ĐỀ VỀ THƠ LỚP 10
(Giới hạn: Thơ Đường luật, thơ mới)
ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu: (Tự luận)
Nhàn
Một mai, một cuốc, một cần câu,
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn, người đến chốn lao xao.
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp,
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Câu 1: Chỉ ra những đặc điểm của thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật được thể hiện trong bài thơ trên?
Câu 2: Chủ thể trữ tình trong bài thơ là ai?
Câu 3: Chỉ ra biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong câu thơ sau:
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Câu 4: Anh /chị hiểu như thế nào về nhan đề của bài thơ?
Câu 5: Nêu rõ hiệu quả của biện pháp tu từ ẩn dụ được sử dụng trong hai câu thơ sau:
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn, người đến chốn lao xao.
Câu 6: Hai câu thơ cuối bài thể hiện thái độ như thế nào của nhà thơ về vinh hoa phú quý?
Câu 7: Nhận xét của anh/chị về vẻ đẹp tâm hồn nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm được thể hiện qua bài thơ trên?
Câu 8: Anh/ chị có đồng tình với quan niệm sống “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm được thể hiện qua bài thơ trên không? Vì sao?
LÀM VĂN (4,0 điểm)
Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của văn bản trên.
Hướng dẫn chi tiết
ĐỌC – HIỂU
Câu 1: Những đặc điểm của thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật được thể hiện trong bài thơ trên:
– Số câu, số tiếng: cả bài có 8 câu, mỗi câu có 7 tiếng.
– Bố cục 4 phần: Đề – thực – luận – kết.
– Gieo vần: Chỉ gieo một vần (Độc vận), vần chân ở tiếng thứ 7 của các dòng 2,4,6,8: vần “ao”.
– Ngắt nhịp: 4/3
– Giữa các tiếng 2-4-6 của các câu có sự đối xứng về hài thanh.
Câu 2: Chủ thể trữ tình trong bài thơ là: Nhà thơ
Câu 3: Biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong hai câu thơ là: Điệp từ, Đối.
Câu 4: Nhan đề của bài thơ:
– Theo nghĩa thông thường: “Nhàn” là có ít hoặc không có việc gì phải làm, phải lo nghĩ đến, thể hiện trạng thái rảnh rỗi, thảnh thơi cả thể xác lẫn tinh thần của con người.
– Trong bài thơ: “Nhàn” thể hiện một thái độ sống, một quan niệm sống đẹp đẽ, cao cả của nhà thơ: Không vướng bận tư lợi, sống cuộc sống an nhiên, hòa hợp với thiên nhiên, tránh xa chốn thị phi.
Câu 5: Hiệu quả của biện pháp tu từ ẩn dụ được sử dụng trong hai câu thơ sau:
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn, người đến chốn lao xao.
– Biện pháp tu từ ẩn dụ: Nơi vắng vẻ; chốn lao xao.
– Hiệu quả:
+ Làm cho cách diễn đạt mang tính hàm súc, cô đọng, làm tăng tính gợi hình gợi cảm.
+ Gợi liên tưởng ý nhị, sâu sắc: Nơi vắng vẻ: Nơi làng quê, là nơi tĩnh lặng của thiên nhiên, nơi tâm hồn tìm thấy sự thảnh thơi; “Chốn lao xao” là nơi quan trường, chốn giành giật tư lợi, sang trọng, tấp nập ngựa xe, quyền quý, kẻ hầu người hạ.
Câu 6: Hai câu thơ cuối bài thể hiện thái độ của nhà thơ về vinh hoa phú quý:
– Thái độ coi thường vinh hoa phú quý, coi vinh hoa phú quý chỉ là một giấc chiêm bao, dễ tan biến.
Câu 7: Vẻ đẹp tâm hồn nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm được thể hiện qua bài thơ trên:
– Một con người giản dị, yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống thuần hậu ở chốn làng quê.
– Cốt cách thanh cao, bản lĩnh cứng cỏi, không màng danh lợi.
Câu 8:
– Có thể trả lời đồng tình/ không tình.
– Đưa ra lí giải phù hợp, lô gic.
LÀM VĂN (Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây)
Dàn ý
Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm.
– Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhà thơ lớn của dân tộc, một người thông minh, uyên bác, chính trực, coi thường danh lợi.
– Bài thơ “Nhàn” được trích từ tập “Bạch Vân quốc ngữ thi”, là bài thơ nổi tiếng thể hiện được quan điểm sống đẹp đẽ của Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Thân bài: Phân tích, đánh giá những nét đặc sắc, độc đáo của bài thơ:
* Phân tích, đánh giá mạch ý tưởng, cảm xúc của nhân vật trữ tình:
(Chủ đề, mạch cảm xúc, hình ảnh, điểm nhìn…)
– Chủ đề bài thơ: Ngợi ca chữ “Nhàn” trong cuộc sống ẩn dật, tranh xa khỏi chốn quan trường rối ren, đầy ganh đua.
– Mạch cảm xúc: Xuyên suốt bài thơ là tâm hồn tràn ngập niềm vui, say sưa và sự thanh tịnh trong tâm hồn tác giả trước cuộc sống thuần hậu của một lão nông tri điền ở chốn làng quê. Có thể xem đây là điểm nhấn, là tinh thần chủ đạo của bài thơ. Chỉ vơi 8 câu thơ đường luật nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm đã mang đến cho người đọc một cuộc sống an nhàn nơi đồng quê êm ả.
+ Hình ảnh: Dân dã, gần gũi, bình dị mang đậm cốt cách thôn quê Việt Nam:
. Mai, cuốc, cần câu: vốn là những dụng cụ quen thuộc, cần thiết nhất của cuộc sống nhà nông;
. Măng trúc, giá: những thức ăn dân giã, có sẵn theo mùa ở chốn làng quê.
. Hồ sen, ao: những địa điểm đặc trưng, quen thuộc diễn ra các hoạt động sinh hoạt thường ngày của người nông dân.
. Hình ảnh ẩn dụ “nơi vắng vẻ”, “chốn lao xao”: Gợi liên tưởng ý nhị, sâu sắc: Nơi vắng vẻ: Nơi làng quê, là nơi tĩnh lặng của thiên nhiên, nơi tâm hồn tìm thấy sự thảnh thơi; “Chốn lao xao” là nơi quan trường, chốn giành giật tư lợi, sang trọng, tấp nập ngựa xe, quyền quý, kẻ hầu người hạ.
* Phân tích đánh giá sự phát triển của hình tượng chính và tính độc đáo của các phương diện ngôn từ.
– Sự phát triển của hình tượng chính
+ Hai câu thơ đề: Khái quát hoàn cảnh sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm ở quê nhà nhưng tâm hồn lúc nào cũng vui tươi, thư thái. Qua đó thể hiện tâm thế ung dung, tự tại, triết lí sống nhàn của một “lão nông tri điền”
+ Hai câu thực: Chủ thể trữ tình trực tiếp xuất hiện với thái độ ung dung, tự tin vào quyết định lựa chọn của bản thân, qua đó bộc lộ quan điểm sống “lánh đục về trong”.
+ Hai câu luận: Đặc tả cuộc sống sinh hoạt của nhà thơ ở chốn thôn quê. Qua đó bộc lộ tâm trạng vui vẻ và sự hài lòng về cuộc sống đạm bạc, giản dị, hòa hợp với tự thiên nhưng vẫn thanh cao, tự do thoải mái của Nguyễn Bỉnh Khiêm.
+ Hai câu kết: Nhà thơ khẳng định triết lí sống “nhàn” của bản thân: coi thường vinh hoa phú quý, coi đó chỉ là giấc chiêm bao.
– Tính độc đáo của các phương diện ngôn từ:
+ Ngôn từ giản dị, tự nhiên: Sử dụng những từ ngữ thuần việt, mộc mạc, giản dị gợi cuộc sống chốn thôn quê dân dã: dầu ai, thú nào, dại, khôn, vắng vẻ, lao xao, ăn, tắm….
+ Gieo vần “ao”: độc vận, vần chân.
+ Sử dụng linh hoạt, sáng tạo biện pháp tu từ: số từ “một” lặp lại 3 lần trong 1 câu thơ; từ láy “thơ thẩn”; Đảo ngữ “Rượu đến cội cây ta sẽ uống”; nghệ thuật đối, ẩn dụ, điển tích, điển cố.
+ Ngắt nhịp linh hoạt: khi thì 2/2/3, khi thì 4/3 tạo ra giọng điệu linh hoạt khi thì chậm rãi, ung dung, tự tại trong phong thái, lúc lại sôi nổi, vui tươi, sung sướng, tự hào.
* Phân tích, đánh giá nét hấp dẫn riêng của bài thơ so với những sáng tác khác cùng đề tài, chủ đề, thể loại
– So sánh với quan niệm sống “Nhàn” trong bài thơ “Cảnh ngày hè” của Nguyễn Trãi:
Nguyễn Trãi cũng lui về ở ẩn, nhưng trong thâm tâm ông vẫn chẳng thể ngưng canh cánh việc nước. Nhàn với ông là khoảnh khắc tạm gạt bỏ công việc để thưởng thức thú vui tao nhã của cuộc sống yên bình, ung dung tự tại. Ngược lại, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có cơ hội được sống nhàn, nên trong cuộc sống nhàn ấy, ông hiện lên là một con người triết lý, trí tuệ, từng trải, thâm trầm và sâu sắc.
Kết bài: Khẳng định giá trị tư tưởng và giá trị thẩm mĩ của bài thơ.
Bài thơ đường luật kết cấu chặt chẽ, tứ thơ đơn giản nhưng hàm ý sâu xa đã làm toát lên tâm hồn và cốt cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Bài viết tham khảo:
Puskin từng viết: “Linh hồn là ấn tượng của một tác phẩm. Cây cỏ sống được là nhờ ánh sáng, chim muông sống được là nhờ tiếng ca, một tác phẩm sống được là nhờ tiếng lòng của người cầm bút”. Và nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã để tiếng lòng của mình cất lên, để linh hồn của bài thơ “Nhàn” bay lên qua những vần thơ giản dị, tự nhiên nhưng thâm trầm, khúc triết bởi triết lí sống cao đẹp:
Một mai, một cuốc, một cần câu,
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn, người đến chốn lao xao.
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp,
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.
Bài thơ ngợi ca chữ “Nhàn” trong cuộc sống ẩn dật nơi thôn quê, tránh xa khỏi chốn quan trường, triều đình rối ren, đầy ganh đua. Nhan đề bài thơ ngắn gọn, xúc tích chỉ vẻn vẹn có một chữ “Nhàn” nhưng đã gói gọn được trong đó cả tử tưởng, chủ đề của bài thơ. Theo nghĩa thông thường: “Nhàn” là có ít hoặc không có việc gì phải làm, phải lo nghĩ đến, thể hiện trạng thái rảnh rỗi, thảnh thơi cả thể xác lẫn tinh thần của con người. Trong bài thơ: “Nhàn” thể hiện một thái độ sống, một quan niệm sống đẹp đẽ, cao cả của nhà thơ: Không vướng bận tư lợi, sống cuộc sống an nhiên, hòa hợp với thiên nhiên, tránh xa chốn thị phi của chốn quan trường.
Tình cảm là sinh mệnh của thơ, là điều kiện hàng đầu của thơ. Cây không thể thiếu gốc, thơ ca cũng không thể thiếu được cốt tủy của riêng mình. Người cho thơ cái gốc cũng như kẻ đang ươm mầm hạt giống của sự sống, cần phải có tâm hồn dạt dào, trù phú để thơ đâm chồi, bám rễ. Trong Mỹ học Hegel viết: “Đối tượng của thơ không phải là mặt trời, núi non, phong cảnh, cũng không phải là hình dáng và các biểu hiện bên ngoài của con người, máu thịt, thần kinh…Đối tượng của thơ là hứng thú tinh thần”. Đọc bài thơ “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm chúng ta thấy, xuyên suốt bài thơ là tâm hồn tràn ngập niềm vui, say sưa và sự thanh tịnh trong tâm hồn tác giả trước cuộc sống thuần hậu của một lão nông tri điền ở chốn làng quê. Có thể xem đây là điểm nhấn, là tinh thần chủ đạo của bài thơ. Chỉ vơi 8 câu thơ đường luật nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm đã mang đến cho người đọc một cuộc sống an nhàn nơi đồng quê êm ả vô cùng ý nghĩa, đẹp đẽ.
Trong bài thơ, ta bắt gặp những hình ảnh thơ vô cùng dân dã, gần gũi, bình dị mang đậm cốt cách thôn quê Việt Nam. “Mai, cuốc, cần câu” vốn là những dụng cụ lao động quen thuộc, cần thiết trong cuộc sống của nhà nông ở chốn làng quên. “Măng trúc, giá” cũng là những thức ăn dân giã, những sản vật có sẵn theo mùa ở chốn làng quê. Hồ sen, ao là nơi chốn đặc trưng, quen thuộc ở chốn quê mùa, nơi ấy diễn ra các hoạt động sinh hoạt thường ngày của người nông dân. Những hình ảnh này khác hẳn với những hình ảnh mang tính ước lệ, tượng trưng thường thấy trong thơ Đường luật. Nó mộc mạc, bình dị, rất đỗi thân quen trong cuộc sống con người ở nơi làng quê thanh tịnh. Những hình ảnh gợi hình, gợi cảm ấy đã góp phần dựng lên trước mắt người đọc một bức tranh cuộc sống thanh tịnh, vui thú với điền viên ở chốn thôn quê của chủ thể trữ tình.
Thơ ca là sản phẩm của cảm xúc con người, chính vì thế mà tâm hồn người viết có trong, có sáng, có phong phú dạt dào thì mới tạo nên được những bài thơ hay. Tâm hồn con người ta không đơn thuần chỉ là những cảm xúc yêu, ghét, giận hờn, nó còn là cảm quan, cách đánh giá và cái nhìn của mỗi người vào cuộc sống này. Bài thơ “Nhàn” với vẻn vẹn 8 câu thơ được tổ chức theo cấu trúc của một bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật quen thuộc. Vẻ đẹp nhân cách của nhà thơ – chủ thể trữ tình được khắc họa hiện lên qua bố cục bốn phần: đề, thực, luận, kết. Hai câu thơ đề của bài thơ đã khái quát hoàn cảnh sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm ở quê nhà nhưng tâm hồn lúc nào cũng vui tươi, thư thái. Đó là cuộc sống lao động của một nhà nông chính hiệu với các dụng cụ lao động chân tay tuy cực nhọc, vất vả nhưng vui vẻ, tự do, tự tại: mai cuốc, cần câu. Qua đó thể hiện tâm thế ung dung, tự tại, triết lí sống nhàn của một “lão nông tri điền”. Giọng thơ chậm rãi, kết hợp số từ “một” được lặp đi lặp lại ba lần trong một câu thơ cho thấy mọi thứ đều đã sẵn sàng để bắt đầu một cuộc sống vui thú với điền viên. Chỉ có “một” thôi, không thừa, không thiếu, vừa đủ để con người sống thảnh thơi, tự do, tự tại. Từ láy “thơ thẩn” gợi tâm thế ung dung, tự do, tự tại, nhàn tảng, không vướng bận, mưu cầu điều gì của nhà thơ:
Một mai, một cuốc, một cần câu,
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.
Bước sang hai câu thực, chủ thể trữ tình trực tiếp xuất hiện qua đại từ “Ta” với thái độ ung dung, tự tin vào quyết định lựa chọn của bản thân, qua đó bộc lộ quan điểm sống “lánh đục về trong” của nhà thơ. Nhà thơ tự nhận cái dại về mình, nhường khôn cho kẻ khác để lựa chọn cuộc sống ở “nơi vắng vẻ” . Câu thơ có sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật đối và biện pháp tu từ ẩn dụ “nơi vắng vẻ”, “chốn lao xao”. Gợi lên những liên tưởng ý nhị, sâu sắc. Nơi vắng vẻ được hiểu là nơi làng quê, là nơi tĩnh lặng của thiên nhiên, nơi tâm hồn tìm thấy sự thảnh thơi. “Chốn lao xao” là nơi quan trường, chốn giành giật tư lợi, sang trọng, tấp nập ngựa xe, quyền quý, kẻ hầu người hạ, ở nơi ấy con người phải chạy đua, phải đấu đá, chèn ép, thậm chí là giẫm đạp lên nhau để sinh tồn, để tranh giành quyền cao, chức trọng, tiền bạc, công danh…Câu thơ đã thể hiện được quan niệm sống “Nhàn” của nhà thơ. Nhàn là lui về sống ẩn dật ở chốn quê mùa, tìm đén nơi thanh tịnh để sống hòa hợp với tự nhiên, tránh xa chốn quan trường, triều chính. Đọc câu thơ chúng ta cảm nhận được có chút gì đó giọng điệu mỉa mai, châm biếm trong cảm xúc của nhà thơ:
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn, người đến chốn lao xao.
Hai câu luận với bút pháp tự đã đặc tả được cuộc sống sinh hoạt của nhà thơ ở chốn thôn quê. Qua đó bộc lộ tâm trạng vui vẻ và sự hài lòng về cuộc sống đạm bạc, giản dị, hòa hợp với tự thiên nhưng vẫn thanh cao, tự do thoải mái của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bốn mùa Thu – Đông – Xuân – Hạ được nhắc tới không phải để chỉ bức tranh tứ bình hay tứ quý mà lại gợi thời gian quanh năm, bốn mùa với những sản vật đặc trưng. Nguyễn Bỉnh Khiêm chọn một lối sống hòa hợp với thiên nhiên, với sinh hoạt bốn mùa tràn đầy hương vị và màu sắc. Bằng điệp từ “ăn”, “tắm” được lặp lại kết hợp với các hình ảnh liệt kê “măng trúc”, “giá”, “hồ sen”, “ao” cùng với các từ chỉ thời gian, câu thơ đã khắc họa được nếp sinh hoạt lặp lại tuần hoàn của tác giả. Sự giản dị ở đây là những món ăn dân dã, đạm bạc có sẵn trong tự nhiên thuần khiết, thuận theo “mùa nào thức ấy”, chẳng phải nhọc công, vất vả tìm kiếm mà luôn có sẵn, gần gũi, quen thuộc. Không chỉ là những món ăn mà “trúc” và “sen” còn gọi tới phẩm chất, khí tiết thanh cao của người quân tử. Cuộc sống đã dân dã với những sinh hoạt hằng ngày như “ăn”, “tắm” nhưng lại gợi được niềm vui thú riêng của nhà thơ. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đưa tới trước mắt người đọc một khía cạnh khác nữa của nhàn. Nhàn là sống thuận theo tự nhiên, là lối sống hòa hợp giữa con người với thiên nhiên và cuộc sống xung quanh.
Hai câu thơ cuối bài thể hiện một cách sâu sắc quan niệm triết lí nhân sinh của chủ thể trữ tình. Nhà thơ đã mượn một tích trong truyện đời Đường để giúp truyền tải nội dung muốn nói. Chuyện kể về Thuần Vu Phần là một viên tướng tài, tính tình phóng khoáng, do xúc phạm thống soái, bị quở mắng nên từ chức về nhà, lấy uống rượu làm vui. Một hôm,Vu Phần say rượu ngủ bên gốc cây hoè, mơ thấy mình được làm phò mã cho vua nước Hoè, được hưởng giàu sang phú quý, tỉnh dậy mới biết đó chỉ là giấc mơ. Tác giả mượn điển tích này để bộc lộ thái độ xem thường phú quý, coi chốn quyền danh phú quý chi là giấc chiêm bao, không có thực, qua đó khẳng định thêm một lầii nữa sự lựa chọn phương châm sống, cách ứng xử của riêng mình. Lánh đời ẩn dật, cách ứng xử đó của tác giả,có vẻ tiêu cực. Nhưng trong hoàn cảnh nào đó, khi muốn giữ gìn nhân cách, sự thanh thản, tĩnh tại cho mình, đó lại là cách ứng. xử tích cực.
Một tác phẩm thơ đích thực có giá trị phải đạt đến đỉnh cao cả nội dung lẫn hỉnh thức: cả lời (ngôn từ, hình thức nghệ thuật), cả tư tưởng, cảm xúc phải đạt đển độ chín muồi, đẹp đẽ nhất, mãnh liệt nhất (chín đỏ). Xuân Diệu cho rằng: “Thơ hay, lời thơ chín đỏ trong cảm xúc”. Như vậy, một tác phẩm thơ hay yêu cầu: Lời thơ phải đẹp: giàu hình ảnh, tinh tuý, hàm súc, có âm thanh nhịp điệu rõ rệt…Lời thơ phải chứa đựng cảm xúc mãnh liệt, cao đẹp, những suy ngẫm sâu sắc về con người cuộc đời. Những lời đẹp đẽ ấy chính là sự thăng hoa cảm xúc mãnh liệt của nhà thơ trước cuộc đời. Ngược lại, cảm xúc mãnh liệt, suy ngẫm sâu sắc phải được thể hiện qua lời đẹp. “Tài gia tình chi phát” (tài do tình mà ra). Chỉ khi cái đẹp của ngôn từ của hình thức nghệ thuật chứa đựng, thể hiện cảm xúc, suy ngẫm mãnh liệt sâu sắc của nhà thơ trước cuộc sống thì mới có thơ đích thực – thơ hay. Trong bài thơ “Nhàn” ta cũng thấy được những nét đặc sắc ấy. Bài thơ có ngôn từ giản dị, tự nhiên. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã sử dụng những từ ngữ thuần việt, mộc mạc, giản dị gợi cuộc sống chốn thôn quê dân dã: dầu ai, thú nào, dại, khôn, vắng vẻ, lao xao, ăn, tắm…. Sử dụng linh hoạt, sáng tạo biện pháp tu từ: số từ “một” lặp lại 3 lần trong 1 câu thơ; từ láy “thơ thẩn”; Đảo ngữ “Rượu đến cội cây ta sẽ uống”; nghệ thuật đối, ẩn dụ, điển tích, điển cố. Đặc biệt cách ngắt nhịp linh hoạt khi thì 2/2/3, khi thì 4/3 tạo ra giọng điệu linh hoạt khi thì chậm rãi, ung dung, tự tại trong phong thái, lúc lại sôi nổi, vui tươi, sung sướng, tự hào của nhân vật trữ tình.
Quan niệm về chữ “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm ở bài thơ gợi cho chúng ta nhớ đến quan niệm của Nguyễn Trãi được thể hiện trong bài thơ “Cảnh ngày hè”. Nguyễn Trãi cũng lui về ở ẩn, nhưng trong thâm tâm ông vẫn chẳng thể ngưng canh cánh việc nước. Nhàn với ông là khoảnh khắc tạm gạt bỏ công việc để thưởng thức thú vui tao nhã của cuộc sống yên bình, ung dung tự tại. Ngược lại, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có cơ hội được sống nhàn, nên trong cuộc sống nhàn ấy, ông hiện lên là một con người triết lý, trí tuệ, từng trải, thâm trầm và sâu sắc. Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn nhận ra đâu là thực đâu là hư, tự nhận chính mình dại nhưng thực chất lại vô cùng khôn ngoan khi coi thường hư vinh, thoát khỏi cái trần tục tầm thường. Còn với Nguyễn Trãi, nhàn mà hóa ra lại không nhàn và điều đó đã được thể hiện qua hai câu thơ cuối: luôn hướng đến dân, đến nước. Nói tóm lại, nếu như Nguyễn Bỉnh Khiêm hay ở tài trí, bản lĩnh hơn người thì Nguyễn Trãi lại đẹp ở tâm hồn nghệ sĩ cùng tấm lòng vì dân vì nước, bình dị nhưng cũng thật vĩ đại. Từ đó, mỗi một thi nhân đều có những nhìn nhận riêng, góp phần điểm tô thêm màu sắc cho nghệ thuật văn học nước nhà.
Voltarie từng nói: “Thơ là âm nhạc của tâm hồn, nhất là những tâm hồn cao cả, đa cảm”. Thơ ca chỉ bật ra khi trong tim người nghệ sĩ đang rung lên những nhịp đập thổn thức, đang ngân lên những điệu ngân của tâm hồn. Chính bởi vậy, mỗi vần thơ dù ngắn gọn nhưng lại có sức truyền tải lớn tới người đọc. Với lẽ đó, bài thơ “Nhàn” dù đã ra đời cách chúng ta hàng trăm năm nhưng tới nay vẫn còn nguyên giá trị. Nó xứng đáng là một viên ngọc sáng lấp lánh cùng năm tháng trong diễn đàn thơ Việt Nam trong quá khứ, đương đại và cả tương lai.