Đề văn 11 thuyết minh về văn hoá ứng xử của giới trẻ

VIẾT VĂN BẢN THUYẾT MINH

 Đề bài

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

Văn hóa ứng xử trong quan hệ gia đình của người Việt

Văn hóa ứng xử của người Việt đã được hình thành trong quá trình giao tiếp qua 4000 năm dựng nước và giữ nước. Cái đẹp trong văn hóa ứng xử được cha ông ta lưu giữ, truyền lại từ đời này sang đời khác. Ngày nay mặc dù xã hội đã có nhiều thay đổi nhưng giao tiếp ứng xử vẫn có tầm quan trọng đặc biệt. Nó tạo nên các mối quan hệ đẹp có văn hóa, có đạo đức trong cộng đồng dân cư.

Từ xa xưa, văn hoá ứng xử trong gia đình đã được ông cha ta đặc biệt coi trọng: Gia đình phải có gia giáo; gia lễ; gia pháp; gia phong mà mỗi người trong gia đình phải tuân thủ theo hết sức nghiêm ngặt.

Văn hóa ứng xử trong gia đình được người Việt đề cao và rất coi trọng. Trong kho tàng tục ngữ, ca dao Việt Nam cho thấy có rất nhiều câu thể hiện điều này. Từ lúc mới sinh ra, con người đã được đặt trong sự gắn bó thiêng liêng của tình mẫu tử, phụ tử: “Phụ tử tình thâm”, “Xương cha, da mẹ”, “Cá chuối đắm đuối vì con”. Khi khôn lớn mỗi người không thể quên công ơn dưỡng dục của cha mẹ:

Công cha ba năm tình thâm lai láng
Nghĩa mẹ đậm đà chín tháng cưu mang
Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn
Biết lấy chi đền nghĩa khó khăn
Hai đứa mình lên non lấy đá xây lăng phụng thờ

Chữ “hiếu” luôn được đề cao trong quan hệ ứng xử với cha mẹ và được thể hiện bằng tục báo hiếu. Mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái, con cái đối với cha mẹ đã được ông cha ta nâng lên thành đạo làm cha mẹ, đạo làm con. Từ mối quan hệ chủ đạo này đã hình thành nên đạo thờ ông bà tổ tiên, đạo thờ cha mẹ, góp phần nuôi dưỡng cho con người tình cảm “Uống nước nhớ nguồn”.

Đối với quan hệ vợ chồng, sự hoà thuận và tình nghĩa thuỷ chung luôn mang ý nghĩa thiêng liêng, sâu nặng, là mối ràng buộc trách nhiệm cao suốt đời người:

Áo vá vai vợ ai không biết
Áo vá quàng chỉ biết vợ anh

Những nét đẹp ứng xử trong gia đình đã hình thành nên nhiều giá trị văn hoá mang tính truyền thống của người Việt như: Sự hoà thuận, chung thuỷ, tình nghĩa, lòng yêu thương và hy sinh cho con cái, tôn trọng và hiếu đễ với cha mẹ, anh em. Nhiều gia đình Việt Nam xưa nhờ biết duy trì lối ứng xử có văn hoá đã tạo ra nền nếp, kỷ cương để mọi người cùng noi theo. Chính gia lễ, gia phong ấy là cái gốc của gia đình, giữ cho con người Việt Nam, gia đình và xã hội Việt Nam một sức sống mãnh liệt và sự trong sáng với cội nguồn. Thời nay, trong gia đình, dù văn hóa ứng xử có thay đổi rất nhiều so với ngày xưa, nhưng những khuôn phép của mỗi gia đình vẫn không thể thiếu được.

 (Chiều Lê,  https://vhntcantho.edu.vn, ngày 14/01/2020)

 

Câu 1. Theo tác giả, văn hóa ứng xử của người Việt được hình thành trong quá trình nào?

Câu 2. Những giá trị văn hoá nào được hình thành từ nét đẹp ứng xử trong gia đình?

Câu 3. Câu văn “Từ xa xưa, văn hoá ứng xử trong gia đình đã được ông cha ta đặc biệt coi trọng: Gia đình phải có gia giáo; gia lễ; gia pháp; gia phong mà mỗi người trong gia đình phải tuân thủ theo hết sức nghiêm ngặt.” sử dụng biện pháp tu từ gì? Phân tích hiệu quả.

Câu 4. Tìm những câu ca dao hay tục ngữ nói về cách ứng xử trong trong cuộc sống.

Câu 5. Theo em, chúng ta cần làm gì để văn hóa ứng xử trong gia đình mãi là một nét đẹp của người dân đất Việt? (trả lời khoảng 4 – 5 câu)

  1. LÀM VĂN (4,0 điểm) Chọn 1 trong 2 dạng thuyết minh

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) thuyết minh về thực trạng văn hóa ứng xử của giới trẻ trong cộng đồng.

Hướng dẫn đáp án chi tiết  

  1. ĐỌC – HIỂU
Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 6,0
  1 Theo tác giả, văn hóa ứng xử của người Việt được hình thành trong quá trình giao tiếp qua 4000 năm dựng nước và giữ nước

Hướng dẫn chấm:

Trả lời như đáp án: 0.5 điểm

– Trả lời sai/ Không trả lời: 0 điểm

1,0
  2 Những giá trị văn hoá được hình thành từ nét đẹp ứng xử trong gia đình: Sự hoà thuận, chung thuỷ, tình nghĩa, lòng yêu thương và hy sinh cho con cái, tôn trọng và hiếu đễ với cha mẹ, anh em.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án: 1,0 điểm.

– Học sinh trả lời 1/2 đáp án: 0.5 điểm.

– Học sinh trả lời sai hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

1,0
  3 Câu văn “Từ xa xưa, văn hoá ứng xử trong gia đình đã được ông cha ta đặc biệt coi trọng: Gia đình phải có gia giáo; gia lễ; gia pháp; gia phong mà mỗi người trong gia đình phải tuân thủ theo hết sức nghiêm ngặt.”

–         Sử dụng biện pháp tu từ : Liệt kê (gia giáo, gia lễ, gia pháp, gia phong)

–         Hiệu quả nghệ thuật:

+ Tạo nhịp điệu cho câu văn

+ Nhấn mạnh về giá trị văn hóa ứng xử từ ngàn đời của ông cha ta

+ Thể hiện thái độ trân trọng văn hóa ứng xử truyền thống

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án: 1.0 điểm.

– Học sinh trả lời 1/2 đáp án: 0.5 điểm.

– Học sinh trả lời ý 2 nhưng không đầy đủ như đáp án: 0.25 điểm.

– Học sinh trả lời sai hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

1,0
  4 Những câu ca dao hay tục ngữ nói về cách ứng xử trong cuộc sống:

Học sinh có nhiều cách trả lời khác nhau,yêu cầu đúng thể loại (ca dao/tục ngữ)

Gợi ý

–                    “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang

Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”

–                           “Lời nói chẳng mất tiền mua

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”

 

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án (hoặc có cách diễn đạt tương tự)

– Học sinh trả lời sai hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

1,5
  5 Học sinh nêu được từ 3 việc làm 1 cách hợp lí; diễn đạt rõ ràng không mắc lỗi được 1,0 điểm

Hs nêu được 2 việc làm 1 cách hợp lí; diễn đạt rõ ràng không mắc lỗi được 0, 75 điểm

Hs nêu được 1 việc làm 1 cách hợp lí, diễn đạt rõ ràng được 0,5 điểm

Hs nêu được 1 việc làm 1 cách hợp lí, diễn đạt chưa thật rõ ràng, còn mắc lỗi được 0,25 điểm

HS không làm hoặc làm sai không cho điểm

1,5
II   LÀM VĂN 4,0
  1 Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) thuyết minh về thực trạng văn hóa ứng xử của giới trẻ trong cộng đồng.

 

 
    a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của bài văn:

 Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung của bài văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

0,5
    b. Xác định đúng vấn đề thuyết minh:

Xác định đúng vấn đề thuyết minh:  thực trạng văn hóa ứng xử của giới trẻ trong cộng đồng.

0,5
    c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận

* Mở bài:

– Giới thiệu văn hóa ứng xử của giới trẻ hiện nay

– Nêu khái quát hiện tượng ứng xử của giới trẻ hiện nay: đây là hiện tượng đáng bàn vì có nhiều mặt tích cực và tiêu cực ảnh hưởng đến đời sống giới trẻ và xã hội.

* Thân bài:

-Thuyết minh về thực chất của hiện tượng văn hóa ứng xử của giới trẻ hiện nay

+ Giải thích:

++Ứng xử được định nghĩa là sự giao tiếp cả về lời nói và cử chỉ của con người khi gặp các tình huống xã hội.

++ Văn hóa ứng xử của giới trẻ là sự giao tiếp, hành vi ứng xử của giới trẻ trong môi trường gia đình, nhà trường , xã hội

+ Biểu hiện của hiện tượng ứng xử của giới trẻ hiện nay:

++ Văn hóa ứng xử của giới trẻ đã có sự giao thoa nhuần nhuyễn giữa Đông và Tây, giữa cái mới và cái cổ điển.

++ Có cơ hội được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa mới, từ đó hình thành cung cách văn hóa ứng xử tiến bộ, hợp thời. Không còn chịu ảnh hưởng của những hủ tục xưa cũ như , các bạn trẻ thể hiện hành vi ứng xử văn minh hơn như tôn trọng phụ nữ, môi trường, quyền riêng tư…

++ Ngoài ra, được bồi bổ kiến thức đa chiều, văn hóa ứng xử của các bạn trẻ cũng được nâng tầm, từ đó tác động đến những lối suy nghĩ còn lạc hậu, không theo kịp thời đại nhằm từng bước thay đổi, loại trừ.

– Cung cấp thông tin về thực trạng ứng xử của giới trẻ

+ Các khía cạnh của thực trạng trong văn hóa ứng xử của giới trẻ hiện nay: Văn hóa ứng xử của các bạn trẻ được xét trên các khía cạnh như cách đối xử với người thân trong gia đình như ông bà, cha mẹ, người thân, hay đối xử với mọi người xung quanh và đối xử với chính bản thân mình. Có thể khẳng định một điều chắc chán rằng: đa phần giới trẻ đều được giáo dục từ nhỏ về bài học lễ nghi, chào hỏi người lớn tuổi nên dù có hội nhập, những đức tính tốt đẹp ấy vẫn được bảo tồn và phát huy.

++ Tích cực: Trong gia đình con cái vẫn được giáo dục chữ lễ – tín – hiếu- nghĩa. Ra ngoài xã hội, các bạn dần có nếp sống văn minh hơn như biết xếp hàng đợi đến lượt, nói lời cảm ơn,… Ngay với những vấn đề cá nhân như tình yêu, giới trẻ cũng biết cách ăn nói sao cho hấp dẫn, biết đối xử vừa công bằng vừa hợp tình để duy trì mối quan hệ dài lâu. Các bạn trẻ cũng biết tôn trọng sở thích cá nhân, không có thói quen chê bai, dè bỉu, đánh giá một người khác biệt về phong cách ăn mặc. Như vậy, nhìn chung, văn hóa ứng xử của giới trẻ ngày nay là điều đáng mừng đối với toàn thể công dân xã hội.

++ Tiêu cực: Với nếp sống nhanh, sống gấp, một số bạn trẻ tự cho rằng bản thân mình là cái rốn của vũ trụ, sinh ra thói tự kiêu, tự cao tự đại, chỉ cần bản thân mình mong muốn thì mọi người phải làm theo ý mình. Lối suy nghĩ này rất dễ dẫn đến cách ăn nói xấc xược, hỗn láo khi cha mẹ không ủng hộ ý kiến, ngoài xã hội thì sẵn sàng phản bác, thậm chí gây gổ, dùng đến bạo lực nếu như bị làm phật ý. Thường những đối tượng này sẽ sống cô lập, xa lánh xã hội và ngày càng trở nên tiêu cực. Họ dễ rơi vào tình trạng trầm cảm do thiếu hụt kĩ năng giao tiếp cũng như tính ái kỉ khiến họ có cái nhìn nông nổi, hạn hẹp. Không những vậy, hành vi ứng xử thô lỗ, cục cằn của những bạn trẻ như vậy dễ gây ảnh hưởng tới trật tự an ninh công cộng và những người xung quanh. Điều này càng thể hiện rõ trên các trang mạng xã hội. Hậu quả không những nguy hiểm đến tính mạng, bị phạt hành chính mà còn gây mất trật tự, ảnh hưởng đến bản thân giới trẻ và toàn xã hội

+ Nguyên nhân:

++ Nguyên nhân khách quan: Tình trạng xuống dốc trong văn hóa ứng xử của giới trẻ hiện nay là do ảnh hưởng lối sống của thời đại mới có xu hướng sao chép lẫn nhau của bộ phận các bạn trẻ. Tiếp đó là do môi trường sống, môi trường giáo dục còn nặng tri thức chưa chú trọng giáo dục kĩ năng sống, chưa đi kịp với sự phát triển của công nghệ. Một phần rất lớn là do gia đình chưa  theo sát sự phát triển của con cái, do công việc bận rộn, nhiều cha mẹ sẵn sàng để con cái phát triển một cách bản năng, thiếu đi định hướng ứng xử, hành vi khiến những đứa trẻ mất phương hướng, không biết thế nào là đúng sai, dẫn đến hậu quả khi lớn thường khó hòa nhập và giao tiếp với cộng đồng.

++ Nguyên nhân chủ quan: Nhưng lí do quan trọng nhất vẫn là nằm ở bản thân ý thức của mỗi người.

+ Hệ quả: Giới trẻ không ngại ngần phá vỡ các quy chuẩn văn hóa dân tộc như kính trên nhường dưới, coi nhẹ chuẩn mực đạo đức xã hội, ma túy, mại dâm,… Thậm chí, việc sống thử trước hôn nhân cũng được các bạn trẻ hào hứng đón nhận, coi đó là hành động hợp mốt, hợp thời, gây ra những hậu quả đáng tiếc như có thai ngoài ý muốn dẫn đến nạo phá thai. Với những nước đã phát triển, giới trẻ thường được giáo dục cách bảo vệ bản thân ngay từ khi còn nhỏ thì tại Việt Nam, việc áp dụng một cách nửa vời vô hình dung gây ra những hậu họa đáng tiếc cho chính bản thân giới trẻ.

 

+ Giải pháp: Nhà trường, gia đình và xã hội cần có sự phối hợp tác động về mọi mặt. Gia đình uốn nắn hành vi của con trẻ từ khi còn nhỏ, thường xuyên quan tâm, điều chỉnh cách ứng xử củ con cái độ tuổi hình thành nhân cách. Nhà trường cần có hệ thống giáo dục bài bản, linh hoạt, vừa đáp ứng nhu cầu mở rộng văn hóa, vừa đảm bảo khuôn khổ chuẩn mực đạo đức. Với xã hội, cần có những chế tài xử phạt nghiêm minh trước những hành vi sai trái, đồng thời tuyên dương những hành động đẹp nhằm biểu dương và khích lệ các bạn trẻ sống theo đúng đạo đức, truyền thống dân tộc

 

* Kết bài: Rút ý nghĩa của việc nhận thức đúng về hành vi ứng xử.

 

    2,0
    d. Viết bài  văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề thuyết minh.

– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục , có kết hợp các yếu tố tự sự, trữ tình…trong quá trình thuyết minh.

0,5
    đ. Diễn đạt:

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.

0,25
    e. Sáng tao: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh, yếu tố biểu cảm,…) 0,25
Tổng điểm   10,0

 

 

Bài viết tham khảo:

“Điều bạn nói không quan trọng mà quan trọng là cách bạn nói, nơi đó ẩn giấu bí mật của thời gian.” (William Carlos Williams). Quả đúng vậy, điều bạn nói, cách bạn nói thể hiện nhận thức của bạn, cách ứng xử của bạn. Trong cuộc sống không phải lúc nào cách ứng xử của chúng ta cũng mang lại sự hài lòng, dễ chịu cho người khác, có khi lại làm cho người khác khó chịu, tổn thương. Vấn đề ứng xử trong cuộc sống luôn là câu chuyện dài, chưa bao giờ văn hóa ứng xử lại trở thành tâm điểm được bàn nhiều như trong cuộc hiện đại ngày nay, đặc biệt là văn hóa ứng xử của giới trẻ

      Ứng xử được định nghĩa là sự giao tiếp cả về lời nói và cử chỉ của con người khi gặp các tình huống xã hội. Mỗi người sẽ có một thái độ, hành vi khác nhau khi bị đặt vào trong cùng một trường hợp bị tác động, tùy thuộc vào tính cách và học thức của người đó. Cách ứng xử chính là tấm gương phản chiếu thẳng thắn nhất bản chất của mỗi người, cách bạn nói năng, hành xử với những người xung quanh quyết định bạn là ai, bạn đáng giá bao nhiêu. Không phải ngẫu nhiên mà vấn đề ứng xử của giới trẻ hiện này dấy lên những quan ngại, lo lắng, bởi bên cạnh những mặt tích cực còn có rất nhiều vấn đề tiêu cực ngày càng nổi cộm.

Trong cuộc sống hiện nay, văn hóa ứng xử của giới trẻ đã có sự giao thoa nhuần nhuyễn giữa Đông và Tây, giữa cái mới và cái cổ điển. Ở thời đại công nghệ 4.0 cùng với sự bùng nổ của thiết bị công nghệ, các bạn có cơ hội được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa mới, từ đó hình thành cung cách văn hóa ứng xử tiến bộ, hợp thời. Không còn chịu ảnh hưởng của những hủ tục xưa cũ như , các bạn trẻ thể hiện hành vi ứng xử văn minh hơn như tôn trọng phụ nữ, môi trường, quyền riêng tư… Ngoài ra, được bồi bổ kiến thức đa chiều, văn hóa ứng xử của các bạn trẻ cũng được nâng tầm, từ đó tác động đến những lối suy nghĩ còn lạc hậu, không theo kịp thời đại nhằm từng bước thay đổi, loại trừ.

Văn hóa ứng xử của các bạn trẻ được xét trên các khía cạnh như cách đối xử với người thân trong gia đình như ông bà, cha mẹ, người thân, hay đối xử với mọi người xung quanh và đối xử với chính bản thân mình. Có thể khẳng định một điều chắc chán rằng: đa phần giới trẻ đều được giáo dục từ nhỏ về bài học lễ nghi, chào hỏi người lớn tuổi nên dù có hội nhập, những đức tính tốt đẹp ấy vẫn được bảo tồn và phát huy. Trong gia đình con cái vẫn được giáo dục chữ lễ – tín – hiếu- nghĩa. Ra ngoài xã hội, các bạn dần có nếp sống văn minh hơn như biết xếp hàng đợi đến lượt, nói lời cảm ơn,… Ngay với những vấn đề cá nhân như tình yêu, giới trẻ cũng biết cách ăn nói sao cho hấp dẫn, biết đối xử vừa công bằng vừa hợp tình để duy trì mối quan hệ dài lâu. Các bạn trẻ cũng biết tôn trọng sở thích cá nhân, không có thói quen chê bai, dè bỉu, đánh giá một người khác biệt về phong cách ăn mặc. Như vậy, nhìn chung, văn hóa ứng xử của giới trẻ ngày nay là điều đáng mừng đối với toàn thể công dân xã hội.

Mặt khác, văn hóa ứng xử của giới trẻ hiện nay còn rất nhiều vấn đề cần bàn sâu bởi mặt trái của vấn đề còn nhiều khía cạnh tiêu cực đáng quan tâm. Với nếp sống nhanh, sống gấp, một số bạn trẻ tự cho rằng bản thân mình là cái rốn của vũ trụ, sinh ra thói tự kiêu, tự cao tự đại, chỉ cần bản thân mình mong muốn thì mọi người phải làm theo ý mình. Lối suy nghĩ này rất dễ dẫn đến cách ăn nói xấc xược, hỗn láo khi cha mẹ không ủng hộ ý kiến, ngoài xã hội thì sẵn sàng phản bác, thậm chí gây gổ, dùng đến bạo lực nếu như bị làm phật ý. Thường những đối tượng này sẽ sống cô lập, xa lánh xã hội và ngày càng trở nên tiêu cực. Họ dễ rơi vào tình trạng trầm cảm do thiếu hụt kĩ năng giao tiếp cũng như tính ái kỉ khiến họ có cái nhìn nông nổi, hạn hẹp. Không những vậy, hành vi ứng xử thô lỗ, cục cằn của những bạn trẻ như vậy dễ gây ảnh hưởng tới trật tự an ninh công cộng và những người xung quanh. Điều này càng thể hiện rõ trên các trang mạng xã hội. Hậu quả không những nguy hiểm đến tính mạng, bị phạt hành chính mà còn gây mất trật tự, ảnh hưởng đến bản thân giới trẻ và toàn xã hội. Ví dụ như vụ việc 3 nữ sinh ở Đồng Nai đã dùng tay, mũ bảo hiểm đánh hội đồng nữ sinh 13 tuổi rồi đăng lên Facebook do mâu thuẫn trong cách xưng hô. Chỉ vì cho rằng một nữ sinh 13 tuổi bình luận trên Facebook và xưng hô nói chuyện “ngang hàng phải lứa” mà cả 3 bạn đã hẹn nhau để đánh hội đồng và quay lại đoạn clip để đăng lên Facebook. Hay vụ việc nữ diễn viên hàn quốc Sulli chính là nạn nhân của bạo lực mạng, chính những bình luận tiêu cực của cư dân mạng khiến cho Suli ra một quyết định đau lòng đó chính là tự sát khi cô chỉ mới 25 tuổi, những lời nói tưởng chừng như chỉ là thú vui của ai đó nhưng nó lại chính là con dao vô hình cướp đi mạng sống của một con người. Hậu quả là đạo đức, cách ứng xử của giới trẻ những “chủ nhân tương lai của đất nước” ngày càng đi xuống, không dừng lại ở đó mà nó còn ảnh hưởng đến gia đình, xã hội và đất nước

Tình trạng xuống dốc trong văn hóa ứng xử của giới trẻ hiện nay là do ảnh hưởng lối sống của thời đại mới có xu hướng sao chép lẫn nhau của bộ phận các bạn trẻ. Các bạn trẻ ngày nay luôn đặt vấn đề sành điệu, hợp mốt lên hàng đầu, ví dụ như nhìn thấy hình ảnh khiếm nhã từ các Iddo, lập tức giới trẻ thường học đòi và bắt chước với mong muốn trông giống thần tượng. Tiếp đó là do môi trường sống, môi trường giáo dục còn nặng tri thức chưa chú trọng giáo dục kĩ năng sống, chưa đi kịp với sự phát triển của công nghệ. Một phần rất lớn là do gia đình chưa  theo sát sự phát triển của con cái, do công việc bận rộn, nhiều cha mẹ sẵn sàng để con cái phát triển một cách bản năng, thiếu đi định hướng ứng xử, hành vi khiến những đứa trẻ mất phương hướng, không biết thế nào là đúng sai, dẫn đến hậu quả khi lớn thường khó hòa nhập và giao tiếp với cộng đồng. Nhưng lí do quan trọng nhất vẫn là nằm ở bản thân ý thức của mỗi người. Con người rất dễ bị ảnh hưởng bởi những hành vi ứng xử xấu, kém văn minh, nếu không giữ vững lập trường và luôn tuân thủ các giới hạn ứng xử của bản thân thì rất dễ sa ngã.

Sự xuống cấp trong văn hóa ứng xử của giới trẻ hiện nay còn thể qua lối sống “gấp”, lối sống “vội”, sống buông thả, sống nay không biết ngày mai. Bị ảnh hưởng bởi phong cách sống phương Tây, các bạn trẻ cho rằng sống để hưởng thụ, để làm những điều mình thích. Giới trẻ không ngại ngần phá vỡ các quy chuẩn văn hóa dân tộc như kính trên nhường dưới, coi nhẹ chuẩn mực đạo đức xã hội, ma túy, mại dâm,… Thậm chí, việc sống thử trước hôn nhân cũng được các bạn trẻ hào hứng đón nhận, coi đó là hành động hợp mốt, hợp thời, gây ra những hậu quả đáng tiếc như có thai ngoài ý muốn dẫn đến nạo phá thai. Với những nước đã phát triển, giới trẻ thường được giáo dục cách bảo vệ bản thân ngay từ khi còn nhỏ thì tại Việt Nam, việc áp dụng một cách nửa vời vô hình dung gây ra những hậu họa đáng tiếc cho chính bản thân giới trẻ.

 

Đứng trước thực xuống cấp trong văn hoa ứng xử của giới trẻ hiện nay, nhà trường, gia đình và xã hội cần có sự phối hợp tác động về mọi mặt. Gia đình uốn nắn hành vi của con trẻ từ khi còn nhỏ, thường xuyên quan tâm, điều chỉnh cách ứng xử của con cái độ tuổi hình thành nhân cách. Nhà trường cần có hệ thống giáo dục bài bản, linh hoạt, vừa đáp ứng nhu cầu mở rộng văn hóa, vừa đảm bảo khuôn khổ chuẩn mực đạo đức. Với xã hội, cần có những chế tài xử phạt nghiêm minh trước những hành vi sai trái, đồng thời tuyên dương những hành động đẹp nhằm biểu dương và khích lệ các bạn trẻ sống theo đúng đạo đức, truyền thống dân tộc

Văn hóa ứng xử là một thứ không thể thiếu trong cuộc sống con người, nó chính là chiếc chìa khóa để chúng ta kết nối với mọi người xung quanh. Ứng xử khôn khéo thể hiện trí tuệ và nhân cách của một con người. Những cách ứng xử tốt đẹp tạo nên một thế hệ trẻ tiến bộ, văn minh. Những hành vi xấu làm suy đồi đạo đức giới trẻ, bôi nhọ hình ảnh tương lai đất nước. Như ông bà ta đã nói:

“Chim khôn kêu tiếng rảnh rang

Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”

Chúng ta hãy lựa những lời hay ý đẹp để đối xử với nhau vì những lời nói hành động là thứ sẽ gắn bó với chúng ta cả đời.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *