Cảm nhận về đoạn trích “ Ra-ma buộc tội” trích trong sử thi  Ra-Ma-Ya-Na.

Đề bài: Cảm nhận về đoạn trích “ Ra-ma buộc tội” trích trong sử thi Ra-Ma-Ya-Na.

 

Bài làm

     Từ thuở khai thiên lập địa, khi thiên chúa tạo ra loài người. Con người họ sống với nhau chỉ bằng hoạt động giao tiếp và trao đổi thức ăn, để sự sống ấy không bị nhàm chán đến lụi tàn thì văn học sinh ra để cứu rỗi lấy những gì tốt đẹp nhất để níu giữ tâm hồn con người. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, từ thời mông muội xa xưa cho tới nay, văn học đã xuất hiện và gắn bó với con người như một sự trợ giúp linh hồn, gửi gắm những ước mơ khát vọng. Là một trong những cái nôi văn minh đầu tiên của loài người, nền văn học của Ấn Độ cũng sớm được hình thành và phát triển mạnh mẽ, nhắc đến văn học Ấn Độ chắc hẳn chúng ta sẽ biết đến bộ sử thi nổi tiếng Ramayana. 

      Sử thi, loại hình văn học hình thành ngay trong buổi đầu của đời sống cộng đồng cũng không nằm ngoài vai trò giúp đỡ con người trong quá trình nhận thức. Sử thi là bức tranh rộng và hoàn chỉnh về đời sống nhân dân với nhân vật là những anh hùng, dũng sĩ đại diện cho một thế giới nào đó….. phản ánh nhận thức, cách lí giải của con người cổ đại về các hiện tượng trong thế giới tự nhiên và xã hội. Nhân vật trung tâm là những con người mang tầm vóc lớn lao, phi thường mà cũng rất gần gũi, thân quen. Khi đối mặt với kẻ thù, họ anh dũng vô song nhưng khi đối mặt với người yêu dấu cũng lại có những say mê, giận hờn, nghi hoặc… Đoạn trích Ra-ma buộc tội trong sử thi Ra-ma-ya-na là một minh chứng. Nội dung đoạn trích tập trung vào sự ghen tuông và ngờ vực của Ra-ma song thành công hơn cả là khắc hoạ được những đợt sóng lòng, tâm trạng nàng Xi-ta trước cơn bão tố của người chồng. . Qua cách ứng xử, hành động của hai nhân vật sau những ngày xa cách đã phần nào bộc lộ những phẩm chất đẹp đẽ của họ.

