Đề đọc hiểu tự luận bài Xuân về của Nguyễn Bính

ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu: (Tự luận)

XUÂN VỀ

  • Đã thấy xuân về với gió đông,

Với trên màu má gái chưa chồng.

Bên hiên hàng xóm, cô hàng xóm

Ngước mắt nhìn giời, đôi mắt trong.

 

(2)Từng đàn con trẻ chạy xun xoe,

Mưa tạnh giời quang, nắng mới hoe.

Lá nõn, nhành non ai tráng bạc ?

Gió về từng trận, gió bay đi…

 

(3) Thong thả, dân gian nghỉ việc đồng,

Lúa thì con gái mượt như nhung

Đầy vườn hoa bưởi, hoa cam rụng,

Ngào ngạt hương bay, bướm vẽ vòng.

 

(4) Trên đường cát mịn, một đôi cô,

Yếm đỏ, khăn thâm, trẩy hội chùa.

Gậy trúc dắt bà già tóc bạc,

Tay lần tràng hạt, miệng nam vô.

(Xuân về Nguyễn Bính, Trích từ Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh, NXB Văn học, 1997, tr.351)

  • Chú thích:

Nguyễn Bính (1918 – 1966) quê gốc ở tỉnh Nam Định. Ông làm thơ năm 13 tuổi, là một trong những gương mặt tiêu biểu của Phong trào Thơ Mới 1932 – 1945. Nguyễn Bính được coi là “thi sĩ của đồng quê”. Thơ ông mang đến cho người đọc những hình ảnh thân thương của quê hương, đất nước, tình người đằm thắm, thiết tha cùng lối ví von mộc mạc, duyên dáng, mang phong vị dân gian.

Bài thơ Xuân về trích trong tập Tâm hồn tôi (1940) là một tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật thơ Nguyễn Bính.

 

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1 (0.5 điểm). Xác định các phương thức biểu đạt trong bài thơ trên.

Câu 2 (0,5 điểm). Chỉ ra cách gieo vần của tác giả ở khổ (1) ?

Câu 3 (0.5 điểm). Trong khổ (2), mùa xuân được cảm nhận qua những hình ảnh nào?

Câu 4 (1,0 điểm). Phân tích hiệu quả của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ:

Lúa thì con gái mượt như nhung

Câu 5 (1,0 điểm). Giải thích nhan đề của bài thơ.

Câu 6 (1,0 điểm). Cụm từ “ai tráng bạc?” có ý nghĩa như thế nào trong hai câu thơ sau:

Mưa tạnh giời quang nắng mới hoe

Lá nõn nhành non ai tráng bạc?

          Câu 7 (1,0 điểm). Kể tên một số bài thơ có cùng đề tài, (2-3 bài), chỉ ra một nét khác biệt (tiêu biểu nhất) của ngòi bút Nguyễn Bính khi miêu tả cảnh mùa xuân ở bài thơ này?

        Câu 8 (0,5 điểm). Anh/chị có đồng tình với quan điểm “Biết yêu mến những cảnh đẹp bình dị của quê hương, con người cũng sẽ có nhiều hành động đẹp trong cuộc sống” không? Vì sao ? (trả lời ngắn gọn trong 5 – 7 dòng).

 VIẾT (4.0 điểm):

Anh/chị hãy viết một bài luận (khoảng 500 chữ) phân tích, đánh giá nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật bài thơ “Xuân về” của Nguyễn Bính.

……………………………………………………….

Hướng dẫn chi tiết  

 

 
Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 6,0
1 các phương thức biểu đạt trong bài thơ trên: Biểu cảm, miêu tả, tự sự

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án: 0,5 điểm.

– Học sinh trả lời đúng 1 ý: 0,5 điểm.

0,5
2 Chỉ ra cách gieo vần của tác giả ở khổ (1): Gieo vần “ông- ong” (đông, chồng, trong)/ gieo vần chân

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án: 0,5 điểm.

– HS có thể gọi tên cách gieo vần hoặc chỉ ra biểu hiện trong văn bản vẫn cho đủ  điểm.

0,5
3 Trong khổ (2), mùa xuân được cảm nhận qua những hình ảnh: đàn con trẻ chạy xun xoe, mưa tạnh, giời quang, nắng mới hoe, lá nõn, nhành non, gió về từng trận,…

Hướng dẫn chấm:

 Học sinh trả lời từ 4-6 hình ảnh đúng yêu cầu trở lên: 0,5 điểm.

 Học sinh trả lời được 2-3 hình ảnh: 0,25 điểm

0,5

 

 

 

4  Hiệu quả của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ:

Lúa thì con gái mượt như nhung

– Biện pháp tu từ: so sánh ( Lúa – mượt như nhung)/ ẩn dụ (Lúa thì con gái) (HS gọi tên BPTT nhưng không chỉ ra biểu hiện: 0,25 điểm)

– Hiệu quả

+ Giúp câu thơ trở nên sinh động, biểu cảm, gợi hình ảnh, liên tưởng..

+ Làm nổi bật vẻ đẹp tươi mới, đầy sức sống của cánh đồng lúa độ xuân về

+ Câu thơ thể hiện tình yêu thiên nhiên cùng những cảm nhận tinh tế của tác giả với cảnh sắc mùa xuân…

–         HS có thể chỉ ra 01 BPTT và nêu hiệu quả

1,0

 

 

 

(0,5)

 

 

(0,5)

5 Giải thích nhan đề của bài thơ: Xuân về

–         Nhan đề cho thấy bước đi thời gian trong sự dịch chuyển của mùa

–         Xuân về còn như tiếng reo vui, ngỡ ngàng của nhân vật trữ tình trước sự thay đổi của đất trời

–         HS trả lời được 1 ý: 0,5 điểm

1,0
6 Cụm từ “ai tráng bạc?” có ý nghĩa trong hai câu thơ:

–         Miêu tả khung cảnh tươi mát của thiên nhiên khi xuân về. Hình ảnh lá non, búp nõn được cơn mưa gột rửa trở nên long lanh dưới ánh nắng trông như tráng bạc.

–         Câu thơ còn cho thấy cảm xúc ngạc nhiên, ngỡ ngàng của tác giả trước vẻ đẹp của đất trời vào xuân.

HS trả lời được 2 ý hoặc có diễn đạt tương tự: 1,0 điểm

HS trả lời được 1 ý: 0,5 điểm

1,0
7 –         Kể tên một số bài thơ có cùng đề tài: Mùa xuân chín (Hàn Mặc Tử), Mùa xuân xanh (Nguyễn Bính), Mùa xuân nho nhỏ (Thanh Hải)…

–         Nét khác biệt (tiêu biểu nhất) của ngòi bút Nguyễn Bính khi miêu tả cảnh mùa xuân ở bài thơ này: Nguyễn Bính mang đến cho người đọc những hình ảnh gần gũi, quen thuộc; những nét văn hóa truyền thống của làng quê cùng lối nói mộc mạc, duyên dáng, mang phong vị dân gian.

HS trả lời được 2 ý: 1,0 điểm

HS trả lời được 1 ý: 0,5 điểm

1,0
8 Anh/chị có đồng tình với quan điểm “Biết yêu mến những cảnh đẹp bình dị của quê hương, con người cũng sẽ có nhiều hành động đẹp trong cuộc sống” không? Vì sao ?

–         HS nêu quan điểm: 0,25 điểm

–         Lí giải hợp lí, thuyết phục: 0,25 điểm

 
II   VIẾT 4,0
    Viết một bài luận (khoảng 500 chữ) phân tích, đánh giá nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật bài thơ “Xuân về” của Nguyễn Bính.  
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề.

 

0,25

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

– Phân tích, đánh giá bài thơ “Xuân về” của Nguyễn Bính.

 

0,25

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

HS có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần giới thiệu được vấn đề cần bàn luận, nêu rõ lí do và quan điểm của bản thân, hệ thống luận điểm chặt chẽ, lập luận thuyết phục, sử dụng dẫn chứng thuyết phục

 
1. Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm. 0,5
2. Thân bài: Phân tích, đánh giá những nét đặc sắc, độc đáo của bài thơ:

2.1. Phân tích, đánh giá về nhan đề, mạch cảm xúc, bố cục…:

– Nhan đề “Xuân về”: thể hiện rõ ràng cảm nhận của tác giả về sự thay đổi cảnh sắc, con người khi không khí mùa xuân đang ngập tràn khắp đất trời

– Thể thơ: 7 chữ, giọng điệu ngọt ngào, sâu lắng

– Mạch cảm xúc: theo trình tự không gian (Vẻ đẹp của gió xuân về, vẻ đẹp của nắng xuân về, vẻ đẹp của cánh đồng khi xuân, cảnh đi trẩy hội xuân)

– Chủ đề: Bức tranh thiên nhiên và con người khi xuân về

2.2. Phân tích đánh giá sự phát triển của hình tượng chính và tính độc đáo của các phương diện ngôn từ.

2.2.1. Sự phát triển của hình tượng chính

– Cảnh sắc mùa xuân tươi đẹp

+ Khổ 1: Bức tranh xuân trẻ trung, tình tứ được chấm phá qua hai hình ảnh “màu má gái chưa chồng” và “đôi mắt trong” của cô hàng xóm đang “ngước mắt” nhìn trời xuân.

+ Khổ 2: Hình ảnh Mưa tạnh, giời quang, nắng mới hoe, lá nõn, nhành non đã gợi lên sắc xuân và sức xuân kì diệu. Cảnh xuân càng trở nên rộn ràng, vui tươi và hồn nhiên khi xuất hiện “Từng đàn con trẻ chạy xum xoe”.

=> Cảnh xuân càng trở nên ý vị đậm đà.

+ Khổ 3: Hình ảnh ẩn dụ, so sánh “lúa con gái mượt như nhung” làm nổi bật vẻ tươi non đầy sức sống của cánh đồng lúa. Vườn tược, xóm thôn nở trắng màu hoa cam, hoa bưởi “ngào ngạt hương bay”. Mùi thơm nồng nàn, quấn quít “bướm vẽ vòng”.

=> Nguyễn Bính đã đem cái tình yêu mùa xuân, yêu làng mạc đồng quê để viết nên những câu thơ tuyệt bút về hương hoa, về bướm hoa trong mùa xuân

Cảnh đi trẩy hội mùa xuân:

+ Hình ảnh “Một đôi cô”“yếm đỏ khăn thâm” đi trẩy hội chùa -> gợi tả nét đẹp truyền thống duyên dáng, tươi xinh

+ Các cụ già, bà già “tóc bạc” lưng còng, tay chống gậy trúc, vừa đi vừa lần tràng hạt, miệng lầm rầm tụng nam mô.

=> Cảnh trẩy hội xuân vừa tưng bừng náo nhiệt, vừa dân dã hồn hậu đáng yêu.

2.2.2. Tính độc đáo của các phương diện ngôn từ:

– Hình ảnh giản dị, gần gũi, ngôn ngữ thơ trong sáng, mộc mạc

– Biện pháp tu từ: nhân hóa, so sánh, ẩn dụ quen thuộc, mang hơi thở của ca dao, dân ca

2.3. Phân tích, đánh giá nét hấp dẫn riêng của bài thơ so với những sáng tác khác cùng đề tài, chủ đề, thể loại

– Bài thơ là bức tranh xuân với hình ảnh thiếu nữ má hồng, mắt trong, duyên dáng đi hội chùa làng.

– Cảnh xuân, tình xuân được nhà thơ nói đến rất bình dị, mộc mạc, rất thân thuộc.

2,0
3. Kết bài: Khẳng định giá trị tư tưởng và giá trị thẩm mĩ của bài thơ 0,25
d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ

0,5
Lưu ý: Hs có thể trình bày theo cách riêng đảm bảo làm nội bật giá trị nội dung, nghệ thuật của bài thơ  
TỔNG ĐIỂM 10,0

 

Bài viết tham khảo

 

Mùa xuân đến tự bao giờ, thơ xuân có tự bao giờ nhỉ? Có lẽ đây là một câu hỏi không có câu trả lời vì mỗi chúng ta khi sinh ra đã có mùa xuân, đã có thơ xuân. Nếu như trong cuộc sống này không có mùa xuân không có thơ xuân thì có lẽ cuộc đời sẽ trở nên buồn tẻ biết bao. Có thể thấy, mùa xuân đã trở thành đề tài rất quen thuộc với mỗi chúng ta. Mùa xuân cũng đã khơi nguồn cho biết bao nhà văn nhà thơ, chúng ta có “Mùa xuân xanh”, “Mùa xuân chín” và không thể không nhắc đến những vần thơ say mê lòng người trong bài thơ “Xuân về” của Nguyễn Bính. Bài thơ để lại ấn tượng trong lòng người đọc bao thế hệ với những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật.

Nguyễn Bính (1918 – 1966) quê gốc ở tỉnh Nam Định. Ông làm thơ năm 13 tuổi, là một trong những gương mặt tiêu biểu của Phong trào Thơ Mới 1932 – 1945. Nguyễn Bính được coi là “thi sĩ của đồng quê”. Thơ ông mang đến cho người đọc những hình ảnh thân thương của quê hương, đất nước, tình người đằm thắm, thiết tha cùng lối ví von mộc mạc, duyên dáng, mang phong vị dân gian. Bài thơ Xuân về trích trong tập Tâm hồn tôi (1940) là một tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật thơ Nguyễn Bính.

Bài thơ được viết theo thể thơ 7 chữ, thể hiện cảm xúc của nhân vật trữ tình trước bức tranh thiên nhiên và cuộc sống con người khi trời đất chuyển mùa sang xuân. Với giọng điệu nhẹ nhàng, ngọt ngào, sâu lắng, bài thơ đã đưa người đọc hôm nay về những hoài niệm của mùa xuân xưa, trong trẻo, hồn nhiên. Nhan đề “Xuân về” thể hiện rõ ràng cảm nhận của tác giả về sự thay đổi cảnh sắc, con người khi không khí mùa xuân đang ngập tràn khắp đất trời. Biện pháp tu từ nhân hóa được sử dụng trong nhan đề bài thơ với từ “về”. Từ “về” gợi một cảm giác thân thương gần gũi, thông thường “về” được sử dụng để nói về việc quay trở lại nơi ta đã từng gắn bó như “về quê” hay “về nhà”.  Nhan đề “Xuân về” gợi ấn tượng về một mùa xuân Hiện lên thật gần gũi thân thương gắn bó với mỗi con người cách nói cũng gây ấn tượng mạnh đối với người đọc người nghe. Mạch cảm xúc của trong bài thơ đi từ những rung động trước vẻ đẹp của khung cảnh thiên nhiên vào xuân đến những xao xuyến trước cảnh trẩy hội đón xuân về nô nức phấn khởi của tất cả mọi người.

Voltaine đã từng nói: “Thơ là âm nhạc của tâm hồn, nhất là với những tâm hồn cao cả, đa cảm”. Thơ ca chỉ bật ra thành lời khi cảm xúc của người nghệ sĩ thăng hoa và có sức lay động đến trái tim bạn đọc. Trong bài thơ “Xuân về”, niềm vui, niềm hân hoan, hứng khởi của thi sĩ khi xuân về được thể hiện qua những cảm nhận mới mẻ về khung cảnh mùa xuân tươi đẹp. Cảnh sắc mùa xuân biến đổi qua từng khổ thơ.

Khổ thơ thứ nhất tái hiện một bức tranh mùa xuân tình tứ, tươi tắn khi ngọn gió đông báo hiệu xuân sang thổi tới:

Đã thấy xuân về với gió đông,

Với trên màu má gái chưa chồng.

Bên hiên hàng xóm, cô hàng xóm

Ngước mắt nhìn giời, đôi mắt trong.

Cụm từ “đã thấy” thể hiện những cảm nhận rõ rệt của thi nhân về về mùa xuân. Ngọn gió đông, gió thổi từ phương Đông tới là tín hiệu báo xuân sang mang theo sự ấm áp trong lành của mùa xuân. Mùa xuân còn hiện lên trên “màu má gái chưa chồng”. Hình ảnh mùa xuân mới tràn đầy sức sống trẻ trung ngọt ngào. Không những thế Nguyễn Bính còn miêu tả mùa xuân về trong ánh mắt “cô hàng xóm”. Đôi mắt trong trẻo ngây thơ đang ngước lên nhìn trời thể hiện sự mong nhớ đợi chờ của người con gái đến tuổi tập kê. Cứ như vậy khung cảnh mùa xuân được miêu tả với vẻ tươi tắn trong lành ngọt ngào đầy tình ý.

Khổ thơ thứ hai, mùa xuân về với những hình ảnh đặc trưng:

Từng đàn con trẻ chạy xun xoe,

Mưa tạnh giời quang, nắng mới hoe.

Lá nõn, nhành non ai tráng bạc ?

Gió về từng trận, gió bay đi…

Khung cảnh thiên nhiên yên bình, trong trẻo với hình ảnh: Mưa tạnh, giời quang, nắng mới hoe, lá nõn, nhành non. Bầu trời quang quẻ, sáng sủa sau trận mưa xuân đầu mùa, ánh nắng hửng lên hoe vàng. Mùa xuân cũng là mùa cây cối đâm chồi nảy lộc, hoa lá tươi non. Câu thơ “Từng đàn con trẻ chạy xum xoe” cho thấy bầu không khí tươi vui, rộn ràng, nhộn nhịp đón xuân của lũ trẻ hồn nhiên đang nô đùa. Sự chuyển động của gió về, gió bay đi gợi liên tưởng đến những bước đi của mùa xuân, thoắt ẩn, thoắt hiện.  Cảnh sắc toát lên sắc xuân, sức xuân kì diệu.

Cảnh sắc một vùng quê bình yên khi xuân sang tiếp tục được tái hiện trong khổ thơ thứ 3:

Thong thả, dân gian nghỉ việc đồng,

Lúa thì con gái mượt như nhung

Đầy vườn hoa bưởi, hoa cam rụng,

Ngào ngạt hương bay, bướm vẽ vòng.

Sau những vụ mùa vất vả, Tết đến, xuân về là lúc nông nhàn, người nông dân được nghỉ ngơi, thư thả. Hình ảnh ẩn dụ, so sánh “lúa con gái mượt như nhung” làm nổi bật vẻ tươi non đầy sức sống của cánh đồng lúa. Cánh đồng lúa đương thì con gái toát lên vẻ đẹp của quê hương. Vườn tược, xóm thôn nở trắng màu hoa cam, hoa bưởi “ngào ngạt hương bay”. Mùi thơm nồng nàn, quấn quít “bướm vẽ vòng”. Nguyễn Bính đã đem cái tình yêu mùa xuân, yêu làng mạc đồng quê để viết nên những câu thơ tuyệt bút về hương hoa, về bướm hoa trong mùa xuân.

Trong khổ thơ cuối cùng, Nguyễn Bính đã đưa người đọc đến với một lễ hội truyền thống ở các làng quê vào dịp Tết đến, xuân về.

Trên đường cát mịn, một đôi cô,

Yếm đỏ, khăn thâm, trẩy hội chùa.

Gậy trúc dắt bà già tóc bạc,

Tay lần tràng hạt, miệng nam vô.

Lễ hội mùa xuân là dịp để các chàng trai, cô gái gặp gỡ, hò hẹn, cùng nhau lên chùa thắp hương cầu bình an, cầu hạnh phúc. Hình ảnh những “Một đôi cô”“yếm đỏ khăn thâm” đi trẩy hội chùa gợi tả nét đẹp truyền thống duyên dáng, tươi xinh. Các cụ già, bà già “tóc bạc” lưng còng, tay chống gậy trúc, vừa đi vừa lần tràng hạt, miệng lầm rầm tụng nam mô. Cảnh trẩy hội xuân vừa tưng bừng náo nhiệt, vừa dân dã hồn hậu đáng yêu. Khoảnh khắc xuân về khiến vạn vật hồi sinh, con người thấy lòng bình yên trở lại.

Qua bốn khổ thơ trên, người đọc cảm nhận được niềm vui, hân hoan, phấn khởi khi xuân về. Bài thơ sử dụng hình ảnh giản dị, gần gũi, gắn bó với cuộc sống hàng ngày, hiện diện trên các miền quê của đất nước: lúa thì con gái, hoa bưởi, hoa cam rụng…hình ảnh những cô gái trong trang phục: yếm đỏ, khăn thâm, những cụ bà tay chống gậy trúc đi lễ chùa… Lời thơ trong sáng, mộc mạc mang hơi thở của ca dao, dân ca, thấm đẫm hồn quê Việt. Bên cạnh đó là những biện pháp tu từ: so sánh, ẩn dụ, nhân hóa khiến khung cảnh trở nên sống động, có linh hồn.

Cùng viết về đề tài mùa xuân có rất nhiều bài thơ đã được bạn đọc yêu mến: “Mùa xuân chín” của Hàn Mặc Tử, “Mưa xuân” – Anh Thơ, “Chợ Tết” – Đoàn Văn Cừ, “Mùa xuân nho nhỏ” – Thanh Hải. Điểm ấn tượng ở bài thơ “Xuân về” là một khung cảnh bức tranh xuân trong trẻo, tình tứ, với hình ảnh thiếu nữ má hồng, mắt trong, duyên dáng đi hội chùa làng. Cảm xúc của nhân vật trữ tình trong bài thơ không nồng nàn mà dịu nhẹ mộc mạc, thoang thoảng như hương hoa bưởi, hoa cam. Bài thơ khơi gợi những xúc cảm về một mùa xuân tươi mới, ngọt ngào nơi làng quê thanh bình, yên ả, nơi những nét đẹp truyền thống vẫn giữ vẹn dáng vẻ nguyên sơ.

Những dòng thơ đã khép lại nhưng những giá trị đẹp đẽ của bài thơ “Xuân về” vẫn để mãi dư âm trong lòng người đọc. Bài thơ thể hiện sự tinh tế, nhạy cảm của thi nhân trước khung cảnh đất trời vào xuân, từ đó khơi gợi trong lòng người đọc khát vọng chung tay bảo vệ những cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc.

 

, ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *