(Giới hạn: Thơ Đường luật, thơ mới)
ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm) THEO ĐÚNG MA TRẬN CỦA BỘ
Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu: (Tự luận)
MÀU TÍM HOA SIM
(Hữu Loan)
Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng
Có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh
Tôi người Vệ quốc quân
xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn
nàng không đòi may áo mới
Tôi mặc đồ quân nhân
đôi giày đinh
bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi
Từ chiến khu xa
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến binh
Mấy người đi trở lại
Nhỡ khi mình không về
thì thương
người vợ chờ
bé bỏng chiều quê…
Câu 1: Văn bản trên được viết theo thể thơ nào?
Câu 2: Xác định nhân vật trữ tình trong văn bản.
Câu 3: Văn bản viết về chủ đề gì?
Câu 4: Điều gì khiến “anh chồng” “độc đáo” ?
Câu 5: Những từ ngữ, hình ảnh nào miêu tả vẻ đẹp của nhân vật “em”
Câu 6: Văn bản diễn tả những sắc thái tâm trạng nào của nhân vật trữ tình?
Câu 7: Cảm xúc của bạn khi đọc văn bản này (trả lời khoảng 3-4 dòng)
Câu 8: Nhận xét ngắn gọn về vẻ đẹp ngôn từ của văn bản.
LÀM VĂN (4,0 điểm)
Hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của văn bản trên.
Hướng dẫn chi tiết
Phần | Câu | Nội dung | Điểm |
I | ĐỌC HIỂU | 6,0 | |
1 | Văn bản được viết theo thể thơ tự do | 0,5 | |
2 | Nhân vật trữ tình trong văn bản: tôi/tác giả/anh chồng | 0,5 | |
3 | Chủ đề của văn bản: tình yêu trong chiến tranh | 0,5 | |
4 | Điều khiến “anh chồng” “độc đáo” :
Ngày hợp hôn mặc đồ quân nhân |
1,0 | |
5 | Từ ngữ, hình ảnh miêu tả vẻ đẹp của nhân vật “em”: tóc nàng xanh xanh, Ngày hợp hôn/nàng không đòi may áo mới, Nàng cười xinh xinh | 1,0 | |
6 | Văn bản diễn tả những sắc thái tâm trạng của nhân vật trữ tình:
– Tình yêu thầm lặng, thiết tha, êm đềm và giản dị như tình anh em trong những ngày quen nhau – Hân hoan, vui sướng trong ngày hợp hôn – Nhớ thương, âu lo trong tháng ngày xa cách |
1,0 | |
7 | Hs bày tỏ cảm xúc khi đọc văn bản, cơ bản: bùi ngùi xúc động, cảm thương, biết ơn… | 1,0 | |
8 | Nhận xét về vẻ đẹp ngôn từ của văn bản : Ngôn từ đời thường mộc mạc, giản dị, gần gũi. | 0.5 | |
II | VIẾT | 4,0 | |
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề | 0.5 | ||
b. Xác định đúng yêu cầu của đề: giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của văn bản trên. | 0.5 | ||
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
HS có thể viết bài nhiều cách trên cơ sở kết hợp được lí lẽ và dẫn chứng để tạo tính chặt chẽ, logic của mỗi luận điểm; đảm bảo các yêu cầu sau: * Phân tích, đánh giá mạch ý tưởng, cảm xúc của nhân vật trữ tình: (Chủ đề, mạch cảm xúc, hình ảnh, điểm nhìn…) – Chủ đề: viết về thân phận ngươi vợ trẻ vắn số và hạnh phúc gia đình ngắn ngủi của anh vệ quốc quân – tác giả. -Mạch cảm xúc: Đoạn thơ thể hiện tiếng lòng của nhà thơ trước niềm vui cưới được cô em gái nhỏ hậu phương và nỗi đau, niềm lo cho người vợ trẻ có chồng thời chiến chinh – Điều thú vị là những mất mát, tổn thương mà con người thời chiến chiu đựng lại được nhìn từ điểm nhìn của anh vệ quốc quân. Ở đó, người quân nhân không hướng vào ca ngợi tình yêu Tổ quốc hay tình đồng chí,lòng căm thù giặc mà đã khoét sâu nỗi niềm của mình với người vợ trẻ nơi hậu phương .Từ điểm nhìn này,người đọc có dịp nhìn thấu độ sâu của tội ác mà chiến tranh gây ra cho con người. * Phân tích đánh giá sự phát triển của hình tượng chính và tính độc đáo của các phương diện ngôn từ. – Sự phát triển của hình tượng chính Bài thơ nói về một cuộc tình thật hạnh phúc mà cũng khổ đau trong chiến tranh, với nhân vật chính là một cán bộ Việt Minh và một cô thiếu nữ. Họ biết nhau,yêu nhau. Họ cưới nhau trước khi chia tay nhau để anh lính đi ra trận. Anh vẫn thường lo lắng nếu như mình bỏ mạng nơi chiến trường thì thương cho người vợ trẻ ở hậu phương. – Tính độc đáo của các phương diện ngôn từ: Một đoạn thơ đẹp và buồn.Ngôn từ rất thật ,rất mộc mạc nhưng có sức lay động tột cùng. Tiết tấu đoạn thơ nhẹ nhàng ,sâu lắng,đậm chất trữ tình và buồn man mác.Nhịp thơ cũng là nhịp lòng của nhân vật trữ tình.Tác giả không vận dụng nhiều biện pháp tu từ, chỉ là kết hợp nhuần nhuyễn giữa tự sự và trữ tình đã làm nên hồn thơ sâu lắng. * Phân tích, đánh giá nét hấp dẫn riêng của bài thơ so với những sáng tác khác cùng đề tài, chủ đề, thể loại Bài thơ viết trong thời chiến nhưng không viết về bom rơi,đạn nổ.Từ điểm nhìn của người quân nhân nhưng hình ảnh trong điểm nhìn ấy không phải là sự hy sinh hay xả thân của người chiến sĩ mà là sự mất mát,sự đợi chờ của nguời phụ nữ chốn quê.Vì thế nỗi niềm trong bài thơ càng thổn thức, lắng đọng.Tiếng thở dài,niềm lo của người lính ở chiến trường hướng về người vợ ở hậu phương đã đi ngược lại tiếng hô hào,xung phong trong những tiếng thơ khác lúc bấy giờ nhưng mang lại sức hút lạ kì. Bởi ở đó có niềm lo chân thành,rất thực tế mà sự khắc nghiệt của chiến tranh mấy ai biết được để tránh.Người chồng nơi chiến chinh không nghĩ cho sự thiệt thòi của mình mà lo cho người vợ nơi quê nhà với bao thiệt thòi ,mất mát ,đó mới là niềm lo rất đời thường nhưng đầy ý nghĩa nhân văn . |
2.0 | ||
d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt. | 0.5 | ||
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. | 0.5 |
Bài viết tham khảo
Hữu Loan là một nhà thơ chiến sĩ.Ông sáng tác cả truyện và kí nhưng nổi tiếng ở lĩnh vực thơ ca.Bài thơ “ Màu tím hoa sim” là một bài thơ hay, để lại nhiều dư vị trong lòng người đọc .Đoạn thơ “ Nàng có ba người anh……chiều quê” ;là đoạn kí ức đẹp nhất nhưng cũng buồn đau không ít trong lòng nhà thơ.
“Màu tím hoa sim” có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai yếu tố tự sự và trữ tình. Đoạn thơ là câu chuyện kể nhẹ nhàng,thấm thía về tâm tình của anh vệ quốc quân trong thời chiến.Vì thế ,chủ đề của bài thơ không lạ nhưng cũng không quen thuộc như bao tác phẩm thơ văn thời chiến chinh .Chủ đề mà tác giả đề cập trong “ Màu tím hoa sim” là tiếng lòng khóc vợ của người quân nhân .Vì thế nó không phải là khúc tráng ca hào hùng mà là bản tình ca sâu lắng,nghẹn ngào . Trong đoạn thơ đầu của bài thơ, nhà thơ đã thổ lộ tiếng lòng mình về hạnh phúc và niềm bất an trong cuộc hôn nhân của mình.
Mạch cảm xúc trong đoạn thơ bắt đầu bằng câu chuyện tình đẹp và cuộc hôn nhân vội vàng,giản dị mà chân thành của nhân vật trữ tình với em gái nhỏ hậu phương.
Đó là một cuộc tình đong đầy hạnh phúc nhưng cũng không ít khổ đau .Cuộc tình của nhân vật chính là một cán bộ Việt Minh và một cô thiếu nữ. Họ yêu nhau thật đẹp. Họ cưới nhau trước khi chia tay nhau để anh lính đi ra trận. Anh vẫn thường lo lắng nếu như mình bỏ mạng nơi chiến trường thì thương cho người vợ bé bỏng nơi hậu phương. Nỗi lo rất đời thường .
Trong những dòng thơ đầu của Màu tím hoa sim ,Hữu Loan đã tái hiện một lát cắt đẹp về câu chuyện tình đẹp của nhân vật trữ tình. Ở đó chàng quân nhân thấu hiểu hoàn cảnh gia đình “nàng”,nên họ dễ dàng đồng cảm ,đồng điệu.Chàng đã yêu thương nàng bằng tình cảm dành cho một người em gái bé nhỏ:
“Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng
Có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh….
Tôi người Vệ quốc quân
xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái”
Tình cảm lớn dần, tình quân dân,tình yêu em gái ,rồi tình cảm phát triển lớn hơn thành tình yêu đôi lứa.Người lính trong bài thơ, bằng sự cảm mến dành cho người con gái tuổi xuân thì có mái tóc “xanh xanh”, anh đã rất mừng lòng khi tình cảm ấy của anh và “nàng” lại hữu duyên gắn kết bền lâu. Thế rồi, họ đã tay trong tay đi đến ngày chung đôi, dù đơn sơ nhưng thật hạnh phúc đong đầy. Anh đã rất tự hào khi em rất hiểu chuyện :
“Ngày hợp hôn
nàng không đòi may áo mới
Tôi mặc đồ quân nhân
đôi giày đinh
bết bùn đất hàn quân
Nàng cười xinh xinh
Bên anh chồng độc đáo”
Cô dâu ngày thành đôi hiện lên với những vẻ đẹp thật đáng quý.Cô dâu không cầu kì ,thể hiện. Cô không đòi hỏi nhiều điều.Anh thật sự cảm kích tấm lòng cô gái lấy chồng thời chiến chinh.Và với giọng kể nhẹ nhàng ,chân thật chú rễ cũng bộc bạch : Lễ phục của chú rể rất đặc biệt với“đồ quân nhân” và “đôi giày đinh” – “bết bùn đất hành quân”. Ấy vậy mà “nàng” vẫn không hề muộn phiền mà trái lại còn bộc lộ niềm hạnh phúc trên miệng “cười xinh xinh” khi sánh bên anh chồng “độc đáo”.Thật là xứng đôi,vừa lứa.Nhân vật trữ tình đã khiến người đọc nao lòng trước vẻ đẹp dịu kì của cuộc hôn nhân thời chiến.
Thành hôn trong thời chiến, đôi lứa yêu nhau phải chấp nhận viễn cảnh phải hi sinh tình cảm riêng tư để vẹn tròn việc nước. Chính khoảng thời gian ngắn ngủi bên nhau cùng với hoàn cảnh không tránh khỏi sự hi sinh, mất mát trong chiến tranh đã làm dâng lên trong lòng người chiến sĩ mới lập gia đình những lo lắng về sự hợp – tan. Suy nghĩ ấy dường như lúc nào cũng thường trực trong lòng anh, nhất là những lúc ở chiến khu xa mà “nhớ về ái ngại”, lo lắng lại trào dâng khôn nguôi:
“Từ chiến khu xa
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến binh
Mấy người đi trở lại
Nhỡ khi mình không về
thì thương
người vợ chờ
bé bỏng chiều quê …”
Những vần thơ trên đã nói lên hết nỗi lòng của người chiến sĩ khi anh đặt mình vào vị trí của vợ. Anh rất sợ những cái “nhỡ” kia sẽ trở thành sự thật. Quả thật sinh mệnh của con người trong thời chiến binh chỉ là những gì rất mỏng manh, leo lét bởi nó có thể bị sự tàn khốc, ác liệt của cuộc chiến làm cho đứt rời rất nhanh chóng, dễ dàng. Sự mạnh mẽ của người đàn ông trong lúc này không thể bảo vệ được người vợ bé bỏng chiều quê.Chỉ có thể là niềm lo đau đáu khôn khuây.Nhưng tự trong thẳm sâu của niềm lo ta nhận ra cả cõi lòng nặng trĩu của anh chồng quân nhân thấu hiểu cho những mất mát,hy sinh,và chịu đựng của người vợ trẻ quê nhà.
Tuy nhiên, nhắc đến sự hi sinh, ta không thấy mảy may sự nghẹn ngào của người chiến sĩ cho chính thân phận mình mà lại quan tâm đến cảm xúc của những “người vợ chờ” – “bé bỏng chiều quê” là một điều sâu sắc quá đỗi. Anh tưởng tượng đến điều không may ấy để cảm thương cho đời người phụ nữ .Khi thành hôn có lẽ người phụ nữ chỉ có mong ước lớn lao về một mái ấm hạnh phúc, có một điểm tựa để được yêu thương, che chở. Nhưng qua lời thơ ,ta nhận ra một khoảng trống mênh mông.Người vợ ấy sẽ chịu những mất mát ,tổn thương . Và những mất mát, hy sinh mà con người thời chiến chiu đựng lại được nhìn từ điểm nhìn của anh vệ quốc quân đã càng khoét sâu nỗi đau của người chiến sĩ và nỗi đau của người vợ trẻ nơi hậu phương .Từ điểm nhìn này,người đọc có dịp nhìn thấu độ sâu của tội ác mà chiến tranh gây ra cho con người.
Một đoạn thơ đẹp và buồn. Ngôn từ rất thật, rất mộc mạc nhưng có sức lay động tột cùng. Tiết tấu đoạn thơ nhẹ nhàng, sâu lắng,đậm chất trữ tình và buồn man mác.Nhịp thơ cũng là nhịp lòng của nhân vật trữ tình.Tác giả không vận dụng nhiều biện pháp tu từ, chỉ là kết hợp nhuần nhuyễn giữa tự sự và trữ tình đã làm nên hồn thơ sâu lắng.
Bài thơ viết trong thời chiến nhưng không viết về bom rơi,đạn nổ.Từ điểm nhìn của người quân nhân nhưng hình ảnh trong điểm nhìn ấy không phải là sự hy sinh hay xả thân của người chiến sĩ mà là sự mất mát,sự đợi chờ của nguời phụ nữ chốn quê.Vì thế nỗi niềm trong bài thơ càng thổn thức, lắng đọng.Tiếng thở dài,niềm lo của người lính ở chiến trường hướng về người vợ ở hậu phương đã đi ngược lại tiếng hô hào,xung phong trong những tiếng thơ khác lúc bấy giờ nhưng mang lại sức hút lạ kì. Bởi ở đó có niềm lo chân thành,rất thực tế mà sự khắc nghiệt của chiến tranh mấy ai biết được để tránh.Người chồng nơi chiến chinh không nghĩ cho sự thiệt thòi của mình mà lo cho người vợ nơi quê nhà với bao thiệt thòi ,mất mát ,đó mới là niềm lo rất đời thường nhưng đầy ý nghĩa nhân văn
Bài thơ là sự kết hợp hài hòa ,độc đáo giữ nội dung và hình thức nghệ thuật. Giản dị ,chân thành,sâu sắc trong ý tứ, trong cảm xúc và từ ngữ, giọng điệu đó là đặc điểm của “Màu tím hoa sim”. Đoạn thơ là khúc tình ca sâu lắng của nhà thơ về cuộc tình lãng mạn nhất và buồn nhất trên thi đàn lúc bấy giờ.