  Không gian gặp gỡ giữa hai người là không gian cộng đồng, diễn ra trước sự chứng kiến của tất cả mọi người. Lấy không gian này, Ra-ma nhằm công khai hóa lời buộc tội với vợ, đồng thời thể hiện uy tín và danh dự của một đức vua trong tương lai. Chính bối cảnh này cũng có tác động mạnh mẽ đến ngôn ngữ, tâm lí của hai nhân vật. Ra-ma đứng trên hai tư cách, một là người chồng, hai là tư thế một vị anh hùng phải bảo vệ danh dự của bản thân, của cả cộng đồng. Điều đó khiến cho tâm trạng chàng có sự đấu tranh giằng xé giữa lí trí và tình cảm. Xi-ta vô cùng đau đớn, xấu hổ khi bị chính chồng mình buông ra những lời buộc tội trước cộng đồng. Nàng cảm thấy mình bị sỉ nhục. Đây chính là hoàn cảnh thử thách mà hai nhân vật chính phải vượt qua để khẳng định danh dự, phẩm chất của bản thân. Có thể nói Ra-ma là nhân vật hội tụ đẩy đủ những nét tính cách của một vị vua anh hùng như ao ước của dân chúng thời đại đó. Theo quy luật tâm lí thông thường thì lẽ ra gặp lại vợ sau một thời gian dài xa cách Ra-ma phải hết sức vui mừng và niềm vui to lớn ấy sẽ chi phối mọi suy nghĩ cùng hành động của chàng. Thế nhưng Ra-ma lại không như vậy. Chàng nói với Xi ta: “Hỡi phu nhân cao quý, Ta đã đưa nàng tới đây sau khi đã đánh bại kẻ thù. Ta đã làm tất cả bằng khả năng của mình. Ta đã trả thù kẻ lăng nhục ta và cơn giận của ta đã hả. Ngày hôm nay, ai nấy đều đả được chứng kiến tài nghệ của ta. Ta đã làm tròn lời hứa và giờ đây không còn gì vướng mắc với chính mình…” Rõ ràng là khẩu khí của người anh hùng tài ba và coi trọng danh dự hơn cả mạng sống của bản thân. Ra-ma đã chiến đấu và chiến thắng quỷ vương Ra-va-na trước hết là vì danh dự dòng dõi cao quý của mình, vốn là người thẳng thắn, trung thực, chàng không giấu diếm suy nghĩ về người vợ mà chàng vừa giành lại được từ tay quỷ vương:… “Phải biết chắc điều này: chẳng phải vì nàng mà ta đã đánh thắng kẻ thù với sự giúp đỡ của bạn bè. Ta làm điều đó vì nhân phẩm của ta, để xóa bỏ vết ô nhục, để bảo vệ uy tín và danh dự của dòng họ lẫy lừng tiếng tăm của ta”. Cuộc gặp gỡ giữa Ra-ma và Xi-ta không chỉ có hai người mà diễn ra trước đông đảo anh em, bạn hữu và dân chúng. Vì thế Ra-ma không thể chỉ cư xử với tự cách của một người chồng mà còn với tư cách của một vị anh hùng vừa chiến thắng kẻ thù một cách vinh quang và cao hơn nữa là tư cách của một đấng quân vương. Do vậy ta không thể trách Ra-ma quá lạnh lùng, tàn nhẫn, vì con người của giai cấp, con người của xã hội trong chàng buộc chàng phải cư xử như vậy với người vợ mà chàng trân trọng gọi là phu nhân cao quý. Suy nghĩ của hoàng tử Ra-ma tiêu biểu cho quan điểm đạo đức của giai cấp quý tộc Ấn Độ thời đó. Tuy nhiên, nó cũng có những điều gần gũi với suy nghĩ của phần lớn đàn ông trong xã hội phong kiến với rất nhiều ràng buộc khắt khe. Đối với Ra-ma thì danh dự của bản thân, gia đình và dòng tộc là quan trọng nhất, cho nên dẫu yêu thương người vợ hiền thục, xinh đẹp đến mấy đi chăng nữa thì chàng vẫn phải chối từ vì không thể vượt lên trên dư luận. Mặc dù nói những lời như vậy, nhưng khi buộc tội Xi-ta lòng Ra-ma lại đau như cắt, dù vậy chàng vẫn phải nói những lời lạnh lùng, “nàng muốn đi đâu tùy nàng, ta không ưng có nàng nữa”. Trong lời cáo buộc, Ra-ma chỉ nói đến danh dự, nhân phẩm mà quên đi tình nghĩa vợ chồng. Lí do chàng đưa ra chính là do Xi-ta đã lưu lại quá lâu trong nhà của một kẻ xa lạ. Trong lời buộc tội Ra-ma dùng rất nhiều từ ngữ có tính khẳng định “ta biết chắc điều này” “phải biết chắc điều này…” thể hiện một tâm trạng đau đớn, dường như nói những điều đó ra, lòng Ra-ma còn đau đớn hơn Xi-ta gấp ngàn lần. Trong những lời buộc tội đó ta không chỉ thấy sự lạnh lùng mà còn thấy một trái tim yêu đương cháy bỏng đang ghen tuông, chẳng có người chồng nào lại không ghen khi thấy vợ mình bị bắt bởi một người đàn ông khác.  Nhưng đau đớn nhất là giờ phút Ra-ma phải chứng kiến Xi-ta bước lên giàn lửa, lúc ấy “trông chàng khủng khiếp như thần chết vậy”. Chàng ngồi đó mắt dán xuống đất. Chắc hẳn trong thời khắc đó, Ra-ma đã đau đớn, dằn vặt hơn bất cứ người nào khác. Qua đoạn trích ta có thể thấy Ra-ma hiện lên là một người anh hùng có sức mạnh phi thường, một bậc quân vương trọng danh dự, nhân phẩm, nhưng chàng cũng là người giàu tình nghĩa, luôn yêu thương vợ. 

Như bao người phụ nữ cao quí trên đời, Xi-ta yêu chồng và hết mực thuỷ chung. Tài sắc tuyệt thế giai nhân, lớn lên trong vương giả. Song vì chồng mà không ngại gian nan, mười bốn năm lưu đày vẫn được xem là hạnh phúc bên người chồng dấu yêu. Khó khăn sắp qua đi thì sóng gió lại ập đến. Dường như thần linh còn muốn thử thách người con gái của mình. Bị quỷ vương Ra-va-na bắt đi, nàng vẫn một lòng son sắt, không để linh hồn và thân xác mình bị vấy bẩn bởi kẻ thù. Ngày ngày kiên tâm chờ đợi. Thế nhưng chính giờ phút mà nàng mong mỏi nhất được cứu thoát bởi người chồng thì lại phải thấm đẫm nước mắt. Ra-ma tiêu diệt Ra-va-na và coi đó là một chiến công hiển hách là một điều mà bất kì người nào “bị sỉ nhục” đều phải hành động như thế, cũng là lúc con rắn của lòng ghen tuông ngờ vực trỗi dậy, bùng lên trong lòng chàng, bởi Xi-ta quá đỗi là xinh đẹp và yêu kiều. Tình yêu khi đã thành ghen tuông mù quáng đồng nghĩa với sự làm tổn thương tới người mà mình yêu thương. Ra-ma đã buông ra những lời thật lạnh lùng và tàn nhẫn làm sao: “Hỡi phu nhân cao quý” hay “ta đã làm tròn lời hứa”… Thật xa cách, đâu có chút gì gợi lên tình cảm vợ chồng… Quá bất ngờ Xi-ta chỉ còn cách mở to tròn đôi mắt dẫm lệ. Vì thất vọng, vì ngạc nhiên, vì đau đớn khôn cùng bởi những gì đang diễn ra trước mắt vốn không phải là những gì nàng mong đợi. Được tin chồng đã chiến thắng, giải thoát cho mình khỏi kẻ thù, nàng hạnh phúc vô ngần, chỉ muốn mong chóng gặp lại chàng. Sự háo hức vội vã đến nỗi bỏ quên cả những lễ nghi, phép tắc mà bất kì người phụ nữ cao quý nào cũng thường trực. Trong đầu nàng chỉ còn biết có Ra-ma với tình yêu, lòng biết ơn vô hạn. Ấy vậy mà tất cả dường như đang sụp đổ dưới chân. Đau đớn, bàng hoàng và thất vọng. Nhưng tất cả không dừng lại ở đó. Người anh hùng khi bị ngọn lửa độc của con rắn ghen tuông che mờ mắt thì cũng tàn nhẫn đâu kém những kẻ tầm thường. Ra-ma nghi ngờ vợ mình vì “thấy nàng yêu kiều xinh đẹp,… Ra-va-na đâu có chịu đựng được lâu…khi ở trong vạt áo Ra-va-na đôi mắt tội lỗi của hắn hau háu nhìn khắp người nàng…”. Tàn nhẫn hơn cả là sự ruồng rẫy ập đến : “ta không cần đến nàng nữa”. Người chồng mà nàng rất mực thương yêu lại có thể gợi ý, cất tiếng mỉa mai, khuyên nàng có thể để ý tới những người khác. Nàng thấy đau đớn cho số phận. Một người phụ nữ cao quý, hết mực thủy chung giờ đây lại bị đem ra bêu rếu “trước đông đảo mọi người” với những lời lẽ thô bạo nhất. Từ chỗ ngạc nhiên “mở to đôi mắt tròn đẫm lệ”, dần tỉnh táo hiểu ra thái độ của người chồng, nàng “đau đớn đến nghẹt thở. Như một cây dây leo bị vòi voi quật nát”. Tâm hồn nàng trong trắng và mong manh đang tan ra, vỡ nát bởi những lời lẽ thô bạo và tàn nhẫn. Nàng “xấu hổ cho số kiếp” . Nàng muốn tự chôn vùi cả hình hài và tinh thần. Những lời nói của Ra-ma xuyên vào trái tim nàng như một mũi tên. Nước mắt nàng đổ ra như suối. Nỗi đau cứ tăng dần, tăng dần tới cực điểm. Choáng váng, nàng chỉ còn biết than cho sự bất hạnh của mình. Dường như tất cả đang sụp đổ nàng không còn đủ sức lực để chống đỡ trước những lời lẽ sắc độc và cay nghiệt đó. Bị dồn vào thế cùng, bị lăng mạ, sỉ nhục, bị vu khống danh dự và tiết hạnh, muốn chết muốn vùi dập bản thân cũng là điều dễ hiểu. Nhưng Xi-ta người con gái của nữ thần đất mẹ Pri-thi-vi sinh trưởng trong hoàng tộc Gia-naki, mang trong mình dòng máu cao quí, đâu thể nào kết thúc cuộc đời như vậy. Yêu và hết lòng tôn thờ người mình yêu song không thể cho phép bị sỉ nhục, bị bôi nhọ. Sau những phút choáng váng ban đầu, Xi-ta dần lấy lại bình tĩnh để tự bào chữa, đòi lại danh dự với một trí tuệ tuyệt vời mà cũng rất dịu dàng. Nghẹn ngào, nức nở, nàng lên án cách xử sự của Ra-ma “như một kẻ thấp hèn chửi mắng con mụ thấp hèn”. Nàng khẳng định việc bị bắt đi là do số phận còn bản thân nàng trước sau như một. “Những gì nằm trong vòng kiểm soát của thiếp đây, tức trái tim thiếp đâu là thuộc về chàng”, “sẵn sàng chết khi bị bắt đi nếu Ha-nu-man được chàng phái đến truyền lại lời “chàng không cần thiếp nữa”. Đối với Xi-ta, Ra-ma còn hơn mạng sống của mình, nhưng nàng càng không thể sống trong sự ngờ vực, sỉ nhục. Nếu như Ra-ma khẳng định dòng dõi tôn quý của chàng thì nằng cũng nhắc lại nàng đâu kém gì, con của thần linh, đâu thể nào xếp ngang hàng với những người phụ nữ tầm thường khác. Ở đây ta còn phát hiện ra ở người con gái này một sự kiên cường, biết tôn quý bản thân. Sau những lời lẽ đó, nàng thất vọng “tình yêu của thiếp, lòng trung thành của thiếp xem ra hoàn toàn vô ích” và đi đến quyết định nhảy vào dàn lửa thiêu. Đây là hành động đầy lí trí, tự chủ. Nàng muốn khẳng định lời nói và tấm lòng trinh trắng của mình. Chỉ có thần linh với sức mạnh của lửa mới rửa sạch được vết nhơ mà người ta đang gán cho nàng, mới giải toả được sự nghi ngờ của người chồng. Hành động của nàng là hành động của một nữ thần cao quý. Trong đoạn trích Ra-ma buộc tội, tâm trạng nàng Xi-ta được bộc lộ khá rõ nét với những đợt sóng lòng mỗi lúc một dâng cao để rồi khép lại thật bất ngờ. Nó góp phần khẳng định bức chân dung cao quí của nàng Xi-ta một cách đầy đủ và đẹp đẽ. 

           Đoạn trích Ra-ma buộc tội giống như một màn kịch ngắn mà kịch tính được đẩy lên cao độ. Hai nhân vặt chính là Ra-ma và Xi-ta đều bị đặt trước những thử thách ngặt nghèo, đòi hỏi sự lựa chọn quyết liệt, bộc lộ sâu sắc cá tính và bản chất của mình. Hoàng tử Ra-ma đem hết sức mạnh và tài năng để chiến đấu với quỷ vương Ra-va-na để giành lại người vợ yêu quý, nhưng chàng cũng dám hi sinh tình yêu vì danh dự, bổn phận của một người anh hùng, một đức vua mẫu mực. Nàng Xi-ta xinh đẹp, trong trắng cũng là hình ảnh của một người phụ nữ lí tưởng. Nàng đã can đảm bước vào lửa để chứng minh tình yêu tha thiết cùng đức hạnh thủy chung của mình đối với hoàng tử Ra-ma cao quý.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *