện ngắn để phân tích, làm rõ vấn đề: Sức hấp dẫn của truyện ngắn Giấy chứng nhận người. Mọi sự kiến giải trong bài làm phải có cơ sở từ lí luận, từ cấu trúc văn bản tác phẩm; tránh thoát li văn bản và suy luận thiếu căn cứ, tránh diễn nôm nội dung văn bản. Dưới đây là một số gợi ý cơ bản mang tính định hướng:  

 

10,0

  1. Giới thuyết chung

Sức hấp dẫn: khả năng thu hút, lôi cuốn sự say mê thích thú của người đọc bởi giá trị nội dung sâu sắc và hình thức nghệ thuật độc đáo.

Truyện ngắn: Một thể loại văn học thuộc phương thức tự sự;được viết bằng văn xuôi, có dung lượng ngắn; phản ánh hiện thực đời sống theo lối chấm phá điểm nhãn nhưng lại có sức mạnh khái quát rộng lớn.

– Sức hấp dẫn của một tác phẩm truyện ngắn trước hết được tạo ra bởi chiều sâu nội dung tư tưởng. Sức hấp dẫn của một tác phẩm truyện ngắn đồng thời được tạo ra bởi nghệ thuật tổ chức các thành tố trong cấu trúc tác phẩm như cốt truyện, nhân vật, không gian thời gian nghệ thuật, cách thức tổ chức trần thuật,… Các thành tố ấy vừa phải kết hợp hài hòa với nhau để tạo thành một chỉnh thể nghệ thuật, vừa phải tương ứng với việc bộc lộ tư tưởng nghệ thuật của tác giả.

Giấy chứng nhận người của tác giả Úc Thanh thuộc kiểu “truyện cực ngắn”, nhưng có sức mạnh khái quát đời sống rộng lớn. Mỗi thành tố trong cấu trúc tự sự của tác phẩm đều được sắp xếp, tổ chức một cách đầy tính thẩm mĩ; tất cả các thành tố đều có giá trị thể hiện tư tưởng nghệ thuật của tác giả. Có thể nói, đây là một tác phẩm giàu tính thẩm mĩ cả về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật, một “kết cấu vẫy gọi” đối với người đọc.

 

1,0

2. Sức hấp dẫn của truyện ngắn Giấy chứng nhận người

2.1. Nghệ thuật tự sự độc đáo

* Nhan đề………………………………………………………………………………………………………………….…………………….

– Gợi hiện thực trái ngang phi lí.

– Gợi tình huống chủ đạo trong truyện.

– Gợi cách ứng xử quan liêu, cứng nhắc, thiếu tình yêu thương và sự cảm thông giữa người với người.

– Gợi ấn tượng, thu hút sự tò mò của người đọc.

=>Cách dụng chữ độc đáo của tác giả đã tạo ra một nhan đề có khả năng gợi trường liên tưởng rộng lớn và mang tính khái quát cao

* Cốt truyện…………………………………………………………………………………………………………………………………….

Cốt truyện trong truyện ngắn này thuộc kiểu cốt truyện đơn tuyến. Kiểu cốt truyện này không có gì mới lạ, nhưng điểm đáng chú ý trong truyện ngắn này là ở nghệ thuật tổ chức cốt truyện:

Cấu trúc cốt truyện theo trật tự tuyến tính gồm 5 bước hết sức chặt chẽ: Mở đầu -> Thắt nút -> Phát triển -> Đỉnh điểm -> Kết thúc. Diễn biến cốt truyện theo chiều tuyến tính, nhưng tất cả mọi diễn biến lại đồng tâm, cùng hướng về mục đích phản ánh xung đột bao trùm tác phẩm.

– Để thúc đẩy diễn tiến cốt truyện theo ý đồ nghệ thuật của mình, tác giả đã xây dựng liên tiếp các tình huống đầy bất ngờ, ngoài sự đoán định của người đọc. Tình huống thứ nhất, người đàn ông tàn tật bị cô nhân viên soát vé và người trưởng tàu đẩy vào thế bất lực, tuyệt vọng vì không thể có giấy chứng nhận người. Tình huống thứ hai, vị khách lão thành bất ngờ đứng dậy đấu tranh bảo vệ người đàn ông tàn tật, và đặt người trưởng tàu vào thế phải lặng câm vì không thể có giấy chứng nhận đàn ông. Tình huống thứ ba, cô nhân viên soát vé ra mặt giải vây cho người trưởng tàu, nhưng bị vị khách lão thành đưa vào thế dở khóc dở cười vì cô ta không thể có giấy chứng nhận người. Cả ba tình huống đều thuộc kiểu tình huống xung đột, và được sắp xếp theo trật tự tăng dần kịch tính. Cả ba tình huống đều xoay quanh cái gọi là “giấy chứng nhận”, lúc thì giấy chứng nhận tàn tật, lúc lại giấy chứng nhận đàn ông, và đỉnh điểm là giấy chứng nhận người. Cách tổ chức tình huống truyện đặc sắc như thế khiến câu chuyện được kể càng lúc càng kịch tính, và chính điều này cũng góp phần phản ánh chân thực xung đột trong đời sống xã hội.

– Trong truyện xuất hiện một số chi tiết nghệ thuật có sức nặng ngàn cân. Đặc biệt phải kể đến các chi tiết kết thúc các tình huống truyện – ngắn gọn nhưng đó lại là điểm rơi tư tưởng của tác giả.

– Câu chuyện kết thúc khi ông trưởng tàu và cô nhân viên soát vé đuối lí, tất cả hành khách đều cười, chỉ một mình người đàn ông tàn tật im lặng và rơi lệ. Sự im lặng và những giọt nước mắt ấy nói lên điều gì? Trạng thái tủi thân, xúc động, hay thù hận?… Đó là khoảng trống mà tác giả dành cho người đọc liên tưởng. Sức gợi của cái kết vì thế được mở rộng khôn cùng.

=>Như vậy, nghệ thuật tổ chức cốt truyện đặc sắc là một trong những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của tác phẩm. Trong truyện ngắn này, cốt truyện không chỉ là một yếu tố thuộc về kỹ thuật tự sự mà chính cốt truyện ấy có chức năng tạo nghĩa cho tác phẩm.

* Thế giới nhân vật……………………………………………………………………………………………………….………………

– Một truyện ngắn, thuộc kiểu mini, nhưng có sự xuất hiện của khá nhiều nhân vật. Có người trưởng tàu, có nhân viên soát vé, có người trí thức, có đám đông hành khách vô cảm; có người của công quyền, có hạ dân dưới đáy xã hội. Có thể nói đủ mọi thành phần xã hội xuất hiện trong thế giới nhân vật. Đó là ý đồ nghệ thuật để tăng sức mạnh phản ánh. Đó cũng là minh chứng cho sự du nhập của bút pháp tiểu thuyết trong truyện ngắn này.

– Tất cả các nhân vật đều không có tên riêng, mà chỉ gắn với một lớp người trong xã hội. Điều đó làm tăng tính khái quát cho câu chuyện được kể.

– Quan hệ giữa người với người trong thế giới nhân vật ấy cũng là điều đáng quan tâm. Ông chủ của người đàn ông tàn tật bóc lột sức lao động mà không trả tiền cho anh; người trưởng tàu là đại diện cho công quyền nhưng lại quan liêu, cứng nhắc. Cô nhân viên soát vé có ngoại hình xinh đẹp nhưng lạnh lùng vô cảm. Đám đông hành khách chẳng ai lên tiếng trước sự việc trái ngang. Trong bức tranh ấy còn sót lại duy nhất một ngọn lửa của lương tri, của tình người. Đó là vị khách lão thành – người đã dũng cảm đứng lên bảo vệ và giúp đỡ người tàn tật. Thái độ tác giả? Đặt niềm tin vào con người trong một thế giới mà người với người vô cảm.

– Khi câu chuyện kết thúc, người trưởng tàu và cô soát vé đuối lí, trở thành trò cười cho đám đông. Còn người tàn tật đã được bảo vệ. Đó cũng là khát vọng của nhà văn hướng về những người yếu thế.

*  Không gian nghệ thuật ……………………………………………………………………………………………………………

– Toàn bộ câu chuyện được đặt trong không gian một chuyến tàu – không gian biểu trưng cho xã hội. Nói cách khác, đó là không gian thu nhỏ của xã hội.

– Trong không gian đó có người trưởng tàu, cô nhân viên soát vé, có vị khách lão thành, có người hành khách trung niên tàn tật, có cả đám đông khách đi tàu. Vậy là, thêm một dấu hiệu cho thấy nhà văn muốn đưa tất cả bức tranh của hiện thực đời sống dồn nén vào trong không gian chuyến tàu. Sức mạnh phản ánh đời sống của truyện vì thế mạnh mẽ hơn.

* Thời gian nghệ thuật…………………………………………………………………………………………………………………

– Câu chuyện được kể gắn với khoảnh khắc thời gian ngắn ngủi của chuyến tàu, đúng hơn là khoảnh khắc đầu tiên của một chuyến tàu. Một nhát cắt thôi mà đủ để phản ánh cả dòng đời đang hiện hữu.

– Ở đây, thời gian trần thuật và thời gian được trần thuật cơ bản trùng khít vào nhau; những gì xảy ra trước khi các nhân vật bước lên chuyến tàu đã được lược bỏ, chỉ còn lại vài chi tiết giới thiệu ngắn gọn về việc người đàn ông tàn tật đi làm thuê cho một công trường, bị tai nạn, người chủ bỏ trốn khiến ông không thể có tiền mua vé về quê, đành nhờ sự giúp đỡ của đồng hương để mua vé dành cho trẻ em.

=> Để thời gian trần thuật trùng khít với thời gian được trần thuật là cách để tác giả tập trung phản ánh hiện thực đang diễn ra trong đời sống xã hội.

* Người kể, cách kể và giọng điệu kể chuyện………………………………………………………………………

– Toàn bộ câu chuyện được kể bởi người kể chuyện ở ngôi thứ ba theo điểm nhìn khách quan bên ngoài. Điểm đặc sắc của cách kể trong truyện ngắn này là người kể chỉ giữ vai trò dẫn chuyện, còn phần lớn dung lượng của truyện dành cho đối thoại giữa các nhân vật. Cách kể đó khiến câu chuyện được kể giàu tính khách quan và chân thực hơn.

– Lối kể chuyện này cộng hưởng với giọng điệu lạnh lùng, pha chút trào phúng đã góp phần giúp tác giả phản ánh chân thực bức tranh đời sống đang diễn ra.

2.2. Tư tưởng nghệ thuật sâu sắc…………………………………………………………………………………………

Như đã đề cập trên đây, Giấy chứng nhận người “cực ngắn” về dung lượng câu chữ nhưng lại có chiều sâu khôn cùng về tư tưởng. Qua thế giới nghệ thuật của tác phẩm, người đọc có thể cảm nhận được lớp lớp những điều nhà văn muốn nói. Đó là thái độ bất bình trước hiện thực trái ngang của đời sống; là lời tuyên chiến với lối sống quan liêu, máy móc, vô cảm của người đời; đó là thân phận khổ đau của người lao động; là lòng thương yêu, cảm thông và tinh thần đấu tranh bảo vệ những mảnh đời yếu thế dưới đáy xã hội; Tác phẩm cũng là lời cảnh tỉnh đối với con người về sự đánh mất nhân tính. Có thể nói, Giấy chứng nhận người hàm chứa trong đó đa chủ đề, gợi mở nhiều suy tư trăn trở về thế thái nhân tình và cách ứng xử giữa người với người trong cuộc sống.

 

 

0,5

 

 

 

 

 

 

 

2,0

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2,0

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

0,5

 

 

 

 

 

 

 

0,5

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

0,5

 

 

 

 

 

 

 

2,0

3. Đánh giá nâng cao

– Sự kết hợp giữa nghệ thuật tự sự độc đáo và tư tưởng nhân sinh sâu sắc là cơ sở để truyện ngắn này trở thành một “kết cấu vẫy gọi”.

– Sức hấp dẫn của truyện ngắn này không chỉ thể hiện riêng lẻ qua cấu trúc của các thành tố, mà còn thể hiện ở mối quan hệ chặt chẽ giữa các thành tố trong cấu trúc tự sự của tác phẩm. Có thể nói, mọi thành tố nghệ thuật trong truyện ngắn này đều giữ vai trò hết sức quan trọng trong chỉnh thể tác phẩm.

-Để có được những tác phẩm như thế đòi hỏi người nghệ sĩ phải đủ nhiệt tâm  với đời, với nghề viết và đặc biệt là phải mang trong mình tư chất, bản lĩnh sáng tạo của người nghệ sĩ.

– Với người đọc, những tác phẩm đặc sắc, giàu sức hấp dẫn như truyện ngắn Giấy chứng nhận người không chỉ có giá trị nâng cao nhận thức, bồi dưỡng tâm hồn, gợi mở lẽ sống, mà còn có giá trị nâng cao năng lực thẩm mĩ.

– Sức hấp dẫn của một tác phẩm văn chương không hoàn toàn phụ thuộc vào nhà văn, không hiển lộ trên bề mặt ngôn từ, mà tùy thuộc vào cảm quan của mỗi người đọc.

1,0
Điểm toàn bài 20,0

—– HẾT —–

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *