ĐỀ KIỂM TRA ĐỊNH KÌ
NGỮ VĂN 11
(Tự luận 100% – Dùng chung cho cả 03 bộ sách) ĐỌC HIỂU (6,0 điểm) Đọc văn bản sau:
Tôi gọi những cái chợ ruộng dân dã này là chợ của má. Bởi nó hiền lành, lam lũ như má, bởi chợ nhỏ nhoi, khiêm tốn như má, nhưng nó mang một cái hồn sâu, mênh mông lắm nên người ta nhắc nhớ hoài, thương hoài như thương… má vậy.
Bất cứ khu chợ thực phẩm nào ở thành phố Cà Mau cũng có một góc nhỏ dành cho người chợ ruộng. Chợ bắt đầu từ tiếng xe lam chở hàng lặc lè, ậm ì trong buổi sớm, bằng tiếng trò chuyện êm đềm, bằng đôi tay oằn, đôi chân mỏi. Chợ bắt đầu bằng những cái bao ni-lông trải ra nền đất. Bàn tay nào bày ra đó mấy trái dừa khô, mấy nải chuối vàng, con vịt lạc cạc bên rổ trứng. Trên thúng, trên nia lún phún nhô lên những ngọn rau uống sương cong
Hầu như tất cả rau trái ở quê mình có, ở chợ ruộng có. Từ rau muống, rau lang, mồng tơi, bù ngót đến lá chuối xanh, lá dứa, bó sả, nhúm ớt… Rồi cá, rồi gà, vịt, chuột đồng… Ngày rằm, ngày ba mươi, chợ trang điểm bằng bông trang được cột thành khóm đỏ tươi bán cho những người cúng bàn thờ Phật. Mồng hai, mười sáu, chợ lúc nhúc những chú gà non tơ. Trời hạn, chợ bày thúng rau đắng đất run rẩy xanh cho ta thèm một nồi cháo tống. Bữa nắng chiều, chợ có rễ tranh, mía lau… Mưa xập xoài, chợ lổn nhổn ốc lát bán kèm lá ổi, lá sả. Những con ốc lát vừa cựa mình trở dậy từ đất, thịt cứ ngọt lừ. Cũng cữ này, người ta bán xổi rau muống đồng, loại rau muống bị chìm trong nước nhú lên những cái đọt non mềm, cỡ một gang tay, trắng nõn, tưởng như có thể bẻ bằng mắt một cái “bụp” ngon ơ. Mùa nào thức ấy. Nhưng có hôm ta thèm thứ trái mùa lại gặp ở đây thứ trái mùa. Vô tình, chính con người nón rách áo túi cùng những món hàng đã khoác lên cho chợ ruộng một cái áo bình dị, một linh hồn hiền hậu mà rất đỗi thiêng liêng. Thêm vào đó một chút thâm trầm dân dã. Thì có gì dân dã bằng nắm rau càng cua mọc từ chái hè, mấy trái bình bát chín hườm mọc từ hào ranh, rổ đọt lúa hái từ sân trước…
Chỉ có vậy mà những bà nội trợ đảm đang mê đắm mê đuối chợ này. Họ mua được nhiều rau tươi, cá tươi, giá lại rẻ do gần như người bán chỉ lấy công làm lời. Họ mua được đầy ắp lòng tin từ bàn tay cần cù của những tấm lòng nông dân chân chất. Và những người xa quê đỡ nhớ quê nhà.
Những người ra chợ Cà Mau đều từ ngoại thành, từ những địa danh như Bà Bèo, Đàn Âm, Nhà Phấn, Tân Thành, An Xuyên vốn có truyền thống trồng rau, đi chợ.. Lọn rau muống giá 150 đồng, nhúm đọt chùm ruột giá 500 đồng, xấp lá chuối 1000 đồng… họ cũng tích cóp tháng ngày. Thật ra, nhà nào cũng có một vài công ruộng nhưng “ngồi không ăn lúa kho cũng hết, nên đi bán kiếm ít đỉnh tiền”. Khuya sớm gánh gồng đi chợ, chợ tan, các mẹ, các chị về nhà, lùa vội vài chén cơm, lại tần tảo quẩy giỏ, cầm dao ra vườn lo buổi chợ mai. Cắt, lặt, rửa, bó lọn… loay hoay cũng đến tận chiều. Bàn tay thấm nước, nhăn nheo, bàn tay tái nhợt. Vậy mà buồn (chắc là nông dân ai cũng buồn kiểu này), họ không định đoạt được giá cả món hàng. Nó có thể rẻ, rất rẻ (mồ hôi có rẻ vậy bao giờ).
Đội rau đi chợ trở thành một công việc đẹp của người nông dân tự đời nào không biết. Tìm được một người đi chợ lâu năm không khó, chỗ này, đằng kia đều có mặt những người dì “tính từ hồi đó đến giờ tui đi đứt cỡ 50 đôi dép Lào”. Họ là những người gắn bó máu thịt với cảnh chợ quê này không chỉ vì mưu sinh mà là mối gắn bó thiêng liêng. Không có rau, không đi chợ, đâm… buồn. Có người lặn lội đi bán từng trái bình bát chín, không đủ tiền đi xe thì đi bộ, “miễn sao đỡ ghiền chợ. Ở nhà buồn tay buồn chân, đi bán, một trăm đồng cũng đỡ một trăm”. Những đồng tiền nhỏ nhoi nhưng đầy niềm vui bởi nó được làm ra từ giọt mồ hôi mặn, từ tấm lòng lương thiện, thẳng ngay.
Những chuyến hàng lại ra chợ vào buổi sớm mai.
Nên sáng nay con đứng nhìn và con nhớ má. Ngày xưa, có phải má con mình ngồi đằng kia, trong góc đó? Và con ngồi chồm hổm, mắt ngó về ông già bán kẹo mà tay chắt chiu rổ trứng gà con con. Ôi! Nhớ hồi xưa quá, má há?
(Chợ của má, Nguyễn Ngọc Tư, in trong Tạp văn Nguyễn Ngọc Tư,
NXB Trẻ, TP.HCM, 2020, Tr.173-176)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Văn bản trên viết về đề tài gì? (0,5 điểm)
Câu 2. Điều gì đã gợi hứng cho tác giả viết tản văn trên? (0,5 điểm)
Câu 3. Dựa vào văn bản, hãy cho biết vì sao tác giả gọi cái chợ ruộng dân dã này là chợ của má ? (0,5 điểm)
Câu 4. Xác định nội dung của mỗi phần trong văn bản? (0,5 điểm)
Câu 5. Cái “tôi” trữ tình của tác giả thể hiện tình cảm, cảm xúc gì đối với chợ ruộng? (0,5 điểm)
Câu 6. Phân tích sự kết hợp giữa yếu tố tự sự và trữ tình được thể hiện trong văn bản? (1,0 điểm)
Câu 7. Anh/ chị rút ra được bài học gì cho bản thân sau khi đọc văn bản trên? (1,0 điểm)
Câu 8. Phân tích vẻ đẹp của những phiên chợ ruộng được tác giả miêu tả trong văn bản? (Viết khoảng 5 – 7 dòng).
LÀM VĂN (4,0 điểm)
Hãy viết bài văn thuyết minh về một nét văn hóa đặc sắc của quê hương mình hoặc một vùng đất mà anh/ chị từng đến.
ĐÁP ÁN ĐỀ 4
Phần | Câu | Nội dung | Điểm |
I | ĐỌC HIỂU | 6,0 | |
1 | Đề tài: Những cái chợ ruộng ở Cà Mau. | 0.5 | |
2 | Điều đã gợi hứng cho tác giả viết tản văn trên là: Từ hình ảnh người
má của tác giả. |
0.5 | |
3 | Tác giả gọi cái chợ ruộng dân dã này là chợ của má là vì: Bởi nó hiền lành, lam lũ như má, bởi chợ nhỏ nhoi, khiêm tốn như má, nhưng nó mang một cái hồn sâu, mênh mông lắm nên người ta nhắc nhớ
hoài, thương hoài như thương… má vậy. |
0.5 | |
4 | Nội dung của mỗi phần trong văn bản:
– Phần 1: Khái quát về chợ ruộng. – Phần 2: Những món hàng ở chợ ruộng. – Phần 3: Những người đi chợ ruộng. – Phần 4: Nỗi nhớ về má và những phiên chợ ruộng ngày xưa. |
0.5 | |
5 | Cái “tôi” trữ tình của tác giả thể hiện nỗi nhớ, tình yêu sâu nặng đối
với chợ ruộng. |
0.5 | |
6 | Sự kết hợp giữa yếu tố tự sự và trữ tình được thể hiện trong văn bản:
– Tự sự: Kể lại những hoạt động đặc trưng của các phiên chợ ruộng. – Trữ tình: + Thể hiện tình yêu, sự gắn bó sâu nặng đối với những phiên chợ ruộng. + Thể hiện nỗi nhớ da diết đối với người má của mình. |
1.0 | |
7 | Học sinh được tự do rút ra bài học, miễn là phù hợp và liên quan đến nội dung của văn bản. Tham khảo:
– Cần biết trân trọng, nâng niu những kỷ niệm. – Cần biết trân trọng những vẻ đẹp của quê hương, xứ sở của mình. |
1.0 | |
8 | Phân tích vẻ đẹp của những phiên chợ ruộng được tác giả nói tới trong văn bản:
– Những sản vật dân dã nhưng ngon lành đến từ đồng ruộng, vườn tược. – Những con người buôn bán chăm chỉ, tần tảo. – Chợ ruộng còn là nơi để người ta gặp gỡ, trò chuyện, tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. |
1.5 | |
II | VIẾT | 4,0 | |
a. Đảm bảo cấu trúc bài thuyết minh tổng hợp | 0,25 | ||
b. Xác định đúng vấn đề cần thuyết minh
Thuyết minh về một nét văn hóa đặc sắc của quê hương mình hoặc một vùng đất mà anh/ chị từng đến. |
0,5 | ||
c. Triển khai thành các luận điểm
Tham khảo: Thuyết minh về Lễ hội thổi tai của đồng bào Ba Na. Nghi lễ vòng đời đầu tiên… |
2.5 |
Đối với đồng bào Ba Na, lễ thổi tai là nghi lễ rất quan trọng cho một người mới sinh trong gia đình, vừa là niềm vui, vừa là trách nhiệm, gửi gắm mong muốn các thần linh tiếp tục bảo vệ và dạy bảo con trẻ lớn lên.
Người Ba Na quan niệm rằng trong những giai đoạn nhất định của đời người hay vòng cây cối, cá nhân, cộng đồng, vật nuôi sẽ chịu tác động của những vị thần linh khác nhau. Từ khi sinh ra đến lúc về thế giới ông bà, người Ba Na phải trải qua ít nhất hai, ba lễ cúng sức khoẻ. Lễ thổi tai được thực hiện đầu tiên trong các nghi lễ vòng đời của người Ba Na. Tổ chức lễ thổi tai để chúc phước, đặt tên cho em bé mới sinh và tạ ơn các thần linh, cầu cho đứa trẻ khoẻ mạnh, khôn ngoan, trở thành con người tốt của gia đình và cộng đồng. Tùy theo điều kiện kinh tế mà gia đình chọn thời điểm tổ chức lễ thổi tai cho em bé và quy mô lớn hay nhỏ. Có nơi thì tổ chức lễ khi em bé sinh được một tuần, hoặc khi em bé đã rụng rốn, và đặt tên cho bé. Nếu điều kiện khó khăn, đến khi em bé biết bò, thậm chí biết đi, gia đình mới làm lễ thổi tai, đặt tên. Để tiến hành nghi lễ cúng thổi tai cho em bé, gia đình chuẩn bị một con gà, ghè rượu cần; con trai thì gà trống, con gái thì gà mái. Cây nêu, mẹt, bầu đựng nước, dao, ống nứa thổi tai, bông vải, bát đồng, cuộn chỉ ô… Con gà sau khi mổ thịt, chọn ra một vài miếng gan, thịt, lòng, tiết… bỏ vào cái rổ nhỏ, lót lá cây sạch, rượu thì rót vào bát đồng để tiến hành lễ thổi tai. Bà đỡ, thầy cúng đến chúc phước, cầu mong sự may mắn; cúng thần hộ mệnh bảo vệ trẻ sơ sinh. Người ta không quên gọi các yang tổ tiên, ông bà; yang Đông yang Tây, yang rừng rú, suối sông; yang sinh đẻ, bảo vệ loài người… Khi cúng, người ta mang em bé sơ sinh ra bồng bế, vỗ nhẹ vào ngực, vào lưng em và thổi tượng trưng vào tai. … Nét đẹp văn hóa của đồng bào Ba Na Thầy cúng Đinh Girang (làng Leng, xã Tơ Tung, huyện K’bang, Gia Lai) đọc bài khấn: “Hỡi các yang (thần linh), này đây chúng ta dâng các thần bằng rượu ngọt, rượu chua, thịt heo gà, muốn tiến hành thổi tai cho nó, mong rằng các yang che chở, bao bọc, nuôi nấng, dìu dắt nó. Chúng ta cột ghè rượu ba, rượu năm để dâng cho thần đỡ đẻ, thần trông nom trẻ, mong sau này cả nhà đi rẫy lên nương, mẹ nó chẻ củi, lấy nước không có gì vướng mắc trắc trở; cầu cho em bé sống khoẻ mạnh đến thọ. Nó lớn lên được cha nhờ gánh nước, mẹ nhờ nương rẫy; người nó được khoẻ mạnh, uống rượu, vui chơi với mọi người không bị rượu đè, ma xui làm việc xấu. Nó sống khỏe mạnh cứng cáp, con gái lớn vùn vụt như măng lên, con trai khỏe như cọp không tóp không khô lại. Này đây, các loại rượu ngon, thịt thơm dâng cho các yang để sau này, ra sông, xuống suối, vào rừng |
lên núi; dù trời lạnh hay nóng, mưa hay nắng luôn luôn được các yang che chở cho nó suốt cuộc đời…”.
Khấn xong, thầy cúng Đinh Girang xoa nhẹ vào đầu, vào ngực, vào lưng, tay chân em bé, và thổi tượng trưng vào tai bé. Thực hiện xong nghi lễ, thầy cúng mời bà đỡ uống trước, sau đến cha mẹ em bé, rồi đến bà con họ hàng, thôn, làng cùng uống vui với gia đình ca hát. Sau phần nghi thức tại không gian nhà sàn truyền thống là phần hội với sự giao lưu của đồng bào dân tộc Ba Na cùng đồng bào các dân tộc và du khách cùng uống rượu chung vui, ca hát, hòa tấu nhạc cụ dân tộc và cầu chúc em bé sẽ luôn khỏe mạnh, khôn ngoan, lanh lợi, trở thành người có ích cho xã hội. |
|||
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt. |
0,25 | ||
e. Sáng tạo: Bài viết có giọng điệu riêng; cách diễn đạt sáng tạo, văn
phong trôi chảy. |
0,5 | ||
Tổng điểm | 10.0 |