Bài văn giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của Tự tình 3 Hồ Xuân Hương

ĐỀ THƠ LỚP 10

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu: (Tự luận)

Chiếc bách buồn vì phận nổi nênh,
Giữa dòng ngao ngán nỗi lênh đênh.
Lưng khoang tình nghĩa dường lai láng,
Nửa mạn phong ba luống bập bềnh.
Cầm lái mặc ai lăm đỗ bến,
Giong lèo thây kẻ rắp xuôi ghềnh.
Ấy ai thăm ván cam lòng vậy,
Ngán nỗi ôm đàn những tấp tênh.

                                                               (Tự tình 3Hồ Xuân Hương)

Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản?

Câu 2. Phương thức biểu đạt chính của bài thơ?

Câu 3. Từ Chiếc bách trong câu thơ thứ nhất chỉ điều gì?

Câu 4. Nêu chủ đề của bài thơ?

Câu 5. Nêu ý nghĩa hai câu thơ sau?

Lưng khoang tình nghĩa dường lai láng,

Nửa mạn phong ba luống bập bềnh.

Câu 6. Xác định các từ láy được sử dụng trong bài thơ và nêu tác dụng của chúng.

Câu 7. Nhân vật trữ tình trong bài thơ là ai và thể hiện nỗi niềm tâm sự gì?

Câu 8. Hình ảnh thơ nào để lại cho anh/chị nhiều ấn tượng nhất? Hãy viết đoạn văn khoảng 5-7 dòng về hình ảnh đó.

II. LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của văn bản trên.     

————–Hết————–

Hướng dẫn chi tiết

 

I Đọc

hiểu

Câu Nội dung Điểm
6.0
  1 Thất ngôn bát cú Đường luật 0.5
2 Biểu cảm 0.5
3 Chiếc thuyền 0.5
4 Chủ đề “Tự tình 3” cũng như 2 bài thơ còn lại trong chùm 3 “Tự tình” đều nói lên nỗi hẩm hiu, bất hạnh, thiệt thòi và khát vọng hạnh phúc của người phụ nữ… 1.0
5 “Lưng khoang tình nghĩa” là tình cảm vợ chồng nồng nàn, thắm thiết. Nhưng giờ đây, tình cảm ấy đã bị sóng gió cuộc đời làm cho phai nhạt. “Phong ba luống bập bềnh” là hình ảnh ẩn dụ cho những sóng gió, trắc trở trong cuộc đời. Cớ đâu mà lòng người chẳng được một ngày yên ổn? Cớ đâu đến ngày hạnh phúc, sóng gió lại phủ đầy? Mãi mới chờ được ngày hạnh phúc, thế mà số phận như trêu ngươi, chẳng chờ được ngày hạnh phúc. Phải chăng đó chính là thực tế của xã hội khi ấy, người phụ nữ hết nổi lại chìm, tìm được nơi dừng chân nhưng dường như cũng chỉ là tạm bợ? 1.0
6 – Các từ láy được sử dụng trong bài thơ: nổi nênh, ngao ngán, lênh đênh, lai láng, bệp bềnh, tấp tênh

– Tác dụng:

lai láng: nhấn mạnh tình cảm dào dạt, tràn đầy trong lòng nữ sĩ

nổi nênh, ngao ngán, lênh đênh, bệp bềnh, tấp tênh: nhấn mạnh thân phận trôi nổi, bấp bênh và tâm trạng ngao ngán, chán chường của người phụ nữ trước nghịch cảnh trớ trêu.

  1.0
7 – Nhân vật trữ tình trong bài thơ ẩn mình nhưng có thể xác định chính là tác giả.

– Tâm trạng của nhân vật trữ tình được thể hiện trong bài thơ là vừa buồn chán, phẫn uất trước những ngang trái cuộc đời; vừa muốn gắng gượng vươn lên vừa phải cam chịu chấp nhận. Đằng sau tâm trạng bi kịch ấy là khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của nữ sĩ nói riêng và người phụ nữ trong xã hội phong kiến nói chung.

1.0
8 – HS tự chọn hình ảnh phân tích nhưng đoạn văn phải đảm bảo hình thức, nội dung, đặc biệt phải phân tích ý nghĩa hình ảnh một cách thuyết phục.  

0.5

II Làm văn         Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của văn bản trên. 4,0
* Yêu cầu kĩ năng: Biết cách làm bài nghị luận về văn học. Bố cục rõ ràng, tư duy mạch lạc, lập luận chặt chẽ, biết kết hợp các thao tác lập lập để tăng tính thuyết phục của bài văn. Diễn đạt trong sáng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu…  

0,5

* Yêu cầu kiến thức:

Nhận diện đúng yêu cầu của đề bài: Cảm nhận về bài thơ “Tự tình 3” của Hồ Xuân Hương.

– Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần đáp ứng các yêu cầu cơ bản sau:

1. Mở bài:

Giới thiệu tác giả Hồ Xuân Hương và bài thơ “Tự tình 3”

– “Bà chúa thơ Nôm” – Hồ Xuân Hương là một nhà thơ phụ nữ viết về phụ nữ, thơ của bà chính là tiếng nói thương cảm đối với số phận người phụ nữ, đồng thời đó còn là sự khẳng định đề cao vẻ đẹp và khát vọng của họ.

– Bài thơ “Tự tình 3” nằm trong chùm thơ “Tự tình” gồm 3 bài của bà là một trong những sáng tác mà ở đó ta cảm nhận được tiếng nói, “tiếng lòng” người phụ nữ.

0,25
2. Thân bài: Phân tích, đánh giá những nét đặc sắc, độc đáo của bài thơ:

* Phân tích, đánh giá mạch ý tưởng, cảm xúc của nhân vật trữ tình:

(Chủ đề, mạch cảm xúc, hình ảnh, điểm nhìn…)

– Số phận bất hạnh của Hồ Xuân Hương, 2 lần lấy chồng đều làm lẽ và chồng đều mất sớm.

– Trong các bài thơ của bà đều nói lên tiếng nói cảm thương người phụ nữ và khẳng định đề cao và ý thức đầy bản lĩnh của họ. Theo đó, “Tự tình 3” là bài thơ với mạch cảm xúc xuyên suốt bộc lộ sự buồn tủi, cay đắng của người phụ nữ. Đồng thời cũng nói lên khát vọng mong cầu hạnh phúc của người phụ nữ xã hội xưa. Đặc biệt “Tự tình 3” còn là bài thơ nổi tiếng nói lên “tiếng lòng” người phụ nữ. Thân phận người phụ nữ đầy chua xót, tủi hổ, đau đớn

– Chủ đề “Tự tình 3” cũng như 2 bài thơ còn lại trong chùm 3 “Tự tình” đều nói lên nỗi hẩm hiu, bất hạnh, thiệt thòi và khát vọng hạnh phúc của người phụ nữ…

– Hình ảnh: Hồ Xuân Hương gửi gắm tâm tình của mình qua hình ảnh chọn lọc, ẩn dụ “chiếc bách” – chiếc thuyền giữa dòng sông mênh mông, giữa dòng đời rộng lớn – hình ảnh người con gái góa trẻ cũng không biết sẽ trôi về đâu.

– Nhan đề: bộc lộ tâm tình, cảm xúc của nữ sĩ trước hoàn cảnh éo le, đau buồn…

– Điểm nhìn: được đặt vào nhân vật trữ tình – người phụ nữ với duyên phận éo le, hẩm hiu…

* Phân tích đánh giá sự phát triển của hình tượng chính và tính độc đáo của các phương diện ngôn từ.

– Sự phát triển của hình tượng chính

a. Hai câu đề

– Chiếc bách ở đây là hình ảnh chiếc thuyền biểu tượng cho số phận trôi dạt của con người giữa dòng đời. Các từ láy nổi nênh, lênh đênh nhấn mạnh ý nghĩa giữa dòng nước mênh mông, chiếc bách trôi dạt không biết về đâu. Từ đó làm hiện lên ảnh người phụ nữ có cuộc đời éo le, bất hạnh, trái ngang.

– Tâm trạng của nhân vật trữ tình được thể hiện rõ qua các từ ngữ: buồn, ngao ngán. Buồn và chán ngán mà không biết làm sao thoát khỏi cảnh ngộ của mình.

b. Hai câu thực

– Hình ảnh con thuyền giữa phong ba, từ láy “lai láng”, “bập bềnh” và biện pháp tu từ đảo ngữ nhấn mạnh sự truân chuyên của người phụ nữ. Tình và nghĩa vẫn đương còn chan hòa dào dạt. Vậy mà sóng gió vẫn cứ ập tới. Cây muốn yên mà gió chẳng lặng. Hạnh phúc tưởng chừng trong tầm tay nhưng cũng lại vỡ tan.

c. Hai câu luận

– Hai câu luận thể hiện sự buông xuôi của người phụ nữ. Trong đó, các từ “mặc”, “thây” thể hiện sự buông xuôi thực sự. Cuộc đời giống như hình ảnh chiếc thuyền trôi lênh đênh ngoài khơi, ai muốn lái muốn chèo thế nào cũng không để tâm. Chỉ hai câu thơ nói lên sự bất lực của người phụ nữ trong xã hội xưa. Dù có khao khát hạnh phúc thì cũng không thể thay đổi được hoàn cảnh, vận mệnh.

d. Hai câu kết

– Người phụ nữ xưa vốn đã nhỏ bé, chịu bao áp bức, bị trói buộc trong lễ giáo, phải “tam tòng tứ đức”, từ khi sinh ra đến lúc chết đi đều chịu cảnh lệ thuộc. Người sương phụ (đàn bà góa, trẻ) một lần coi như cuộc đời là cánh bèo trôi dạt, không có lựa chọn, không có quyền lên tiếng, dù vào tay ai cũng cam lòng. Điều đó được thể hiện rõ qua các từ thể hiện sự chấp nhận, buồng xuôi như “cam lòng” “ôm nỗi”.

– Người phụ nữ thể hiện tiếng lòng khao khát muốn được hạnh phúc, muốn vùng vẫy nhưng rốt cuộc vẫn bị rẻ rúng, vẫn như chiếc bách lênh đênh. Từ láy tấp tênh càng thể hiện rõ số phận bất ổn, bấp bênh của họ.

– Tính độc đáo của các phương diện ngôn từ:

+ Thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật kết hợp với cách sử dụng từ ngữ thuần Việt giản dị mà tinh tế, cách sử dụng hình ảnh ẩn dụ cùng với những thủ pháp nghệ thuật như đảo ngữ, sử dụng nhiều từ láy… Hồ Xuân Hương nói một cách hình ảnh những sắc thái tình cảm: phiền muộn, ngao ngán, đầy khát vọng nhưng đành chấp nhận cam chịu…của mình.

+ Nhiều động từ thể hiện sự chấp nhận, chẳng hạn như “cam lòng”, “ôm nỗi”, “mặc”…

* Phân tích, đánh giá nét hấp dẫn riêng của bài thơ so với những sáng tác khác cùng đề tài, chủ đề, thể loại

+ Xã hội Việt Nam rơi vào tình trạng khủng hoảng làm cho cuộc sống người dân vô cùng lầm than, cơ cực. Đặc biệt là thân phận người phụ nữ lúc bấy giờ. Không ít nhà thơ, nhà văn đã phản ánh rõ điều đó, ta có thể cảm nhận rõ qua một số tác phẩm văn học như “Truyện Kiều” (Nguyễn Du), “Chinh phụ ngâm” (Đặng Trần Côn ),… Đó là những lời cảm thông của người đàn ông nói về người phụ nữ. Bài “Tự tình 3” lại chính là một nhà thơ nữ nói về nỗi éo le, đau khổ của giới mình.

+ “Tự tình 3” thuộc chùm 3 “Tự tình” đều sử dụng thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật; đều bày tỏ ý thức về số phận hẩm hiu và tâm trạng buồn rầu, bất mãn, đồng thời khẳng định khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của nhà thơ; đều mượn cảnh thiên nhiên để miêu tả tâm trạng.

+ Tuy nhiên, “Tự tình 3” có điểm khác biệt, độc đáo so với 2 bài còn lại (“Tự tình 1” và “Tự tình 2”) ở chỗ: “Tự tình 1” là nỗi oán hận sầu thảm vì duyên chưa đến. Tuy nhiên, nhân vật trữ tình vẫn hiện lên với vẻ cao ngạo, khinh đời. Yếu tố phản kháng mạnh mẽ nhất. “Tự tình 2” là nỗi cô đơn sầu muộn vì duyên đến nhưng dở dang, hẩm hiu. Nhân vật trữ tình dù khao khát hạnh phúc nhưng cũng không tránh khỏi nỗi sầu bi trước số phận. Đến “Tự tình 3” lại là nỗi cô đơn sầu muộn, ngán ngẩm trước số phận lênh đênh, trước cuộc đời bão táp, ngao ngán trước thực tại cay đắng.

 

 

2,25

c. Kết bài Khẳng định giá trị tư tưởng và giá trị thẩm mĩ của bài thơ.

– Bài thơ phản ánh chân thực thân phận người góa phụ và xã hội phong kiến bất công, hà khắc với người phụ nữ. Qua đây, chúng ta càng thấu hiểu hơn và cảm thông hơn cho những người phụ nữ xã hội cũ, càng cảm phục ý chí, tài năng, tâm hồn của “Bà chúa thơ Nôm – Hồ Xuân Hương”.

– Liên hệ người phụ nữ ngày nay.

0,5
* Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề cần nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ. 0,5

Bài viết tham khảo

 

“Một nghệ sĩ chân chính phải là một nhà nhân đạo từ trong cốt tủy (Sê khốp). Hồ Xuân Hương là một nghệ sĩ như vậy. Bà được mệnh danh là “bà chúa thơ Nôm”, nhà thơ phụ nữ viết về phụ nữ, trào phúng mà trữ tình, đậm đà chất văn học dân gian từ đề tài, cảm hứng, đến ngôn ngữ, hình tượng. Để hiểu hơn về Hồ Xuân Hương cũng như thân phận những người phụ nữ nhỏ bé xã hội cũ, chúng ta cùng phân tích “Tự tình 3”.

 

Chiếc bách buồn vì phận nổi nênh,
Giữa dòng ngao ngán nỗi lênh đênh.
Lưng khoang tình nghĩa dường lai láng,
Nửa mạn phong ba luống bập bềnh.
Cầm lái mặc ai lăm đỗ bến,
Giong lèo thây kẻ rắp xuôi ghềnh.
Ấy ai thăm ván cam lòng vậy,
Ngán nỗi ôm đàn những tấp tênh.

                                                               (Tự tình 3 – Hồ Xuân Hương)

Hồ Xuân Hương là thiên tài kì nữ nhưng cuộc đời gặp nhiều bất hạnh. Thơ Hồ Xuân Hương là thơ của phụ nữ viết về phụ nữ, trào phúng mà trữ tình, đậm chất dân gian từ đề tài, cảm hứng ngôn từ và hình tượng. Bà được mệnh danh là bà chúa thơ nôm. Tác phẩm “Tự tình 3” là bài thơ nổi tiếng nói lên “tiếng lòng” người phụ nữ. Thân phận người phụ nữ đầy chua xót, tủi hổ, đau đớn.

Số phận bất hạnh của Hồ Xuân Hương, 2 lần lấy chồng đều làm lẽ và chồng đều mất sớm. Trong các bài thơ của bà đều nói lên tiếng nói cảm thương người phụ nữ và khẳng định đề cao và ý thức đầy bản lĩnh của họ. Theo đó, “Tự tình 3” là bài thơ với mạch cảm xúc xuyên suốt bộc lộ sự buồn tủi, cay đắng của người phụ nữ. Đồng thời cũng nói lên khát vọng mong cầu hạnh phúc của người phụ nữ xã hội xưa. Thân phận người phụ nữ đầy chua xót, tủi hổ, đau đớn

Chủ đề “Tự tình 3” cũng như 2 bài thơ còn lại trong chùm 3 “Tự tình” đều nói lên nỗi hẩm hiu, bất hạnh, thiệt thòi và khát vọng hạnh phúc của người phụ nữ… Qua bài thơ làm nổi bật một Hồ Xuân Hương gửi gắm tâm tình của mình qua hình ảnh chọn lọc, ẩn dụ “chiếc bách” – chiếc thuyền giữa dòng sông mênh mông, giữa dòng đời rộng lớn – hình ảnh người con gái góa trẻ cũng không biết sẽ trôi về đâu.

Nhan đề “Tự tình” được hiểu là bộc lộ tâm tình, cảm xúc của nữ sĩ trước hoàn cảnh éo le, đau buồn…Trong khi đó, điểm nhìn lại được đặt vào nhân vật trữ tình – người phụ nữ với duyên phận éo le, hẩm hiu…Bài thơ với những đặc sắc trong sự phát triển hình tượng chính

Hai câu đề mở đầu bài thơ cho ta cảm nhận rõ được là một chiếc bách đầy tâm trạng. Chiếc bách chính là hình ảnh của chiếc thuyền với tâm trạng buồn về phận nổi lênh đênh

 “Chiếc bách buồn vì phận nổi nênh

     Giữa dòng ngao ngán nỗi lênh đênh.”

“Một câu thơ hay là câu thơ giàu sức gợi” (Lưu Trọng Lư). Mở đầu bài thơ “Tự tình 3” là những câu thơ đầy sức gợi như thế. Hồ Xuân Hương cho ta thấy rõ về hình ảnh một chiếc bách – chiếc thuyền cô đơn bấp bênh giữa dòng nước. Tác giả đã vô cùng tinh tế khi sử dụng biện pháp tu từ ẩn dụ hình ảnh “chiếc bách” với thân phận người phụ nữ lúc bấy giờ. Nếu giữa dòng sông mênh mông ấy là hình ảnh chiếc bách nhỏ lênh đênh không biết trôi về đâu, thì giữa dòng đời rộng lớn, hình ảnh người con gái góa trẻ cũng không biết sẽ trôi về đâu. Không chỉ thế, tâm trạng của người phụ nữ còn được Hồ Xuân Hương miêu tả qua một vài từ ngữ như: “buồn”; “ngao ngán”. Buồn và chán ngán mà không biết làm sao thoát khỏi cảnh ngộ của mình.

Nỗi khổ cực, bất hạnh của người phụ nữ càng thể hiện rõ hơn qua hai câu thực. Thể hiện nỗi truân chuyên của người phụ nữ góa trẻ

 “Lưng khoang tình nghĩa dường lai láng,

Nửa mạn phong ba luống bập bềnh.”

      Hình ảnh con thuyền giữa phong ba, từ láy “lai láng”, “bập bềnh” và biện pháp tu từ đảo ngữ nhấn mạnh sự truân chuyên của người phụ nữ. Tình và nghĩa vẫn đương còn chan hòa dào dạt. Vậy mà sóng gió vẫn cứ ập tới, đe dọa liên tiếp vỗ vào mạn thuyền… Cây muốn yên mà gió chẳng lặng. Hạnh phúc tưởng chừng trong tầm tay nhưng cũng lại vỡ tan. Hai câu thơ này đều mang tâm trạng buồn rầu, ngao ngán cho thân phận người phụ nữ. Cuộc sống người phụ nữ xã hội xưa mấy khi được hạnh phúc. Điều đó càng làm cho người đọc thấy được khao khát, khát vọng tình yêu, khát vọng hạnh phúc của người phụ nữ xã hội xưa.

 

Nếu bốn câu thơ trên thể hiện tâm trạng buồn tủi của người phụ nữ góa trẻ thì hai câu luận cho ta thấy tâm trạng buông xuôi của người phụ nữ

“Cầm lái mặc ai lăm đỗ bến,

Dong lèo thây kẻ rắp xuôi ghềnh.”

Hai câu luận thể hiện sự buông xuôi của người phụ nữ. Trong đó, các từ “mặc”, “thây” thể hiện sự buông xuôi thực sự. Cuộc đời giống như hình ảnh chiếc thuyền trôi lênh đênh ngoài khơi, ai muốn lái muốn chèo thế nào cũng không để tâm. Chỉ hai câu thơ nói lên sự bất lực của người phụ nữ trong xã hội xưa. Dù cho dong lèo có cầm lái trôi xuôi theo thác ghềnh cũng không còn quan tâm nữa. Chỉ với hai câu thơ ngắn, đã nói lên sự bất lực của người phụ nữ thời xưa. Dù có khao khát hạnh phúc thì cũng không thể thay đổi được hoàn cảnh, vận mệnh. Không thể thay đổi được sự thật phũ phàng của xã hội là biển khơi, đẩy đưa thuyền đi theo ghềnh thác cũng đành phải theo mà không thể chống cự.

Cuối cùng, hai câu kết của bài thơ vẫn chỉ là tâm trạng buông xuôi, cam lòng của người góa phụ trẻ. Nhưng đó cũng là tiếng lòng khao khát muốn được hạnh phúc, muốn vùng vẫy

 “Ấy ai thăm ván cam lòng vậy,

Ngán nỗi ôm đàn những tấp tênh.”

Người phụ nữ xưa vốn đã nhỏ bé, chịu bao áp bức, bị trói buộc trong cái gọi là “tam tòng tứ đức”, từ khi sinh ra đến lúc chết đi đều chịu cảnh lệ thuộc. Người sương phụ (đàn bà góa, trẻ) một lần coi như cuộc đời là cánh bèo trôi dạt, không có lựa chọn, không có quyền lên tiếng, dù vào tay ai cũng cam lòng. Điều đó được thể hiện rõ qua các từ thể hiện sự chấp nhận, buồng xuôi như “cam lòng” “ôm nỗi”. Người phụ nữ thể hiện tiếng lòng khao khát muốn được hạnh phúc, muốn vùng vẫy nhưng rốt cuộc vẫn bị rẻ rúng, vẫn như chiếc bách lênh đênh. Từ láy tấp tênh càng thể hiện rõ số phận bất ổn, bấp bênh của họ.

Tác giả tự hỏi rằng ai sẽ đến với mình? Thế nhưng để đến với mình thì ai sẽ là người cam lòng để có thể bên mình. Mặc dù người phụ nữ hiểu rằng, bước sang một chiếc thuyền khác thì cuộc đời cũng vẫn “tấp tênh”, cũng không có gì khởi sắc. Thân phận người phụ nữ trong xã hội xưa đã nhỏ bé, bị áp bức, bị xã hội hà khắc thì thân phận người góa phụ trẻ còn thê lương hơn. Người góa phụ trẻ không có lựa chọn, ai muốn đẩy thuyền trôi đâu thì đẩy. Chỉ biết cam lòng, ôm nỗi đau vào lòng. Thấu hiểu nỗi đau đớn, oan ức, bất công của người phụ nữ, Hồ Xuân Hương đã lấy thi ca để nói lên tiếng lòng. Bà chính là đại diện cho những người phụ nữ mạnh mẽ, đòi quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc và lên án sự bất công, hà khắc của xã hội.

Một phần không thể thiếu để để khắc họa rõ nét hơn về người phụ nữ, Hồ Xuân Hương – bà chúa thơ Nôm đã sử dụng vô cùng tinh tế một số biện pháp nghệ thuật như: Thể thơ thất ngôn bát cú kết hợp với cách sử dụng từ ngữ thuần Việt giản dị mà tinh tế, cách sử dụng hình ảnh ẩn dụ cùng với những thủ pháp nghệ thuật như đảo ngữ, sử dụng nhiều các từ láy… Hồ Xuân Hương nói một cách hình ảnh những sắc thái tình cảm: phiền muộn, ngao ngán, đầy khát vọng mà chấp nhận cam chịu…của mình. Sử dụng nhiều động từ thể hiện sự chấp nhận, chẳng hạn như “cam lòng”, “ôm nỗi”, “mặc”… lột tả chân thực xã hội phong kiến bất công, hà khắc với người phụ nữ. Thân phận người góa phụ rẻ rúng, bèo dạt lênh đênh.

So với những sáng tác khác cùng đề tài, chủ đề, thể loại thì “Tự tình 3” vẫn có những nét hấp dẫn riêng.

Trong bài thơ Vân chữ, Lê Đạt viết: “Mỗi công dân đều có một dạng vân tay, Mỗi người nghệ sĩ thứ thiệt đều có một dạng vân chữ, Không trộn lẫn”. Quả đúng như vậy, bài “Tự tình 3” của Hồ Xuân Hương cũng có một “dạng vân chữ” độc đáo. Như chúng ta đã biết, xã hội Việt Nam rơi vào tình trạng khủng hoảng làm cho cuộc sống người dân vô cùng lầm than, cơ cực. Đặc biệt là thân phận người phụ nữ lúc bấy giờ. Không ít nhà thơ, nhà văn đã phản ánh rõ điều đó, ta có thể cảm nhận rõ qua một số tác phẩm văn học như “Truyện Kiều” (Nguyễn Du), “Chinh phụ ngâm” (Đặng Trần Côn ),… Đó là những lời cảm thông của người đàn ông nói về người phụ nữ. Tuy nhiên, bài thơ “Tự tình 3” lại không phải như vậy mà là tiếng nói của chính một nhà thơ nữ về nỗi éo le, đau khổ của giới mình.

“Tự tình 3” thuộc chùm 3 “Tự tình” đều sử dụng thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật; đều bày tỏ ý thức về số phận hẩm hiu và tâm trạng buồn rầu, bất mãn, đồng thời khẳng định khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của nhà thơ; đều mượn cảnh thiên nhiên để miêu tả tâm trạng.

Tuy nhiên, “Tự tình 3” có điểm rất khác biệt, độc đáo so với 2 bài còn lại (“Tự tình 1” và “Tự tình 2”) ở chỗ: “Tự tình 1” là nỗi oán hận sầu thảm vì duyên chưa đến. Tuy nhiên, nhân vật trữ tình vẫn hiện lên với vẻ cao ngạo, khinh đời. Yếu tố phản kháng mạnh mẽ nhất. “Tự tình 2” là nỗi cô đơn sầu muộn vì duyên đến nhưng dở dang, hẩm hiu. Nhân vật trữ tình dù khao khát hạnh phúc nhưng cũng không tránh khỏi nỗi sầu bi trước số phận. Đến “Tự tình 3” lại là nỗi cô đơn sầu muộn, ngán ngẩm trước số phận lênh đênh, trước cuộc đời bão táp, ngao ngán trước thực tại cay đắng.

Tóm lại, tác phẩm “Tự tình 3” của Hồ Xuân Hương được coi là bài thơ bộc lộ những cảnh éo le, buồn tủi, cay đắng của người phụ nữ. Đồng thời cũng nói lên khát vọng mong cầu hạnh phúc của người phụ nữ trong xã hội xưa. Thân phận người phụ nữ đầy chua xót, tủi hổ, đau đớn. Qua đây, chúng ta càng thấu hiểu hơn và cảm thông hơn cho những người phụ nữ xã hội cũ. Và càng cảm phục ý chí, tài năng, tâm hồn của “Bà chúa thơ Nôm” – Hồ Xuân Hương. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà thi sĩ Xuân Diệu nhấn mạnh: “Hồ Xuân Hương là một nhà thơ vào hạng có tài nhất trong văn học Việt Nam ta. Thơ Hồ Xuân Hương rất hay. Thơ Hồ Xuân Hương rất sống. Chính cái “rất sống” đó làm cho thơ Hồ Xuân Hương ở mãi trong lòng Nhân dân.”

Ngày nay, với sự tiến vộ xã hội, thân phận người phụ nữ không còn phải chịu nhiều nỗi thiệt thòi, bất hạnh như xưa mà đã có sự bình đẳng với nam giới. Dân tộc ta với tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa đã luôn đặt ra mục tiêu “Vì sự tiến bộ của phụ nữ” để phấn đấu tất cả quyền lợi của người phụ nữ đều ngang bằng như đàn ông. Có thể nói, ở thời kì nào của đất nước phụ nữ cũng luôn giữ một vai trò vô cùng quan trọng. Trong xu thế hội nhập của đất nước hiện nay, phụ nữ Việt Nam tiếp tục phát huy và khẳng định vai trò, vị trí của mình đối với sự phát triển của xã hội.  Chúng ta hãy cùng nhau vun đắp cho những giá trị tốt đẹp nhất dành cho người phụ nữ – một nửa quan trọng của thế giới này.

 

                                            —————HẾT————-

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *