Cảm nhận về bài thơ “Cảm xúc mùa thu” của nhà thơ Đỗ Phủ

Đề :  Cảm nhận về bài thơ “Cảm xúc mùa thu” của nhà thơ Đỗ Phủ

 

     Nhắc đến những đặc sắc của văn học Trung đại lúc bấy giờ người ta không thể không nhắc đến Thơ Đường luật – thể thơ phổ biến mang những nét đặc sắc riêng. Là một mô hình thi luật chặt chẽ, hướng tới sự cân đối, hài hòa về cấu trúc của toàn bộ bài thơ, nét đặc sắc của thơ Đường luật có thể chỉ bằng một vốn từ ngữ hữu hạn, thậm chí quen thuộc, các nhà thơ vẫn tạo nên được những cách biểu đạt hết sức tinh tế, gợi ra nhiều liên tưởng, ý nghĩa, mở ra không gian cho người đọc cảm nhận bài thơ. Đến với “Thu hứng” của nhà thơ lỗi lạc Đỗ Phủ, người đọc sẽ nhìn thấy một bức tranh về cảnh thu hiu hắt thê lương đầy sự dồn nén của nỗi lòng nhà thơ, tất cả hòa quyện trong nhau, thấm đẫm tâm sự.

         Đỗ Phủ là một nhà thơ tài năng tuyệt vời và đức độ cao thượng đến mức các nhà phê bình Trung Quốc gọi là “Thi thánh”. Những tác phẩm của ông đều phản ánh sinh động và chân xác bức tranh hiện thực xã hội đương thời, một người giàu lòng đồng cảm với nhân dân trong khổ nạn, chan chứa tình yêu nước và tư tưởng nhân đạo. Tình thương của Đỗ Phủ đối với chính mình và với người khác chỉ là một phần trong các chủ đề của thơ, đối với Đỗ Phủ, “mọi thứ trên thế giới này đều là thơ” (Zhang Jie), các chủ đề trong thơ ông rất bao quát, như cuộc sống hàng ngày, thư họa, hội họa, thú vật và các chủ đề khác. Dù sáng tác ở mọi thể loại thơ, Đỗ Phủ nổi tiếng nhất ở cận thể thi, một kiểu thơ có nhiều ràng buộc về hình thức và số lượng từ trong câu. Những bài thơ đạt nhất của ông trong thể loại dùng phép đối song song để thêm nội dung biểu đạt thay vì chỉ là một quy định kỹ thuật thông thường. “Thu hứng” là một trong những tập thơ tiêu biểu trong sự nghiệp sáng tác của ông. Một bức tranh về mùa thu thấm đẫm những cảm xúc của người thi sĩ, ngắm trời thu mà “thi thánh” mang theo bao tâm trạng khó tả, lo âu cho đất nước, buồn nhớ về quê hương và cũng thật ngậm ngùi chua xót cho chính thân phận mình. 

Ở cặp câu thứ nhất, cảnh thu Quý Châu ở một buổi chiều hiện lên chỉ với vài nét chấm phá nhưng cũng thật có thần: 

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm,
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu sâm,
(Lác đác rừng phong hạt móc sa,
Ngàn non hiu hắt, khi thu lòa.)

       Ta thấy được sự quan sát tinh tế của tác giả, Đỗ Phủ có tầm nhìn ở vị trí tương đối cao, ngắm nhìn toàn cảnh khá xa khá rộng. Ngọc lộ – những giọt sương móc trắng và trong suốt như hạt ngọc đi đôi với “điêu thương” nghĩa là sự tàn rạc, héo rụng, đau đớn. Sương giăng trắng xóa dày đặc vây kín khắp nơi làm cho phong thụ lâm – đối tượng trong thơ trở nên xơ xác tiêu điều, bị vùi dập một cách tàn nhẫn. Phong thụ lâm, rừng cây phong, lá chuyển đỏ khi sang thu – tượng trưng cho mùa thu, trong thơ cổ Trung Hoa, hình ảnh rừng phong gắn liền với mùa thu bởi mỗi độ thu về, có rừng phong chuyển sang màu đỏ úa, tượng trưng cho sự li biệt. Sương trắng cũng tượng trưng cho mùa thu, cho sự lạnh lẽo. Sương móc sa dày đặc làm xơ xác cả rừng phong. Nét tiêu điều của cảnh vật hiện lên rất rõ qua cái nhìn đầy tâm trạng của nhà thơ. Tiếp theo nhà thơ nhắc tới Vu sơn, Vu giáp hai địa danh thuộc thượng lưu sông Trường Giang, hùng vĩ hiểm trở cùng khí tiêu sâm gợi một không khí u ám, vắng lặng, hiu hắt. Được nhắc đến nhiều trong thần thoại, cổ tích và thơ ca Trung Quốc. Suốt cả chiều dài bảy trăm dặm, núi tiếp núi dọc đôi bờ sông, tuyệt không có một chỗ trống. Quanh năm, mây mù bao phủ những ngọn núi cao vút. Vách núi dựng đứng nên ánh mặt trời khó lọt được xuống tới lòng sông. Vào mùa thu, khung cảnh nơi đây vốn ảm đạm, lạnh lẽo, qua ngòi bút miêu tả thấm đẫm tâm trạng li sầu của Đỗ Phủ lại càng thêm tối tăm, ảm đạm. Chỉ với hai câu đề nhưng tác giả đã làm nổi bật lên bức tranh cảnh thu hiu hắt đầy sự lạnh lẽo của sương móc bên cái xơ xác, tiêu điều của rừng phong. Quả thật nhà thơ đã nhìn mọi vật với cùng một con mắt và tâm trạng giống nhau: trĩu nặng một nỗi buồn thương. Vẫn tiếp tục quan sát thiên nhiên với tâm trạng như thế nên Đỗ Phủ đã viết nên những câu thơ tả thực đầy ám ảnh như có ma lực cuốn hút hồn người:

Giang gian ba lăng kiêm thiên dũng,
Tái thượng phong vân tiếp địa âm.
(Lưng trời sông rợn lòng sông thẳm,
Mặt đất mây đùn cửa ải xa.)

      Tầm nhìn nay đã được chuyển xuống dưới thấp, vẫn là những chi tiết được cảm nhận qua đôi mắt thi nhân và được miêu tả bằng ngọn bút kì tài mà thành những vần thơ trác tuyệt. Giang gian – khoảng không gian sông rộng lớn ba lãng kiêm thiên dũng: những con sóng nước vọt ra, tuôn ra, trào dâng lên tận bầu trời, cả câu hiện lên cho ta hình ảnh Trên sông, những con sóng nước mạnh có thể đập vào vách đá rồi vọt tung lên lưng trời. Sông ở thượng nguồn thường hợp, nhiều ghềnh thác, nước chảy rất xiết. Vì thế nên mới có cảnh giữa lòng sông, sóng dữ dội vọt lên đến tận lưng trời. sự hùng vĩ hiếm có của vùng sông nước nơi đây và thể hiện cảm giác choáng ngợp của con người nhỏ bé trước thiên nhiên hùng vĩ. Hình ảnh mặt đất mây đùn cửa ải xa, gió thổi khiến mây tiếp xuống mặt đất tả thực cảnh mây trắng sà xuống thấp đến mức tưởng chừng như đùn từ dưới mặt đất lên, che lấp cả cửa ải phía xa xa. Trên cửa ải, những đám mây nặng nề sa xuống mặt đất âm u. Cảnh sắc ở hai câu thực đã có sự khác nhau, không còn u uất, tiêu điều mà có phần vừa hoành tráng vừa dữ dội. Hai cặp câu như bổ sung cho nhau lột tả được hai nét đặc sắc của phong cảnh vùng Vu sơn Vu giáp vừa âm u, vừa hùng vĩ. Hướng vận động ngược chiều của sóng và mây mới tập kín không gian, gợi cảm giác về sự dồn nén, nghẹt thở làm cho bức tranh mùa thu ở trên sông nước và miền quan ải trở nên hoành tráng, dữ dội, âm u, dồn nén. Nói tóm lại bốn câu thơ đầu mở ra một cảnh thu xơ xác, tiêu điều, lại có chỗ hoành tráng, dữ dội, trời đất như chao đảo, không gian như dồn nén đã tạo gợi lên một hiện thực xã hội bất an, cuộc sống khó khăn, không khí ngột ngạt, bức bối của những năm loạn An Lộc Sơn. Một bức tranh với khung cảnh ấy, Đỗ Phủ với một trái tim nhạy cảm như thổn thức hơn, cảm xúc hơn, và dấy lên nó những niềm thương nhớ về quê hương còn sống mãi trong lòng.

Ở bốn câu thơ sau, tác giả bày tỏ lòng mình trước cảnh mùa thu nơi đất khách, câu thơ tiếp theo là cảnh thu mà cũng là tình thu:

Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ,
Cô chu nhất hệ cố viên tâm.
(Khóm cúc tuồn thêm dòng lệ củ,
Con thuyền buộc chặt mối tình nhà.)

Dấu hiệu của mùa thu “Tùng cúc” xuất hiện và Lưỡng khai: nở hoa hai lần. Câu thơ cho ta hai cách hiểu, một là cúc đã nở hai lần và đã hai lần làm chảy dòng lệ cũ, hai là nhìn cúc nở mà tưởng cúc nhỏ lệ, trông như cúc đang xòe ra những cánh hoa bằng nước mắt. Cái nhìn đầy tâm trạng đẳy đau buồn của nhà thơ trước cảnh vật. Đỗ Phủ nhắc đến hoa cúc, điều đó không có gì mới. Điều quan trọng là mỗi lần thấy cúc nở hoa nhà thơ lại rơi lệ. Nhà thơ khóc trước những đau thương của dân chúng trong cảnh loạn li, trước cảnh đất nước tiêu điều, thương cho thân phận của chính mình, gia đình mình trong những ngày nghèo đói, phiêu bạt. Cô chu – con thuyền cô đơn, đơn độc, lẻ loi, cổ viên tâm  –  tấm lòng vấn vương nơi vườn cũ. Chiếc thuyền đơn độc mãi trói buộc lòng mình ở nơi vườn cũ. Chiếc thuyền không gợi ra được cảnh ngộ lẻ loi, cô đơn của nhà thơ và gia đình nơi đất khách quê người. Cố viên tâm – mối tình nhà chỉ nói được nỗi nhớ quê mà chưa thể hiện được tình ý sâu kín của tác giả – nhớ đất nước thời thái bình thịnh tri. Hoa cúc xui lòng thi nhân ngậm ngùi nhớ lại những mùa thu trước chốn quê cũ, vì vậy mà càng thêm xao xuyến, xúc động đến nghẹn ngào. Hoa cúc là yếu tố gợi nhớ, hình ảnh con thuyền càng làm cho nỗi nhớ nhà, nhớ quê trào dâng trong lòng tác giả. Chiếc thuyền lẻ loi (cô chu) là một ẩn dụ đầy ý nghĩa không chỉ vì tính chất trôi nổi, đơn độc của nó mà còn vì nó là phương tiện duy nhất để chở ước vọng của nhà thơ về với quê hương trong tâm tưởng. Nỗi nhớ quê, nhớ nước bị buộc lại, không thể có cách nào để giải tỏa, tâm trạng của tác giả vì thế mà thêm da diết, dồn nén.

 

Hàn y xứ xứ thôi đao xích,
Bạch Đệ thành cao cấp mộ châm.
(Lạnh lùng giục kẻ tay dao thước,
Thành Bạch, chày vang bóng ác tà.)

       Hai câu kết vẽ nên một cảnh tượng quen thuộc trong đời sống con người Trung Quốc xưa. Hàn y: áo rét ở nơi nơi, nhiều nơi, không khí tấp nập của mọi người nô nức may áo rét. Bạch Đế thành cao: thành Bạch Để trên cao, từ phía trên cùng với tiếng đập chày đá giặt quần áo vội vàng trong buổi chiều tối. Âm thanh vang động của tiếng chày đập áo (đập vải để may áo) để chuẩn bị đối phó với mùa đông. Tác giả sử dụng biện pháp nghệ thuật phá luật tả cảnh “Ý tại ngôn ngoại” – Lòng người buồn sầu thêm mà thôi, nỗi nhớ quê cũ thêm da diết hơn, cháy bỏng hơn. Ở hai câu cuối bỗng đột ngột nổi lên âm thanh dồn dập của tiếng chày đập vải trên bến sông, trong bóng hoàng hôn. Âm thanh duy nhất này đem đến cho bức tranh sinh hoạt nơi biên ải xa xôi một thoáng vui nhưng thoáng vui ấy không đủ để xua đi những áng mây buồn đang vây phủ trong tâm hồn thi sĩ. Khí thu lạnh lẽo như nhắc nhở mọi người rằng mùa đông sắp đến, phải chuẩn bị nhanh nhanh cho việc may áo ấm. Âm thanh của mùa thu may áo vừa kết thúc bài thơ, vừa mở ra nỗi buồn nhớ mênh mang… Người ta may áo rét không phải chỉ để chuẩn bị đối phó với mùa đông mà đặc biệt để gửi cho người thân nơi xa. Đặt trong hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ đang suy vong, hỗn loạn, âm thanh kia dường như đang ẩn chứa một nỗi niềm của thi nhân, đó là một nỗi ngậm ngùi vót thương cho chính mình, cho thân phận của kẻ tha phương , lưu lạc. “Ngôn tận nhi ý bất tận” – Đỗ Phủ cảm thấy, không lời lẽ nào có thể nói hết nỗi niềm “Thu hứng”. Một nỗi ngậm ngùi, xót thương cho chính mình, cho thân phận của kẻ tha phương, lưu lạc. Một bản nhạc của nỗi nhớ quê hương đang cất lên những giai điệu buồn, đang lan tỏa những vòng sóng âm thanh da diết tới tận những không gian nhỏ bé nhất trong tâm hồn nhà thơ. “ nỗi lòng quê cũ” càng da diết hơn, cháy bỏng hơn nỗi nhớ đến cồn cào đến mãnh liệt. 

 

 “Thu hứng” là bài thơ mang tính chất cương lĩnh cho tám bài thơ viết về mùa thu của Đỗ Phủ. Bài thơ tái hiện một cảnh thu buồn hiu hắt, xao động mang nét đặc trưng của Quỳ Châu với núi rừng, sông nước, cây cối dưới cái nhìn của người tha hương của nhà thơ Đỗ Phủ. Người đọc liên tưởng tới cảnh ngộ đau buồn của đất nước qua tâm trạng Đỗ Phủ. Nỗi lòng thổn thức riêng của Đỗ phủ, cũng là tâm trạng chung của biết bao kẻ xa quê trong thời loạn lạc hay vì lý do nào đó mà phải xa nhà. Bài thơ không miêu tả trực tiếp nhưng vẫn có ý nghĩa hiện thực rộng lớn, một nỗi buồn riêng gắn với hoàn cảnh đất nước. Nỗi buồn riêng không tách khỏi nỗi đau chung, nỗi buồn nhớ quê hương không tách khỏi nỗi buồn loạn li của đất nước.

Bài thơ vẽ nên bức tranh mùa thu hiu hắt, mang đặc trưng của núi rừng, sông nước Quỳ Châu. Đồng thời, bài thơ còn là bức tranh tâm trạng buồn lo của nhà thơ trong cảnh loạn li: nỗi lo cho đất nước, nỗi buồn nhớ quê hương và nỗi ngậm ngùi, xót xa cho thân phận mình. Tác giả nói lên những nỗi lòng riêng tư, chan chứa tâm sự yêu nước, thương đời bằng một giọng thơ buồn, thấm đẫm tâm trạng, câu chữ tinh luyện cùng nghệ thuật sử dụng bút pháp đối lập, tả cảnh ngụ tình, ngôn ngữ ước lệ nhiều tầng ý nghĩa.

       Đỗ Phủ quả thật là nhà thơ xứng đáng được tôn vinh là “Thi thánh” mà bao người vẫn mực tôn sùng, những đặc sắc và ý nghĩa ông đem lại cho thơ ca không chỉ giúp thi sĩ ngày càng đánh dấu được vị trí cùng chỗ đứng trong nền văn học mà còn làm cho thơ ca ngày càng sống đúng giá trị của nó. “Thu hứng” là bài thơ mang đậm dấu ấn phong cách thơ trữ tình của Đỗ Phủ. Thu hứng góp phần khẳng định tài năng kiệt xuất của Đỗ Phủ, là một bài thơ đặc sắc vẫn mang giá trị đến muôn đời

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *