Đề thi theo SGK mới Mưa xuân của Nguyễn Bính, dùng cho 3 bộ sách

ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)

Đọc văn bản sau:

MƯA XUÂN

(trích)

 

Em là con gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già.
Lòng trẻ còn như cây lụa trắng,

Mẹ già chưa bán chợ làng xa.

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay,
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy.
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ,
Mẹ bảo: Thôn Đoài hát tối nay.

Lòng thấy giăng tơ một mối tình.

Em ngừng thoi lại giữa tay xinh.
Hình như hai má em bừng đỏ,

Có lẽ là em nghĩ đến anh.

Bốn bên hàng xóm đã lên đèn,
Em ngửa bàn tay trước mái hiên.
Mưa thấm bàn tay từng chấm lạnh,
Thế nào anh ấy chẳng sang xem

Em xin phép mẹ, vội vàng đi

Mẹ bảo em về kể mẹ nghe

Mưa bụi nên em không ướt áo

Thôn Đoài cách đó một thôi đê.

 

Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm

Em mải tìm anh chả thiết xem

Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh

Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em.

 

Chờ mãi anh sang anh chẳng sang

Thế mà hôm nọ hát bên làng

Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn

Để cả mùa xuân cũng bẽ bàng!

 

Mình em lầm lụi trên đường về

Có ngắn gì đâu một dải đê!

Áo mỏng che đầu mưa nặng hạt

Lạnh lùng thêm tủi với canh khuya…

 

     

 

           (Nguyễn Bính – Thơ tình Nguyễn Bính, NXB Văn hoá – Thông tin, 2000)

        

Nguyễn Bính (1918-1966) tên thật là Nguyễn Trọng Bính, sinh tại làng Thiện Vinh, huyện Vụ Bảng, tỉnh Nam Định. Ông mồ côi mẹ từ nhỏ, tự học ở nhà, bắt đầu làm thơ từ năm 13 tuổi, được giải khuyến khích thơ của nhóm Tự Lực Văn Đoàn năm 1937 với tập thơ Tâm hồn tôi. Thơ của ông “chân quê”, giản dị, mộc mạc, nhẹ nhàng, trong sáng, và hồn nhiên như ca dao trữ tình. Ông viết về làng quê qua lăng kính tình cảm lãng mạn, biểu lộ một tình quê, một hồn quê chân tình và gần gũi.

 

Trả lời câu hỏi/thực hiện yêu cầu:

Câu 1. Xác định đề tài trong văn bản trên?

Câu 2. Tìm từ láy được sử dụng trong hai câu thơ

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay,
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy.”

Câu 3. Theo tác giả vì sao nhân vật trữ tình lại đến Hội chèo thôn Đoài?

Câu 4.  Từ “hình như”, “có lẽ” trong các câu thơ sau thể hiện điều gì?

“Hình như hai má em bừng đỏ,

 Có lẽ là em nghĩ đến anh.”

Câu 5. Phân tích hiệu quả biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong câu thơ “Lòng trẻ còn như cây lụa trắng.”

Câu 6. Nhận xét tâm trạng của cô gái trong đêm xuân đi xem hội?

Câu 7. Quan điểm của em về hành động  “vội vàng đi” của nhân vật trữ tình được thể hiện ở đoạn trích.

Câu 8. Từ nội dung của đoạn trích, bày tỏ thái độ của em về lời dạy trong câu tục ngữ “Trâu đi tìm cọc, chứ cọc không đi tìm trâu”.

 

VIẾT (4.0 điểm)

  

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) phân tích nội dung và nghệ thuật của tác phẩm trên.

 

 

ĐÁP ÁN

 

    TỰ LUẬN 6.0
  1 Đề tài trong văn bản: Mùa xuân và tình yêu 0.5
2 Tìm từ láy được sử dụng trong hai câu thơ: Phơi phới, lớp lớp

 

0.5
3 Theo tác giả nhân vật trữ tình lại đến Hội chèo thôn Đoài

Vì lời hẹn năm tao bảy tuyết của nhân vật “anh”.

 

0.5
4 -Diễn tả cái mơ hồ, mong manh, cái không rõ ràng, chưa được xác định cụ thể trong tâm trạng cảm xúc của cô gái về tình yêu. Cô gái vừa chờ đợi vừa hi vọng. Thể hiện tình yêu vừa đến vừa như chưa đến.

-Sự tinh tế của tác giả trong việc diễn tả những rung động của tình yêu đôi lứa.

 

0.5
5 Phân tích hiệu quả biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong câu thơ Lòng trẻ còn như cây lụa trắng.

– Biện pháp nghệ thuật so sánh lòng trẻ với cây lụa trắng

– Tác dụng:

+ Cụ thể hóa hình ảnh cô gái trẻ với tâm hồn trong sáng, ngây thơ.

+ Trân trọng, ngưỡng mộ vẻ đẹp tâm hồn của cô gái.

+ Làm câu thơ trở nên hấp dẫn, sinh động, lôi cuốn, tăng sức gợi hình gợi cảm…

 

1.0
6 Nhận xét tâm trạng của cô gái trong đêm xuân đi xem hội?

Đoạn trích làm nổi bật hình ảnh người con gái trong không khí mùa xuân với những diễn biến tâm trạng đầy phức tạp

– Hồi hộp, hi vọng, háo hức, … trên đường đến với người hẹn ước;

– Khắc khoải trông ngóng, kiếm tìm, chờ đợi, … trong buổi xem hát;

– Buồn tủi, thất vọng, cô đơn, … khi không được đáp lại tình cảm, cuộc hẹn không thành.

 

1.0
7 Quan điểm của em về hành động  vội vàng đi của nhân vật trữ tình được thể hiện ở đoạn trích.

– Em đồng tình vì:

+ Đó là việc làm thực hiện lời hẹn.

+ Đó là sự hối thúc của tình yêu, khát vọng hạnh phúc chính đáng của cô gái lần đầu rung động tâm hồn.

+ Thể hiện vẻ đẹp nhân văn của nhân vật.

– Em không đồng tình vì:

+ Cô gái quá chủ động

+ Cô gái đã nhẹ dạ, cả tin, mạo hiểm nên phải chịu tổn thương về tâm hồn

+ Hành động đi ngược với chuẩn mực đạo đức về người con gái.

 

1.0
8 Từ nội dung của đoạn trích, bày tỏ thái độ của em về lời dạy trong câu tục ngữ Trâu đi tìm cọc, chứ cọc không đi tìm trâu

– Hình ảnh ẩn dụ: trâu – người con trai, cọc – người con gái

– Lời khuyên: trong chuyện tình yêu, người con trai chủ động đi tìm người con gái nhưng người con gái không được chủ động như thế mà phải chờ đợi người con trai tìm đến với mình.

– Đồng tình vì: nếu người phụ nữ chủ động sẽ khó có được sự tôn trọng từ người con trai, hạ thấp giá trị bản thân, chịu sự phê phán của mọi người, cuộc sống khó hạnh phúc lâu dài.

– Không đồng tình vì: xã hội đã tiến bộ, người phụ nữ cũng có quyền bình đẳng, quyền chủ động để tìm kiếm tình yêu, hạnh phúc lứa đôi, nếu thụ động chờ đợi sẽ đánh mất cơ hội hạnh phúc.

 

 

0.5
 

 

VIẾT (4.0 điểm)

 

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của văn bản trên

 

LÀM VĂN

Mở bài:

– Giới thiệu chung về bài thơ Mưa xuân

– Xác định vấn đề sẽ được tập trung bàn luận trong bài viết: chủ đề trong bài thơ, sự độc đáo đặc sắc làm nên phong cách nhà thơ chân quê – Nguyễn Bính.

Thân bài:

* Phân tích, đánh giá mạch ý tưởng, cảm xúc của nhân vật trữ tình:

(Chủ đề, mạch cảm xúc, hình ảnh, điểm nhìn…)

Chủ đề :

Chủ đề trong bài thơ “Mưa xuân” của Nguyễn Bính nói về tình yêu đơn phương của một cô gái thôn nữ với những cung bậc tình cảm gắn với cảnh xuân sắc xuân ở đồng bằng Bắc Bộ. “Mưa xuân” như một câu chuyện được thi sĩ kể bằng thơ. Đó là một câu chuyện về tình yêu, về nỗi nhớ mong, tương tư của một cô gái trẻ nơi thôn quê thuần khiết trên nền bức tranh thiên nhiên đượm thôn quê. Câu chuyện ấy thể hiện rõ phong cách nghệ thuật của một nhà thơ chân quê – Nguyễn Bính.

Mạch cảm xúc:

– Khổ 1:  Câu chuyện về mưa xuân nhưng mở đầu bài thơ không phải mưa, không phải cảnh xuân, mà là sự xuất hiện trực tiếp của con người. Đó là một cô gái trẻ làm nghề dệt lụa. Sau khi tả người, Nguyễn Bính đã kể đến chuyện mưa xuân, mưa xuân vào một buổi chiều. Cảnh xuân phơi phới như chính tâm hồn của cô gái khi nghĩ đến người yêu ở khổ 2.

– Đến khổ 3,4, câu chuyện mưa xuân lại được kể tiếp như nối tiếp tâm trạng bâng khuâng, khấp khởi nhớ đến anh của cô thôn nữ. Cô vội vàng đi thật nhanh đến nơi hò hẹn và thấy đoạn đường thật ngắn ngủi chỉ có “một thôi đê”, mưa bụi ấy không làm em ướt áo được. (Khổ 5)

–  Khổ 6,7,8. Nhưng rồi anh đã lỡ hẹn, khiến tâm hồn một cô gái ngây thơ chờ đợi, tìm kiếm đến buồn bã, bơ vơ. Mới đó xuân còn “phơi phới” giờ cũng đã trở nên thật “bẽ bàng”. Dải đê sao dài quá, mưa sao nặng hạt …như chính tâm hồn buồn bã của em vậy.

 

* Phân tích đánh giá sự phát triển của hình tượng chính và tính độc đáo của các phương diện ngôn từ.

+ Mở đầu bài thơ tác giả giới thiệu hình ảnh người thiếu nữ. Đó là một cô gái đẹp, tấm lòng cô trong sáng, thuần khiết, được tác giả so sánh như một “vuông lụa trắng” vẫn chưa được mẹ già “bán chợ làng xa” tức là chưa có chồng. So sánh giản dị, giàu tính tượng hình mà cũng đầy tinh tế. Cô gái trẻ này chính là mẫu người thiếu nữ thôn quê trong trắng, thuần khiết, nét đẹp giản dị thường xuất hiện trong thơ Nguyễn Bính.

+ Tác giả sử dụng nghệ thuật tả cảnh ngụ tình qua hình ảnh “mưa xuân phơi phới bay”. Cảm giác như không phải mưa xuân phơi phới mà chính là lòng “em” đang “phơi phới” sắc xuân thì. Phơi phới vì sao? Tất cả câu hỏi đều được trả lời bằng câu thơ cuối, là do anh, tại anh, là vì nghĩ đến anh: “Có lẽ là em nghĩ tới anh”.

+ Câu chuyện mưa xuân lại được kể tiếp như nối tiếp tâm trạng bâng khuâng, khấp khởi nhớ đến anh của cô thôn nữ: em đưa tay ra hứng mưa mà chẳng để ý lắm đến mưa, trong lòng “giăng kín” chỉ nghĩ tới người yêu.  Mặc dù “mưa chấm tay em từng chấm lạnh”. Nhưng em không cảm thấy mưa lạnh đang rót vào tay mình từng hạt, bởi hơi ấm của tình yêu đang choáng ngợp trong tâm hồn.

+ Từ láy “vội vàng” xuất hiện trong khổ thơ thật đúng lúc, thật kịp thời, rất đúng với diễn biến tâm trạng của cô gái đang yêu. Đọc đoạn thơ này, nhịp thơ cũng vì từ “vội vàng” mà nhanh hơn một nhịp; có cảm giác như thể em đang vội vàng để đến Thôn Đoài, nhưng đi xem hát đấy mà chẳng phải vì hát đâu, mà là vì anh, vì muốn gặp anh. Em đi nhanh như thế, đến nỗi cách một thôi đê mà mưa bụi cũng chẳng thể làm ướt áo em. Thế cũng đủ hiểu trong lòng em đang vội vã, khấp khởi đến thế nào. Vậy mới nói, không phải phơi phới tại mưa xuân, mà tại lòng xuân, tình xuân. Vậy mà em thất vọng vì tìm không gặp anh, phải lủi thủi “bẽ bàng” và có cảm giác rằng mùa xuân tươi mới kia, mới đó còn “phơi phới” giờ cũng đã trở nên thật “bẽ bàng”

+ Nếu như ở khổ thơ trước, với tâm trạng “phơi phới”, khoảng cách đến thôn Đoài chỉ ngắn ngủi có một thôi đê, đến nỗi mưa xuân cũng không làm em ướt áo; thì giờ đây, một thôi đê cũng trở nên dài bất tận. “Mưa nặng hạt” và chỉ có “áo mỏng che đầu” khiến em bị “mưa nặng hạt” làm ướt áo. Thấm lạnh từ mưa và cả cái lạnh từ trong tâm hồn làm em tê tái bước chân trên đường về cô độc.

* Phân tích, đánh giá nét hấp dẫn riêng của bài thơ so với những sáng tác khác cùng đề tài, chủ đề, thể loại.

 

– Mùa xuân trong thơ Xuân Diệu – nhà thơ mới nhất trong những nhà thơ mới đẹp đến vô thực, nồng cháy đến khiến ta đam mê đến cuống quýt cháy bỏng đến mãnh liệt.

– Với “Mưa xuân”, mùa xuân của Nguyễn Bính cũng đậm chất giản dị, thanh bình của làng quê Việt Nam như chính tâm hồn ông vậy! Đó là một miền quê trong trẻo, yên bình gần gũi mang đến cho người đọc cảm xúc trong trẻo, tinh tế, thấm đượm một nỗi buồn rất nhân văn nhân bản về một tình yêu đơn phương của người thiếu nữ.

 

* Đánh giá chung

– Cảnh xuân trong thơ Nguyễn Bính là những bức tranh giản dị, mộc mạc, sinh động

Tình xuân trong thơ ông là bản nhạc với đủ đầy các trạng thái tình cảm, cảm xúc: Hồi hộp, háo hức, e ấp, ngại ngùng, mong chờ, nhớ thương…

– Nét đặc sắc và độc đáo của bài thơ Mưa xuân là nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, cái tình ấy không phải trong trạng thái tĩnh mà là trong quá trình vận động, biến đổi. Nhiều lần Nguyễn Bính nói đến mưa xuân, nhưng mỗi lần một vẻ, mang sắc thái biểu cảm vui, buồn khác nhau theo mạch thời gian và tâm trạng.

 

  1. Kết bài: Khẳng định giá trị tư tưởng và giá trị thẩm mĩ của bài thơ.

– Vũ Quần Phương đã khẳng định: “Ngòi bút Nguyễn Bính có biệt tài diễn tả những mối tình quê thơ và mộng”

– Nguyễn Bính đã gọi hồn cốt mùa xuân đất Bắc mỗi độ Tết đến xuân về, hồn cốt của con người đang tuổi vào xuân của bất cứ thời đại nào trên mọi nẻo xuân sang.

Bài viết tham khảo:

 

  1. Mở bài:

“Xuân đã sang rồi em có hay

Tình xuân chan chứa, ý xuân đầy” ( Nguyễn Bính)

Mùa xuân là mùa của tuổi trẻ, tình yêu, hạnh phúc viên mãn cũng là mùa của cảm xúc thơ ca, thăng hoa trong tâm hồn các thi sĩ. Nhà thơ Nguyễn Bính cũng có rất nhiều bài thơ về chủ đề mùa xuân: “Thơ xuân”, “Rượu xuân”, Xuân”, “Mùa xuân xanh”, “Xuân tha hương”...,  và đặc biệt là tác phẩm “Mưa xuân”. Thi phẩm đã đem đến cho vườn thơ Việt Nam hiện đại một chất giọng riêng: Dung dị, hồn nhiên, trong trẻo của một nhà thơ của tình quê, chân quê, hồn quê.

  1. Thân bài:

Chủ đề của bài thơ nói về tình yêu đơn phương của một cô gái thôn nữ với những cung bậc tình cảm gắn với cảnh xuân sắc xuân ở đồng bằng Bắc Bộ. Cô gái với tâm trạng phơi phới khi đi hẹn hò với người yêu và cảnh xuân cũng đang phơi phới như tâm hồn của cô. Nhưng khi không gặp được người yêu, không gặp được chàng trai mà cô gái mong nhớ thì tâm trạng lại hoàn toàn thay đổi và sự thay đổi của tâm trạng ấy cũng đồng nhất với  cảnh thiên nhiên đầy sầu não. Mưa xuân như một câu chuyện được thi sĩ kể bằng thơ. Đó là một câu chuyện về tình yêu, về nỗi nhớ mong, tương tư của một cô gái trẻ nơi thôn quê thuần khiết. Câu chuyện ấy thể hiện rõ phong cách nghệ thuật của một nhà thơ chân quê – Nguyễn Bính.

* Mạch cảm xúc:

Câu chuyện về mưa xuân nhưng mở đầu bài thơ không phải mưa, không phải cảnh xuân, mà là sự xuất hiện trực tiếp của con người. Đó là một cô gái trẻ làm nghề dệt lụa. Sau khi tả người, Nguyễn Bính đã kể đến chuyện mưa xuân, mưa xuân vào một buổi chiều. Cảnh xuân phơi phới như chính tâm hồn của cô gái đang phơi phới, hạnh phúc khi nghĩ đến người yêu ở khổ 2. Đến khổ 3,4, câu chuyện mưa xuân lại được kể tiếp như nối tiếp tâm trạng bâng khuâng, khấp khởi nhớ đến anh của cô thôn nữ. Cô vội vàng đi thật nhanh trong tâm trạng đầy hi vọng được gặp người yêu đến nơi hò hẹn và thấy đoạn đường thật ngắn ngủi chỉ có “một thôi đê”, mưa bụi ấy không làm em ướt áo được. (Khổ 5)  Nhưng rồi  anh đã hẹn mà anh không đến, khiến tâm hồn một cô gái ngây thơ chờ đợi, tìm kiếm đến buồn bã, bơ vơ. Em thất vọng vì tìm không gặp anh, phải lủi thủi “bẽ bàng” và có cảm giác rằng mùa xuân tươi mới kia, mới đó còn “phơi phới” giờ cũng đã trở nên thật “bẽ bàng”, em lẻ loi, tội nghiệp trở về. Dải đê sao dài quá, mưa sao nặng hạt …như chính tâm hồn buồn bã của em vậy. ( Khổ 6,7,8)

 

* Phân tích đánh giá sự phát triển của hình tượng chính và tính độc đáo của các phương diện ngôn từ.

 

Mở đầu bài thơ tác giả giới thiệu hình ảnh người thiếu nữ. Đó là một cô gái đẹp, tấm lòng cô trong sáng, thuần khiết, được tác giả so sánh như một “vuông lụa trắng” vẫn chưa được mẹ già “bán chợ làng xa” tức là chưa có chồng. Cách nói thật lạ, thật hay! So sánh giản dị, giàu tính tượng hình mà cũng đầy tinh tế. Cô gái trẻ này chính là mẫu người thiếu nữ thôn quê trong trắng, thuần khiết, nét đẹp giản dị thường xuất hiện trong thơ Nguyễn Bính. Thiếu nữ đang sống và ngày ngày dệt lụa với mẹ già trong nếp nhà êm đềm, đầm ấm, hạnh phúc.

Khổ thơ thứ hai ghi lại một nét đẹp truyền thống của làng quê trong những ngày hội xuân. Giữa cảnh sắc thiên nhiên hoa xoan tím nồng nàn, trong làn mưa  xuân “phơi phới” bay. Hương sắc ấy là hồn quê xứ sở thanh bình. Hoa xoan và làn mưa xuân là những hình ảnh thân thuộc, bình dị, dân dã của làng quê được nói đến nhiều trong thơ ca dân tộc:

“Trong tiếng cuốc kêu xuân đã muộn,

Đầy sân mưa bụi nở hoa xoan”

(Cuối xuân tức sự – Nguyễn Trãi)

Đọc câu thơ của Nguyễn Bính, ta có cảm giác từ “phơi phới” như làm sống động cả khổ thơ, khiến cho mùa xuân cũng trở nên thật có hồn. Cảm giác như không phải mưa xuân phơi phới mà chính là lòng “em” đang “phơi phới” sắc xuân thì. Mùa xuân như thổi sắc “phơi phới” vào hồn “em” tươi trẻ, khiến hoa xoan cũng nở rộ đẹp xinh, “phơi phới” báo hiệu mùa xuân về.

Nguyễn Bính đã khắc họa vẻ đẹp của mùa xuân đồng bằng Bắc Bộ  ở những cánh hoa xoan và cả ở những lễ hội. Nguyễn Bính đã tiếp tục mạch thơ xuân của dân tộc với một cá tính sáng tạo và chỉ riêng ông có dưới góc nhìn riêng – góc nhìn văn hóa phong tục.  Rồi “hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ” đã làm cho khung cảnh yên bình bị phá vỡ. Tiếng trống hội làng thúc giục, với tiếng loa của “hội chèo” cộng thêm “mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay” làm cho “vuông lụa trắng” khấp khởi khi ngồi dệt bên khung cửi hay chính tấm lòng thiếu nữ đang mong ngóng nên khấp khởi, phơi phới? Phơi phới vì sao? Phải chăng bởi:

“Lòng thấy giăng tơ một mối tình
Em ngừng thoi lại giữa tay xinh
Hình như hai má em bừng đỏ

Có lẽ là em nghĩ tới anh”

Cô gái dịu dàng, bâng khuâng trong mốì tình đầu “giăng tơ”. Mối tình đầu e ấp ấy, “em” có thể giấu được mẹ già và những người xung quanh, nhưng làm sao mà giấu được lòng mình! “hai má em bừng đỏ”. Tâm hồn thiếu nữ bỗng xao động khi bóng hình yêu thương của chàng trai bên làng chợt hiện ra “Em nghĩ đến anh”, “Chiếc thoi xinh” ngừng lại giữa bàn tay thon nhỏ cũng như cảm nhận được và chia sẻ với tiếng lòng thiếu nữ.

Câu chuyện mưa xuân lại được kể tiếp như nối tiếp tâm trạng bâng khuâng, khấp khởi nhớ đến anh của cô thôn nữ:

Bốn bên hàng xóm đã lên đèn
Em ngửa bàn tay trước mái hiên,
Mưa chấm tay em từng chấm lạnh,
Thế nào anh ấy chẳng sang xem”

Bóng tối bao phủ lấy làng quê, nhà nhà đồng loạt lên đèn. “Em” ra trước mái hiên ngửa bàn tay ra đón lấy những hạt mưa, chính là những hạt “mưa xuân phơi phới”. Dường như khi biết yêu, tâm hồn con người cũng trở nên lãng mạn hơn! Có điều, em đưa tay ra hứng mưa mà chẳng để ý lắm đến mưa, trong lòng “giăng kín” chỉ nghĩ tới người yêu.  Mặc dù “mưa chấm tay em từng chấm lạnh”. Nhưng em không cảm thấy mưa lạnh đang rót vào tay mình từng hạt, mà em chỉ nghĩ tới “thế nào anh ấy chẳng sang xem”. Tình yêu ấy đã sưởi ấm tâm hồn cô và  cô khấp khởi trong lòng khi nghĩ tới “anh ấy” nên không ngần ngại dẫu ngoài trời đang mưa:

Em xin phép mẹ, vội vàng đi
Mẹ bảo xem về kể mẹ nghe,
Mưa bụi nên em không ướt áo,
Thôn Đoài cách có một thôi đê”

Từ láy “vội vàng” xuất hiện trong khổ thơ thật đúng lúc, thật kịp thời, rất đúng với diễn biến tâm trạng của cô gái đang yêu. Đọc đoạn thơ này, nhịp thơ cũng vì từ “vội vàng” mà nhanh hơn một nhịp; có cảm giác như thể em đang vội vàng để đến thôn Đoài, nhưng đi xem hát đấy mà chẳng phải vì hát đâu, mà là vì anh, vì muốn gặp anh. Em đi nhanh như thế, đến nỗi cách một thôi đê mà mưa bụi cũng chẳng thể làm ướt áo em. Thế cũng đủ hiểu trong lòng em đang vội vã, khấp khởi đến thế nào. Vậy mới nói, không phải phơi phới tại mưa xuân, mà tại lòng xuân, tình xuân:

“Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm
Em mải tìm anh chả thiết xem
Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh
Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em”

Em đi xem hát chèo, người ta hát thâu đêm, chắc hẳn phải vui lắm, hay lắm, nhộn nhịp lắm nhưng em chẳng quan tâm. Với tâm trạng của một thiếu nữ mới biết yêu, điều em quan tâm nhất chỉ có anh. Mặc kệ lời mẹ dặn “xem về kể mẹ nghe”, mải tìm kiếm anh nên em “chẳng thiết xem” chỉ lo, chỉ mải miết đi tìm người yêu. Nhưng càng tìm càng thất vọng. “Giường cửi” và “thoi ngà” – công cụ dệt lụa thân quen của cô được nhân hoá như có tâm hồn.  Thoi ngà nhớ người, hay em đang nhớ anh?

“Chờ mãi anh sang, anh chả sang,

Thế mà hôm nọ hát bên làng,

Năm tao bẩy tuyết anh hò hẹn
Để cả mùa xuân cũng bẽ bàng

Hai tiếng “chờ mãi” như một tiếng thở dài mà không thể kìm nén. “Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng” là một lời than thân, nghẹn ngào, nuối tiếc. Đâu chỉ “nhỡ nhàng!” trong một đêm hội xuân. Như một dự cảm trong lòng thôn nữ về sự “nhỡ nhàng” tình duyên cả một thời son trẻ “Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng!”.  Tác giả sử dụng thành ngữ “năm tao bẩy tuyết”  thể hiện lời trách rất thật, rất nhẹ nhàng của cô gái thôn quê. Hoá ra không dưng mà đầu câu chuyện Mưa xuân, em lại “hai má bừng đỏ” khi “nghĩ tới anh”. Hoá ra họ đã gặp nhau ở đám “hát bên làng” hôm nọ. Anh chàng đã “năm tao bẩy tuyết” hò hẹn, khiến cô gái “lòng còn như vuông lụa trắng” đã tin tưởng và hôm nay thì lại thấy “cả mùa xuân cũng bẽ bàng”. Tiếng thở, lời than ấy vừa ngậm ngùi xót xa, vừa thể hiện tình yêu đối với cô gái hệ trọng biết nhường nào! Em lẻ loi, tội nghiệp trở về:

“Mình em lầm lũi trên đường về,
Có ngắn gì đâu một dải đê
Áo mỏng che đầu, mưa nặng hạt
Lạnh lùng em tủi với canh khuya”

Nếu như ở khổ thơ trước, với tâm trạng “phơi phới”, khoảng cách đến thôn Đoài chỉ ngắn ngủi có một thôi đê, đến nỗi mưa xuân cũng không làm em ướt áo; thì giờ đây, một thôi đê cũng trở nên dài bất tận. “Mình em lầm lũi trên đường về”. Từ láy “lầm lũi” thể hiện không chỉ dáng đi đầy tội nghiệp của cô gái mà còn thể hiện tâm trạng   thất vọng, hẫng hụt, đau khổ. Khi đi, em khấp khởi vui bao nhiêu, “ vội vàng” bao nhiêu thì bây giờ về là buồn tủi bấy nhiêu. Khi đi đoạn đường ngắn ngủi bao nhiêu thì bây giờ đoạn đường lê thê bấy nhiêu.“Mưa nặng hạt” và chỉ có “áo mỏng che đầu” khiến em bị “mưa nặng hạt” làm ướt áo. Mưa của trời hay chính là những giọt sầu tủi trong tâm hồn em.  Thấm lạnh từ mưa và cả cái lạnh từ trong tâm hồn em, làm em tê tái bước chân trên đường về cô độc.

Đúng là:

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu.

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.

* Phân tích, đánh giá nét hấp dẫn riêng của bài thơ so với những sáng tác khác cùng đề tài, chủ đề, thể loại.

Nếu như mùa xuân trong thơ Xuân Diệu – nhà thơ mới nhất trong những nhà thơ mới đẹp đến vô thực, nồng cháy đến khiến ta đam mê đến cuống quýt cháy bỏng đến mãnh liệt thì mùa xuân trong thơ Nguyễn Bính lại hoàn toàn khác. Với “Mưa xuân”, mùa xuân của Nguyễn Bính cũng đậm chất giản dị, thanh bình của làng quê Việt Nam như chính tâm hồn ông vậy! Đó là một miền quê trong trẻo, yên bình gần gũi mang đến cho người đọc cảm xúc trong trẻo, tinh tế, thấm đượm một nỗi buồn rất nhân văn nhân bản về một tình yêu đơn phương của người thiếu nữ.

* Đánh giá chung

Nếu cảnh xuân trong thơ Nguyễn Bính là những bức tranh giản dị, mộc mạc, sinh động thì tình xuân trong thơ ông là bản nhạc với đủ đầy các trạng thái tình cảm, cảm xúc: Hồi hộp, háo hức, e ấp, ngại ngùng, mong chờ, nhớ thương hi vọng…Mưa xuân là một khúc tình ca êm dịu nhưng buồn, cái buồn lặng lẽ cứ nén sâu vào tâm hồn. Nhà thơ chân quê đã tạo nên một không gian nghệ thuật dân dã thân thuộc, bình dị, mến thương để diễn tả những rung động vui buồn, xôn xao trong tâm hồn thiếu nữ giữa những ngày hội xuân, những ngày khao khát yêu thương.

Nét đặc sắc và độc đáo của bài thơ Mưa xuân là nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, cái tình ấy không phải trong trạng thái tĩnh mà là trong quá trình vận động, biến đổi. Nhiều lần Nguyễn Bính nói đến mưa xuân, nhưng mỗi lần một vẻ, mang sắc thái biểu cảm vui, buồn khác nhau theo mạch thời gian và tâm trạng.

  1. Kết bài:

Thi phẩm đặc sắc “ Mưa xuân” của thi nhân Nguyễn Bính đã góp phần làm phong phú thêm đề tài mùa xuân, đồng thời đã đánh dấu một bước phát triển mới về đề tài này trong lịch sử thơ ca dân tộc. Phải chăng bởi thế Vũ Quần Phương đã khẳng định: “Ngòi bút Nguyễn Bính có biệt tài diễn tả những mối tình quê thơ và mộng”. Xuân trong thơ Nguyễn Bính không ồn ào, náo nhiệt, không rực rỡ sắc màu mà dung dị, thanh thoát, đằm thắm, thiết tha. Nguyễn Bính đã gọi hồn cốt mùa xuân đất Bắc mỗi độ Tết đến xuân về, hồn cốt của con người đang tuổi vào xuân của bất cứ thời đại nào trên mọi nẻo xuân sang.

, ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *