Đề thi theo SGK mới Bánh trôi nước Hồ Xuân Hương

VIẾT VĂN BẢN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT TÁC PHẨM THƠ

BỘ KẾT NỐI

Đề bài

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

                                     Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son

(Bánh trôi nước – Hồ Xuân Hương)

    Câu 1. Bài thơ trên được viết theo thể thơ nào?

    Câu 2. Xác định nhân vật trữ tình trong bài thơ trên?

    Câu 3. Tìm cặp từ trái nghĩa trong bài thơ?

    Câu 4: Tìm cặp quan hệ từ có trong câu thơ cuối.

    Câu 5. Tìm và nêu tác dụng của thành ngữ trong bài thơ?

    Câu 6. Nêu nội dung bài thơ.

    Câu 7. Tìm hai ví dụ trong ca dao mở đầu bằng motip “Thân em”

    Câu 8: Từ nội dung bài thơ, em có suy nghĩ gì về thân phận người phụ nữ xưa và nay?

 

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Em hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) đánh giá nội dung và nghệ thuật của bài thơ trên.

HƯỚNG DẪN CHẤM

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Câu 1 (0,5 điểm).  Bài thơ trên được viết theo thể: Thất ngôn tứ tuyệt.

     Câu 2 (0,5 điểm).  Nhân vật trữ tình trong bài thơ là: “Em”- người phụ nữ xưa

     Câu 3 (0,5 điểm)

        Cặp từ trái nghĩa trong bài thơ:

              Rắn/ nát

              – nổi/ chìm

     Câu 4 (0,5 điểm).

         Cặp quan hệ từ có trong 2 câu cuối bài thơ là:  “Mặc dầu- mà”

     Câu 5 (1.0 điểm).  .

Thành ngữ: bảy nổi ba chìm

Tác dụng: nhấn mạnh thân phận chìm nổi, bấp bênh, lệ thuộc của người phụ nữ Việt Nam xưa.

Câu 6 (1.0 điểm).  

Nội dung bài thơ:  Bài thơ là lời tâm sự của người phụ nữ xưa về thân phận lệ             thuộc, bấp bênh của họ nhưng cũng thể hiện những phẩm chất tốt đẹp của họ. Dù cho hoàn cảnh ra sao, người phụ nữ thời phong kiến vẫn giữ tấm lòng son sắt, thủy chung.

     Câu 7 (1.0 điểm).  

               Hai bài ca dao mở đầu bằng motip “Thân em”:

Thân em như dải lụa đào

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai

Thân em như hạt mưa sa

Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày

      Câu 8  (1.0 điểm).  

– Cuộc đời, số phận của người phụ nữ xưa: khổ cực, lận đận, truân chuyên, lệ thuộc

– Cuộc đời của người phụ nữ ngày nay:  bình đẳng với nam giới, họ có chỗ đứng trong xã hội và tự định đoạt cuộc đời, số phận của mình.

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Dàn ý

Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm.

– Hồ Xuân Hương được mệnh danh là “bà chúa thơ Nôm”.

– Bánh trôi nước là một trong bài thơ hay nhất của bà.Nữ sĩ mượn chiếc bánh trôi để thể hiện vẻ đẹp hình thể và tâm hồn của người con gái có thân phận nhỏ nhoi, chìm nổi, phụ thuộc mà vẫn giữ trọn phẩm giá của mình.

 

Thân bài: Phân tích, đánh giá những nét đặc sắc, độc đáo của bài thơ:

 

* Phân tích, đánh giá mạch ý tưởng, cảm xúc của nhân vật trữ tình:

– Bài thơ tứ tuyệt xinh xắn chỉ gồm có bốn câu thơ. Câu thơ đầu giới thiệu về chiếc bánh trôi cùng những đặc trưng của nó. Câu thơ thứ hai tiếp nối mạch ý, làm rõ quá trình làm ra chiếc bánh phải chịu cảnh “Bảy nổi ba chìm”. Câu thơ thứ 3 bất ngờ chuyển ý sang chỉ số phận long đong lệ thuộc vào người làm ra bánh. Câu 4 kết thúc với lời khẳng định mạnh mẽ, dù hoàn cảnh có thế nào, bánh vẫn giữ nguyên màu đỏ son như tấm lòng người phụ nữ chung thủy. Có thể nói kết cấu bài thơ vừa tự nhiên vừa chặt chẽ, tạo nên tính hàm súc “ý tại ngôn ngoại” điển hình của một bài thơ tứ tuyệt.

* Phân tích đánh giá sự phát triển của hình tượng chính và tính độc đáo của các phương diện ngôn từ

 

+ Sự phát triển của hình tượng chính

– Hình ảnh Chiếc bánh trôi “vừa trắng lại vừa tròn” gợi ra một thân hình đầy đặn, nước da trắng hồng. Đó là chuẩn mực của người phụ nữ đẹp trong xã hội xưa.

–  Xinh đẹp là vậy, nhưng cuộc đời lại nhiều bất hạnh. Thành ngữ “bảy nổi ba chìm” đã ẩn dụ cho một cuộc đời vất vả, gặp nhiều gian truân.

– Câu thơ “rắn nát mặc dầu tay kẻ nạn” lại gợi về số phận phải phụ thuộc vào người khác, không được tự mình quyết định.

– Nhưng dù có chịu nhiều bất hạnh, người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương vẫn gìn giữ được tâm hồn cao quý: “Mà em vẫn giữ tấm lòng cuộc đời có khó khăn, khổ cực thì họ vẫn giữ được tấm lòng thủy chung, son sắc của người con gái.

-Như vậy nhờ sáng tạo hình ảnh thơ độc đáo là chiếc bánh trôi mà thi phẩm đã gợi lên bao điều sâu sắc về vẻ đẹp và số phận của người phụ nữ xưa.

+  Tính độc đáo của các phương diện ngôn từ:

Hồ Xuân Hương khai khác triệt để ngôn từ thuần Việt: trắng, tròn, rắn, nát, chìm nổi. Cặp quan hệ từ “Vừa…vừa” mang hàm nghĩa bổ sung lẫn nhau để tôn vinh cả vẻ đẹp hình thức lẫn tâm hồn người phụ nữ. Hồ Xuân Hương cũng đã đảo lại thành ngữ quen thuộc Ba chìm bảy nổi thành bảy nổi ba chìm đối lập với vừa trắng lại vừa tròn, tạo sự bất ngờ và tô đậm thêm sự bất hạnh của người phụ nữ. Từ “vẫn” thể hiện sự khẳng định, quả quyết vượt lên số phận để giữ tấm lòng son. Chính những sáng tạo độc đáo về mặt ngôn ngữ đó đã góp phần chuyển tải thông điệp bài thơ.

* Phân tích, đánh giá nét hấp dẫn riêng của bài thơ so với những sáng tác khác cùng đề tài, chủ đề, thể loại

-Bài thơ chịu  ảnh hưởng từ ca dao thông motip quen thuộc “thân em”. Người phụ nữ xưa đã bao lần phải than thở về cuộc đời, số phận của họ. Tất cả đều bắt đầu bằng “Thân em”: “Thân em như tấm lụa đào

Phất phơ giũa chợ biết vào tay ai?”

Sự độc đáo sáng tạo này nằm ở chỗ cách nói “chẳng giống ai” của bà. Người xưa có thể ví người phụ nữ với dải lụa đào, hạt mưa nhưng nữ sĩ họ Hồ đã ví với  chiếc bánh trôi dân dã, mộc mạc.

­- Không sử dụng nhiều từ Hán Việt gợi sắc thái trang trọng đài các nhưng có phần xa lạ như trong thơ Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương khai khác triệt để ngôn từ thuần Việt.

Kết bài: Khẳng định giá trị tư tưởng và giá trị thẩm mĩ của bài thơ.

 

Bài viết tham khảo

Không phải ngẫu nhiên mà Rasul Gamzatov đã từng tâm niệm rằng: “Thơ ca bắt nguồn từ những âm vang của tâm hồn”. Thật vậy, thi ca muôn đời là nơi bộc lộ những trở trăn, những thổn thức của trái tim người nghệ sĩ trước cuộc đời. Đến với thế giới nghệ thuật thơ của Hồ Xuân Hương, người đọc cũng sẽ bắt gặp những trăn trở đầy thổn thức của một người phụ nữ mạnh mẽ cá tính nhưng cũng rất nữ tính và luôn khao khát về hạnh phúc.  “Bánh trôi nước” là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất của bà. Qua bài thơ, nữ sĩ đã gợi lên niềm kiêu hãnh, tự hào về vẻ đẹp của người phụ nữ.

      Nhan đề “Bánh trôi nước” thật độc đáo. Bánh trôi vốn là một món ăn bình dị quen thuộc của người Việt Nam. Thứ bánh bình dị ấy được làm bằng bột nếp, qua bàn tay khéo léo của người làm bánh sẽ trở thành những viên bánh trôi xinh xắn tròn trịa, nhân bằng đường đỏ. Bánh khi nặn xong được thả vào nồi nước sôi, trải qua “Bảy nổi ba chìm”, bánh chín dẻo thơm và mang hương vị ngọt ngào của làng quê bình dị. Nhưng điều đáng chú ý là, từ chiếc bánh quen thuộc của dân gian, nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã gửi vào đó tâm tình, gợi lên bao liên tưởng về phẩm chất và số phận của người phụ nữ xưa.

Bài thơ tứ tuyệt xinh xắn chỉ gồm có bốn câu thơ. Câu thơ đầu giới thiệu về chiếc bánh trôi cùng những đặc trưng của nó. Câu thơ thứ hai tiếp nối mạch ý, làm rõ quá trình làm ra chiếc bánh phải chịu cảnh “Bảy nổi ba chìm”. Câu thơ thứ 3 bất ngờ chuyển ý sang chỉ số phận long đong lệ thuộc vào người làm ra bánh. Câu 4 kết thúc với lời khẳng định mạnh mẽ, dù hoàn cảnh có thế nào, bánh vẫn giữ nguyên màu đỏ son như tấm lòng người phụ nữ chung thủy. Có thể nói kết cấu bài thơ vừa tự nhiên vừa chặt chẽ, tạo nên tính hàm súc “ý tại ngôn ngoại” điển hình của một bài thơ tứ tuyệt.

Đọc bài thơ, điều bạn đọc dễ dàng nhận thấy đầu tiên là ảnh hưởng từ ca dao thông motip quen thuộc “thân em”. Người phụ nữ xưa đã bao lần phải than thở về cuộc đời, số phận của họ. Tất cả đều bắt đầu bằng “Thân em”:

“Thân em như tấm lụa đào

Phất phơ giũa chợ biết vào tay ai?”

Hay:

Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào giếng nước hạt ra ruộng cày”

 

Thế nhưng, người tinh tế và say mê cái đẹp trong các thi phẩm của “Bà chúa thơ Nôm” vẫn có thể nhận ra sự khác lạ độc đáo trong cùng một motip quen thuộc. Sự độc đáo sáng tạo này nằm ở chỗ cách nói “chẳng giống ai” của bà. Người xưa có thể ví người phụ nữ với dải lụa đào, hạt mưa nhưng ít ai dám ví như chiếc bánh trôi dân dã. Vậy mới thấy, dù đi cùng một con đường song nhà thơ vẫn dành cho mình một khoảng trời thật khác biệt, phải chăng đó cũng là bản chất sáng tạo của thơ ca mà bao người đã nhắc đến“Thơ là thơ, đồng thời là hoạ, là nhạc, là chạm khắc theo một cách riêng.” (Sóng Hồng)
                          Bài thơ làm theo thể thất ngôn tứ tuyệt truyền thống nhưng đã có những phá cách và sáng tạo. Không sử dụng nhiều từ Hán Việt gợi sắc thái trang trọng đài các nhưng có phần xa lạ như trong thơ Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương khai khác triệt để ngôn từ thuần Việt: trắng, tròn, rắn, nát, chìm nổi. Cặp quan hệ từ “Vừa…vừa” mang hàm nghĩa bổ sung lẫn nhau để tôn vinh cả vẻ đẹp hình thức lẫn tâm hồn người phụ nữ. Hồ Xuân Hương cũng đã đảo lại thành ngữ quen thuộc Ba chìm bảy nổi thành bảy nổi ba chìm đối lập với vừa trắng lại vừa tròn, tạo sự bất ngờ và tô đậm thêm sự bất hạnh của người phụ nữ. Từ “vẫn” thể hiện sự khẳng định, quả quyết vượt lên số phận để giữ tấm lòng son. Chính những sáng tạo độc đáo về mặt ngôn ngữ đó đã góp phần chuyển tải thông điệp bài thơ.

Thơ là một bức họa để cảm nhận thay vì để ngắm. (Leonardo DeVinci). Thơ là phương thức trữ tình, là tiếng nói của tình cảm, cảm xúc được thể hiện bằng một cấu tạo ngôn ngữ đặc biệt, đặc trưng ngôn ngữ thơ giàu tính tạo hình, thơ có thể gợi lên trong tâm trí người đọc những hình ảnh, chi tiết sống động, chân thực như bản thân sự sống vốn có. “Bánh trôi nước” là một thi phẩm đã sáng tạo nên nhiều hình ảnh thơ độc đáo và giàu liên tưởng. Chiếc bánh trôi “vừa trắng lại vừa tròn” gợi ra một thân hình đầy đặn, nước da trắng hồng. Đó là chuẩn mực của người phụ nữ đẹp trong xã hội xưa. Xinh đẹp là vậy, nhưng cuộc đời lại nhiều bất hạnh. Thành ngữ “bảy nổi ba chìm” đã ẩn dụ cho một cuộc đời vất vả, gặp nhiều gian truân. Câu thơ “rắn nát mặc dầu tay kẻ nạn” lại gợi về số phận phải phụ thuộc vào người khác, không được tự mình quyết định. Nhưng dù có chịu nhiều bất hạnh, người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương vẫn gìn giữ được tâm hồn cao quý: “Mà em vẫn giữ tấm lòng cuộc đời có khó khăn, khổ cực thì họ vẫn giữ được tấm lòng thủy chung, son sắc của người con gái. Như vậy nhờ sáng tạo những hình ảnh thơ độc đáo mà thi phẩm đã gợi lên bao điều sâu sắc về vẻ đẹp và số phận của người phụ nữ xưa.

Bằng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt trang trọng, hình ảnh sinh động mang nhiều liên tưởng độc đáo, Hồ Xuân Hương đã bộc lộ tâm nguyện muốn lên tiếng bênh vực cho chính mình và những người phụ nữ như mình trong tác phẩm “Bánh trôi nước” một cách rất độc đáo. Trang thơ ấy không chỉ là tiếng lòng thiết tha, sự giãi bày và gửi gắm tâm tư của nữ sĩ mà còn là sợi dây kết nối những tâm hồn đồng điệu, là khúc ca sẽ mãi ngân lên trong dòng chảy thời gian vô tận này. Đúng như quy luật tồn tại và giá trị bất hủ của thơ ca bao đời nay: “Từ bao giờ cho đến bây giờ, từ Hômerơ cho đến Kinh thi, đến ca dao Việt Nam, thơ vẫn là một sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại. Nó đã ra đời giữa những vui buồn của loài người và nó sẽ kết bạn với loài người cho đến ngày tận thế” (Hoài Thanh)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *