Cảm nhận về bài thơ “ Tự tình II ” của thi sĩ Hồ Xuân Hương

Đề :  Cảm nhận về bài thơ “ Tự tình II ” của thi sĩ Hồ Xuân Hương

Bài làm

Như Raxun Gamzatop từng nói: “ Thơ sinh ra từ tình yêu và lòng căm thù, từ nụ cười trong sáng hay từ những giọt nước mắt đắng cay”. Văn chương nói chung hay thơ ca nói riêng từ lâu đã là phương thức nghệ thuật giúp con người bộc bạch những cảm xúc, tình cảm sâu kín nhất, cũng là người bạn đồng hành trải qua bao giông tố của cuộc đời. Đến với thơ ca con người như được sống là chính mình, được bày tỏ, được căm ghét, được yêu thương. Với “Tự tình 2” của Hồ Xuân Hương ta sẽ cảm nhận rõ ràng hơn về tâm trạng cũng như nỗi bi kịch đau đớn của người phụ nữ thời xưa – khi chế độ phong kiến thối nát còn gieo nên bao nỗi bất hạnh cho lớp người chân yếu tay mềm.

       Trong những nhà thơ thời Trung đại, Hồ Xuân Hương được nhắc đến với danh xưng “Bà chúa thơ Nôm”, nhà thơ với đủ tài hoa phí phách cao quý, “Dưới ngòi bút của Hồ Xuân Hương, Đường luật mất hẳn cốt cách quý tộc mà ngoan ngoãn cung hiên vần điệu cần xứng của mình cho và sử dụng theo ý muốn” (Lê Trí Viễn). Nét độc đáo nhất trong thơ Hồ Xuân Hương là giọng điệu trào phúng. Giọng điệu này được thể hiện khi nữ sĩ phê phán, đả kích giai cấp phong kiến thống trị. Hồ Xuân Hương đã vạch trần bộ mặt thật, lột chiếc áo đạo đức giả phùng phình, phơi bày thân xác phàm tục của họ. Nhà thơ dám bộc lộ tiếng lòng của chính mình, đó là sự thể hiện ước mơ, khát khao hạnh phúc lứa đôi, muốn có một cuộc sống trần tục thiên về mặt bản năng. Hồ Xuân Hương với cá tính mạnh mẽ là thế nhưng rốt cùng thi sĩ cũng chẳng thể vượt ra khỏi số phận bất hạnh của người phụ nữ xưa. Thơ Xuân Hương là tiếng khóc, tiếng kêu cứu và cũng là tiếng thét khổ đau của kiếp người nổi đênh trong xã hội cũ. Bài thơ “Tự tình 2” – bài thơ với nỗi đau thân phận của thi sĩ và cũng là nỗi đau chung của người phụ nữ phong kiến xưa. Bài thơ tự mở đầu với 2 câu đề vừa tả cảnh nhưng cũng tả hình ảnh của một kiếp hồng nhan đang rơi vào cô đơn trong bế tắc, trống vắng giữa đêm khuya tĩnh mịch: 

Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn

Trơ cái hồng nhan với nước non

         Với không gian và khung thời gian nghệ thuật, đêm khuya tĩnh lặng chỉ nghe được âm thanh từ xa “văng vẳng” đâu đó không xác định rõ ở đâu, tác giả đã sử dụng nghệ thuật lấy động tả tĩnh lấy cái âm thanh “văng vẳng” của tiếng trống canh để nói cái không gian tĩnh lặng về đêm.  “Đêm khuya”- thời điểm khiến con người dễ rơi vào những cảm xúc tiêu cực, nỗi buồn cũng cứ thế mà vây kín tâm can, vào lúc ấy, người phụ nữ cũng chính thời gian này mà thao thức, trằn trọc không ngủ được. Đến câu thơ thứ hai ta thấy từ “trơ” được đẩy lên đầu câu, “Trơ” ở đây là trơ trọi, là cô độc chỉ có một mình, được đặt ở đầu câu càng nhấn mạnh nỗi đau, sự bất hạnh của một người phụ nữ có “hồng nhan”. Trước cuộc đời lắm đối bất công, người phụ nữ đang phải nhận ra thân phận của mình, từ “trơ” đi cùng với “cái” – nhân vật trữ tình tự xem mình như là đồ vật, là món đồ hàng đem ra để người ta trao đổi, trả giá, quá rẻ rúng, quá mỉa mai. Rõ ràng Hồ Xuân Hương thấy mình thật trơ trọi bẽ bàng và tủi hổ. Trước duyên phận quá đỗi hẩm hiu người phụ nữ ấy đang tự chua xót cho chính mình, thương thay cho thân phận mỏng manh bị vùi dập giữa xã hội lắm bất công thị phi ngang trái. Thân phận hồng nhan bây giờ phải trải qua những đêm dài cay đắng cho tấm lòng thủy chung vì cuộc tình dang dở. Tiếng thở dài ngao ngán trước duyên phận bẽ bàng và ý nguyện muốn thoát khỏi những nỗi sầu muộn nhưng nhân lại hiện thực chỉ toàn là cay đắng. 

Chén rượu hương đưa say lại tỉnh

Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn

 

      Như thách thức số phận, nhà thơ mượn rượu để quên đi nỗi sầu. Cụm từ “say lại tỉnh” như là một vòng luẩn quẩn lặp đi lặp lại, tâm trạng bế tắc, không lối thoát cứ như vây lấy thi sĩ không buông, trớ trêu thay càng uống càng say, càng say càng tỉnh, tỉnh lại trong nỗi cô đơn, trong nỗi thất vọng ê chề. Mong muốn chút niềm an ủi từ thiên nhiên, cảnh vật, tác giả dùng câu thơ tả cảnh ngụ tình. Cảnh tình của Xuân Hương được thể hiện qua hình ảnh thơ chứa đựng sự éo le: Trăng sắp tàn mà vẫn “khuyết chưa tròn”. Tuổi xuân đã trôi qua mà tình duyên còn chưa trọn vẹn. Vầng trăng như người bạn muôn đời của thi sĩ, giúp vơi đi nỗi buồn sâu thẳm, gặp vầng trăng ta như gặp người đồng cảnh đồng bệnh thì bóng xế cũng khuyết “chưa tròn”. Ngẩng đầu lên ngắm trăng mà trăng đã xế khi chưa lúc nào tròn. Vầng trăng ở đây vừa là hình ảnh thiên nhiên vừa là hình ảnh tượng trưng cho tuổi xuân của thi sĩ sắp qua đi mà tình yêu vẫn chưa bao giờ được trọn vẹn, được ắp đầy. Nghệ thuật đối trong hai câu thơ thật tài tình, đăng đối, hô ứng nhau cùng nhau làm nổi bật lên thân phận của một khách hồng nhan bạc mệnh tài hoa mà phải chịu cảnh dang dở.

      Nếu như bốn câu thơ đầu là hoàn cảnh và tâm trạng cô đơn, lẻ bóng của tác giả thì ở hai câu thơ tiếp theo ta thấy rõ về phí phách cũng như ý thức phản kháng mạnh mẽ, là tâm thế muốn bứt phá, muốn thay đổi số phận của mình của Hồ Xuân Hương nhưng càng cố gắng, càng hy vọng, càng mong muốn bao nhiêu thì lại càng thất vọng, Đó chính là bi kịch của người phụ nữ có duyên phận hẩm hiu:

Xiên ngang mặt đất rêu từng đám

Đâm tạc chân mây đá mấy hòn

 

Ta thấy một bức tranh thiên nhiên sinh động, tràn đầy sức sống. Rêu và đá là hai sự vật nhỏ bé nhưng không hề yếu mềm mà mang một sức sống mãnh liệt, sử dụng nghệ thuật đảo ngữ “xiên ngang mặt đất” và “đâm toạc chân mây” lên đầu câu càng nhấn mạnh trạng thái của thiên nhiên và sâu xa hơn cũng là để nhấn mạnh tâm trạng của con người phẫn uất, phản kháng không chịu chấp nhận số phận.Thái độ phản ứng khá mạnh mẽ trứoc duyên tình lận đận thể hiện qua cả gịong thơ ngang ngạnh phản kháng và ấm ức. Ta đã bắt gặp cá tính mạnh mẽ cùng ý thức dám khẳng định mình, vỗ ngực xưng tên của Hồ Xuân Hương trong tác phẩm “Mời trầu”:

Quả cau nho nhỏ miếng trầu vôi

Này của Xuân Hương mới quyệt rồi

Có phải duyên nhau thì thắm lại

Đừng xanh như lá bạc như vôi

Một người thi sĩ mà còn là một người phụ nữ nay lại dám gọi tên mình trong thơ – điều hạn chế trong thơ Trung đại, và điều táo bạo hơn còn dám hô gọi tình yêu, chủ động tìm kiếm tình yêu cho mình – phải chăng điều cấm kị này ở xã hội cũ cũng chẳng làm nao núng nội tâm đầy mạnh mẽ và bản lĩnh của Hồ Xuân Hương? Thế nhưng thực tại vẫn đắng cay, vẫn chua chát làm sao. Chẳng ở đâu, Hồ Xuân Hương đang phải tồn tại trong thời kì mà chế độ phong kiến Việt Nam rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng, mâu thuẫn xã hội ngày càng trở nên sâu sắc. Sống trong một xã hội “trọng nam khinh nữ” với chế độ đa thê, nhà thơ muốn cất lên tiếng nói nhằm đấu tranh cho nữ giới, đòi quyền bình đẳng, muốn được sống, được yêu thương và có được cuộc đời hạnh phúc nhưng đổi lại được gì?

Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại

Mảnh tình san sẻ tí con con

         Xuân đi rồi xuân đến, mùa xuân của thiên nhiên đi rồi lại tới, nhưng con người lại khác, “Ngán”ở đây là tâm trạng, cảm xúc ngao ngán, chán nản cuộc đời ngang trái. với người phụ nữ tuổi xuân trôi đi nhưng chẳng bao giờ quay lại thêm một lần nào nữa. Trước sự lẻ loi, chán chường mà Hồ Xuân Hương đã sử dụng” ngán” phần nào nói lên được nỗi lòng của thi sĩ bây giờ. . Thủ pháp nghệ thuật tăng tiến, nhấn mạnh vào sự nhỏ bé dần, làm cho nghịch cảnh càng éo le hơn.  Mảnh tình đã bé lại còn phải san sẻ, chia nhỏ ra. “Mảnh tình san sẻ tí con con!” mảnh tình đã nhỏ bé lại còn san sẻ “Tí con con” tạo nên cảm xúc xót thương, đau đớn, ngậm ngùi và ấm ức. Nghệ thuật tăng tiến nhấn mạnh vào những điều nhỏ bé càng làm cho nghịch cảnh càng trở nên éo le hơn. Không được hưởng một tình yêu một hạnh phúc trọn vẹn, tới khi tìm đến với hạnh phúc lại phải san se, thật quả là đáng thương

Chém cha cái kiếp lấy chồn chung

Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng

Tiếng kêu phẫn uất như thét lên trong vô vọng, một người phụ nữ có cá tính mạnh mẽ có tài có sắc như giờ đây phải chào thua số phận, không thể thoát khỏi vòng xoáy của hiện thực tàn ác ấy. Câu thơ kết thúc trong nỗi xót xa, mỉa mai đến tội nghiệp của “cái hồng nhan” trong xã hội phong kiến xua. Câu thơ là nỗi lòng của người phụ nữ vừa đau buồn vừa thách thức duyên phận, gắng gượng nhưng vẫn rơi vào bi kịch. 

Tự tình 2 – bài thơ nói lên bi kịch tình yêu, gia đình của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa. Đồng thời đó là tâm trạng vừa buồn tủi, vừa phẫn uất trước duyên phận éo le và cuộc sống, số phận cay đắng của họ, dù đã gắng gượng vương lên nhưng vẫn rơi vào bi kịch của cuộc đời. Bài thơ cũng cho thấy khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc – những điều vô cùng giản đơn, bình dị nhưng lại là khao khát, niềm mơ ước cả cuộc đời của Hồ Xuân Hương nói riêng, của tất cả những người phụ nữ trong xã hội phong kiến nói chung. Tác giả đã vận dụng sáng tạo thể thơ thất ngôn bát cú Đường Luật với ngôn ngữ tiếng Việt nhưng không làm mất đi giá trị của thể thơ mà trái lại nó còn mang đến cho thể thơ cổ điển ấy một vẻ đẹp mới, gần gũi, thân thuộc hơn với người Việt. Sử dụng từ ngữ giản dị mà đặc sắc với những động từ mạnh  từ láy tượng thanh đã thể hiện khao khát đến cháy bỏng và sự nổi loạn trong tâm hồn của Hồ Xuân Hương. Sử dụng những hình ảnh giàu sức để diễn tả các cung bậc cảm xúc, sự tinh tế, phong phú trong tâm trạng của người phụ nữ khi nghĩ đến thân phận của mình.

       Với một hồn thơ nhẹ nhàng mà mạnh mẽ, Tự tình 2 xứng danh là một trong những bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ và phong cách cũng như tư tưởng của Hồ Xuân Hương đặc biệt là những vấn đề xoay quanh người phụ nữ. Qua đây chúng ta cũng thấy được một Hồ Xuân Hương vừa yếu mềm nhưng cũng thật ngang tàng mạnh mẽ khi dám bộc lộ những suy nghĩ của chính mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *