Đề đọc hiểu tản văn Hà Nội mùa cây thay lá, Khiếu Quang Bảo

ĐỀ KIỂM TRA ĐỊNH KÌ NGỮ VĂN 11

(Tự luận 100% – Dùng chung cho cả 03 bộ sách)

ĐỌC HIỂU (6,0 điểm) Đọc văn bản sau:

Hà Nội mỗi mùa mang một sắc, mỗi con phố nhuốm một màu, thảy tất bốn mùa đều để lại cho ta cảm nhận những nét đẹp bâng khuâng trong sâu thẳm lòng mình mà khó nơi nào có được.

Với mùa cây thay lá, Hà Nội như dịu dàng hơn, đáng yêu hơn, có chút trầm lắng trong những ngày lạnh cuối cùng còn sót lại. Chỉ còn những bó hoa ly, hoa huệ tây, các loại hoa cúc bất tử – thạch thảo – bách nhật – mắt ngọc nhỏ xinh, hình như đồng cảm với phố phường vào mùa cây thay lá.

Hà Nội những ngày này dễ khiến ta bỗng thấy rưng rưng đến lạ kỳ khi sắc vàng, sắc đỏ vào mùa cây thay lá tuy không rực rỡ nhưng đủ cảm nhận màu của mùa nhạt phai phủ lên một góc phố, con đường quen… Những hàng lộc vừng, bằng lăng, đề, đa… chẳng một lời hẹn bỗng cùng nhau thay màu áo mới. Nghe như có âm thanh những búp non tách vỏ già đâm chồi trăm ngả thơ ngây như con mắt trẻ. Manh nha một sức sống mới giữa khung cảnh mang vẻ ảm đạm của ngày tháng ba. Bởi vậy mà có người nói Hà Nội có những hai mùa thu, một mùa thu tháng tám có cốm- hồng-chuối tiêu, và một mùa thu tháng ba có dưa hấu và hồng xiêm Xuân Đỉnh. Mỗi mùa một nét đẹp riêng, chỉ có xúc cảm đọng lại trong lòng người Hà Nội và những ai trót yêu mảnh đất này là vẹn nguyên: “Trách sao được những mùa cây thay lá / Cả khung trời rợp lá vàng, lá đỏ / Đẹp như thời xưa cũ, phải không em?”.

[…]

Được mệnh danh là con đường đẹp nhất Hà Nội nhờ hàng cây sấu cổ thụ vào mùa hè luôn rợp bóng mát, đường Phan Đình Phùng tháng ba này như càng trở nên thơ mộng, đẹp lãng mạn với sắc vàng của mùa cây thay lá. Những hàng cây sấu cổ thụ ấy lại đan cài bên con phố cũng nổi tiếng với những dãy nhà biệt thự xây theo lối kiến trúc Pháp cổ kính, xào xạc chuyển xô khi có cơn gió thổi hoặc một chiếc xe chạy qua, tạo nên một khung cảnh nên thơ, bình yên đến lạ. Trong ký ức của nhiều người Hà Nội, hàng sấu là một phần tuổi thơ không thể thiếu.

Cũng vào mùa lá rụng, Hà Nội lại sáng bừng tinh khôi sắc trắng hoa sưa… Sắc trắng hoa sưa làm cho Hà Nội trở nên yên bình lâng lâng đến lạ lùng… Hoa sưa kết mọc từng chùm. Cây sưa có nhiều nhất trên phố Hoàng Hoa Thám, Phan Chu Trinh, Giảng Võ và đường Cổ Ngư xưa. Ta cũng có thể bắt gặp hoa sưa trên đường Láng, hay cây sưa tán rộng ở giữa sân ký túc xá Mễ Trì nằm trên đường Lương Thế Vinh. Góc đường Ngô Quyền, Lê Thạch và vườn hoa Lý Thái Tổ, quanh khu vực nhà Kèn bát giác cũng là địa điểm có nhiều cây hoa sưa đang bung nở trắng trời. Năm nay hoa sưa nở đẹp trắng như những bông tuyết, phủ khắp trời Hà Nội. Hoa sưa đẹp nhưng mùa lại ngắn, hoa nở nhanh nhưng cũng chóng tàn. Hoa sưa có thể nở trắng trời mà không hẹn trước, nhưng chỉ cần qua một đêm hoa lại nhanh chóng rụng rơi theo gió, nhường chỗ cho sắc lá xanh non. Cô gái đi cùng trong nhóm nhiếp ảnh bạn tôi kết một câu “xanh rờn”, rằng anh

ơi, em gọi tháng ba này là “Mùa mây xuống phố” nhé…

Vậy là tháng ba. Ngửa mặt lên trời, có từng tán lá vàng, lá đỏ khẽ gieo mình theo cơn gió bất chợt, để mỗi bước chân đi là một miền xào xạc lá rải trên hè.

(Hà Nội mùa cây thay lá, Khiếu Quang Bảo, in trong Bốn bề gió thổi,

NXB Hội nhà văn, Hà Nội, 2001)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Xác định đề tài của văn bản? (0,5 điểm)

Câu 2. Theo tác giả, có người nói Hà Nội có những hai mùa thu. Dựa vào văn bản, anh/ chị hãy cho biết đó là những mùa nào? (0,5 điểm)

Câu 3. Những loài cây nào thay lá vào tháng ba được tác giả nói tới trong văn bản? (0,5 điểm)

Câu 4. Văn bản trên có thể được chia làm mấy phần? Nêu nội dung chính của từng phần? (0,5 điểm)

Câu 5. Cái “tôi” tác giả trong văn bản thể hiện tình cảm, cảm xúc gì đối với Hà Nội mùa cây thay lá? Hãy dẫn ra một số câu văn thể hiện tình cảm, cảm xúc ấy? (0,5 điểm)

Câu 6. Phân tích sự kết hợp giữa yếu tố tự sự và trữ tình được thể hiện trong văn bản? (1,0 điểm)

Câu 7. Qua văn bản “Hà Nội mùa cây thay lá”, anh/ chị rút ra được thông điệp gì cho bản thân mình? (1,0 điểm)

Câu 8. Chọn phân tích một vẻ đẹp của Hà Nội trong mùa cây thay lá mà anh/ chị ấn tượng nhất. (Viết khoảng 8 – 10 dòng) (1,5 điểm)

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của anh/ chị về vấn đề: Tầm quan trọng của cây xanh đối với các đô thị hiện nay.

ĐÁP ÁN

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 6,0
  1 Đề tài: Mùa cây thay lá ở Hà Nội. 0.5
2 Có người nói Hà Nội có những hai mùa thu, đó là: một mùa thu tháng tám có cốm-hồng-chuối tiêu, và một mùa thu tháng ba có dưa hấu và

hồng xiêm Xuân Đỉnh.

0.5
3 Những loài cây thay lá vào tháng ba được tác giả nói tới trong văn bản là: lộc vừng, bằng lăng, đề, đa, sấu, 0.5
4 Văn bản trên có thể được chia làm hai phần:

–   Phần 1 (từ đầu đến khó nơi nào có được): Hà Nội mỗi mùa mang một vẻ đẹp riêng.

–  Phần 2 (còn lại): Vẻ đẹp của Hà Nội mùa cây thay lá.

0.5
5 –   Cái “tôi” tác giả trong văn bản thể hiện một tình yêu tha thiết đối với vẻ đẹp của Hà Nội bốn mùa, đặc biệt là vẻ đẹp của Hà Nội mùa cây thay lá.

–  Một số câu văn thể hiện tình cảm, cảm xúc của tác giả:

+ thảy tất bốn mùa đều để lại cho ta cảm nhận những nét đẹp bâng khuâng trong sâu thẳm lòng mình mà khó nơi nào có được.

+ Hà Nội những ngày này dễ khiến ta bỗng thấy rưng rưng đến lạ kỳ…

0.5
6 Sự kết hợp giữa yếu tố tự sự và trữ tình được thể hiện trong văn bản:

–  Tự sự: Kể lại những biến chuyển của cây cối Hà Nội vào mùa cây thay lá.

–  Trữ tình: Thể hiện tình yêu thiết tha, lòng tự hào thầm kín về vẻ đẹp của thiên nhiên Hà Nội, đặc biệt là vào tháng ba, mùa cây thay lá.

1.0
7 Học sinh được tự do rút ra thông điệp, miễn là phù hợp và liên quan đến nội dung của văn bản:

–  Cần có những cảm nhận tinh tế và sâu sắc về cuộc sống.

–   Biết yêu thương, biết trân trọng, nâng niu những vẻ đẹp của quê hương mình.

1.0
8 Học sinh được tự do lựa chọn một vẻ đẹp mà mình ấn tượng nhất, miễn là có phân tích thuyết phục. Tham khảo:

–  Vẻ đẹp của hoa sưa.

–  Phân tích: Giữa mùa lá rụng, màu trắng tinh khôi của hoa sưa là một gam màu đối lập, làm cho thiên nhiên Hà Nội mang một vẻ đẹp thật đặc biệt. Hoa sưa nở làm cho những con phố Hà Nội trở nên yên bình lâng lâng đến lạ lùng. Hoa sưa khiến cho thiên nhiên mang màu sắc huyền ảo, lãng mạn, khiến cho cô gái kia đã đặt cho tháng ba Hà Nội

một cái tên thật đẹp: “Mùa mây xuống phố”.

1.5
II   VIẾT 4,0
  a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận xã hội. 0,25
  b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Suy nghĩ về vấn đề: Tầm quan trọng của cây xanh đối với các đô thị hiện nay.

0,5
  c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm 2.5

 

    Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần giới thiệu được vấn đề cần bàn luận, hệ thống luận điểm chặt chẽ, lập luận thuyết phục, sử dụng dẫn chứng hợp lí. Sau đây là một số gợi ý:

1.  Giải thích:

Cây xanh đô thị là loại cây được trồng trên đường phố, công viên, vườn hoa, thảm cỏ tại quảng trường và các khu vực công cộng trong thành phố. Ví dụ như: cây bóng mát, cây trang trí, dây leo, cây mọc tự nhiên, thảm cỏ trồng trên hè phố, dải phân cách, đảo giao thông,…

2.  Tầm quan trọng của cây xanh đối với các đô thị hiện nay:

–  Cải thiện môi trường sống:

Cây xanh đô thị giúp lọc bớt bụi bẩn, đồng thời thải ra nhiều O2. Mặt khác, cây xanh hấp thu bức xạ, thải ra hơi nước giúp không khí trong lành, mát mẻ hơn. Chúng được xem là lá phổi của thành phố, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường. Hệ thống cây xanh của thành phố chắn gió và giảm tiếng ồn, giúp cuộc sống của người dân trở nên yên tĩnh hơn.

–  Giúp ích cho việc thoát nước:

Cây xanh trong thành phố giữ lại nước mưa, giảm bớt áp lực cho cống thoát nước trong mỗi lần mưa lớn. Ngoài ra, tán phủ của cây xanh có thể trở thành màng chắn lọc nước hữu hiệu, giúp lưu lại trong đất dưới dạng nước ngầm.

–  Cây xanh giúp cân bằng sinh thái:

Cây xanh tạo nơi cư trú, nước, thức ăn cho các loại chim, bò sát… Chúng còn có tác dụng giảm bớt sự xâm nhập của các chất ô nhiễm bằng cách ngăn nước mưa. Hơn hết, cây xanh đô thị giúp hạn chế những vấn đề tiêu cực của quá trình công nghiệp hóa. Chúng giúp làm đẹp cảnh quan và cải thiện môi trường sống của con người.

–  Cây xanh tạo ra bóng mát, góp phần làm đẹp cho cảnh quan đô thị.

3. Các giải pháp đối với vấn đề cây xanh đô thị:

–  Nâng cao ý thức của người dân về tầm quan trọng của cây xanh đối với các đô thị.

–  Trồng thêm nhiều cây xanh ở các đô thị.

–  Nghiêm cấm việc chặt phá cây xanh ở các đô thị.

4. Rút ra bài học cho bản thân:

–   Nhận thức: Nhận thức được tầm quan trọng của cây xanh đối với đô thị.

–   Hành động: Có những hành động tích cực trong việc bảo vệ cây xanh ở các đô thị.

 
  d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

0,25
  e. Sáng tạo: Bài viết có giọng điệu riêng; cách diễn đạt sáng tạo, văn phong trôi chảy. 0,5
Tổng điểm 10.0

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *